4.  Hai Loại Định

“Bây giờ, định có hai loại, tức muốn nói đến cận định và an trú định: tâm trí trở nên được tập trung theo hai phương cách, đó là, ở mức độ cận định và ở mức độ chứng đạt.”1 ‘Chứng đạt’ có nghĩa là định của thiền (jhāna).

“Ở đây, tâm trí trở nên được tập trung ở mức độ cận định do sự từ bỏ các triền cái.” Khi các bạn từ bỏ các triền cái (tham, sân, hôn thụy, trạo hối, và hoài nghi), thì tâm trí của các bạn ở trên đối tượng và các bạn được cho là đạt đến mức độ cận định. Khi các bạn tiến đến giai đoạn thiền (jhāna), các bạn được cho là đã chứng đắc an trú định.

“Sự khác nhau giữa hai loại định này là như sau. Các chi thiền không được mạnh trong cận định.”1 Trong thời gian của cận định, các chi thiền này là những trạng thái tinh thần đi cùng với tâm đang thực hành thiền. Các yếu tố này không được mạnh. Vì chúng không đủ mạnh, tâm trí của các bạn rơi vào dòng hữu phần (bhavaṅga). Rồi tâm trí lại bắt đối tượng trở lại và rồi lại rơi vào dòng hữu phần (bhavaṅga). Các yếu tố ở đó không được mạnh lắm.

Khi các bạn đạt đến giai đoạn của thiền (jhāna), tâm trí của các bạn có thể ở trên đối tượng đó cả ngày, cả đêm mà không bị chi phối bởi bất kỳ đối tượng nào khác. Các chi thiền hay các trạng thái tinh thần đi cùng với tâm thì mạnh tại lúc này. Đây là hai loại định. Khi các bạn đạt đến cận định hoặc định của thiền (jhāna), thì các bạn (đã) đạt đến một giai đoạn của việc thực hành thiền.

5.  Hộ Trì Ấn Tướng

Nếu các bạn có thể đạt được giai đoạn an trú một cách dễ dàng, thì đó là một điều tốt. Nhưng nếu các bạn không thể đạt được một cách dễ dàng, thì các bạn có việc phải cần làm. Việc các bạn phải làm là ‘hộ trì hay gìn giữ ấn  tướng’2. Các bạn đã có quang tướng. Các bạn phải giữ nó trong tâm trí của mình. Các bạn phải giữ nó để nó không biến mất khỏi tâm trí của các bạn. Các bạn phải làm một cái gì đó để bảo vệ hay gìn giữ ấn tướng đó.

Thật ra, các bạn phải tránh bảy điều không thích hợp. Bảy điều có thể không thích hợp là trú xứ, nơi vãng lai, ngôn từ, người, thực phẩm, khí hậu và oai nghi. Ví dụ, nếu sống tại một nơi nào đó mà các bạn hành thiền và mất đi ấn tướng, thì đó không phải là nơi trú tốt đẹp. Nó không thích hợp cho các bạn. Nó là một cái gì đó như vậy cùng với những thứ khác nữa.

‘Nơi vãng lai’1 thật ra có nghĩa là ngôi làng mà các tu sĩ đi khất thực. Đó được gọi là ‘nơi vãng lai’. Nó không nên quá xa cũng không nên quá gần.

Trong đoạn văn 37, có từ ‘kosa’. Một kosa thì khoảng hai dặm Anh. Như vậy, ‘một kosa rưỡi’ có nghĩa là khoảng ba dặm Anh.

Rồi ngôn từ – ‘ngôn từ’4 có nghĩa là nói. Nếu các bạn nói nhiều quá hoặc nếu các bạn nói vô ích, không có ý nghĩa, thì các bạn sẽ mất đi cái các bạn đã đạt được, tức là quang tướng. Như vậy, các bạn phải chế ngự không nói nhiều.

“Người: Người không ưa thích thể loại nói không có mục đích, người có những giới đức đặc biệt, vân vân – do thân cận với người như vậy, tâm bất định (sẽ) trở nên định, hoặc tâm định (sẽ) trở nên được tập trung mạnh hơn – người này là người thích hợp. Người mà quan tâm quá nhiều đến cơ thể của chính mình, mà nghiện vui nói chuyện vô ích, là không thích hợp.” Loại người sau là không thích hợp và các bạn phải tránh xa.

Học viên: Khi ngài nói là ‘quan tâm quá nhiều đến cơ thể’, như thế nào là quan tâm quá nhiều?

Giảng sư: Trong chú thích có nói, đó là tập thể dục và chăm sóc cho bản thân. Tức là quá quan tâm vào việc tập thể dục hoặc quá quan tâm vào thân xác. Tuy nhiên, các bạn cần phải tập thể dục một ít để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Học viên: Họ có thực hành yoga không?

Giảng sư: Tôi không biết. Thực hành yoga là để giữ cho cơ thể của các bạn được khỏe mạnh. Các động tác yoga được thực hành cùng với thiền chỉ hoặc thiền quán là được cho phép. Nhưng có một vài người quan tâm quá mức đến cơ thể của họ. Tôi nghĩ đó là điều muốn nói đến ở đây. Chúng ta phải chú ý đến cơ thể của mình một cách vừa đủ, một cách thích hợp. (Vì) nếu cơ thể của chúng ta không khỏe mạnh, thì chúng ta không thể thực hành thiền được.

Những người như vậy chúng ta phải nên tránh xa vì những sự chứng đắc, thậm chí các tầng thiền (jhāna), có thể biến mất nếu các bạn giao lưu với những người như vậy, tức là những người nói không có mục đích và lưu tâm quá nhiều vào thân xác của họ.

Rồi thực phẩm – đối với một vài người, thức ăn ngọt thì thích hợp. Đối với những người khác, thức ăn chua thì thích hợp và vân vân. Hành giả phải thọ dụng thực phẩm thích hợp để giữ cho quang tướng của mình khỏi bị biến mất.

“Khí hậu: khí hậu mát mẻ thích hợp người này, khí hậu ấm áp thích hợp người kia.”1 Đó là lý do tại sao chúng ta cần một chút an lạc để thực hành thiền. Chúng ta cần dùng thực phẩm thích hợp cho mình. Rồi chúng ta cần phải sống trong khí hậu thích hợp, không quá lạnh, không quá nóng và vân vân.

Oai nghi – các bạn có thể chọn tư thế thích hợp nhất cho mình – đi, đứng, ngồi, và có lẽ là không nằm. Nếu đi thích hợp cho các bạn, thì các bạn đi. Nếu ngồi thích hợp cho các bạn, thì các bạn ngồi. Ở đây, trong tài liệu này, nằm xuống cũng có được trình bày.

Học viên: Đây là điều hành giả tự quyết định cho chính mình hay vị thầy phải quyết định?

Giảng sư: Ở đây, vị tu sĩ tự quyết định cho chính mình. Giống như là trú xứ vậy. Các bạn thử mỗi tư thế khoảng ba ngày – đi ba ngày, ngồi ba ngày và vân vân. Rồi các bạn chọn tư thế nào là tốt nhất cho mình và thực hành như vậy.

6.  Mười Kỹ Năng Cho Sự An Trú

Nếu sau khi tránh xa bảy điều không thích hợp và tiếp cận những thứ thích hợp, các bạn vẫn không thể chứng đắc thiền (jhāna) hoặc an trú định, thì các bạn phải trải qua mười kỹ năng này để (có được sự) an trú. Thứ nhất là làm cho nền tảng được trong sạch. Đó là giữ cho cơ thể của các bạn sạch sẽ và giữ cho nơi ở sạch sẽ. Chúng ta có sự sạch  sẽ bên trong và sự sạch sẽ bên ngoài. Phòng hành thiền cần phải được sạch sẽ và gọn gàng. Cơ thể của chúng ta cũng nên được sạch sẽ. Đó là lý do tại sao ở một vài trang trước có nói là các bạn tắm trước và rồi thực hành thiền. Giữ nền tảng được sạch sẽ là điều quan trọng. Khi cơ thể của chúng ta sạch sẽ, thì chúng ta có nhiều cơ hội chứng đạt định hơn. Cũng vậy, khi trú xứ sạch sẽ và gọn gàng và không chứa đựng quá nhiều thứ, nó hỗ trợ cho việc thực hành thiền, tức là việc chứng đắc định.

Thứ hai là duy trì các căn quyền cân bằng. Điều này rất quan trọng. Khi chúng ta thực hành thiền, điều được ghi nhận là có năm căn quyền, tức là các yếu tố làm việc. Chúng là tín, tấn, niệm, định và tuệ. Năm quyền này nên được giữ cân băng để chúng ta đạt được định tốt đẹp, hoặc chúng ta đạt được an trú định hay thiền (jhāna), và cũng vậy, nếu chúng ta thực hành thiền minh sát (vipassanā), chúng ta sẽ đạt được sự giác ngộ sự thật. Phải có sự cân bằng của các quyền. Nếu một trong các quyền này vượt trội, thì những quyền khác không thể thực hiện chức năng của chúng một cách tốt đẹp được. Chúng phải hoạt động một cách tốt đẹp khi chúng cùng làm việc với nhau. Quyền này phải không được vượt trội quyền kia.

Nếu có quá nhiều tín, thì các bạn phải làm giảm thiểu nó bằng cách xem xét lại các thực tính cá nhân của các pháp. Điều đó có nghĩa là nếu các bạn có quá nhiều niềm tin vào Đức Phật hoặc các bạn có quá nhiều niềm tin vào vị thầy của mình, thì các bạn phải xem xét lại đặc tính vô thường của Đức Phật hoặc của vị thầy. Các ngài là vô thường. Các ngài sẽ biến mất một ngày nào đó. Và rồi, các bạn sẽ có ít dính mắc hay ít sùng mộ vào các ngài hơn. Nếu có quá nhiều sùng mộ, thì các bạn không thể thực hành thiền được.

Nếu có quá nhiều nghị lực hay tinh tấn, các bạn cũng không thể thực hành thiền. Có hai câu chuyện được trình bày ở đây. Một là về Trưởng lão Vakkali và một là về Trưởng lão Sona.

Trưởng lão Vakkali là vị có quá nhiều đức tin vào Đức Phật, quá sùng mộ Đức Phật. Cho nên, ngài đã không thể hành thiền được. Đức Phật đã phải làm tỉnh thức ngài  và sa thải ngài. Đức Phật đã nói như sau: “Đừng đến gặp Như Lai nữa. Tốt đẹp gì đâu mà ngươi cứ nhìn thân xác uế trược của Như Lai?” Đức Phật đã xua đuổi ngài như vậy. Trưởng lão Vakkali rất buồn tủi đến độ ngài đã quyết định tự vẫn bằng cách nhảy khỏi vách núi. Vào lúc ngài gần nhảy, Đức Phật đã dùng thần thông phóng hào quang đến. Đó là câu chuyện về Trưởng lão Vakkali. Tôi kể cho các bạn nghe về Trưởng lão Vakkali để phòng trường hợp các bạn không có tài liệu về nó. Nó ở trong Buddhist Legends.

Học viên: Chúng tôi có ạ. Tôi sẽ giữ nó để mọi người có thể mượn tham khảo ạ.

Giảng sư: Câu chuyện còn lại là về Trưởng lão Sona, có quá nhiều nghị lực, tức là quá tinh tấn, và do đó, đã không thể chứng đạt được gì cả vào lúc đầu. Ngài là con trai của một trưởng giả giàu có. Điều được ghi nhận là ngài đã có cơ thể rất mảnh mai và mềm yếu. Ngài rất là mỏng manh và yếu đuối đến độ lông mọc trên lòng bàn tay và lòng bàn chân của ngài. Khi ngài trở thành tu sĩ, ngài đã nghĩ rằng mình phải nỗ lực tinh cần để chứng đắc sự giác ngộ. Cho nên, ngài đã kinh hành suốt đêm. Ngài đã nỗ lực hết sức trong việc kinh hành. Ngài đã không thể chứng đắc được định. Lòng bàn chân của ngài đã bị lở loét hết. Sau khi thực hành một thời gian, ngài quyết định hoàn tục, rời Tăng đoàn.

Đức Phật biết được chuyện này. Cho nên, Đức Phật đã đến gặp ngài và kể cho ngài nghe về ví dụ của cây đàn cầm. Nếu các dây đàn quá căng, các bạn không thể gảy ra âm thanh tốt đẹp được. Nếu các dây đàn quá chùng, các bạn cũng không thể gảy ra âm thanh tốt đẹp được. Câu chuyện này được tìm thấy trong The Book of Discipline và trong Gradual Sayings. Tôi sẽ cung cấp cho các bạn nơi tra cứu phòng trường hợp các bạn muốn biết đầy đủ về câu chuyện. Trong The Book of Discipline, nó nằm trong tập 4, từ trang 236. Trong Gradual Sayings, nó nằm trong tập 3, từ trang 266 trở đi.

Khi một quyền quá mạnh, thì các quyền khác không thể thực hiện chức năng tương ứng của chúng một cách tốt đẹp được. Không phải là ‘một vài’ chức năng mà phải là các chức năng tương ứng (itaresaṃ attano kiccesu). Những yếu tố này có những chức năng tương ứng của chúng. Tín có một chức năng. Tấn có một chức năng và vân vân. Khi một quyền quá mạnh, thì các quyền khác không thể thực hiện chức năng tương ứng của chúng một cách tốt đẹp được.

“Điều đặc biệt được khuyến khích là làm quân bình tín với tuệ, và định với tấn.” Những điều này là quan trọng nhất – làm quân bình tín với tuệ, và định với tấn.

Nếu các bạn có quá nhiều tín, thì các bạn sẽ tin vào bất kỳ điều gì. Các bạn sẽ tin vào điều mà các bạn không nên tin. Các bạn sẽ bị những người lừa gạt người khác dẫn đi sai đường. Nếu tuệ của các bạn quá mạnh, nếu các bạn quá khôn ngoan, các bạn có khuynh hướng trở nên xảo quyệt và có lẽ khôn ranh. Hai quyền này phải được quân bình. Các bạn phải không nên có quá nhiều tín hoặc có quá nhiều tuệ.

Định và tấn cũng phải được quân bình. Nếu có quá nhiều định, các bạn có khuynh hướng trở nên lười nhác. Nếu có quá nhiều tấn, các bạn có khuynh hướng trở nên bị khích động. Trong cả hai trường hợp, các bạn (sẽ) mất định.

Đoạn văn số 48 quan trọng vì trước hết, tác giả (ND: ngài Buddhaghosa) đã nói rằng nên có sự quân bình giữa các quyền. Điều đặc biệt được khuyến dạy là sự quân bình giữa tín và tuệ và giữa định và tấn. Bây giờ, ngài sẽ trình bày một sự lý giải khác, tức là khác với đoạn văn đi trước.

Ở đây, sự chuyển ngữ không được chuẩn lắm. Đoạn văn 48 nói khác với những gì đã nói ở trên. Điều được nói  ở trên là tín phải được quân bình với tuệ, và định phải được quân bình với tấn. Ở đây, đoạn văn 48 nói rằng, đối với người đang thực hành thiền chỉ tịnh (samatha), có tín, thậm chí là tín mạnh, là được chấp nhận. Nếu tín mạnh hơn những quyền còn lại, điều này vẫn tốt. Đó là vì, do bởi tín, hành giả sẽ nỗ lực và đạt được điều hành giả muốn. Tức là hành giả sẽ chứng đạt định và an trú định, tức là thiền (jhāna).

Đối với định và tuệ, chứ không phải định và tấn, ở đây, cặp đôi là định và tuệ. Đối với người đang thực hành thiền chỉ tịnh (samatha), định có thể là mạnh hơn. Khi các bạn đang thực hành thiền chỉ tịnh (samatha), định mạnh hơn là được chấp nhận. Mạnh hơn là tốt vì do bởi định mạnh, các bạn sẽ chứng đạt an chỉ định. Các bạn sẽ đạt đến giai đoạn của thiền (jhāna). Đối với hành giả thực hành thiền minh sát (vipassanā), tuệ mạnh hơn là chấp nhận được. Tuệ có thể mạnh hơn hoặc nên được mạnh hơn. Điều này là vì với tuệ hay với kiến thức xuyên thấu, hành giả sẽ đạt đến sự phân tích các tướng trạng. ‘Các tướng trạng’ có nghĩa là vô thường, khổ và vô ngã. Như vậy, đối với người đang thực hành thiền chỉ tịnh (samatha), định mạnh hơn là chấp nhận được. Đối với người đang thực hành thiền minh sát (vipassanā), tuệ mạnh hơn là chấp nhận được.

Nhưng với sự quân bình của hai quyền này (tức là định và tuệ), hành giả cũng đạt đến sự an trú hay sự thẩm thấu. Chúng ta có thể hỏi, vậy còn sự quân bình của chúng thì sao? Điều này tốt thôi. Khi chúng là quân bình, vị đó cũng có thể đạt được sự an trú hay sự thẩm thấu. Vị đó có thể chứng đạt sự an trú thiền (jhāna).

Khi các bạn thực hành thiền và các bạn đang cố gắng chứng đắc thiền (jhāna), thì có thể có định mạnh hơn. Điều này tốt thôi. Nhưng khi các bạn thực hành thiền để chứng đạt các pháp siêu thế, thì sự quân bình của các quyền là cần thiết. Đây là điều muốn nói đến trong đoạn văn này.

Sự chuyển ngữ ở đây không lột tả được ý như vậy.1 Nó khác với những gì đã được trình bày ở trên. Ở trên nói rằng các quyền phải nên được quân bình. Trong đoạn văn này lại nói rằng, thậm chí chúng không được hoàn toàn quân bình, điều đó vẫn tốt thôi.

Còn niệm thì sao? Niệm thì cần thiết mọi nơi. Niệm thì giống như muối làm gia vị cho mọi món ăn. Cho nên, không có trường hợp nào mà niệm lại dư thừa hay vượt trội cả. Niệm thì luôn cần thiết.

Học viên: Sự tập trung hay định được nhắc đến trong hai đoạn văn 47 và 48 là thiền chỉ (samatha). Nó không phải là thiền (jhāna) hoặc định (samādhi) phải không ạ?

Giảng sư: Sự tập trung hay định trong đoạn văn 47 là định (samādhi). Trong đoạn văn 48, ‘người tu tập định’ có nghĩa là người thực hành thiền chỉ tịnh (samatha). Đối với vị đó, định (samādhi) có thể mạnh hơn hoặc vượt trội tuệ (paññā).

Học viên: Ý của ngài là gì khi ngài dùng từ samādhi? Giảng sư: Định.

Học viên: Samādhi, jhāna và samatha có thể được chuyển ngữ hay được dịch ra là ‘định’ trong những ngữ cảnh khác nhau.

Giảng sư: Đúng vậy. Trong Pāḷi, samādhi và samatha có thể là đồng nghĩa. Nó là sự tập trung của tâm trí.

Samatha được dịch là chỉ tịnh, nhưng samatha và samādhi có thể là đồng nghĩa. Samādhi có thể có nghĩa rộng hơn samatha vì trong thiền minh sát (vipassanā), chúng ta cũng cần có samādhi. Samādhi là khả năng bám giữ của tâm trí vào đối tượng, tức là khả năng ở trên đối tượng. Samatha được định nghĩa là sự gạn lọc đi những triền cái hay là sự gột bỏ đi những triền cái. Nhưng samādhi và samatha được dùng như là đồng nghĩa trong một vài ngữ cảnh. Sự tập trung hay định ở đây đôi lúc có nghĩa là samatha và đôi lúc nó thật sự có nghĩa là samādhi.

Học viên: Samatha có đối tượng cố định và samādhi có thể có đối tượng cố định hoặc có nhiều đối tượng khác nhau.

Giảng sư: Đúng vậy. Vì samādhi trong thiền minh sát (vipassanā) không có đối tượng cố định. Tuy nhiên, nếu nó có thể ở trên một đối tượng cố định thì sẽ tốt hơn. Nhưng khi các bạn thực hành thiền minh sát (vipassanā), các bạn phải chánh niệm ghi nhận mọi sự kiện trở nên nổi bật tại thời điểm hiện tại. Cho nên, đối tượng không thể là cố định được.

Học viên: Jhāna trong những định nghĩa này là một dạng định của chỉ tịnh (samatha) được tu tập hay được phát triển một cách đặc biệt.

Giảng sư: Đúng. Jhāna thuộc vào lãnh vực của thiền chỉ tịnh (samatha).

Về những chi tiết trong đoạn văn 54, các bạn có thể đọc cuốn The Way of Mindfulness của ngài Venerable  Soma Thera. Tôi cũng sẽ cung cấp cho các bạn các trang trong tài liệu này. Đối với đoạn văn 54, đó là các trang từ 135 đến 140. Đối với đoạn văn 55, các bạn có thể đọc các trang từ 141 đến 143 trong cùng cuốn sách đó.

Đoạn văn 55 có nói: “thấy được lợi ích trong việc chứng đạt được các pháp thượng nhân hiệp thế và siêu thế.” ‘Các pháp thượng nhân hiệp thế’ có nghĩa là sự chứng đắc thiền (jhāna). ‘Các pháp thượng nhân siêu thế’ có nghĩa là chứng đạt sự giác ngộ. ‘Các pháp thượng nhân’ ở đây có nghĩa là các tầng thiền (jhāna) và sự giác ngộ.

Đối với đoạn văn 56, các bạn có thể đọc cuốn The Way of Mindfulness ở trang 144. Rồi đối với đoạn văn 60, các bạn có thể đọc cuốn The Way of Mindfulness ở trang 144 và 145. Đối với đoạn văn 61, các bạn nên đọc cuốn The Way of Mindfulness ở trang 145 cho đến trang 147. Và đối với đoạn văn 62, các bạn cần phải đọc cùng cuốn sách đó ở trang 147 và trang 148.

7.  Quân Bình Tấn Và Định

Ở đây trình bày cách nỗ lực tâm trí trong nhiều trường hợp và cách đè nén hoặc áp chế tâm trí trong nhiều trường hợp. Như vậy, nếu hành giả không thể đạt được an trú hay thẩm thấu thông qua việc tránh bỏ bảy điều không thích hợp, thì vị đó nên thực hiện mười điều kỹ xảo trong việc an trú. ‘Kỹ xảo trong việc an trú’ có nghĩa là kỹ xảo trong việc đạt được hay đạt đến sự an trú. Hành giả nên thực hành mười điều này. Và thậm chí ở giai đoạn sau khi có được mười điều kỹ xảo này, nếu hành giả vẫn không thể đạt đến giai đoạn của thiền (jhāna), hành giả cũng không nên thối chí. Hành giả nên thực hiện việc được gọi là quân bình tấn và định. Như vậy, những đoạn kệ ở đây chỉ có nghĩa như vậy:

“Hành giả với cơ tánh giác

Ghi nhận hay chú tâm xem tâm trí của mình có thiên hướng như thế nào;

Tấn và định

Hành giả luôn luôn gắn ghép chúng lại với nhau.”

Như vậy, vị đó nên quân bình hai quyền này.

Nhà chú giải trình bày năm ví dụ. Thứ nhất là con ong lấy phấn hoa. Thứ hai là sinh viên y khoa thực hành phẫu thuật trên lá sen. Thứ ba là lấy tơ nhện. Thứ tư là thuyền trưởng của một con tàu. Thứ năm là bình dầu. Như vậy, có năm ví dụ được trình bày.

Tại phần đầu của ví dụ thứ nhất có nói: “Khi một con ong quá khôn khéo…”2 Có một cách đọc khác, có nghĩa là không khôn khéo. Cho nên, chúng ta có thể chọn một trong hai. Chúng ta có thể đọc là “quá khôn khéo” vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến ý nghĩa của đoạn văn. Như vậy, chúng ta có thể nói là “một con ong quá khôn khéo” hoặc “một con ong không khôn khéo”. Điều này cũng đúng cho những ví dụ còn lại.

Năm ví dụ này chỉ để dạy cho chúng ta rằng chúng ta không nên quá năng nổ hoặc quá yếu mềm trong nỗ lực tinh cần. Chúng ta phải làm quân bình định và tấn. Nếu chúng ta có thể giữ tấn và định ngang bằng, thì chúng ta sẽ đạt được cái chúng ta nỗ lực muốn có, tức là chúng ta sẽ đạt được những trạng thái an trú.

Tuần sau, chúng ta sẽ nghiên cứu sơ thiền.

Học viên: Việc hành thiền đầu tiên là với đề mục kasiṇa đất: lý do của việc đó là vì nó dễ hơn cho việc tập trung, đúng không ạ? Nó là sự tập trung mang tính tự nhiên phải không ạ?

Giảng sư: Đúng vậy, đối với những ai đã có kinh nghiệm trong quá khứ thì nó đến một cách tự nhiên. Họ chỉ nhìn vào đất và có được ngay ấn tướng. Điều này cũng đúng cho những kasiṇa khác. Đôi lúc, các bạn chỉ nhìn vào cái hồ hoặc là nước và các bạn có được ngay ấn tướng. Cho nên, nó giống như tự nhiên vậy.

Học viên: Thường thì khoảng bao lâu mới có thể phát triển được an trú định khi dùng đề mục kasiṇa đất ạ? Hay sự khác biệt giữa những cá nhân khác nhau là lớn ạ?

Giảng sư: Có thể có sự khác biệt giữa những cá nhân khác nhau. Điều này tùy thuộc vào các thực hành của hành giả và cũng tùy thuộc vào kinh nghiệm quá khứ của hành giả.

Học viên: Có những bức hình của các đề mục kasiṇa không ạ, để chúng tôi có thể xem thử chúng là như thế nào?

Giảng sư: Tôi có đề mục kasiṇa màu sắc. Tôi có thể mang nó cho các bạn xem vào tuần sau. Kasiṇa màu sắc thì dễ làm hơn kasiṇa đất. Các bạn có thể tìm một miếng bảng và sơn nó màu xanh, màu vàng, màu đỏ hoặc màu trắng. Có một tín nữ đang thực hành kasiṇa màu sắc. Bà ta sống ở quận Marin1. Bà ta đã muốn thực hành thiền tâm từ (mettā). 

Cho nên, tôi đã đề nghị bà ta thực hành thiền kasiṇa màu trắng trước để có được hình ảnh mang tính khái niệm của cái đĩa đó. Rồi sau khi đạt được điều đó, bà ta có thể đặt (hình ảnh của) bất cứ ai lên trên cái đĩa đó và rồi có thể thực hành tâm từ đến người đó. Điều đó sẽ khá là có hiệu quả. Tôi không biết tiến độ thực hành của bà ta như thế  nào, nhưng bà đã nói là bà đang thực hành như vậy.

Học viên: Đạt được hình ảnh trong tâm trí một cách rõ ràng thì khác với thấy được quang tướng phải không ạ?

Giảng sư: Có hai loại ấn tướng. Cái thứ nhất chúng ta gọi là học tướng hay thủ tướng. Trước hết, các bạn nhìn vào nó. Rồi các bạn ghi nhớ nó. Rồi các bạn nhắm mắt lại và nhìn thấy nó rõ ràng như khi mắt các bạn mở ra. Tại giai đoạn này, hình ảnh trong tâm trí của các bạn là chính ngay hình ảnh của cái đĩa. Nếu có những khuyết điểm trên cái đĩa, chúng cũng xuất hiện trong trí nhớ của các bạn luôn. Rồi các bạn tập trung vào cái học tướng hay thủ tướng đó. Các bạn nhắm mắt lại và nhìn vào cái hình ảnh đó đi lại nhiều lần. Rồi nó (sẽ) trở nên vi tế và tinh vi hơn. Và rồi sau đó, các khuyết điểm (sẽ) biến mất. Nó trở nên bằng phẳng và sạch sẽ. Đó là giai đoạn các bạn đạt được quang tướng. Đó được gọi là ‘quang tướng’.

Học viên: Đó là hình ảnh đã được chuyển đổi mà chúng ta trải nghiệm với sự tập trung của chính mình.

Giảng sư: Đúng vậy. Hai ấn tướng này khác nhau ở mức độ trong suốt.

Học viên: Nó là một tiến trình khái niệm hóa. Loại thứ hai thì có tính khái niệm hóa nhiều hơn.

Giảng sư: Đúng vậy. Quang tướng cũng là một khái niệm. Nó không phải là một sự thật (chân đế). Nó sinh ra từ một sự nhận thức trong tâm trí của các bạn. Nó tồn tại trong tâm trí của các bạn. Cho nên, nó là một dạng khái niệm.

Học viên: Nó có phải là một cái gì đó mà chúng ta sẽ biết là chúng ta có được khi chúng ta thấy nó hoặc chứng đạt nó không?

Giảng sư: Đúng như thế. Các bạn biết rằng các bạn có nó vì nó ở trong tâm trí của các bạn. Bất kỳ khi nào các bạn tĩnh lặng xuống và nhắm mắt lại, nó sẽ hiện ra cho các bạn.

Học viên: Đây là dạng thực hành thiền mà được thực hiện chỉ trong một khoảng thời gian nhất định cụ thể nào đó hay là việc mà chúng ta phải thực hành suốt đời?

Giảng sư: Không, không phải suốt đời. Nó chỉ được thực hành trong một khoảng thời gian nhất định cụ thể để đạt đến một tầng mức an trú nào đó. Mong muốn của Đức Phật là mọi người thực hành thiền chỉ tịnh (samatha) để làm nền cho thiền minh sát (vipassanā). Trước hết, các bạn thực hành thiền chỉ tịnh (samatha). Rồi các bạn quán tưởng trên chính sự thực hành hoặc trên những đối tượng khác rằng, chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Như vậy, các bạn tiến đến thiền minh sát (vipassanā) sau khi các bạn thực hành thiền chỉ tịnh (samatha). Tốt rồi.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app