Chương Tám: Những Đề Mục Tùy Niệm Còn Lại

1.  Niệm Chết

Đề mục tiếp theo là Niệm Sự Chết. Chết được định nghĩa là sự gián đoạn của mạng quyền được bao gồm trong những giới hạn của một kiếp sống hay một kiếp hiện hữu. Đó là một đời sống – một đời sống của con người, một đời sống của thú vật hay cái gì đó như vậy.

‘Sự gián đoạn’ thật ra có nghĩa là sự chấm dứt hay sự bị cắt đứt. Như vậy, nó là sự dừng lại hay sự chấm dứt của mạng quyền. Các bạn đã quen thuộc với mạng quyền. Nó là jīvita. Nó là yếu tố giữ cho cơ thể của chúng sanh tươi sống và cũng có danh mạng quyền nữa. Như vậy, có hai loại mạng quyền – sắc và danh.

Định nghĩa thứ nhất là ý nghĩa muốn nói đến ở đây. Có những loại chết khác nữa. “Nhưng chết theo nghĩa đoạn diệt (cắt đứt), nói cách khác là sự đoạn diệt khổ luân hồi của vị A-la-hán (Arahant), thì không phải là ý muốn nói đến ở đây.”1 Khi một vị A-la-hán (Arahant) tịch diệt, ngài chết đi và không còn tái sanh nữa. Loại chết đó thì không phải là ý muốn nói đến ở đây.

“Cũng không phải là cái chết từng thời điểm” – tức  là có sự chết tại từng sát-na một. Có một sát-na tâm và rồi nó chết đi, và rồi có một sát-na tâm khác và vân vân. Chúng ta đang chết và sanh lại từng thời điểm. Loại chết đó được gọi là ‘cái chết từng thời điểm’.

“Nói một cách khác, sự tan hủy tại từng thời điểm của các pháp hành, cũng như ‘cái chết’ theo cách sử dụng hằng ngày (có tính ẩn ý) như trong các thành ngữ ‘cây chết’, ‘kim loại chết’ và vân vân (là không phải ý muốn nói đến ở đây).”1 Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) thật sự  ghi là ‘sắt chết’2, chứ không phải ‘kim loại chết’. Nó phải là ‘sắt chết’.

Có ngành kỹ nghệ luyện kim ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Những nghệ nhân này cố gắng chế biến kim loại làm cho nó có lợi ích cho con người. Có một câu nói trong ngôn ngữ tiếng Miến là: “Nếu các bạn có thể giết được sắt, các bạn có thể nuôi sống toàn bộ đất nước.” Tôi không biết nó có nghĩa là gì. Có một câu nói khác rằng: “Nếu các bạn có thể giết được sắt, các bạn có thể chuyển chì thành vàng.” Và cũng có câu nói là các bạn có thể chữa trị các căn bệnh. Họ đã cố gắng đốt, nấu những kim loại này và làm cho chúng thành tro. Rồi họ sẽ trộn chúng với mật ong và vân vân để chữa trị cho mọi người. Nhiều người tin rằng các loại tro như vậy có thể chữa trị được nhiều loại bệnh tật. Cho nên, khi chúng ta nói: “Sắt này chết rồi; đồng này chết rồi”, là chúng ta đang sử dụng cách nói chế định, quy ước. Loại chết này không phải là ý muốn nói đến ở đây. Điều muốn trình bày ở đây chỉ là kết thúc của một đời sống.

“Chết như được đề cập đến ở đây có hai loại, tức là, chết đúng thời và chết phi thời. Ở đây, chết đúng thời xảy ra do hết phước, hoặc do hết tuổi thọ hoặc do cả hai. Chết phi thời xảy ra do nghiệp (kamma) nào khác đoạn diệt đi sanh nghiệp (kamma).”

“Chết do hết phước” – điều đó có nghĩa là chết thông qua việc hết nghiệp lực. Giả sử tuổi thọ hiện tại là 100 năm. Tuy nhiên, một người mà nghiệp (kamma) của họ không thể duy dưỡng họ 100 năm thì có thể chết trước khi họ đạt đến tuổi thọ đó. Vị đó có thể chết lúc 50 tuổi, 40 tuổi hoặc thậm chí lúc trẻ hơn. Khi vị đó chết theo cách này, vị đó được nói là chết do hết phước hoặc chết do năng lực duy trì của nghiệp (kamma) đã hết. Đó là lý do tại sao ngày nay nhiều người chết trước khi đạt đến được tuổi thọ (theo mặt bằng chung).

Đôi lúc, nhiều người có nghiệp (kamma) rất mạnh. Nghiệp (kamma) của họ có thể duy dưỡng họ sống đến 1000 năm, hoặc vài trăm năm. Nếu họ sống vào lúc mà tuổi thọ của loài người chỉ là 100 năm, thì họ sẽ chết vào lúc tuổi thọ đã hết. Họ có thể có nghiệp (kamma) vốn có thể làm cho họ sống trên 100 năm, nhưng vì họ tái sanh vào thời kỳ loài người chỉ sống được 100 năm, cho nên, họ phải chết vào lúc được 100 tuổi. Đó được gọi là ‘hết tuổi thọ’.

Chết do cạn kiệt cả hai yếu tố là khi một người có nghiệp (kamma) mà sẽ làm cho họ sống được 100 năm, và người đó cũng tái sanh vào thời kỳ loài người sống được 100 tuổi, rồi người đó chết vào lúc được 100 tuổi. Đó là chết do cả hai nguyên nhân.

Loại cuối cùng là chết phi thời. Đó là cái chết mà hầu như là bi thương. “Chết phi thời là từ dành để chỉ cho cái chết của những người mà đời sống của họ bị gián đoạn hay bị cắt đứt do nghiệp (kamma) có khả năng làm cho họ rơi xuống (cāvana) từ sanh thú của họ tại ngay chính thời điểm đó, như trong trường hợp của Dūsi-Māra, Kalāburājā, vân vân, hoặc chỉ cho cái chết của những ai mà đời sống của họ bị gián đoạn hay bị cắt đứt bởi những đột kích của súng đạn, vân vân, do vì nghiệp (kamma) quá khứ.”

Đôi lúc, có người thực hiện một trọng tội chẳng hạn như giết chết một vị A-la-hán (Arahant). Những người như vậy đôi lúc chết bất đắc kỳ tử. Ví dụ được đưa ra ở đây là Dūsi-Māra. Vị này đã cố gắng sát hại ngài Sāriputta. Một ngày nọ, ngài Sāriputta vừa mới cạo đầu của mình xong. Cho nên, đầu của ngài rất trơn láng và bóng sáng. Dūsi- Māra đã muốn đánh ngài. Vị này đã đánh ngài trên đầu. Ngài Sāriputta đang ở trong thiền (jhāna), đang nhập thiền (samāpatti). Cho nên, không có chuyện gì xảy ra cho ngài Sāriputta cả. Và do vì nghiệp (kamma) đó, Dūsi-Māra đã chết ngay lập tức.

Kalāburājā là một vị vua mà đã giết chết một đạo sĩ đang thực hành tính nhẫn nại. Có một vị đạo sĩ tên là Khantivara. Vị này rất nỗi tiếng. Một lần nọ, đạo sĩ đã vào kinh thành và ngồi trong vườn thượng uyển của nhà vua. Vị vua đang ngủ. Cho nên, các cung phi, mỹ nữ của ông đã đi đến gặp vị đạo sĩ để nghe Pháp (Dhamma). Khi nhà vua thức dậy, ông đã không thấy các cung phi, mỹ nữ của mình đâu cả. Cho nên, ông đã đi tìm. Khi ông đến chỗ vị đạo sĩ, ông đã hỏi: “Ông là ai?” Vị đạo sĩ trả lời: “Tôi là một đạo sĩ.” Vị vua hỏi: “Ông đang thực hành pháp gì?” Vị đạo sĩ trả lời: “Tôi thực hành pháp nhẫn nại.” Nhà vua hỏi: “Pháp nhẫn nại là cái gì? “ Vị đạo sĩ giải thích rằng nó là sự nhẫn nhục chịu đựng bất kỳ điều gì mà mọi người có thể làm đối với các bạn. Rồi nhà vua đã nói: “Hãy cho chúng tôi xem sự nhẫn nại của ông.” Nhà vua đã gọi những sát thủ của mình và ra lệnh cho họ cắt đứt hai bàn tay của vị đạo sĩ đó. Rồi nhà vua đã hỏi vị đạo sĩ: “Ông có còn nhẫn nại  không?” Vị đạo sĩ trả lời: “Sự nhẫn nại không nằm trong hai bàn tay.” Rồi nhà vua đã ra lệnh cắt đứt hai chân của vị đạo sĩ và lại hỏi vị đạo sĩ. Vị đạo sĩ đã trả lời là ông không tức giận với nhà vua và đã không khó chịu. Vị đó nói rằng sự nhẫn nại vẫn còn ở đây. Nhà vua đã đá vào vị đạo sĩ và bỏ đi. Khi nhà vua bỏ đi, một vị tướng đã nghe được về chuyện xảy ra. Ông đã vội vã đến gặp vị đạo sĩ và đề nghị vị đạo sĩ hãy tức giận với nhà vua. Vị tướng nói: “Xin ngài hãy giận dữ với nhà vua, vì nếu ngài giận dữ với nhà vua, ngài sẽ bớt khổ đau hơn.” Vị đạo sĩ trả lời: “Người như tôi không giận dữ. Mong cho nhà vua được trường thọ.” Chính vì sự xúc phạm đó, nhà vua đã bị đất rút. Ông ta đã bị đất nuốt chửng. Cái chết như vậy được gọi là ‘chết phi thời’. Những người như vậy có nghiệp (kamma) quá khứ và có tuổi thọ, nhưng tội ác của họ quá nặng và quá tệ đến mức họ phải chết. Đôi lúc, họ chết trong các tai nạn. Những cái này được gọi là ‘chết phi thời’.

Học viên: Về việc không giận dữ, làm thế nào nghiệp (kamma) của ông ta sẽ là giảm yếu đi nếu vì ai đó giận dữ?

Giảng sư: Vấn đề này giống như việc các hành động thiện gieo hạt trong ruộng phì nhiêu và trong ruộng khô cằn. Quả của việc sát sanh khác nhau tương ứng với loại chúng sanh bị sát hại. Nếu chúng sanh bị sát hại là có giới hạnh tốt đẹp, thì sẽ có nhiều bất thiện (akusala) hơn. Nếu chúng sanh bị sát hại là to lớn hơn, thì sẽ có nhiều bất thiện (akusala) hơn và vân vân. Có sự khác nhau về mức độ phạm tội liên quan đến giới hạnh của người bị sát hại và cũng như việc cần nhiều nỗ lực để thực hiện việc sát hại. Giết một con kiến và giết một con voi thì không giống nhau; chúng không có cùng mức độ của bất thiện (akusala). Để giết một con voi, các bạn phải nỗ lực nhiều. Nỗ lực  càng nhiều, thì bất thiện (akusala) càng nhiều.

Học viên: Như vậy ý ngài muốn nói là vị tướng đã hiểu sai về điều này.

Giảng sư: Không. Vị tướng đã không hiểu sai. Vị tướng đã muốn làm giảm nhẹ đi sự thiệt hại của nhà vua. Nếu vị tu sĩ trở nên giận dữ, thì ngài sẽ là ít giới hạnh hơn.

Học viên: Ví dụ này hơi khôi hài. Điều này khác với Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna). Cách tiếp cận của Đại thừa (Mahāyāna) có lẽ sẽ là thuyết phục và giúp đỡ nhà vua. Vị đạo sĩ nên giận dữ. Nó, theo một nghĩa nào đó, là một vở diễn của đạo đức. Nếu vị đó muốn nhà vua không bị trừng phạt nặng nề, vị đó có lẽ nên ‘giận dữ’, nhưng không phải là do sự tức giận thật sự. Đại khái như vậy.

Giảng sư: Nhưng khi vị đạo sĩ giận dữ, thì điều này sẽ đưa đến việc phá vỡ đi những lời thề nguyện của vị đó. Vị đó đã thề nguyện là: “Tôi sẽ kham nhẫn với bất kỳ những gì người khác làm hay đối xử với tôi.” Cho nên, vị đó đã trì giữ nó cho đến chết.

Học viên: Ngài có nhắc đến vấn đề là một vài người có nghiệp (kamma) đủ để sống đến 1000 năm, nhưng tuổi thọ thì chỉ là 100 năm. Với 900 năm còn dư sót lại, người đó có một dạng tích lũy hay tín dụng nào đó không?

Giảng sư: Tôi ước là có. Nhưng thật sự không. Để  cho nghiệp (kamma) chín muồi và cho kết quả, chúng ta cần những điều kiện khác nhau – thời gian thích hợp cho nghiệp chín muồi, nơi chốn thích hợp cho nghiệp chín muồi, điều kiện cho nghiệp chín muồi và vân vân. Khi nghiệp (kamma) cho quả, nó phụ thuộc vào những điều kiện này.

Ngài Mahāsi trong một bài thuyết giảng đã nói: “Tôi  e là nhiều người Miến sẽ tái sanh vào nước Hoa Kỳ. Tại sao? Vì họ thực hiện rất nhiều việc phước báu, đặc biệt là bố thí (dāna). Những việc phước báu này sẽ cho họ những kết quả cực tốt. Miến Điện là một quốc gia nghèo nàn. Cho nên, khi nghiệp (kamma) đó có thể làm cho người đó trở thành tỉ phú thì Miến Điện lại sẽ không có đủ (khả năng hoặc tiềm năng).” Nó giống như vậy đấy. Để cho nghiệp (kamma) cho quả đầy đủ, nó cần những thuận duyên – tức là nỗ lực thuận lợi được tạo ra bởi con người, rồi thời kỳ,  và nhiều thứ khác nữa.

Học viên: Khi một người chết yểu, điều đó có bao giờ được xem là dấu hiệu của một nghiệp (kamma) tốt không? Tức là, người đó có thể tái sanh vào một kiếp sống tốt đẹp hơn sau khi chết yểu.

Giảng sư: Chết yểu là kết quả của nghiệp (kamma) không được tốt lắm.

Học viên: Giả sử đời sống của người đó là khổ sở cùng cực. Người đó sanh vào nơi ở khốn cùng, có bệnh tật, không bao giờ có cơ hội tiếp cận với Chánh Pháp (Dhamma), và người đó chết khi còn trẻ. Rồi người đó có lẽ có một cơ hội tốt hơn trong một môi trường khác.

Giảng sư: Chúng sanh tái sanh làm người là do quả của nghiệp (kamma) thiện. Nghiệp (kamma) thiện này có những tiềm năng khác nhau, có những khả năng khác nhau, có những năng lực khác nhau. Một nghiệp (kamma) thiện nào đó chỉ có thể cho mười năm. Một nghiệp (kamma) thiện nào khác có thể cho hai mươi năm, ba mười năm và vân vân. Bất kỳ khi nào một chúng sanh được tái sanh làm người, người đó được xem là đi tái sanh do quả của nghiệp (kamma) tốt. Nhưng nghiệp (kamma) tốt đó lại tùy trường hợp. Người đó chết không phải là kết quả của nghiệp (kamma) xấu mà là kết quả của nghiệp (kamma) tốt vốn không đủ mạnh để giúp cho người đó sống lâu hơn.

Học viên: Nói một cách khác, những trẻ em chết non thì không có nghiệp (kamma) tốt bằng người sống thọ đến 85 hoặc 90 tuổi, phải không ạ?

Giảng sư: Đúng vậy. Tôi nghĩ Niệm Sự Chết thì không khó. Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) hướng dẫn chúng ta quán niệm sự chết theo những cách khác nhau.

Trong đoạn văn số 7, “Khi một người thực hành nó đơn giản theo cách này (Tức là rằng: sự chết sẽ xảy ra, sự chết sẽ đến, tôi sẽ chết một ngày nào đó), các triền cái của họ sẽ được đè nén, chánh niệm sẽ được thiết lập với cái chết làm đối tượng, và hành giả đạt đến cận định.”1 Đây là những người có tài năng.

“Nhưng đối với người nhận thấy rằng (chỉ bằng việc quán tưởng như vậy) không đưa đến tiến triển nào, thì người đó nên thực hành việc quán tưởng sự chết theo tám cách, đó là: (1) như là sự xuất hiện của một sát thủ, (2) như là sự lụi tàn của thành công,” – không phải là ‘sự lụi tàn  của thành công’, mà là ‘thành công và thất bại’ – “(3) bằng việc so sánh, (4) như việc chia sẻ thân xác với nhiều chúng sanh khác (tức là chúng ta phải chia sẻ thân xác của mình với giun, côn trùng, vi trùng và những thứ như vậy), (5) như là sự mỏng manh của đời sống, (6) như là vô tướng, (7) như là sự giới hạn của không gian, (8) như là sự ngắn ngủi của một thời khắc.”1 Chúng ta có thể quán tưởng về sự chết theo nhiều cách.

Về phía cuối của phần niệm sự chết có một đoạn chú thích dài thảo luận về chế định (paññatti). Chúng ta sẽ bàn về nó vào tuần sau.

Có nhiều ví dụ được trình bày, nhưng chúng ta không thể tìm hiểu kỹ tất cả được. Trong phần chú thích số 6, nhiều dẫn chứng được trình bày – Mahāsammata, Mandhātu, Mahāsudassana, Daḷhanemi, Nimi, Jotika, Jaṭila, Ugga và vân vân. Một vài trong số những nhân vật được nhắc đến thì được tìm thấy hầu hết trong các câu chuyện Bổn Sanh (Jātaka) và cũng như trong các bài Kinh (sutta). Rồi trong đoạn văn 19, Vāsudeva, Baladeva và vân vân thì hầu hết được trích dẫn từ các sách Hindu. Có một mối quan hệ nào đó giữa các câu chuyện trong Hindu và các câu chuyện trong Phật giáo. Một vài câu chuyện Hindu được thuật lại giống như những câu chuyện của Phật giáo trong các tích truyện Bổn Sanh (Jātaka). Vāsudeva, Baladeva, Bhīmasena, Yuddhiṭṭhila và Cāṇura được nhắc đến trong các tích truyện Bổn Sanh (Jātaka), nhưng tôi nghĩ chúng có nguồn gốc từ Hindu.

Điểm chính ở đây là những người có phước lớn, những người có sức mạnh phi thường, những người sở hữu những năng lực siêu phàm và thậm chí đến Đức Phật cũng phải chết. Cho nên, nó là vô nghĩa khi nói rằng chúng ta sẽ không chết. Khi so sánh mình với những người đó, chúng  ta quán tưởng trên sự chết, rằng chết sẽ đến với mình vào một ngày nào đó.

Sự quán niệm này phải được thực hiện với trí tuệ, phải được thực hiện với sự hiểu biết. Đoạn văn số 5 có ghi: “Nếu vị đó tác ý không khéo trong việc quán niệm sự chết (có thể là) của một người thân cận, sầu não sẽ sanh lên, giống như người mẹ ghi nhận lại cái chết của người con yêu quý mà bà đã sinh ra; và sự thỏa mãn sẽ sanh lên khi quán niệm về cái chết của một người vốn không có thiện cảm, giống như kẻ thù gợi nhớ lại cái chết của kẻ thù; và ý niệm khẩn cấp không sanh lên khi quán niệm về cái chết của một người không quen thuộc, như xảy ra đối với người làm nghề thiêu xác chết khi thấy một xác chết; và sự lo sợ sanh lên khi quán tưởng về chính cái chết của mình, như xảy ra cho người nhút nhát khi thấy sát nhân có gươm đao.”

“Tất cả những tình huống được trình bày ở trên đều không có chánh niệm, không có tính khẩn thiết, cũng như không có sự hiểu biết. Cho nên, hành giả nên quan sát những chúng sanh đây đó mà đã bị sát hại hoặc đã chết, và hướng đến cái chết của những chúng sanh đã chết  rồi nhưng trước đây vốn được xem là có tận hưởng những sự việc tốt đẹp, (hành giả) làm như vậy với chánh niệm, với sự khẩn thiết và với sự hiểu biết, rồi sau đó hành giả có thể triển khai sự chú niệm của mình theo cách bắt đầu với ‘Chết sẽ xảy ra’.” Như vậy, khi các bạn thực hành loại thiền này, các bạn phải hết sức cẩn thận.

Thật là kỳ diệu và tuyệt vời rằng chính việc nghĩ về sự chết lại làm cho các bạn ít sợ chết hơn. Quán niệm về sự chết còn làm giảm thiểu đi rất nhiều lòng kiêu mạn hoặc sự dính mắc.

Các bạn có lẽ đã trải nghiệm qua việc bị bệnh rất nặng. Các bạn có lẽ đã nghĩ rằng mình sẽ chết. Trong trường hợp đó, các bạn không có sự dính mắc nào, hoặc sự giận dữ nào hoặc bất kỳ cái gì khác. Các bạn không có lòng tự hào gì trong mình cả. Các bạn rất khiêm nhường. Các bạn giống như một vị A-la-hán (Arahant) tại lúc đó vì các bạn chẳng muốn gì cả. Các bạn không dính mắc vào bất cứ cái gì vào lúc đó. Cho nên, quán niệm về cái chết là một vũ khí rất tốt trong việc đấu tranh với sự dính mắc, sự căm giận, lòng tự mãn và những điều khác nữa.

Và khi chết thật sự đến, các bạn sẽ có thể đối diện với nó một cách bình tĩnh hơn so với những người không thực hành loại thiền này. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói rằng các tu sĩ phải thực hành loại thiền này. Mỗi ngày, các tu sĩ phải thực hành thiền niệm ân Đức Phật, rải tâm từ, quán tính bất tịnh của cơ thể và niệm sự chết.

Có một điều tôi muốn nói về đoạn văn 35. Phần chuyển ngữ là: “Về giới hạn của đời sống: tuổi thọ của loài người hiện tại thì ngắn. Một người sống lâu thì sống trên dưới một trăm năm.”1 Ý của Đức Phật (muốn nói) ở đây là: “Một người sống lâu thì sống một trăm năm, hoặc lâu hơn một chút.” Tức là người đó có thể sống tới 120 tuổi, 150 tuổi, 160 tuổi, chứ không phải là ‘trên dưới’. Cho nên, ở đây, đúng phải là “Một người sống lâu thì sống một trăm năm, hoặc lâu hơn một chút.” Có hai câu văn như vậy.

Chúng ta sẽ thảo luận về chế định (paññatti) vào tuần sau và sẽ đi vào phần quán niệm cơ thể – cho đến trang 270, không có nhiều lắm đâu.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app