9.  Kasiṇa Không Gian

Loại cuối cùng là kasiṇa không gian giới hạn. Ở đây, ‘không gian giới hạn’ được dùng để phân biệt nó với ‘không gian vô hạn’, tức là đối tượng của thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ nhất. Sau khi chứng đắc ngũ thiền hoặc tứ thiền, nếu hành giả muốn chứng đạt thiền vô sắc (arūpāvacara), trước hết hành giả phải thực hành thiền kasiṇa. Rồi hành giả làm cho ấn tướng biến mất và an trú trên phần không gian đã được chiếm giữ bởi ấn tướng. Rồi hành giả nới rộng ấn tướng đó đến tận cùng vũ trụ.

Nhưng ở đây, hành giả bắt không gian giới hạn. Nó giống như là nhìn vào một cái lỗ tròn hay cái gì đó giống như vậy. “Hành giả đang thực hành kasiṇa không gian ghi nhận ấn tướng qua cái lỗ trên tường, hoặc qua lỗ khóa, hoặc qua cửa sổ. Như vậy, trước hết, đối với hành giả có phước, đã có thực hành từ trước, thì ấn tướng sanh lên trong vị đó khi vị đó thấy bất kỳ [khe hở nào như là một] cái lỗ trên tường. Những người khác (thì) nên làm một cái lỗ rộng khoảng một gang tay và bốn ngón tay trong một cái lều tranh, hoặc trên một miếng da, hoặc trên một tấm chiếu, và vân vân. Vị đó nên phát triển hay tu tập với một trong những thứ này, hoặc là một cái lỗ như là một cái lỗ trên tường, niệm ‘không gian, không gian’.”1 Như vậy, vị đó nhìn vào cái lỗ và niệm ‘không gian, không gian’.

“Ở đây, học tướng giống với cái lỗ cùng với bức tường.” Như vậy là có giới hạn ở đây. Tức là có đường ranh giới. Đó là lý do tại sao ở giai đoạn này, những nỗ lực cố gắng nới rộng nó đều thất bại. Các bạn không thể nới rộng cái đó trong tâm trí của mình được vì nó có một  đường ranh giới hạn.

“Quang tướng thì xuất hiện chỉ là một hình tròn không gian.”3 Ở đây không có ranh giới, chỉ là một hình tròn không gian, và do đó, những nỗ lực cố gắng nới rộng nó thì thành công. “Phần còn lại nên được hiểu như đã miêu tả trong phần kasiṇa đất.”

Đây là mười kasiṇa. Tất cả mười kasiṇa đều đưa hành giả đến việc chứng đạt tất cả bốn hoặc năm tầng thiền (jhāna). Phần tiếp theo là phần chung chung, nhưng tôi nghĩ nó là phần thú vị của chương này. Chúng ta sẽ học về những kết quả gì chúng ta có được từ những tầng thiền (jhāna) dựa trên sự thực hành thiền kasiṇa.

10.  Diễn Giải Chung

Các bạn biết trong tài liệu này có trình bày nhiều điều kỳ diệu như bay trên không, độn thổ, tạo ra mưa bão hoặc lửa. Chúng có thể được gọi là thần thông. Để đạt được những thần thông đó, trước hết hành giả phải chứng đạt tất cả tám hoặc chín tầng thiền (jhāna), tức là không chỉ các tầng thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) mà còn cả các tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna). Rồi hành giả đi ngược lại tứ thiền hoặc ngũ thiền và thực hành hay tu luyện một cách đặc biệt để cho thần thông sanh khởi lên cho mình. Khi thần thông sanh lên theo ước muốn của vị đó, vị đó có thể thấy những vật ở xa, vị đó có thể nghe những âm thanh ở  xa và vân vân. Rồi có những tu sĩ thị hiện thần thông của họ.

Giả sử các bạn muốn lắc rung cả tòa nhà này. Các bạn phải làm gì? Giả sử các bạn có thần thông. (Nhưng) nếu các bạn tiến hành một cách không đúng, thì các bạn sẽ chẳng làm được điều đó. Để lắc rung tòa nhà này, các bạn phải thực hành thiền (jhāna) bắt kasiṇa nước làm đối tượng. Nếu các bạn phát triển thiền (jhāna) dựa trên kasiṇa đất, thì nó sẽ trở nên mạnh cứng hơn và các bạn sẽ chẳng thể lay chuyển nó được đâu. Để lắc rung tòa nhà này, các bạn phải thực hành thiền (jhāna) trên kasiṇa nước. Nước là  chất lỏng. Nếu các bạn phát triển thần thông, các bạn sẽ có thể làm được điều đó. Những điều như vậy được nhắc đến trong những đoạn văn tiếp theo. Chúng rất là thú vị.

Học viên: Để có được những thần thông đó, hành giả phải chứng đắc tất cả tám tầng thiền (jhāna)?

Giảng sư: Đúng vậy.

Học viên: Rồi hành giả đi ngược lại tứ thiền và tập trung vào đó theo một cách thức đặc biệt.

Giảng sư: Đúng vậy. Điều này sẽ được giải thích sau này trong chương 13.

Học viên: Chúng ta có thể lắc rung tòa nhà này?

Giảng sư: Nó rất là thú vị. Có câu chuyện về một vị sa-di. Vị đó được ghi nhận là có thần thông. Vị đó đi lên  tận thế giới của các thiên nhân và nói: “Tôi sẽ thị hiện thần thông của tôi cho mọi người thấy. Tôi sẽ lay chuyển các tòa lâu đài của các vị, và các vị sẽ trở nên kinh sợ.” Vị đó đã cố gắng làm như vậy, nhưng chẳng thành công. Vị đó đã không thể lắc rung các tòa lâu đài một chút nào cả. Các thiên nhân chọc ghẹo vị đó và vị đó xấu hổ đi xuống lại  trần gian. Rồi vị đó trở lại gặp thầy của mình và trình bạch cho vị thầy rằng mình đã cố gắng lắc tòa lâu đài trên thiên giới, nhưng đã không thể làm được. Vị thầy giảng là: ông đã nhập vào sai loại thiền (jhāna) rồi. Ông đã thực hành thiền trên đề mục kasiṇa đất. Cho nên, ông đã không thể lắc rung tòa lâu đài được. Rồi vị đó quay lại thiên giới. Một lần nữa, các thiên nhân chế giễu vị đó. Nhưng lần này, vua trời đã nói: “Đừng chế giễu vị ấy. Bây giờ vị ấy đã có sự hướng dẫn từ vị thầy rồi.” Và lần này, vị đó đã có thể lắc rung tòa lâu đài trên thiên giới.

Những thần thông đó được nhắc đến trong những đoạn văn tiếp theo. Trước hết là những thành quả của (việc tu luyện) kasiṇa đất. “Kasiṇa đất là nền tảng cho những thần thông như trạng thái được miêu tả là ‘từ một người, vị đó biến thành nhiều người’ (Tức là các bạn có thể biến ra nhiều người giống mình), vân vân”1. Để tôi đọc về phần vân vân. “Từ một người, vị đó biến thành nhiều người,  hoặc từ nhiều người, vị đó lại biến thành một người. Vị đó trở thành hữu hình hoặc vô hình. Vị đó đi xuyên qua phía bên kia tường, hoặc một thành lũy, hoặc một ngọn đồi dường như là đi xuyên qua không khí mà không cảm giác sự cản trở nào. Vị đó trồi lên và lặn xuống mặt đất cứng dường như là đi xuyên qua nước. Vị đó đi bộ trên nước mà không bị chìm xuống dường như là đi trên mặt đất. Vị đó di chuyển với tư thế ngồi xếp bằng trong không khí như những con chim. Thậm chí với mặt trăng và mặt trời vô cùng dũng mãnh và hùng cường, vị đó có thể đụng và sờ chạm chúng với tay của mình. Vị đó với thân mình có thể đi lên đến cõi trời Phạm thiên (Brahma).”2 Những việc như vậy có thể được thực hiện thông qua thần thông.

“Bước hoặc đứng hoặc ngồi trên hư không hoặc trên nước bằng cách tạo ra đất, và sự chứng đạt những thắng xứ (Đây là những tầng thiền (jhāna), những tầng thiền được tu tập, được tu luyện một cách đặc biệt) bằng phương pháp giới hạn và vô hạn.”

“Kasiṇa nước là nền tảng cho những thần thông như độn thổ và trồi lên.”1 Cho nên, nếu các bạn muốn độn thổ, trước hết các bạn nhập vào kasiṇa nước và rồi thực hiện việc như là tạo ra nước trong tâm trí của mình để các bạn  có thể đi vào đất. “Tạo ra mưa, tạo ra sông biển, làm cho quả đất, các tảng đá và các tòa lâu đài rung chuyển.”2 (ND: nếu các bạn muốn đọc những phần tham khảo thêm, các bạn nên đọc bài kinh Sa Môn Quả trong Trường Bộ Kinh, bài kinh Tiểu Kinh Đoạn Tận Ái trong Trung Bộ Kinh và vân vân).

Học viên: Trong phần chú thích có nói: “Các khao khát dục trần (tham dục) thì không được gọi là trống không (ritta) theo nghĩa mà không gian, vốn hoàn toàn trống vắng thực chất riêng tư hay riêng biệt, được gọi là trống không.” Như vậy, các khao khát dục trần thì không trống không?

Giảng sư: Về vấn đề này: Sự trống không trong Giáo lý Nam Truyền (Theravāda) là khác. Bất cứ khi nào chúng tôi nói ‘trống không’, ý của chúng tôi là trống không hay trống vắng sự thường hằng, trống vắng hạnh phúc, trống vắng bản ngã. Không phải là chúng không có sự hiện hữu của riêng chúng, bởi vì khao khát hay ham muốn là một pháp chân đế (paramattha). Sự khao khát là một tâm sở. Cho nên, nó có sự hiện hữu của chính mình, tức là một thực thể. Nhưng nó trống vắng sự thường hằng. Nó trống vắng hạnh phúc (sukha). Nó trống vắng bản ngã. Cho nên, nó được gọi là trống không (suñña). Điều này khác chứ.

Học viên: Nó là trống vắng theo nghĩa là nó đang thay đổi, theo nghĩa là nó không thường hằng. Nó trống vắng theo nghĩa đó.

Giảng sư: Đúng vậy.

Học viên: Nó là không trống vắng theo ý nghĩa nó có sự tồn tại tức thời, trong khoảnh khắc.

Giảng sư: Đúng vậy. Nó có sự hiện hữu tức thời.

Học viên: Không gian thậm chí không có sự hiện hữu tức thời.

Giảng sư: Không gian không được bao gồm trong các sự thật. Không gian được xem là một khái niệm, không gian và thời gian.

Học viên: Vậy sự miêu tả về tham dục của ngài khác với của Phật giáo Đại thừa (Mahāyana)?

Giảng sư: Tôi không biết ‘suñña’ (sự trống vắng) có nghĩa là gì trong Phật giáo Đại thừa (Mahāyana). Nếu nó có nghĩa rằng tham dục là không có sự hiện hữu gì cả, rằng nó là một cái gì đó như một khái niệm, thì (sự miêu tả của tôi về tham dục) là khác (với của Phật giáo Đại thừa). Cái chúng tôi hiểu về suñña là: nó là trống vắng sự thường hằng và vân vân. Nhưng nó có sự hiện hữu của riêng nó, sự tồn tại tức thời, trong khoảnh khắc. Nó sanh lên và diệt đi. Trong suốt thời khắc đó, nó là thật. Cho nên, nó được gọi là sự thật, nhưng sự thật này không có tính chất thường hằng và vân vân, không có thực chất, không có cốt lõi.

“Kasiṇa lửa là nền tảng cho những năng lực như làm bốc khói, làm bốc cháy, tạo ra mưa chớp, chống lửa bằng lửa, khả năng đốt cháy chỉ riêng thứ mình muốn đốt cháy, tạo nên ánh sáng với mục đích để thấy những cảnh sắc bằng nhãn thông, đốt cháy thân xác bằng yếu tố lửa tại thời điểm chứng đắc Níp-bàn (Nibbāna).”1

Khả năng đốt cháy chỉ riêng thứ mình muốn đốt cháy được tìm thấy trong Saṃyuttanikāya (Tương Ưng Bộ) – ND: Độc giả có thể tìm đọc bài kinh Mahaka, phần Tương Ưng Tâm, Thiên Sáu Xứ. Trong đó, một tu sĩ đã thực hiện điều này như sau:

“Ngài Mahaka đi vào trú xứ của mình và đóng chốt cửa lại, thực hiện thần thông làm cho lửa đi qua lỗ khóa và những phần xung quanh thành cửa, và đốt cỏ, nhưng không đốt tấm áo choàng. Vị gia trưởng Citta giựt mình với lông tóc dựng ngược, rũ bỏ áo choàng và đứng sang một bên.” Như vậy, ở đây, vị trưởng lão đã thể hiện thần thông. Cái  áo choàng không bị cháy, nhưng cỏ bị cháy. Đó là điều được nói đến ở đây. Đó là khả năng đốt cháy chỉ riêng thứ mình muốn đốt cháy.

Kasiṇa lửa rất hữu ích trong việc thấy các vật bằng thiên nhãn. Thiên nhãn là một loại thần thông. Để thấy những vật ở xa hoặc thấy những vật trong bóng tối, vị đó cần ánh sáng. Cho nên, trước hết, vị đó thực hành thiền (jhāna) trên đề mục kasiṇa lửa. Rồi vị đó đi đến ngũ thiền và vân vân.

“Đốt cháy thân xác bằng yếu tố lửa tại thời điểm chứng đắc Níp-bàn (Nibbāna)”1 – điều đó có nghĩa là khi một vị A-la-hán (Arahant) viên tịch, nếu ngài có loại thần thông này, ngài có thể ước nguyện rằng thân xác của ngài được lửa thiêu hoại khi ngài chết. Không ai phải lo việc hỏa táng thân xác của ngài. Thân xác ngài sẽ tự thiêu. Để làm như vậy, trước khi chết, ngài nhập vào thiền (jhāna) trên đề mục kasiṇa lửa. Rồi ngài ước nguyện: “Nguyện cho xác thân của tôi thiêu cháy tại lúc chết.” Điều đó được thực  hiện bởi một trong số các đệ tử của Đức Phật. Tên của vị đó là ngài Bakkula. Ngài là đệ nhất về thiểu bệnh. Ngài có sức khỏe hoàn hảo. Trước khi nhập diệt, ngài suy nghĩ rằng: “Ta chưa từng giao nghĩa vụ hay tạo ra gánh nặng cho bất kỳ ai trong đời sống của ta. Cho nên, khi chết, ta sẽ không tạo ra gánh nặng phải thiêu thân xác của ta cho ai cả. Hãy để cho thân xác của ta tự thiêu hủy lấy.” Cho nên, ngài đã ước nguyện cách đó và rồi ngài nhập diệt. Ngay sau khi ngài chết, thân xác của ngài được lửa thiêu hoại. Ngay thời điểm ngài chết đi, cơ thể của ngài tự đốt cháy.

“Kasiṇa gió là nền tảng cho những năng lực như đi với tốc độ của gió, tạo ra bão gió. Kasiṇa màu xanh dương là nền tảng cho những năng lực như tạo những hình thù màu đen, tạo ra bóng tối, sự chứng đạt những thắng xứ bằng phương pháp đẹp và xấu, và sự chứng đắc sự giải thoát bằng cái đẹp. Kasiṇa màu vàng là nền tảng cho những năng lực như tạo ra những hình thù màu vàng, biến cái gì đó thành vàng.”1 Các bạn có thể biến cái gì đó thành vàng và rồi nó có thể chuyển thành vàng hoặc nhìn giống như vàng – ND: Độc giả có thể tìm đọc bài kinh Thống Trị, Phẩm Thứ Hai, phần Tương Ưng Ác Ma, Thiên Có Kệ trong Tương Ưng Bộ.

“Kasiṇa màu đỏ là nền tảng cho những năng lực như tạo ra những hình thù màu đỏ, sự chứng đạt những thắng xứ bằng phương pháp như đã nêu ra và sự chứng đắc sự giải thoát bằng cái đẹp. Kasiṇa màu trắng là nền tảng cho những năng lực như tạo ra những hình thù màu trắng, xua đuổi hôn trầm và thụy miên (tức là xua đuổi sự buồn ngủ), đẩy tan bóng tối, tạo ra ánh sáng với mục đích thấy được các cảnh sắc bằng thiên nhãn. Kasiṇa ánh sáng là nền tảng cho những năng lực như tạo ra các hình thể phát sáng, xua đuổi hôn trầm và thụy miên, đẩy tan bóng tối, tạo ra ánh sáng với mục đích thấy được các cảnh sắc bằng thiên nhãn.” 

Kasiṇa màu trắng và kasiṇa ánh sáng thì hầu như là giống hệt nhau.

“Kasiṇa không gian là nền tảng cho những năng lực như làm hiển lộ cái bị che giấu, duy trì các oai nghi bên trong trái đất và các khối đá bằng cách tạo ra không gian bên trong chúng, di chuyển qua các tường thành một cách không bị chướng ngại và vân vân.”1

“Sự phân loại ‘trên, dưới, xung quanh, có tính chọn lọc/riêng biệt, vô hạn’ áp dụng cho mọi kasiṇa.”2 Chúng là những khía cạnh khác nhau của các kasiṇa.

“Không có kasiṇa nào có thể được phát triển  hay được tu tập bởi loại chúng sanh được miêu tả như sau: ‘Chúng sanh bị gây trở ngại hay bị cản trở bởi nghiệp (kamma), bởi phiền não, bởi quả của nghiệp, người thiếu niềm tin, nhiệt tâm và trí tuệ, sẽ không có khả năng thâm nhập vào tính đoan chắc của sự đúng đắn trong các thiện pháp.”

“Bị cản trở bởi nghiệp (kamma) xấu là ám chỉ cho những ai sở hữu nghiệp (kamma) xấu đưa đến kết quả ngay lập tức [(tức là lúc) tái sanh].”1 Trong phần chú thích có trình bày năm loại trọng nghiệp (kamma) – giết mẹ, giết cha, giết vị A-la-hán (Arahant), làm cho máu tụ lại trong cơ thể của Đức Phật2, và chia rẽ Tăng chúng (Saṅgha). Những việc này được xem là những tội ác nghiêm trọng. Một người thực hiện bất kỳ một trong các nghiệp này không thể tránh được việc tái sanh vào địa ngục trong kiếp sống kế liền. Điều được trình bày ở đây là nếu ai đó phạm vào một trong các trọng nghiệp này, người đó sẽ không thể tu chứng thiền (jhāna).

Loại thứ tư thì quan trọng. Ở đây ghi rằng ‘chủ ý làm Đức Phật chảy máu’. Theo truyền thống Phật giáo Nam Truyền (Theravāda), chúng tôi tin rằng không ai có thể làm tổn thương Đức Phật. Chúng ta không thể làm Đức Phật bị thương. Điều ghê hại nhất chúng ta có thể làm là đánh Ngài và làm cho máu tụ lại dưới da của Ngài. Đôi lúc các bạn (vô tình) va chạm hoặc đánh chính mình và có một vết  bầm. Không có máu chảy ra. Đó là cái gì?

Học viên: Sự làm bầm, sự làm dập.

Giảng sư: Đó là ý nghĩa của từ Pāḷi ‘lohituppāda’, (chứ) không làm tổn thương Ngài, không làm chảy máu Đức Phật. Đức Phật sẽ không chảy máu.

Rồi bằng phiền não – điều này có nghĩa là những ai có tà kiến hoặc những người lưỡng tính hoặc những người hoạn quan. Những người này không thể chứng đắc thiền (jhāna) mặc dầu họ có thực hành thiền. ‘Tà kiến’ có nghĩa là vô nhân kiến, vô quả kiến, và hư vô kiến. ‘Vô nhân kiến’ có nghĩa là mọi thứ không có nguyên nhân để xảy ra. Bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra không cần nguyên nhân. Đó được gọi là ‘vô nhân kiến’. Nếu các bạn từ chối nguyên nhân, thì các bạn cũng từ chối kết quả. Trong thực tế, ba tà kiến này là như nhau.

Loại thứ hai từ chối kết quả. Nếu các bạn từ chối kết quả, thì các bạn cũng từ chối nguyên nhân. Rồi loại thứ ba là đoạn kiến. Tức là chẳng có gì cả. Bất kỳ điều gì các bạn làm cũng sẽ không tạo nghiệp (kamma). Loại thứ hai là vô quả kiến và loại thứ ba là hư vô kiến – không nhân, không nghiệp: Không có kết quả từ việc thực hành bố thí; không có chuyện tôn trọng những người lớn tuổi, cha mẹ và vân vân. Các bạn không kính lễ những người lớn tuổi hơn mình, chẳng hạn như vậy. Không có thế giới này, không có thế giới nào khác; không có những bậc thượng nhân thực hành và chứng đắc những pháp thượng nhân và vân vân. Đó được gọi là ‘hư vô kiến’ ở đây. Nếu một người có một trong ba tà kiến này hoặc là một người lưỡng tính hoặc hoạn quan, thì người đó sẽ không thể chứng đắc thiền (jhāna).

“Bởi quả của nghiệp (kamma): người có tâm tục sinh vô nhân hoặc nhị nhân.”1 Điều đó có nghĩa là khi một  người đi tục sinh, có một loại tâm sanh lên. Với tâm đó, các nhân có thể sanh lên. Có sáu nhân – ba nhân tốt và ba nhân xấu. Các nhân xấu là tham, sân và si. Các nhân tốt là đối lập với ba nhân này. Khi một người đi tái sinh, tâm tục sinh của người đó có thể không đi kèm theo với bất kỳ nhân nào hoặc nó có thể được đi kèm theo với hai hoặc ba nhân tốt. Không có tâm tục sinh nào đi kèm với nhân xấu cả. Nếu tâm tục sinh của một người không được đi kèm theo bởi bất kỳ nhân nào, thì người đó không thể chứng đạt thiền  (jhāna) trong kiếp sống đó. ‘Nhị nhân’ có nghĩa là vô tham và vô sân, nhưng không có vô si (ñāṇa). Như vậy, tâm tục sinh của chúng ta phải được đi kèm theo bởi trí tuệ (paññā) thì chúng ta mới có thể chứng đắc thiền (jhāna) trong kiếp sống này hoặc chứng đắc sự giác ngộ trong kiếp sống này. Bằng không, chúng ta không thể chứng đắc thiền (jhāna) hoặc sự giác ngộ. Đó được gọi là ‘bởi quả của nghiệp (kamma)’.

“Thiếu niềm tin: là thiếu vắng niềm tin vào Đức Phật, Giáo Pháp (Dhamma) và Tăng chúng (Saṅgha).”1 Có lẽ là cũng thiếu niềm tin vào sự thực hành nữa.

“Nhiệt tâm: là thiếu vắng sự khao khát (thực hành) con đường Độc Đạo. Trí tuệ: là thiếu vắng chánh kiến hiệp thế và siêu thế.”2 ‘Chánh kiến’ có nghĩa là sự hiểu biết về nghiệp (kamma) và quả của nghiệp. Đó được gọi là ‘chánh kiến’.

“‘Sẽ không có khả năng thâm nhập vào tính đoan chắc của sự đúng đắn trong các thiện pháp’ có nghĩa là họ không có khả năng bước vào Thánh Đạo vốn được gọi là ‘tính đoan chắc’ và ‘sự đúng đắn trong các thiện pháp’.”1 Điều này đơn giản có nghĩa là những người này không có khả năng chứng đắc sự giác ngộ, chứng đắc các tầng thiền (jhāna).

“Và điều này không chỉ áp dụng cho các kasiṇa; vì không có ai trong số họ sẽ thành công trong việc tu chứng bất kỳ đề mục thiền nào. Như vậy, việc tu học thiền phải được thực hiện bởi một thiện nam tử, là người không có các chướng ngại do bởi quả của nghiệp (kamma), là người tránh xa chướng ngại do nghiệp (kamma) và do phiền não, và là người nuôi dưỡng niềm tin, sự nhiệt tâm và trí tuệ bằng việc lắng nghe Pháp (Dhamma), thân cận các bậc hiền trí và vân vân.”2 Như vậy, để thực hành một cách thành công, các bạn phải không có những khuyết điểm này. Đây là chương thứ năm.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app