Vô Gián Duyên

(Anantara-paccayo)

Pāḷi Trích Dẫn (Paṭṭhāna-1, Trang 2-3)

  1. Cakkhu-viññāṇa-dhātu (sota-, ghāna-, jivhā-, kāya-) taṃsampayuttakā ca dhammā mano-dhātuyā taṃsampayuttakā-nañca dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.
  2. Mano-dhātu   taṃsampayuttakā   ca   dhammā

mano-viññāṇa-dhātuyā taṃsampayuttakā-nañca dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.

  1. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.
  2. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.
  3. Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.
  4. Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.
  5. Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.
  6. Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo
  7. Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.
  8. Yesaṃ yesaṃ dhammānaṃ anantarā ye ye dhammā uppajjanti citta-cetasikā dhammā; te te dhammā tesaṃ tesaṃ dhammānaṃ anantara-paccayena paccayo.

Phần Chuyển Ngữ

  1. Nhãn (nhĩ, tỷ, thiệt, thân) thức và các tâm sở của nó làm duyên hay là điều kiện cho tâm đi theo sau và các tâm sở của nó thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  2. Tâm và các tâm sở của nó làm duyên hay là điều kiện cho tâm đi theo sau và các tâm sở của nó thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  3. Các pháp thiện đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp thiện đi theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  4. Các pháp thiện đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp vô ký đi theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  5. Các pháp bất thiện đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp bất thiện đi theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  6. Các pháp bất thiện đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp vô ký đi theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  7. Các pháp vô ký đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp vô ký đi theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  8. Các pháp vô ký đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp thiện đi theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  9. Các pháp vô ký đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp bất thiện đi theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.
  10. Ngay lập tức sau bất kỳ pháp đi trước nào, sẽ có sự sanh lên bất kỳ của các pháp, các tâm và các tâm sở đi theo sau; các pháp đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp đi sau đó thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.

Ba Thuật Ngữ

Ở đây, chúng ta nên học ba thuật ngữ được sử dụng lặp đi lặp lại trong giáo lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna): thiện (kusala), bất thiện (akusala) và vô ký (abyākata)1.

  1. Thiện (kusala): Thiện (kusala) là chỉ cho các tâm thiện, tức là các tâm được kết hợp với các tâm sở thiện như vô tham, vô sân, vô si, bi mẫn và vân vân. Chúng luôn luôn dẫn đến những hành động thiện như các hành động bố thí (dāna), trì giới (sīla), tham thiền (bhāvanā), cung kỉnh (apacāyana), phục vụ (veyyāvacca2) và vân vân. Rõ ràng, chúng là tinh khiết hay vô tội (anavajja) và lợi ích cho cả bản thân và những người khác, tức là cho quả hạnh phúc (sukha-vipāka).

1  Có mười hai tâm bất thiện, 21 tâm thiện, 36 tâm quả và 20 tâm duy tác. Xin hãy xem sự liệt kê trong Phụ Lục 1.

2  ND: Trong nguyên tác ghi là “veyyāvajja”. Chúng tôi không rõ đây có phải là biến thể của “veyyāvacca” không.

Chúng được gọi là thiện (kusala) do hai nguyên nhân này.

  1. Bất thiện (akusala): Bất thiện (akusala) là chỉ cho những tâm bất thiện, tức là các tâm được kết hợp với các trạng thái tinh thần bất thiện như tính ích kỷ, tham, sự giận dữ, sân hận, ganh tỵ, ngã mạn, tính kiêu ngạo, sự phân biệt chia rẽ, ác tâm, sự lú lẫn, si mê và vân vân. Chúng luôn luôn dẫn đến những hành động bất thiện như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vân vân. Rõ ràng, chúng là vô đạo đức (sāvajja) và nguy hại cho cả bản thân và những người khác, tức là cho quả đau khổ (dukkha-vipāka). Do đó, chúng được gọi là bất thiện (akusala).
  2. Vô ký (abyākata): Vô ký (abyākata) là chỉ cho các pháp không thể xác định được là thiện hay bất thiện. Có bốn loại: các tâm quả (vipāka), các tâm duy tác (kriyā), các sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna). Các tâm duy tác thì thuộc vào các vị A-la-hán (Arahat) và luôn luôn đi cùng với những hành động thiện được thực hiện bởi một vị A-la-hán (Arahat). Rõ ràng, những cái này là thiện, nhưng được gọi là duy tác vì chúng không mang lại kết quả gì cả cho vị A-la-hán (Arahat), tức là người mà không còn tái sanh nữa.

Pháp Đi Trước Duyên Cho Những Pháp Theo Sau

Theo loại duyên này, những sát-na tâm đi trước làm duyên hay là điều kiện cho những sát-na tâm theo sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên. Chính sự kiện này giải thích việc những dạng năng lượng tinh thần tiềm ẩn có thể được gửi truyền từ những sát-na tâm đi trước đến những sát-na tâm theo sau, từ kiếp này sang kiếp khác. Trước khi chúng bàn luận về chúng, chúng ta sẽ ôn lại ba loại tiến trình tâm thức (vīthi):

  1. Dòng chảy tiềm thức (bhavaṅga-santati).
  2. Lộ ngũ môn (pañca-dvāra-vīthi).
  3. Lộ ý môn (mano-dvāra-vīthi).

Dòng Chảy Tiềm Thức

(Bhavaṅga-santati)

Như đã được nhắc đến trong phần Kiến Thức Cơ Bản Về Thắng Pháp, tâm bẩm sinh của chúng ta có ba tên gọi: “tâm tục sinh” (paṭisandhi) tại thời điểm đầu tiên của đời sống, “tâm tử” (cuti) tại thời điểm cuối cùng, và “tâm hữu phần” (bhavaṅga) ở giữa hai thời điểm đó. Tâm bẩm sinh này có lẽ là gần nhất với cái mà chúng ta gọi là “tiềm thức” vì nó không bao giờ đủ năng động để trải nghiệm các cảnh giác quan hiện tại. Hơn nữa, nó là một phần của cái mà chúng ta gọi là “đời sống” vì nó đại diện cho huyết thống của chúng ta như là một hạt giống bé tí tẹo chứa đựng tiềm năng trổ sanh ra một cây đại thụ. Như vậy, nó không thể được/bị định hình lại cũng như không thể được miêu tả là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala), và do đó, được xếp loại là một pháp vô ký (abyākata). Tâm tiềm thức này trôi chảy một cách liên tục suốt cuộc đời của chúng ta kể từ thời điểm chúng ta thụ thai. Nó có thể được so sánh như là một người chủ nhà, trong khi tâm giác quan và tâm đầy đủ (tức là tâm đổng lực) có thể được so sánh với một người khách viếng thăm. Dòng chảy không ngắt quãng của nó rõ ràng hay hiển nhiên nhất khi chúng ta ở trong thai bào của mẹ, trong khi ngủ say, hay trong một trạng thái nào đó như trạng thái bất tỉnh. Trong suốt dòng chảy liên tục của nó, những sát-na đi trước làm duyên hay là điều kiện cho những sát-na theo sau. Do đó, nó được nói là: những tâm vô ký đi trước làm duyên hay là điều kiện cho những tâm theo sau (vô ký (abyākata) duyên cho vô ký (abyākata)).

Lộ Tâm Ngũ Môn (Pañca-dvāra-vīthi)

Lộ tâm ngũ môn có năm loại: lộ nhãn, lộ nhĩ, lộ tỷ, lộ thiệt và lộ thân. Theo Thắng Pháp (Abhidhamma), các giác quan1 của chúng ta bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh mẽ kể từ tuần thứ mười một trong bụng mẹ. Khi các đối tượng giác quan2 tác động lên các giác quan của chúng ta, các tiến trình tâm thức liên quan đến các giác quan xảy ra ngay lập tức. Ví dụ, khi một cảnh sắc tác động lên nhãn môn thu hút sự chú ý3 của chúng ta, thì tâm nhãn thức sanh lên với những sát-na tâm theo sau như sau:

  1. Hữu phần vừa qua, là pháp vô ký (abyākata).
  2. Hữu phần rúng động, là pháp vô ký (abyākata).
  3. Hữu phần dứt dòng, là pháp vô ký (abyākata)
  4. Hướng ngũ môn, là pháp vô ký (abyākata).
  5. Nhãn  thức  (nhĩ,  tỷ,  vân  vân),  là  pháp  vô  ký

(abyākata).

  1. Tâm tiếp thâu, là pháp vô ký (abyākata).
  2. Tâm quan sát, là pháp vô ký (abyākata).
  3. Tâm đoán định, là pháp vô ký (abyākata).
  4. Bảy sát-na đổng lực (javana), có thể được kết hợp với các tâm sở thiện (kusala), duy tác (kriyā-byākata) hay bất thiện (akusala) tùy thuộc sự tư duy hay quan điểm của chúng ta.
  5. Hai sát-na na cảnh, là pháp vô ký (abyākata).

Trong lộ tâm này, các sát-na tâm từ 1 cho đến 8 được gọi là các pháp vô ký (abyākata) vì chúng không thể được xác định là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala). Mục thứ 9 thì bao gồm bảy sát-na tâm có thể là thiện (hay vô ký (abyākata) cho vị A-la-hán (Arahat)) hay bất thiện tùy thuộc vào tư duy hay quan điểm của chúng ta. Hai sát-na na cảnh thì cũng là vô ký (abyākata). Như vậy, theo tiến trình của các sát-na nối tiếp nhau thì pháp vô ký (abyākata) đi trước là duyên hay điều kiện cho pháp vô ký (abyākata), pháp thiện (kusala) hay pháp bất thiện (akusala) theo sau. Ở trong bảy sát-na tâm đầy đủ hay đổng lực (thiện (kusala) hay bất thiện (akusala)), pháp thiện (kusala) và pháp bất thiện (akusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho pháp thiện (kusala) và pháp bất thiện (akusala) theo sau, một cách tương ứng. Lại nữa, sát-na thiện (kusala) hay bất thiện (akusala) cuối là duyên hay điều kiện cho những tâm na cảnh (mà là vô ký (abyākata)) và vân vân. Đây là sự giải thích được thực hiện dựa vào trích dẫn Pāḷi. Tuy nhiên, nói một cách vắn tắt thì ba yếu tố của loại duyên này sẽ là như sau:

  1. a)  Pháp làm duyên: Các sát-na tâm đi trước.
  2. b)  Pháp được duyên: Các sát-na tâm theo sau.
  3. c)  Chế độ duyên: Vô gián duyên. 

Lộ Tâm Ý Môn (Mano-dvāra-vīthi)

Những lộ tâm ngũ môn được nhắc đến ở trên luôn luôn được đi theo sau bởi một vài loại lộ tâm ý môn nối đuôi nhớ lại những ký ức quá khứ về người hay vật mà chúng ta hiện đang thấy, nghe và vân vân (tadanuvattika-manodvāra-vīthi). Cũng có những loại lộ tâm ý môn khác xảy ra khi một cảnh ý môn1 bắt sự chú ý của chúng ta bằng cách tác động lên dòng tiềm thức của chúng ta. Cả hai loại lộ tâm ý môn được tạo thành bởi các sát-na tâm kế liền nhau như sau:

  1. Hữu phần rúng động, là pháp vô ký (abyākata)
  2. Hữu phần dứt dòng, là pháp vô ký (abyākata)
  3. Hướng ý môn, là pháp vô ký (abyākata)
  4. Tâm đổng lực (javana) mà thường lặp lại bảy lần, trải nghiệm cảnh giác quan một cách đầy đủ. Nó có thể là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala) tùy thuộc vào cách thức suy nghĩ của chúng ta.
  5. Lộ tâm kết thúc với hai tâm na cảnh.

      Hàng triệu những lộ tâm như vậy xảy ra và diệt đi trong vòng một giây khắc. Như vậy, một ý nghĩ có liên quan đến cả hàng triệu những lộ tâm này. Ở đây trong lộ tâm được nhắc đến ở trên, các sát-na 1 đến 3 là các pháp vô ký (abyākata), và các sát-na trong mục thứ 4 có thể là thiện (kusala) (hay vô ký (abyākata) đối với vị A-la-hán (Arahat)) hay bất thiện (akusala). Như vậy, pháp vô ký (abyākata) (hay thiện (kusala) hay bất thiện (akusala)) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho pháp vô ký (abyākata) (hay thiện (kusala) hay bất thiện (akusala)) thông qua năng lực của Vô Gián Duyên.

1  Cảnh ý môn chỉ cho tất cả những đối tượng mà chỉ có thể tiếp xúc với tâm tiềm thức (được gọi là ý môn) chứ không phải với năm giác quan. Cảnh ý môn này bao gồm tất cả các danh pháp và sắc pháp, các khái niệm và Níp-bàn (Nibbāna), ngoại trừ những cảnh giác quan hiện tại

Những Ý Nghĩ Nhưng Không Có Người Suy Nghĩ

Chúng ta luôn giả định rằng có một ai đó đang suy nghĩ. Tuy nhiên, theo Thắng Pháp (Abhidhamma), không có người suy nghĩ, mà chỉ có một chuỗi những ý nghĩ. Nó giống như là một dòng sông. Chúng ta nghĩ và nói rằng con sông có nước, nhưng thật ra chính nước đó là con sông đó hay nói cách khác là không có sông mà chỉ có nước. Ý nghĩ là một tiến trình bao gồm những sát-na tâm trôi chảy liên tục như dòng nước của con sông. Ngoài việc đó ra, không có người suy nghĩ nào cả. Một lộ tâm này sanh lên ngay sau một lộ tâm khác một cách liên tục và dày đặc đến mức dường như là có “tôi” hay “của tôi”. Chúng có cường độ dày đặc hay mật độ cao (ghana) theo bốn cách thức:

  1. Santati-ghana: Mật độ của những lộ tâm khác nhau, sanh lên với lộ tâm này theo sau lộ tâm kia mà không có sự ngắt quãng ở giữa.
  2. Samūha-ghana: Mật độ của những sát-na tâm khác nhau, vốn được thay thế một cách không ngừng nghỉ bởi những sát-na tâm mới tại từng mỗi thời điểm mà không có sự ngắt quãng ở giữa.
  3. Kicca-ghana: Mật độ của các phận sự hay những chức năng tinh thần khác nhau được thể hiện ra một cách liên tục do bởi những sát-na tâm khác nhau mà không có sự ngắt quãng ở giữa. Ví dụ, chỉ một lộ tâm nhãn môn bao gồm nhiều sát-na tâm khác nhau với những chức năng khác nhau như hướng tâm đến cảnh sắc (āvajjana-kicca), nhìn thấy nó (dassana-kicca), tiếp nhận nó (sampaṭicchana), quan sát nó (santīraṇa), nhận định nó (vuṭṭhabbana), trải nghiệm nó một cách đầy đủ hoàn toàn (javana), và ghi nhận nó (tadārammaṇa).
  4. Ārammaṇa-ghana: Mật độ của những cảnh giác quan như cảnh sắc, âm thanh, các khí mùi, vân vân, đang tác động một cách liên tục lên các giác quan của chúng ta mà không có sự ngắt quãng ở giữa.

Hàng Tỷ Sát-na Tâm

Theo cách này, tiến trình của những ý nghĩ của chúng ta, như được giảng dạy trong giáo lý Thắng Pháp (Abhidhamma), là rất dày đặc và vững chắc đến mức hàng tỷ những sát-na tâm sanh lên và diệt đi trong vòng một tích tắc. Nó được so sánh với cây đèn cầy và dòng chảy của con sông. Cây đèn cầy dường như tồn tại trong suốt khoảng một giờ đồng hồ, nhưng thật ra nếu chúng ta quan sát một cách cẩn thận, chúng ta có thể thấy rằng nó đang bị thay thế từng thời điểm một với một ngọn lửa mới. Điều này cũng đúng cho dòng chảy của con sông. Có câu nói rằng: “Bạn không thể tắm trên cùng một dòng sông hai lần.” Dòng sông có thể dường như chỉ là một quanh năm, nhưng thật ra nó khác đi ở từng mỗi thời điểm. Do đó, chẳng có gì lạ việc tại sao một khối khổng lồ của những ý nghĩ như vậy lại được nhận dạng với một ai đó tồn tại lâu dài1. Kết quả là một triết gia nổi tiếng đã nói: “Tôi suy nghĩ, cho nên tôi hiện hữu.” Chính cái mật độ các tiến trình của các pháp (santati) làm cho mọi thứ cũng như tất cả chúng ta dường như là đang tồn tại lâu dài. 

Làm Thế Nào Để Trở Nên Trưởng Thành, Chín Chắn

Ở  đây có một câu hỏi được đặt ra như sau: “Nếu chúng ta được tạo lập bởi tiến trình của những hiện tượng danh sắc vốn đang thay đổi tại từng thời điểm, vậy thì làm sao chúng ta trở nên trưởng thành, chín chắn và hiểu biết?” Chúng ta trở nên trưởng thành và hiểu biết do bởi sáu loại năng lượng tinh thần vốn nằm ẩn tàng trong tiến trình tâm thức và được gửi truyền từ mỗi sát-na tâm đi trước sang mỗi sát-na tâm theo sau do năng lực của Vô Gián Duyên.

Sáu Loại Di Sản Tinh Thần

Những trạng thái tinh thần và những hoạt động thân xác theo sau đó của chúng ta sanh lên và diệt đi từng thời điểm. Tuy nhiên, như đã được nhắc đến ở trước, những pháp đi trước rời bỏ vị trí của mình cho những pháp đi theo sau vào chiếm chỗ, và trong quá trình đó, gửi truyền những di sản tinh thần sau:

  1. Nghiệp (kamma): Di sản tinh thần này được để lại bởi sự chủ ý (tâm sở tư) mà có liên quan trong các hành động tốt hay xấu chúng ta đã thực hiện trong những kiếp sống quá khứ.
  1. Tiềm miên (anusaya): Di sản tinh thần này được để lại bởi những trạng thái tinh thần bất thiện như tham, sân, vân vân, mà thúc đẩy những hành động bất thiện như sát sanh, trộm cướp, vân vân, trong những kiếp sống quá khứ của chúng ta.
  2. Ba-la-mật (pāramī): Di sản tinh thần này được để lại bởi những trạng thái tinh thần thiện có liên quan đến trong các việc bố thí (dāna), trì giới (sīla), vân vân, mà chúng ta đã thực hiện trong những kiếp sống quá khứ.
  3. Chủ tâm (ajjhāsaya): Sự yêu thích và sự ghét bỏ mà có liên quan đến những sự trải nghiệm của chúng ta trong những kiếp sống quá khứ.
  4. Khuynh hướng (vāsanā): Những khuynh hướng mà có liên hệ đến những thói quen của chúng ta trong những kiếp sống quá khứ.
  5. Nết hạnh hay cơ tánh (carita): Tâm tánh, đặc tính mà chúng ta đã vun bồi hay tạo dựng trong những kiếp sống quá khứ.

 1 Theo Vô Gián Duyên này thì không có đời sống chuyển tiếp giữa kiếp sống quá khứ và kiếp sống hiện tại vì tâm tử (cuti) của kiếp sống quá khứ được đi theo sau ngay lập tức bởi tâm tục sinh (paṭisandhi) của kiếp sống hiện tại do bởi năng lực của Vô Gián Duyên.

Bảy Loại Tiềm Miên (Anusaya)

Trong số sáu loại di sản tinh thần, loại thứ nhất, tức là nghiệp (kamma), sẽ được thảo luận đến sau trong phần duyên thứ mười ba, được gọi là nghiệp duyên (kamma-paccayo). Loại di sản tinh thần thứ hai là loại di sản tinh thần bất thiện, tức là tiềm miên (anusaya). Tiềm miên thì có bảy loại như sau:

  1. Dục ái tiềm miên (kāma-rāgā-nusayo), tức là sự dính mắc vào dục lạc.
  2. Hữu ái tiềm miên (bhava-rāgā-nusayo), tức là sự dính mắc vào đời sống hay sự hiện hữu.
  3. Sân tiềm miên (paṭighā-nusayo).
  4. Mạn tiềm miên (mānā-nusayo), tức là ngã mạn.
  5. Kiến tiềm miên (diṭṭhā-nusayo), tức là tà kiến.
  6. Hoài nghi tiềm miên (vicikicchā-nusayo).
  7. Vô minh tiềm miên (avijjā-nusayo). 

Năng Lượng Ẩn Tàng Của Tham Ái: Khi chúng ta tận hưởng dục lạc, sự thích thú và những hành động kế tiếp sau đó sanh lên và diệt đi từng thời điểm, nhưng chúng lại truyền gửi cái phẩm chất của chúng hay một dạng năng lượng tiềm ẩn của chúng đến những hành động kế tiếp. Đó là cái chúng ta gọi là dục ái tiềm miên (kāma-rāgā-nusaya). Nó là một cái gì đó giống như “ký ức”. Một vài cảnh đẹp, những âm thanh ngọt ngào, thực phẩm thượng vị, vân vân, tạo nên dấu ấn vào ký ức của chúng ta, và hiệu quả của việc này kéo dài trong nhiều năm. Giả sử một ai đó đã từng lãng mạn ôm lấy chúng ta. Sau một thời gian, chúng ta có thể quên nó đi, nhưng nó có khuynh hướng quay lại với chúng ta thậm chí nhiều thập niên sau đó khi các điều kiện thích hợp được hội đủ.

Vượt Lên Trên Não Bộ: Quan điểm khoa học và cơ học cho rằng ký ức của chúng ta là hoàn toàn được dựa trên não bộ của mình. Tuy nhiên, không phải là chuyện quá bất thường khi mà một vài người có thể nhớ nhiều điều có liên quan đến kiếp sống trong quá khứ của họ, tức là chẳng có gì liên hệ với não bộ hiện tại của họ cả. Một người bạn của tôi (bà May Lwin ở Los Angeles) có kể cho tôi nghe về việc cháu của bà đã chỉ cho bà địa điểm đào lên chiếc nhẫn kim cương, đồng hồ bằng vàng, và vòng đeo cổ mà ông ta đã chôn dấu dưới đất từ kiếp sống trước. Những dấu bớt bẩm sinh của một vài người có thể được cho là có liên quan đến những sự kiện trong kiếp sống quá khứ của họ. Ví dụ, một trong những người bạn thân của tôi, tức là vị trụ trì của thiền viện tại Manchester Anh quốc, có ba cái bớt trên ngực của ngài. Ngài nói rằng chúng là những vết sẹo do đạn bắn từ kiếp sống trước của ngài trong thời Thế Chiến Thứ Hai ở Miến Điện. Điều này đã được xác nhận, bởi vào lúc thiếu thời, ngài đã dẫn cha mẹ của ngài đến một ngôi làng khác và giới thiệu cha mẹ của ngài với bốn người phụ nữ vốn đã là vợ và ba người con gái của ngài trong kiếp sống quá khứ và ngài đã ôn lại với họ việc ngài đã bị giết như thế nào. Theo loại Vô Gián Duyên này, những vết bớt của ngài có thể được cho là do ký ức quá khứ của ngài mà những vết thương do đạn bắn đã hằn sâu vào đó. Như vậy, ký ức hay những dạng năng lượng tinh thần tiềm ẩn khác đôi lúc có thể dường như là vượt ra ngoài hay vượt lên trên não bộ của chúng ta trong kiếp sống này.

Những Năng Lượng Bất Thiện Tiềm Ẩn Khác: Những tiềm miên khác là sân (paṭigha), mạn (māna), kiến (diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā) và vô minh (moha). Ví dụ, giả sử chúng ta đã có lần giận dữ với một ai đó và quát mắng hay đánh đập người đó. Sự giận dữ và những hành động có liên quan với giận dữ đã sanh lên và diệt đi tại lúc đó. Chúng ta thậm chí có thể quên đi sự kiện đó theo thời gian. Tuy nhiên, ký ức đó có thể quay lại với chúng ta nhiều năm sau này. Điều đó có nghĩa là dạng tiềm ẩn của sự giận dữ của chúng ta đã được lưu giữ lại bên trong chúng ta. Như là kết quả của năng lượng tiềm ẩn bất thiện như vậy, chúng ta có thể tái sanh làm người có tính cách dễ nóng giận và có thói quen xấu là hay la hét. Dạng sân tiềm miên (paṭighā-nusaya) này được truyền gửi từ sát-na tâm này sang sát-na tâm khác, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác do bởi năng lực của Vô Gián Duyên. Điều này cũng được áp dụng, tức là cũng đúng cho những năng lượng bất thiện tiềm ẩn còn lại.

Mười Loại Ba-la-mật (Pāramī)

Loại di sản tinh thần thứ ba được gọi là ba-la-mật (pāramī), tức là sự hoàn hảo, có nghĩa đen là “hành động của các bậc thượng nhân” hay là “hành động cao thượng” (paramānaṃ kammaṃ pāramī) . Khi chúng ta thực hiện những hành động cao thượng như bố thí, trì giới, vân vân, những tâm thiện và các hành động thiện của chúng ta sanh lên và diệt đi từng thời điểm. Tuy nhiên, năng lượng tinh thần thiện của chúng ở dạng tiềm ẩn được truyền gửi từ sát-na tâm này đến sát-na tâm khác và từ kiếp sống này đến kiếp sống khác do bởi năng lực của Vô Gián Duyên. Những năng lượng tinh thần thiện ở dạng tiềm ẩn như vậy được gọi là ba-la-mật (pāramī), và có mười loại như sau:

  1. Các hoạt động bố thí (dāna-pāramī)
  2. Các hoạt động trì giới (sīla-pāramī)
  3. Các hoạt động xuất ly (nikkhamma-pāramī)
  4. Các hoạt động trí tuệ (paññā-pāramī)
  5. Các hoạt động tinh cần (vīriya-pāramī)
  6. Các hoạt động kham nhẫn (khantī-pāramī)
  7. Các hoạt động chân thật (saccā-pāramī)
  8. Các hoạt động quyết định (adhiṭṭhāna-pāramī)
  9. Các hoạt động từ ái (mettā-pāramī)
  10. Các hoạt động hành xả (upekkhā-pāramī).

Giả sử chúng ta thực hiện các hành động bố thí. Chủ ý và các hoạt động nhân đạo của chúng ta mà có liên quan trong hành động đó sanh lên và diệt đi từng thời điểm. Nhưng các dạng năng lượng tiềm ẩn của chúng được truyền dẫn từ sát-na này đến sát-na khác, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, do bởi năng lực của Vô Gián Duyên này. Kết quả của nó là, chúng ta sẽ tái sanh làm người có tính cách nhân đạo; đây là những tình huống hay những trường hợp rất may mắn khó có thể có được. Đối với trì giới ba-la-mật (sīla-pāramī), chúng ta có thể ngăn lại việc giết một con muỗi chẳng hạn thay vì là giết hay đập chết nó. Sự ngăn tránh như vậy được gọi là giới (sīla) vốn sẽ biến mất ngay tại thời điểm đó, nhưng nó gửi truyền đi một dạng đạo đức tiềm ẩn từ sát-na tâm này đến sát-na tâm khác và từ kiếp sống này sang kiếp sống khác một cách không gián đoạn. Đối với xuất ly, thì xuất gia thành tu sĩ và tu nữ, hay tham dự một khóa thiền có nghĩa là từ giã những dục lạc trần tục của chúng ta, ít nhất là trong một khoảng thời gian có giới hạn. Cái tinh thần xuất ly này dưới dạng tiềm ẩn (nikkhamma) của nó được gửi truyền từ sát-na tâm này đến sát-na tâm khác, từ kiếp sống này đến kiếp sống khác một cách liên tục.

Đối với những pháp ba-la-mật (pāramī) còn lại như trí tuệ (paññā), tinh tấn (vīriya), nhẫn nại (khantī), chân thật (saccā), quyết định (adhiṭṭhāna), từ (mettā) và xả (upekkhā), các trạng thái tinh thần có liên quan trong những hành động này sanh lên và diệt đi từng thời điểm, nhưng các dạng năng lượng tinh thần tiềm ẩn của chúng sẽ được truyền dẫn từ sát-na này đến sát-na khác, từ kiếp sống này đến kiếp sống khác một cách liên tục. Đó là cách những sát -na tâm đi trước làm duyên cho những sát-na tâm đi sau do bởi năng lực của Vô Gián Duyên.

Chủ Tâm, Khuynh Hướng Và Cơ Tánh

Cùng với nghiệp (kamma), tiềm miên (anusaya) và ba-la-mật (pāramī), còn có thêm ba loại di sản tinh thần được truyền lại do bởi những trạng thái tinh thần của chúng ta từ những kiếp sống trước. Chủ tâm (ajjhāsaya), khuynh hướng (vāsanā) và cơ tánh (carita)1 của chúng ta thường khác với anh chị em của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, những điều này có thể được quy kết cho kiếp sống quá khứ của chúng ta. Ví dụ, có nhiều người đàn ông với nữ tính. Vẻ bề ngoài của họ giống như phụ nữ, họ ăn nói như phụ nữ, họ hành xử như phụ nữ, họ có cảm nhận và suy nghĩ như phụ nữ. Điều đó thì hầu như là do họ đã là một phụ nữ trong kiếp sống quá khứ. Dưới cái nhìn của Thắng Pháp (Abhidhamma), những tính cách phụ nữ trong quá khứ của họ bao gồm chủ tâm, thói quen và cơ tánh được cho là đã được truyền dẫn từ nhữ ng sát-na tâm đi trước đến những sát -na tâm theo sau và từ kiếp sống quá khứ cho đến kiếp sống hiện tại thông qua năng lực của Vô Gián Duyên cũng như Nghiệp (Kamma) Duyên. Điều này cũng đúng cho trường hợp của những phụ nữ có nam tính.

Những chức năng đặc biệt hay duy nhất này được thực hiện do tâm ý thông qua năng lực của Vô Gián Duyên, chứ không phải do não bộ của chúng ta mà vốn là sẽ ngưng toàn bộ những chức năng của nó ngay và mãi mãi khi chúng ta chết. Do bởi dữ kiện này, chúng ta rõ ràng có thể định hình lại được đời sống của mình theo phương cách tốt hơn thông qua việc hướng dẫn hay điều ngự tâm trí của chúng ta và những hành động do tâm khởi sinh theo chiều hướng hay phương thức thiện lành hơn. Đó là lý do tại sao Đức Phật đã dạy như sau:

“Này các tỳ-kheo, ta không thể tìm thấy loài giống nào mà có thể tuyệt diệu hơn chúng sanh hữu tình. Chính tâm trí là cái làm cho chúng tuyệt diệu. Do đó, tâm trí thì tuyệt diệu hơn những chúng sanh hữu tình đó. Như vậy, các ngươi nên luôn luôn suy niệm rằng tâm trí đã bị cấu nhiễm từ lâu với tham (lobha), sân (dosa) và si (moha). Với tâm trí bị cấu nhiễm, những chúng sanh hữu tình trở nên uế trược. Với tâm trí được thanh lọc, những chúng sanh hữu tình trở nên trong sạch.” (Khandha-vagga, Saṃyutta, Trang 123)

 1 Nói chung là có sáu loại cơ tánh: tham, sân, si, tầm, tín, giác. Những người có cơ tánh tham thường mơ tưởng về đời sống lãng mạn tình cảm, những người có cơ tánh sân có khuynh hướng trở nên giận dữ rất dễ dàng và vân vân…

Sự Thảo Luận Dựa Trên Quan Điểm Khoa Học

Theo khoa thần kinh học, não bộ của chúng ta được cho là điều khiển toàn bộ hệ thống thần kinh, chỉ đạo và điều hành thân tâm của chúng ta. Điều hiển nhiên là những loại thay đổi hóa chất nhất định thì dẫn đến những khuôn mẫu suy tư nhất định. Ví dụ một viên thuốc an thần thì làm cho tâm trí của chúng ta được yên tĩnh; một loại thuốc kích thích nhất định nào đó làm khơi lên cảm giác tình cảm trong chúng ta. Với sự kiện này, những người am hiểu khoa học cho rằng tâm trí của chúng ta thì chẳng là gì khác hơn một dạng cụ thể nào đó của xác thân vật lý, hay nói cách khác, trạng thái tinh thần thì chẳng là gì khác hơn một hệ thống cụ thể gồm những trạng thái vật lý.

Tuy nhiên, theo Thắng Pháp (Abhidhamma), tâm trí là một loại hiện tượng đặc biệt, mà cơ bản khác hoàn toàn với thân xác vật chất mặc dầu chúng có liên quan hỗ tương với nhau một cách chặt chẽ và gần gũi. Sự phân tích của Thắng Pháp (Abhidhamma) chủ trương rằng những thân xác không hồn trở thành có sức sống do sự kết hợp với tâm trí (ít nhất là ở dạng tiềm thức). Trong vấn đề này, các giáo thọ sư Thắng Pháp (Abhidhamma) đưa ra một sự tương đồng giữa tâm trí và dòng điện. Tâm trí của chúng ta được cho là cung cấp năng lượng và điều hành cơ thể của chúng ta nương dựa vào hệ thống thần kinh cũng giống như cách dòng điện cung cấp năng lượng và điều hành máy tính theo những chương trình phần cứng và phần mền được lắp đặt. Cho nên, Đức Phật đã dạy:

“Một chúng sanh hữu tình thì được điều hành và quản chế bởi tâm trí. Tất cả các pháp (mà thiết lập nên một chúng sanh hữu tình) thì đi theo ước muốn của một pháp duy nhất, đó là tâm trí.” (Devatā Saṃyutta, 36)

Để ghi nhận vai trò quan trọng của tâm trí trong cuộc sống của chúng ta thì việc chập nhận sự hiện hữu của việc tái sanh là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm khoa học, chúng ta hiện tại có thể cảm thấy khó chấp nhận sự hiện hữu của việc tái sanh cho đến khi nào nó có thể được miêu tả một cách trọn vẹn theo các thuật ngữ phân tử. Thắng Pháp (Abhidhamma) miêu tả sự tái sanh dưới dạng sự diễn tiến của tiến trình tâm thức, tức là tiến trình mang theo hay gửi truyền những dạng năng lượng tiềm ẩn (như thói quen, trí nhớ, vân vân) từ thời điểm này đến thời điểm kế tiếp, từ đời sống này đến đời sống kế tiếp thông qua phương thức của Vô Gián Duyên. Sự việc này thì có khả năng chấp nhận được dựa trên những trải nghiệm của một vài người mà có liên quan đến kiếp sống quá khứ vốn không thể chối bỏ được như đã được trình bày ở trước. Việc giải thích sự tái sanh dưới dạng những phân tử não bộ thì không khả thi bởi vì những phân tử não bộ rõ ràng là chấm dứt tất cả những chức năng của chúng khi chúng ta chết mặc dầu chúng điều khiển toàn bộ hệ thống thần kinh của chúng ta khi chúng ta còn sống. Nếu chúng ta có niềm tin đúng đắn vào sự hiện hữu của việc tái sanh thì thật ra không cần thiết cho chúng ta phải thảo luận về việc sự tiếp diễn hay tính liên tục của những thói quen, những ký ức, vân vân giữa những kiếp sống có phải là sự tiếp diễn hay tính liên tục của những khuôn mẫu về nhân quả mang tính vật chất ở tầm mức cao.

Năm Loại Duyên Khác Được Bao Gồm Trong Loại Duyên Này

  1. Loại duyên thứ năm, tức là Đẳng Vô Gián Duyên (samanantara-paccayo), giống y hệt với loại Vô Gián Duyên này. Hai loại được nhắc đến riêng biệt chỉ để nhấn mạnh việc các tiến trình tâm thức của chúng ta dày đặc như thế nào. 
  2. Loại duyên thứ mười hai, tức là Trùng Dụng Duyên (āsevana-paccayo), liên quan đến tâm hoàn toàn năng động, tức là đổng lực (javana), mà thường lặp lại sáu hay bảy lần ở trong một lộ tâm đơn lẻ. Những sát-na tâm năng động như vậy được gọi là đổng lực (javana), vì chúng đủ năng lực để trải nghiệm một cách đầy đủ những cảnh giác quan và để lại đằng sau những năng lượng của chúng ở dạng tiềm ẩn. Như vậy, loại duyên thứ mười hai này được bao hàm trong loại Vô Gián Duyên này.
  3. Loại duyên thứ 22, tức là Vô Hữu Duyên (natthi-paccayo), cũng được bao gồm trong loại Vô Gián Duyên này. Tâm (citta) xảy ra từng cái một tại mỗi thời điểm, hai hay nhiều hơn những sát-na tâm không bao giờ xảy ra cùng một lúc mặc dầu mỗi tâm được đi kèm theo bởi nhiều tâm sở (cetasika). Như vậy, những sát-na tâm đi trước không còn tồn tại nữa khi những sát-na tâm theo sau sanh lên. Nhường lại vị trí của nó cho sát-na tâm đi theo sau là cách sát-na đi trước làm duyên cho sát-na tâm theo sau đó. Do đó, Vô Hữu Duyên và Vô Gián Duyên thì giống nhau hoàn toàn theo bản chất cốt yếu mặc dầu chúng được định nghĩa khác nhau.
  4. Loại duyên thứ 23, tức là Lý Khứ Duyên (vigata-paccayo), cũng được bao hàm trong loại duyên này do cùng nguyên nhân.
  5. Loại duyên thứ chín, tức là Cận Y Duyên, một phần được bao hàm trong loại Vô Gián Duyên này thông qua tên gọi Vô Gián Cận Y Duyên (Anantarūpanissayo).

Ghi chú: Như vậy, năm loại duyên Vô Gián Duyên, Đẳng Vô Gián Duyên, Vô Hữu Duyên, Lý Khứ Duyên, Cận Y Duyên luôn luôn đi cùng với nhau. Trùng Dụng Duyên được cộng thêm vào với chúng trong trường hợp của đổng lực (javana), và do đó, sáu loại duyên này đi cùng với nhau.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app