13.  Tứ Thiền

Tứ thiền – “Với sự từ bỏ lạc (sukha) và khổ (dukkha) và với sự biến mất từ trước của hỷ (somanassa) và ưu (domanassa), hành giả nhập vào và an trú trong tứ thiền, vốn có thọ xả và có sự thanh tịnh của niệm được tạo ra do xả.”1

Các bạn biết là có năm loại thọ – thọ lạc (sukha), thọ khổ (dukkha), thọ hỷ (somanassa), thọ ưu (domanassa) và thọ xả (upekkhā). Thọ lạc (sukha) và thọ khổ (dukkha) gắn liền với thân xác. Nó được trải nghiệm trong tâm trí, nhưng nó phụ thuộc vào thân xác. Những loại thọ này được gọi là lạc (sukha) và khổ (dukkha). Thọ hỷ (somanassa) và thọ ưu (domanassa) là cảm thọ tinh thần, tức là cảm thọ hài lòng trong tâm và cảm thọ lo âu trong tâm.

Khi các bạn đập ngón tay của mình vào cái gì đó, có sự đau đớn ở đó. Các bạn trải nghiệm thọ khổ (dukkha) trong tâm của các bạn. Khi các bạn suy nghĩ về một chuyện gì đó và các bạn buồn rầu, có thọ ưu (domanassa) ở đó. Khi các bạn giận dữ, đó là thọ ưu (domanassa) mà các bạn có được với sự giận dữ của các bạn. Nó giống như vậy đấy.

“Với sự từ bỏ lạc (sukha) và khổ (dukkha) và với sự biến mất từ trước của thọ hỷ (somanassa) và thọ ưu (domanassa)” – khi chúng ta đọc điều này, nó sẽ làm cho chúng ta tin rằng lạc (sukha), khổ (dukkha), hỷ  (domanassa) và ưu (domanassa) được từ bỏ vào thời điểm gần với sát-na tứ thiền. Sự từ bỏ của bốn loại này (lạc (sukha), khổ (dukkha), hỷ (somanassa) và ưu (domanassa)) dường như là xảy ra trong quá trình của giai đoạn chuẩn bị cho tứ thiền. Trong giai đoạn chuẩn bị của tứ thiền, thọ hỷ (somanassa) bị loại bỏ. Trong giai đoạn chuẩn bị của sơ thiền, khổ (dukkha) bị loại bỏ. Trong giai đoạn chuẩn bị  của nhị thiền, thọ ưu (domanassa) bị loại bỏ. Trong giai đoạn chuẩn bị của tam thiền, hỷ (pīti) bị loại bỏ. Chúng bị loại bỏ tất cả tại những giai đoạn chuẩn bị của bốn tầng thiền (jhāna) này. Đó là lý do tại sao nó được miêu tả “với sự biến mất từ trước của thọ hỷ (somanassa) và thọ ưu (domanassa).” Lạc (sukha), khổ (dukkha), thọ hỷ (somanassa), và thọ ưu (domanassa) được loại bỏ trước thời điểm của tứ thiền. Trước khi đạt đến tứ thiền, có những giai đoạn chuẩn bị. Trong suốt những giai đoạn chuẩn bị này, tức là những giai đoạn chuẩn bị của sơ, nhị, tam, tứ thiền, những cảm thọ này bị loại bỏ.

Có một đoạn văn trong các bài kinh (sutta) nói rằng chúng bị loại bỏ trong giai đoạn của thiền (jhāna). Cho nên, Sớ Giải chỉ ra đoạn văn đó và cố gắng giải thích nó. Đúng là chúng bị từ bỏ trong những giai đoạn chuẩn bị. Nhưng sự từ bỏ tại đó không mãnh liệt. Sự đoạn diệt của chúng trong những giai đoạn chuẩn bị là không mạnh, hoặc không vững chắc. Nhưng tại thời điểm của thiền (jhāna), có sự từ bỏ hay sự đoạn diệt vững chắc những cảm thọ này. Đoạn văn trong bài kinh (sutta) được chỉ ra bởi nhà chú giải thì chỉ muốn nói đến loại đoạn trừ vững chắc, chứ không phải chỉ là sự đoạn trừ (đơn giản). Cho nên, hai sự trình bày này không mâu thuẫn nhau.

Trong đoạn văn 187: “Vì theo một cách tương ứng, trong giai đoạn cận sơ thiền, vốn có nhiều sự hướng tâm” – tôi không thích từ ‘nhiều’. Thật ra, nó là ‘sự hướng tâm khác (ND: tức là không giống)’, không phải là ‘nhiều’. Trong một lộ tâm, chỉ có một sự hướng tâm, hoặc là ngũ môn hướng tâm hoặc là ý môn hướng tâm. Chỉ có thể có một sự hướng tâm. Cho nên, ở đây “giai đoạn cận sơ thiền, vốn có sự hướng tâm khác” có nghĩa là giai đoạn chuẩn bị trước khi đạt đến lộ tâm thiền. Khi một người cố gắng chứng đạt thiền (jhāna), vị đó thực hành thiền. Vị đó trước hết đạt được định sơ khởi (ND: tức là định trong giai đoạn chuẩn bị) và rồi cận định. Trong giai đoạn của cận định, có những sát-na của việc chuẩn bị này. Những sát na này bao gồm một chuỗi những lộ tâm. Trong mỗi lộ tâm chỉ có một sự hướng tâm. “Giai đoạn cận sơ thiền, vốn có sự hướng tâm khác” có nghĩa là trong khi một người đang cố gắng chứng đạt sơ thiền, nhưng chưa đạt đến lộ tâm sơ thiền, thì những giai đoạn đó được gọi là giai đoạn cận thiền (jhāna) với sự hướng tâm khác. Nếu ở đó nói là với “cùng sự  hướng tâm”, thì nó có nghĩa là chính lộ tâm sơ thiền. Ở đây không nói đến lộ tâm thiền (jhāna), mà là những lộ tâm xảy ra trước lộ tâm thiền (jhāna). Mỗi trong số những lộ tâm đó có một sự hướng tâm, nhưng chúng ở trong những lộ tâm khác nhau. Có thể có nhiều lộ tâm của cận định trước lộ tâm thiền. Từ Pāḷi ‘nānā’ có thể có nghĩa là ‘nhiều’ hoặc‘khác’. Ở đây, nó có nghĩa là ‘khác’. Cho nên, ý nghĩa ở đây là ‘vốn có sự hướng tâm khác’.

“Khổ quyền (về thân) có thể sanh lên lại (‘Khổ quyền về thân’ đơn giản có nghĩa là thọ khổ) do tiếp xúc với ruồi, muỗi, vân vân.”

Trong đoạn văn 188, ‘nhiều’ cũng nên được thay thế bằng ‘sự hướng tâm khác’.

Nếu những cảm thọ này được loại trừ trong những giai đoạn chuẩn bị, thì tại sao chúng lại được nhắc đến ở đây? Cả bốn loại được nhắc đến trong đoạn văn miêu tả tứ thiền. Nhà chú giải giải thích rằng điều này được thực hiện để chúng có thể được hiểu một cách dễ dàng hay được nắm bắt một cách dễ dàng. Trong đoạn văn 190: “Nó được thực hiện để chúng có thể được nắm bắt một cách sẵn sàng.” ‘Được nắm bắt một cách sẵn sàng’ có nghĩa là được hiểu một cách dễ dàng.

“Vì thọ xả được miêu tả ở đây bởi các từ: ‘là có thọ xả’ là mơ hồ, khó nhận ra và không được nắm bắt một cách sẵn sàng (tức là không được hiểu một cách sẵn sàng).”4 Trong số các thọ, thọ xả là khó nhận thấy hay khó hiểu nhất. Thọ khổ thì hiển nhiên. Thọ lạc (sukha) thì cũng hiển nhiên. Nhưng thọ xả thì khó thấy. Mặc dầu chúng ta trải nghiệm thọ xả, nhưng chúng ta không ghi nhận được rằng đó là thọ xả. Nó rất khó hiểu, rất mơ hồ.

Ở đây, Đức Phật muốn chúng ta hiểu thọ xả trong  việc so sánh với những thọ khác. Cho nên, Ngài đã trình bày tất cả các thọ ở đây và giải thích rằng thọ này là loại khó hiểu nhất.

“Cũng như, khi một người chăn gia súc muốn bắt một con bò ngang bướng vốn hoàn toàn không thể bắt được bằng cách tiến đến gần nó, vị đó (phải) lùa tất cả gia súc vào bãi rào kín và cho chúng đi ra từng con một và rồi (tôi chỉ dùng từ ‘nói’) nói ‘Đó là nó đấy, bắt nó đi’ – tôi cũng bỏ luôn ‘và cho nên’. Nó không phải là ‘nó bị bắt’ mà là ‘bắt được nó’ – và bắt được nó”1. Điều này có nghĩa là để cho những người khác bắt con bò. Đây là con bò mà tôi muốn bắt. Bắt nó đi. Như vậy, những người khác bắt lấy  nó. Câu văn nên dịch như thế này: “Vị đó cho chúng đi ra từng con một, và rồi nói ‘Đó là nó đấy, bắt nó đi’, và bắt được nó; cũng vậy, Đức Thế Tôn nhặt lại hết tất cả [năm loại thọ] để chúng có thể được sẵn sàng nắm bắt; vì khi chúng được nêu lên một cách đầy đủ như thế này, thì cái gì không phải là thọ lạc hoặc thọ khổ hoặc thọ hỷ hoặc thọ ưu cũng có thể được nắm bắt theo cách này.” Cái gì không phải thọ lạc (sukha), thọ khổ (dukkha), thọ hỷ (somanassa), thọ ưu (domanassa) là thọ xả (upekkhā). Tứ thiền được đi cùng với thọ xả.

“Nó có sự thanh tịnh của niệm được tạo ra do bởi xả.”1 Đây là loại xả đặc biệt. Thật ra, không chỉ niệm mà tất cả các tâm sở được thanh tịnh trong thiền (jhāna) này. Cho nên, nó được nói là: “Sự giảng dạy/giáo lý (này) được trình bày dưới đầu đề của niệm hay dưới sự dẫn đầu của niệm.”2 Chỉ có niệm là được nhắc đến, nhưng chúng ta phải hiểu là tất cả những yếu tố khác được nói đến ở đây, được dẫn đầu bởi niệm.

Có thành ngữ nào được dùng để chỉ cho vấn đề này không? Các bạn có biết ý tôi muốn nói gì không? Đôi lúc, chúng ta không nói tất cả những gì chúng ta muốn nói. Nhưng chúng ta làm cho mọi người biết bằng cách nói một cái gì đó khác với điều chúng ta thật sự muốn nói. Tôi muốn các bạn hiểu rằng niệm (sati) và những yếu tố khác được thanh tịnh bởi xả. Nhưng tất cả những gì tôi nói chỉ  là: niệm được thanh tịnh bởi xả. Tôi chỉ nêu tên ‘niệm’, nhưng ý của tôi là cả niệm và những yếu tố khác. Có cách nói nào để diễn đạt như vậy không?

Học viên: Có lẽ là ‘và vân vân’.

Giảng sư: Nhưng tôi chỉ nói ‘niệm’, mà các bạn phải hiểu là niệm và những yếu tố khác. Đôi lúc chúng ta nói: ‘Tổng thống đến’. Trong thực tế, ông ta không đến một mình, nhưng chúng ta không nhắc đến những người khác. Nó giống như vậy đấy.

Học viên: Đôi lúc, chúng ta gọi là ‘viết ngắn’ hoặc ‘tóm tắt’. Chúng ta chỉ nói một ít và phần còn lại (cũng) được hiểu.

Giảng sư: Theo cách đó, chúng ta nên hiểu rằng ‘sự thanh tịnh của niệm’ thì không chỉ là sự thanh tịnh của niệm. Nó là sự thanh tịnh của niệm và những tâm sở khác.

Cho nên, bất cứ khi nào các bạn tìm thấy trong bản dịch này cụm từ ‘dưới đầu đề của’ hay ‘dưới sự dẫn đầu của’, thì nó có nghĩa là điều này. Như vậy, ‘dưới sự dẫn đầu của niệm’ có nghĩa là lấy niệm là yếu tố dẫn đầu của cái gì đó, nhưng các bạn phải hiểu là niệm và những yếu tố khác nữa.

Đây là tứ thiền. Có bao nhiêu chi thiền trong tứ thiền? Hai chi thiền, lý do là thay vì lạc (sukha), chúng ta có xả (upekkhā). Hai chi thiền là xả (upekkhā) và nhất tâm (ekaggatā). Tam thiền có hai chi thiền và tứ thiền cũng có hai chi thiền.

14.  Phương Pháp Chia Năm

Đây là phương pháp chia bốn. Có bốn tầng thiền (jhāna) theo phương pháp này. Nhưng nếu các bạn muốn trải nghiệm năm tầng thiền (jhāna), các bạn (phải) loại bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra) một cách riêng biệt. Trước hết, các bạn cố gắng loại bỏ tầm (vitakka) và rồi các bạn chứng đạt nhị thiền. Tiếp theo, các bạn cố gắng loại bỏ tứ (vicāra). Rồi các bạn chứng đạt tam thiền và vân vân. Theo cách  này, có năm tầng thiền (jhāna), chứ không phải bốn. Nhưng thật ra, chúng là giống nhau tùy thuộc vào việc hành giả loại bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra) cùng một lúc hoặc hành giả loại bỏ chúng từng chi một mỗi thời điểm.

Giả sử chúng ta có bốn tầng thiền (jhāna) bên tay trái và có năm tầng thiền (jhāna) bên tay phải. Tầng thiền thứ nhất trong phương pháp chia bốn là giống với tầng thiền thứ nhất trong phương pháp chia năm. Tầng thiền thứ hai trong phương pháp chia năm đứng một mình vì nó đã loại bỏ tầm (vitakka), cho nên, nó chẳng giống sơ thiền trong cả hai phương pháp. Nó cũng không giống nhị thiền trong phương pháp chia bốn, vốn đã loại bỏ tứ (vicāra). Nhị thiền trong phương pháp chia năm vẫn còn tâm sở tứ (vicāra). Tầng thiền thứ ba trong phương pháp chia năm là giống với tầng thiền thứ hai trong phương pháp chia bốn. Tầng thiền thứ tư trong phương pháp chia năm là giống với tầng thiền thứ ba trong phương pháp chia bốn. Tầng thiền thứ năm trong phương pháp chia năm là giống với tầng thiền thứ tư trong phương pháp chia bốn.

Các bạn sẽ tìm thấy bốn tầng thiền (jhāna) hầu hết trong các bài kinh (sutta). Các bạn sẽ rất hiếm khi tìm thấy năm tầng thiền (jhāna) được nhắc đến trong các bài kinh (sutta). Chỉ có bốn tầng thiền (jhāna) được nhắc đến trong nhiều nhiều bài kinh (sutta). Nhưng trong Thắng Pháp (Abhidhamma), cả phương pháp chia bốn và phương pháp chia năm đều được nhắc đến. Chúng ta đã kết thúc Chương Bốn.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app