Hôm nay, tôi muốn các bạn đi ngược lại phần thứ hai trong đoạn văn 2. Trong đoạn văn đó trình bày những ân đức của Đức Phật. Có bao nhiêu ân đức? Thứ nhất là trọn lành hay viên mãn. Thứ hai là giác ngộ hoàn toàn. Thứ ba là có đầy đủ minh (tầm nhìn rõ ràng) và hạnh (giới hạnh, đạo đức). Thứ tư là thiện thệ. Thứ năm là bậc hiểu biết về các thế gian. Chúng ta đã học qua năm ân đức này.
Tiếp theo là bậc lãnh đạo hay thủ lĩnh không ai sánh bằng của những người đáng được điều phục. Sớ Giải tách ân đức này thành hai. Một là bậc vô thượng, không thể so sánh được và thứ hai là bậc lãnh đạo hay thủ lĩnh của những người đáng được điều phục. Như vậy, ân đức này có thể được xem là một – bậc lãnh đạo hay thủ lĩnh vô thượng của những người đáng được điều phục – hoặc là hai – tức là bậc vô thượng và là bậc lãnh đạo hay thủ lĩnh của những người đáng được điều phục. Theo sự phân chia này, nhà Chú Giải sẽ trình bày sự giải thích cho chúng ta.
Chúng ta hãy đi đến đoạn văn 46. “Vì không có ai có thể tối thượng hơn Ngài về những đặc tính đặc biệt, tức là không ai có thể so sánh được với Ngài, cho nên Ngài là vô thượng.”1 Như vậy, vô thượng được xem riêng là một ân đức.
“Vì theo cách này, Ngài vượt lên trên toàn thế gian về đặc tính đặc biệt về giới hạnh, và cũng như về các đặc tính đặc biệt về định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.”2 ‘Giải thoát tri kiến’ có nghĩa là suy nghiệm lại (tức là phản khán) sau khi giác ngộ. Khi một người chứng đạt sự giác ngộ, trước hết vị đó có sát-na Đạo, tức là thời điểm nhận ra sự thật. Rồi theo sau là thời điểm của Quả, hai hoặc ba sát-na Quả. Rồi sau đó là một vài tâm hữu phần (bhavaṅga). Rồi là đến sự phản khán – phản khán Đạo, phản khán Quả, phản khán Níp-bàn (Nibbāna), phản khán phiền não đã đoạn trừ, và phản khán phiền não còn hiện hữu. Đây được gọi là ‘năm sự phản khán’. Trong số này, ba loại đầu tiên luôn luôn được thực hiện bởi bất cứ người nào đã chứng đạt sự giác ngộ. Hai loại sau có thể được thực hiện hoặc không được thực hiện bởi vị đã giác ngộ. Những điều này được gọi là ‘giải thoát tri kiến’ ở đây.
Đức Phật là bậc tối thượng của tất cả chúng sanh, không chỉ là tối tượng của nhân loại, mà là tối thượng của tất cả chúng sanh bao gồm chư Thiên, các Ma vương (māra), các Phạm thiên (brahma) và tất cả. Khi Ngài nhìn vào thế gian, Ngài không thấy ai hoàn hảo hơn Ngài về giới hạnh.
Phần tiếp theo của ân đức này là ‘bậc điều phục của những ai đáng được điều phục’ hay ‘bậc lãnh đạo hay thủ lĩnh của những ai đáng được điều phục’. Đoạn văn 47: “Ngài hướng dẫn (sāreti) những người đáng được điều phục (purisa-damme), do đó, Ngài là thủ lĩnh của những người đáng được điều phục (purisadammasārathi); Ngài điều phục, Ngài huấn luyện, đó là ý nghĩa muốn nói ở đây. Ở đây, những con thú đực (purisā) và những nam nhân cùng với những nam phi nhân chưa được điều phục nhưng thích hợp hay thích nghi được điều phục (dametuṃ yuttā) là ‘những người đáng được điều phục (purisadammā)’.”1 Đó là ý nghĩa của ‘những người đáng được điều phục’.
“Đối với những con thú đực, như long vương Apalāla, Cūḷodara”2 và tất cả điều này được trình bày. Các tham khảo được trình bày trong phần chú thích. Có quá nhiều. Nếu các bạn cố gắng tìm ra tích truyện của mỗi ví dụ, các bạn phải tham khảo nhiều sách và các bạn phải đọc khá nhiều. Đây là những trường hợp Đức Phật điều phục hay chỉ giáo họ, hoặc trong một vài trường hợp, Ngài chiến thắng họ và làm cho họ thấy sự thật. Ngài làm cho họ trở thành đệ tử của Ngài.
“Long vương Apalāla, Cūḷodara, Mahodara (Đây là tên của những con rồng), Aggisikha, Dhūmasikha, long vương Āravāla, voi Dhanapālaka (Đây là con voi được Ajātasattu thả ra để sát hại Đức Phật), và vân vân, đã được thuần phục bởi Đức Thế Tôn, được giải thoát khỏi sự độc hại [của phiền não] và được an trú vào tam quy và các giới điều.”
“Và rồi những nam nhân, như Saccaka, con trai của Nigantha” – vị này là người theo đạo Jana. Đạo Jana là cùng thời với Đức Phật hoặc xưa hơn một chút. Mahāvira là giáo chủ của đạo đó. Mahāvira đối với những người theo đạo Jana thì giống như Đức Phật đối với các Phật tử. Họ được gọi là những người Nigantha trong Kinh điển Pāḷi.
“Vị học trò người bà-la-môn Ambaṭṭha” – vị này là người rất tự mãn. Ông đã kiêu ngạo đến gặp Đức Phật và do đó, Đức Phật đã thuần phục ông. “Pokkharasāti (Đây là người thầy của Ambaṭṭha), Soṇadaṇḍa (một bà-la-môn), Kūṭadanta (một bà-la-môn) và vân vân, và cũng như những nam phi nhân, như những vong nhân (‘Những vong nhân’ ở đây có nghĩa là những người khổng lồ. Đó là một loại a-tu- la có thần lực) Ālavaka, Sūciloma và Karaloma, thần cai quản các vị trời Sakka, vân vân, đã được thuần phục và giáo hóa bởi nhiều phương cách khác nhau.” Đức Phật đã điều phục tất cả những chúng sanh này. Và do đó, Đức Phật được biết đến là ‘người lãnh đạo hay thủ lĩnh của những người đáng được điều phục’ hoặc là ‘người điều phục những người đáng được điều phục’.
Rồi nhà Chú Giải trình bày cho chúng ta một tham khảo hay một câu trích từ các bài kinh (sutta) về Kesi, một người huấn luyện ngựa. Bài kinh (sutta) này rất hay. Để tôi đọc phần trích của bài kinh (sutta). “Bấy giờ, Kesi, người huấn luyện ngựa, đến viếng thăm Đức Thế Tôn và khi đến, đã đảnh lễ Đức Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi Kesi đã ngồi xuống, Đức Thế Tôn nói với ông rằng: ‘Chính ông, này Kesi, là một người có huấn luyện, một người huấn luyện ngựa cho thuần thục phục vụ cho việc đi lại. Bây giờ, này Kesi, hãy trình bày việc ông huấn luyện một con ngựa có thể được huấn luyện như thế nào?’” Ông huấn luyện ngựa như thế nào?
Rồi ông ta nói: “Bạch Ngài, đối với con, con huấn luyện ngựa bằng sự mềm dẻo, cũng bằng sự cứng rắn, cũng bằng cả sự mềm dẻo và cứng rắn.” Ông huấn luyện ngựa theo ba cách này.
“Nhưng này Kesi, giả sử rằng một con ngựa có thể huấn luyện được không quy phục theo sự huấn luyện bằng sự mềm dẻo của ông, cũng không theo sự huấn luyện bằng sự cứng rắn của ông, cũng không theo sự huấn luyện bằng cả hai cách của ông, thì ông sẽ làm gì?” Nếu một con ngựa không thể huấn luyện được bằng bất kỳ phương pháp nào, thì ông sẽ làm gì?
“Trong trường hợp như vậy, bạch Ngài, con sẽ tiêu hủy nó.” Ông ta sẽ chỉ giết nó đi.
“Tại sao lại như vậy?”
“Với suy nghĩ rằng: Không để cho nó làm tổn hại đến thanh danh, truyền thống của thầy ta.” Nếu tôi không thể thuần phục con ngựa này, tôi sẽ bị mất tín nhiệm. Thay vì bị mất tín nhiệm, tôi sẽ giết con ngựa này. “Trong trường hợp như vậy, tôi sẽ tiêu hủy nó với suy nghĩ rằng: Không để cho nó làm tổn hại đến thanh danh, truyền thống của thầy ta.”
“Tuy nhiên, bạch Ngài, Đức Thế Tôn là bậc tối thượng về huấn luyện chúng sanh. Bạch Ngài, Đức Thế Tôn huấn luyện một người có thể huấn luyện được như thế nào ạ?” Ông ta hỏi Đức Phật cùng câu hỏi đó.
Đức Phật trả lời: “Về phần mình, này Kesi, ta huấn luyện một nam tử có thể huấn luyện được bằng sự mềm dẻo, cũng bằng sự cứng rắn, và cũng bằng cả hai. Này Kesi, đây là phương pháp bằng sự mềm dẻo: Đây là thiện hạnh về thân, như vầy là kết quả của thiện hạnh về thân; đây là thiện hạnh về ngữ, như vầy là kết quả của thiện hạnh về ngữ; đây là thiện hạnh về ý, như vầy là kết quả của thiện hạnh về ý. Như vầy là các thiên nhân (deva). Như vầy là loài người.” Điều đó có nghĩa là bằng sự mềm dẻo, Ngài chỉ cho họ thấy những lợi ích của sự giữ giới. Chỉ ra những lợi ích của việc có giới hạnh tốt đẹp là đang huấn luyện bằng sự mềm dẻo, tức là làm cho mọi người muốn thực hành.
“Và này Kesi, đây là phương pháp bằng sự cứng rắn: Đây là ác hạnh về thân, như vầy là kết quả của ác hạnh về thân; đây là ác hạnh về ngữ, như vầy là ác hạnh về ngữ; đây là ác hạnh về ý, như vầy là ác hạnh về ý.” Đây là chỉ cho họ thấy những kết quả xấu của ác hạnh. Đây là huấn luyện bằng sự cứng rắn theo sự chỉ dạy của Đức Phật.
“Và này Kesi, đây là phương pháp bằng cả sự mềm dẻo và cứng rắn: Thiện hạnh về thân, ngữ và ý là như thế này, và kết quả của nó là như thế này; ác hạnh về thân, ngữ và ý là như thế này, và kết quả của nó là như thế này.” Trong trường hợp này, Đức Phật chỉ ra cả lợi ích của giới hạnh tốt đẹp và những bất tiện lợi của ác hạnh. Đó là cách Đức Phật huấn luyện người bằng cả sự mềm dẻo và sự cứng rắn.
“Nhưng, bạch Ngài, nếu người đó không quy phục theo sự huấn luyện bằng sự mềm dẻo, cũng không theo sự huấn luyện bằng sự cứng rắn, cũng không theo sự huấn luyện bằng cả hai, thì Đức Thế Tôn sẽ làm gì ạ?”
“Trong trường hợp như vậy, này Kesi, ta sẽ hủy diệt ông ta.” Đó là câu trả lời của Đức Phật.
“Nhưng bạch Ngài, Đức Thế Tôn không hủy hoại cuộc sống! Và Đức Thế Tôn lại nói là ‘Ta sẽ hủy diệt ông ta, này Kesi’.”
“Đúng vậy, này Kesi, hủy hoại cuộc sống thì không trở thành Như Lai (Tathāgata) (Như Lai tức là Đức Phật). Nhưng nếu người đáng được huấn luyện lại không quy phục theo sự huấn luyện bằng sự mềm dẻo, bằng sự cứng rắng, cũng không bằng cả hai, thì Như Lai (Tathāgata) nghĩ rằng, chẳng có ích lợi gì chỉ giáo người này cả, và những người thiện trí hữu của ông ta trong đời sống phạm hạnh này cũng nghĩ rằng, chẳng có lợi ích gì chỉ giáo người này cả.” Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ bỏ rơi ông ta. Tôi sẽ không giáo dưỡng ông ta. Tôi sẽ không nói gì với ông ta cả. “Này Kesi, đây là sự hủy diệt của một người trong khuôn phép hay trong sự huấn luyện của bậc Thánh khi mà cả Như Lai và các đồng môn của ông ta trong đời sống phạm hạnh này nghĩ rằng chẳng có lợi ích gì chỉ giáo ông ta cả.”
Rồi Kesi đã nói: “Thật vậy, lợi ích của người đó đã bị hủy diệt khi mà cả Như Lai và các đồng môn của ông ta trong đời sống phạm hạnh này nghĩ rằng chẳng có lợi ích gì chỉ giáo ông ta cả. Thật là tuyệt vời, bạch Ngài. Thật là tuyệt diệu. Xin Đức Thế Tôn hãy nhận con là tín đồ kể từ thời điểm này cho đến lúc kết thúc đời sống, là người mà đã nương nhờ nơi Ngài.”
Như vậy, cách huấn luyện con người của Đức Phật là bằng sự mềm dẻo, bằng sự cứng rắn và bằng cả hai. Nếu ai đó không thể được huấn luyện bằng bất kỳ cách nào trong số những phương pháp này, Ngài sẽ chỉ bỏ rơi người đó. Đó là cách hủy diệt của Ngài. Các bạn có thể tìm thấy bài kinh (sutta) này trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Kesi.
“Rồi Đức Thế Tôn còn giáo huấn thêm nữa những người đã được giáo huấn rồi (Ngài giáo huấn không chỉ những người chưa được giáo huấn, mà Ngài còn giáo huấn những người đã được giáo huấn rồi), thực hiện việc này bằng cách tuyên bố sơ thiền, vân vân, tới những ai giới hạnh đã được trong sạch, vân vân, và thêm nữa là đạo lộ thanh cao hơn nữa đến quả vị Nhập Lưu, và vân vân.”1 Ngài giáo huấn hoặc chỉ dạy những ai đã thiện lành rồi, những ai đã trì giữ giới luật. Ngài hướng dẫn họ hành thiền và chứng đắc các tầng thiền (jhāna) và cũng như những sự giác ngộ. Đây là cách giáo huấn của Ngài.
“Hoặc theo cách khác, những từ ‘bậc lãnh đạo hay thủ lĩnh tối thượng của những người đáng được huấn luyện’ có thể được gộp chung thành một mệnh đề.” Ở đây, nó chỉ là một ân đức của Đức Phật.
“Vì Đức Thế Tôn hướng dẫn những người đáng được huấn luyện như vậy để họ có thể ngay trong một thời đi được tám hướng (tức là bát thiền (jhāna)) [bởi tám sự giải thoát] không có sự trở ngại. Do đó, Ngài được gọi là ‘vị lãnh đạo hay thủ lĩnh của những người đáng được huấn luyện’.”2 Như vậy, ân đức này có thể là hai hay một tùy theo các bạn muốn.
Theo truyền thống tại đất nước chúng tôi, những ân đức Phật được xem là có chín. Cho nên, ân đức này được xem là một khi chúng tôi thực hành thiền quán niệm Ân Đức Phật. Khi chúng tôi thực hành loại thiền này, chúng tôi dùng hạt chuỗi, tức là đếm hạt. Có 108 hạt. Như vậy có nghĩa là mỗi vòng, các bạn niệm những ân đức của Đức Phật được mười hai lần. Nó giống như là một dụng cụ đo thời gian. Như vậy, khi chúng tôi dùng nút ‘hạt tràng’ (mala), chúng tôi niệm ‘Điều Ngự Trượng Phu’ như là chỉ một ân đức. Có lẽ mọi người thích số chín. Nó có lẽ là một số may mắn.
Ân đức tiếp theo là ‘Thiên Nhân Sư’. “Ngài dạy bằng phương tiện cái hiện tại và ngay bây giờ, bằng kiếp sống tương lai, và bằng đích tối hậu.”3 Thật ra, chúng ta nên thêm vào một từ. “Ngài dạy bằng phương tiện của những lợi ích hiện tại và ngay bây giờ.” Điều đó có nghĩa là Ngài nêu cho chúng ta thấy những lợi ích thực tại. Ngài chỉ cho chúng ta thấy những lợi ích trong kiếp sống liền kề. Ngài chỉ cho chúng ta thấy những lợi ích của đích tối hậu. Đó có nghĩa là Níp-bàn (Nibbāna).
“Tùy trường hợp thích đáng, cho nên Ngài là bậc Thầy (satthar).”1 Từ Pāḷi ‘satthar’ – khi giải thích những từ như vậy, những điều như vậy, các nhà chú giải nương nhờ vào sự chơi chữ khi có những từ tương tự nhưng lại không hoàn toàn giống hẳn. Từ ‘satthar’ đến từ một gốc từ. Rồi có một từ khác là ‘sattha’, tức là người lãnh đạo của một đoàn lữ hành. Trong đoạn văn tiếp theo, ý nghĩa này được dùng đến. “Cũng vậy, Đức Thế Tôn là người lãnh đạo của đoàn lữ hành, mang những người lữ hành về nhà; Ngài giúp họ vượt qua nơi hoang dại, nơi hoang dại của tục sanh.”2 Các bạn có thể cộng thêm bất kỳ ý nghĩa nào vào đây nếu các bạn có thể nghĩ ra thêm. Chúng có thể là mang tính tưởng tượng, nhưng đối với tín đồ, nó lại là một cách làm cho tâm trí của họ được tĩnh lặng và an vui.
Đoạn văn 50: “Của trời và người: Điều này được nói để chỉ cho những người giỏi nhất, tốt nhất và cũng để chỉ cho những ai có khả năng thăng tiến.”3 Trong ân đức này nói rằng ‘bậc thầy của trời và người’. Còn súc sanh thì sao? Ngài không phải là người lãnh đạo, người hướng dẫn của súc sanh sao? Ở đây chỉ nói trời (deva) và người (manussa) vì đây là những hạng tốt nhất của chúng sanh và cũng chỉ cho những hạng có khả năng thăng tiến. Điều đó có nghĩa là những hạng có khả năng chứng đắc sự giác ngộ. Chỉ có người và trời mới có khả năng chứng đạt sự giác ngộ, chứ không phải súc sanh. Súc sanh có khả năng tái sanh làm người hoặc tái sanh làm thiên nhân. Tuy nhiên, trong kiếp sống làm súc sanh, chúng không thể chứng đạt được sự giác ngộ. Ở đây, nhà Chú Giải chỉ nhắc đến những ai có khả năng chứng đạt sự giác ngộ. Đó là lý do tại sao trời (deva) và người (manussa) được nhắc đến. Chúng ta phải hiểu rằng Đức Phật cũng là bậc thầy của súc sanh. “Vì Đức Thế Tôn với tư cách là bậc thầy hay cũng là một người thầy ban dạy huấn từ đến súc sanh. Vì thậm chí súc sanh có thể, thông qua việc nghe Luật của Đức Thế Tôn (điều này có nghĩa là lời thuyết giảng), đạt được lợi ích trong việc có được sự tái sanh thích hợp để hỗ trợ cho sự tiến triển.”1 Điều đó có nghĩa là hành động thiện lành của việc nghe Pháp sẽ giúp chúng được tái sanh làm người và thiên nhân. Khi làm người hoặc thiên nhân, họ sẽ có khả năng đạt được sự chứng đắc.
Câu chuyện về con cóc được trình bày ở đây. “Maṇḍūka, con của một thiên nhân” – thật ra, đó chỉ là một thiên nhân, chứ không phải là con của một thiên nhân, mặc dầu trong Pāḷi nó được gọi là ‘Devaputta’. Đó chỉ có nghĩa là một thiên nhân. Mỗi thiên nhân là con của một thiên nhân. ‘Maṇḍūka’ là từ Pāḷi có nghĩa là con cóc. Con cóc lắng nghe Đức Phật, nhưng không hiểu Đức Phật nói gì. Nó có lẽ nghĩ rằng loại âm thanh này là đáng nên lắng nghe. Khi nó đang lắng nghe, một người chăn bò đi đến và vô tình giết chết nó. Vì nó bị giết chết khi đang lắng nghe Đức Phật thuyết giảng, nó được tái sanh làm thiên nhân.
“Vị đó tìm thấy mình ở đó, dường như là thức dậy từ một giấc ngủ, giữa một đám thiên nữ, và vị đó thốt lên: ‘Như vậy ta thật sự đã tái sanh vào đây. Ta đã thực hiện thiện hạnh gì?’ Khi vị đó truy tìm nguyên nhân, thì vị đó tìm thấy rằng đó không là gì khác hơn việc nắm bắt ấn tướng trong lời nói của Đức Thế Tôn.”1
Học viên: ‘Sự nắm bắt ấn tướng’ có nghĩa là gì?
Giảng sư: Nó chỉ có nghĩa là con cóc xem giọng nói là một đối tượng tốt đẹp để lắng nghe. Nó có thể thậm chí không biết đó là một Pháp thoại. Nó chỉ chú ý vào giọng nói, và tâm trí của nó trở nên thanh tịnh. Và kết quả là nó tái sanh làm thiên nhân. Câu chuyện này được trình bày trong Kinh Tiểu Bộ, Thiên Cung Sự, Lâu Đài Tiên Nhái.
Ân đức tiếp theo là từ Pāḷi ‘Buddha’ (Giác Ngộ). “Ngài giác ngộ (buddha) với sự hiểu biết thuộc về quả của sự giải thoát, vì mọi thứ mà có thể được biết thì đã được Ngài khám phá ra.”2 Ý nghĩa của từ ‘buddha’ có nghĩa là gì?
Học viên: Thức dậy.
Giảng sư: Có ít nhất hai nghĩa. Thật ra, có ba ý nghĩa từ ngữ căn ở đây. Gốc từ là ‘budh’. Nó có nghĩa là biết hoặc nó có nghĩa là thức dậy. Nó cũng có nghĩa là nở ra hoặc là mở ra giống như một bông hoa. Ở đây, ý nghĩa ‘biết’ được dùng đến. “Vì mọi thứ mà có thể được biết thì đã được Ngài khám phá ra (tức là biết đến).”
“Với sự hiểu biết thuộc về quả của sự giải thoát” – điều đó có nghĩa là gì? ‘Thuộc về’ thật ra có nghĩa là Ngài đã chứng đạt sau khi giải thoát. Các bạn biết là ngay lập tức sau khi trở thành Phật hoặc hầu như là ngay cùng lúc đó, Ngài đã chứng đạt toàn giác. Ở đây ‘sự hiểu biết thuộc về quả của sự giải thoát’ có nghĩa là chứng đạt toàn giác.
Các bạn biết là tại thời điểm của sự giải thoát, có tâm Đạo. Ngay lập tức sau nó, là tâm Quả. Ở đây, ‘quả của sự giải thoát’ có nghĩa là tâm Quả. Sau đó là đến trí tuệ hiểu biết vạn vật, tức là trí toàn giác. Vì Ngài sở hữu trí toàn giác (Điều này có nghĩa là vì mọi thứ mà có thể được biết thì đã được Ngài khám phá ra hoặc đã được Ngài thông biết), cho nên Ngài được gọi là ‘Buddha’ (Đức Phật).
“Hoặc một cách khác, Ngài đã tự mình khám phá ra Tứ Đế và làm cho những người khác giác ngộ chúng.”1 Đôi lúc, ý nghĩa nguyên nhân được đưa vào từ ngữ. Thường thì từ ‘buddha’ có nghĩa là người biết. Chúng ta có thể làm cho nó có nghĩa là người làm cho người khác biết. Ý nghĩa nguyên nhân là vốn có trong đó. Buddha là người biết và là người làm cho người khác biết. Như vậy ở đây, “Ngài đã tự mình khám phá ra Tứ Đế và làm cho những người khác giác ngộ chúng.” Ngài làm cho những người khác khám phá ra Tứ Đế.
“Và do những nguyên nhân khác như vậy, Ngài giác ngộ. Và để giải thích ý nghĩa này, cả đoạn văn trong tài liệu Niddesa (Mahā Niddesa, tức là một tài liệu khác) bắt đầu viết rằng: ‘Ngài là người khám phá ra những Sự Thật’”1 và vân vân. Đây là một trích dẫn. Như vậy, Đức Phật (Buddha) là người biết Tứ Đế và là người làm cho người khác biết Tứ Đế. Ngài là người khám phá và cũng làm cho người khác khám phá ra chúng. Ở đây, thật ra nó không chỉ là Tứ Đế, mà bất kỳ điều gì có thể được biết đến hoặc mọi thứ mà có thể được biết, thì được biết bởi Ngài.
Ân đức thứ hai của Đức Phật là gì? Sự khác nhau giữa ân đức thứ hai và ân đức này là gì? Ân đức thứ hai là ‘giác ngộ hoàn toàn’ và ân đức này là ‘giác ngộ’. Ân đức thứ hai chỉ có nghĩa là Ngài là người khám phá hoặc Ngài biết mọi thứ mà có thể biết. Năng lực xuyên thấu hay năng lực trí tuệ của Ngài được nhấn mạnh. Trong ân đức này, không chỉ năng lực xuyên thấu của Ngài mà còn năng lực của Ngài làm cho người khác xuyên thấu cũng được nhấn mạnh. Không chỉ trí tuệ của Ngài, mà khả năng làm cho sự hiểu biết này có thể được chứng đắc bởi những người khác nữa được nhấn mạnh. Đây là sự khác nhau giữa ân đức thứ hai và ân đức thứ tám này.
Ân đức tiếp theo là ân đức cuối cùng. Từ Pāḷi là ‘Bhagavā’. Ở đây có sự chơi chữ khá nhiều. “Thế Tôn (bhagavant) là một từ chỉ cho sự kính ngưỡng và tôn trọng dành cho Ngài với vị trí là bậc cao thượng nhất trong tất cả chúng sanh và là bậc khác biệt hay nổi bật do bởi những đặc ân của Ngài.”2 Tôi sẽ dịch ở đây là: “Đây là từ hay một danh hiệu dành để cung kính người được cung kính và người khác biệt hay nổi bật do những đặc ân của vị đó, và do đó là bậc cao thượng nhất trong tất cả chúng sanh.” Ngài khác biệt và nổi bật do bởi những đặc ân, và do đó, Ngài là bậc tối thượng của tất cả chúng sanh, đó là Đức Phật. Tên gọi ‘bhagavā’ hay ‘bhagavant’ được dâng tặng đến Ngài với lòng tôn kính hay để bày tỏ sự tôn kính đến Ngài. Cho nên, tên gọi ‘bhagavant’ được dâng tặng đến Ngài. Nó được dịch là Thế Tôn.
Trong đoạn văn 54: “Hoặc một cách khác, tên gọi (hay danh từ) thì có bốn loại: chỉ cho một giai đoạn của cuộc đời (tức là tên gọi được gán cho hay được trao tặng dựa theo giai đoạn của cuộc đời của một người nào đó), miêu tả một điểm hay một dấu vết đặc biệt (tức là được gán cho hay được trao tặng dựa vào một dấu vết đặc biệt), báo hiệu hay biểu hiện cho một sự chứng đạt đặc biệt (tức là tên gọi được gán cho hay được trao tặng dựa vào một lý do hay nguyên nhân nào đó, ở đây là sự chứng đắc), và ngẫu nhiên sanh lên (tức là nó chỉ là một cái tên gọi. Nó có thể không có nghĩa gì thật sự).”1 Có bốn loại danh từ hay bốn loại tên gọi được nhắc đến ở đây.
“Mà tồn tại hay hiện hữu trong việc sử dụng đương thời của thế giới thì được gọi là ‘bất thường’.” Chúng ta sẽ hiểu về điều này sau.
“Ở đây, các tên gọi chỉ cho một giai đoạn của cuộc đời như là ‘bò tơ (vaccha)’, ‘bò chưa thuần (damma)’, ‘bò kéo cày (balivaddha)’ và vân vân.”1 Cùng con vật đó (nhưng) được gọi là ‘vaccha’ khi nó còn bé. Rồi khi nó lớn hơn một chút, nó được gọi là ‘damma’, có nghĩa là sẵn sàng được huấn luyện. Rồi khi nó trưởng thành, nó được gọi là ‘balivaddha’, có nghĩa là ‘bò kéo cày’. Cùng một con vật nhưng được gọi bằng những tên gọi khác nhau vào những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Điều này cũng đúng cho con người – đứa bé, trẻ con, cậu bé, đàn ông, cụ già. Đây là những tên gọi chỉ cho một giai đoạn trong cuộc đời.
“Các tên gọi miêu tả một dấu vết hay dấu hiệu đặc biệt như là ‘người mang gậy (daṇḍin)’.” Vì ông ta luôn mang gậy, cho nên ông ta được gọi là ‘người mang gậy’. Cây gậy là một dấu hiện hay điểm đặc biệt mà chúng ta nhận ra ông ta. Đây được gọi là ‘tên gọi miêu tả một dấu hiệu đặc biệt’. Những tên gọi khác chỉ cho một dấu hiệu đặc biệt là ‘người mang dù’. Ông ta luôn mang theo dù. Và rồi, chúng ta có ‘người mang búi tóc’. Các bạn có thể thấy búi tóc ở các phụ nữ người Miến hoặc người Đông phương. Chúng ta không thấy búi tóc nhiều ở các phụ nữ Hoa Kỳ. Vì ông ta hoặc bà ta có búi tóc, cho nên được gọi là ‘người mang búi tóc’. Rồi có ‘vật có tay’. Con voi được gọi là ‘vật có tay’ vì nó có vòi. Cái vòi thì giống như là cái tay đối với con voi. Trong Pāḷi được gọi là ‘karin’, có nghĩa là vật có tay, nhưng ở đây là vật có vòi.
“Các tên gọi báo hiệu hay biểu hiện cho một sự chứng đắc đặc biệt”1 – điều đó thật ra có nghĩa là tên gọi được trao tặng hay gán đặt dựa vào lý do hay nguyên nhân của cái tên gọi đó. Ví dụ ‘người sở hữu tam minh’ là một tên gọi như vậy. Một người thật sự có tam minh thì được gọi là ‘tevijja’ trong Pāḷi. Tam minh là nguyên nhân hay lý do khiến cho người đó được gọi là ‘người sở hữu tam minh’. Một ví dụ khác nữa là – ‘người sở hữu lục thông’ (chaḷabhiñña). Điều này cũng tương tự như vậy. Giống như chúng ta ở đây có BA (cử nhân), MA (thạc sĩ), PhD (tiến sĩ). Đây là những tên gọi chỉ cho những sự chứng đạt.
Loại tên gọi cuối cùng chỉ là cái tên được đặt cho một người, chẳng cần thiết là nó có đúng nghĩa hay không. ‘Sirivaḍḍhaka’ có nghĩa là người tăng vẻ sáng chói. Một người ăn mày cũng có thể có tên ‘Sirivaḍḍhaka’. Nó chỉ là một cái tên gọi. Hoặc một người nghèo có thể được gọi là ‘Dhanavaḍḍhaka’ (người tăng tài sản). Cái tên như vậy được gọi là ‘cái tên gọi bất thường’. Không có dựa vào ý nghĩa của từ.
Trong Pāḷi, hầu hết mọi tên gọi đều có nghĩa. Tôi không biết điều đó có đúng trong các ngôn ngữ khác không.
Học viên: Thường thì có ạ. Tôi biết là khi tôi phải đặt tên cho con tôi, tôi đã xem một cuốn sách về ý nghĩa của các tên gọi. Chúng có thể là không được biết đến một cách rộng rãi hay thông dụng.
Giảng sư: Hầu hết các tên gọi trong Pāḷi đều có ý nghĩa. Ví dụ, tên của tôi ‘Sīlānanda’ có nghĩa là người thích giới hạnh (sīla). Có bốn loại tên gọi được trình bày ở đây.
Ân đức ‘Bhagavā’ được dâng tặng đến Đức Phật là loại thứ ba, tức là tên gọi được ban tặng dựa vào sự chứng đạt của Ngài.
“Tên gọi Thế Tôn là tên gọi chỉ cho một sự chứng đạt đặc biệt; nó không được đặt ra do Mahā-Māyā (mẹ của Ngài), hay vua Suddhodana (cha của Ngài), hay do 80 ngàn gia quyến”1, và vân vân. Thật ra, tên gọi này không được đặt cho Ngài bởi mẹ Ngài, hay cha Ngài, hay bất kỳ ai trong thân bằng quyến thuộc của Ngài, hay vua trời, hay bất kỳ ai. Ngài được gọi là ‘Bhagavā’ (Thế Tôn) vì Ngài có những đặc ân này.
“Và điều sau đây được tuyên thuyết bởi Tướng Quân Chánh Pháp”2 – ‘Tướng Quân Chánh Pháp’ có nghĩa là ngài Sāriputta. Ngài Sāriputta được gọi là ‘Tướng Quân Chánh Pháp’. Ngài Ānanda được gọi là ‘Thủ Kho Chánh Pháp’. Đó là vì ngài Ānanda đã học thuộc tất cả những lời dạy của Đức Phật.
Học viên: Ngài Sāriputta là ai ạ?
Giảng sư: Ngài Sāriputta là thượng thủ thinh văn của Đức Phật. Ngài là đệ nhất về trí tuệ. Có hai thượng thủ thinh văn của Đức Phật, ngài Sāriputta và ngài Moggallāna. Ngài Sāriputta là đệ nhất về trí tuệ. Ngài Moggallāna là đệ nhất về thần thông. Khi có dịp thuần phục ai bằng thần thông, thì Đức Phật cho phép ngài Moggallāna làm việc đó.
Học viên: Ngài Sāriputta là vị có trách nhiệm về Thắng Pháp (Abhidhamma) phải không ạ?
Giảng sư: Đúng vậy. Ngài là người nhân loại tiên phong về Thắng Pháp (Abhidhamma). Ngài chính là người dạy Thắng pháp (Abhidhamma) cho 500 vị đệ tử của mình. Phiên bản Thắng Pháp (Abhidhamma) của ngài là phiên bản chúng ta có hiện nay. Phiên bản Thắng Pháp (Abhidhamma) mà Đức Phật thuyết giảng cho chư Thiên thì quá rộng và quá dài, còn phiên bản mà Đức Phật thuyết giảng cho ngài Sāriputta thì quá ngắn. Ngài Sāriputta đã dạy vừa đủ chấp nhận được cho trí óc của con người.
“Bây giờ, cũng để giải thích những đặc tính đặc biệt được thể hiện bởi tên gọi này, họ trích dẫn những đoạn kệ sau.”1 Đây chỉ là những sự chơi chữ. “Bhagī bhajī bhāgī vibhattavā” và vân vân – nếu các bạn không biết Pāḷi, thì chúng chẳng thú vị gì cả. Thứ nhất là bhagī. ‘Bhagī’ bị đổi thành bhagavā. ‘Bhajī’ bị đổi thành bhagavā. Đây là sự giải thích mà các nhà Sớ Giải trình bày. “Ý nghĩa của những từ này nên được hiểu theo phương pháp giải thích được trình bày trong Niddesa.” Đó là tài liệu Mahā Niddesa (Đại Diễn Giải). Nhà Sớ Giải không trình bày thêm chi tiết gì về sự giải thích này và ngài chỉ chúng ta đến đọc Mahā Niddesa. Tuy nhiên, chúng được trình bày trong phần giải thích.
Phần tiếp theo có thể là sự giải thích của chính ngài (ND: ngài Buddhaghosa). Đoạn văn 57: “Có một cách khác: ‘Bhāgyavā bhaggavā yutto bhagehi ca vibhattavā. Bhattavā vanta-gamano bhavesu: bhagabā tato.’ (Ngài là may mắn, sở hữu sự từ bỏ, có liên hệ với sự may mắn, và là người sở hữu những gì đã được phân tích. Ngài đã lui tới, và đã từ bỏ việc đi vào những sự hiện hữu.)”
“Ở đây, bằng việc sử dụng Đặc Tính của Ngôn Ngữ bắt đầu với việc cộng thêm nguyên âm, hoặc bằng việc sử dụng Đặc Tính của Sự Chèn Từ bắt đầu với [ví dụ] Pisodara, vân vân, (xin xem Pāṇini Gaṇapātha), chúng ta có thể hiểu rằng Ngài [cũng có thể] được gọi là Thế Tôn (Bhagavā).”2 Và vân vân. Các bạn có hiểu gì không?
‘Đặc Tính của Ngôn Ngữ’ là gì? Ở đây, từ ‘lakkhaṇa’ được dùng. Ý nghĩa thường dùng của lakkhaṇa là đặc tính hay tướng trạng. Trong những trường hợp như khi nói về những vấn đề ngữ pháp, từ ‘lakkhaṇa’ có nghĩa là quy luật của ngữ pháp hay là một điều luật. Cho nên, ở đây ‘Đặc Tính của Ngôn Ngữ’ có nghĩa là một quy luật của ngữ pháp.
Những nhà văn phạm cổ xưa tạo ra những quy luật này. Chúng được gọi là ‘các điều luật’. Chúng là những câu văn ngắn, những điều luật. Thật ra, những điều luật này được học thuộc lòng. Vị thầy sẽ đọc to lên và các học viên sẽ lặp lại. Như vậy, họ học thuộc lòng điều luật đó. Rồi vị thầy sẽ trình bày những lý giải và các ví dụ.
Khi chúng tôi học ngữ pháp Pāḷi, chúng tôi có thể nhớ chỉ những điều luật, hoặc chúng tôi có thể nhớ những điều luật, những lý giải và những ví dụ. Nếu các bạn có khả năng nhớ nhiều, thì các bạn nhớ tất cả. Nếu các bạn không muốn nhớ nhiều, thì ít nhất các bạn phải nhớ những điều luật. Những điều luật này được gọi là những ‘laksutta’. Trong một vài nơi, chúng được miêu tả như là lakkhaṇa trong Pāḷi. Từ đó, Lakkhaṇa và Sutta trở thành đồng nghĩa. Ở đây, ‘Đặc Tính của Ngôn Ngữ’ chỉ có nghĩa là một điều luật văn phạm.
“Bằng việc sử dụng một điều luật văn phạm hay một nhóm điều luật văn phạm bắt đầu với việc cộng thêm nguyên âm” – đây không phải là việc cộng thêm nguyên âm, mà chỉ là việc cộng thêm âm tiết. Điều đó có nghĩa là chèn một ký tự, một phụ âm hoặc đôi lúc có lẽ là chèn vào một nguyên âm. Thường thì một phụ âm được chèn vào. Sự chèn các phụ âm này ở đây thì không phải theo các quy luật văn phạm thông thường. Đây là một quy luật văn phạm đặc biệt.
Bằng những quy luật văn phạm như vậy, ‘bhāgyavā’ có thể trở thành ‘bhaggavā’. ‘Bhaggavā’ có thể trở thành ‘bhagavā’. Nó là cái gì đó như vậy.
“Sự lược bỏ âm tiết”1 – đó là cái gì?
Học viên: Đó là nhập vào nhau. Đó là khi một từ nhập với một từ khác. Đó là khi chúng ta nhập hai âm tiết thành một.
Giảng sư: Đó không phải là ý nghĩa ở đây. Điều muốn nói ở đây là sự chuyển đổi chỗ của các phụ âm. Nó là sự chuyển đổi chỗ của các phụ âm hoặc các ký tự, thường là các phụ âm.
Thánh nhân được gọi là ‘ariya’. Người không phải thánh nhân được gọi là ‘anāriya’. Từ ‘anāriya’ là kết hợp của ‘na’ và ‘ariya’. Trong từ ‘anāriya’, ký tự ‘a’ và ‘n’ thay đổi chỗ cho nhau. Thay vì gọi người không phải thánh nhân là ‘nāriya’, chúng ta gọi người như vậy là ‘anāriya’. Đó là sự chuyển đổi chỗ. Đó là cái muốn nói đến ở đây.
Có những điều luật khác nữa. “Hoặc bằng việc sử dụng Đặc Tính của Sự Chèn Từ, bắt đầu với [ví dụ] Pisodara”, đây là một loại luật khác. Tôi nghĩ ‘sự chèn từ’ là một sự miêu tả tốt ở đây. Nhưng tôi lại muốn nói là “bao gồm trong nhóm những từ, bắt đầu với Pisodara”. Những từ này không được hình thành theo những quy luật ngữ pháp thông thường. Chúng là những từ được hình thành một cách đặc biệt. Chúng ta không thể lý giải chúng dựa theo những quy luật ngữ pháp thông thường. Chúng là những từ đặc biệt. Dựa theo những quy luật này, các bạn có thể lý giải bất cứ điều gì. Bhāgyavā có thể trở thành bhagavā. Từ cuối cùng thì hơi kỳ kỳ. ‘Bhavesu vantagamana’ trở thành ‘bhagavā’.
Các sách tham khảo được trình bày. Thứ nhất là Kasikā, là một sách văn phạm Sanskrit. Khó tìm được cuốn sách này tại quốc gia này (ND: Hoa Kỳ). Tiếp theo là Pāṇini Gaṇapātha, một cuốn sách văn phạm Sanskrit rất nổi tiếng được viết vào buổi sơ khởi của thời đại Ky-tô giáo. Đây là cuốn ngữ pháp Sanskrit tiêu chuẩn. Sau này, mọi người viết chú giải về nó. Một trong những chú giải là Kasikā. Chúng được viết bằng ngôn ngữ Sanskrit. Pāṇini rất được các nhà văn phạm học nể trọng. Văn phạm Sanskrit được viết sau này bởi nhiều tác giả và những nhà nghiên cứu văn phạm, nhưng không tài liệu nào được tôn trọng bằng tài liệu được viết bởi Pāṇini.
“Chúng ta có thể hiểu rằng Ngài [cũng có thể] được gọi là ‘Thế Tôn (Bhagavā)’ khi Ngài có thể được gọi là ‘may mắn (bhāgyavā)’.”1 Cho nên, bhāgyavā trở thành bhagavā. Các bạn không (cần) phải giải thích theo cách thông thường. Điều này giống như giải thích theo cách nào cũng được.
“Do bởi sự may mắn (bhāyga) để đã đạt đến bờ kia [của các pháp ba-la-mật] như bố thí, trì giới, vân vân, mà tạo nên hạnh phúc hiệp thế và siêu thế. Tương tự, Ngài [cũng có thể] được gọi là ‘Thế Tôn (bhagavā)’ khi Ngài có thể được gọi là ‘bhaggavā’ (Bhaggavā có nghĩa là người đã bẻ gãy hay đã từ bỏ) – sở hữu sự từ bỏ – do bởi những đe dọa sau đây đã được xóa bỏ.” Như vậy, các bạn có thể cứ diễn giải như vậy.
Trong đoạn văn 60: “Và bằng sự may mắn (bhagyavatā) của Ngài được chứng tỏ ở sự tuyệt diệu của xác thân của Ngài vốn chứa đựng một trăm đặc điểm của phước đức.”3 Thật ra, nó có nghĩa là “vốn chứa đựng các đặc điểm được tạo ra do bởi hàng trăm phước đức.” Đức Phật sở hữu những đặc điểm vốn không được tìm thấy ở người thường khác. Chúng được sinh ra do bởi rất nhiều công đức Ngài đã làm khi còn là một Bồ-tát (Bodhisatta). Cho nên, nó nên được nói là “thân xác vốn chứa đựng các đặc điểm được tạo ra do bởi hàng trăm phước đức.”
“Cũng vậy [do sự may mắn của Ngài được chứng tỏ bằng] sự kính trọng của [người] trần thế (tức là những người bình thường) [và do sự loại bỏ những khuyết điểm (kilesa) của Ngài (được chứng tỏ) bằng sự kính trọng] của những người giống Ngài.”1 Cái gì vậy? Đức Phật là tối thượng, không thể so sánh được. Không ai giống Đức Phật cả.
Đôi lúc, những người ghi chép lại, tức là những người viết các bài kinh (sutta) trên những lá cọ, đã phạm lỗi khi họ thực hiện việc đó. Trong một vài bản ghi chép, có những từ tương tự với nhau. Cho nên, thay vì viết từ này, họ lại viết từ khác. Đây là một trường hợp như vậy. Từ Pāḷi ở đây là ‘sarikkha’, với ‘SA’. Nó phải là từ ‘parikkha’, chứ không phải là từ ‘sarikkha’. ‘Sarikkha’ có nghĩa là giống. ‘Parikkha’ có nghĩa là phân biệt/khác biệt hoặc có óc phân tích. Từ Pāḷi không nên là ‘sarikkha’ mà phải là ‘parikkha’. ‘S’ và ‘P’ thì tương tự trong một vài bản ghi cổ xưa.
Trong đoạn văn 72: “Nó là ‘với ý nghĩa’ vì nó khơi dậy hoặc làm sinh lên niềm tin ở những người biết suy xét chín chắn.”2 Đó là từ ‘parikkha’ (ở đây, nó được viết một cách đúng đắn). Cho nên, ở đây, trong đoạn văn 60, chúng ta cũng có thể nói: những người biết phân biệt hoặc những người có óc phân tích. Trái ngược với những người trần tục, bình thường, vốn không có nhiều trí tuệ và chỉ biết chấp nhận mọi việc. Ở đây, ‘những người giống Ngài’ nên được gạch bỏ đi. Và thay bằng ‘những người biết suy xét chín chắn’, nó phải nên là như vậy.
Những từ ‘bhagehi yuttattā’ (vì được gắn liền với những may mắn) và ‘bhagavā’ (được tôn tụng) là theo những luật thông thường của ngữ pháp. Đi xuống một chút trong đoạn văn 61 có nhắc đến ‘iddhi’ (các pháp thần thông). Nó nói là “sự biến thành nhỏ lại, sự làm cho nhẹ bổng lên, vân vân”1 và rồi có phần chú thích 27. Trong phần chú thích, các loại thần thông khác được nhắc đến. Những điều này được tìm thấy trong Yogabhāsya. Cho nên, tôi nghĩ việc thực hành thiền chỉ tịnh (samatha), các tầng thiền (jhāna), và các thần thông thì không phải là sở hữu riêng của Phật giáo. Những người trong các tôn giáo khác cũng có, đặc biệt là các hành giả Hindu. Như vậy, ‘sự biến thành nhỏ lại’, ‘sự làm cho nhẹ bổng lên’ và vân vân được tìm thấy trong cuốn sách có tên gọi là ‘Yoga Sutra’. Chúng được giải thích trong Yogabhāsya. ‘Bhāsya’ có nghĩa là chú giải. Nó là một sớ giải của Yoga Sutra. Nếu các bạn có cuốn sách này, các bạn có thể đọc nó.
“Ngài có sự làm chủ tối thượng trên chính tâm trí của mình với những loại thần thông hiệp thế như sự biến thành nhỏ lại, sự làm cho nhẹ bổng lên, vân vân, hoặc hoàn toàn trong mọi khía cạnh, và cũng như Pháp siêu thế.” Đây là những nguyên nhân Đức Phật được gọi là ‘bhagavā’. Ngài có những đặc tính siêu việt – pháp (dhamma), danh tiếng, vinh quang, ước nguyện và sự tinh cần.
Rồi trong đoạn văn 62: “[Ngài cũng có thể] được gọi là ‘Thế Tôn (Bhagavā)’ khi Ngài có thể được gọi là ‘vị sở hữu những gì đã được phân tích (vibhattavā)’.”1 Thay vì gọi là vibhattavā, chúng ta chỉ gọi là bhagavā. Chúng ta bỏ đi ‘vi’ và rồi đổi ‘tta’ thành ‘ga’ và vân vân. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn nếu chúng ta nương nhờ hay trông cậy vào những quy luật văn phạm đặc biệt này. Đó là cách các nhà Sớ Giải lý giải nếu các vị muốn chơi chữ và nếu các vị biết những quy luật văn phạm đúng đắn và chính thống.
Ngài cũng có thể được gọi là ‘bhagavā’ vì Ngài là bhattavā. Điều này cũng tương tự như vậy ở đây.
Điều cuối cùng trong đoạn văn 64 thì rất là bất thường. “Ngài [cũng có thể] được gọi là ‘Thế Tôn (bhagavā)’ khi Ngài có thể được gọi là người ‘đã từ bỏ việc đi vào những loại hiện hữu (vantagamano bhavesu)’.”2 Ở đây, có ‘bhavesu’, ‘vanta’, và ‘gamana’. “Vì trong ba loại hiện hữu (tức là ba loại tồn tại) [bhava], sự đi [gamana] (nói một cách khác, đó là tham ái, nó thật sự là tham ái), tức là tham ái, đã bị từ bỏ [vanta] bởi Ngài.”3 ‘Vanta’ thật ra có nghĩa là ói, nôn ra. Đức Phật đã nôn ra sự đi. Đức Phật đã nôn ra tham ái đối với ba sự hiện hữu. Đó là lý do tại sao Ngài sẽ không tái sanh nữa.
Từ những từ này, một vài âm tiết được lấy để hình thành từ ‘bhagavā’. Các bạn hãy nhìn vào ‘bhavesu vantagamano’. Từ “bhavesu”, chúng ta chỉ lấy ‘bha’. ‘Ga’ đến từ ‘gamana’ và ‘va’ đến từ ‘vanta’. Rồi chúng ta có ‘bhagava’. Nguyên âm ‘a’ được làm dài ra, cho nên, chúng ta không có ‘bhagava’ mà lại có ‘bhagavā’.
Rồi nhà Sớ Giải chỉ cho chúng ta một từ khác nữa có nghĩa là ‘được biết trong thế gian’. “Tạo ra từ ‘bhagava’, như được thực hiện trong thế gian”1 – điều đó có nghĩa là như được thực hiện trong các sách văn phạm với từ ‘mekhalā’. “Vì ‘MEhanassa KHAssa māLĀ’ có thể được nói” – mekhalā đến từ mehanassa, khassa và mālā. Từ mehanassa, chúng ta lấy ‘me’, và từ khassa, chúng ta lấy ‘kha’ và từ mālā, chúng ta lấy ‘lā’. Cho nên, chúng ta có mekhalā. Rất là lạ. ‘Mekhalā’ có nghĩa là vòng đai hay dây nịt lưng.
Trong phần chú thích nói rằng ‘Mehana’ không có trong từ điển PTS. Nghĩa đen của mehana là vật riêng tư, bộ phân riêng tư. ‘Kha’ có nghĩa là nơi. ‘Mālā’ có nghĩa là vòng hoa. Tôi nghĩ đó là, để che những bộ phân riêng tư, họ dùng cái đai. Cho nên, nó được gọi là ‘mekhalā’ trong Pāḷi hay trong Sanskrit. Từ này có nguồn từ ‘mehanassa khassa mālā’. Các bạn chỉ lấy một âm tiết từ mỗi thành viên và tạo nên một từ. Cho nên, chúng ta có mekhalā.
Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào các lợi ích của việc hành thiền niệm Phật. “Khi hành giả quán niệm các ân đức Phật theo cách này ‘Bởi lý do này, Đức Thế Tôn là trọn lành… do lý do này và lý do này, Ngài được tôn xưng’, thì vào lúc đó, tâm trí của hành giả không bị chi phối bởi tham, hoặc bị chi phối bởi sân, hoặc bị chi phối bởi si.”3 Khi hành giả quán tưởng về ân đức Phật, không có tham trong tâm của mình, không có sân trong tâm của mình, không có si trong tâm của mình. “Tâm trí của hành giả có sự ngay thẳng (tức là tâm hành giả ngay thẳng) vào dịp đó, được cảm hứng bởi Đức Toàn Giác.”
“Như vậy, khi hành giả đè nén các triền cái bằng cách ngăn chặn sự đắm nhiễm do tham, vân vân, và tâm trí của hành giả nhìn đối tượng thiền với sự ngay thẳng, thì tầm (vitakka) và tứ (vicāra) xảy ra với khuynh hướng hướng về các ân đức của Đức Phật.”2 Tầm (vitakka) đưa tâm đến các ân đức của Đức Phật và vân vân.
Loại thiền này không thể giúp chúng ta chứng đạt các tầng thiền (jhāna). Các bạn sẽ không chứng đạt thiền (jhāna) bằng sự thực hành thiền này. Khoảng giữa đoạn văn 66: “Khi hành giả hạnh phúc, tâm trí của hành giả trở nên tập trung với các ân đức của Bậc Giác Ngộ làm đối tượng của nó.”3 Như vậy, hành giả có sự tập trung tốt an trú trên những ân đức của Đức Phật.
“Và như vậy, các chi thiền cuối cùng sanh lên trong một sát-na.”4 ‘Các chi thiền’ thật ra có nghĩa là tầm (vitakka), tứ (vicāra) và vân vân, nhưng chúng không đạt đến giai đoạn của thiền (jhāna), tức là chúng không đạt đến giai đoạn của thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna). Chúng chỉ đạt đến giai đoạn của cận định. Có hai loại thiền (jhāna) hay có hai loại định, cận định và an trú định (jhāna).
Học viên: Câu văn: “Nhưng do tính thâm sâu của những ân đức của Đức Giác Ngộ, hoặc do hành giả phải bận tâm với sự quán niệm những ân đức này”1 và vân vân – vế trước dường như nói rằng nó có thể thậm chí tốt hơn cả thiền (jhāna) và vế sau dường như nói rằng nó không tốt bằng thiền (jhāna). Đó có phải là tâm trí nắm bắt đang cố phân định? Nó khác nhau phải không?
Giảng sư: Các bạn biết là các ân đức của Đức Phật là vô cùng thâm sâu. Đức Phật có nhiều ân đức. Thậm chí một ân đức cũng đủ khó để chiêm nghiệm, để thấu hiểu. Khi tâm trí phải bị chi phối bởi những điều sâu xa như vậy, nó không thể đạt được định đủ mạnh để chứng đắc thiền (jhāna). Và cũng có quá nhiều ân đức. Các bạn phải đi từ ân đức này đến ân đức kia. Các bạn phải bắt nhiều cảnh làm đối tượng cho thiền. Không chỉ có một đối tượng. Cho nên, các bạn giống như bị phân tâm. Do đó, các bạn không thể có được định mạnh để đạt đến giai đoạn của thiền (jhāna).
Học viên: Vế đầu dường như là nguyên nhân tốt để thực hành nó và vế thứ hai dường như là một chướng ngại. Trong vế thứ hai, dường như chúng ta bị chi phối và trong vế đầu, nó dường như là tốt hơn cả thiền (jhāna).
Giảng sư: Đúng vậy. An trú vào các ân đức của Đức Phật thì tốt hơn là nhập vào thiền (jhāna) trong vế đầu – nó là cái gì đó giống như vậy. Vế thứ hai nói rằng, nếu các bạn phải bắt hay quán niệm nhiều ân đức, các bạn không thể có định tốt được.
“Khi một tỳ-kheo tận tâm cống hiến cho thiền niệm Phật này, vị đó tôn trọng và cung kính bậc Đạo Sư. Vị đó đạt được đầy đủ tín, niệm, tuệ và phước. Vị đó có nhiều hạnh phúc và hân hoan. Vị nó chiến thắng sự sợ hãi và lo lắng. Vị đó có thể chịu đựng được sự đau khổ. Vị đó có cảm giác dường như đang sống trong sự hiện diện của đấng Đạo Sư. Và thân thể của vị đó, khi sống trong thiền niệm ân đức Phật, trở nên xứng đáng được đảnh lễ giống như một căn phòng thờ phượng.”1 Tôi thích điều này lắm. Cho nên, bất kỳ khi có người đảnh lễ tôi, tôi luôn nghĩ về Đức Phật để lúc đó tôi trở thành một căn phòng thờ phượng hay cái gì đó như vậy. Khi các bạn nghĩ về Đức Phật, điều đó có nghĩa là Đức Phật ở trong tâm của các bạn. Cho nên, các bạn như là một căn phòng thờ phượng, hay một đền thờ. Đó là điều tôi luôn thực hiện, vì nếu tôi nghĩ về những điều khác và mọi người đảnh lễ tôi, thì đó là điều không tốt cho tôi. Tôi không xứng đáng nhận sự tôn kính của họ nếu tôi đang suy nghĩ về một cái gì đó hay một điều bất thiện (akusala). Cho nên, tôi cố gắng niệm Phật bất kỳ lúc nào mọi người đảnh lễ tôi. Theo cách đó, lương tâm của tôi trong sáng. Tôi phần nào xứng đáng với sự tôn kính của họ vì tôi giống như là một ngôi nhà nơi Đức Phật đang sống.
“Tâm trí của vị đó hướng về nơi của Chư Phật. Khi vị đó đối mặt…”
Học viên: ‘Nơi của Chư Phật’ có nghĩa là gì ạ?
Giảng sư: Đó chỉ (có nghĩa) là hướng về Đức Phật. Đôi lúc, các nhà Sớ Giải nói cõi Phật (Buddha bhūmi). Bhūmi là cõi. Thật ra, đó chỉ có nghĩa là các ân đức của Đức Phật. Tâm trí của vị đó nghiêng hướng về Đức Phật và các ân đức của Ngài. Vì vị đó thực hành loại thiền này, tâm trí của vị đó hướng về các ân đức này một cách tự nhiên.
“Khi vị đó đối mặt với tình huống phạm lỗi hay phạm tội, vị đó có sự tự giác và hổ thẹn giống như là vị đó đang ở trước mặt bậc Đạo Sư.”2 Khi trường hợp hay tình huống như vậy xảy ra, vị đó sẽ hổ thẹn, sẽ không phá giới luật vì vị đó luôn luôn có Đức Phật trong tâm, như vậy, vị đó sẽ tốt đẹp giống như là đang ở trước mặt Đức Phật.
“Và nếu vị đó không xuyên thấu cao hơn (nếu vị đó không đạt được sự chứng đắc nào), vị đó ít nhất hướng đến một sinh thú hạnh phúc.”3 Điều đó có nghĩa là vị đó sẽ tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp, như làm người hoặc thiên nhân.
“Bây giờ khi một thiện nam thật sự khôn ngoan,
Nhiệm vụ thường xuyên của vị đó chắc chắn sẽ là
Đề mục niệm ân đức của Phật này,
Vốn đầy đủ tiềm năng tối thượng như vậy.
Đây là phần đầu, có liên quan đến đề mục niệm Phật, được giải thích chi tiết.” Có chín hoặc mười ân đức của Đức Phật.