Các Đối Tượng Hay Các Cảnh Trong Các Hành Động Bố Thí (Dāna)

Như đã được nhắc đến ở trên, bố thí (dāna) được thực hiện chính yếu với một chủ ý rộng lượng (dāna-cetanā) cùng với tâm1 và các tâm sở đi cùng với nó. Có hai nhân tố cần thiết cho việc thực hiện sự bố thí (dāna): một ai đó làm gợi lên sự rộng lượng của chúng ta, và chúng ta phải có vật sở hữu gì đó để bố thí. Cho nên, hai yếu tố này là các đối tượng làm duyên hay điều kiện cho hành động bố thí thông qua năng lực của Mê Duyên (Cảnh Duyên) như sau:

  1. a)  Pháp làm duyên: Sáu đối tượng giác quan mà có liên quan đến các đặc tính có thể cảm nhận được của đối tượng nhận thí và có liên quan đến vật thí.
  2. b)  Pháp được duyên: Chủ ý rộng lượng của người thí, tâm (một trong tám tâm đại thiện hay đại duy tác) và các tâm sở đi cùng của nó.
  3. c)  Chế độ duyên: Các yếu tố trong a) làm duyên hay điều kiện cho các yếu tố trong b) thông qua năng lực của Mê Duyên (Cảnh Duyên).

 1  Bố thí (dāna) được thực hiện với một trong tám tâm đại thiện (hoặc một trong tám tâm Đại Duy Tác nếu người thực hiện việc bố thí là một vị A-la-hán).

Các Đối Tượng Hay Các Cảnh Trong Việc Trì Hành Giới (Sīla)

Thề nguyện sẽ kiêng tránh khỏi các nghiệp bất thiện như sát sanh, vân vân, thì được gọi là giới thọ trì (samādāna-sīla) khi mà không có điều gì đặc biệt hay cụ thể để kiêng tránh. Việc kiêng tránh thật sự khỏi các nghiệp bất thiện được gọi là giới kiêng tránh (virati sīla). Như vậy, một việc gì đó mà chúng ta kiêng tránh (không làm) thì có thể thực hiện chức năng của một cảnh duyên cho việc trì hành giới như sau:

  1. a)  Pháp làm duyên: Sáu đối tượng giác quan mà thuộc vào các nghiệp bất thiện.
  2. b)  Pháp được duyên: Sự kiêng tránh (virati) hay chủ ý (cetanā), tâm (một trong tám tâm đại thiện hoặc đại duy tác) và các tâm sở đi cùng với nó.
  3. c)  Chế độ duyên: Các yếu tố trong a) làm duyên hay điều kiện cho các yếu tố trong b) thông qua năng lực của Mê Duyên (Cảnh Duyên).

Các Đối Tượng Hay Các Cảnh Trong Thiền Chỉ Tịnh (Samatha)

Định là một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ sự hiểu biết nào và bất kỳ loại trí tuệ nào. Chẳng hạn như để học hỏi được một điều gì đó trong lớp học, chúng ta nên tập trung vào những gì vị thầy đang giảng dạy. Để có được sự hiểu biết sâu xa, chúng ta thậm chí cần đến sự tập trung mạnh hơn. Chúng ta có thể phát triển sự tập trung cao độ bằng cách chú tâm vào một đối tượng hay đề mục thiền như hơi thở ra vào, đất, nước, lửa, không gian hay một trong bốn loại màu sắc (xanh, vàng, đỏ và trắng) và vân vân. Khi tâm ý của chúng ta được tập trung một cách hoàn toàn trên một trong những đề mục thiền này, chúng ta chứng đạt được một tầng mức tập trung nhất định mà được gọi là thiền (jhāna). Ở đây, hơi thở ra vào, đất, nước, lửa, vân vân, là chỉ đến các dạng mang tính khái niệm hay mang tính chế định của chúng, chứ không phải các yếu tố thật của gió, vân vân. Các đề mục chế định (paññatti) như vậy là các cảnh pháp (tức là các đối tượng của ý môn); chúng tạo lập nên điều kiện hay duyên cho thiền chỉ tịnh với cực điểm của nó là sự chứng đạt các tầng thiền (jhāna) như sau:

  1. a)  Pháp làm duyên: Dạng chế định của các đề mục thiền (các đối tượng của ý môn)1
  2. b)  Pháp được duyên: Thiền chỉ tịnh mà được tạo lập bởi một trong tám tâm đại thiện hoặc đại duy tác, hoặc tâm thiền (jhāna) và các tâm sở của nó ở tầng mức thiền (jhāna).
  3. c)  Chế độ duyên: Các yếu tố trong a) làm duyên hay điều kiện cho các yếu tố trong b) thông qua năng lực của Mê Duyên (Cảnh Duyên).

 1  Các đề mục thiền như đất, nước, lửa, gió, vân vân, là những đối tượng chỉ để tập trung vào trong trường hợp của thiền chỉ tịnh (samatha), chứ không phải để nhận thức hay nhìn nhận các đặc tính của chúng như trong trường hợp của thiền minh sát (vipassanā). Tuy nhiên, thiền (jhāna) vô sắc thứ hai và thứ tư bắt tâm thiền thứ nhất và thứ ba làm đề mục của chúng một cách tương ứng.

Các Đối Tượng Hay Các Cảnh Của Thiền Minh Sát (Vipassanā)

Để phát triển tuệ minh sát, chúng ta phải quan sát thân tâm của chính mình để rồi chúng ta có thể trải nghiệm các hiện tượng danh sắc vượt lên trên ảo tưởng. Ví dụ, chúng ta có thể cho rằng một ai đó đẹp hay xấu. Theo nghĩa chân đế, đó thật ra là một ảo tưởng vì mọi người đều được tạo thành bởi xương và thịt, hay nói một cách chính xác hơn, là bởi các hiện tượng danh sắc sanh lên và diệt đi từng mỗi thời điểm, nhưng lại dường như là tồn tại lâu dài do bởi tính liên tục của những sự thay thế. Cho nên, thấy ai đó là đẹp hay xấu là một ảo tưởng, trong khi thấy ai đó là các hiện tượng danh sắc thì lại là cái nhìn sâu sắc, minh sát. Các hiện tượng danh và sắc khi làm các đối tượng giác quan thì tạo lập nên điều kiện hay làm duyên cho thiền minh sát (vipassanā) như sau:

  1. a)  Pháp làm duyên: Sáu cảnh giác quan mà tạo lập nên các hiện tượng danh và sắc
  2. b)  Pháp được duyên: Các tuệ minh sát (Vipassanā) mà được tạo lập nên bởi một trong tám tâm đại thiện hay đại duy tác và các tâm sở của chúng
  3. c)  Chế độ duyên: Các yếu tố trong a) làm duyên hay điều kiện cho các yếu tố trong b) thông qua năng lực của Mê Duyên (Cảnh Duyên).

Bằng cách quán tưởng trên các hiện tượng danh sắc ở bên trong chính mình, tâm ý của chúng ta sẽ phát triển thông qua các giai đoạn tiếp nối của các tuệ minh sát (vipassanā) đưa đến sự chứng ngộ đạo quả (magga-phala) và trải nghiệm Níp-bàn (Nibbāna). Như vậy, sự chứng ngộ đạo quả (magga-phala) được duyên bởi đối tượng hay cảnh duy nhất của nó, đó là Níp-bàn (Nibbāna), như sau:

  1. a)  Pháp làm duyên: Níp-bàn (Nibbāna) (cảnh hay đối tượng của tâm ý)
  2. b)  Pháp được duyên: Những sự giác ngộ đạo quả (magga-phala) (tám tâm siêu thế)
  3. c)  Chế độ duyên: Các yếu tố trong a) làm duyên hay điều kiện cho các yếu tố trong b) thông qua năng lực của Mê Duyên (Cảnh Duyên).

Các Đối Tượng Hay Các Cảnh Trong Tích Truyện

Một đối tượng giác quan có thể gây ra những trạng thái tinh thần khác nhau, thiện hoặc bất thiện, tùy thuộc vào tư tưởng của chúng ta hay chính là cách tư duy (manasi-kāra) của chúng ta. Ví dụ, hình ảnh của Đức Phật rực sáng trong hào quang của Ngài là tuyệt diệu đối với hầu hết mọi người, nhưng lại là khó chịu đối với hoàng hậu Māgaṇḍiyā. Nguyên do là vì bà đã một lần bị Đức Phật làm bẽ mặt khi bà được giới thiệu đến Ngài với tư cách là một người có tiềm năng làm vợ của Ngài. Cha của bà rất giỏi trong việc đọc tính cách và tướng số của mọi người. Khi nhìn vào dấu chân của Đức Phật để lại, ông đã biết rằng Đức Phật là một người siêu phàm trên thế gian này, nhưng vợ của ông thậm chí còn biết nhiều hơn. Bà đã nói rằng Đức Phật là một vị Thánh, một người đã hoàn toàn giác ngộ và đã tẩy trừ sự khao khát dục trần cũng như sự khao khát tình dục. Tuy nhiên, ông đã không nghe lời vợ, và vẫn giới thiệu con gái của mình đến Đức Phật với ý muốn cô ta được làm vợ của Ngài. Rồi, Đức Phật đã cố tình nói rằng Ngài không muốn đụng cô gái dầu chỉ bằng chân của Ngài, vì cô ta (cũng như mọi người khác trên thế gian) chứa đầy những thứ ghê tởm.

Sau khi nghe xong bài thuyết giảng của Đức Phật, ông Bà-la-môn và vợ đã giác ngộ. Tuy nhiên, người con gái của họ quá bẽ mặt đến mức cô ta đã căm hận quyết định sẽ trả thù Đức Phật nếu hoặc khi cô ta được gả cho một người có quyền lực. Sau này, bà đã trở thành một trong ba vị hoàng hậu chính cung của vua Utena tại vương quốc Kosambi. Khi Đức Phật viếng thăm vương quốc của bà, bà đã lén lút thông đồng ra lệnh cho mọi người chửi rủa Đức Phật với mục đích đuổi Đức Phật và chư Tăng ra khỏi vương quốc. Trong sự việc này, phước thiện được vun bồi bởi người cha Bà-la-môn và việc tội lỗi được thực hiện ra bởi người con gái là được tạo ra do bởi bài pháp thuyết giảng của Đức Phật (nói một cách cụ thể hơn, do bởi những cảnh pháp vốn là những ý tưởng Ngài muốn truyền đạt) thông qua năng lực của Mê Duyên (Cảnh Duyên).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app