8.  Lộ Tâm Thiền

Hôm nay, chúng ta sẽ nghiên cứu phần giảng giải chi tiết về sơ thiền. Đến lúc này, hành giả đã chuẩn bị và thực hành cho đến khi đạt được cận định. Cùng với sự chứng đạt cận định, hành giả đã có quang tướng trong tâm trí của mình. Đó là hình ảnh mang tính tinh thần của cái đĩa kasiṇa xuất hiện trong tâm trí của hành giả. Vị đó trú trên đó nhiều lần. Vị đó tập trung vào hình ảnh tinh thần đó. Khi thời điểm chín mùi, một lộ tâm bao gồm tâm thiền (jhāna) sẽ sanh lên trong vị đó.

“Khi vị đó hướng dẫn tâm trí của mình theo cách này, đối diện với ấn tướng (tức là trú trên ấn tướng đi lại nhiều lần), [rồi biết] ‘bây giờ sự an trú sẽ đến hoặc sẽ được chứng đạt’.”1 Đây là nơi mà hầu hết. mọi dịch giả đều hiểu sai thành ngữ Pāḷi. Thành ngữ Pāḷi ở đây có nghĩa chỉ là ‘khi an trú gần sanh lên’. Cho nên, chúng ta không cần những từ trong ngoặc vuông, ‘[rồi biết]’. Chủ ngữ của câu văn này là tâm hướng ý môn, chứ không phải là hành giả. Hơn nữa, hành giả không biết khi nào sự an trú sẽ sanh lên. Cho nên, thành ngữ Pāḷi là ‘khi an trú gần sanh lên’. Dịch sát chữ nghĩa sẽ là “khi mà có thể được nói rằng an trú sẽ diễn ra hoặc an trú sẽ sanh lên”. Khi an trú hay thiền (jhāna) gần sanh lên, sự việc diễn ra là tâm hướng ý môn sanh lên, cắt đứt dòng tâm hữu phần (bhavaṅga). 

Các bạn hãy nhìn vào biểu đồ của lộ tâm đắc thiền (jhāna) (ND: Lộ tâm đó như sau: ‘Bh Bh M P U A G Jh Bh’). Trước đây, tôi đã trình bày các biểu đồ của các lộ tâm. Nếu các bạn nhìn vào phần đầu của lộ tâm, hai tâm đầu tiên là ‘Bh’. Chúng là những tâm hữu phần (bhavaṅga). Rồi ‘M’ là tâm hướng ý môn. Khi an trú định gần sanh lên, tâm hướng ý môn sanh lên trước trong tâm trí của hành giả. Sau đó, có năm sát-na đổng lực (javana). Bốn đổng lực đầu thuộc về tâm dục giới (kāmāvacara). Đổng lực (javana) thứ năm thuộc về tâm sắc giới (rūpāvacara). Bốn đổng lực (javana) đầu tiên là cái chúng ta gọi là tâm dục giới tịnh hảo. Đổng lực (javana) thứ nhất được gọi là chuẩn bị (Parikamma). Đổng lực (javana) thứ hai được gọi là cận hành (Upacāra). Đổng lực (javana) thứ ba được gọi thuận thứ (Anuloma). Đổng lực (javana) thứ tư được gọi là chuyển tộc (Gotrabhū). Sớ Giải giải thích rằng tất cả bốn đổng lực (javana) này có thể được gọi bằng bất kỳ một trong số những tên này – chuẩn bị, cận hành, thuận thứ và chuyển tộc. Cả bốn có thể được gọi bằng những tên này. Nếu chúng ta muốn đặt tên riêng cho chúng để phân biệt chúng lẫn nhau, thì cái thứ nhất là chuẩn bị, cái thứ hai là cận hành, cái thứ ba là thuận thứ và cái thứ tư là chuyển tộc.

Chính tại sát-na thứ tư, dòng tộc dục giới (kāmāvacara) dừng lại. Sát-na thứ năm bắt đầu dòng tộc sắc giới (rūpāvacara). Đó là lý do tại sao nó được gọi là chuyển tộc.

Biểu đồ thứ hai trình bày một dạng khác của lộ tâm đắc thiền này (ND: Lộ tâm đó như sau: ‘Bh Bh M U A G Jh Bh’), nhưng ở đây, các bạn không có chuẩn bị (Parikamma). Có ba đổng lực dục giới (kāmāvacara javana) và đổng lực thứ tư là thiền (jhāna). Như vậy, trong lộ tâm này, có ba đổng lực dục giới (kāmāvacara javana) và rồi đổng lực (javana) thứ tư là thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna). Thiền (jhāna) sanh lên hoặc tại sát-na thứ năm hoặc tại sát-na thứ tư. Trong những lộ tâm này, chúng ta không có đổng lực (javana) sanh lên bảy lần như thông thường. Thường thường, các đổng lực tự lặp lại bảy lần, nhưng trong lộ tâm này, chỉ có năm hoặc bốn đổng lực (javana). Thông thường thì có bảy sát-na đổng lực (javana) trong một lộ tâm. Đây là những sát-na mà tại đó, đối tượng thật sự được trải nghiệm. Chúng là những sát-na mà tại đó nghiệp (kamma) được thu nhặt, hoặc là nghiệp (kamma) tốt hoặc là nghiệp (kamma) xấu. Nhà chú giải giải thích tất cả những điều này trong hai đoạn văn 74 và 75.

Trong hai đoạn văn 76 và 77, quan điểm của Trưởng lão Godatta được trình bày. Có thể có hai sát-na đổng lực (javana) thứ sáu và thứ bảy. Vị Trưởng lão này cảm thấy rằng có thể có sáu hoặc bảy sát-na đổng lực (javana). Quan điểm này bị ngài Buddhaghosa (tức là tác giả của luận thư này) bác bỏ. Nếu đổng lực (javana) tiếp tục diễn tiến đến sát-na thứ sáu hoặc thứ bảy, thì nó sẽ không thể dừng lại ở thiền (jhāna).

Sự so sánh hoặc ví dụ được đưa ra như sau: Khi một người chạy nhanh lên một dốc đứng, người đó sẽ không thể dừng lại đó vì ông ta đã có đà. Cũng theo phương thức tương tự, một đổng lực (javana) hỗ trợ cho đổng lực (javana) kế tiếp. Chúng trở nên mạnh mẽ hay mãnh liệt hơn. Tại các sát-na đổng lực dục giới (kāmāvacara javana) thứ ba hay thứ tư, dòng chảy của tâm dục giới (kāmāvacara) có thể dừng lại và tâm thiền (jhāna) có thể sanh lên. Quan điểm chung của các giáo thọ sư là tâm thiền (jhāna) tại sát-na thứ năm hay sát-na thứ tư, chứ không có tại những sát-na thứ sáu hay thứ bảy. Phải có bốn sát-na dục giới (kāmāvacara) hoặc ba sát-na dục giới (kāmāvacara) đi trước sự sanh khởi của sát-na tâm thiền (jhāna). Đây là cách lộ tâm thiền (jhāna) sanh lên.

Thuật ngữ Pāḷi của lộ trình tâm là ‘vīthi’.

9.  Sơ Thiền

Khi Đức Phật miêu tả sơ thiền, Ngài đã sử dụng cái gì đó giống như là một dạng trình bày mang tính rập khuôn. Sớ Giải cung cấp một sự giảng giải chi tiết của đoạn miêu tả đó (Chánh Văn). Tôi có phân phát cho các bạn một bản dịch của đoạn miêu tả đó (Chánh Văn) để các bạn thấy rõ hơn. Sự miêu tả đó khác với những trình bày các bạn thấy trong The Path of Purification (của ngài Ñāṇamoli), nhưng chúng có cùng ý nghĩa.

Đoạn miêu tả đó là như thế này: “Hoàn toàn ẩn dật, tức là hoàn toàn tách biệt khỏi các dục (kāma), ẩn dật hoặc tách biệt khỏi các pháp bất thiện (akusala), hành giả nhập vào và an trú trong sơ thiền vốn được đi kèm theo bởi tầm (vitakka) và tứ (vicāra) và được sinh ra từ sự ẩn dật hoặc sinh lên trong các trạng thái ẩn dật và có hỷ (pīti) và lạc (sukha).” Đây là sự miêu tả về sơ thiền.

Phần thứ nhất nói ‘hoàn toàn ẩn dật, tức là hoàn toàn tách biệt khỏi các dục (kāma)’ và phần thứ hai nói ‘ẩn dật hoặc tách biệt khỏi các pháp bất thiện (akusala)’. Sớ Giải giải thích rằng từ ‘hoàn toàn’ cũng nên được hiểu cho phần thứ hai. Trong ngôn ngữ Pāḷi, họ không lặp lại một từ nhiều lần, mà lại để cho nó được hiểu ngầm trong những phần sau. Ở đây, mặc dầu câu văn không được ghi thành “hoàn toàn ẩn dật, tức là hoàn toàn tách biệt khỏi các dục (kāma) và hoàn toàn ẩn dật hoặc hoàn toàn tách biệt khỏi các pháp bất thiện (akusala)”, chúng ta phải hiểu rằng ‘hoàn toàn’ cũng được hiểu trong phần thứ hai nữa. Từ ‘hoàn toàn’ ở đây có nghĩa giống như là ‘không phải cách nào khác’. Ở đây có sự khẳng định. Để chứng đắc thiền (jhāna), tâm trí của các bạn phải tách biệt khỏi các dục và không phải cách nào khác. Không có sự tách biệt khỏi các dục thì không thể có sự chứng đắc thiền (jhāna). Điều này cũng đúng cho các pháp bất thiện (akusala). Không có sự hoàn toàn tách biệt khỏi các pháp bất thiện (akusala) thì không thể có sự chứng đắc thiền (jhāna). ‘Hoàn toàn’ cũng nên được hiểu trong phần thứ hai luôn.

“Hành giả nhập vào và an trú trong sơ thiền vốn được đi kèm theo bởi tầm (vitakka) và tứ (vicāra).” Tầm (vitakka) và tứ (vicāra) là các chi thiền. Chúng là những tâm sở. Đây là lý do tại sao các bạn cần một ít kiến thức về Thắng Pháp (Abhidhamma) để hiểu điều này. Sơ thiền được đi kèm theo bởi tầm (vitakka) và tứ (vicāra).

Sơ thiền được sinh ra từ sự ẩn dật. Chúng ta sẽ bàn đến sự ẩn dật sau. Sơ thiền sanh lên trong các trạng thái ẩn dật. Điều đó có nghĩa là chúng sanh lên cùng với những trạng thái ẩn dật.

Sơ thiền có hỷ (pīti) và lạc (sukha). Tôi nghĩ các bạn vẫn còn nhớ sự khác nhau giữa hỷ (pīti) và lạc (sukha). Điều này được giải thích trong The Path of Purification.

Từ ‘kāma’ ở đây rất quan trọng. Từ ‘kāma’ có thể có nghĩa là các đối tượng của tham dục hoặc chính các tham dục. Bất kỳ khi nào chúng ta tìm thấy từ ‘kāma’, chúng ta phải hiểu nó có nghĩa là gì. Đôi lúc, nó chỉ có nghĩa là các đối tượng của tham dục. Đôi lúc, nó có thể có nghĩa là các tham dục. Và đôi lúc, nó có thể có nghĩa cả hai. Ở đây, từ ‘kāma’ có thể có nghĩa cả hai: các đối tượng của tham dục và chính các tham dục.

Nếu tôi dính mắc vào cái ly này, thì nó là đối tượng của tham dục của tôi. Tham dục là ở trong tôi và đây là đối tượng. Đối tượng này được gọi là ‘kāma’ và sự ham muốn sanh lên trong tâm trí của tôi cũng được gọi là ‘kāma’. ‘Kāma’ có thể có nghĩa là vật chúng ta dính mắc vào hoặc sự dính mắc mà chúng ta có.

Khi chúng ta xem kāma có nghĩa là các đối tượng của các tham dục, thì phần thứ nhất nói rằng chúng ta phải tách biệt hay ẩn dật khỏi những đối tượng giác quan này, những đối tượng đáng được khao khát này, những đối tượng mà chúng ta có thể bị dính mắc vào. Chúng ta không nên thực hành ngay giữa thành phố nơi mà có thể có nhiều sự lôi cuốn. Chúng ta nên ở một nơi hẻo lánh hay trong rừng, một nơi nào đó mà không có những đối tượng cuốn hút như  vậy. Phần thứ nhất nói rằng chúng ta nên sống ẩn dật về mặt vật chất.

Phần thứ hai ‘hoàn toàn ẩn dật hay hoàn toàn tách biệt khỏi các pháp bất thiện (akusala)’ có nghĩa là chúng ta phải tách biệt khỏi những tham dục và tất cả những pháp bất thiện (akusala). Điều đó có nghĩa là các pháp bất thiện (akusala) bao gồm các tham dục. Tham dục là tham  (lobha). Cho nên, nó được bao gồm trong bất thiện (akusala). Đây là khi chúng ta xem kāma có nghĩa là các đối tượng của tham dục.

Nếu chúng ta xem kāma có nghĩa là các tham dục, thì phần đầu nói về sự ẩn dật khỏi những tham dục. Phần đầu nói rằng chúng ta phải tách biệt hay ẩn dật khỏi những tham dục. Chúng ta phải không có tham dục sanh lên trong tâm trí của chúng ta. Phần thứ hai nói về sự ẩn dật khỏi tất cả những pháp bất thiện (akusala) và các tham dục. Khi chúng ta nói ‘tách biệt khỏi kāma’, ý của chúng ta là tách biệt khỏi tham (lobha). ‘Tách biệt khỏi akusala’ có nghĩa là tất cả các pháp bất thiện (akusala) bao gồm cả tham (lobha). Chúng ta nên hiểu hai phần này theo cách như vậy. Đây là cốt yếu của những điều mà Sớ Giải và The Path of Purificiation giải thích về những đoạn này.

Để chứng đạt thiền (jhāna), hành giả phải tách biệt hay ẩn dật khỏi những đối tượng dục trần và các tham dục, và cũng tách biệt khỏi những pháp bất thiện (akusala), đặc biệt là những pháp mà chúng ta gọi là ‘triền cái’. Có năm triền cái được nhắc đến sau này trong tài liệu này. Nếu tâm trí của chúng ta không giải thoát khỏi những tham dục và những triền cái khác, thì định không thể sanh lên. Khi không có định, thì không thể có sự chứng đắc thiền (jhāna). Để có được ít nhất là sơ thiền này, tâm trí của chúng ta phải nên xa lánh những tham dục, các đối tượng của tham dục  và cũng như các triền cái. Những triền cái là tham, sân, hôn thụy, trạo hối và hoài nghi. Đây là năm triền cái sẽ được nhắc đến về sau.

Trong bản dịch có ghi ‘các tham dục như là hoặc làm đối tượng’, nó có nghĩa là gì? Có phải các đối tượng là các tham dục không? Tôi nghĩ điều đó không chính xác. Giả sử có một đối tượng dục trần. Đây là đối tượng của giác quan. Đây không phải là tham dục. Đây là đối tượng của tham dục. Tôi nghĩ chúng ta không nên nói ‘các tham dục như là hoặc làm đối tượng”. Tôi nghĩ chúng ta nên nói “đối tượng của các tham dục”. Tôi nghĩ phải nên là như vậy.

Học viên: Các tham dục như là hoặc làm đối tượng – chúng ta nhìn vào các tham dục, chứ không phải đối tượng của chúng.

Giảng sư: Khi chúng ta nói ‘đối tượng của tham dục’, các bạn hiểu nó như thế nào?

Học viên: Đó là sắc pháp (rūpa).

Giảng sư: Chúng có thể là sắc pháp (rūpa) và cũng có thể là danh pháp (nāma).

Học viên: Trà có thể là đối tượng của tham dục.

Giảng sư: Trà có thể là đối tượng của tham dục. Bất cứ cái gì cũng có thể là đối tượng của tham dục. Tham dục là chủ thể sanh lên trong tâm trí của chúng ta. Các đối tượng là những thứ bên ngoài tâm trí của chúng ta hoặc thậm chí ở bên trong tâm trí của chúng ta, nhưng chúng không thể là cùng một thứ tại cùng một thời điểm. Các bạn biết là chúng ta cũng có dính mắc vào các tư tưởng, những ý nghĩ nữa. Rồi ý nghĩ là trong tâm trí. Ý nghĩ đó là đối tượng của tham dục của chúng ta.

Học viên: Không phải các cảnh pháp là các đối tượng của tham dục sao?

Giảng sư: Mọi thứ trên thế gian đều có thể là đối tượng. Có sáu giác quan theo Thắng Pháp (Abhidhamma) – mắt, tai, và vân vân. Cảnh sắc là đối tượng của mắt, tức là của tâm nhãn thức và vân vân. Các đối tượng khác là các đối tượng của tâm trí. Thay vì nói ‘các tham dục như là hoặc làm đối tượng’, tôi nghĩ phải nên nói là ‘các đối tượng của các tham dục’. [ND: Trong năm câu văn tiếp theo, ngài Sīlānanda thảo luận ngữ pháp tiếng Anh dựa trên cách hành văn của ngài Ñāṇamoli. Tuy nhiên, có lẽ có sự khác biệt giữa những phiên bản tiếng Anh, vì trong phiên bản 2011, chúng tôi không thấy những gì ngài Sīlānanda trình bày. Chúng tôi mạn phép không chuyển ngữ năm câu văn này vì thứ nhất, phần chuyển ngữ sang tiếng Việt không có ý nghĩa gì đặc biệt và thứ hai, chúng tôi không thấy những sự phân tích đó trong phiên bản 2011.]

Trong đoạn văn 82, khoảng một phần ba của đoạn văn, chúng ta thấy từ ‘tham dục xứ’1. Đó thật ra có nghĩa là dục giới (cảnh giới của tham dục). Chúng ta đã có gặp từ này trước đây rồi. Mặc dầu nó được dịch là ‘xứ’, nhưng ý nghĩa muốn nói là dục giới (kāmāvacara). Đôi lúc, các dịch giả muốn bám sát từ ngữ. Từ Pāḷi được dùng là ‘dhātu’, và thường được dịch là ‘xứ’. Ví dụ, có bốn sắc tứ đại – đất, nước, lửa, gió. Từ Pāḷi được dùng cho bốn yếu tố này là ‘dhātu’. Ở đây cũng vậy, từ ‘dhātu’ được dùng với ý nghĩa khác, không phải với ý nghĩa rằng chúng là những phần thiết yếu của một cái gì đó. Ở đây, ‘kāmadhātu’ đơn giản có nghĩa là cảnh giới của dục (kāma). Tức là dục giới (kāmāvacara).

Trong đoạn văn 88: “Cho đến lúc này, các yếu tố bị loại bỏ bởi sơ thiền đã được nêu lên. Và bây giờ, để nêu ra các yếu tố có liên kết với nó, tầm và tứ, vân vân, được trình bày.”2 Từ ‘vân vân’ bị thiếu ở đây.

Bây giờ chúng ta đi đến phần quen thuộc. Có tầm và có tứ. Tầm (vitakka) và tứ (vicāra) là hai tâm sở. Sớ Giải giải thích từng yếu tố một. Nó cũng trình bày sự khác biệt giữa hai yếu tố. Chúng sanh lên cùng một lần với cùng một tâm, nhưng chúng có các chức năng khác nhau. Cho nên, chúng là khác nhau.

Trong đoạn văn 89: “Và mặc dầu đôi lúc không rời nhau” – điều đó có nghĩa là ‘mặc dầu đôi lúc chúng cùng sanh lên’ với một vài loại tâm. Tầm và tứ sanh lên với nhiều loại tâm. Thật ra, chúng cùng sanh lên với 55 tâm. Trong nhị thiền, không có tầm. Điều này cũng đúng cho tam thiền, tứ thiền và ngũ thiền. ‘Mặc dầu đôi lúc không rời nhau’ có nghĩa là mặc dầu trong một vài loại tâm chúng cùng sanh lên, tầm là một yếu tố và tứ là một yếu tố khác.

Rồi tác giả (ND: ngài Buddhaghosa) trình bày những ví dụ về sự khác nhau giữa tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Tôi đã giảng về những sự khác nhau này khi chúng ta học Thắng Pháp (Abhidhamma). Các bạn có còn nhớ chúng không? Ngay giữa đoạn văn 89, tầm thì “giống như con chim giang cánh khi sắp bay lên trời, và giống như con ong đáp xuống hoa sen khi hướng tâm đến hương của hoa sen. Hành tướng của tứ thì an tịnh hơn, là tính gần với việc không can dự vào của tâm trí, giống như con chim sải cánh rộng sau khi đã bay vào không gian, và giống như con ong bay vòng quanh trên hoa sen sau khi đã hạ xuống.”2 Tầm là đi đến đối tượng trước và tứ là ở trên đối tượng. Còn có những ví dụ khác nữa.

Học viên: Dường như là chúng sanh lên theo trình tự.

Giảng sư: Chúng cùng sanh lên và có những chức năng khác nhau. Tầm là yếu tố đưa tâm đến đối tượng. Tứ là yếu tố giữ tâm ở đó.

Học viên: Tôi vẫn cảm thấy tầm sanh lên trước và rồi mới đến tứ.

Giảng sư: Chúng cùng sanh lên. [ND: chúng tôi không dịch hai câu văn tiếp theo vì chúng chỉ là sự giải thích những thuật ngữ tiếng Anh] Tầm (vitakka) chỉ có nghĩa là sự suy nghĩ hay ý nghĩ. Tứ (vicāra) có nghĩa là sự đi đây đó. Chúng sanh lên cùng với nhau nhưng có những chức năng khác nhau.

Rồi có từ mà chúng ta chỉ dịch ra ở đây là ‘được sinh ra từ sự ẩn dật’. Có hai ý nghĩa của từ này trong Pāḷi – ‘được sinh ra từ sự ẩn dật’ hoặc ‘sinh lên trong các trạng thái vắng lặng’. Điều đó có nghĩa là sanh lên với các trạng thái vắng lặng. ‘Các trạng thái vắng lặng’ thật ra có nghĩa là tâm thiền (jhāna) và các tâm sở khác. ‘Sự ẩn dật’ ở đây có nghĩa là sự biến mất của các triền cái. Khi nào các triền cái vẫn còn, thì không thể có sự ẩn dật hoặc không thể có sự sanh lên của tâm thiền (jhāna). ‘Được sanh ra từ sự ẩn dật’ có nghĩa là sự biến mất hay vắng mặt của những triền cái.

Thiền (jhāna) này là với hỷ (pīti) và lạc (sukha).

Sớ Giải trình bày năm loại hỷ (pīti) ở đây. Các hành giả trải nghiệm những loại hỷ (pīti) này trong quá trình hành thiền. Điều được ghi nhận là có năm loại hỷ như vậy. Chúng là tiểu đản hỷ, sát-na hỷ, hải triều hỷ, khinh thăng hỷ và sung mãn hỷ.

Tiểu đản hỷ chỉ có thể làm dựng đứng lông trên cơ thể. Đôi lúc, các bạn có loại cảm giác lông dựng đứng lên như vậy. Nó có thể là do lạnh. Nó cũng có thể được gây ra do hỷ (pīti) trong tâm trí của các bạn.

Sát-na hỷ thì mạnh hơn tiểu đản hỷ một chút. Nó giống như là những tia chớp tại những thời điểm khác nhau. Đôi lúc các bạn cảm giác được điều này khi các bạn hành thiền.

“Hải triều hỷ vỗ vào cơ thể đi lại nhiều lần như sóng vỗ vào bãi biển.”1 Nó giống như cơn sóng vỗ vào cơ thể và rút lui. Rồi nó lại đến và rút lui. Đó là hải triều hỷ.

Loại thứ tư là khinh thăng hỷ. Khi các bạn có loại hỷ này, cơ thể của các bạn có thể bay bổng lên. Có hai câu chuyện được trình bày ở đây trong đó có hai người được nhấc bổng lên và bay trong hư không. Đó không phải là năng lực của thiền (jhāna) hay thần thông mà là do năng lực của loại hỷ (pīti) này.

Những câu chuyện này thì không khó để hiểu. Một câu chuyện về vị tu sĩ và một câu chuyện về một cô gái vốn được bỏ lại phía sau vì đang thai nghén. Cô gái rất muốn được đi đến dự lễ hội ở chùa. Cô có hỷ (pīti) do nghĩ về việc mọi người đi nhiễu Phật và cúng dường đến Đức Phật. Cô có được loại khinh thăng hỷ này và đã bay đến lễ hội ở chùa. Cô đến đó trước cha mẹ của mình. Đó là do năng lực của khinh thăng hỷ.

Loại cuối cùng là sung mãn hỷ. “Toàn thân được/bị tràn ngập hoàn toàn, giống như một cái bọc được làm đầy, giống như một hang động bị nước lũ tràn ngập vào.”2 Nó giống như là mảnh bông gòn được đặt vào nước. Nó bị ngập tràn với nước. Toàn bộ cơ thể của các bạn được tràn ngập với loại hỷ này.

 

Pīti là hỷ và sukha là lạc. Sớ Giải trình bày sự khác nhau giữa hỷ (pīti) và lạc (sukha).

Hỷ (pīti) và lạc (sukha) cũng sanh lên cùng một lúc với một vài loại tâm. Mặc dầu chúng cùng sanh lên trong trường hợp này, nhưng cũng có sự khác nhau, vì hỷ (pīti) không phải là thọ, theo giáo lý Thắng Pháp (Abhidhamma). Hỷ (pīti) thuộc vào hành uẩn và lạc (sukha) thuộc vào thọ uẩn. Cho nên, chúng là khác nhau. Lạc (sukha) là thọ (vedanā). Hỷ (pīti) không phải là thọ (vedanā), nhưng nó là cái gì đó giống như ‘tiền lạc’ (tức là có trước lạc) mặc dầu chúng sanh lên cùng một lúc.

Hỷ (pīti) được so sánh với một người kiệt sức trong sa mạc thấy một cái hồ tại bìa rừng. Đó là hỷ (pīti). Khi ông ta đi vào được bóng mát của khu rừng, ông ta trải nghiệm lạc (sukha) ở đó. Hỷ (pīti) và lạc (sukha) là giống như vậy. Hỷ (pīti) cũng còn được dịch là sự quan tâm, sự thích thú mà được khao khát. Khi các bạn đang trên đường du hành, các bạn mệt mỏi và các bạn thấy hồ nước, thì các bạn có loại thích thú này. Khi các bạn đến được hồ nước, dùng nước và vân vân, thì các bạn có sự trải nghiệm nó thật sự. Như vậy, một cái là sự quan tâm, sự thích thú. Một cái là sự trải nghiệm nó thật sự.

Đoạn văn này có thể được dịch theo một cách khác nữa. Đó là “vốn được đi kèm theo bởi tầm (vitakka) và tứ (vicāra) và có hỷ (pīti) và lạc (sukha) mà được sinh ra từ sự ẩn dật.” Cụm từ ‘được sanh ra từ sự ẩn dật’ có thể nói về thiền (jhāna) hoặc nó cũng có thể nói về hỷ (pīti) và lạc (sukha). Mặc dầu cách dịch nào cũng được, không quan trọng lắm, nhưng chúng ta phải hiểu điều này. ‘Được sanh ra từ sự ẩn dật’ nói về thiền (jhāna) trong cách dịch thứ nhất. Tức là thiền (jhāna) là pháp sanh ra từ sự ẩn dật. Cách dịch thứ hai là hỷ (pīti) và lạc (sukha) là các pháp sanh ra từ sự ẩn dật. Thật ra, chúng có nghĩa giống nhau vì hỷ (pīti) và lạc (sukha) là các yếu tố của thiền (jhāna).

Các bạn có nhớ năm yếu tố của thiền (jhāna) không? Tầm (vitakka), tứ (vicāra), pīti (hỷ), sukha (lạc) và yếu tố cuối là định (ekaggatā). Đây là năm chi thiền.

Như vậy, từ ‘pītisukha’ hoặc từ ‘vivekajaṃpītisukha’ trong Pāḷi được giải thích theo hai cách. Theo cách thứ nhất, thiền (jhāna) là pháp được sanh ra từ sự ẩn dật và được đi kèm theo bởi hỷ (pīti) và lạc (sukha). Theo cách thứ hai, hỷ (pīti) và lạc (sukha) là các pháp sanh ra từ sự ẩn dật, và thiền (jhāna) được đi kèm theo bởi hỷ (pīti) và lạc (sukha) này. Như vậy, nếu hỷ (pīti) và lạc (sukha) được sanh ra từ sự ẩn dật, thì thiền (jhāna) cũng được sanh ra từ sự ẩn dật. Hỷ (pīti) và lạc (sukha) là một phần của thiền (jhāna).

“Sơ thiền: điều này sẽ được giải thích bên dưới. Nhập vào (upasampajja): đi đến, đạt đến là ý nghĩa muốn nói; hoặc khác hơn, hiểu nó theo nghĩa ‘làm (cho hành giả) nhập vào’ (upasampādayitvā).”1 Thật ra, từ ‘upasampādayitvā’ có nghĩa là cái gì đó giống như đã hoàn thành. Nghĩa đen là đã đạt đến, đã chạm đến.

Rồi từ ‘an trú’ được giải thích trong đoạn văn 103. “Và an trú (viharati); do bởi sở hữu loại thiền (jhāna) như được miêu tả ở trên, thông qua việc trú vào oai nghi hay tư thế thích hợp, hành giả tạo sinh ra một oai nghi hay một tư thế, một phương thức, một sự duy trì, một sự kiên cố, một sự kéo dài, một tư cách, một sự an trú, của con người.” ‘Của con người’ thật ra có nghĩa là ‘của cơ thể’.

Sơ thiền loại bỏ năm yếu tố và sở hữu năm yếu tố. Năm yếu tố được loại bỏ là năm triền cái. Ở đây (trong đoạn văn 104), chúng được liệt kê là tham dục, sân ác, đơ cứng và thụy miên, trạo cử và hối quá, và hoài nghi. Chúng là năm triền cái. “Vì không có thiền (jhāna) sanh lên cho đến khi nào những triền cái này được từ bỏ.”2 Không thể có thiền (jhāna) khi có năm triền cái này.

Học viên: ‘Đơ cứng’ có nghĩa là gì ạ?

Giảng sư: Thật ra nó là hôn trầm, buồn ngủ. Nó được dịch từ thuật ngữ Pāḷi ‘thīna’. Nó thật ra không phải là đơ cứng. Nó là sự bất lực của tâm trí trong việc tỉnh thức. Trong những tài liệu khác, nó được dịch là hôn trầm và thụy miên.

Trong đoạn văn 105 ở dòng thứ hai có nói “trở nên tập trung trên một đối tượng trong sự hợp nhất.”3 Điều đó có nghĩa là một đối tượng duy nhất vì nếu các bạn có thiền (jhāna), thì tâm trí của các bạn phải ở trên cùng một đối tượng, tức là một đối tượng duy nhất. ‘Đối tượng trong sự hợp nhất’ đơn giản có nghĩa là một đối tượng. ‘Đối tượng mà có cùng bản chất, cùng cốt lõi’ có nghĩa là một đối tượng duy nhất hay một đối tượng.

Ở đây, chúng ta lại gặp từ ‘tham dục xứ’. Nó nên được hiểu có nghĩa là dục giới (kāmāvacara loka).

Năm yếu tố được sở hữu bởi sơ thiền là gì? Đây là năm yếu tố mà chúng ta đã gặp trong Thắng Pháp (Abhidhamma) – tầm, tứ, hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā). Trong đoạn văn miêu tả này, định hay nhất tâm (ekaggatā) không được nhắc đến. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng định (ekaggatā) là một yếu tố của sơ thiền, không chỉ sơ thiền mà còn là của tất cả các tầng thiền (jhāna). Cho nên, mặc dầu định không được nhắc đến trong đoạn văn miêu tả, nhưng chúng ta nên hiểu rằng định là một trong những yếu tố của thiền (jhāna).

Học viên: Có phải đó là ý nghĩa của ‘nhất tâm’ không?

Giảng sư: Đúng. Đó là ý nghĩa ở đây. Nó được dịch ở đây là nhất tâm. Cái chúng ta gọi là thiền (jhāna) chỉ đơn giản là… (Băng thâu âm bị gián đoạn). Sớ Giải trình bày những sự tương tự như quân đội thì có bốn, âm nhạc thì có năm và đạo lộ thì có tám và vân vân. Quân đội thì có bốn có nghĩa là tượng binh, kỵ binh, bộ binh và xa binh.

Học viên: Ngài đang đọc ở đoạn văn nào vậy?

Giảng sư: Trong đoạn văn 107, “Quân đội với bốn thành phần và âm nhạc với năm thành phần”2 – có năm loại nhạc cụ như trống với da ở một mặt và trống với da ở hai mặt, sáo, và cái gì khác mà các bạn có thể đập vào nhau giống như chũm chọe. Và rồi có Bát Thánh Đạo. Khi chúng ta nói Bát Thánh Đạo, tám yếu tố là Đạo lộ. Không có con đường nào khác ngoài hoặc nằm ngoài các yếu tố đó. Cũng theo cách này, khi chúng ta nói thiền (jhāna), ý của chúng ta là năm yếu tố trong sơ thiền. Trong nhị thiền thì ý của chúng ta là bốn yếu tố và vân vân.

Chúng ta phải hiểu thiền (jhāna), các chi thiền và tâm thiền. Thiền (jhāna) có nghĩa là năm chi thiền – tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā). Chi thiền là mỗi một trong số những yếu tố này. Sự tập hợp của năm chi thiền hay nhóm năm chi thiền này thì là thiền (jhāna). Mỗi một yếu tố là một chi thiền. Tâm đi kèm theo bởi năm yếu tố này thì được gọi là tâm thiền. Chúng ta phải biết sự khác nhau như vậy.

Bây giờ trong đoạn văn 109: “Mặc dầu nhất tâm thật ra không được liệt kê trong số những chi thiền trong phần tóm tắt ban đầu ‘vốn được đi kèm theo bởi tầm và tứ’; tuy nhiên, sau này, nó được nhắc đến trong Vibhaṅga (Vibhaṅga có nghĩa là phần giảng giải) như sau: ‘jhāna: nó là tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm’, cho nên, nó cũng là một yếu tố; vì tác ý mà Đức Thế Tôn có khi trình bày phần tóm tắt thì giống hệt với tác ý mà Đức Thế Tôn có khi trình bày phần giải thích theo sau.”

Mặc dầu trong đoạn miêu tả đầu tiên, Đức Phật không nhắc đến nhất tâm, nhưng sau đó, khi trình bày phần giải thích về đoạn miêu tả đó, Đức Phật đã nói rằng ‘thiền’ (jhāna) có nghĩa là tầm, tứ, hỷ, lạc và định. Như vậy, nhất tâm là một trong các chi thiền. Nhất tâm thực ra rất quan trọng vì nó là yếu tố chúng ta gọi là ‘samādhi’, vốn cũng là từ đồng nghĩa với thiền (jhāna). Đây là năm yếu tố.

Sơ thiền từ bỏ năm yếu tố và sở hữu năm yếu tố. Năm yếu tố từ bỏ là năm triền cái. Năm yếu tố sở hữu là tầm và vân vân.

Học viên: Năm triền cái được từ bỏ chỉ trong thời gian của thiền (jhāna) thôi phải không ạ?

Giảng sư: Vâng, đúng vậy. Chúng không được loại trừ hoàn toàn. Chúng sẽ trở lại với hành giả. Những yếu tố này được hoàn toàn tẩy trừ chỉ tại thời điểm của sự giác ngộ.

Học viên: Thông qua năng lực của định phải không ạ?

Giảng sư: Thông qua năng lực của định và sự xuyên thấu vào bản chất của các pháp. Nói một cách khác là thông qua năng lực của minh sát (vipassanā). Để thành tựu trong thiền minh sát (vipassanā), các bạn cần định vì nếu không có định, sự xuyên thấu minh sát (vipassanā) không thể sanh lên.

Học viên: Nhưng nếu chúng ta có minh sát và sự tẩy trừ thông qua minh sát thì tại sao các triền cái có thể quay trở lại?

Giảng sư: Không phải như vậy. Minh sát chỉ có thể tẩy trừ tạm thời mà thôi, chứ không phải vĩnh viễn. Nói một cách khác, minh sát không đủ mạnh để tẩy trừ chúng hoàn toàn. Chỉ khi nào hành giả đạt đến giai đoạn giác ngộ thì vị đó mới có thể tẩy trừ các phiền não hoàn toàn và vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao khi chúng ta chưa đạt đến giai đoạn giác ngộ, chúng sẽ quay lại với chúng ta lúc chúng ta không hành thiền. Khi chúng ta hành thiền, chúng được đẩy sang một bên trong một khoảng thời gian nào đó. Chúng không thể sanh lên trong tâm trí của chúng ta vào lúc đó. Khi chúng ta dừng hành thiền, thì chúng ta có thể có một hoặc nhiều triền cái quay trở lại. Những pháp này chỉ được tẩy trừ tạm thời, chứ không phải hoàn toàn.

Học viên: Như vậy có nghĩa là chúng ta có thể trượt lại phía sau, sau (khi chứng đắc) sơ thiền sao?

Giảng sư: Thậm chí sau sơ thiền, chúng có thể quay trở lại. Nhưng khi có sơ thiền, khi sơ thiền có trong tâm trí của chúng ta thì các triền cái này không sanh lên. Chúng bị đè nén. Đó là vì các triền cái và thiền (jhāna) là không tương thích với nhau. Khi cái này có thì cái kia không có. Chúng không thể cùng tồn tại. Cho nên, để chứng đạt thiền (jhāna), chúng ta phải từ bỏ các triền cái.

Học viên: Khi chúng ta đã chứng đạt sơ thiền, việc trải nghiệm nó về sau đó có dễ dàng cho chúng ta không?

Giảng sư: Có chứ. Sau khi các bạn chứng đắc thiền (jhāna), tài liệu này dạy các bạn phải làm gì để giữ nó trong một thời gian dài và làm sao đi tiếp lên nhị thiền và vân vân.

Trước hết, ở đây giải thích rằng sơ thiền tốt đẹp theo ba cách và sở hữu mười đặc tính và vân vân. Tôi nghĩ những đoạn văn này thì hơi khó hiểu một chút.

“Sơ thiền tốt đẹp theo ba cách, đó là tốt ở đoạn đầu, tốt ở đoạn giữa, và tốt ở đoạn cuối.”1 ‘Tốt ở đoạn đầu’ của sơ thiền được giải thích là sự thanh tịnh hay sự thanh lọc của đạo lộ. Đoạn đầu có bao nhiêu đặc tính? Đoạn đầu có ba đặc tính. Tâm trí được thanh lọc khỏi những chướng ngại của thiền (jhāna) đó. Điều đó có nghĩa là tâm trí được giải thoát khỏi những triền cái. “Vì tâm trí được thanh lọc, nó dọn đường cho trạng thái quân bình ở giữa, vốn là tướng trạng của sự an tịnh.”1 ‘Dọn đường’ có nghĩa là gì? Có phải là làm cho cái gì đó xảy ra không?

Học viên: Có nghĩa là chuẩn bị. Ví dụ khi ngài đi vào phòng, mọi người ‘dọn đường’ cho ngài, để ngài có để bước qua hoặc đi qua.

Giảng sư: Nhưng từ Pāḷi (paṭipajjati) ở đây không có nghĩa là ‘dọn đường’. Nó có nghĩa là ‘đi tới’ hay ‘đạt đến’. Nó không có nghĩa là ‘dọn đường’. Bởi vì được thanh lọc, tâm trí đạt đến tướng trạng ở giữa hay trạng thái quân bình hay cái gì đó như vậy. ‘Ở giữa’ ở đây có nghĩa là không  quá nhu nhược và không quá năng động. Sự tinh cần hay nỗ lực nên ở lượng vừa đủ, không quá ít cũng không quá nhiều.

Học viên: Trung đạo.

Giảng sư: Đúng vậy. “Bởi vì nó đã đạt đến (chứ không phải là ‘nó đã dọn đường’), tâm trí thể nhập vào trạng thái đó. Và vì tâm trí trở nên được thanh lọc khỏi những chướng ngại và, thông qua việc được thanh lọc, (cũng vậy không phải là ‘dọn đường’) nó đạt đến [trạng thái quân bình ở giữa, vốn là] tướng trạng của sự an tịnh và, sau khi đạt đến, nó thể nhập vào trạng thái đó” và vân vân.

Chúng ta sẽ bỏ qua những đoạn văn này và sẽ đi đến đoạn văn 119. “Nó được gọi là sơ thiền vì nó bắt đầu một chuỗi những con số.”1 Điều đó có nghĩa là nó là đầu tiên và những tầng thiền khác là thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm. “Nó cũng là đầu tiên vì nó sanh lên trước.”2

“Nó được gọi là thiền (jhāna) do làm sáng đối tượng.”3 ‘Làm sáng’ là đốt lửa hay chiếu sáng?

Học viên: Bật điện lên.

Giảng viên: Nhưng ở đây, nó không có nghĩa là ‘làm sáng lên’. Nó có nghĩa là quan sát đối tượng một cách cẩn thận, tỉ mỉ. ‘Upanijjhāna’ có nghĩa là quan sát một cách mãnh liệt, dữ dội, chứ không phải làm sáng lên hay thắp sáng.

Từ ‘jhāna’ có hai nghĩa. Một nghĩa là nhìn tỉ mỉ, quan sát cẩn thận. Nghĩa còn lại là đốt cháy. Khi các bạn đạt được jhāna, tâm trí của các bạn là gần sát với đối tượng, tức là tâm trí của các bạn là ở trên đối tượng, và các bạn đốt cháy năm triền cái. Đó là lý do tại sao nó được gọi là jhāna. Có hai ý nghĩa của từ ‘jhāna’ – một là quan sát tỉ mỉ và hai là đốt cháy pháp đối lập. ‘Pháp đối lập’ ở đây có nghĩa là các triền cái.

Học viên: Tôi nghĩ là chúng ta phải đốt cháy triền cái để mà nhập vào jhāna.

Giảng sư: Trước khi nhập vào trạng thái của jhāna, chúng chưa được đốt cháy nhiều, tức là chưa được đốt cháy một cách thích đáng. Chúng có thể quay trở lại. Nhưng tại thời điểm của jhāna, chúng bị đè nén một cách tốt đẹp, thích đáng.

“Cái đĩa bằng đất được gọi là kasiṇa đất.”1 Khi các bạn thực hành thiền kasiṇa đất, thiền (jhāna) mà các bạn chứng đạt cũng được gọi là kasiṇa đất hoặc thiền kasiṇa đất.

“Cái đĩa bằng đất được gọi là kasiṇa đất với ý nghĩa là trọn vẹn.”2 Thuật ngữ Pāḷi ‘kasiṇa’ có nghĩa là trọn vẹn hoặc tất cả. Khi các bạn nhìn vào cái đĩa, các bạn nhìn vào toàn bộ cái đĩa chứ không phải chỉ một phần của nó. Các bạn nhìn nó một cách tổng thể. Từ ‘kasiṇa’ có nghĩa là trọn vẹn.

“Ấn tướng đạt được với cái đĩa bằng đất đó là yếu tố hỗ trợ cho nó, và cũng như tầng thiền (jhāna) đạt được với ấn tướng kasiṇa đất cũng được gọi như vậy.”3 Từ Pāḷi ‘pathavī-kasiṇa’, được dịch là kasiṇa đất, có thể có nghĩa là cái đĩa bằng đất, và cũng là ấn tướng hay hình ảnh của cái đĩa bằng đất mà các bạn đạt được trong tâm trí của các bạn. Nó cũng có thể có nghĩa là tầng thiền (jhāna) mà các bạn đạt được khi giữ tâm trí của các bạn trên ấn tướng đó của cái đĩa bằng đất. Thuật ngữ Pāḷi ‘pathavī kasiṇa’ có thể ám chỉ cho ba yếu tố – chính cái đĩa bằng đất, hình ảnh cái đĩa trong tâm trí, và tầng thiền (jhāna) mà các bạn có được bắt hình ảnh đó làm đối tượng.

“Khi nó được chứng đạt theo cách này, những cách thức (phải là số nhiều) chứng đắc của nó phải được hành giả phân tích giống như ông ta là một nhà bắn cung thiện xảo hoặc là một người đầu bếp.”1 Sau khi đạt được sơ  thiền, các bạn phải biết các phương thức chứng đắc của nó. Điều đó có mục đích để, nếu các bạn mất thiền (jhāna) đó, thì các bạn biết làm gì để chứng đạt lại. Tôi đạt được thiền (jhāna) này khi tôi ở trú xứ này hoặc khi những sự việc cụ thể nào đó là thích hợp và thuận lợi cho tôi, như khi tôi ăn vật thực như vậy hoặc ở trú xứ như vậy. Cho nên, khi các bạn mất thiền (jhāna), các bạn có thể trải nghiệm chúng trở lại. Sau khi chứng đắc thiền (jhāna), hành giả phải lưu tâm hoặc phân tích các phương thức chứng đắc của nó.

Học viên: Tôi không hiểu điều này. Chúng ta chứng đắc thiền (jhāna) trong khi đang dùng vật thực gì đó hay sao?

Giảng sư: Không phải trong khi dùng vật thực. Các bạn biết là thực phẩm là một trong những yếu tố thích hợp cần phải được lưu tâm. Đôi lúc nếu các bạn có khao khát được dùng một cái gì đó và các bạn không được thỏa mãn, thì việc hành thiền của các bạn không được tiến triển tốt đẹp. Các bạn có sự dính mắc vào loại thức ăn đó. Tức là có một chướng ngại trong tâm trí của các bạn. Khi các bạn có thực phẩm thích hợp, tâm trí của các bạn tĩnh lặng xuống và các bạn có thể thực hành thiền. Điều này cũng đúng cho trú xứ. Đôi lúc, nơi ở không thích hợp cho các bạn.

Học viên: Trong trường hợp đó, chúng ta đã không đè nén khao khát dục trần. Chúng ta đã chiều theo, tức là đã làm thỏa mãn ước muốn dục trần.

Giảng sư: Các bạn biết là có những loại thực phẩm không thích hợp. Nếu các bạn dùng thực phẩm không thích hợp, các bạn có thể bị không tiêu hoặc sự khó chịu nào đó vốn làm ảnh hưởng đến việc thực hành thiền của các bạn. Thực phẩm thích hợp cũng là một yếu tố quan trọng cần phải lưu tâm. Cũng vậy, trú xứ thích hợp cũng quan trọng. Nếu nơi ở ồn ào và dơ bẩn, rất khó chứng đạt thiền (jhāna) hoặc thậm chí là hành thiền.

Sau khi chứng đắc thiền (jhāna), các bạn phải lưu ý việc này. Tôi chứng đạt thiền (jhāna) này khi tôi dùng loại thực phẩm này, hoặc khi tôi ở nơi trú xứ này, hoặc khi tôi chung sống với những tu sĩ này tại một tự viện và vân vân. Đó không phải là tất cả. Còn một vài điều khác phải làm nữa.

Trong đoạn văn 123: “Và khi hành giả hình dung lại những phương thức đó bằng cách ghi nhận ấn tướng, hành giả chỉ thành công trong việc đạt đến an trú định, nhưng không phải trong việc làm cho nó kéo dài.”1 Điều đó có nghĩa là sau khi chứng đạt thiền (jhāna), các bạn phải lưu tâm đến những phương thức hay những tướng trạng của sự chứng đạt. Đó là vì nếu các bạn lỡ mất nó, các bạn có thể áp dụng lại những điều này. Điều đó sẽ giúp cho các bạn chứng đạt lại thiền (jhāna) đó, nhưng nó sẽ không giúp các bạn giữ hay duy trì nó. Điều đó có nghĩa là sau khi chứng đạt thiền (jhāna), các bạn sẽ nhập vào an trú định (jhāna) trong một giờ, hai giờ hoặc cả ngày. Để ở trong thiền (jhāna) một thời gian dài, các bạn cần phải thực hiện một vài việc khác.

“Thiền tồn tại lâu dài khi nó được thanh lọc một cách tuyệt đối khỏi những pháp làm cản trở định.”1 Hành giả phải tránh những hiểm nguy cho định hoặc những sự cản trở của định. Chúng chính là năm triền cái. Hành giả không phải chỉ phân tích các phương thức hay các tướng trạng của sự chứng đắc, mà hành giả còn phải thanh lọc tâm trí của mình một cách hoàn toàn khỏi những pháp làm chướng ngại cho định – tham dục, sân độc và những thứ khác.

Trong đoạn văn 126: “Như vậy, nếu hành giả muốn an trú lâu trong thiền (jhāna), hành giả phải nhập vào nó  sau khi thanh lọc tâm trí của mình trước hết khỏi các pháp chướng ngại.”2 Điều đó có nghĩa là sau khi chứng đắc thiền (jhāna), các bạn không quay ngược lại (ND: tiếp xúc hoặc tận hưởng) các đối tượng dục trần. Các bạn phải giữ chúng cách xa mình để các bạn có thể ở trong thiền (jhāna) một thời gian dài.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app