Chương Hai: Các Hạnh Đầu Đà

1.  Giới Thiệu

Hôm nay chúng ta bắt đầu nghiên cứu chương thứ hai, bàn về những sự thực hành kham khổ, tức là các phương pháp đầu đà. Chúng được trình bày ở đây vì sự thực hành những phương pháp đầu đà này giúp chúng ta tẩy rửa thêm đi những phiền não. Trước hết, chúng ta cần sự thanh lọc hay sự thanh tịnh giới hạnh. Thêm vào đó, chúng ta cần thực hành một số những phương pháp khổ hạnh này để chúng ta có thể ít nhất là làm giảm thiểu đi những phiền não.

Trong chương này có mười ba phương pháp đầu đà được trình bày. Trong tài liệu này có nói rằng mười ba phương pháp đầu đà này đã được Đức Phật cho phép thực hành. Trong Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) và cũng như trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) có nhắc đến những sự thực hành này. Chúng không phải là các giới điều. Chúng ta thực hành chúng không phải như là các giới điều mà như là một cái gì đó thêm vào hay bên cạnh những giới điều. Có tất cả mười ba phương pháp. Chúng được liệt kê trong sách ở đoạn văn thứ hai. Chúng là:

  1.   Hạnh y phấn tảo
  2.   Hạnh tam y
  3.   Hạnh khất thực
  4.   Hạnh khất thực từng nhà
  5.   Hạnh nhất tọa thực
  6.   Hạnh ăn bằng bát
  7.   Hạnh không nhận tàn thực, tức là không dùng thực phẩm dư thừa
  8.   Hạnh ở rừng
  9.   Hạnh ở gốc cây
  10.   Hạnh ở ngoài trời
  11.   Hạnh ở nghĩa trang
  12.   Hạnh ở chỗ nào cũng được
  13.   Hạnh ngồi (không nằm).

Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), ý nghĩa của các tên gọi được giải thích trước và rồi chính các sự thực hành được giải thích sau. Sự giải thích các tên gọi thì hầu hết có liên quan đến ngôn ngữ Pāḷi. Cho nên, sự chuyển ngữ có thể hơi vụng về hay hơi gượng gạo.

Sự thực hành đầu tiên hay phương pháp đầu tiên được gọi là ‘hạnh y phấn tảo’. Vào thời trước khi Đức Phật cho phép dùng y phục được dâng cúng bởi các thiện tín, các tu sĩ đã phải tự lượm nhặt y phục để dùng. Tức là các vị phải đi vào những nơi như đống rác hoặc mộ địa hoặc bất kỳ nơi nào và nhặt những mảnh vải bị mọi người vất đi. Các vị sẽ phải cắt bỏ những phần hư xấu. Rồi các vị dùng những phần tốt, ghép chúng lại với nhau và may vá thành một bộ y. Đó là cách các tu sĩ kiếm y phục trước khi Đức Phật cho phép y được dâng cúng bởi các tại gia cư sĩ.

Thật ra, Đức Phật đã không từ chối việc cho phép y phục của các tỳ-kheo được dâng cúng từ hàng tại gia, chỉ là vì cơ duyên chưa đến. Cho nên, Đức Phật đã không chế đặt ra luật nào. Rồi một lần nọ, lương y Jīvaka có hai mảnh vải rất tốt. Ông đã đến gặp Đức Phật và thỉnh cầu Đức Phật chấp nhận vải đó. Rồi ông đã thỉnh cầu Đức Phật cho phép các tỳ-kheo được nhận y phục dâng cúng từ hàng tại gia.  Từ lúc đó trở đi, các tỳ-kheo được phép chọn chấp nhận y dâng cúng từ hàng tại gia hoặc nhặt các mảnh vải và tự làm ra bộ y.

2.  Hạnh Y Phấn Tảo

Phương pháp đầu đà thứ nhất được gọi là hạnh y phấn tảo. Điều đó có nghĩa là nếu vị tu sĩ nguyện thực hành phương pháp đầu đà này, vị đó phải không chấp nhận y được dâng cúng từ hàng tại gia. Thay vào đó, vị đó phải lượm nhặt các nguyên liệu làm y và tự làm y cho chính mình.

Trong tài liệu này, ở đoạn văn 15, có trình bày 23 nguồn nguyên liệu có thể được dùng để tạo ra y. Loại thứ nhất là vải từ nghĩa trang. Loại thứ hai là vải từ cửa hàng và vân vân. Những điều này được miêu tả trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Hai mươi ba loại này là nguồn nguyên liệu làm y cho các tu sĩ nói chung cũng như cho những tu sĩ trì hành phương pháp đầu đà này.

Sau khi giải thích 23 nguồn nguyên liệu dùng để làm y này, tác giả giải thích về sự thực hành. Chúng ta hãy nhìn vào đoạn văn 19. “Một bộ y được dâng cúng theo cách ‘Chúng con xin dâng cúng bộ y này đến chư Tăng’ hoặc có được từ những vị đi khất y (ND: tức là đi xin y thay vì đi xin vật thực) thì không phải là y phấn tảo.”1 Đôi lúc mọi người dâng y đến chư Tăng, đến Tăng đoàn, chứ không phải cá nhân thí. Cho nên, Tăng đoàn chấp nhận những bộ y đó. Khi có đủ y để phân chia, thì sự phân chia y được tiến hành. Một bộ y, mà được dâng cúng đến Tăng đoàn và được nhận bởi vị tỳ-kheo thực hành phương pháp đầu đà này, thì không phải là y phấn tảo. Vị đó phải không được dùng y như vậy vốn được nhận như là phần chia sẻ từ Tăng chúng. 

Giả sử có mười vị tỳ-kheo sống trong một tự viện và có mười bộ y. Một trong những vị tỳ-kheo sẽ phân phát y cho những vị còn lại. Y tốt nhất sẽ về phần vị tỳ-kheo có hạ lạp cao nhất.

Rồi đôi lúc, các tu sĩ lại đi khất y. Tức là các vị đi xin hay thu nhặt y vải thay vì là vật thực. Điều thông thường là mỗi sáng chúng tôi thường đi khất thực. Chúng tôi mang bát đi vào làng hay vào thành phố để nhận hay xin vật thực. Nhưng ở đây, các vị này đi xin y vải thay vì đi xin vật thực. Y nhận được từ bất kỳ cách nào trong những cách này thì không phải là y phấn tảo.

Trong 23 loại nguyên liệu làm y hay nguồn của y phục, có một loại được nhắc đến là y của một tỳ-kheo. Tức là y được dâng/tặng/biếu từ một tỳ-kheo đến một tỳ-kheo khác đang thọ trì hạnh đầu đà này. Đối với trường hợp này, chúng ta cần phải biết một vài điều.

Trong đoạn văn này ở khoảng câu thứ hai, ngài Ñāṇamoli đã hiểu sai những từ Pāḷi. Tôi sẽ giải thích không theo bản dịch của ngài. Một tỳ-kheo được phép dâng/tặng/biếu y đến vị tỳ-kheo (khác) đang thực hành hạnh đầu đà này. Nhưng nếu vị tỳ-kheo không hành hạnh đầu đà (tức là vị tỳ-kheo này không thực hành những hạnh đầu đà) dâng/tặng/biếu y đến những vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà (tức là các vị tỳ-kheo này thực hành những hạnh đầu đà), trong quá trình dâng/tặng/biếu, nếu vị đó dâng/tặng/ biếu do vì hoặc nương theo hạ lạp cao của những vị hành hạnh đầu đà (dhutaṅga), thì y đó không phải là y phấn tảo. Vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà không được phép dùng y đó. Có những người xây dựng một tự viện hay một tòa nhà. Họ quyết định rằng họ sẽ cúng dường y phục đến các tu sĩ mà sẽ cư ngụ trong ngôi tự viện đó. Loại y này cũng không phải là y phấn tảo. Cho nên, nếu vị tỳ-kheo không hành hạnh đầu đà dâng/tặng/biếu y đến những vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà, vị đó phải dâng/tặng/biếu không phải theo hạ lạp, mà phải dâng/tặng/biếu như quà cá nhân. Đó là ý nghĩa được trình bày ở đây.

Trong bản dịch của ngài Ñāṇamoli, ngài đã hiểu sai một từ. “Và trong trường hợp y được dâng/tặng/biếu từ một vị tỳ-kheo, y mà có được (tại buổi lễ dâng y được thực hiện bởi hàng tại gia) sau các mùa An Cư.”1 Dịch như vậy là rất sai. Từ Pāḷi ở đây là ‘vassa’, có thể có nghĩa là ‘mưa’ hay cũng có nghĩa là ‘(một) năm’. Nghĩa thứ hai là ‘(một) năm’. Nó cũng có nghĩa là một năm làm tỳ-kheo (ND: 1. làm tỳ- kheo theo đúng luật, 2. từ người Việt thường dùng là ‘một hạ’). Nếu một ai đó hỏi tôi “Ngài có bao nhiêu hạ (vassa)?” Tôi sẽ trả lời là “Tôi có 41 hạ (vassa).” Điều đó có nghĩa là tôi đã làm tỳ-kheo được 41 năm (ND: làm tỳ-kheo theo đúng luật). Khi y được phân chia, chúng được phân chia theo hạ lạp. Giả sử có 100 vị tỳ-kheo nhưng chỉ có 50 bộ y. Năm mươi bộ y này được phân chia đến 50 vị tỳ-kheo cao hạ. Và việc phân chia dừng lại ở đó. Khi họ có thêm y, họ sẽ phân chia tiếp cho vị tỳ-kheo thứ 51 (ND: theo thứ tự hạ lạp) và vân vân. Đây là cách y dâng cúng dường đến Tăng chúng được phân chia như thế nào. Khi các vị phân chia, các vị phải phân chia theo hạ lạp.

Từ Pāḷi ‘vassa’ ở đây có nghĩa là số năm làm tỳ-kheo (tức là số hạ) chứ không phải là ‘tại cuối mùa mưa’. Điều này khá thú vị, nhưng cũng hơi khôi hài. Từ Pāḷi là ‘vassagga’. ‘Vassa’ có thể có nghĩa là mưa, năm hay tuổi  hạ của tỳ-kheo. ‘Agga’ có thể có nghĩa là cuối, kết thúc, nhưng nghĩa này ít dùng. ‘Agga’ có nghĩa là cạnh hay rìa. Cho nên, ngài (ND: tức là ngài Ñāṇamoli) đã suy ra nó có nghĩa là ‘bên rìa của những mùa mưa’ hay ‘điểm cuối của những mùa mưa’. Như vậy thì khá sai. Ở đây, ‘agga’ không có nghĩa là cạnh hay rìa. ‘Agga’ là cái gì đó giống như là một phần hay một số lượng, tức là số lượng ‘vassa’. Và ‘vassa’ ở đây không có nghĩa là mùa mưa, mà là số năm làm tỳ-kheo.

Như vậy, khi vị tỳ-kheo không hành hạnh đầu đà dâng/tặng/biếu y đến những vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà, vị đó phải không nên dâng/tặng/biếu dựa vào hay nương vào hạ lạp của những vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà. Vị đó phải cho những bộ y đó đi (ND: như tặng quà). Đó là trường hợp y được dâng/tặng/biếu bởi tỳ-kheo không hành hạnh đầu đà đến tỳ-kheo hành hạnh đầu đà.

Bây giờ, nếu vị tỳ-kheo không hành hạnh đầu đà nhận được bộ y khi hàng tại gia đặt bộ y đó tại chân của vị đó, chứ không phải dâng vào tay của vị đó (tức là những cư sĩ tại gia đặt bộ y tại chân của vị đó và vị nó nhặt nó lên), nếu đó là cách nhận y và vị tỳ-kheo không hành hạnh đầu đà đặt bộ y đó vào tay của vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà, thì việc này được gọi là ‘thanh tịnh một chiều’. Khi bộ y được đặt tại chân của vị tỳ-kheo, nó được gọi là ‘thanh tịnh’. Khi nó được đặt vào tay của vị tỳ-kheo, nó không được gọi là ‘thanh tịnh’. Cho nên, nó là ‘thanh tịnh một chiều’.

Rồi nếu các cư sĩ tại gia dâng y vào tay của một vị tỳ- kheo và vị tỳ-kheo đó đặt y tại chân của một vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà, điều này cũng được gọi là ‘thanh tịnh một chiều’. Nếu các cư sĩ tại gia đặt y tại chân của một vị tỳ-kheo và vị tỳ-kheo đó đưa cho vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà bằng cách đặt bộ y tại chân của vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà, thì bộ y đó được gọi là ‘thanh tịnh cả hai chiều’.

Bộ y được đặt vào tay của vị tỳ-kheo không hành hạnh đầu đà và rồi được đặt vào tay của vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà là bộ y không được tốt lắm. Để tôi xem. Nó không phải là ‘y của vị thực hành nghiêm khắc hay nghiêm túc’.

Các vị thực hành hạnh đầu đà (dhutaṅga) này được chia ra làm ba bậc: bậc thượng, bậc trung và bậc hạ. Tức là ba thứ bậc được trình bày ở đây.

“Ở đây, vị lượm nhặt y chỉ từ nghĩa trang là bậc thượng.”1 Vị này là bậc thượng. Vị này chỉ nhặt y từ nghĩa trang. Việc này thì không khả thi vào thời nay. Nó không khả thi thậm chí tại quốc gia của chúng tôi. Vào những ngày xa xưa, người ta bọc xác chết bằng vải và bỏ nó trong nghĩa trang. Xác chết đó không được chôn cũng không được thiêu. Cho nên, các tỳ-kheo có thể nhặt những tấm vải như vậy từ nghĩa trang. Cho nên, ngày nay đối với hạnh  đầu đà này, không thể có vị hành theo bậc thượng được.

“Vị lượm nhặt y của một ai đó bỏ đi (với ý nghĩ) ‘Người xuất gia sẽ nhặt nó’ là bậc trung.”2 Điều đó có nghĩa là ai đó bỏ y nơi nào đó để các vị tỳ-kheo có thể thấy, để mà khi các vị tỳ-kheo thấy nó, các vị có thể nhặt nó lên. Nếu vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà nhặt lấy bộ y này, vị đó được gọi là thuộc bậc trung.

“Vị lượm nhặt y do một vị tỳ-kheo (khác) đặt tại chân của mình là bậc hạ.”3 Cho nên, có ba bậc, tức là ba thứ hạng, trong mỗi pháp đầu đà của mười ba hạnh đầu đà này. Do đó, có ba thứ hạng phân loại dành cho các vị thực hành.

Các lợi ích của việc thực hành được trình bày ở đây. “Vị đó thật ra thực hành hòa hợp với các nhu yếu phẩm.”1 Có bốn loại nhu yếu phẩm dành cho các tỳ-kheo – y phục, vật thực, trú xứ và dược phẩm. Chúng được gọi là các nhu yếu phẩm. Khi vị tỳ-kheo phụ thuộc vào y phục nhặt lấy từ nghĩa trang và vân vân, vị đó được gọi là đang thực hành hòa hợp với sự chỉ dạy dành cho loại nhu yếu phẩm (vật dụng) này.

“Vị đó an trú vào loại di sản thứ nhất của các bậc Thượng Nhân.” Tài liệu tham khảo ở đây là A.II.27 (ND: Tăng Chi Bộ, Tập 2, trang 27 của ấn bản tiếng Pāḷi của PTS. Độc giả có thể xem Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp, Phẩm Uruvelā, Biết Đủ). Có bốn di sản của bậc thượng nhân. Đó là hài lòng với bất kỳ y phục nào có được, hài lòng với bất kỳ thực phẩm nào có được, hài lòng với bất kỳ trú xứ nào có được, và thực hành thiền. Đó là dành cho các tu sĩ. Những điều này được gọi là ‘bốn di sản của các bậc Thượng Nhân’. Ngài chú giải sư nói rằng “Vị đó an trú vào loại di sản thứ nhất của các bậc Thượng Nhân.” Đó là hài lòng với bất kỳ y phục nào có được.

3.  Hạnh Tam Y

Phương pháp đầu đà thứ hai là hạnh tam y. Có ba y dành cho các tỳ-kheo. Nếu vị tỳ-kheo chỉ dùng ba y, thì vị đó được gọi là thực hành hạnh đầu đà này. Để tôi cho các bạn xem ba y này. Đây là y nội. Đây là y vai trái. Nó lớn gấp đôi y nội. Đây là hai y chúng tôi thường dùng hằng ngày. Có một y khác nữa gọi là ‘saṅghāṭi’ trong Pāḷi. Nó có hai lớp. Chúng tôi gọi nó là ‘y tăng-già-lê’. Nó có nhiều phần hay nhiều khoang hơn là y kia. Y đó chỉ có năm phần hay năm khoang. Chúng tôi gọi chúng là ‘các khoang’. Y này có thể có khoảng 25 khoang.

Học viên: Ai làm mấy bộ y này ạ?

Giảng sư: Hiện tại, hàng tại gia cư sĩ làm và kinh doanh chúng. Y tăng-già-lê (Saṅghāṭi) thì thường được dùng làm mền. Nó có hai lớp, cho nên vào mùa đông, chúng tôi dùng nó làm mền. Đức Phật cho phép sử dụng ba y này.

Khi muốn cho phép y được sử dụng, chính Đức Phật đã sử dụng các bộ y. Những tài liệu kinh sách ghi lại rằng, vào ngày lạnh nhất trong năm, có lẽ là vào tháng Mười Hai, Ngài chỉ mặt một y có lẽ là vào buổi tối. Ngài đã thử và Ngài có thể chịu được với một y trong canh đầu. Rồi Ngài cảm thấy lạnh. Cho nên, Ngài đắp thêm một y nữa. Ngài đã có thể giữ cho cơ thể mình ấm cho đến canh hai. Rồi Ngài đắp thêm một y nữa. Y đó có thể giữ cho cơ thể Ngài ấm cho đến canh ba. Vào cuối canh ba, Ngài lại cảm thấy lạnh. Cho nên, Ngài đắp thêm một y nữa. Do đó, có tất cả bốn y. Các tỳ-kheo được phép dùng bốn y này. Bốn y này trở thành ba, vì hai y được ghép thành một. Hiện tại, chúng tôi có ba y. Vị tỳ-kheo chỉ dùng ba y – không có y nào thêm, không có y để thay đổi – được gọi là vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà (dhutaṅga) này.

Học viên: Tôi có một câu hỏi. Nếu một ai đó muốn trở thành tu sĩ và muốn sống đời sống nghiêm ngặt (ND: như hành hạnh tam y), điều đó có lẽ rất khó. Đức Phật đã không sống tại Alaska (ND: một tiểu bang của Mỹ nơi mà khí hậu rất lạnh và khắc nghiệt). 

Giảng sư: Đúng vậy. Các bạn thấy là hiện tại tôi đang mặc thêm cái áo này và đội cái nón này. Tôi sẽ chẳng bao giờ dùng những thứ này tại Miến Điện đâu. Chúng ta phải sống thích nghi với thời tiết tại nơi chúng ta ở. Đức Phật đã sống tại Ấn Độ. Ấn Độ không có lạnh như Hoa Kỳ hoặc như Alaska. Chúng ta phải chỉnh sửa một chút một vài điều Ngài đã dạy.

Có lẽ ý tưởng ở đây là số lượng y phục tối thiểu các bạn có thể sống cùng với. Ý nghĩa ở đây là tối thiểu. Một vài vị tỳ-kheo có lẽ có đến mười hoặc mười hai bộ tam y như vậy. Thật ra thì không cần thiết phải có nhiều đến như vậy. Nhu cầu thiết yếu các bạn cần ở đây chỉ là một bộ tam y. Ý nghĩa ở đây là như vậy.

Vào những ngày cổ xưa, các tỳ-kheo phải tự nhuộm y. Tại thời điểm nhuộm y, trước hết, vị tỳ-kheo nhuộm y nội (hay còn được gọi là y dưới) hoặc y vai trái (hay còn được gọi là y trên). Y nội có nghĩa là y nhỏ nhất. Sau khi nhuộm xong một trong hai y, vị đó nên mặc nó quanh vùng thắt lưng và nhuộm cái còn lại. Tức là khi nhuộm y, vị đó mặc một y và rồi nhuộm một y. Hai y này có thể được mặc như là y trên hoặc là y dưới tại lúc đó. Sau khi nhuộm xong, vị đó mặc y đã nhuộm và nhuộm y còn lại và vân vân (ND: Điều này có nghĩa là trong khi nhuộm y, y nội và y vai trái có thể được dùng quấn quanh thắt lưng để che phần dưới như là y nội. Tức là vị tỳ-kheo mặc một trong hai y này để che phần dưới và nhuộm y còn lại. Sau khi nhuộm xong y đó thì dùng nó che phần dưới và nhuộm y kia. Vị tỳ-kheo không được phép dùng y tăng-già-lê quấn quanh thắt lưng để che phần dưới (như được nhắc đến ở dưới đây)).

Điều này được nhắc đến ở đây trong đoạn văn 24. ‘Y có nhiều mảnh’ là chỉ cho y tăng-già-lê (saṅghāṭi). “Nhưng vị đó không được phép mặc y có nhiều mảnh quanh thắt lưng.”1 Y này không được phép sử dụng làm y nội (hay y dưới) thậm chí là chỉ dùng tạm thời. Y tăng-già-lê (saṅghāṭi) không nên được sử dụng làm y nội vào bất kỳ  lúc nào. “Đây là nhiệm vụ phải làm khi đang cư trú trong làng.”2 Điều đó có nghĩa là trong làng hoặc gần làng. “Nhưng vị đó được phép giặt và nhuộm cả hai y (ND: tức  là y nội và y vai trái) cùng một lúc nếu ở trong rừng.”3 Vị đó có thể không mặc gì cả, nhưng vì ở trong rừng, nên vị  đó có thể làm như vậy được. “Tuy nhiên, vị đó nên ngồi ở nơi gần (các bộ y) để, nếu vị đó thấy có người lạ, vị đó có thể kéo y vàng phủ lên người.”

Học viên: Tại sao màu này lại được sử dụng?

Giảng sư: Tôi nghĩ màu này thì dễ tìm kiếm và nó được xem là thích hợp cho những vị xuất gia từ bỏ đời sống gia đình. Màu này thật ra là giữa màu vàng và màu nâu. Không có màu cụ thể được nhắc đến, nhưng nó phải không là màu vàng chói. Nó phải không là màu xanh da trời. Nó phải là giữa màu vàng và màu nâu. Chúng tôi lấy chất nhuộm từ vỏ của một loại cây hoặc từ phần lõi của cây mít. Tôi có hỏi mọi người ở đây (ND: tức là ở Hoa Kỳ, khu vực ngài Sīlānanda thuyết giảng những điều này) xem họ có biết cây mít là gì không và họ nói là không. Trái mít thì tương tự như là trái sa-kê5. Vỏ ngoài của trái mít có gai, nhưng không nhọn lắm. Nó là một loại trái cây vùng nhiệt đới. Lõi trong của cây đó có màu nâu đậm. Chúng tôi lấy lõi trong đó, bằm nó ra thành những mảnh nhỏ và nấu lên. Từ đó, chúng tôi có được chất nhuộm. Khi tấm vải được nhuộm với chất nhuộm đó, màu nó sẽ giống như màu của những bộ y này.

Vị tỳ-kheo thực hành hạnh đầu đà này có thể có thêm y thứ tư hay nói cách khác là một miếng vải thứ tư. Nó được nhắc đến ở đây. Nó được gọi là vải choàng vai1. Đó chỉ là một miếng vải, rộng một gang (vitthārato vidatthi) và dài ba cánh tay (dīghato tihattha). Nó là một miếng vải để choàng quanh cơ thể – để giữ ấm và cũng ở hút mồ hôi, không cho mồ hôi làm ướt y bên ngoài. Cho nên, chỉ có loại y thứ tư này là được phép dùng đối với vị tỳ-kheo này.

4.  Hạnh Đi Khất Thực

Hạnh đầu đà tiếp theo là hạnh đi khất thực. Nếu vị tỳ- kheo thực hành hạnh này, vị đó phải đi khất thực hàng ngày. Vị đó phải không được nhận lời mời thọ thực nào cả. Có mười bốn loại thực phẩm không được phép nhận. Trong đoạn văn 27, vị hành hạnh khất thực này không nên chấp nhận mười bốn loại thực phẩm sau: bữa ăn được dâng cúng đến Tăng chúng, bữa ăn được dâng cúng đến những vị tỳ- kheo được chỉ định (Có một vị tỳ-kheo có trách nhiệm chỉ định các tỳ-kheo đi nhận thực phẩm. Vị đó có thể chỉ định một vị tỳ-kheo cụ thể nào đó nhận thực phẩm tại nhà của một cư sĩ cụ thể nào đó. Loại thực phẩm đó được gọi là thực phẩm được dâng cúng đến vị tỳ-kheo được chỉ định), bữa ăn được mời, bữa ăn được dâng cúng bằng phiếu ăn (tức là theo phiếu phát), bữa ăn mỗi nửa tháng (Điều đó có nghĩa là một lần mỗi nửa tháng. Một vài người dâng cúng vật thực mỗi nửa tháng), bữa ăn được dâng cúng vào mỗi ngày Bố-tát (Uposatha) (tức là cũng giống như trên, nhưng xảy ra vào ngày trăng tròn – ND: ngày 15, và ngày trăng mới – ND: ngày 29 hoặc 30), bữa ăn mỗi ngày đầu nửa tháng (tức là một ngày sau ngày trăng tròn – ND: ngày 16, và ngày sau ngày trăng mới – ND: ngày 1), bữa ăn được dâng cúng đến những vị tỳ-kheo đến từ xa, bữa ăn được dâng cúng đến những vị tỳ-kheo sắp đi xa, bữa ăn được dâng cúng đến những vị tỳ-kheo bị bệnh, bữa ăn được dâng cúng đến những vị tỳ-kheo đang chăm sóc những vị tỳ- kheo bị bệnh, bữa ăn được dâng cúng đến một trú xứ cụ thể (tức là một tự viện (vihāra) cụ thể), bữa ăn được dâng cúng tại ngôi nhà chính yếu (tức là ngôi nhà đầu tiên trong làng), và bữa ăn được cúng dường theo thứ tự (tức là mọi người thay phiên dâng cúng vật thực hay bữa ăn).1 Đây là mười bốn loại thực phẩm hay bữa ăn mà vị tỳ-kheo hành hạnh đầu đà (dhutaṅga) phải không được nhận. Vị đó phải đi khất thực bên ngoài và chỉ nhận vật thực từ những ngôi nhà mà vị đó đi đến.

Cũng có ba cấp bực đối với hạnh đầu đà này. “Vị tỳ kheo nghiêm khắc (ND: hành bậc thượng) nhận đồ dâng cúng cả từ phía trước và từ phía sau.” Các bạn có hiểu không? ‘Từ phía trước và từ phía sau’ có nghĩa là – giả sử vị tỳ-kheo đang đứng trước nhà này. Nếu vị đó đang đứng trước nhà này và nếu một người từ ngôi nhà ở phía sau mang thực phẩm ra dâng cúng, thì đó có nghĩa là ‘thực phẩm từ phía sau’ và ‘thực phẩm từ phía trước’ có nghĩa là thực phẩm từ nhà kế tiếp. Như vậy, vị tỳ kheo thực hành nghiêm khắc nhận đồ dâng cúng cả từ phía trước và phía sau.

“Vị đó giao bát cho những cư sĩ nhận lấy bát trong  khi vị đó đứng ngoài cổng.”2 Vị đó đứng trước cửa nhà. Mọi người bước ra và nói: “Xin ngài cho chúng con xin bát của ngài. Chúng con muốn đặt vật thực vào bát của ngài.” Vị đó sẽ giao bát của mình cho họ. Việc làm như vậy là được cho phép đối với vị đó.

“Nhưng vị đó không nhận vật thực bằng cách ngồi (và đợi vật thực được mang lại) trong ngày đó. Vị (hành bậc) trung bình cũng nhận vật thực bằng cách ngồi (và đợi vật thực được mang lại) trong ngày đó; nhưng vị đó không đồng ý hay không hứa sẽ đợi nhận vật thực mang lại cúng dường vào ngày hôm sau.”3 Vị đó không hứa sẽ đợi ngày hôm sau. “Vị dễ dãi (ND: hành bậc hạ) đồng ý hay chấp nhận thực phẩm (được mang lại để dâng cúng) vào ngày hôm sau và hôm sau đó nữa. Cả hai hạng tỳ-kheo sau bỏ lỡ hoặc bỏ mất đi thú vui của đời sống độc lập hay đời sống tự tại.”1 Các bạn biết là đôi lúc tôi không thể làm những gì tôi muốn làm vì tôi đã nhận lời mời của ai đó và tôi phải có mặt tại nơi đó. Ý nghĩa muốn nói ở đây là giống như vậy.

“Cả hai hạng tỳ-kheo sau bỏ lỡ hoặc bỏ mất đi thú vui của đời sống độc lập hay đời sống tự tại. Có lẽ có một buổi thuyết giảng về những di sản của các bậc thượng nhân tại một thị trấn nào đó. Vị hành theo bậc thượng nói với hai vị còn lại rằng: ‘Này các đạo hữu, chúng ta hãy lên đường và lắng nghe Giáo Pháp’. Một trong hai vị còn lại nói rằng: ‘Bạch ngài, một cư sĩ đã bảo tôi phải ngồi (và đợi) ở đây,’ và vị còn lại nói rằng: ‘Bạch ngài, tôi đã đồng ý hay đã hứa sẽ nhận vật thực ngày mai rồi ạ.’ Cho nên, cả hai vị đó là những người mất mát, những người thiệt thòi hoặc những người thua kém.” Cả hai đã không có được cơ hội đi thính Pháp. “Vị còn lại (ND: tức là vị hành theo bậc thượng) cứ đi khất thực vào buổi sáng và rồi vị đó đi tận hưởng hương vị của Pháp Bảo.”2

Chúng ta hãy đọc về các lợi ích. “Thật ra, vị đó thực hành hòa hợp với nhu yếu phẩm này do bởi câu nói ‘Xuất gia phụ thuộc vào việc sử dụng đồ khất thực’; vị đó an trú vào loại di sản thứ hai của các bậc Thượng Nhân; sự tồn tại của vị đó độc lập hay không lệ thuộc vào những người khác; nó là loại nhu yếu phẩm được khuyến dạy bởi Đức Thế Tôn như sau ‘Không có giá trị, dễ kiếm, không bị chê trách’; sự biếng nhác được loại bỏ; việc nuôi mạng được thanh tịnh; sự thực hành các giới điều thứ yếu của Giới Bổn Pāṭimokkha được hoàn thiện (Những giới điều thứ yếu này nói rằng các bạn phải đi khất thực. Khi các bạn đi khất thực, các bạn phải chánh niệm); vị đó không do một người khác nuôi sống (tức là vị đó không lệ thuộc vào một người khác); vị đó giúp đỡ những người khác; sự kiêu mạn được từ bỏ; sự ham muốn các vị chất được chế ngự; các giới điều

(1) về việc ăn theo nhóm, (2) về việc thay thế một lời mời đến bữa ăn với một lời mời khác, và (3) về hạnh kiểm tốt, không bị vi phạm.”

Ở đây cũng vậy, dịch giả (ND: tức là ngài Ñāṇamoli) hiểu sai một từ. Câu văn này nói đến ba giới điều hay ba điều luật dành cho các tỳ-kheo. Điều luật thứ nhất nói rằng, nếu một nhóm các tỳ-kheo được mời, họ phải không được đi chung thành một nhóm đến nhận vật thực. Họ được phép đi từng người một, chứ không được đi thành một nhóm. ‘Một nhóm’ ở đây có nghĩa là bốn vị tỳ-kheo hay nhiều hơn.

‘Việc thay thế một lời mời đến bữa ăn với một lời mời khác’ có nghĩa là nhận lời mời sau. Ví dụ, một ai đó đến gặp tôi và mời tôi dùng vật thực. Rồi một người khác đến (sau) và mời tôi dùng vật thực. Nếu tôi chấp nhận lời mời thứ hai và rồi nhận vật thực từ người thứ hai, thì tôi vi phạm điều luật này. Đó là ý nghĩa muốn nói ở đây. ‘Thay thế’ ở đây có nghĩa là không nhận vật thực từ người thứ nhất mà lại đi nhận vật thực từ người thứ hai. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải cẩn thận với những lời thỉnh mời. Việc này phải được thực hiện theo quy tắc ai thỉnh mời trước thì chấp nhận lời thỉnh mời đó. Chúng tôi không được phép thiên vị, bỏ lời thỉnh mời trước để nhận lời thỉnh mời sau.

‘Hạnh kiểm tốt’ thì thật ra không phải là hạnh kiểm tốt. Ngài Ñāṇamoli đã hiểu nhầm từ ‘carita’. Có một điều luật cấm các tỳ-kheo thăm viếng các gia đình trước hoặc sau khi dùng vật thực tại một tư gia. Giả sử tôi được thỉnh mời dùng vật thực tại một tư gia. Trước khi dùng vật thực tại tư gia đó, tôi phải không được viếng thăm một tư gia khác. Và sau khi dùng vật thực tại tư gia đó, tôi phải không được viếng thăm một tư gia khác. Nếu tôi muốn viếng thăm, tôi phải thông báo cho một vị tỳ-kheo khác biết – “Bạch ngài, tôi sẽ viếng thăm tư gia đó.” Nếu vị đó có thông báo với một vị tỳ-kheo khác ở gần, thì việc đó là không sao. Nếu không có vị tỳ kheo nào gần để thông báo hoặc vị đó không thông báo gì cả, trước hoặc sau khi dùng vật thực tại tư gia được mời, thì vị đó phạm luật. Điều luật này trong Pāḷi được gọi là ‘carita’. ‘Carita’ có thể có nghĩa là hạnh kiểm tốt. Nó cũng có nghĩa là đi đây đi đó. Ở đây dùng nghĩa thứ hai, tức là thăm viếng. Việc vi phạm ba điều luật này được đề cập đến ở đây – nhận vật thực theo nhóm, chấp nhận lời thỉnh mời sau, và thăm viếng các tư gia (khác) trước hoặc sau khi dùng vật thực tại tư gia thỉnh mời (dùng vật thực). Nếu các bạn đi khất thực hằng ngày, thì các bạn không phải lo lắng về bất kỳ điều nào trong số ba điều luật này. Các bạn sẽ không vi phạm bất kỳ điều nào trong số ba điều luật này vì các bạn không chấp nhận các lời thỉnh mời, mà các bạn chỉ đi khất thực mà thôi. Như vậy, không có việc vi phạm các điều luật này nếu các bạn hành trì hạnh đầu đà đi khất thực hằng ngày.

5.  Hạnh Khất Thực Từng Nhà

Hạnh đầu đà tiếp theo là hạnh khất thực từng nhà. Điều đó có nghĩa là nếu vị tỳ-kheo thực hành hạnh đầu đà này, vị đó phải không được bỏ qua một nhà nào. Giả sử vị đó đi khất thực trên một con đường. Nếu có mười căn hộ trên con đường đó, vị đó phải dừng lại trước cả mười căn hộ. Vị đó phải dừng lại trước từng căn hộ. Vị đó phải  không được bỏ qua căn hộ nào để đi đến căn hộ tiếp theo. Đó là ý nghĩa của cụm từ ‘khất thực từng nhà’.

Chú giải sư ở đây có trình bày một lời khuyên. Trước hết, vị đó phải nhìn kỹ xem con đường có rộng thoáng không hoặc có an toàn không. Nếu nó chật chội hoặc không an toàn, vị đó phải nên đi con đường khác. Nếu vị đó ngày nào cũng không nhận được vật thực từ một ngôi nhà cố định nào đó hoặc một vài ngôi nhà cố định nào đó, vị đó có thể xem những ngôi nhà đó là ‘không phải là nhà’. Vị đó có thể bỏ qua những ngôi nhà đó bởi vì họ không dâng cúng vật thực cho vị đó ngày nào cả. Trong trường hợp đó, vị đó có thể bỏ qua.

Chúng ta hãy xem các lợi ích trong đoạn văn 33 khoảng ở hàng thứ ba hay thứ tư. “Vị đó tránh được những nguy hại trong việc được hỗ trợ bởi một gia đình.”1 Câu  này là không đúng ở đây. Ngài (ND: tức là ngài Ñāṇamoli) luôn luôn mắc lỗi này. “Vị đó tránh được những nguy hại trong việc thường xuyên lui tới các gia đình.” Một tỳ-kheo lui tới các gia đình được xem là một tỳ-kheo xấu, một tỳ- kheo có hạnh kiểm không tốt. Nhưng nếu vị đó đi bát khất thực, vị đó không phải thăm viếng họ. Vị đó tránh được nguy hại của việc thân mật với những gia đình hay những cư sĩ tại gia.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app