2.  Niệm Phật

Mới đây, Michael (ND: một học viên trong lớp học) đã cho tôi xem Kinh Liên Hoa (Lotus Sutra). Thật ra, các bài kinh Đại thừa (Mahāyana Sutra) là những bài kinh Pāḷi mà được làm cho thời thượng hơn. Có nhiều sự tương tự trong phong cách ngôn ngữ mặc dầu Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) đã sử dụng và vẫn còn sử dụng ngôn ngữ Sanskrit. Pāḷi và Sanskrit rất gần với nhau. Những tên gọi hay những ân đức này của Đức Phật được tìm thấy trong cả Phật giáo Nam truyền (Theravāda) lẫn Phật giáo Bắc truyền (Mahāyāna). Những ân đức này rất phổ biến với các Phật tử Nam truyền (Theravāda). Tôi hy vọng điều này cũng như vậy đối với các Phật tử Bắc truyền (Mahāyāna). Về phía ngưỡng mộ hay sùng đạo, chúng ta muốn tập trung vào  Đức Phật và an trú vào những ân đức của Ngài. Nó giống như các tín đồ Thiên chúa giáo cầu nguyện Thượng đế hoặc nghĩ về Thượng đế. Nó giống như vậy. Những ân đức này thì rất quen thuộc đối với hầu hết mọi Phật tử.

Câu văn Pāḷi là “Itipi so Bhagavā” và vân vân. Nó được trình bày trong đoạn văn số 2. “Đức Thế Tôn là như vậy vì Ngài là đấng trọn lành”1 và vân vân. Nhưng câu chuyển ngữ thì không nên là như vậy. “Đức Thế Tôn là trọn lành” vì nguyên nhân như thế này và như thế này. Có chín hoặc mười ân đức của Đức Phật được trình bày ở đây. Đức Phật là trọn lành do bởi nguyên nhân như thế này và như thế này. Đức Phật là giác ngộ do bởi nguyên nhân như thế này và như thế này và vân vân. Các nguyên nhân sẽ được giải thích chi tiết. Mặc dầu, ‘do bởi nguyên nhân như thế này và như thế này’ không được nhắc lại trong câu kinh tụng, nhưng khi các bạn thực hành loại thiền này, các bạn phải niệm điều này vì đôi lúc, các bạn không tập trung trên tất cả chín hoặc mười ân đức. Các bạn chỉ chọn ra một ân đức mà các bạn thích nhất. Rồi các bạn tập trung vào ân đức đó và niệm đi niệm lại nhiều lần trong tâm trí của mình. Như vậy, Đức Phật là trọn lành do bởi nguyên nhân như thế này và như thế này và vân vân. Nguyên nhân như thế này và như thế này sẽ được trình bày trong phần diễn giải.

Trong đoạn văn số 3 cũng vậy, nó phải là: “Đức Thế Tôn là trọn lành do bởi nguyên nhân như thế này và như thế này. Ngài là giác ngộ trọn vẹn do bởi nguyên nhân như thế này và như thế này. Ngài là thiêng liêng do bởi nguyên nhân như thế này và như thế này.”1 Nó phải là như vậy.

Đối với ân đức thứ nhất, các bạn phải hiểu từ Pāḷi. Từ Pāḷi là ‘araha’ hoặc ‘arahant’. Từ này được chia chẻ ra theo nhiều cách và rồi được giải thích. Ý nghĩa của từ này được trình bày theo năm cách. Năm ý nghĩa được trình bày cho một từ này. Bây giờ, chúng ta hãy nhìn xem từ này được chia chẻ ra như thế nào.

Từ thứ nhất thì chỉ là ‘araha’. Chúng ta không cần phải nhìn vào ngữ nghĩa để tìm hiểu ý nghĩa này. Từ này chỉ có nghĩa là cách xa, tách biệt. Như vậy, theo ý nghĩa này, Đức Phật được gọi là ‘araha’ vì Ngài cách xa hay tách biệt khỏi tất cả dấu vết của những phiền não. “Ngài hoàn toàn hay dứt khoát đứng rời xa khỏi tất cả những phiền não vì Ngài đã xóa bỏ tất cả những phiền não.”

Học viên: Nó được gọi là ‘āraka’ ở đây trong tài liệu này (ND: The Path of Purification). Đó có phải là lỗi không?

Giảng sư: Không. Ban đầu, nó là āraka. Nó được chuyển thành araha. Đôi lúc, mọi người phát âm nhiều từ theo như họ muốn, chứ không theo luật ngữ nghĩa. Cho  nên, phiên âm có thể thay đổi và nó trở thành araha. Đôi lúc, từ ‘araha’ có cùng nghĩa với từ ‘āraka’. ‘Āraka’ có nghĩa là cách xa. Nó rất dễ nhầm lẫn. Nó cũng có thể có nghĩa là gần với. May mắn là điều đó không được trình bày ở đây. Nhưng trong Phụ Sớ Giải thì có trình bày. Như vậy, ý nghĩa thứ nhất là cách xa, tách biệt. Điều đó có nghĩa là Đức Phật cách xa khỏi tất cả những phiền não.

Và ở đây, nó là khỏi tất cả dấu vết của các phiền não. ‘Tất cả dấu vết’ là quan trọng. Khi Chư Phật đoạn trừ các phiền não, tất cả dấu vết của chúng bị tẩy trừ. Không có thậm chí một dấu vết nào của phiền não trong tâm trí của Chư Phật.

Các vị A-la-hán (Arahant) thì lại khác. Các vị A-la- hán (Arahant) cũng đoạn trừ các phiền não, nhưng các ngài không hoặc không thể đoạn trừ tất cả dấu vết của phiền  não. Mặc dầu chính chúng không phải là phiền não, nhưng chúng là những kết quả nào đó của những phiền não, như một thói quen xấu chẳng hạn.

Có một vị A-la-hán (Arahant) đã gọi bất kỳ người nào ngài gặp là ‘kẻ xấu xa đồi bại’ hoặc cái gì đó như vậy. Ngài đã sanh ra trong giai cấp bà-la-môn (brahmin) cao quý trong 500 kiếp liên tiếp. Cho nên, ngài đã luôn nói “Ồ kẻ xấu xa đồi bại kia, ngươi đang đi đâu đó?” hoặc cái gì đó như vậy. Ngài đã là bậc A-la-hán (Arahant). Ngài đã không còn những phiền não, không còn sân (dosa). Tuy nhiên, ngài đã không thể từ bỏ được thói quen đó.

Chư Phật thì lại khác. Khi Chư Phật tẩy trừ các phiền não, các Ngài tẩy trừ luôn cả các dấu vết. Thậm chí một  dấu vết nhỏ cũng không còn dư sót đối với một vị Phật. Đó là điều tạo nên sự khác biệt giữa Chư Phật và các vị A-la- hán (Arahant). Cả hai đều tẩy trừ tất cả những phiền não. Chư Phật thì tẩy trừ cùng với những dấu vết. Các bậc A-la- hán thì không. Các vị A-la-hán còn một dạng dấu vết nào đó duy trì với các ngài.

Theo nghĩa thứ hai thì sự chia chẻ của từ đó là ‘ari’ và ‘ha’. ‘Hata’ có nghĩa là đã hủy diệt hay đã giết chết. ‘Ha’ cũng có nghĩa đó. ‘Ari’ có nghĩa là kẻ thù và ‘ha’ có nghĩa là hủy diệt. Cho nên, người đã tiêu diệt các kẻ thù thì được gọi là ‘araha’. Nó cũng có thể được gọi là ‘ariha’, nhưng nguyên âm ‘i’ được chuyển thành ‘a’, và do đó, nó trở thành ‘araha’. Đó là cách giải thích cho sự hình thành của từ đó. ‘Ari’ có nghĩa là kẻ thù, tức là các phiền não. Cho nên, người đã tẩy trừ các phiền não thì được gọi là A-la-hán (Arahant).

Nghĩa thứ ba là ‘ara’ và ‘ha’. ‘Ara’ ở đây có nghĩa là những căm xe và ‘ha’ có nghĩa là hủy diệt. Người đã phá hủy những căm xe thì được gọi là araha.

“Bánh xe sanh tử luân hồi này với trục của nó làm bằng vô minh và tham ái, với những căm xe được làm bằng phúc hành và vân vân, với vành xe là lão và tử, được nối với cỗ xe của ba cõi hiện hữu bằng cách đâm xuyên qua nó với cái càng làm bằng nguồn gốc của các lậu hoặc.”1 ‘Nguồn gốc của các lậu hoặc’ có nghĩa là các lậu hoặc là nguồn gốc, không hẳn là nguồn gốc của các lậu  hoặc. Chính các lậu hoặc là nguồn gốc. Chúng là nguồn gốc cho một vài phiền não khác.

“… đã quay tròn từ vô thủy. Tất cả những căm xe (ara) của cỗ xe này đã được Ngài phá hủy (ha) tại nơi Giác Ngộ (tức là dưới cội cây Bồ-đề (Bodhi)) vào lúc Ngài đứng vững với sự tinh cần làm chân trên mảnh đất của giới hạnh, với bàn tay tín, Ngài đã sử dụng cái rìu trí tuệ phá hủy nghiệp (kamma) – vì các căm xe đã bị hủy hoại như vậy, cho nên Ngài cũng là trọn lành.” Để hiểu đoạn văn này, các bạn phải nhìn vào biểu đồ ở đây vì nó nói về Lý Duyên Khởi. Ở đây nói rằng, nó là một cái trục xe được tạo bởi  vô minh và tham ái. Toàn bộ Lý Duyên Khởi (Paṭicca Samuppāda) được xem là một bánh xe. Trong bánh xe này, trục bánh là vô minh và tham ái – số một là vô minh và số tám là tham ái. Chúng được so sánh với trục của một bánh xe.

“Với những căm xe được làm bằng phúc hành và vân vân” – điều đó có nghĩa là số hai, ba, bốn, năm và vân vân.3 ND: Độc giả có thể xem Bảng Nêu 2 trong phần Phụ Lục cuối sách.

Chúng được so sánh với các căm xe. Nếu có ai đó có thể vẽ, thì tôi muốn vị đó vẽ bánh xe này.

“Với vành xe là lão và tử” – như vậy, lão và tử được so sánh với vành xe vì chúng đến cuối cùng. Lão và tử là số mười hai. “Mà được nối với cỗ xe của ba cõi hiện hữu” có nghĩa là dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

“Đâm xuyên qua nó với cái càng làm bằng nguồn gốc của các lậu hoặc” – như vậy, các lậu hoặc được so sánh với cái càng xe. Bây giờ chúng ta có trục bánh, các căm xe, vành xe, càng xe, và trên bánh xe là cỗ xe. Khi các căm xe bị phá hủy, thì toàn bộ hệ thống bị phá hủy. Như vậy, Đức Phật được gọi là ‘araha’, người phá hủy các căm xe vì Ngài đã phá hủy bánh xe hiện hữu, tức là bánh xe của Lý Duyên Khởi.

“Hoặc nói một cách khác, nó là vòng tròn sanh tử vô thủy mà được gọi là ‘Vòng tròn Sanh Tử’.”1 Sự giải thích ở đây cũng có liên quan đến Lý Duyên Khởi. Trong Lý Duyên Khởi, có những thành phần mà chúng ta gọi là mười hai phân khúc hay mười hai yếu tố. Số một làm duyên cho số hai, số hai làm duyên cho số ba và vân vân. Tôi gọi là ‘duyên’ chứ không phải ‘nhân’, vì đôi lúc chúng là nhân và đôi lúc chúng không phải, nhưng tất cả chúng đều là duyên. Một duyên cho hai, hai duyên cho ba, ba duyên cho bốn và vân vân. Nếu các bạn hình dung như vậy trong đầu, thì các bạn hiểu được đoạn văn này. Nếu các bạn không hiểu, thì các bạn phải xem lại Thắng Pháp (Abhidhamma) và đọc về Lý Duyên Khởi.

Đoạn văn 16 giải thích ‘thủ’ làm duyên cho tiến trình nghiệp hữu và tiến trình tái sanh như thế nào. Tôi nghĩ điều đó khá thú vị. “‘Tôi sẽ hưởng thụ những khoái lạc dục trần’, và với sự bám víu khoái lạc dục trần (thủ) làm duyên, vị đó có những tà hạnh về thân, ngữ và ý.”1 Thủ làm duyên do nghiệp (kamma) tốt hoặc xấu. Do bởi tôi muốn tận hưởng các khoái lạc dục trần, chẳng hạn như trong một  kiếp sống tốt đẹp hơn (Tôi muốn được tái sanh vào một kiếp sống tốt đẹp hơn. Tôi muốn được tái sanh làm thiên nhân), tôi sẽ làm một điều gì đó để tôi sẽ tái sanh vào đó. Đôi lúc, tôi lại thực hiện việc gì đó sai trái về thân, ngữ hoặc ý. Có lẽ chúng ta (có thể) gặp thầy xấu. Có thể họ dạy chúng ta rằng nếu các bạn tế người sống, các bạn sẽ tái  sanh làm thiên nhân hoặc cái gì giống như vậy. Do bởi sự bám víu đó, tức là thủ đó, chúng ta làm những việc tốt hoặc xấu. Ở đây, vị này có những tà hạnh về thân, ngữ và ý.

“Do hoàn thành tà hạnh, vị đó xuất hiện trở lại trong một trạng thái mất mát.”2 Điều đó có nghĩa là vị đó tái sanh vào bốn đọa xứ – làm súc sanh, hoặc sanh vào địa ngục hoặc làm ma quỷ và vân vân.

“Nghiệp (kamma) làm nhân cho sự xuất hiện trở lại của vị đó tại đó là nghiệp hữu.” Yếu tố đó thuộc vào số mười trong những mối nối này.

“Các uẩn được tạo ra bởi nghiệp (kamma) đó là sanh hữu.” Đó cũng là số mười. Có hai loại số mười. Một là nghiệp và cái còn lại là hữu. ‘Nghiệp’ thật sự có nghĩa là nghiệp (kamma) tốt hay xấu. ‘Hữu’ có nghĩa là quả của nghiệp (kamma) tốt hay xấu. Thật ra, ‘hữu’ trong số mười và ‘sanh’ trong số mười một là như nhau.

“Sự tạo ra các uẩn là sanh.” Điều đó có nghĩa là sự tạo thành các uẩn tại thời điểm tục sinh. “Sự trưởng thành của chúng là lão, sự tan rã của chúng là tử.” Như vậy, có thủ. Thủ làm duyên cho nghiệp hữu hoặc hữu. Hữu làm duyên cho sanh, lão và tử.

“‘Tôi sẽ hưởng thụ những khoái lạc thiên giới’, và cũng theo phương thức song song, vị đó thực hiện những hạnh lành.” Ở đây, vị đó làm việc tốt. “Do hoàn thành thiện hạnh, vị đó xuất hiện trở lại trong cõi trời [dục giới]. Nghiệp (kamma) mà làm nhân cho sự xuất hiện trở lại của vị đó là nghiệp hữu, và phần còn lại thì giống như trước.” Điều đó có nghĩa là các uẩn được tạo ra bởi nghiệp (kamma) là sanh hữu, sự tạo ra các uẩn là sanh, sự trưởng thành của chúng là lão, sự tan rã của chúng là tử. Các bạn phải hiểu theo cách đó.

Đôi lúc, các bạn muốn tái sanh làm Phạm thiên, tức là một thiên nhân ở bậc cao hơn. Rồi các bạn làm một cái gì đó. “Do hoàn thành sự phát triển thiền định, vị đó tái sanh vào thế giới Phạm thiên (Brahma).”

Đoạn văn 20: “Như vậy, ‘Trí nhận rõ các điều kiện rằng: Vô minh là nhân, các hành sanh lên do nhân, và cả  hai loại này sanh lên do nhân’.”1 Vô minh là một nhân, nhưng nó cũng phụ thuộc vào một điều kiện. Cho nên, vô minh cũng như các hành sanh lên do nhân. Cả hai sanh lên do nhân. “Đây là trí hiểu biết về mối quan hệ nhân duyên của các pháp. Trí nhận rõ các điều kiện rằng: ‘Trong quá khứ và trong tương lai, vô minh là nhân, các hành sanh lên do nhân, và cả hai pháp sanh lên do nhân’.”2

“Ở đây, vô minh và các hành là một sự tóm gọn.”3 Trong ngôn ngữ Miến Điện, chúng tôi dịch nó là lớp – hai lớp, ba lớp và vân vân. Từ Pāḷi là saṅkhepa. ‘Saṅkhepa’  thật sự có nghĩa là nói tóm lại hay sự tóm gọn lại. Trong ngôn ngữ Miến Điện, chúng tôi dịch nó là lớp. Có bốn lớp. “Vô minh và các hành là một sự tóm gọn”. Như vậy, trong biểu đồ này, số một và số hai. “Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ là một sự tóm gọn khác.”4 Điều đó có nghĩa là  số ba, số bốn, số năm, số sáu, số bảy. Chúng là một lớp hay một sự tóm gọn. “Ái, thủ và hữu là một sự tóm gọn khác.” Đó là số tám, số chín và số mười. “Và sanh, và lão tử là một sự tóm gọn khác.” Đó là số mười một và số mười hai. Như vậy, có bốn sự tóm gọn hay bốn lớp.

Sự tóm gọn thứ nhất là quá khứ. Như vậy, số một và số hai thuộc về thời quá khứ. Hai sự tóm gọn ở giữa là hiện tại. Tức là số ba, số bốn, số năm, số sáu, số bảy, số tám, và số chín. Những yếu tố này là hiện tại. Rồi sanh, lão và tử là tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta nói Lý Duyên Khởi bao phủ ba kiếp sống – kiếp quá khứ, kiếp hiện tại và kiếp tương lai.

“Khi vô minh và hành được nhắc đến, thì ái, thủ và hữu cũng được bao gồm; do đó, năm yếu tố này là vòng nghiệp (kamma) trong quá khứ.”1 Bây giờ, trong quá khứ chỉ có hai phân khúc, số một và số hai. Khi các bạn nhắc đến số một, các bạn tự động nhắc đến số tám và số chín vì chúng thuộc vào phiền não (kilesa) luân hồi. Như vậy, khi chúng ta nói số một, ý của chúng ta là số một, số tám và số chín. Khi chúng ta nói số hai, ý của chúng ta là cả số hai và số mười. Do đó, khi chúng ta nói số một và số hai, ý của chúng ta là số một, số hai, số tám, số chín và số mười. Đó là lý do tại sao có năm phân khúc trong lớp thứ nhất, trong sự tóm gọn thứ nhất. Thật ra, có năm phân khúc mặc dầu chỉ có hai phân khúc được nhắc đến.

Sự tóm gọn thứ hai hay lớp thứ hai là không sao. Trong sự tóm gọn thứ ba, khi chúng ta nói số tám và số chín, thì chúng ta cũng có nghĩa nói thêm số một. Đây là sự đi ngược lại. Và khi chúng ta nói số mười, chúng ta cũng có ý nói số hai. Như vậy, khi chúng ta nói số tám, số chín và số mười, thì chúng ta tự động có nghĩa muốn nói số một, số hai, số tám, số chín và số mười.

Chúng ta có 20 điều kiện. “Và vì [năm chế độ hay năm chi tiết] bắt đầu với thức được miêu tả dưới sự dẫn đầu của sanh, lão và tử, chúng là vòng nghiệp (kamma)-quả trong tương lai. Những điều này tạo lên 20 chế độ hay 20 chi tiết theo cách này.”1 Những yếu tố này được gọi là ‘chế độ’.

Có một mối nối giữa hành và thức. Có ba mối nối tất cả. Mối nối thứ nhất là giữa số hai và số ba. Mối nối thứ hai là giữa số bảy và số tám. Mối nối thứ ba là giữa số mười và số mười một.

Đức Phật biết tất cả những điều này, cho nên, Ngài được gọi là ‘araha’.

Trong đoạn văn 22: “Sự hiểu biết hay trí tuệ là theo nghĩa cái mà được biết.”3 Thật ra, nó phải là ‘theo nghĩa cái mà biết’. Từ Pāḷi thì có vẻ giống như ‘được biết’, nhưng Phụ Sớ Giải giải thích rằng, nó có nghĩa là ‘cái mà biết’  chứ không phải ‘cái mà được biết’. Cho nên, ‘được biết’ nên được chuyển thành ‘biết’. Để hiểu nó một cách đầy đủ, các bạn nên có kiến thức về Lý Duyên Khởi.

Tiếp theo là araha, với nghĩa là xứng đáng. Đức Phật xứng đáng nhận các vật cúng dường và do đó, Ngài được gọi là ‘araha’. “Ngài xứng đáng (arahati) với các vật dụng cúng dường như y phục, vân vân, và với sự biệt đãi của việc được dâng tặng sự tôn kính.”4 Thật ra, nó chỉ có nghĩa là sự tôn kính đặc biệt. Đức Phật xứng đáng với những vật dụng như y phục và vân vân. Ngài cũng xứng đáng với sự tôn kính đặc biệt từ những chúng sanh khác.

Đoạn văn này giải thích rằng Ngài đã được tôn kính khi Ngài còn tại tiền. Thậm chí khi Ngài đã viên tịch, mọi người vẫn tiếp tục tôn kính Ngài bằng việc sử dụng nhiều tiền tài và bằng việc xây dựng tự viện và vân vân. “Và sau khi Đức Thế Tôn đã chứng đạt Vô Dư Níp-bàn (Nibbāna), Vua Asoka đã xả thí tài sản với số lượng 96 triệu để dâng cúng Ngài và đã thành lập 84 ngàn tự viện.”1 Điều đó có nghĩa là việc xả thí 96 triệu và việc thành lập 84 ngàn tự viện là một. Tức là nhà vua đã sử dụng chừng đó tiền để xây dựng 84 ngàn tự viện. Việc đó chỉ là để tưởng nhớ Đức Phật.

Trong đoạn văn 24 có nói ‘khoe khoang sự tinh lanh của họ’. Từ Pāḷi có nghĩa là ‘những người tự cho là mình khôn ngoan mặc dầu họ thật ra là không phải vậy’.2 Như vậy, có những người cho rằng họ là tài giỏi, nhưng họ lại bí mật làm việc xấu xa.3 Đức Phật thì không như vậy. Đức Phật không có bí mật. Ở đây, sự chia chẻ từ là ‘a’ cộng với ‘rahā’. ‘A’ có nghĩa là không và ‘rahā’ có nghĩa là bí mật. Đức Phật không có bí mật. Đức Phật không làm bất kỳ điều sai trái gì một cách bí mật cả.

Như vậy, từ araha có thể được chia thành ‘ara’ và ‘ha’, hoặc thành ‘ari’ và ‘ha’, hoặc thành ‘a’ và ‘rahā’. Đây là sự chơi chữ nghĩa.

Học viên: Ngài chưa giảng về ‘trí tuệ phá hủy nghiệp (kamma)’.

Giảng sư: Trí tuệ của tầng giác ngộ thứ tư phá hủy nghiệp (kamma). Khi một người đạt đến tầng giác ngộ thứ tư, ngài không còn tích lũy nghiệp (kamma) nữa, dầu cho là tốt hay xấu. Đó là lý do tại sao ngài được gọi là người dập tắt nghiệp (kamma).

Các bạn biết là khi một người trở thành A-la-hán (Arahant), mặc dầu ngài có thể làm việc tốt, nhưng ngài không thu nhặt nghiệp (kamma). Đó là vì ngài không còn tâm thiện (kusala) lúc đó nữa. Tâm của ngài là duy tác (kiriya). Đó là ý nghĩa muốn nói ở đây.

Học viên: Ở đâu vậy ạ?

Giảng sư: Nó ở trong đoạn văn 7. “Với bàn tay tín, [Ngài đã] sử dụng cái rìu trí tuệ phá hủy nghiệp”1 – điều đó có nghĩa là khi các bạn đạt được loại trí tuệ này (tức là khi các bạn trở thành một vị A-la-hán (Arahant)), các bạn không bao giờ thu nhặt nghiệp (kamma) nào nữa. Các bạn có thể vẫn làm những việc phước, nhưng chúng  không được gọi là thiện (kusala). Chúng trở thành duy tác (kiriya). Chư Phật và các vị A-la-hán được nói là không có thiện (kusala) và bất thiện (akusala). Các ngài không có những hành động thiện lẫn bất thiện. Các vị A-la-hán (Arahant) không thể làm bất kỳ hành động bất thiện nào. Các ngài có thể làm những việc tốt, nhưng những việc tốt đó không được xem là thiện (kusala), mà chúng là duy tác (kiriya) vì chúng không cho bất kỳ quả nào.

Cho nên ở đây ‘trí tuệ mà phá hủy nghiệp (kamma)’ có nghĩa là giai đoạn giác ngộ thứ tư. Nói một cách khác, nó là loại tuệ Đạo (Magga) thứ tư đi theo hoặc sanh lên cùng với tâm Đạo (Magga) thứ tư.

Học viên: Chúng tôi có một vài vị thầy ở Hoa Kỳ này nói rằng họ không tạo nghiệp (kamma). Họ cho rằng hoặc đang thừa nhận rằng họ là những vị A-la-hán (Arahant).

Giảng sư: Nếu họ là vậy, thì họ không tạo nên nghiệp (kamma) mới nữa. Các vị A-la-hán (Arahant) không tích lũy cả nghiệp thiện (kusala kamma) cũng như nghiệp bất thiện (akusala kamma) mới nào cả vì các hành động của họ là đều không cho quả, không tạo ra kết quả nào.

Các bạn biết là trong Phật giáo, giữ giới (sīla), tức là sự trong sạch của giới hạnh, là rất quan trọng. Ở đây có nói ‘trên nền tảng vững chắc của giới hạnh’. Giới (sīla) được so sánh với mặt đất. Tấn hay cần được so sánh với chân. Tín được so sánh với bàn tay. Đó là vì nếu các bạn có tay, các bạn có thể nhặt lấy mọi thứ, còn nếu các bạn không có tay, các bạn không thể nhặt lấy thứ gì cả. Nếu các bạn không có niềm tin, các bạn không thể nhặt lấy những điều tốt (kusala). Cho nên, tín được so sánh với bàn tay. Và tứ Đạo (magga) được so sánh với cái rìu cắt bỏ hoàn toàn đi tất cả những phiền não.

Học viên: Như vậy, nếu giới hạnh của chúng ta không trong sạch, thì không có cách nào chúng ta có thể tránh khỏi hoặc không liên quan đến việc tạo nghiệp (kamma).

Giảng sư: Đúng vậy.

Học viên: Xin ngài cho một ví dụ về ‘duy tác’.

Giảng sư: ‘Duy tác’ là cái gì đó như một cây không cho quả. Nó vẫn sống. Nó vẫn có cành và lá, nhưng nó

 

 

không cho quả. Nó là cái gì đó giống như vậy. Các vị sau khi đã thành A-la-hán (Arahant) vẫn làm việc tốt – vẫn chỉ giáo mọi người, vẫn thực hành thiền, vẫn giúp người. Tất  cả các hành động của các ngài không tạo nên nghiệp (kamma) vì các ngài đã tẩy trừ những gốc rễ của sự hiện hữu, đó là tham ái và vô minh. Các hành động của các ngài chỉ là những hành động. Những hành động của các ngài không mang lại kết quả.

Tại Miến Điện, vào lễ Năm Mới, các đại bác được bắn. Khi một cái gì đó chỉ là tiếng động hay âm thanh mà không có thực chất hay cốt lõi, thì chúng tôi nói đó là một đại bác Năm Mới. Duy tác là thứ gì đó như vậy hoặc là cây không cho quả.

Sammāsambuddha – chúng ta dùng từ ‘Buddha’ để chỉ cho Ngài, nhưng ân đức hay tên gọi đầy đủ của Ngài là Sammāsambuddha. ‘Sammā’ là một tiền tố và ‘saṃ’ là một tiến tố nữa. Có hai tiền tố ở đây cùng với từ Buddha. ‘Sammā’ có nghĩa là một cách đúng đắn và ‘saṃ’ có nghĩa là do tự mình. ‘Buddha’ có nghĩa là biết. Ngài biết hay khám phá Tứ Thánh Đế một cách đúng đắn và không có sự trợ giúp từ người nào khác, tức là do tự Ngài. Chúng ta nhấn mạnh điều này khi chúng ta nói về Đức Phật. Chư Phật là những vị không cần sự giúp đỡ của bất kỳ vị thầy nào.

Bồ tát (Bodhisatta) đã đến gặp hai vị thầy trước khi Ngài thành Phật (Buddha). Ngài đã không phải thực hành theo lời khuyên hay sự chỉ dạy của họ cho đến tận khi chứng đạt quả vị Phật. Ngài đã từ bỏ sự thực hành của họ và đã đi đến nơi khác và tự thực hành. Cho nên, chúng ta nói rằng Đức Phật không có thầy. Điều này được nhấn mạnh bởi từ ‘Sambuddha’. ‘Sambuddha’ có nghĩa là tự giác ngộ. ‘Sammābuddha’ có nghĩa là giác ngộ một cách đúng đắn, một cách chánh trực. Cho nên, ‘Sammāsambuddha’ có nghĩa là tự giác ngộ một cách đúng đắn. Ở đây, ‘biết’ hay ‘giác ngộ’ có nghĩa là biết hay giác ngộ Tứ Thánh Đế.

Trong đoạn văn 28, tác giả (ND: ngài Buddhaghosa) trình bày những điều Đức Phật biết. Chúng là sáu xứ, sáu nhóm tâm, và vân vân. Đây là những chủ đề được dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Thật ra, chúng cũng được tìm thấy trong Kinh Tạng (Sutta Piṭaka), nhưng sự trình bày và phân tích đầy đủ về chúng thì có thể được tìm thấy trong Thắng Pháp (Abhidhamma).

Đôi lúc, mọi người cho rằng hay xem rằng Thắng Pháp (Abhidhamma) là một giáo lý riêng biệt, chẳng có liên quan hay kết nối gì với các bài kinh (sutta). Thật ra, những giáo lý được tìm thấy trong Thắng Pháp (Abhidhamma), hầu hết được tìm thấy trong Kinh Tạng (Sutta Piṭaka). Đó  là lý do tại sao chúng ta cần kiến thức về Thắng Pháp (Abhidhamma) để hiểu các bài kinh (Sutta). Chúng ta không nên xem chúng là những giáo lý riêng biệt. Chúng ta không thể nghiên cứu các bài kinh (sutta) mà không có kiến thức về Thắng Pháp (Abhidhamma) nếu chúng ta muốn hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn. Cho nên, đây là những chủ đề được dạy trong cả Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka) và Tạng Kinh (Sutta Piṭaka).

Sự xuyên thấu của Đức Phật vào Tứ Thánh Đế hay sự khám phá ra Tứ Thánh Đế của Ngài là ý nghĩa thứ hai của ân đức Sammāsambuddha (Chánh Đẳng Giác).

Học viên: Vị A-la-hán (Arahant) tự giác ngộ hay vị Phật Độc Giác (Pacceka)…

Giảng sư: Vị Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) tự giác ngộ.

Học viên: Vị đó khác với Đức Phật (Buddha) vốn hoàn toàn tự giác ngộ.

Giảng sư: Chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) không được gọi là Sammāsambuddha. Các ngài chỉ được gọi là Sambuddha hoặc Pacceka Buddha, chứ không phải Sammāsambuddha.

Học viên: Và ‘một cách đúng đắn’ (chánh) có nghĩa là gì ạ?

Giảng sư: ‘Một cách đúng đắn’ có nghĩa là các ngài hiểu về Pháp (Dhamma) trong mọi phương diện. Chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) là những vị tự giác ngộ, nhưng kiến thức của các ngài có thể không rộng hay không thâm sâu bằng Chư Phật. Và đôi lúc các ngài còn được gọi là ‘Phật im lặng’. Điều này là do các ngài không giảng dạy nhiều. Mặc dầu đôi lúc các ngài có giảng dạy, nhưng thường thì các ngài hiếm khi giảng dạy. Các ngài muốn xa lánh mọi người và sống trong rừng. Cho nên, các ngài được gọi là ‘Phật im lặng’.

Học viên: Có lẽ vì các ngài không được (người khác) chỉ dạy, cho nên các ngài cảm thấy khó khăn hoặc gặp khó khăn trong việc chỉ dạy người khác. Điều này trái ngược với Đức Phật.

Giảng sư: Các ngài cũng chỉ xuất hiện khi không có Chư Phật. Các ngài chỉ xuất hiện vào giữa những giai đoạn của Chư Phật. Tôi hy vọng các bạn đã đọc các chú thích. Các chú thích rất là hay.

Chúng ta sẽ đi đến ân đức thứ ba. “Ngài có đủ tầm nhìn [rõ ràng] và giới hạnh [đạo đức].”1 Ở đây có hai từ – vijjā và caraṇa. ‘Vijjā’ có nghĩa là sự hiểu biết hay tầm nhìn và ‘caraṇa’ có nghĩa là giới hạnh. Như vậy, Đức Phật có đủ cả tầm nhìn rõ ràng và giới hạnh.

Có ba loại tầm nhìn rõ ràng (tam minh). Điều đó có nghĩa là túc mạng minh (tức là nhớ các kiếp sống quá khứ), thiên nhãn minh, và lậu tận minh. Chúng được gọi là ‘tam minh’. Bất cứ khi nào con số ba được nhắc đến, thì chúng ta nên hiểu là tam minh này – túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh.

Đôi lúc, tám loại tầm nhìn rõ ràng (bát minh) được nhắc đến. “Tám loại như được trình bày trong Ambaṭṭhasutta1, vì ở đó, tám loại minh được trình bày, bao gồm sáu loại thần thông cùng với tuệ minh sát và thần thông biến hóa ra [thân xác] do tâm tạo.” Có tám loại tầm nhìn rõ ràng (bát minh) trong bài kinh (sutta) đó.

Tuy nhiên, nếu các bạn xem bài kinh (sutta) đó, các bạn sẽ không tìm thấy chúng được trình bày một cách rõ ràng vì trong Pāḷi, khi các ngài không muốn lặp lại, các ngài chỉ để lại dấu hiệu ở đó. Nó giống như là ba chấm trong ngôn ngữ khác vậy. Trong Pāḷi, các ngài dùng các từ ‘PA’ hoặc đôi lúc là ‘LA’. Khi các bạn thấy như vậy, các bạn hiểu là có một vài điều ở đây các ngài không muốn lặp lại. Cho nên, các bạn phải biết nơi những điều này xuất  hiện lần đầu tiên. Nếu các bạn không biết chỗ tìm chúng, các bạn sẽ bị lạc, sẽ không hiểu. Hôm nay, tôi tra cứu bài kinh này theo sự ghi chú (D,1,100) và những loại minh này không được in trong tập sách vì chúng đã được nhắc đến trong bài kinh Ambaṭṭhasutta thứ ba.

Đây là một vấn đề của người hiện đại chúng ta. Những cuốn sách này được thực hiện với ý là được đọc từ đầu đến cuối, chứ không phải cứ nhặt lên một bài kinh (sutta) ngay ở giữa và đọc nó. Cho nên, chúng nên được học hay nghiên cứu từ phần đầu. Tôi có thể chỉ cho các bạn số trang trong bản dịch Anh ngữ.

Tám tầm nhìn rõ ràng hay bát minh bao gồm sáu loại thần thông. Điều đó có nghĩa là thể hiện những phép lạ, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông, và lậu tận thông. Hai loại còn lại được nhắc đến ở đây là tuệ minh sát (vipassanā) và phép lạ tạo ra thân xác  do tâm. Điều đó có nghĩa là các bạn thực hành thiền (jhāna) và các bạn có khả năng biến hiện ra nhiều người giống như mình. Đây là tám tầm nhìn rõ ràng hay bát minh được trình bày trong bài kinh (sutta) đó.

Về đức hạnh thì có mười lăm điều được nói đến ở đây: chế ngự bởi giới, phòng hộ các căn môn, hiểu biết về sự vừa đủ trong thọ thực, chú tâm vào sự tỉnh giác, bảy pháp tốt đẹp (chúng được trình bày trong phần chú thích), và bốn tầng thiền (jhāna) sắc giới. “Do bởi chính mười lăm điều này, vị thánh đệ tử tự mình hành trì để đi đến bất tử. Đó là lý do tại sao nó được gọi là ‘giới hạnh [đạo đức]’, như nó được nói.”

Các bạn phải hiểu từ Pāḷi ‘caraṇa’ để hiểu sự giải thích này. Caraṇa đến từ gốc từ ‘cara’. ‘Cara’ có nghĩa là đi (bộ). Cho nên, ‘caraṇa’ có nghĩa một phương tiện đi lại. Mười lăm hạnh này là phương tiện đi hướng đến Níp-bàn (Nibbāna). Đó là lý do tại sao ở đây nói: “Chính mười lăm điều này vị thánh đệ tử tự mình hành trì để đi đến bất tử.” Đó là lý do tại sao nó được gọi là ‘caraṇa’ trong Pāḷi.

Chúng ta hãy đi đến đoạn văn 33. Các bạn hãy nhớ từ Pāḷi ‘sugata’ ở đây. Nghĩa thứ nhất của ‘su’ là tốt đẹp. ‘Su’ có nghĩa là tốt đẹp và ‘gata’ có nghĩa là sự đi. ‘Sugata’ có nghĩa là sự đi tốt đẹp. Đức Phật có sự đi tốt đẹp. Đó là lý do tại sao Đức Phật được gọi là ‘sugata’, vì sự đi của Ngài là thanh tịnh và vô tội, tức là không thể chê trách được. Sự đi tốt đẹp là cái gì? Đó là Thánh Đạo. Bát Thánh Đạo được gọi là ‘sự đi tốt đẹp’. Đó là ý nghĩa thứ nhất của sugata.

Nghĩa thứ hai là đã đi đến một nơi tuyệt diệu. Ở đây, ‘gata’ có nghĩa là đã đi, chứ không giống như nghĩa thứ nhất. Trong nghĩa thứ nhất, ‘gata’ có nghĩa là sự đi. Trong nghĩa thứ hai, ‘gata’ có nghĩa là đã đi đến. ‘Su’ có nghĩa là một nơi tuyệt diệu. Như vậy, người đã đi đến một nơi tuyệt diệu được gọi là ‘sugata’. Ở đây, nơi tuyệt diệu là Níp-bàn (Nibbāna).

Nghĩa thứ ba là đã đi một cách đúng đắn, chân chánh. ‘Su’ cũng có thể có nghĩa là một cách đúng đắn, chân chánh. Người đã đi một cách đúng đắn, chân chánh được gọi là ‘sugata’. ‘Một cách đúng đắn, chân chánh’ ở đây có nghĩa là không chạm những thái cực, mà theo Con Đường Trung Đạo.

Nghĩa thứ tư là do bởi phát ngôn một cách đúng đắn. Ở đây, từ nguyên gốc là ‘sugada’. Phụ âm ‘D’ chuyển  thành ‘T’. Đây là sự giải thích ngữ pháp Pāḷi. ‘Gada’ có nghĩa là nói hay phát ngôn. ‘Su’ có nghĩa là một cách đúng đắn. Người nói hay phát ngôn một cách đúng đắn được gọi là ‘sugada’. Như vậy, có bốn ý nghĩa dành cho từ này.

Liên quan đến ý nghĩa thứ tư, có một bài kinh (sutta) được trích dẫn trong đoạn văn 35. “Lời phát biểu mà Đức Chánh Giác biết là không thật, không đúng, đưa đến tai hại, và không làm hài lòng và không được người khác thích, thì Ngài không nói”1 và vân vân. Theo bài kinh (sutta) này, có sáu loại lời nói. Chư Phật chỉ dùng hai trong số sáu loại này. Sáu loại đó được nhắc đến ở đây trong phần chuyển ngữ của bài kinh (sutta).

Một cách ngắn gọn, chúng là như sau: Thứ nhất là lời nói không thật, có hại và không làm hài lòng. Chư Phật không nói lời như vậy. Thứ hai là lời nói thật, nhưng có hại và không làm hài lòng người nghe. Chư Phật không nói lời như vậy. Loại thứ ba là lời nói thật, có lợi ích hay vô hại, và không làm hài lòng người nghe. Chư Phật dùng lời nói như vậy. Ở đây, trong phần chuyển nghĩa có nói: “Đức Chánh Giác biết thời để thuyết giảng.”2 Điều đó có nghĩa là nếu lúc đó là đúng thời nói lời như vậy, Đức Phật sẽ dùng lời như vậy. Nó có thể là không làm hài lòng người nghe, nhưng nếu nó là có lợi ích và là thật, và nó là hợp thời, thì Đức Phật sẽ nói lời nói đó.

Học viên: Ý nghĩa của từ ‘đưa đến tai hại’ và ‘không đưa đến tai hại’ là gì ạ?

Giảng sư: Điều đó có nghĩa là nếu các bạn làm theo lời của Ngài, các bạn sẽ có được lợi ích. Nếu các bạn không làm theo lời của Ngài, các bạn sẽ đi đến thất bại. Đôi lúc, mọi người nói chuyện với nhau, khuyên bảo nhau. Đôi lúc, lời khuyên đó có thể không đưa đến thành công.

Như vậy, lời nói thật, có lợi ích và không hài lòng thì Đức Phật sử dụng. Rồi loại thứ tư là lời nói không thật, có hại nhưng hài lòng người nghe. Đức Phật không bao giờ dùng lời nói đó. Rồi loại thứ năm là lời nói thật, có hại và hài lòng. Đức Phật không bao giờ dùng lời nói đó. Loại cuối cùng là lời nói thật, có ích lợi và hài lòng người nghe. Đức Phật dùng loại lời nói này. Như vậy, Đức Phật chỉ dùng hai loại lời nói, tức là lời nói thật, có lợi ích và không hài lòng và lời nói thật, có lợi ích và hài lòng. Những loại lời nói khác Đức Phật không dùng. Đó là lý do tại sao Đức Phật được miêu tả là ‘sugata’, tức là người nói một cách đúng đắn.

Rồi Đức Phật là người thông suốt về các thế gian (Lokavidū). Các bạn có lẽ đã đọc về điều này. Nó giống như là vũ trụ quan của Phật giáo trong Sớ Giải. Thật ra, không phải tất cả những điều này có thể được tìm thấy trong các bài kinh (sutta). Một số có thể được tìm thấy và một số khác có lẽ đã được phát triển thêm về sau, sau khi Đức Phật nhập diệt. Nếu chúng ta nhìn vào thế giới hiện nay với kiến thức của khoa học hiện đại, thì những sự trình bày này rất là khác xa.

Có ba loại thế gian được nhắc đến ở đây – thế giới  của các pháp hành, thế giới của chúng sanh và thế giới của nơi chốn. Các bạn sẽ tìm thấy điều này trong đoạn văn 37. ‘Thế giới của các pháp hành’ thật sự có nghĩa là thế giới của cả những thứ hữu tình và vô tri, tức là cả chúng sanh và những thứ vô tri. ‘Thế giới của chúng sanh’ chỉ có nghĩa là chúng sanh. ‘Thế giới của nơi chốn’ có nghĩa là thế giới bên ngoài.

Học viên: Thế giới bên ngoài là sao ạ?

Giảng sư: Đó là thế giới vô tri như trái đất, sông suối, núi non và vân vân. Nếu các bạn có thể vẽ một biểu đồ về những thứ được nhắc đến ở đây, các bạn có thể có được một bức hình khái quát về khái niệm thế giới, mặt trời, mặt trăng, vũ trụ trong Phật giáo.

Trong đoạn văn 38, tôi nghĩ nên bỏ từ ‘cũng vậy’.  Nó phải nên là ‘theo chi tiết’ vì đoạn văn 38 và những đoạn văn tiếp theo là sự miêu tả chi tiết về việc Đức Phật hiểu biết thế gian như thế nào.

Trong đoạn văn 39: “Nhưng Ngài biết những thói quen của tất cả chúng sanh.” Điều này thì quan trọng. “Nhưng Ngài biết những thói quen của tất cả chúng sanh, biết những xu hướng cố hữu của họ, biết những cơ tánh của họ, biết những khuynh hướng của họ, biết họ là có ít bụi trong mắt hay có nhiều bụi trong mắt, là lợi căn hay là độn căn, với hành vi tốt đẹp hay với hành vi xấu xa, dễ dạy hay khó dạy, có khả năng chứng đắc hay không có khả năng chứng đắc; do đó, thế gian của chúng sanh này được Ngài biết đến theo mọi phương diện.”2 Chỉ có Chư Phật mới có khả năng biết chính xác các thói quen của chúng sanh, xu hướng, và vân vân. Thậm chí các vị A-la-hán (Arahant) cũng không sở hữu được khả năng này.

Rồi Đức Phật có sự hiểu biết về thế giới vật chất. Có một vài câu văn về thế giới vật chất hay thế giới vật lý và rồi chúng được phát triển sau đó. Đây là sự miêu tả về thế giới theo Phật giáo.

Phần ghi chú thì rất hữu ích và có nhiều thông tin. Các bạn sẽ có được cái nhìn về vũ trụ theo Phật giáo. Các bạn biết là vũ trụ trong Phật giáo là một vật hình tròn, không phải như một quả cầu, mà nó tròn và được bao  quanh bởi cái mà chúng tôi gọi là ‘những dãy núi vũ trụ’. Cho nên có những dãy núi xung quanh nó. Trong cái vòng tròn này, có nước và bốn hòn đảo lớn. Chúng tôi gọi chúng là bốn lục địa. Trong những tài liệu nói rằng, mỗi hòn đảo có 500 hòn đảo nhỏ, tin hay không tin thì tùy các bạn. Ngay giữa vũ trụ có ngọn núi Sineru hoặc núi Meru. Nó là vô hình đối với người nhân loại. Xung quanh núi Meru, có bảy vòng tròn đồng tâm với những dãy núi thấp hơn. Ở giữa những ngọn núi này là nước. Những cái này được gọi là ‘đại dương ở bên trong’. Có đại dương bên ngoài và có bảy đại dương bên trong này. Núi Meru được cho là cao 4000 lý. Nhóm núi ở vòng đầu bên trong là cao 2000 lý. Nhóm núi tiếp theo cao còn một nửa và vân vân.

Nếu các bạn vẽ một bức tranh theo đúng tỉ lệ, nó rất là khó. Tôi đã thử và tôi không làm được. Các bạn phải vẽ một bức tranh lớn, không thể trên một tờ giấy nhỏ vì chiều cao cứ giảm một nửa và một nửa và vân vân.

Cái đó được gọi là một thế giới. Mặt trời và mặt trăng được cho là đi vòng quanh ngọn núi ở giữa tại nửa chiều cao của nó. Mặt trời và mặt trăng thì chỉ cách trái đất 42 ngàn lý. Mặt trời có kích cỡ là 50 lý và mặt trăng có kích cỡ là 49 lý. Như vậy, kích cỡ của mặt trời và mặt trăng chỉ khác nhau có một lý. Và rồi các ngôi sao và các hành tinh đi quanh chúng.

Điều được ghi nhận là khi mặt trời đi vòng quanh núi Meru, nó tạo ra một cái bóng. Khi ba lục địa sáng thì một lục địa tối. Đó là ban đêm. Những lục địa khác là ban ngày. Như vậy, tại một thời điểm, chỉ có một phần tư của vũ trụ  là tối và ba phần còn lại là sáng.

Có bốn hòn đảo lớn. Hòn đảo phía nam được gọi là ‘Jambudīpa’. Nó là nơi Đức Phật và tất cả những người khôn ngoan và những người thanh tịnh được sinh ra. Mảnh đất này được miêu tả là rộng một đầu và trở nên hẹp lại ở đầu còn lại. Nó giống với Ấn Độ. Như vậy, Ấn Độ là Jambudīpa, hòn đảo phía nam. Nếu Ấn Độ là hòn đảo phía nam, thì Âu châu sẽ là hòn đảo phía tây, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ là hòn đảo phía đông. Và tôi nghĩ Mỹ châu sẽ là hòn đảo phía bắc vì nếu ở Á châu là ngày, thì ở Mỹ châu là đêm. Mỹ châu có thể là hòn đảo lớn phía bắc, mà được gọi là ‘Uttarakuru’. Đây là vũ trụ quan của Phật giáo.

Trong đoạn văn 43, những câu văn đầu tiên bị đặt sai chỗ. “Dải đỉnh của những dãy núi vũ trụ lao xuống đại dương tám mươi hai ngàn lý, và vút nhọn lên giống như góc cạnh, viền quanh toàn thể một thế giới ở bên trong nó.”1 Những câu văn này nên được đặt ở phía trên đoạn văn 44.   Tôi không rõ tại sao ngài (ND: ngài Ñāṇamoli) lại đặt chúng ở đây. Có lẽ nó bị đặt nhầm. Như vậy, những câu văn này nên thuộc đoạn văn 44.

“Ở đây, mặt trăng thì có bề ngang 49 lý và mặt trời thì có bề ngang 50 lý.”

“Cho nên, thế giới của nơi chốn cũng được Ngài biết theo mọi cách như vậy. Do đó, Ngài là ‘Thế Gian Giải’ vì Ngài đã thấy thế gian theo mọi phương diện.”3 Đức Phật được gọi là ‘Lokavidū’, người thông suốt về các thế gian, người thông suốt về thế gian của chúng sanh và về thế giới vật lý, và là người thông suốt về thế giới của các pháp  hành. Đó là lý do tại sao Đức Phật được gọi là ‘Thế Gian Giải’.

Khi chúng tôi đọc các Phụ Sớ Giải, chúng tôi tìm thấy nhiều thêm về những sự miêu tả này. Tôi không rõ chúng từ đâu ra. Thật ra, chúng không phải là từ các bài kinh (sutta). Các vị có thể đã lấy từ những ghi chép của những người Hindu vì có những tác phẩm như vậy trong Hindu giáo. Các vị có lẽ đã lấy chúng từ đó. Chúng thật ra không quan trọng.

Trong tài liệu này có nói dãy núi Himalaya là cao 500 lý. Một lý là khoảng tám dặm Anh1. Như vậy, nó cao khoảng 4000 dặm Anh. Đôi lúc, họ đo đạc không phải theo chiều cao mà là bằng đường đi. Có lẽ để lên đến đỉnh, các bạn phải leo trèo chừng đó dặm Anh. Như vậy, núi Tamalpais cao khoảng một hoặc hai dặm Anh, không phải từ mặt nước biển mà có lẽ là theo đường đi.

Học viên: Chúng tôi nói ‘theo đường chim bay’ là chỉ cho trực tuyến. Đây không phải là ‘theo đường chim bay’.

Giảng sư: Không phải vậy. Có lẽ đó là lý do tại sao dãy núi Himalaya được nói là cao 500 lý và vân vân. Núi Everest thì cao khoảng năm dặm Anh phải không?

Học viên: Dạ, đúng vậy. Nhưng núi Meru thì loài người không thể thấy được, có lẽ nó là một dạng câu chuyện mang tính biểu tượng.

Giảng sư: Các bạn biết đó, câu văn này mâu thuẫn câu văn kia. Trong này nói rằng khi ba hòn đảo là ban ngày, thì một hòn đảo là ban đêm. Nói theo điều này, thì thế giới này (của chúng ta) là đúng theo ý nghĩa của từ ‘loka’ trong sách vở vì một phần của thế giới là tối khi phần kia là sáng. Nó không phải chính xác là một phần tư, nhưng nó là cái gì đó như vậy. Có lẽ kiến thức về địa lý của họ vào thời đó rất hạn hẹp. Có lẽ có những đạo sĩ quán chiếu và rồi nói về những vấn đề này và rồi chúng được chấp nhận là như vậy. Dường như chẳng ai bận tâm về việc đo lường chiều cao của dãy Himalaya hoặc núi Everest. Họ không có phương tiện đo lường chiều cao của những dãy núi vào thời đó. Cho nên, có lẽ họ đo lường bằng đường đi. Những điều này không phải là những thứ quan trọng. Tốt rồi. Lần sau, các bạn hãy đọc khoảng 20 trang nữa nhé.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app