Kết Luận
Sự Ảnh Hưởng Thứ Ba Hay Thế Lực Thứ Ba
Trong khoa học, nếu gene của chúng ta có tính di truyền thì việc tại sao các cặp song sinh lại có những tính cách khác nhau và thậm chí có những dấu vân tay khác nhau vẫn là một vấn đề nan giải. Các song sinh có bộ gene như đúc và sự nuôi dạy là gần giống hệt nhau, nhưng bằng cách nào đó, hướng phát triển sinh học của họ vẫn tách rời ra khỏi nhau khi họ phát triển trong suốt thuở ấu thời. Một vài người cho rằng các nhà sinh vật học đã bỏ lỡ đi sự ảnh hưởng thứ ba hay thế lực thứ ba. Mặc dầu họ đã có suy tư về sự ảnh hưởng tương hỗ giữa yếu tố tự nhiên (tạo hóa) và sự dạy dỗ (giáo dục) từ lâu trước khi cấu trúc cơ bản của DNA được khám phá ra vào năm 1953, nhưng họ đã bỏ qua yếu tố cơ hội thuần túy. Chủ thuyết duy thần của tư tưởng khoa học thường nghĩ rằng tính ngẫu nhiên có đóng một vai trò trong đời sống của một tế bào.
Thắng Pháp (Abhidhamma) sẽ quy kết sự ảnh hưởng thứ ba hay thế lực thứ ba cho năm loại năng lực tinh thần tiềm ẩn (đã được nhắc đến trong phần Vô Gián Duyên). Thậm chí nếu được xem chỉ là “cơ hội thuần túy”, chúng vẫn sẽ có liên quan đến các năng lượng tiềm ẩn này theo cách này hay cách khác. Chúng ta đã thảo luận về việc tính di truyền (gene) và môi trường sống (sự dạy dỗ) có thể được duyên như thế nào bởi các năng lực tinh thần tiềm ẩn, bởi năng lực của Vô Gián Duyên, Thường Cận Y Duyên, Nghiệp Duyên và vân vân.
Điều không thể tranh cãi được là bộ não của chúng ta chỉ chết có một lần và mãi mãi tại lúc chúng ta chết. Tái sanh là một việc có thật, chứ không phải ảo tưởng. Sự tồn tại của sự ảnh hưởng thứ ba hay thế lực thứ ba trong cuộc sống của chúng ta bên cạnh sự di truyền và môi trường sống là một điều không thể chối cãi. Bằng việc nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng các yếu tố tinh thần, các chức năng và sự tương tác của chúng theo một phương thức đặc biệt, giáo lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna) đã kiến nghị sự ảnh hưởng thứ ba hay thế lực thứ ba là cái gì. Thật ra, chỉ có cách thông qua sự phát triển chánh niệm (satipaṭṭhāna vipassanā) chúng ta mới thật sự có thể hiểu được giáo lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna) từ khía cạnh thực tế của nó, và cách nó áp dụng vào đời sống hằng ngày của chúng ta như thế nào.
Khoa Học Ủng Hộ Chánh Niệm
Các nhà khoa học cũng thừa nhận sự quan trọng của chánh niệm trong hệ thống sinh học của chúng ta. Họ nói rằng não bộ của người trưởng thành có thể định dạng lại các kết nối của nó trên diện rộng thông qua những sự tập luyện tinh thần, và rằng hầu hết mọi chúng ta có những phần của não bộ tương đối bị bỏ quên. Chúng ta có thể kích hoạt chúng trở lại bằng những phương cách như chú ý vào những tín hiệu không lời khi đối thoại với những người khác, lưu ý nhiều hơn đến những gì chúng ta đang suy nghĩ, và giảm bớt việc làm quá nhiều thứ cùng một lần. Như đã được nhắc đến nhiều lần từ trước, có bốn loại đối tượng để chúng ta ghi nhận: thân (hay là các hoạt động thân xác), thọ, tâm và pháp. Nếu chúng ta ghi nhận chúng, các phản ứng của chúng ta đối với các đối tượng giác quan sẽ là thiện cho dầu các đối tượng đó là êm dịu hay bất nhã. Các phản ứng thiện lành chắc chắn sẽ luôn luôn tạo nên một tác động lành mạnh lên hệ thống sinh học của chúng ta.
Mặc dầu sự nhấn mạnh thì được đặt trên vai trò quan trọng của các yếu tố tinh thần và những năng lực tiềm tàng của chúng trong đời sống của chúng ta, nhưng Thắng Pháp (Abhidhamma) luôn luôn thừa nhận những tương tác danh sắc dưới một vài loại duyên trong giáo lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna). Như vậy, Thắng Pháp (Abhidhamma) không mâu thuẫn với các khám phá khoa học về những ảnh hưởng vật chất lên trên tâm trí của chúng ta. Nó tương tự như việc khám phá về một loại thuốc đặc biệt có thể hồi phục lại và làm sắc bén tâm trí bằng cách giúp lựa chọn tẩy xóa đi những suy nghĩ làm rối trí và gây đau khổ.
Giáo Lý Của Đức Phật Rất Cụ Thể Và Rõ Ràng
Đức Phật đã dạy một cách rõ ràng rằng giáo lý của Ngài được giới hạn trong Bốn Sự Thật Cao Thượng, tức là Tứ Diệu Đế. Một lần nọ, Ngài nhặt lên một nắm lá tại một khu rừng gần thành phố Kosambi, và đã hỏi chư Tỳ-kheo rằng lá trong tay Ngài và lá của toàn bộ khu rừng, cái nào nhiều hơn. Dĩ nhiên, câu trả lời là lá trong tay của Ngài ít hơn rất nhiều so với lá của toàn bộ khu rừng. Dùng ví dụ này, Đức Phật nói rằng những gì Ngài dạy cho đệ tử của Ngài ít hơn rất nhiều so với những gì Ngài không dạy. Ngài nói rằng Ngài đã không dạy những gì không thật sự mang lại lợi ích, không hướng đến con đường cao thượng, không dẫn đến sự xả ly, không hướng đến sự đoạn diệt khổ đau, không dẫn đến sự an lạc tối hậu, không dẫn đến sự hiểu biết thâm sâu, không dẫn đến sự giác ngộ và không dẫn đến Níp-bàn (Nibbāna). Ngài đã nói một cách rành mạch rằng giáo lý của Ngài được giới hạn trong Bốn Sự Thật Cao Thượng, vốn mang lại lợi ích, hướng đến con đường cao thượng, và dẫn đến sự xả ly và vân vân. (Mahā-vagga Saṃyutta, 383)
Bốn Sự Thật Cao Thượng
(Tứ Diệu Đế)
- Sự Thật Về Khổ (Khổ Đế): Thân và tâm của chúng ta được xem là khổ đế do bởi sự dính mắc của chúng ta vào chúng. Vốn là vô thường, chúng không bao giờ đi theo hướng chúng ta muốn. Với ý nghĩa này, Đức Phật đã nêu ra câu hỏi mang tính khai sáng trong bài giảng thứ hai của mình (Anatta-lakkhaṇa Sutta) như sau: “Nếu một cái gì đó là vô thường, thì nó là an lạc hay đau khổ?”
- Sự Thật Về Nguyên Nhân Của Khổ (Tập
Đế): Sự dính mắc vào thân và tâm (vốn tạo lập nên đời sống của chúng ta) là tập đế. Do bởi sự dính mắc vào đời sống, chúng ta đấu tranh để sinh tồn trong khi hứng chịu rất nhiều đau khổ để rồi cũng phải kết thúc với già, bệnh và chết.
- Sự Thật Về Sự Đoạn Diệt Khổ (Diệt Đế): Khi sự dính mắc vào thân và tâm (vốn tạo lập nên đời sống của chúng ta) được đoạn diệt, thì sẽ không còn đau khổ nào liên quan đến sự sống. Do đó, diệt đế là chỉ cho sự đoạn diệt cái dính mắc. Để hiểu thêm, xin hãy xem phần về Níp-bàn (Nibbāna) trong phần Kiến Thức Cơ
Bản Về Thắng Pháp.
- Sự Thật Về Con Đường Dẫn Đến Sự Đoạn Diệt Khổ (Đạo Đế): Bằng cách thực hành thiền minh sát mà bao gồm Bát Chánh Đạo, chúng ta có thể nhìn thấy được thân và tâm như chúng thật sự là. Rồi thì sẽ không còn có chỗ nào cho sự dính mắc và kết quả đau khổ của nó. Để hiểu thêm, xin hãy xem phần Đồ Đạo Duyên.
Như vậy, Đức Phật đã kết thúc bài kinh này với việc khuyến khích chúng ta nên thực hành Bát Chánh Đạo dẫn đến sự an lạc tuyệt đối của Níp-bàn (Nibbāna). Nói một cách khác, Ngài chỉ dẫn chúng ta thực hành thiền minh sát để giúp cho chúng ta có thể thấy được các hiện tượng danh và sắc như chúng thật sự là: vô thường, khổ và vô ngã, để rồi chúng ta có thể tẩy trừ được sự dính mắc, tức là gốc rễ của sự đau khổ.
Vượt Ra Ngoài Hay Vượt Lên Trên Quy Luật Nhân Duyên
Chúng ta sống dưới (hay bị chi phối bởi) vô số những nhân duyên giống như các bông hoa mọc trước nhà của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải sống dưới sự điều khiển của những nhân duyên này như các bông hoa. Thông qua nỗ lực khôn khéo (payoga) của mình, chúng ta có thể tìm cách tạo ra những nhân duyên hay điều kiện thuận lợi cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta thậm chí có thể tìm cách vượt lên trên quy luật của nhân duyên. Khi chúng ta có được sự chẩn đoán đúng đắn chẳng hạn, thì chúng ta đã đi được nửa đường trong việc tìm kiếm phương pháp chữa trị đúng đắn. Cũng theo cách này, nếu chúng ta có thể học và hiểu về quy luật nhân duyên, thì chúng ta cũng có thể học cách vượt lên trên nó. Dĩ nhiên, chỉ bằng cách thông qua việc thực hành thiền minh sát (vipassanā) chúng ta mới có thể học và hiểu về quy luật nhân duyên (paṭṭhāna) dựa trên các kinh nghiệm thực chứng và rồi mới có thể vượt lên trên nó.
Do đó, để kết luận, chúng ta hãy ước nguyện như sau: “Nguyện cho chúng tôi có thể thực hành thiền minh sát (vipassanā) cho đến khi chúng tôi có thể thấy được quy luật nhân quả từ chính sự trải nghiệm của mình và có thể vượt lên trên pháp hữu vi để đến pháp vô vi (tức là Níp-bàn (Nibbāna)).”
Với tâm từ (mettā),
U Hla Myint
San Jose, ngày 03 tháng 03 năm 2010