Hôm nay, chúng ta đi đến nhị thiền, tam thiền và rồi tứ thiền. Tôi nghĩ phần chuyển ngữ trên các bản giấy thì dễ hiểu và rõ ràng hơn. Các bạn hãy nhìn vào các phần chuyển ngữ.

11.  Nhị Thiền

Sau khi chứng đắc sơ thiền, khi hành giả muốn chứng đạt nhị thiền, điều đầu tiên hành giả nên làm là tìm khuyết điểm của sơ thiền. Sau khi chứng đạt sơ thiền, hành giả nghĩ rằng nó chưa đủ tốt. Với sơ thiền, có năm chi thiền – tầm, tứ, hỷ (pīti), lạc (sukha) và nhất tâm. Hành giả này sau khi chứng đắc sơ thiền thấy được nguy hại trong việc gần gũi với các triền cái. Bằng việc vượt qua các triền cái, vị đó đã có thể chứng đắc sơ thiền. Khi vị đó chứng đắc sơ thiền, nó không bị chi phối hay bị ảnh hưởng bởi các triền cái, nhưng nó đi cùng với tầm và tứ và vân vân. Bây giờ, hành giả tìm khuyết điểm với tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Hành giả cố gắng trở nên lãnh đạm với hai chi thiền này. Hành giả cố gắng loại bỏ chúng. Khi hành giả có thể loại bỏ chúng, thì hành giả sẽ chứng đạt nhị thiền.

Sau khi đạt được sơ thiền, hành giả cố gắng chứng đạt năm loại tinh thông, như là nhập thiền nhanh, xuất thiền nhanh và vân vân. Trong đoạn văn 138: “Khi hành giả xuất khỏi sơ thiền, tầm (vitakka) và tứ (vicāra) trông có vẻ thô đối với ông ta khi ông ta xem xét lại những chi thiền với niệm và tỉnh thức.”1 Vị đó nhập vào sơ thiền và xuất ra  khỏi sơ thiền. Rồi vị đó xem lại các chi thiền của tầng thiền (jhāna) đó. Có năm chi thiền trong sơ thiền. Khi hành giả xem lại chúng, tầm và tứ trông có vẻ thô đối với vị đó, trong khi hỷ (pīti), lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatā) trông có vẻ yên bình.

“Rồi hành giả ghi niệm lại cùng ấn tướng ‘đất, đất’ trong tâm trí của mình nhiều lần.”1 Như vậy, sau khi xem lại các chi thiền (ND: của sơ thiền), vị đó trú trên quang tướng mà vị đó có được trong những giai đoạn chuẩn bị. Vị đó bắt quang tướng đó làm đối tượng của thiền và tập trung vào nó, niệm ‘đất, đất’ đi lại nhiều lần “với mục đích từ bỏ những chi thiền thô và chứng đạt những chi thiền an lạc.”

“Biết rằng bây giờ nhị thiền sẽ sanh lên”3 – chúng ta phải chỉnh sửa cái này lại. Nó phải nên là “Khi nhị thiền gần sanh lên”, chứ không phải ‘biết rằng’. Vị đó không biết khi nào nó sẽ sanh lên. Đây là thành ngữ Pāḷi. Tôi đã nói cho các bạn về điều này từ trước. “Khi nhị thiền gần sanh lên, tâm hướng ý môn sanh lên trong vị đó với cùng kasiṇa đất làm đối tượng của nó, làm gián đoạn dòng hữu phần.”

Nếu các bạn nhìn vào biểu đồ sơ thiền (Bh Bh M P U A G Jh Bh), cùng lộ tâm sanh lên ở đây. Sau khi cắt ngang dòng hữu phần (bhavaṅga), ‘M’ sanh lên (‘M’ = tâm hướng ý môn (manodvārāvajjana). Rồi có bốn sát-na đổng lực dục giới (P, U, A, G) và sát-na thứ năm là thiền ‘Jh’ (jhāna). Đối với người lợi căn, tức là có trí tuệ nhạy bén, thì chỉ sẽ có ba đổng lực (javana) dục giới (U, A, G) và sát-na thứ tư là thiền (jhāna).

“Tâm hướng ý môn sanh lên trong vị đó với cùng kasiṇa đất làm đối tượng của nó, làm gián đoạn dòng hữu phần. Sau đó, bốn hoặc năm đổng lực (javana) chạy vụt qua với cùng đối tượng (tùy thuộc vào người đó là lợi căn hay độn căn), với đổng lực cuối cùng trong số đó là đổng lực (javana) sắc giới (rūpāvacara).” Ở đây, nó là nhị thiền. “Những đổng lực còn lại là dục giới như đã được trình bày.”1 ‘Những đổng lực còn lại’ có nghĩa là bốn hoặc ba đổng lực đi trước.

Bây giờ đến phần chuyển ngữ của phần miêu tả nhị thiền. Tôi đã có phần dịch mới. Nó không thể được sử dụng cho tất cả mọi người (ND: tức là câu cú chưa được chỉn chu), nhưng cho lớp học thì nó tốt hơn nhiều.

“Với sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra) (Điều này có nghĩa là việc vượt qua tầm và tứ), hành giả nhập vào và an trú trong nhị thiền, vốn sanh lên ở bên trong và (nghĩa đen) là niềm tin và làm khởi lên sự nhất tâm,  hoặc vốn làm sáng rõ tâm trí và làm khởi lên sự nhất tâm, không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra), và được sanh ra từ định với hỷ (pīti) và lạc (sukha) hoặc với hỷ (pīti) và lạc (sukha) được sanh ra từ định.” Đây là sự miêu tả nhị thiền. Bất kỳ khi nào nhị thiền được miêu tả, thì những câu văn khuôn mẫu này được dùng, lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài kinh (sutta) và trong Thắng Pháp (Abhidhamma).

Phần đầu là ‘với sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāca)’. ‘Sự lặng yên’ có nghĩa là sự từ bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Khi hành giả muốn chứng đạt nhị thiền, vị đó phải từ bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra).

Do bởi sự loại bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra), ‘hành giả nhập vào và an trú trong nhị thiền, vốn sanh lên ở bên trong’. Thiền (jhāna) sanh lên ở trong tâm trí của vị đó. Như vậy, nó không sanh lên ở trong những người khác hoặc những vật bên ngoài. Do đó, nó là ở bên trong.

‘Là niềm tin và làm khởi lên sự nhất tâm’ – các bạn sẽ tìm thấy phần này trong đoạn văn 142. Trong Pāḷi, từ được dùng là sampasādanaṃ. Nó có nghĩa là niềm tin, tức là tín (saddhā). Các bạn có lẽ còn nhớ saddhā. Nó là một trong 52 tâm sở (cetasika). Saddhā là niềm tin, tức là tín. Ở đây, chính thiền (jhāna) được gọi là niềm tin, hay tín. Đây là cách nói hình tượng. Nhưng ý nghĩa (muốn nói) là thứ hay cái mà được đi cùng với niềm tin hay được đi cùng với tín. Đối với lớp học này, chúng ta có thể nói là “là niềm tin”, nhưng với mục đích chung thì chúng ta nên nói là “là cái có niềm tin”, tức là cái hay thứ sanh lên cùng với niềm tin, tức là tín (saddhā). Chức năng của niềm tin hay tín là làm sáng tỏ tâm trí có ngờ vực hoặc có hoài nghi và những điều khác nữa.

‘Và làm khởi lên sự nhất tâm’ – ‘sự nhất tâm’ thật ra có nghĩa là định. Còn có một sự giải thích khác nữa. Đó là pháp làm sáng rõ tâm trí và làm sanh lên sự nhất tâm. Các thuật ngữ Pāḷī được trình bày trong phần ghi chú #42.1 Câu chú thích Pāḷi là “sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ”. ‘Cetaso’ có nghĩa là ‘của tâm trí’. Nó đi giữa hai từ ‘sampasādanaṃ’ và ‘ekodibhāvaṃ’. Từ “cetaso” có thể được nối với từ ‘sampasādanaṃ’ hoặc với từ ‘ekodibhāvaṃ’. Khi nó được nối với từ đầu ‘sampasādanaṃ’, nó có nghĩa là làm sáng rõ, làm trong sáng tâm trí, hoặc là thứ làm sáng rõ tâm trí. Khi nó được nối với từ sau ‘ekodibhāvaṃ’, thì nó có nghĩa là làm sanh lên sự nhất tâm và ‘cetaso’ có nghĩa là ‘của tâm trí’. Như vậy, ‘cetaso’ có thể được nối với từ trước hoặc với từ sau. Đó là những gì được giải thích trong hai đoạn văn 142 và 143.

‘Không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra) và được sanh ra từ định’ – điều đó có nghĩa là sau khi chứng đạt được sơ thiền, hành giả thực hành thiền và chứng đắc nhị thiền. Nhị thiền được nói là được làm duyên bởi định của sơ thiền hoặc là do định của sơ thiền tạo ra. Hoặc nó được đi cùng với định khi nó sanh lên. Ở đây, ‘định’ có thể được xem là định với sơ thiền hoặc định với nhị thiền. Cái nào cũng được.

‘Được sanh ra từ định và được đi kèm theo bởi hỷ (pīti) và lạc (sukha)’ là một sự giải thích. Đó là ‘với hỷ (pīti) và lạc (sukha) được sanh ra từ định’. Hỷ (pīti) và lạc (sukha) ở đây được duyên lên bởi định và do đó, chúng được nói là được sinh ra từ định. Đây là sự giải thích của nhị thiền.

Một người chứng đạt được nhị thiền sau khi từ bỏ,  sau khi loại bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Thiền (jhāna) này là nội tại, ở bên trong. Thiền (jhāna) này làm sáng rõ tâm trí và làm sanh lên sự nhất tâm. Thiền (jhāna) này là không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Thiền (jhāna) này được sanh ra từ định và được đi kèm theo bởi hỷ (pīti) và lạc (sukha), hoặc nó được đi kèm theo bởi hỷ (pīti) và lạc (sukha) được sinh ra từ định.

Rồi có một vài vấn đề. Chúng được giải thích tất cả ở đây. Ở đây nói rằng nhị thiền có niềm tin. Điều đó có nghĩa là nhị thiền được đi kèm theo bởi tâm sở tín (cetasika saddhā). Tâm sở tín này cũng đi kèm với sơ thiền. Các bạn hãy nhìn vào đoạn văn 144: “nó có thể được hỏi rằng: nhưng chẳng phải niềm tin này cũng tồn tại trong sơ thiền sao, và định này cũng ở dưới tên gọi ‘nhất tâm’ sao?”1 Trong sơ thiền, một số tâm sở (cetasika) sanh lên và trong số chúng là tín (saddhā) và nhất tâm (tức là định). Rồi tại sao chỉ có nhị thiền mới được nói là có tín và nhất tâm? Chúng cũng có trong sơ thiền mà. Vấn đề này được nhà chú giải (tức là Thanh Tịnh Đạo) giải quyết ở đây.

“Nó có thể được trả lời như sau: Đó là vì sơ thiền chưa đủ niềm tin do sự khuấy động được tạo ra bởi tầm và tứ.”2 Khi tầm (vitakka) và tứ (vicāra) có mặt, chúng đẩy tâm vào đối tượng này, đối tượng kia. Chúng có khuynh hướng làm rối trí. Khi có tầm (vitakka) và tứ (vicāra) trong thiền (jhāna), tín (saddhā) không đủ tốt. Nó không làm sáng rõ hoàn toàn. Nó không đủ niềm tin. “Nó giống như nước  bị làm gợn lên bởi sóng. Đó là lý do tại sao, mặc dầu tín có tồn tại trong đó (sơ thiền), nhưng nó không được gọi là ‘niềm tin’. Và ở đó cũng vậy, định không hoàn toàn hiện rõ do vì thiếu niềm tin trọn vẹn.”3 Khi tín (saddhā) không mạnh, thì định cũng không mạnh ở đó. Đó là lý do tại sao nó không được gọi là ‘làm sanh lên định’ hoặc ‘làm sanh lên sự nhất tâm’.

 

 

Học viên: Đó có phải là dạng cao nhất của định không?

Giảng sư: Không, chưa phải. Đây chỉ mới là giai đoạn thứ hai hay tầng thứ hai của định. Chúng ta sẽ có giai đoạn thứ ba và thứ tư nữa. Trong những chương về sau, chúng ta cũng sẽ đi đến các tầng thiền (jhāna) vô sắc. Đây chỉ là giai đoạn thứ hai của định.

“Đây có thể được hiểu là nguyên nhân tại sao chỉ có tầng thiền (jhāna) này được miêu tả theo cách như vậy. Nhưng chừng này thật ra là cũng được trình bày trong Vibhaṅga (Bộ Phân Tích) với các từ ‘Niềm tin là tín’.”1 Và vân vân. Mặc dầu tín và định có tồn tại trong sơ thiền, nhưng sơ thiền không được miêu tả là có tín và định vì chúng không đủ mạnh ở đó. Tại sao chúng không đủ mạnh? Vì có sự khuấy động của tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Trong nhị thiền, không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra) làm quấy nhiễu chúng, cho nên chúng trở nên mạnh lên. Đó là lý do tại sao chỉ có tầng thiền (jhāna) thứ hai này được  miêu tả là “có niềm tin và làm sanh lên sự nhất tâm”.

Học viên: Như vậy có nghĩa là chúng ta không cần tầm (vitakka) và tứ (vicāra) để tạo nên định và tín phải không?

Giảng sư: Thật ra, tầm (vitakka) và tứ (vicāra) không phải là những chướng ngại thật. Chúng ta có thể nói rằng chúng chỉ là những dạng quấy nhiễu nào đó đối với định mạnh. Sơ thiền cũng có định mạnh, nhưng so với nhị thiền thì nó không mạnh lắm.

Học viên: Chúng ta cần tầm (vitakka) và tứ (vicāra) để chứng đạt sơ thiền phải không?

Giảng sư: Đúng vậy. Rồi sau khi chứng đạt sơ thiền, các bạn loại bỏ chúng để chứng đắc nhị thiền. Các bạn biết là ban đầu, khi định chưa được mạnh, các bạn cần tầm (vitakka) để hỗ trợ cho việc tâm trí bám trên đối tượng. Sau khi chứng đắc nhị thiền, tâm trí không cần tầm (vitakka) đưa nó đến đối tượng nữa. Nhị thiền loại bỏ hay loại trừ tầm (vitakka) và tứ (vicāra).

Chúng ta đã giải quyết được một vấn đề. Vấn đề khác là nhị thiền được miêu tả là không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Câu văn thứ nhất cũng có nghĩa là nó không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Tại sao lại có sự lặp lại? Chúng ta có ‘với sự lặng yên (hay sự loại bỏ) của tầm (vitakka) và tứ (vicāra)’ trong phần đầu và ở đây ‘nhị thiền là không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra)’. Nhà chú giải trình bày hai hoặc ba sự giải thích cho việc lặp lại này.

Sự giải thích thứ nhất ở trong đoạn văn 146. Sự giải thích thứ nhất như sau: để đạt được những tầng thiền (jhāna) cao hơn, các bạn phải loại bỏ những chi thiền thô hơn. Để cho các bạn hiểu điều này, nhóm từ trên được lặp lại ở đây. Cho nên, ‘với sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra)’ và ‘nó là không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra)’ được lặp lại. Đó là một nguyên nhân. Nó được lặp lại để nêu lên rằng, chỉ bằng cách loại bỏ các yếu tố thô trong các tầng thiền (jhāna) thấp hơn, các bạn mới chứng đắc được những tầng thiền (jhāna) cao hơn. Đó là một giải thích.

Một sự giải thích khác là nhóm từ ‘với sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra)’ là nguyên nhân tại sao thiền (jhāna) này có tín và nhất tâm. Nó vạch ra điều đó. Nó không chỉ đơn giản nêu lên sự vắng mặt của tầm (vitakka) và tứ (vicāra), mà nó vạch ra rằng do bởi sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra), tầng thiền (jhāna) này mới được gọi là “niềm tin và thiền (jhāna) này làm sanh lên sự nhất tâm”. Để nêu lên mối quan hệ nhân quả, hai phần này được trình bày ở đây.

Học viên: Điều này là tự nguyện phải không? Điều này giống như nói rằng hành giả bỏ rơi tầm (vitakka) và tứ (vicāra) một cách tự nguyện để chứng đạt thiền (jhāna) cao hơn.

Giảng sư: Đúng vậy.

Học viên: Nhưng điều đó lại sanh lên một cách tự nhiên phải không?

Giảng sư: Đúng vậy, khi nó sanh lên, thì nó tự nhiên sanh lên. Nhưng trước khi thiền (jhāna) đó sanh lên, các bạn phải thực hành thiền. Trong khi các bạn thực hành thiền, các bạn phải có chủ ý từ bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Nếu các bạn không thể loại bỏ được tầm (vitakka) và tứ (vicāra), thì các bạn không thể chứng đạt được nhị thiền.

Học viên: Chúng ta loại bỏ chúng thông qua việc có nhiều định hơn?

Giảng sư: Đúng vậy. Các bạn làm khởi sanh lên sự lãnh đạm đối với tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Điều đó chỉ bằng suy nghĩ. Sau khi các bạn xuất khỏi thiền (jhāna), các bạn quán chiếu lại hoặc tập trung vào các chi thiền. Vì các bạn tìm thấy khuyết điểm của tầm (vitakka) và tứ (vicāra), cho nên, chúng trông có vẻ thô. Những chi thiền khác lại trông có vẻ tế. Các bạn loại bỏ hai chi thiền thô này khi các bạn chứng đạt nhị thiền.

Sự loại bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra) là nhân. Nhị thiền với tín và làm sanh lên sự nhất tâm là quả. Nhóm từ trong phần đầu được trình bày ở đây để nêu lên mối quan hệ nhân quả này.

Rồi có một nguyên nhân khác nữa được trình bày. Nhóm từ trong phần sau ‘không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra)’ chỉ có nghĩa là sự vắng mặt của tầm (vitakka) và tứ (vicāra), không có gì hơn. Nhóm từ thứ nhất không chỉ có nghĩa là không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra), mà còn có nghĩa là nó không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra) vì chúng đã được loại bỏ. Như vậy, trong trường hợp này, nhóm từ thứ nhất là nhân cho nhóm từ thứ hai. Vì tầm (vitakka) và tứ (vicāra) được làm cho lặng yên hoặc vì chúng được loại bỏ, cho nên không có tầm (vitakka) và tứ (vicāra) trong nhị thiền. Để chỉ ra điều đó, hai nhóm từ này được trình bày hay được nêu lên trong phần miêu tả về nhị thiền.

Rồi nó được sanh ra từ định. Hỷ (pīti) và lạc (sukha) là cũng như vậy, tức là nên được hiểu tương tự như trong  sơ thiền.

“Được sinh ra từ định” – ở đây cũng có vấn đề. Sơ thiền cũng được sinh ra từ định. Nếu các bạn không có định, các bạn không thể chứng đạt thiền (jhāna), hoặc các bạn thậm chí không thể có được cận định, tức là trạng thái có trước thiền (jhāna). Nếu các bạn không có định, các bạn không thể chứng đắc được bất kỳ tầng thiền (jhāna) nào hoặc thậm chí giai đoạn cận định. Cho nên, tại sao nhị thiền này lại được miêu tả là “được sinh ra từ định”? Một lần nữa, ở đây, định của sơ thiền không mạnh bằng định của nhị thiền. Một lần nữa, nhị thiền thì có định mạnh hơn vì nó không bị khuấy động bởi tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Khi tầm (vitakka) và tứ (vicāra) được loại bỏ, định trở nên rất mạnh và tâm trí trở nên rất trong sáng. Để ca ngợi hay khen tụng nhị thiền, ở đây miêu tả nó là “được sinh ra từ định”. Chúng ta phải hiểu rằng không chỉ nhị thiền mới được sinh ra từ định mà sơ thiền cũng vậy.

Trong đoạn văn 148 khoảng giữa đoạn: “tuy nhiên, chỉ có định này mới thật xứng đáng được gọi là ‘định’ do bởi niềm tin hoàn toàn của nó.”1 ‘Niềm tin’ ở đây có nghĩa là sự làm sáng tỏ hoàn toàn, sự trong sáng hoàn toàn.

“Và sự bất động cực lớn”2 – các bạn hiểu gì với từ  “sự bất động”?

Học viên: Cái gì đó đứng yên, phẳng lặng.

Giảng sư: Đứng yên, phẳng lặng, đúng vậy. Không di chuyển. Tôi nghĩ ‘sự vô cùng phẳng lặng’ có lẽ là tốt hơn ở đây. Thuật ngữ Pāḷi là ‘achala’. ‘Achala’ có nghĩa là không chuyển động. Tôi nghĩ dịch giả (ND: ngài Ñāṇamoli) muốn dịch sát nghĩa nên ngài đã dùng từ bất động, nhưng từ đó có thể có nghĩa một cái gì đó khác hơn là sự phẳng lặng của tâm trí. Cho nên, có sự phẳng lặng vô cùng do bởi sự vắng mặt của tầm (vitakka) và tứ (vicāra).

Trong đoạn văn 147: “Hơn nữa, niềm tin này có từ việc làm tĩnh lặng, không phải bóng tối của phiền não, mà là tầm và tứ”3 – thật ra từ Pāḷi ở đây (kilesakālussiya) không phải là bóng tối. Từ đó có nghĩa là sự vẩn đục, sự u ám của tâm trí. Nó không phải là bóng tối. Tâm trí luôn luôn trong sáng. Cho nên, nó là sự vẩn đục của phiền não.

Có bao nhiêu chi thiền trong nhị thiền? Có ba – hỷ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm (ekaggatā). Nó loại bỏ hai chi thiền – tầm (vitakka) và tứ (vicāra).

Rồi chúng ta đi đến tam thiền. Bây giờ, các bạn tìm thấy lỗi hay khuyết điểm của hỷ (pīti). Các bạn sẽ loại bỏ từng chi thiền một.

Trong đoạn văn 151: “Khi nhị thiền đã được chứng đạt theo cách này, và hành giả (đã) có sự tinh thông theo năm cách như đã được miêu tả, thì vào lúc xuất ra khỏi nhị thiền vốn đã quen thuộc bây giờ, hành giả có thể lưu ý đến những khuyết điểm của nó như sau: Sự chứng đắc này bị đe dọa bởi sự gần kề của tầm và tứ.”1 Mặc dầu tầm (vitakka) và tứ (vicāra) không có trong nhị thiền, nhưng nó gần với sơ thiền vốn có tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Cho nên, nó (tức là nhị thiền) gần với tầm và tứ.

“Bất cứ cái gì trong nó thuộc về hỷ, thuộc về sự phấn khích tinh thần, thì chỉ ra hoặc tuyên bố sự thô thiển của nó.” Điều đó có nghĩa là các yếu tố của nó là yếu do bởi sự thô thiển của hỷ (pīti), vốn được miêu tả như sau trong các bài kinh (sutta): “Nhị thiền này được tuyên bố là thô với chính chi hỷ (pīti) đó vì nó là sự phấn khích tinh thần.” Khi các bạn trải nghiệm hỷ (pīti), các bạn [có cảm giác giống như] là cái gì đó bay nổi trên bề mặt. Hỷ (pīti) có chức  năng làm phấn khích tâm trí. Bây giờ, vị hành giả này  muốn tâm trí của mình rất bình an và lắng đọng. Bây giờ, vị đó tìm thấy lỗi hay khuyết điểm với hỷ (pīti). “Các yếu tố của nó bị làm yếu đi do bởi sự thô thiển của hỷ (pīti) như đã được trình bày. Vị đó có thể mang tam thiền, tức là yên lặng [hơn nhị thiền], đến cho tâm trí và như vậy, chấm dứt sự dính mắc vào nhị thiền và tiến hành việc cần làm để chứng đắc tam thiền.”1

“Khi vị đó xuất khỏi nhị thiền, hỷ (pīti) trông có vẻ thô đối với vị đó khi vị đó phản khán hay xem xét lại các chi thiền với niệm và sự tỉnh thức hoàn toàn, trong khi lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatā) lại trông có vẻ an bình. Rồi khi vị đó mang lại cùng ấn tướng ‘đất, đất’ đó đến tâm mình, với mục đích từ bỏ các yếu tố thô và chứng đạt các yếu tố an lạc, khi tam thiền gần sanh lên (chứ không phải ‘biết rằng’), tâm hướng ý môn sanh lên trong vị đó với  cùng kasiṇa đất làm đối tượng của nó, làm gián đoạn dòng hữu phần.” Phần còn lại là như trước.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app