Níp-bàn (Nibbāna)

Định Nghĩa Níp-bàn (Nibbāna)

Loại pháp chân đế cuối cùng là Níp-bàn (Nibbāna), được định nghĩa theo nghĩa đen là sự tẩy trừ hay sự nhổ tận gốc rễ tham ái hay sự dính mắc (vānato nikkhantaṃ nibbānaṃ). Đó là lý do tại sao trong bài thuyết giảng đầu tiên của mình, chính Đức Phật đã miêu tả Níp-bàn, tức là Diệt Đế (nirodha-sacca) như sau:

“Tassāyeva taṇhāya asesavirāganirodho1, cāgo, paṭinissaggo, mutti, anālayo” (Suttanta Mahāvagga, trang 247)

“Diệt Đế (Nibbāna) là sự dập tắt hoàn toàn tham ái, sự từ bỏ nó, sự tẩy trừ nó, sự giải thoát khỏi nó hay sự tách rời khỏi nó.”

Để làm rõ thêm điểm này, tôi sẽ thuật lại một sự kiện. Trong một tai nạn xe hơi ở Miến Điện, một phụ nữ đã khóc than trong sự đau đớn trên thân xác của người chồng đã chết đang nằm úp mặt xuống đường. Tuy nhiên, khi cảnh sát đến và lật ngửa xác chết lên thì bà ta lại bật cười vì bà nhận ra rằng xác chết đó không phải là chồng bà mà lại là người đồng nghiệp của ông. Thật ra, điều đã làm cho bà ta có cảm giác đau đớn thì không phải là việc một người đã bị giết chết, mà là do bà ta đã dính mắc vào người đó nhiều như thế nào. Nếu người

đồng nghiệp đó là một ai khác mà bà ta có dính mắc vào thì bà ta chắc đã có cảm giác đau khổ tột cùng. Mặt khác, nếu bà ta không dính mắc vào chồng mình thì bà ta đã không đau khổ nhiều như vậy. Cho nên, sự dính mắc hay sự ham muốn tạo ra sự đau khổ hay sự buồn rầu của chúng ta. Sự dính mắc càng sâu đậm thì sự đau khổ càng trở nên nghiêm trọng; sự dính mắc càng yếu đi thì sự đau khổ càng được giảm thiểu; không có dính mắc thì không có đau khổ. Đây là nghĩa đen của Níp-bàn (Nibbāna).

Hơn nữa, sự dính mắc hay sự ham muốn là cái tạo nên đời sống của chúng ta. Việc nó là hạnh phúc hay phiền muộn thì lại phụ thuộc vào nghiệp (kamma) của chúng ta là tốt hay xấu như thế nào. Ví dụ, việc ham muốn lá xanh trên những cây cao có thể là dạng năng lượng mang tính di truyền tạo nên cổ dài cho loài hươu cao cổ. Việc ham muốn có sự che chở có lẽ là động lực tạo nên cái mai cứng cho loài rùa. Trong Đại Chiến Thế Giới Lần Thứ Hai, một phi cơ chiến đấu của Anh quốc đã bị bắn rơi xuống một vùng ở hạ phần Miến Điện. Hai phi công đã bị giết chết và đã tái sanh làm hai chị em sinh đôi tại một ngôi làng kế cận. 

1  ND: Trong nguyên tác ghi là “asesa-nirodho”. Chúng tôi đã tra cứu trong DPR và ghi nhận rất nhiều trích dẫn trong Chánh Tạng như được trình bày ở trên.

Họ đã có thể thuật lại kiếp sống quá khứ của mình một cách sinh động đến mức không ai có thể chối bỏ được họ. 

Tại cuộc phỏng vấn với một nhà nghiên cứu người Mỹ, khi được hỏi tại sao họ lại tái sanh làm nữ, họ đã trả lời rằng có lẽ là do họ đã luôn luôn nghĩ về vợ của mình khi họ xa nhà. Câu trả lời của họ chỉ định rằng sự dính mắc tạo lập nên đời sống của chúng ta theo cách thức mà chúng ta ước muốn về nó. Đó là lý do tại sao trong Giáo Lý Duyên Khởi (Paṭicca-samuppāda) có dạy rằng: “Phụ thuộc vào sự dính mắc, sự tục sinh sanh lên.” Nhưng chính nghiệp (kamma) của chúng ta lại xác định chất lượng của đời sống đó.

Hiển nhiên không ai trên trái đất này muốn chết cả. Điều đó có nghĩa là mọi người trên trái đất này đều dính mắc vào sự sống. Do đó chẳng có gì lạ trong việc tại sao chúng ta lại cứ tiếp tục tái sanh. Nếu không có sự dính mắc vào đời sống hay vào bất kỳ một cái gì khác trong cuộc sống thì sẽ không còn tái sanh nữa, không còn tuổi già nữa, không còn bệnh hoạn nữa và không còn chết nữa. Như vậy, sự chấm dứt dính mắc hay sự chấm dứt tham ái dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Điều đó chính là ý nghĩa của Níp-bàn (Nibbāna) theo như bài giảng đầu tiên của Đức Phật. Ở đây, có câu hỏi được đặt ra như sau: “Nếu sự chấm dứt tham ái là sự chấm dứt đau khổ thì tại sao Đức Phật vẫn bị đau lưng chẳng hạn, sau khi Ngài đã hoàn toàn tẩy trừ tham ái?” Câu trả lời là như sau: “Ngài vẫn bị đau lưng vì Ngài vẫn còn thân xác vật lý vốn là di sản của những tham ái trong những kiếp sống quá khứ của Ngài. Đó là lý do tại sao lại loại Níp-bàn (Nibbāna) này được gọi là Hữu Dư Níp-bàn (sa-upādisesa nibbāna), tức là loại Níp-bàn vẫn còn những pháp dư sót. Mặc dầu vẫn còn đau đớn thân xác, nhưng Đức Phật đã không trải nghiệm bất kỳ sự đau đớn tinh thần nào mà vốn có thể được gây ra bởi sự đau đớn thân xác đó.

Còn nhiều câu hỏi chung chung khác về Níp-bàn (Nibbāna), chẳng hạn như: Níp-bàn (Nibbāna) ở đâu? Làm sao chúng ta có thể đến đó được? Câu chuyện sau đây có thể cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi này:

Khởi Thủy Và Tận Cùng Của Thế Gian

Vào một thuở nọ, có một ẩn sĩ thể hiện thần thông để cố gắng đến được nơi tận cùng của vũ trụ. Ông ta có thể bay xuyên suốt vũ trụ với tốc độ của mũi tên xuyên qua cái bóng của cây thốt nốt. Ông ta đã di chuyển ở tốc độ siêu phàm như vậy hết cả cuộc đời của mình. Tuy nhiên, ông đã không bao giờ đến được nơi tận cùng của vũ trụ. Sau khi chết, ông ta đã tái sanh làm một thiên nhân có thần lực tên là Rohitassa. Một ngày nọ, vị thiên nhân này đã viếng thăm Đức Phật và bạch hỏi rằng: “Nơi tận cùng của thế giới là ở đâu và làm sao chúng ta có thể đến đó được?” Đức Phật đã ban cho ông một câu trả lời có tính cách khai sáng như sau:

“Ta nói rằng, trong chính cái thân xác tri giác và tỉnh thức dài một trượng này có cả thế giới, nguồn gốc của thế giới và sự tận cùng của thế giới.” (Aṅguttara-1, 356)

Như được đề cập đến ở trên, chính sự dính mắc hay tham ái khiến cho chúng ta tục sinh, lão hóa và chết đi hết kiếp này đến kiếp khác. Chính vòng luân hồi liên tục này (saṃsāra) là thế gian (loka). Chúng ta có thể đạt đến sự kết thúc của nó (tức là Níp-bàn (Nibbāna)) khi chúng ta hoàn toàn giác ngộ, tức là không còn chỗ cho tham ái và tục sinh. Tuy nhiên, nó không phải là sự hủy diệt của bất kỳ một cá nhân nào. Nó cũng không phải là một dạng tái sanh đặc biệt vào một cõi thiên giới, nơi mà hạnh phúc vĩnh cửu tồn tại như được đề xướng hay được chủ trương bởi một vài chủ thuyết. Trong thực tế, nó chỉ giống như là thức dậy từ một giấc mơ. Mọi thứ tốt hay xấu, an lạc hay bất toại nguyện trong một giấc mơ sẽ trở thành chẳng là gì cả một khi chúng ta thức giấc. Níp-bàn (Nibbāna) là sự thức dậy khỏi một cảm giác mê mờ hay lầm lạc như vậy về cuộc sống.

Khái Niệm Hay Chế Định (Paññatti)

Như đã được bàn đến, theo Thắng Pháp (Abhidhamma) thì chỉ có bốn pháp chân đế: tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna) . Ngoài bốn pháp này ra, tất cả mọi thứ khác là những ảo tưởng không có thực chất hay chỉ là những pháp chế định (paññatti). Paññatti thông thường được dịch là “khái niệm”; tuy nhiên, nó được định nghĩa một cách sát nghĩa là “một cái gì đó làm cho chúng ta chấp nhận và tin vào” (paññāpeti paññāpīyate vā paññatti). Như vậy, nó nên được dịch đúng nghĩa là “chế định” thay vì “khái niệm”. Ví dụ, có sự khác biệt to lớn giữa tờ giấy tiền một đồng và tờ giấy tiền một trăm đồng mặc dầu cả hai đều được chế tạo bởi cùng vật liệu theo nghĩa tuyệt đối. Chúng ta bị định đặt vào việc tin rằng những tờ giấy này là tiền bạc, việc này làm cho chúng ta thậm chí sẽ hy sinh cả thân mạng của mình để sở hữu chúng. Đó là ý nghĩa của thuật ngữ “paññatti”.

Có vô số loại chế định (paññatti) được nhắc đến trong Thắng Pháp (Abhidhamma), chẳng hạn như hình thức chế định (saṇṭhāna-paññatti), thời gian chế định (kāla-paññatti), nhân chế định (puggala paññatti), địa phận chế định (desa-paññatti), hư không chế định (ākāsa-paññatti)1 và vân vân.

Hình Thức Chế Định

(Saṇṭhāna Paññatti) 

Cùng vật liệu có thể có những chức năng khác nhau hoặc tạo ra những hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào hình dáng hay mẫu mã thiết kế của chúng. Ví dụ, sắt thép có thể chế thành nhiều loại vật thể khác nhau từ đồ chơi cho đến phi cơ (saṇṭhāna-paññatti) tùy theo cách nó được tạo hình hay được thiết kế. Điều này cho thấy chế định (paññatti) đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta.

Ví dụ, cách đây khoảng bốn thập kỷ, Marilyn Monroe đã cực kỳ được hâm mộ trong nam giới. Hình thể của cô ta đã rúng động thế giới của đàn ông. Và điều được ghi nhận là cách cô ta nói và đi rất là gợi cảm. Thậm chí tổng thống Hoa Kỳ (John F. Kennedy) lúc bấy giờ cũng được cho là đã có mối quan hệ với cô ta. Hình thể hay cung cách của cô ta đã có năng lực như vậy mặc dầu cơ thể của cô ta được tạo thành bởi cùng loại xương và cơ thịt như mọi phụ nữ khác trên thế giới. Hình thể hay cung cách thì không phải là cái thật sự tồn tại, nhưng nó làm cho chúng ta tin rằng cái này thì đẹp hơn cái kia. Chúng ta đang sống trong một thế giới giả định. Sự ảo tưởng này luôn luôn làm cho chúng ta rồ dại. Do đó, Đức Phật đã nói:

“Sống dưới cảm giác hư ảo (về sự thường hằng, khoái lạc, bản ngã và vẻ đẹp) người chưa giác ngộ sẽ trở nên rồ dại. Khi nhận thức ra nó một cách rõ ràng, chúng ta có thể thoát khỏi sự nô lệ cho cái chết.” (Vipallāsa Sutta Aṅguttara 1, 361)1

 1 ND: Trong nguyên tác tiếng Anh ghi là “ākāra-paññatti”. Chúng tôi không rõ đây có phải là lỗi biên tập không. Chúng tôi không tìm thấy “ākāra-paññatti” được đề cập đến ở đâu cả trong các tài liệu Abhidhamma mà chúng tôi đã tra cứu. Tuy nhiên, “ākāsa-paññatti” thì lại có đề cập đến, nên chúng tôi mạn phép thay thế “ākāra-paññatti” bằng “ākāsa-paññatti” ở đây.

Nhân Chế Định (Puggala Paññatti)

Một loại chế định khác là về con người. Về loại chế định này, vua Milinda đã hỏi ngài Nāgasena rằng ngài thật sự là ai. Ngài Nāgasena đã trả lời rằng Nāgasena chỉ là tên gọi hay là khái niệm về con người. Thật ra, không có người nào cả theo nghĩa tuyệt đối. Rồi nhà vua đã hỏi: “Vậy thì ai dâng cúng y phục, vật thực, trú xứ và thuốc men đến ngài, và ai tiếp nhận và sử dụng chúng.” Ngài Nāgasena đã trả lời rằng dựa trên sự kết hợp của 32 bộ phận (ND: thể trược) của cơ thể hay (chính xác hơn là) năm uẩn, cái tên gọi hay cái khái niệm Nāgasena sanh lên. Ngài kết thúc câu trả lời dài của mình bằng việc nhắc đến câu kệ Pāḷi có nghĩa như sau:

“Giống như việc khái niệm về một cỗ xe ngựa sanh lên dựa trên sự kết hợp của những mảnh rời rạc, cũng vậy khái niệm về con người sanh lên dựa vào tiến trình liên tục của các uẩn.” (Milinda-pañhā 24-26)

 1 ND: Độc giả hãy tham khảo Kinh Tưởng Điên Đảo, Tăng Chi Bộ do Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Thời Gian Chế Định (Kāla Paññatti)

Giống với hình thể và con người, thời gian cũng là một khái niệm mà không thật sự tồn tại theo nghĩa tuyệt đối. Nói một cách khác, thời gian chỉ là một phương hướng hay một chiều của danh và sắc, không có gì khác hơn. Nếu không có danh và sắc, nó không thể được tìm thấy cũng như không thể được nói là xuất hiện hay biến mất ở trong bất kỳ dạng nào. Điều này cũng được dùng để giải thích cho vô số những loại khái niệm còn lại, như địa phận, chiều hướng, tên gọi (danh), chủng tộc, đẳng cấp, vẻ đẹp và sự xấu xí, và vân vân. 

Hai Loại Sự Thật (Sacca)

Như đã được nhắc đi nhắc lại, các khái niệm hay các pháp chế định (paññatti) thì không phải là những thứ thật sự tồn tại theo nghĩa tuyệt đối. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng không quan trọng. Thật ra, các khái niệm (paññatti) và các pháp chân đế (paramattha) là không thể tách rời nhau được giống như một cái gì đó và kích thước của nó. Cho nên, nếu chúng ta chú trọng quá nhiều vào những pháp chân đế, nó thậm chí sẽ là khó khăn cho chúng ta phân biệt giữa công đức và điều đáng chê trách. Như Pakudha Kaccāyana1 đã nói, ví dụ như, chẳng có tội lỗi gì cả khi cắt cổ một người bằng một thanh gươm vì việc làm đó chỉ là đặt thanh gươm vào các yếu tố (tạo thành nên một con người). Tuy nhiên ở mặt khác, nếu chúng ta chỉ quan tâm hay chú ý đến những pháp chế định, chúng ta sẽ giống như là một con nai khát nước nhầm lẫn ảo ảnh với nước và cứ đi theo cái ảo ảnh đó một cách vô vọng.

Do đó, để tránh những cực đoan (ati-dhāvana) này, chúng ta phải chấp nhận cả hai loại sự thật một cách thích hợp: tục đế (sammuti-sacca) và chân đế (paramattha-sacca). Chúng ta cần phải có cảm nhận về sự thật chế định để chúng ta có thể biết rõ những sự khác biệt, chẳng hạn như giữa mẹ của mình và bạn gái của mình, giữa công đức và điều sai trái, và vân vân. Ở mặt khác, chúng ta lại cần phải nỗ lực để nhìn thấy được sự thật tối hậu vượt lên trên cảm giác mê lầm về sự thường hằng, về sự khoái lạc và về bản ngã để chúng ta có thể tỉnh thức từ sự mê mờ.

1 Pakudha Kaccāyana là người sáng lập ra một giáo phái trong thời của Đức Phật. Ông dạy tín đồ của mình rằng có bảy yếu tố là những pháp tối hậu không thể chuyển đổi được của thế gian: đất, nước, lửa, gió, sự khoái lạc, sự bất toại nguyện và linh hồn. Ông ta đã nói rằng cắt cổ một người bằng một thanh gươm chỉ là tương đương với việc đặt thanh gươm vào trong những yếu tố này. (Sīlakkhandha-vagga, trang 53)

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app