Duyên Hệ Trong Đời Sống Bình Nhật – Thường Cận Y Duyên (pakatūpanissaya)

Thường Cận Y Duyên

(Pakatūpanissaya)

Thiện (Kusala) Làm Duyên Cho

Thiện (Kusala) (Pakatūpanissaya-1)

Như đã được nhắc đến ở trên, loại duyên (Paṭṭhāna) thứ chín này có mười phần. Phần thứ nhất nói rằng: “Những pháp thiện đi trước làm duyên cho những pháp thiện đi sau thông qua năng lực của Cận Y Duyên.”

 

Bố Thí Và Trì Giới (Dāna, Sīla)

Những tâm sở thiện (kusala cetasika) bao gồm tín (saddha), niệm (sati), tàm (hiri) và úy (ottappa), vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha) và vân vân. Những tâm sở thiện này khuyến khích chúng ta làm các việc thiện như bố thí, trì giới và tham thiền. Thêm nữa, khi chúng ta thấy những lợi ích của những việc thiện này, niềm tin của chúng ta vào chúng tăng lên, sự hiểu biết (paññā) về chúng trở nên sâu sắc hơn, và tâm từ ái của chúng ta với mọi người trở nên mạnh mẽ hơn. Như vậy, pháp thiện (kusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho pháp thiện (kusala) đi sau. Hơn nữa, các hành động bố thí và trì giới của chúng ta dẫn đến một đời sống sung túc đầy đủ, mang lại cho chúng ta những cơ hội thực hành nhiều thiện pháp hơn. Có nhiều người giàu dùng tài sản của mình phục vụ cho những người thiếu kém và có nhu cầu, thay vì để thỏa mãn những khoái lạc của chính mình. Như vậy, những pháp thiện (kusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho những pháp thiện (kusala) đi sau thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên1.

 

Tham Thiền (Bhāvanā)

Sự phát triển thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā) là những hành động thiện mà được gọi là Đại Thiện. Theo cách tự nhiên, chúng sẽ dẫn đến những trạng thái thiện cao hơn như là an trú định (mahaggata-kusala), các tuệ minh sát (vipassana-kusala) và sự giác ngộ (magga-kusala). Hơn nữa, chúng là ba -la-mật (pāramī) của chúng ta (tức là phước báu chúng ta tích trữ trong suốt vòng luân hồi) mà sẽ mang đến sự giác ngộ (magga-kusala) cho chúng ta trong một kiếp sống tương lai nào đó. Như vậy, những pháp thiện (kusala) đi trước là duyên hay điều kiện cho những pháp thiện đi sau thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên (pakatūpanissaya).

 

Để phát triển thiền chỉ (samatha), chúng ta phải tập trung tâm trí của mình vào một đối tượng duy nhất như là hơi thở ra vào hay một đề mục hành thiền như là cái đĩa bằng đất (pathavī-kasiṇa), ngọn lửa không chuyển động của một cây đèn cầy (tejo-kasiṇa), nước trong sạch trong một ly nước (āpo-kasiṇa) và vân vân.

Sau một khoảng thời gian nào đó, tâm trí của chúng ta trở nên tập trung một cách hoàn toàn trên hay an trú một cách trọn vẹn trong đề mục thiền đó. Sự tập trung hay sự thẩm thấu mạnh mẽ như vậy được gọi là thiền (jhāna). Trong tiến trình này, sự tập trung (kusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho sự tập trung đi sau một cách liên tiếp cho đến lúc có sự chứng đắc thiền (jhāna) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên (pakatūpanissaya).

Để phát triển trí tuệ minh sát (vipassanā), chúng ta phải thực hành thiền minh sát (vipassanā) cho đến khi có sự giác ngộ đạo (magga) bằng cách quán sát bốn pháp như là thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta) và pháp (dhamma) . Về thân, chúng ta phải quan sát tất cả các hoạt động của cơ thể như đi, đứng, ngồi, nghiêng, cúi hay co duỗi chân tay, nhắm mở mắt, sự phồng xẹp của bụng và vân vân. Cũng theo cách này, chúng ta phải ghi nhận những cảm thọ hài lòng hoặc không hài lòng (vedanā), các suy nghĩ tốt hay xấu (citta) và các đối tượng chung như thấy, nghe, vân vân (dhamma). Chúng ta phải quan sát chúng một cách bị động ngay thời điểm chúng trở nên rõ ràng đối với chúng ta theo phương cách không phân tích, không biện giải hay không đánh giá, và không mong đợi bất cứ cái gì xảy ra hoặc không xảy ra.

Tuy nhiên, lúc ban đầu, để phát triển định hay sự tập trung, chúng ta được khuyến khích là nên tập trung vào một đối tượng cố định chẳng hạn như sự phồng xẹp của bụng trong suốt quá trình ngồi thiền, và tập trung vào bàn chân trong suốt quá trình kinh hành. Khi đã có sự chú tâm và quen thuộc với những đề mục này rồi, thì chúng ta cần quan sát bất kỳ một trong bốn hiện tượng ngay thời điểm chúng trở nên hiện rõ để rồi chúng ta có thể thấy chúng như chúng thật là. Nếu chúng ta muốn thấy tia chớp chẳng hạn, chúng ta cần phải thấy nó ngay thời điểm nó xẹt ra. Cũng theo cách này, nếu chúng ta muốn thấy các pháp thật vượt ra ngoài những ảo giác, chúng ta phải thấy chúng ngay thời điểm chúng hiển thị. Cho nên, tuệ minh sát dần dần và từng bước chín muồi cho đến khi chúng ta trở nên giác ngộ. Do đó, sự tập trung và các tuệ minh sát (kusala) đi trước là duyên hay điều kiện cho những pháp cùng loại đi sau cho đến tận lúc chứng đạt đạo (magga) giác ngộ (kusala) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên (pakatūpanissaya).

1  Bố thí (dāna) và trì giới (sīla) theo nghĩa chân đế là một trong tám tâm đại thiện. Khi làm việc đổng lực (javana), một trong tám tâm này thông thường lặp lại bảy lần trong một lộ tâm đơn lẻ. Và hàng triệu những lộ tâm như vậy tạo lập nên các hành động bố thí (dāna) và trì giới (sīla) của chúng ta. Trong vòng mỗi một lộ tâm, đổng lực thiện (kusala javana) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho đổng lực thiện (kusala javana) đi sau thông qua năng lực của Vô Gián Duyên (anantara), Đẳng Vô Gián Duyên (samanantara), Trùng Dụng Duyên (āsevana), Vô Hữu Duyên (natthi), Lý Khứ Duyên (vigata) cùng với loại Thường Cận Y Duyên (pakatūpanissaya) này.

 

Thiện (Kusala) Làm Duyên Cho Bất

Thiện (Akusala)

(Pakatūpanissaya-2)

Trong loại duyên (Paṭṭhāna) thứ chín này, phần thứ hai có nói: “Thiện đi trước làm duyên cho bất thiện đi sau không phải ngay lập tức thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.”

 

Các pháp thiện của chúng ta (ngoại trừ sự giác ngộ đạo (magga)1) thông thường thì khuyến khích chúng ta làm các điều thiện. Tuy nhiên, đôi lúc, nếu chúng ta mất niệm hay mất sự chú tâm, chúng dẫn chúng ta đến những pháp bất thiện như tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna), si mê (moha), ganh tỵ (issā) và vân vân. Ví dụ, khi chúng ta rộng lượng, chúng ta có thể trở nên tự hào về nó và xem những người không rộng lượng như mình là thấp kém. Loại ngã mạn này cũng có thể xảy ra khi chúng ta hành trì giới luật. Như vậy, sự rộng lượng hay việc hành trì giới luật có thể dẫn đến pháp bất thiện. Thêm vào đó, sự rộng lượng hay việc trì hành giới luật của chúng ta luôn luôn cho kết quả là sự giàu sang, nhưng chúng ta có thể sử dụng sự giàu sang đó không đúng cách thông qua những hành động bất thiện như đàng điếm hay hút sách.

Đối với thiện chỉ tịnh (samatha), sự an trú định luôn luôn làm cho chúng ta định tỉnh và an lạc vì nó giữ cho tâm trí của chúng ta khỏi những phiền não tinh thần. Như vậy, chúng ta có thể trở nên dính mắc vào nó, tự hào về nó và xem những người chưa phát triển được cấp độ định cao như vậy là thấp kém. Trong lịch sử, đã có những hành giả với thiền định thể hiện năng lực thần thông để hại hay thậm chí giết chết những người khác. Ví dụ, Devadatta đã thể hiện thần thông và thuyết phục hoàng tử Ajātasattu giết chết vua cha của mình. Trong trường hợp của minh sát (vipassanā), chúng ta có khuynh hướng dính mắc vào sự an vui và tĩnh lặng tuyệt diệu mà có thể xảy ra tại tầng tuệ sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa). Và kết quả là tiến độ phát triển tâm linh của chúng ta bị ngưng trệ tại đó trừ phi chúng ta có kiến thức hiểu biết hay có sự hướng dẫn thích ứng từ một vị thầy. Như vậy, thiện (kusala) có thể làm duyên hay điều kiện cho bất thiện (akusala) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

 

Ghi Chú: Trong phần này, cụm từ “không phải ngay lập tức” có nghĩa là thiện (kusala) có thể dẫn đến hay đưa đến bất thiện (akusala) nhưng không phải tức thì như trong trường hợp của Vô Gián Duyên (anantara-paccayo).

1 Các pháp thiện trong phần duyên (paṭṭhāna) này không bao gồm sự giác ngộ đạo (magga) vì không có cách nào mà nó có thể làm duyên cho pháp bất thiện.

 

                            Thiện (Kusala) Làm Duyên Cho Vô

                              Ký (Abyākata) (Pakatūpanissaya-3)

Phần thứ ba nói như sau: “Thiện (kusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho vô ký (abyākata) đi sau.”

Chính sự can đảm về mặt tinh thần của chúng ta (tức là một loại thiện (kusala)) làm cho chúng ta đủ mạnh để chịu đựng hay hứng chịu các sự đau đớn cùng cực (mà là một dạng vô ký (abyākata)) để tránh tội lỗi và để làm thiện. Chính sự rộng lượng của chúng ta (kusala) làm cho chúng ta có thể hy sinh tài sản và sự an lạc (mà là một dạng vô ký (abyākata)). Chính sự tốt bụng và sự hiểu biết của chúng ta (kusala) làm cho chúng ta có thể hứng chịu hay chịu đựng những đau khổ (abyākata) để giúp những người khác. Chính sự nỗ lực khôn ngoan (kusala) giúp tạo nên sự an lạc và dung hòa (abyākata) trong xã hội nhân loại của chúng ta. Trên hành tinh này, luật rừng liên tục thống trị trong đời sống của các thú vật. Những thú vật lớn hơn và mạnh hơn ăn những thú vật nhỏ hơn và yếu hơn trên mặt đất cũng như trong đại dương. Thậm chí trong xã hội được gọi là văn minh của chúng ta, có nhiều người đã lợi dụng sự yếu đuối của người khác và tận hưởng thành công trên mồ hôi và nước mắt của những người khác. Theo nghĩa này, nhiều người trong số chúng ta thật ra chẳng khác gì nhiều với các thú vật. Tuy nhiên, may mắn thay, những trạng thái tinh thần thiện của chúng ta như sự tốt bụng và sự hiểu biết (kusala) luôn mang lại cho chúng ta sự an lạc, hòa bình và sự dung hòa (mà là một dạng vô ký (abyākata)) trong xã hội của chúng ta. Đó là cách thiện (kusala) làm duyên hay là điều kiện cho vô ký (abyākata) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

Thêm vào đó, những nghiệp thiện (kusala kamma) của chúng ta mang lại những kết quả tốt đẹp tương ứng (abyākata). Ví dụ, là kết quả của bố thí (dāna) và trì giới (sīla), chúng ta sẽ đạt được sự tục sinh đầy an lạc trong cảnh giới nhân loại và các thiên giới; là kết quả của thiền (jhāna), chúng ta sẽ tái sanh vào các cõi Phạm thiên (Brahma). Như vậy, các trạng thái tinh thần thiện (kusala) của chúng ta mang lại các pháp vô ký (abyākata) tốt đẹp mà bao gồm những tâm tục sinh tốt đẹp, cơ thể xinh đẹp và mạnh khỏe cùng với các giác quan lành mạnh. Điểm này sẽ được giải thích chi tiết sau này trong phần Nghiệp (Kamma) Duyên. Hơn nữa, những trạng thái thiện của những đạo giác ngộ (magga-kusala) thì lập tức đưa đến những quả giác ngộ (phala-abyākata) tương ứng. Như vậy, thiện (kusala) làm duyên hay là điều kiện cho vô ký (abyākata) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

 

       Bất Thiện (Akusala) Làm Duyên Cho

Bất Thiện (Akusala)

(Pakatūpanissaya-4)

Phần thứ tư nói như sau: “Những pháp bất thiện (akusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho những pháp bất thiện (akusala) đi sau thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.”

Những pháp bất thiện (akusala) như tham lam, ích kỷ, tức giận, sân hận, si mê, ngã mạn hay sự phân biệt, tà kiến, vân vân, luôn luôn dẫn dắt chúng ta đến việc thực hành những hành động bất thiện (akusala) như sát sanh, trộm cướp, vân vân. Chính những người tham lam và ích kỷ là những người tham dự vào những hành động trái pháp luật như buôn bán thuốc nghiện ngập hay buôn người. Trong lịch sử, việc ham muốn quyền lực đã làm cho người lãnh đạo sát hại hàng ngàn người đồng loại cũng là một chuyện không quá bất thường. Chính do sân hận hay sự phân biệt mà loài người phạm vào các hành động tội lỗi như triệt sát một chủng tộc. Những người thiếu hiểu biết thường làm những việc rồ dại và vớ vẩn mà có hại cho cả chính họ và những người khác. Vào những ngày xa xưa đã có nhiều người bám giữ tà kiến cho rằng chính các vị thần thánh đã tạo ra những thiên tai như giông bão, động đất, cháy rừng, vân vân. Cho nên, để làm hài lòng những vị thần thánh này, họ đã sát hại các thú vật hay thậm chí nhiều người để dâng hiến cho những vị đó. Như vậy, bất thiện (akusala) như tham (lobha), sân (dosa), si (moha), tà kiến (micchā-diṭṭhi), vân vân, làm duyên hay là điều kiện cho bất thiện (akusala) theo sau như sát sanh, trộm cướp, vân vân, thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

 

Bất Thiện (Akusala) Làm Duyên Cho

Thiện (Kusala) (Pakatūpanissaya-5)

Phần thứ năm nói rằng: “Pháp bất thiện (akusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho pháp thiện (kusala) đi sau không phải ngay lập tức thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.”

 

Thông thường, những trạng thái tinh thần bất thiện của chúng ta thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành động tội lỗi như sát sanh, trộm cướp, vân vân. Tuy nhiên, đôi lúc, những pháp bất thiện lại dẫn chúng ta đến việc thực hiện những hành động tốt đẹp như bố thí (dāna), trì giới (sīla), vân vân. Do bởi việc khao khát có được sự tái sanh vào thiên giới chẳng hạn, một người có thể làm những việc thiện như bố thí (dāna), trì giới (sīla), vân vân. Sự tự cao tự đại của chúng ta (akusala) có thể khuyến khích chúng ta thực hiện những việc thiện để vượt trội những đối thủ của mình. Ân hận về tội lỗi của mình (akusala) có thể khuyến khích chúng ta làm những việc tốt (kusala). Vua Asoka của Ấn Độ đã trở thành một đế vương rất có quyền lực vào thời đó sau khi đã sát hại hàng trăm ngàn người trong một cuộc chiến tại khu vực Kalinga, một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử Ấn Độ. Tuy nhiên, cuộc chiến đó đã là điểm quay đầu cho ông trở thành một vị vua chính trực (dhammāsoka) mà sau này đã thực hiện một vài trong số những thiện pháp vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo. Thậm chí chính Đức Phật đã dạy trong Tayo Dhamma Sutta1, Aṅguttara-nikāya, rằng nếu không phải do tham, sân và si, thì thậm chí chính Đức Phật cũng đã không xuất hiện trên thế gian này. Như vậy, các pháp bất thiện (akusala) có thể làm duyên hay là điều kiện cho các pháp thiện (kusala) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

 

Bất Thiện (Akusala) Làm Duyên Cho

Vô Ký (Abyākata)

(Pakatūpanissaya-6)

Phần thứ sáu nói rằng: “Những pháp bất thiện (akusala) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho những pháp vô ký (abyākata) đi sau thông qua năng lực của Cận

Y Duyên.”

Những trạng thái tinh thần bất thiện (akusala) như tham lam, ham muốn, ích kỷ, sự giận dữ, sân hận, si mê, vân vân, làm duyên hay là điều kiện cho những pháp vô ký (abyākata) như sự thoải mái thân xác, sự khó chịu thân xác, và sự nhập thiền quả (phala). Theo Thắng Pháp (Abhidhamma), sự đau nhức của chúng ta là kết quả tự nhiên của những hành động bất thiện (akusala). Ví dụ, những hình phạt đau đớn (abyākata) là kết quả của những hoạt động phi pháp. Sự khao khát hay dính mắc dục trần (akusala) của chúng ta vào những vật sở hữu và thân quyến của mình thường mang lại cho chúng ta những nỗi đau cực lớn (abyākata). Thậm chí những thú vật như chim chóc cũng phải trải qua nhiều sự khó khăn và đau đớn chỉ để được mang lại thực phẩm cho con của chúng. Chính sự ích kỷ, sân hận và ngã mạn (akusala) của chúng ta tạo nên những thứ vật chất nguy hại nhất trên thế giới này như các đầu đạn hạt nhân và những quả bom hydrogen (abyākata). Thêm vào đó, nghiệp bất thiện (akusala kamma) mạnh thì cho quả trực tiếp vào khổ cảnh (abyākata) do năng lực của Thường Cận Y Duyên.

Theo lời dạy của Đức Phật, ham muốn vào sự sống và sự thiếu hiểu biết về những khiếm khuyết của nó là những điều chính yếu dẫn đến việc luân hồi không có điểm dừng của chúng ta, và tạo nên chúng ta là ai trong hiện tại. Như vậy, nó không phải là vô lý nếu chúng ta giả định rằng một con chim lấy mật (honey bird) chẳng hạn được sinh ra với mỏ đủ dài để thu nhặt phấn hoa chỉ vì do tổ tiên của nó đã khao khát được như vậy. Trong trường hợp này, sự khao khát (tức là pháp bất thiện đi trước) làm duyên hay là điều kiện cho cái mỏ dài của nó (các pháp vô ký đi sau) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên. Điều này cũng đúng trong trường hợp của con rùa có cái mai đủ cứng để che chở cho nó khỏi bị tấn công bởi những kẻ thù của nó; một con gấu Bắc cực có lông trắng là sự ngụy trang mang tính tự nhiên cho việc săn mồi trên tuyết, và vân vân.

Về mặt tích cực, các pháp bất thiện (akusala) có thể mang lại cho chúng ta những kết quả tốt đẹp (abyākata) theo cách nhất định nào đó. Ví dụ, để tẩy trừ những pháp bất thiện, một hành giả sẽ nỗ lực vượt bậc trong việc thực hành thiền minh sát (vipassanā) cho đến khi hành giả có thể an trú vào thiền quả (phala-samāpatti), tức là kết quả tốt đẹp của sự chứng đắc đạo (magga-kusala). Theo cách này, những pháp bất thiện, nếu được xử lý một cách khôn khéo, thì thậm chí có thể dẫn đến thiền quả (phala-samāpatti) (tức là vô ký (abyākata)) giống như lửa có thể mang lại vô số những lợi ích cho chúng ta nếu được sử dụng một cách khôn khéo. Như vậy, những pháp bất thiện (akusala) làm duyên hay là điều kiện cho những pháp vô ký (abyākata) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên. Đó là lý do tại sao trong Kusala-tika, Pañhavāra có giảng như sau:

“Tham, sân, si, mạn, kiến và dục (sự khao khát) làm duyên hay là điều kiện cho sự đau đớn xác thân, sự khoái lạc xác thân và sự an trú trong thiền quả (phala) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên. Các hành động tội lỗi làm duyên hay là điều kiện cho những kết quả tương ứng của chúng thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.”

 

Vô Ký (Abyākata) Làm Duyên Cho Vô Ký (Abyākata) (Pakatūpanissaya-7)

Phần thứ bảy nói rằng: “Những pháp vô ký (abyākata) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp vô ký (abyākata) đi sau thông qua năng lực của Cận Y Duyên.”

Như đã được đề cập đến ở trước, các pháp vô ký bao gồm các tâm quả, các tâm duy tác, các tâm sở đi cùng của chúng và tất cả các sắc pháp. Các pháp vô ký như sự đau đớn thể xác hay sự khoái lạc thể xác làm duyên hay là điều kiện cho những pháp thích ứng đi sau của chúng. Thêm vào đó, những sắc pháp như thời tiết, vật thực, trú xứ, vân vân cũng là các pháp vô ký (abyākata), làm duyên hay là điều kiện cho những pháp vô ký (abyākata) đi sau. Ví dụ, Đức Phật (ND: Bồ-tát) đã thực hành thiền trọn đêm với nỗ lực tuyệt đỉnh dưới cội cây Bồ- đề (Bodhi) vào ngày trăng tròn của tháng Năm sau khi đã thọ dụng cháo sữa do tín nữ Sujātā dâng cúng. Vào rạng sáng, Ngài đã chứng đạt sự giác ngộ đạo quả (magga-phala) và an trú trong thiền quả (phala-samāpatti) cả một tuần dưới cội cây đó. Trong trường hợp này, trú xứ (tức là cội cây Bồ-đề) và thực phẩm (cháo sữa) là những pháp vô ký (abyākata) mà hiển nhiên đã góp phần vào việc an trú vào thiền quả (phala-samāpatti) của Ngài (thiền quả là pháp vô ký (abyākata)) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

Hơn nữa, như đã được đề cập đến trong phần Kiến Thức Cơ Bản Về Thắng Pháp, các hiện tượng vô thức trong thế gian đều được bao gồm trong các pháp vô ký. Theo Thắng Pháp (Abhidhamma), tất cả chúng đều được sanh ra t ừ nhiệt lượng (utu), tức là yếu tố lửa theo nghĩa chân đế. Do đó, với sự kiện này, không phải là không hợp lý khi chúng ta giả định rằng tất cả các pháp vô tri, vô giác trên thế gian được khởi tạo từ mặt trời, mà là đại diện cho yếu tố lửa, và dần dần biến chuyển thành vô số vật thể khác nhau mà chúng ta thấy ngày nay. Tất cả các hiện tượng vật chất được bao gồm trong pháp vô ký (abyākata). Do đó, chính là do năng lực của Thường Cận Y Duyên số 7 mà các pháp vô ký đi trước dần dần chuyển đổi thành những pháp đi sau cho đến khi chúng trở thành như chúng ngày nay.

 

Vô Ký (Abyākata) Làm Duyên Cho Thiện (Kusala) (Pakatūpanissaya-8)

Phần thứ tám nói như sau: “Các pháp vô ký (abyākata) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho những pháp thiện (kusala) đi sau thông qua năng lực của Cận Y Duyên.”

Các hiện tượng mang tính kết quả như là sự đau khổ và sự an lạc, và các hiện tượng vật chất như là thời tiết, vật thực, trú xứ, vân vân là các pháp vô ký (abyākata) mà làm duyên hay là điều kiện cho các pháp thiện (kusala) như là bố thí (dāna), trì giới (sīla), sự chứng đắc thiền chỉ (jhāna), tuệ minh sát (vipassanā), sự giác ngộ đạo (magga), và vân vân.

Một vài người có từ tâm và thông hiểu đến mức họ có thể chuyển sự đau khổ của mình thành những pháp thiện. Ví dụ, nếu họ bị ung thư và có chủ ý mãnh liệt muốn giúp những người cùng mang bệnh tật như vậy thoát khỏi căn bệnh quái ác như vậy, họ cống hiến tài sản của họ cho các nơi làm từ thiện và các tổ chức đang nghiên cứu tìm giải pháp chữa trị bệnh ung thư. Như vậy, sự đau khổ của họ, tức là một pháp vô ký, làm duyên hay là điều kiện cho những pháp thiện của họ. Khi họ có sự an lạc sau khi được điều trị khỏi căn bệnh trầm kha như vậy, họ bố thí hay đóng góp từ thiện với mục đích mang lại cùng sự an lạc đó đến cho những bệnh nhân tương tự. Như vậy, sự đau khổ và sự an lạc (abyākata) của một người có thể làm duyên hay là điều kiện cho những pháp thiện (kusala).

Theo cách này, những hiện tượng vật chất như thời tiết, vật thực, trú xứ, vân vân (tức là những pháp vô ký (abyākata)) cũng là một lực đẩy ở phía sau cho những pháp thiện (kusala) của những người khôn ngoan và từ ái như bố thí (dāna), trì giới (sīla), thiền định (jhāna), tuệ minh sát (vipassanā), sự chứng ngộ đạo (magga). Ví dụ, có một vài hành giả trải qua nhiều năm sống cô lập để hành thiền tích cực trong rừng. Đối với họ, hoa và lá rơi rớt trên mặt đất thường được xem như là một sự nhắc nhở rằng mọi thứ là vô thường. Loại môi trường này mang lại cho họ cái cảm giác khẩn cấp mà khiến cho họ phải tinh cần nhiều hơn trong việc hành thiền. Như vậy, các hiện tượng vật chất như hoa lá (tức là vô ký (abyākata)) làm duyên hay là điều kiện cho những pháp thiện (kusala) của những hành giả thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

 

          Vô Ký (Abyākata) Làm Duyên Cho

Bất Thiện (Akusala)

(Pakatūpanissaya-9)

Phần thứ chín nói rằng: “Các pháp vô ký (abyākata) đi trước làm duyên hay là điều kiện cho các pháp bất thiện (akusala) đi sau thông qua năng lực của Cận Y Duyên.”

Các pháp vô ký (abyākata) bao gồm những hiện tượng mang tính kết quả như sự đau đớn, sự an lạc, và các hiện tượng vật chất như thời tiết, thực phẩm, trú xứ, vân vân, làm duyên hay là điều kiện cho những pháp bất thiện (akusala) như sát sanh, trộm cướp, vân vân.

Khi chúng ta đang ở trong đau khổ, chúng ta có xu hướng trở nên giận dữ và đôi lúc ganh tỵ với những người đang tự tại không có bệnh hoạn. Lịch sử đã có nhiều sự kiện trong đó con người đã quá đói khát đến mức họ đã giết chết đồng loại để ăn thịt. Ở đây, sự đau khổ có liên quan đến việc đói khát (abyākata) của họ hiển nhiên đã đóng góp vào những pháp bất thiện (akusala) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên.

     Ở mặt khác, những khoái lạc dục trần (abyākata) gián tiếp làm một lực đẩy đằng sau những tệ nạn như trộm cướp hay sát hại (tức là các pháp bất thiện (akusala)). Như vậy, sự an lạc (abyākata) rõ ràng làm duyên hay là điều kiện cho những pháp bất thiện (akusala) thông qua năng lực của Thường Cận Y Duyên. Thật ra, tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta là vô ký (abyākata) và có thể làm kích khởi những pháp bất thiện (akusala) nếu chúng ta không có chánh niệm.

Ví dụ, một bức hình có thể làm sanh khởi lên cảm giác dục vọng, hay sân hận, hay ít nhất là si mê. Mặt trăng (tức là pháp vô ký (abyākata)) được cho là làm khơi gợi những cảm giác bất thiện như giận dữ hay tình cảm lãng mạn (akusala). Theo các khảo sát khoa học, con người có khuynh hướng bị kích động quá mức vào những ngày trăng tròn, mà dẫn đến việc gia tăng các tệ nạn như cưỡng ép tình dục và chém giết. Như vậy, các hiện tượng vật chất như thời tiết, trú xứ, vật thực, vân vân (tức là những pháp vô ký (abyākata)) làm duyên hay là điều kiện cho những pháp bất thiện (akusala) do năng lực của Thường Cận Y Duyên. Do đó, trong Kusala-tika, Pañha-vāra có giảng rằng:

“Sự đau khổ và sự an lạc xác thân, thời tiết, vật thực và trú xứ dẫn đến sát sanh, trộm cướp, nói dối, và vân vân.”

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app