Chương Bốn: Kasiṇa Đất
Chúng ta đã có một kỳ nghỉ khá dài. Tôi nghĩ ít nhất chúng ta cần phải nhớ lại chương thứ ba, bàn về các hoạt động chuẩn bị cho việc thực hành. Trước khi thật sự đi vào thực hành, chúng ta phải chuẩn bị cho chính mình. Điều trước tiên chúng ta phải làm là thanh lọc giới hạnh của mình. Điều đó có nghĩa là giữ giới hạnh của mình cho trong sạch, thọ trì các giới điều. Đó là điều trước nhất.
Việc tiếp theo là – các bạn hãy lật đến đoạn văn 28 của chương 3 – ở đó trình bày các bước tiến hành. Trước hết là làm trong sạch giới hạnh. Thứ hai là cắt bỏ bất kỳ chướng ngại nào trong số mười chướng ngại. Điều đó đã được bàn đến trong chương thứ ba. Rồi hành giả phải tìm một người bạn tốt, một người thầy dạy thiền tốt và phải học pháp môn thiền từ vị thầy đó. Và hành giả cũng nên chọn một pháp môn thích hợp cho cơ tánh của chính mình. Rồi có sự miêu tả về sáu cơ tánh và mỗi người thuộc vào cơ tánh nào. Sau đó, hành giả nên tránh (sống ở) tự viện không thuận tiện cho việc phát triển định và nên sống tại nơi thuận lợi (cho việc phát triển định). Chương thứ tư tiếp tục từ điểm này.
1. Mười Tám Khuyết Điểm Của Một Tự Viện
Chương thứ tư bắt đầu với mười tám khuyết điểm của một tự viện không thích hợp cho việc tu tập thiền và năm đặc tính hay năm yếu tố của những tự viện thích hợp. Rồi tác giả (ND: ngài Buddhaghosa) tiếp tục với việc giải thích cách chế biến một cái đĩa kasiṇa hay cái đĩa kasiṇa đất và cách thực hành như thế nào.
Chúng ta bắt đầu chương thứ tư với mười tám khuyết điểm của một tự viện. Trước đó, tác giả (ND: ngài Buddhaghosa) tuyên bố hay trình bày rằng hành giả không nên sống ở một tự viện quá xa nơi vị thầy đang ở, vì nếu vị đó có nghi hoặc hay thắc mắc gì về đề mục hành thiền thì vị đó có thể đến gặp thầy và hỏi, và để vị thầy làm sáng tỏ những hướng dẫn.
“Nếu ở đó là bất tiện, vị đó có thể sống tại một tự viện khác – một tự viện thích hợp – cách xa khoảng một phần tư lý hoặc một nửa lý hoặc thậm chí một lý (ND: thuật ngữ Pāḷi là ‘yojana’).”1 Một lý được cho là dài khoảng 8 dặm Anh2. Ngôi tự viện của người thầy phải không nên xa quá tám dặm Anh từ nơi các bạn sống, để mà các bạn có thể đi bộ đến gặp vị đó trong vòng một ngày. Mọi người phải đi bộ vào những ngày xa xưa cũng như phải đi khất thực dọc đường đi. Nó có thể là cách xa một phần tư lý hoặc một nửa lý hoặc một lý. Như vậy, có nghĩa là hai dặm Anh, bốn dặm Anh hoặc tám dặm Anh.
Học viên: Tôi nghĩ Daly City và San Francisco3 thì cách nhau khoảng mười đến mười hai dặm Anh.
Giảng sư: Vậy thì nó khoảng bằng chừng đó đấy. Như vậy, nếu hành giả có nghi hoặc hay thắc mắc gì về đề mục thiền, vị đó có thể đi đến đó và hỏi vị thầy. Rồi vị đó có thể quay lại tự viện của mình và thực hành.
Rồi Sớ Giải trình bày mười tám khuyết điểm của một tự viện. Khi miêu tả cách thực hành thiền như thế nào, các giáo thọ sư cổ xưa rất chi tiết trong việc giải thích cách chuẩn bị cho việc hành thiền. Có lẽ là hơi quá tỉ mỉ. Tự viện nơi hành giả ở phải không được có mười tám khuyết điểm này.
Thứ nhất là sự rộng lớn. Khi ngôi tự viện là rộng lớn, những xáo trộn sinh lên cho sự thực hành thiền. “Mọi người với những mục tiêu khác nhau tụ tập lại trong ngôi tự viện lớn.” ‘Mọi người’ ở đây có nghĩa là các tu sĩ, không phải các cư sĩ. Các tu sĩ với những tiêu chí khác nhau tập tụ lại trong ngôi tự viện lớn. Họ sẽ mâu thuẫn với nhau. Khi có nhiều người, mọi người sẽ lơ là các nghĩa vụ – quét dọn chùa, chuẩn bị nước non và vân vân. Nếu những việc đó không được thực hiện và người đó thấy rằng chúng không được làm, thì vị đó phải nên làm chúng. Và nếu vị đó không làm chúng, thì vị đó phạm tội tác ác. Đây là một lỗi rất nhỏ, nhưng nó vẫn là một lỗi. Nếu vị đó phải quét dọn nơi đó, chuẩn bị nước non và vân vân, thì thời gian hành thiền của vị đó sẽ bị giảm thiểu đi. Cho nên, sống trong một tự viện mà các tu sĩ không thực hiện nghĩa vụ của chính mình thì không phải là một nơi thích hợp cho người muốn thực hành thiền. Nếu nó là một tự viện rộng lớn và các tu sĩ thực hiện nhiệm vụ của mình và nếu không có những nhiễu loạn cho việc thực hành thiền, thì vị đó có thể sống ở tự viện rộng lớn và thực hành thiền. Điểm chính yếu ở đây là sự thích hợp cho việc hành thiền. Tự viện có thể là rộng lớn nhưng nếu nó được giữ hoạt động một cách tốt đẹp và các tu sĩ cũng như các sa-di thực hiện các nghĩa vụ một cách tốt đẹp và không có những phiền toái hay sự cản trở đến việc thực hành thiền, thì vị đó có thể trú trong một tự viện lớn. Mặc dầu có đến 500 vị tu sĩ đang thọ thực, nhưng các bạn không nghe một tiếng động. Tự viện như vậy tuy là rộng lớn nhưng lại thích hợp cho việc thực hành thiền.
Tiếp theo là tự viện mới. Khi một tự viện là mới mẻ, các bạn có nhiều việc phải làm. Cho nên, nó cũng không phải là một nơi thích hợp cho việc thực hành thiền. Trong đoạn văn 4: “Hãy để vị đại đức thực hiện những phận sự kham khổ.”1 Điều đó thật ra có nghĩa là việc thực hành thiền, chứ không phải những sự thực hành kham khổ hay những nghĩa vụ, phận sự khác.
Từ Pāḷi là samaṇadhamma. ‘Samaṇa’ có nghĩa là một nhà khổ hạnh hay một tu sĩ. ‘Dhamma’ ở đây có nghĩa là sự thực hành. ‘Samaṇadhamma’ thật sự có nghĩa là sự thực hành thiền, chứ không phải chỉ là việc thực hiện các phận sự. Mặc dầu nó là một tự viện mới, nhưng nếu những người khác lo trông nom, chăm sóc những gì cần phải được làm ở đó và để cho người muốn thực hành thiền được hành thiền một cách tự do, thì đó là một ngôi tự viện thích hợp cho vị đó.
Tiếp theo là ngôi tự viện bị đổ nát. Khi một ngôi tự viện không ở trong tình trạng tốt đẹp, thì các bạn phải sửa chữa và làm bất kỳ việc gì cần thiết phải làm ở đó. Rồi các bạn hầu như không còn thời gian cho việc hành thiền và nó không phải là ngôi tự viện thích hợp.
Tiếp theo là ngôi tự viện có con đường gần bên. Nếu ngôi tự viện gần đường, tức là đường chính, các khách viếng sẽ đến ngày đêm. ‘Khách viếng’ ở đây có nghĩa là các khách tăng. Khi các khách tăng đến, các bạn phải sắp xếp chỗ trú cho họ. Đôi lúc, các bạn phải nhường chỗ của mình cho vị khách tăng. Các bạn phải dời đến một nơi nào khác. Các bạn phải đi ra gốc cây hoặc một phiến đá. Các bạn phải nhường chỗ cho vị khách tăng. Ngày hôm sau cũng như vậy. Cho nên, không có cơ hội để hành thiền. Đây không phải là nơi thích hợp cho vị đó.
Học viên: Khi ngài nói về thiền ở đây, ý của ngài là nói về ngồi thiền hay kinh hành?
Giảng sư: Cả hai. Bất kỳ loại thiền nào.
Học viên: Nếu vậy thì làm việc cũng là một loại thiền.
Giảng sư: Ở đây, thiền là ngồi thiền hoặc là kinh hành. Làm các công việc ở tự viện không thể được thực hiện với thiền chánh niệm tích cực thật sự được. Các bạn có thể có niệm ở mức độ nhẹ khi thực hiện việc các bạn đang làm, nhưng khi các bạn đang thực hiện một công việc nào đó chuẩn bị cho tự viện, thì rất khó giữ niệm, tức là loại niệm mãnh liệt, cao độ. Ở đây có nghĩa là sự thực hành thiền tích cực.
Tiếp theo là tự viện gần hồ nước. Mọi người đến đó và uống nước. “Các học viên của những trưởng lão sống trong thành phố mà được hoàng gia hỗ trợ (sẽ) đến để thực hiện công việc nhuộm y phục.”1 Ở đây, ‘được… hỗ trợ’ có nghĩa là lui tới các gia đình vương triều hay thân quen với các gia đình vương triều. Như vậy, nó không phải là nơi thích hợp.
Tiếp theo là nơi mà có rau củ. ‘Những lá cây có thể ăn được’2 ở đây thật ra có nghĩa là rau củ. Khi có rau củ, các phụ nữ có thể đến để hái lượm chúng. Họ sẽ hát ca và vân vân. Cho nên, (sẽ) có nhiễu động do các âm thanh của người khác phái. Tức là có nguy hiểm đến việc hành thiền.
Điều này cũng đúng đối với tự viện có các bụi hoa hoặc các cây có hoa. Mọi người (sẽ) đến nhặt hoa và như vậy (sẽ) có nhiễu động đến việc hành thiền.
Tiếp theo là tự viện với nhiều trái cây như xoài, mận, mít và vân vân. Khi có nhiều trái cây, mọi người (sẽ) đến và hái nhặt trái cây. (Sẽ) có nhiễu động.
Học viên: Trái mít là trái gì?
Giảng sư: Mít là một cây rất to. Một vài cây có thể to bằng cả ngôi nhà này. Trái của nó có gai bên ngoài. Chúng thật ra không phải là gai, mà là những khối u ra bên ngoài. Khi các bạn cắt nó ra, có ruột và hạt ở bên trong. Cây mít được trồng tại những nước nhiệt đới như Miến Điện, Sri Lanka, và tôi nghĩ nó cũng được trồng tại Hawaii. Nhiều người tại nước này (ND: Hoa Kỳ) không biết trái mít.
Cây mít đã rất là quan trọng đối với các tu sĩ vì chúng tôi đã dùng ruột của cây mít để làm chất nhuộm cho y. Ruột của nó có màu giữa nâu và vàng. Màu của nó là vàng đậm. Chúng tôi bằm ruột của nó thành nhiều miếng nhỏ. Chúng tôi đun sôi những mảnh nhỏ này và có được chất nhuộm. Rồi chúng tôi nhuộm y với chất nhuộm lấy từ cây mít. Một loại khác chúng tôi dùng để chế biến chất nhuộm là vỏ của cây đa. Nhưng cái này không tốt bằng ruột của cây mít. Tôi nghĩ trái mít có nhập khẩu vào quốc gia này (ND: Hoa Kỳ).
Học viên: Nó có vị như thế nào?
Giảng sư: Khó nói lắm. Nó ngọt. Nếu các bạn ăn nó nhiều thì các bạn sẽ bị đau bụng.
Và rồi, nếu tự viện là nổi tiếng, mọi người sẽ đến. Rồi sẽ không có đủ thời gian để hành thiền. “Nhưng nếu vị đó thích, thì vị đó có thể sống ở đó ban đêm và đi nơi khác ban ngày.”1 Các bạn có thể đi nơi khác ban ngày và quay lại vào ban đêm. Các bạn có thể làm như vậy.
“Ở một tự viện với thành phố gần bên, thì các đối tượng khác phái sẽ trở thành vấn đề.” Khi tự viện gần thành phố, thì đó lại là sự nhiễu loạn. Trong đoạn văn 11: “Những người quan trọng cũng trải thảm ra ngay giữa tự viện và ngồi xuống.”1 Thật ra, họ không trải thảm, mà họ ngồi ngay giữa tự viện với màn che xung quanh. Đó là ý nghĩa ở đây. Họ sẽ đi vào tự viện, ngồi xuống và che màn xung quanh mình. Không phải chỉ là trải thảm. Từ Pāḷi (sāṇi) ở đây có nghĩa là màn, chứ không phải thảm.
Học viên: Họ làm như vậy để ngăn cách họ ra, để họ hành thiền phải không?
Giảng sư: Không phải để hành thiền, mà chỉ là để ngăn cách họ ra mà thôi. Ở đây, ‘những người quan trọng’ không phải là những tu sĩ. Cư sĩ, vua chúa, quan tướng hoặc một ai khác có thể đến. Họ có lẽ có ước muốn được ẩn cư, xa rời những người khác, cho nên họ sẽ che màn xung quanh mình.
Tiếp theo là tự viện gần những cây làm gỗ. Những người thợ mộc (sẽ) đến và đốn chúng. Như vậy, nó không phải là một nơi tốt đẹp.
Một nơi khác là tự viện gần những ruộng đồng trồng trọt. Khi có ruộng đồng gần tự viện, mọi người (sẽ) dùng tự viện làm nơi đập hoặc dũ lúa và bắp, vân vân. Cho nên, (sẽ) có sự nhiễu động. Hơn nữa, khi tự viện có đất riêng, những người phụ việc trong chùa phải tránh không cho súc vật vào vùng đất đó hoặc đôi lúc phải tránh không cung cấp nước cho chúng. Đó là điều được trình bày ở đây. “Các người phụ việc trong chùa nhốt giữ súc vật của các tư gia và từ chối hay ngăn chặn nguồn nước cung cấp cho vụ mùa của họ. Rồi mọi người mang một nhánh lúa đến cho Tăng chúng xem và nói: ‘Xin hãy nhìn xem việc làm của những người phụ việc của các vị nè’,” và vân vân.
Học viên: ‘Thóc lúa’ (paddy) là gì?
Giảng viên: Đó là một dạng cây trồng. Chúng tôi thu hoạch gạo từ đó.
Tiếp theo là sự có mặt của những người không tương thích. “Nơi mà có các tỳ kheo sống không tương thích và chống đối lẫn nhau, khi họ va chạm với nhau và được khuyên giải rằng ‘Bạch các ngài, đừng làm như vậy’, thì họ lên tiếng rằng ‘Chúng tôi chẳng còn giá trị gì cả từ khi cái ông hành khổ hạnh này đến’.”2 Họ nói rằng họ chẳng là ai có giá trị cả hay cái gì đó như vậy. Đây không phải là nơi cư ngụ tốt đẹp cho vị tu sĩ muốn hành thiền.
Rồi tự viện gần cổng ra vào thành hoặc gần cửa sông, cửa biển có thể là không thích hợp. Khi tự viện gần một nơi như vậy, các tu sĩ bị quấy rầy thường xuyên bởi những người ra vào bằng tàu xe, hỏi xin nước, muối và vân vân.
Tiếp theo là tự viện gần những vùng biên địa. ‘Những vùng biên địa’3 thật ra có nghĩa là những quận hạt nằm xa bên ngoài. Hầu hết những người sống tại những quận hạt nằm xa bên ngoài thì không có tín ngưỡng. Họ không có niềm tin vào tôn giáo hoặc vào Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng chúng. ‘Những vùng biên địa’ thật sự có nghĩa là những địa hạt bên ngoài rìa gần biên giới.
Tiếp theo là tự viện gần biên giới của một vương quốc. Khi vị tu sĩ sống gần biên giới của một quốc gia, các vị vua có thể đến tấn công nơi này nơi kia. Đôi lúc vùng đất đó thuộc về vị vua này và đôi lúc nó thuộc về vị vua kia. Khi vị tu sĩ sống tại đó, vị đó có thể bị nghi ngờ là làm gián điệp. Điều đó nguy hiểm cho vị đó. Cho nên, nó không thích hợp cho vị đó sống gần biên giới và thực hành thiền.
“Sự không thích hợp tức là do bởi nguy cơ thấy những hình ảnh của người khác phái hoặc là do có phi nhân lai vãng.”1 Cho nên, nếu đó là một ngôi nhà hoang có ma thì các bạn không (nên) sống và hành thiền ở đó.
“Sau đây là một câu chuyện hay một dẫn chứng. Một trưởng lão có lẽ là đang sống trong rừng. Rồi một con dạ- xoa đến đứng trước cổng của túp lều của vị đó và hát. Vị trưởng lão đi ra và đứng tại cổng. Con dạ-xoa đi đến cuối đường kinh hành và hát ở đó. Vị trưởng lão đi đến cuối đường kinh hành. Con dạ-xoa đứng trong một cái hang sâu 100 sải2 và hát ở đó. Vị trưởng lão co người lại. Rồi con dạ- xoa bất thình lình chụp lấy vị trưởng lão mà nói: ‘Này đại đức, tôi đã ăn thịt không phải chỉ một hoặc hai người như ngài đâu nhé’.” Cho nên, thực hành thiền trong một ngôi nhà hoang có ma là không an toàn.
Điều khuyết điểm cuối cùng là thiếu bạn lành hay thiếu bạn tốt. Nếu các bạn không thể kiếm được bạn tốt lành, thì các bạn (không nên) sống tại đó mà hành thiền. Vị thầy hay một người tương đương với vị thầy là quan trọng cho người hành thiền.
Đây là mười tám khuyết điểm mà vị tu sĩ phải tránh để giúp cho việc thực hành thiền của mình được thành công.