Tương Ưng Duyên

(Sampayutta-paccayo)

Pāḷi Trích Dẫn (Paṭṭhāna-1, Trang 8)

Sampayutta-paccayo’ti:

Cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ sampayutta-paccayena paccayo

 

Phần Chuyển Ngữ

Tương ưng duyên là:

Bốn danh uẩn (tức là vô sắc) làm duyên hay là điều kiện hỗ tương cho nhau.

(Loại duyên này thì hoàn toàn giống với phần đầu của Câu Sanh Duyên.)

 

Lý Giải Của Ngài Ledi Sayadaw

Có ba cặp duyên: Tương Ưng và Bất Tương Ưng, Hiện Hữu và Vô Hữu, Lý Khứ và Bất Ly, vốn không phải riêng biệt, mà lại được bao gồm một cách thích hợp trong những loại duyên đã được đề cập ở trước. Chúng được lặp lại với mục đích chỉ ra rằng một vài yếu tố làm duyên là điều kiện cho những yếu tố được duyên của chúng thông qua năng lực của sự tương ưng, một vài thông qua năng lực của sự bất tương ưng, một vài thông qua năng lực của sự hiện hữu, một vài thông qua năng lực của sự vắng mặt, một vài thông qua năng lực của sự biến mất, và một vài thông qua năng lực của sự không biến mất.

Đối với hai cặp cuối cùng, thuật ngữ “hiện hữu và vô hữu” (atthi và natthi) trong một vài trường hợp chỉ cho hai loại tà kiến mà trong đó “hiện hữu” có nghĩa là sự hiện hữu của một linh hồn trường cửu (sassata-diṭṭhi) và “vô hữu” có nghĩa là sự hủy diệt của nó (uccheda-diṭṭhi). Để không bị nhầm lẫn hai loại Hiện Hữu Duyên và Vô Hữu Duyên với các loại tà kiến như vậy, chúng ta có thêm một loại cặp duyên nữa, tức là Lý Khứ Duyên và Bất Ly Duyên, mặc dầu hai cặp này là hoàn toàn giống nhau về bản chất.

Đối với Tương Ưng Duyên, tất cả tâm và các tâm sở đi cùng thì luôn luôn làm duyên cho nhau. Sự liên kết của chúng có nghĩa là tính cùng chung của chúng thì xảy ra theo phương thức mà thông qua đó chúng cùng sanh lên, cùng diệt đi, bắt cùng đối tượng giác quan, và phụ thuộc vào cùng một vật. 

Ở  đây, tính cùng chung có nghĩa là sự liên kết. Ví dụ, sự thấy thì được tạo thành bởi tám yếu tố như là tâm nhãn thức và bảy tâm sở bao gồm xúc (phassa), vân vân. Tất cả tám yếu tố này được gọi chung là “sự thấy”. Để miêu tả sự thấy bằng tên của mỗi một tâm sở có liên quan là điều không thể thực hiện được. Điều này cũng đúng cho các tâm sở còn lại. Đây là ý nghĩa cùng chung nhau của các yếu tố tinh thần mà sự liên kết hay sự kết hợp muốn nói đến.

 

Bất Tương Ưng Duyên (Vippayutta-paccayo)

Pāḷi Trích Dẫn (Paṭṭhāna-1, Trang 8)

Vippayutta-paccayo’ti:

Rūpino dhammā arūpīnaṃ dhammānaṃ vippayutta-paccayena paccayo.

Arūpino dhammā rūpīnaṃ dhammānaṃ vippayutta-paccayena paccayo.

 

Phần Chuyển Ngữ

Bất Tương Ưng Duyên là:

Các sắc pháp làm duyên hay là điều kiện cho các danh pháp thông qua năng lực của Bất Tương Ưng Duyên.

Các danh pháp làm duyên hay là điều kiện cho các sắc pháp thông qua năng lực của Bất Tương Ưng Duyên.

Bất Tương Ưng Duyên này có hai phần như sau:

Vật chất (thân xác) làm duyên hay là điều kiện cho tâm trí thông qua hai loại duyên: Câu Sanh Duyên và Tiền Sanh Duyên.

Tâm trí làm duyên hay là điều kiện cho vật chất (thân xác) thông qua hai loại duyên: Câu Sanh Duyên và Hậu Sanh Duyên.

 

Vật Chất Duyên Tâm Trí

Câu Sanh Bất Tương Ưng Duyên

Tại thời điểm tục sinh (paṭisandhi), chúng ta chỉ là một khối kết hợp rất nhỏ bé của các hiện tượng danh và sắc được gọi là “phôi thai kalala” vốn được tạo thành bởi tâm tục sinh và các tâm sở của nó, và trái tim (ND: nhóm sắc ý vật), thần kinh xúc giác (ND: nhóm thân) và giới tính (ND: nhóm giới tính). Khối kết hợp này được ghi nhận là nhỏ bé đến mức nó là vô hình đối với mắt trần, tức là không nhìn thấy được bằng mắt trần. Tại thời điểm này, các yếu tố tinh thần của chúng ta phải phụ thuộc vào sắc ý vật (tức là các sắc pháp tạo nên trái tim). Hai yếu tố này cùng sanh lên, nhưng bất tương ưng với nhau, do chúng là những hiện tượng hoàn toàn khác biệt. Như vậy, nhóm sắc ý vật làm duyên hay là điều kiện cho tâm tục sinh của chúng ta và các tâm sở thông qua năng lực của Câu Sanh Bất Tương Ưng Duyên.

 

Tiền Sanh Bất Tương Ưng Duyên

Sáu vật giác quan, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và trái tim – xảy ra từ một cho đến mười sáu sát-na tâm trước các yếu tố tinh thần mà được duyên lên từ đó trong suốt đời sống của các chúng sanh ngũ uẩn – làm duyên hay là điều kiện cho 85 tâm (tức là loại trừ bốn tâm quả vô sắc) và các tâm sở đi cùng của chúng thông qua năng lực của Tiền Sanh Bất Tương Ưng Duyên.

 

Tâm Trí Duyên Vật Chất

Câu Sanh Bất Tương Ưng Duyên

Bảy mươi lăm tâm (tức là loại trừ bốn tâm quả vô sắc và ngũ song thức) và 52 tâm sở – mà sanh lên trong các chúng sanh ngũ uẩn tại thời điểm tục sinh của họ và rồi cũng như trong thời bình sinh của họ – làm duyên hay là điều kiện cho sắc pháp do tâm tạo và sắc pháp do nghiệp tạo tại thời điểm tục sinh (vốn sanh lên cùng với tâm được nhắc đến ở trên) thông qua năng lực của Câu Sanh Bất Tương Ưng Duyên.

 

Hậu Sanh Bất Tương Ưng Duyên

Bốn danh uẩn đi sau làm duyên hay là điều kiện cho các sắc pháp thông qua năng lực của Hậu Sanh Bất Tương Ưng Duyên. (Ở đây, bốn danh uẩn đi sau bao gồm 85 tâm và 52 tâm sở sanh lên từ một cho đến mười sáu sát-na tâm theo sau sắc pháp mà được tạo ra bởi chúng trong thời bình sinh của các chúng sanh ngũ uẩn. Và các sắc pháp có liên quan ở đây là chỉ cho các sắc pháp đã được tạo ra và đã đạt đến giai đoạn trụ, bởi một trong bốn nguyên nhân, ở trước thời các danh uẩn được nhắc đến ở trên.

 

Hãy Nhớ Rằng Tâm Và Vật Chất Là Có Liên Hệ Lẫn Nhau

Loại duyên này trình bày một rõ ràng và minh bạch rằng thân và tâm của chúng ta thì luôn luôn đang cùng hoạt động với nhau. Khoa học cũng đã chứng minh từ lâu rằng điều này là đúng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các thay đổi hóa học trong cơ thể của chúng ta có một tác động cực lớn lên tâm trí của chúng ta, và rằng tâm trí của chúng ta cũng thường chịu trách nhiệm cho những sự thay đổi hóa chất trong cơ thể của chúng ta. Họ thậm chí đã xác nhận những phát hiện về sự đàn hồi và giãn nở của bộ óc, cho thấy rằng bộ óc có thể chuyển biến hoặc thay đổi hình dạng do bởi tâm trí của chúng ta (tức là các suy nghĩ và các cảm giác). Vì thái độ và cách suy nghĩ của chúng ta xác định nên chúng ta là ai và là gì, cho nên chúng ta được khuyên dạy là hãy nên tận lực chăm sóc tâm trí của mình để cho nó được tốt đẹp (giống như cách chúng ta chăm sóc thân xác của chúng ta vậy).

Những trạng thái tinh thần tiêu cực như lo lắng, lo âu, cô đơn, căng thẳng, trầm cảm, vân vân, hiển nhiên có những tác động tiêu cực lên thân xác của chúng ta. Bất chấp tuổi tác, tôn giáo, trình độ giáo dục hay địa vị xã hội của mình, chúng ta không thể tránh được việc có những lúc phải cam chịu những vấn đề khó khăn về tinh thần hay tâm lý do bởi nguyên nhân này hay nguyên nhân khác đưa đến. Để hóa giải những loại vấn đề này, chúng ta thường được khuyên là nên uống thuốc, tận hưởng một kỳ nghỉ dài, ngủ thêm cho đủ sức, tập thể dục thường xuyên hơn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và điều độ và vân vân. Tuy nhiên, chỉ lời khuyên như vậy thôi không thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề này triệt để vì chúng sẽ tiếp tục xảy ra lại do những khao khát hay ước muốn không thể nào thỏa mãn được của chúng ta. Chúng ta luôn luôn muốn nhiều hơn, đẹp hơn hay mới hơn. Thậm chí với những công nghệ đương thời, vốn thường mang lại cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta đã từng có thể tưởng tượng đến, cũng không thể điền đầy hay làm thỏa mãn trọn vẹn sự ham muốn có thêm nữa liên tục của chúng ta. Cho dầu công nghệ có là tiên tiến như thế nào đi chăng nữa, nó cũng không thể giúp chúng ta chữa trị được những mối lo âu và e ngại của chúng ta. Do đó, chúng ta nên nghĩ về việc thử tập phương cách của Đức Phật, tức là hành thiền, vốn là duy nhất có khả năng thoát bỏ hoàn toàn những căn bệnh tinh thần đó khỏi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng hành thiền là một dạng huấn luyện tinh thần mà chúng ta cần phải thực hành một cách tận tâm và kiên nhẫn trước khi nó thật sự tạo ra những hiệu quả tốt trong đời sống bình nhật của chúng ta.

Hành Thiền

Thiền Niệm 32 Thể Trược Của Cơ Thể

Đây là một trong những đề mục thiền được Đức Phật khuyến khích thực hành để vượt qua những trạng thái tinh thần tiêu cực. Đức Phật đã so sánh thân xác của chúng ta với cỗ xe bò, tức là cái tên được đặt cho cái tổ hợp gồm những thành phần như bánh xe, cái ách, vân vân. Nói một cách khác, không có cỗ xe bò riêng biệt nào từ những bộ phận đó. Cũng theo cách này, không có “tôi” hay “của tôi” ở bên ngoài 32 thể trược của cơ thể như là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương và vân vân. Ví dụ, chúng ta có nhiều hơn 300 cái xương đơn lẻ. Thật là nực cười nếu lấy từng bộ phận đơn lẻ và cho là “tôi” hay “của tôi”. Bằng cách quán tưởng về những bộ phận đó, chúng ta có thể nhận thấy được thực chất chúng ta là cái gì vượt lên trên những ảo giác về “tôi” hay “của tôi”, và cùng lúc có thể làm giảm thiểu đi sự dính mắc vào xác thân của chúng ta. Khi sự dính mắc của chúng ta được giảm thiểu thì tự nhiên, sự lo lắng và lo âu cũng sẽ giảm bớt.

 

Thiền Niệm Sự Chết

Một đề mục hành thiền khác tốt cho mục đích này là niệm về việc tất yếu của sự chết. Chính bản năng tự nhiên làm cho chúng ta có cảm giác dường như chúng ta là bất tử. Cho dầu chúng ta có được giáo dục tốt đến cỡ nào, chúng ta vẫn liên tục có ảo tưởng rằng mình sẽ không chết mặc dầu chúng ta thấy và nghe nhiều người chết mọi lúc xung quanh chúng ta. Ảo giác này đang luôn luôn nuôi sống sự ham muốn của chúng ta, vốn có trách nhiệm chính yếu cho sự đau khổ về tinh thần của chúng ta. Nhìn thấy rõ ràng sự thật này của cuộc đời sẽ giúp chúng ta có được sự tự tại, không lo âu và làm cho chúng ta có thể từ bỏ đi những sự dính mắc. Chúng ta có thể thực hành loại thiền này bằng cách suy niệm như sau:

“Tôi không biết tôi sẽ chết như thế nào: lúc bao nhiêu tuổi, ở nơi nào, vào ngày nào và do bệnh tật gì. Cũng như kiếp sống kế tiếp mà tôi sẽ có sau khi chết.”

“Chết là điều hiển nhiên. Cuộc sống thì bấp bênh. Tôi có thể chết bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi nào.”

 

Thiền Niệm Hơi Thở Ra Vào

Một loại đề mục thiền khác là quán tưởng trên hơi thở ra vào. Chúng ta chỉ nên tập trung vào hơi thở mà không nên để tâm trí của mình phân tán nơi nào khác, bằng cách lưu ý từng hơi thở vào và từng hơi thở ra. Ban đầu, giống như bất kỳ loại tập luyện nào, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó khăn vì tâm trí của chúng ta luôn luôn suy nghĩ lung tung. Đó thật ra chỉ là cách lối vốn có của nó. Khi chúng ta nhận thấy rằng tâm trí của mình đi lang thang, chúng ta chỉ cần kéo nó lại với đề mục thiền (tức là hơi thở). Đó là tất cả những gì chúng ta cần làm khi thực hành thiền chỉ tịnh (samatha). Nhưng nó cũng có ích lợi khi quan sát một tâm trí đi lang thang theo cùng phương thức chúng ta thực hành trong thiền minh sát (vipassanā). “Thực hành dẫn đến hoàn thiện,” như người ta thường nói. Nếu chúng ta cứ kéo tâm trí lại trên đề mục nhiều lần với sự kiên nhẫn và sự bền chí, thì cuối cùng nó sẽ tập trung vào đối tượng trong những khoảng thời gian dài hơn. Tại lúc đó, chúng ta có thể dẫn dắt nó đến nơi mà chúng ta muốn, và do đó sẽ ngăn chặn không cho nó đến nơi mà chúng ta không muốn. Theo cách này, chúng ta có thể tránh được sự lo âu và lo lắng. Loại thiền này giúp tạo nên một giấc ngủ say nếu chúng ta thực hành nó trên giường ngủ trước khi ngủ.

Tuy nhiên, nếu tâm trí quá cứng nhắc và quá phóng dật để có thể tập trung vào đề mục thiền, chúng ta được khuyên là nên đếm hơi thở trong tâm trí. Khi làm việc này, chúng ta không nên đếm ít hơn năm và nhiều hơn mười. Và không nên có sự gián đoạn trong chuỗi đếm. Nếu dừng trước năm, tâm trí của chúng ta không có đủ thời gian để tập trung. Nếu đếm nhiều hơn mười, tâm trí của chúng ta sẽ lấy số đếm thay vì hơi thở làm đề mục. Khi đếm, chúng ta nên bắt đầu đếm lúc hơi thở vào hay hơi thở ra kết thúc, chứ không phải lúc nó bắt đầu. Như vậy, hít vào trước, rồi chúng ta niệm thầm trong đầu “một” khi hơi thở vào kết thúc. Điều này cũng đúng cho hơi thở ra. Rồi bắt đầu lại đếm “hai” và tiếp tục theo phương thức này. Nếu chúng ta gộp chung cả hơi thở vào và hơi thở ra là một, thì tốt hơn chỉ đếm nhiều nhất tới năm.

 

Thiền Minh Sát (Vipassanā)

Thiền minh sát (vipassanā) có thể là cực kỳ có ích lợi trong trường hợp khẩn cấp mặc dầu mục đích chính của nó là giải thoát hoàn toàn khỏi vòng sanh tử luân hồi. Ở Miến Điện, có một lần tôi bị tai nạn xe cộ, các kinh nghiệm hành thiền về sự chết và niệm hơi thở chẳng giúp gì cho tôi cả, thậm chí là tôi đã được huấn luyện và thực hành khá thuần thục về chúng. Tim của tôi đập quá nhanh và tôi trở nên lo lắng đến mức tôi thậm chí quên đi những số điện thoại cần thiết để gọi lại về trung tâm nhờ cứu trợ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, thiền minh sát (vipassanā) đã làm việc rất tốt đẹp cho tôi. Tôi nhận thấy rằng sự tỉnh thức hay chánh niệm đã giúp tôi xả bỏ được những lo âu về mặt tinh thần tại địa điểm đó. Rất dễ dàng cho chúng ta ghi nhận được sự lo lắng mãnh liệt như tôi đã trải nghiệm vì nó là một đối tượng vô cùng rõ ràng và hiển nhiên. Thiền minh sát (vipassanā) là khả năng tập trung vào các hiện tượng trong hiện tại, bất cứ cái gì hiện rõ, thuộc về tinh thần, thuộc về vật chất hay là cảm giác. Sống trong hiện tại là cách sống tốt đẹp nhất vì khi một vật ở trong hiện tại, nó là một cái gì đó có thật và trở thành một cái gì đó có thể dễ điều khiển được nhất. Bất cứ cái gì đã xảy ra trong quá khứ thì đã qua; tương lai thì bất định. Nhiều việc tốt và xấu thường xảy ra ngoài sự mong đợi của chúng ta. Bằng cách thực hành thiền minh sát (vipassanā), chúng ta tiếp nhận được sự huấn luyện tốt nhất trong việc sống như nào trong hiện tại và làm sao vượt được qua những trạng thái tinh thần tiêu cực như lo lắng và lo âu.

Trong một câu chuyện Bổn Sanh (Jātaka), đức Bồ-tát là một vị hoàng tử có tên là Temiya. Ngài sợ sau này sẽ thành vua vì nếu thành vua, Ngài sẽ phải làm nhiều việc bất thiện. Do đó, Ngài đã giả vờ bị khuyết tật để rồi Ngài sẽ bị từ bỏ và không bị đề cử làm vua. Như vậy, Ngài đã xoay xở sống phần còn lại của đời mình trong rừng chỉ ăn lá và rễ cây. Tuy nhiên, vị vua cha sau đó đã tìm ra Ngài và thấy rằng da dẻ của Ngài trong sáng hơn rất nhiều so với lúc Ngài còn sống trong cung điện. Vị vua cha đã hỏi Ngài tại sao điều này có thể xảy ra. Câu trả lời của Ngài đã khẳng định rằng cách sống tốt nhất là sống trong hiện tại:

Tôi không có những hối tiếc về quá khứ. Tôi cũng không hy vọng gì cho tương lai.

Tôi chỉ hạnh phúc với hiện tại. Đó là điều làm cho da dẻ của tôi trong sáng như vậy.

 

(Mūgapakkha Jātaka)

 

Vượt Lên Trên Hạnh Phúc

Chúng ta thích tận hưởng cuộc sống của mình trong khi phớt lờ đi những sự thật về cuộc sống như là sự hiển nhiên của cái chết hoặc dòng chảy và tính không có thực chất của thân và tâm của mình. “Sự dốt nát là hạnh phúc” ngụ ý nói rằng “Sự hiểu biết là thống khổ.” Tuy nhiên, trong dòng chảy ào ạt của các hiện tượng danh sắc, hạnh phúc và thống khổ chỉ là những ảo giác giống như loại hạnh phúc và đau khổ mà chúng ta trải nghiệm trong một giấc mơ. Ví dụ, trong một giấc mơ, giả sử chúng ta trở nên rất đau khổ vì một người thân yêu của chúng ta bị tai nạn. Thức dậy từ giấc mơ đó sẽ rất là hạnh phúc. Cũng theo cách này, nó sẽ thậm chí hạnh phúc nhiều hơn khi thấy được sự thật, tức là thức giấc từ những ảo giác về “tôi” và “của tôi”. Bằng cách ghi nhận các hiện tượng rõ ràng ở hiện tại bên trong chúng ta, chúng ta có thể thấy được sự thật vượt lên trên ảo giác. Nếu chúng ta nghĩ về quá khứ hay tương lai nhiều hơn mức cần thiết, chúng ta thậm chí không thể ăn ngon hay ngủ yên được, và không có cách nào để chúng ta có thể thấy được sự thật. Cho nên, sống trong hiện tại là để tận hưởng cuộc sống của chúng ta và điều quan trọng hơn là nó cho chúng ta cơ hội thật sự trải nghiệm sự thật.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app