SỰ NHẪN NẠI

Lẽ thường người ta chiến đấu với quân địch phải mặc thêm hộ thiết giáp mới có thể che chở được những khí giới của quân địch không chạm nhầm thân thể được như thế nào thì hành giả ra chinh chiến với quân địch là phiền não cũng phải mặc bộ thiết giáp là sự nhẫn nại (khanti) để che chở những khí giới là lời nói của kẻ khác, mới chống cự lại với quân địch là phiền não được. Sự nhẫn nại ví như bộ áo thiết giáp (tītikkhā camma sannaho) khi đã phát sanh lên trong thâm tâm người nào rồi thì người ấy có thể nhịn được tất cả lời nói chẳng lành của kẻ khác, hoặc có thể đè nén lòng sân hận của mình đối với kẻ nghịch.

Như có một kiếp Đức Phật Thích Ca còn làm một vị Bồ-tát, kiếp ấy ngài làm vua, có một vị quan ngoại tình với hoàng hậu mới âm mưu bắt Ngài và một ngàn ông quan khác đem đi chôn sống, đến lúc tối những con chó đến bươi để ăn thịt, nhờ đó mà Ngài thoát chết và cứu luôn một ngàn vị quan kia, khi về trào song tâm Ngài cũng vẫn thản nhiên không oán thù mà làm hai vị quan ấy do nhờ sự nhẫn nại ba-la-mật của Ngài. Vì vậy nên Đức Phật mới cho pháp nhẫn nại là một pháp dùng để thiêu đốt các tội lỗi và phiền não.

Như trong kinh Pāli có nhiều kệ ngôn khen ngợi sự nhẫn nại rằng: “Khanti paramaṃ tapotītikkhā: nhẫn nại là một pháp rất quí báu dùng để thiêu đốt các tội lỗi”; “sīlasamādhi gunanāṃ khanti padhāna kāranaṃ sabbepi kusalādhammā khantyā yeva vuddhantite: sự nhẫn nại là pháp rất quan trọng để nâng đỡ giới và định, tất cả các pháp thiện cũng do nơi sự nhẫn nại mà phát sanh lên”; “kevalānaṃpi pāpānaṃ khanti mūlaṃ nikantati garaha kalahādinaṃ mūlaṃ khaṇati khantiko: sự nhẫn nại có thể cắt đứt gốc rễ của các tội lỗi, hoặc là dùng để đào tận cả gốc rễ của các điều tội lỗi”; “khanti dhirassa laṅkāro khanti tapo tapassino khanti balaṃ vayatīnaṃ khanti hita sukhāvahā: sự nhẫn nại là đồ trang điểm của bậc tri thức, sự nhẫn nại là một pháp để thiêu hủy các điều tội ác, sự nhẫn nại là lực lượng của người hành đạo, sự nhẫn nại sẽ đem lại điều lợi ích và an vui cho người”; “khantiko metavā lābhī yassasī sukhasīlavā piyo devamanussānaṃ manāpo hotikhantiko: người có sự nhẫn nại thường được nhiều bạn lành, danh lợi và sự an vui; Chư Thiên và nhân loại thường thương yêu ưa mến người ấy”; “attānopi paresañca atthāva hova khantiko sagga mokkhagamaṃ maggaṃ ārulho hoti khantiko: người có sự nhẫn nại sẽ đem lại sự lợi ích cho mình và cho người khác; người nhẫn nại đương bước chân lên con đường để đi đến cõi thiên đàng và Niết-bàn vậy”; “satthuno vacanovādaṃ karoto yeva khantiko paramāya ca pūjāya jinaṃ pūjeti khantiko: người nhẫn nại mới thật là thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật và người ấy gọi là cúng dường Ngài bằng lễ vật quí báu là sự nhẫn nại vậy”.

Chỗ nói sự nhẫn nại là sự nhịn chịu trong sự lạnh sự nóng, muỗi, mòng, gió, nắng, rắn nhỏ rắn lớn và tất cả sự khổ não đã phát sanh lên các cách nào cũng vẫn nhịn chịu không sờn lòng nao núng, cũng như người có sự tinh tấn ráng làm các thứ phước lành, như khi ngồi nghe pháp hay tham thiền, dầu trong lúc ấy có sự rủi ro tai hại thế nào cũng ráng chịu cho đến khi làm xong phận sự hay đạt được sự lợi ích mới nghe, hoặc là bị kẻ thấp hèn hơn mình khinh khi chê bai nói xấu mình, nhưng cũng vẫn đè nén nhịn chịu không cho sự sân hận phát sanh, người ấy mới thật là nhẫn nại quí báu cao thượng vô cùng.

Như có câu kệ ngôn của vị đạo sĩ tên Saraṅga nói rằng: “Bhayāhi setthassa vacokhametha, sārambha hetū pana sadisassa yocidhahiṃnassa vacokhametha etaṃ khanti uttamāhu santosa: nhẫn nại lời nói của người quyền thế hơn mình, là vì sợ người mà nhẫn nhịn còn nhẫn nại với người ngang hàng mình là vì sợ sanh điều tội lỗi trong sự cãi cọ, như thế không phải là thật nhẫn nại đâu; người nào mà nhẫn nại được lời nói thóa mạ của kẻ thấp hèn hơn mình (thấp hèn về quyền thế của cải, dòng giống, sắc đẹp) người ấy mới gọi là nhẫn nại cao thượng quí báu khó làm vậy.

Hơn nữa, người nào chịu nhịn được những sự đánh đập, chửi mắng, chém đâm, hay là giết luôn sanh mạng của mình cũng không có lòng sân hận đối với người ấy, trái lại vẫn bình tĩnh, nhẫn nại như thường, như thế gọi là nhẫn nại ba-la-mật (parāmi) vậy. Có câu Phật ngôn rằng: “Akkosaṃvadha bandhañca aduṭṭhoyoti tikkhati khantibalaṃ balānikaṃ tumhaṃ brūmi brāhmananti: người nào không có lòng hãm hại hoặc phá hoại đến chúng sanh và pháp hành lại nhẫn nại được 10 điều chửi mắng13 của người, muốn thắng hơn mình hoặc đánh đập mình, Như Lai gọi người ấy đã có sức lực trong sự nhẫn nại là bậc Bà-la-môn vậy (chỗ này Ngài ám chỉ là bậc A-la-hán). Đặc tánh của sự nhẫn nại là nhịn chịu không cho tâm sân hận phát sanh lên.

Người có sự nhẫn nại sẽ được nhiều điều lợi ích và có thể đắc được các pháp cao thượng là đạo quả Niết-bàn.

Sự nhẫn nại có năm phước báu (sự lợi ích) là: được Chư Thiên và nhân loại thương mến (piyo manāpo); không có gây nhiều oán thù, oan trái (na verabahulo); không có gây nhiều tội lỗi (na vajjabahulo); khi sắp chết không loạn tâm (asammuḷho) (là tâm có sự bình tĩnh và ghi nhớ); khi chết được sanh về nhàn cảnh (sugati).

Người có sự nhẫn nại sẽ được năm quả báo như trên.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app