Nhân Duyên

(Hetu-paccayo) 

Pāḷi Trích Dẫn (Paṭṭhāna-1, Trang 1)

Hetū       hetusampayuttakānaṃ      dhammānaṃ,

taṃsamuṭṭhānānañca1 rūpānaṃ hetu-paccayena paccayo

Phần Chuyển Ngữ

Các nhân làm điều kiện (duyên) cho tâm hữu nhân và các tâm sở và sắc pháp do nhân tạo thông qua lực của nhân duyên.

Sáu Nhân

“Nhân” ở đây ám chỉ đến những tâm sở làm nhân cho tâm và những tâm sở sanh lên cùng với chúng, giống hệt như cách các gốc rễ thật đối với một cội cây. Có sáu nhân:

  1. Tham (Lobha): tâm sở này bao gồm những trạng thái tinh thần như tham lam, ích kỷ, khao khát, ham muốn, dính mắc, tình yêu đôi lứa và vân vân.
  2. Sân (Dosa): tâm sở này bao gồm những trạng thái tinh thần như ác cảm, giận dữ, thù hận (ở dạng chủ động), lo lắng, lo âu, hối hận, hối tiếc, thất vọng, ai oán (ở dạng thụ động).

1 ND: Trong nguyên tác tiếng Anh ghi là “taṃsamamuṭṭhānānañca”. Chúng tôi đã tra cứu các tài liệu khác (tipitaka.org và Digital Pāḷi Reader (DPR)) và đã chỉnh sửa lại cho đúng. Những phần Pāḷi Trích Dẫn tiếp theo sau cũng có rất nhiều sai sót; chúng tôi sẽ trích dẫn trực tiếp từ DPR và sẽ không ghi chú những lỗi sai sót trong nguyên tác như ở đây nữa.

  1. Si (Moha): tâm sở này bao gồm những trạng thái tinh thần như sự ngu đần, si mê, ảo giác, lú lẫn.
  2. Vô tham (Alobha): tâm sở này bao gồm những trạng thái tinh thần như không tham lam, tức là đặc tính có trong và dẫn đến sự không ích kỷ, sự rộng lượng và sự dứt bỏ.
  3. Vô sân (Adosa): tâm sở này bao gồm những trạng thái tinh thần như không thù hận, tức là chỉ đến lòng khoan dung, tình thương không có điều kiện.
  4. Vô si (Amoha): tâm sở này bao gồm những trạng thái tinh thần như vô si, tức là đặc tính có trong và dẫn đến sự hiểu biết, trí tuệ, năng lực suy quán, tri thức phổ biến, trí tuệ minh sát và sự giác ngộ.

Trong số sáu nhân này, ba nhân đầu tiên được xem là bất thiện (akusala) vì chúng không trong sạch, có lầm lỗi (sāvajja) và cho ra những quả đau khổ (dukkha-vipāka). Ba nhân cuối cùng là thiện (kusala) vì chúng trong sạch, không có lỗi lầm (anavajja) và mang lại những quả an lạc (sukha-vipāka). Tuy nhiên, những nhân thiện mà thuộc vào một vị A-la-hán (Arahat) thì được gọi là “duy tác” (kriyā) chứ không phải “thiện” (kusala) vì chúng không thể mang lại bất kỳ quả nào. Thêm nữa, những nhân mà có được hay được tạo ra từ nghiệp (kamma) thiện hay bất thiện thì được gọi là nhân quả (vipāka)

Ba Yếu Tố Chung

  1. a)  Yếu tố làm duyên (paccaya): bao gồm sáu tâm sở được nhắc đến ở trên.
  2. b)  Yếu tố được/bị duyên (paccayuppanna): bao gồm các tâm hữu nhân, những tâm sở sanh lên cùng với chúng và các sắc pháp do chúng tạo ra.
  3. c)  Chế độ hay phương thức duyên (paccaya-satti): Nhân Duyên, tức là nguồn lực mà thông qua đó các yếu tố trong phần a) làm điều kiện hay làm duyên cho các yếu tố trong phần b).

Các Nhân Trong Đời Sống Bình Nhật

Ba tâm sở thiện như là vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) làm nhân hay là gốc rễ cho những việc công đức như bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tham thiền (bhāvanā). Ba nhân tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) là các nhân hay gốc rễ cho những việc tội lỗi như sát sanh, trộm cướp và vân vân.

Các Nhân Của Bố Thí (Dāna)

Chúng ta thực hiện viên mãn việc bố thí khi chúng ta không ích kỷ (alobha), có hảo ý (adosa) và sáng suốt hay khôn ngoan (amoha). Nếu chúng ta quá dính mắc vào những vật sở hữu của mình, và trở nên ích kỷ và bủn xỉn, chúng ta không thể thực hiện hoàn mãn được việc bố thí (dāna). Nếu chúng ta ghét một ai đó, chúng ta sẽ không bố thí, ban tặng hay dâng cúng người đó bất cứ cái gì. Nếu chúng ta không khôn ngoan, chúng ta có thể ban tặng một cái gì đó vô ích hay độc hại. Việc bố thí đòi hỏi ít nhất hai nhân thiện: vô tham và vô sân. Do đó, nếu chúng ta bỏ ra một triệu đô-la Mỹ làm từ thiện chỉ để có danh tiếng và lợi lộc thì điều đó không được gọi là bố thí (dāna). Mặt khác, nếu chúng ta trả thuế cho chính phủ với chủ ý giúp đỡ mang lại phúc lợi cho mọi người thì điều đó có thể được xem là bố thí (dāna).

Có những hành động bố thí (dāna) được thực hiện với chỉ hai nhân, tức là vô tham và vô sân, chứ không có vô si. Những hành động này được gọi là bố thí (dāna) với chất lượng nghèo nàn (dvi-hetuka omaka). Có những lúc chúng ta ban tặng một cái gì đó cho một ai đó chỉ là do lịch sự hay chỉ là do hảo tâm mà không bận tâm chú ý đến hay nhận ra được những kết quả của việc làm đó. Ví dụ, thậm chí với ý định tốt là giúp đỡ làm giảm nhẹ nỗi đau đớn của một ai đó, chúng ta có thể vô ý cho người đó uống sai thuốc. Loại bố thí (dāna) này chỉ có hai nhân và được gọi là thiện bất tương ưng trí hay thiện ly trí (ñāṇa-vippayutta-kusala).

Ba Yếu Tố

Tại thời điểm bố thí (dāna), các trạng thái tinh thần của chúng ta được tạo thành hay được tạo lập bởi ba yếu tố của nhân duyên như sau:

  1. a)  Các pháp làm duyên: hai hay ba nhân thiện.
  2. b)  Các pháp được duyên: tâm (một trong tám tâm đại thiện hoặc các tâm đại duy tác nếu người thực hiện là bậc Thánh A-la-hán1) và các tâm sở đi cùng với chúng, và các sắc pháp do tâm tạo.
  3. c)  Chế độ hay phương thức duyên: các yếu tố trong phần a) làm điều kiện hay làm duyên cho các yếu tố trong phần b) do bởi nguồn lực Nhân Duyên.

1  Bậc A-la-hán là bậc đã giác ngộ hoàn toàn. Các hành động thiện của các ngài như bố thí, trì giới, vân vân, không cho quả vì các ngài không còn tái sanh. Đó là lý do tại sao các trạng thái tinh thần thiện của các ngài được gọi là Duy Tác (kriyā) chứ không phải Thiện

(kusala).

Các Nhân Của Trì Giới (Sīla)

Giới hạnh theo nghĩa tuyệt đối bao gồm ba loại ngăn tránh (virati): chánh ngữ (sammā-vācā), tức là ngăn tránh khỏi bốn loại tà ngữ1; chánh nghiệp (sammā-kammanta), tức là ngăn tránh khỏi ba loại tà nghiệp2; và chánh mạng (sammā- ājīva), tức là mưu sinh mà không phạm vào bốn tà ngữ và ba tà nghiệp. Như vậy, ba tâm sở này cùng với tâm và các tâm sở cùng sanh lên được gọi chung là giới (sīla).

Để giữ cho giới hạnh hay đạo đức của chúng ta được trong sạch, chúng ta cần sự can đảm để chống lại những khêu gợi hay gọi mời của các dục lạc, để có thể hy sinh quyền lợi và danh tiếng cá nhân, và để có thể đối mặt với những khó khăn và thử thách. Sự can đảm có tính đạo đức như vậy phát sinh ra từ ba nhân thiện: vô tham, vô sân và vô si. Nếu chúng ta tham lam, thật khó để chúng ta có thể kiềm chế bản thân để không thực hành hay tiếp tay vào những hành động bất hợp pháp như trộm cướp, mua bán thuốc phiện hay thậm chí mua bán con người. Nếu chúng ta tàn nhẫn hay không có lòng từ, chúng ta dễ dàng sát sanh, sát hại và chửi rủa người khác. Nếu chúng ta không khôn ngoan, chúng ta sẽ không biết cách trở nên thành công trong cuộc sống và chúng ta cũng sẽ không hiểu được những lợi ích của giới hạnh. Kết quả là chúng ta sẽ mắc nhiều lỗi lầm cũng như có những hành vi đạo đức không thích đáng. Do đó, nếu không có những nhân thiện thì không thể có những hành động đạo đức được.

1  Bốn loại tà ngữ: nói dối, nói đâm thọc hay nói chia rẽ, nói độc ác hay phỉ báng, và nói vô ích

2 Ba loại tà nghiệp: sát sanh, trộm cướp và tà dâm

Để thành công trong cuộc sống, chúng ta cần thỏa mãn hai điều kiện: tạo ra những nỗ lực thông minh (payoga) và kích hoạt món quà bẩm sinh của chính mình (kusala kamma) bằng cách thực hiện những việc thiện. Một vài trong số chúng ta có lẽ đã được dạy bảo rằng cơ hội ngàn vàng chỉ đến một lần trong đời, và do đó phải cố gắng bắt giữ nó bằng mọi phương tiện có thể. Thật ra, có vô số cơ hội xuất hiện trong tầm với của chúng ta. Bằng cách hành động một cách khôn khéo (payoga) và thực hiện những việc thiện (kusala kamma) để kích hoạt nghiệp tốt trong quá khứ của mình, chúng ta sẽ có thể bắt giữ được những cơ hội tốt đẹp này tại bất kỳ lúc nào.

Đó là lý do tại sao Đức Phật đã dạy như sau trong

Kinh Buổi Sáng Tốt Lành (Pubbaṇha Sutta):

“Những vì sao may mắn, những lời chúc tụng may mắn, ngày may mắn, giờ giấc may mắn, các thời điểm may mắn và những sự danh dự may mắn luôn luôn xảy ra cho người làm thiện, làm tốt.” (Aṅguttara-1, 298)

Như vậy, chính dũng khí đạo đức làm cho chúng ta có thể chống lại những sự cám dỗ mạnh mẽ của các dục lạc và ngăn tránh khỏi việc sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối và sử dụng các chất say. Dũng khí đạo đức như vậy sanh lên từ ba nhân thiện: vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha). Tuy nhiên, cũng như trong trường hợp của bố thí (dāna), có những lúc chúng ta trì hành giới hạnh (sīla) mà không có trí tuệ. Loại giới hạnh (sīla) này chỉ có hai nhân: vô tham (alobha) và vô sân (adosa).

Tại thời điểm trì hành giới hạnh (sīla), các trạng thái tinh thần của chúng ta được tạo thành hay được tạo lập bởi ba yếu tố của nhân duyên như sau:

  1. a) Các pháp làm duyên: hai hay ba nhân thiện.
  2. b)  Các pháp được duyên: tâm (một trong tám tâm đại thiện hoặc các tâm đại duy tác nếu người thực hiện là bậc Thánh A-la-hán) và các tâm sở đi cùng với chúng, và các sắc pháp do tâm tạo.
  3. c)  Chế độ hay phương thức duyên: các yếu tố trong phần a) làm điều kiện hay làm duyên cho các yếu tố trong phần b) do bởi nguồn lực Nhân Duyên.

Các Nhân Của Tham Thiền (Bhāvanā)

Có hai loại thiền. Đó là thiền chỉ tịnh (samatha) và thiền minh sát (vipassanā).

Các Nhân Của Thiền Chỉ Tịnh (Samatha)

Thiền chỉ tịnh được dùng để phát triển định bằng cách tập trung tâm ý của chúng ta vào chỉ một đối tượng chẳng hạn như hơi thở ra vào, hay vào một trong bốn loại màu sắc, hay vào các đề mục hoàn tịnh như một cái đĩa bằng đất sét (pathavī-kasiṇa) và vân vân. Khi tâm ý của chúng ta hoàn toàn tập trung vào đề mục thiền, sự an bình tự nhiên khởi phát – đó kết quả của việc làm lắng dịu đi những phiền não tinh thần như ái dục, sự giận dữ, sự buồn bã, lo lắng, lo âu và vân vân. Bằng cách thực hành thiền chỉ tịnh (samatha), chúng ta có thể chứng đạt được những tầng định nhất định mà được gọi là thiền (jhāna). Điều quan trọng hơn là định góp phần trực tiếp vào sự hiểu biết và trí tuệ của chúng ta. Nếu tâm ý của chúng ta phóng dật và không ổn định, chúng ta không thể học bất kỳ điều gì một cách có hiệu quả được. Nếu tâm ý của chúng ta ổn định và an bình, chúng ta có thể trở nên thông minh hơn và khôn ngoan hơn.

Đó là lý do tại sao Đức Phật đã dạy:

“Này các tỳ-kheo, một tu sĩ với định hay có định (thì) hiểu biết được các pháp một cách đúng đắn.” (Saṃyutta-3, 302)

Việc thực hành thiền chỉ tịnh (samatha) chỉ là thiện thông thường (tức là thuộc vào một trong tám tâm đại thiện), nhưng thiền (jhāna) chứng đạt được thông qua việc thực hành đó thì lại là một loại thiện đặc biệt, siêu việt hơn những việc thiện thông thường như bố thí và trì hành giới hạnh. Thiền (jhāna) trong nghĩa thật của nó là định ở mức độ cao. Hiển nhiên loại định như vậy không thể xảy ra nếu tâm ý của chúng ta bị ô nhiễm với tham lam, ái luyến, giận dữ, thù hận, ganh ghét và vân vân. Cho nên, điều rõ ràng là định chỉ có thể sanh lên khi tâm ý  của chúng ta trong sạch không có các triền cái như vậy. Nói một cách khác, thiền (jhāna) chỉ có thể xảy ra khi nó tương ưng với ba nhân thiện. Cơ bản thì có năm tầng thiền (jhāna) và tất cả chúng đều đòi hỏi ba nhân thiện. Tuy nhiên, trước khi thiền (jhāna) được chứng đạt, sự thực hành thiền có thể được thực hiện mà không cần trí tuệ, và do đó, nó có thể chỉ là với hai nhân, tức là không có nhân vô si (amoha). Dầu là cách nào đi nữa thì thiền (jhāna) luôn có ba nhân thiện làm điều kiện hay làm duyên cho tâm thiền và các tâm sở liên quan, và các sắc pháp do tâm tạo thông qua năng lực của Nhân Duyên. 

Các Nhân Của Thiền Minh Sát (Vipassanā)

Vipassanā có nghĩa đen là thấy phi thường hay thấy siêu phàm. Theo giáo lý của Đức Phật, chỉ có tồn tại dòng chảy của các hiện tượng danh và sắc trong vũ trụ này mà không có gì khác hơn. Ví dụ, khi chúng ta sinh ra, chúng ta chỉ cân nặng khoảng một vài cân Anh1. Bây giờ, chúng ta có thể là nặng hơn một trăm cân Anh một chút. Những sự thay đổi như vậy không diễn ra ngay lập tức hay một cách đột ngột, mà lại dần dần từng thời điểm một. Điều này cũng đúng cho tâm ý của chúng ta, tức là đang thay đổi từng mỗi thời điểm. Hơn thế nữa, theo nghĩa tuyệt đối, không có cái gì là rắn chắc cả. Một vật thể có thể được phân chia liên tục cho đến khi không còn gì là rắn chắc cả ngoại trừ những yếu tố vật chất ở dưới dạng năng lượng, thay đổi nhanh đến mức chúng thậm chí không có thời gian di chuyển từ điểm này đến điểm kia. Trong dòng chảy như vậy, cho rằng một ai hay một thứ gì là di chuyển hay đứng yên, là đẹp hay xấu, là thỏa mãn hay bất toại nguyện thì chỉ được xem là một ảo giác hay là cái nhìn thấy tầm thường thấp kém. Mặt khác, nhìn thấy dòng chảy của tâm ý và thể xác vượt trên ảo giác lại là sự nhìn thấy phi thường mà được gọi là trí tuệ minh sát (Vipassanā).

Để đạt được cái nhìn sâu sắc như vậy, tâm ý của chúng ta phải được tẩy rửa sạch các phiền não thông qua định. Do đó, điều hiển nhiên là trí tuệ minh sát (vipassanā) đòi hỏi ba nhân thiện. Nhưng trước khi chứng đắc trí tuệ minh sát, sự thực hành thiền minh sát (vipassanā) có thể được thực hiện với chỉ hai nhân mà không cần trí tuệ. Dĩ nhiên, các tuệ minh sát và sự giác ngộ, tức là đạo quả (magga-phala), phải bao gồm ba nhân thiện. Như vậy, trong trường hợp của trí tuệ minh sát (vipassanā) hay sự giác ngộ đạo quả (magga-phala), ba nhân thiện làm điều kiện hay làm duyên cho tâm và các tâm sở sanh lên cùng với chúng cũng như các sắc pháp do tâm tạo thông qua năng lực của Nhân Duyên.

1 ND: 1 cân Anh bằng khoảng 0.45 kg

Các Nhân Trong Các Tích Truyện

Một ngày nọ, trong khi Đức Phật đang ngồi dưới một cội cây trong một khu rừng nhỏ trên đường từ Vārāṇasī đến Uruveḷa thì có 30 thanh niên đến gặp Ngài bạch hỏi một chuyện. Họ đang tận hưởng thú vui cùng với vợ trong khu vực gần đó. Tuy nhiên, một người trong số họ không có vợ và đã có mang theo một cô vũ nữ. Cô này đã bỏ trốn cùng với tất cả những vật quý giá của họ. Do đó, trong lúc vô vọng tìm kiếm cô ta trong rừng, họ đã đi ngang qua Đức Phật trong khi Ngài đang ngồi dưới một cội cây. Họ đã đến gần Ngài với hy vọng sẽ tìm được một chút thông tin gì đó về cô gái. Họ đã hỏi Đức Phật xem Ngài có thấy cô gái nào đi ngang qua không. Thay vì trả lời câu hỏi của họ, Đức Phật đã đặt ra một câu hỏi có tính khai sáng cho họ như sau:

“Các thiện gia nam tử, các người nghĩ cái nào thì xứng đáng để tìm kiếm hơn: người phụ nữ đó hay chính bản thân các người?” (Vinaya Mahāvagga 30)

Câu hỏi được Đức Phật đưa ra với mục đích để cho họ suy ngẫm. Ý của Đức Phật là chúng ta thiếu hiểu biết về việc chúng ta thật sự là gì, hay cái gì đang xảy ra cho chúng ta. Như được đề cập đến ở trên, chúng ta đã và đang biến đổi không ngừng nghỉ và bất tận từ một phôi thai rất nhỏ bé cho đến khi chúng ta trở thành như chúng ta hiện nay. Nhưng chúng ta mê muội hay thiếu hiểu biết về việc chúng ta trở thành như chúng ta hiện nay như thế nào. Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng chúng ta là cùng một người từ ngày chúng ta sinh ra cho đến hiện nay. Chúng ta có thể bị/được so sánh với một con nai đã lầm lẫn một ảo ảnh với nước và theo đuổi nó một cách vô vọng. Do đó, chúng ta cần phải tìm ra sự thật về việc chúng ta thật sự là gì. Đó là lý do tại sao Đức Phật đã khuyên dạy những người thanh niên đó nên tìm thấy chính họ thay vì tìm kiếm người phụ nữ đó. Sau khi lắng nghe thêm lời thuyết giảng của Đức Phật, họ đã trở nên giác ngộ.

Các Hiện Tượng Danh Pháp Có Liên Quan

Ở  đây, nguyên nhân của vấn đề đối với những nam tử này là sự khao khát dục lạc hay tình dục (lobha), mà có gốc rễ ở trong ảo giác (tức là si mê). Điều không thể chối cãi là chúng ta có thể trải nghiệm hạnh phúc hay sự hài lòng (somanassa-vedanā) trong đời sống. Nhưng chúng ta có thể trải nghiệm hạnh phúc hay sự hài lòng như vậy chỉ dưới cái ảo giác hay lầm lạc của chính mình cũng như cách chúng ta có thể tận hưởng hay thích thú một bộ phim điện ảnh chỉ khi chúng ta không nghĩ về cách chúng đã được tạo ra tại Hollywood như thế nào. Cái mà chúng ta gọi là sự hài lòng có thể được so sánh với việc gãi một vết ngứa. Hạnh phúc thật sự xảy ra khi sự ngứa không còn dư sót một chút nào cả. Như vậy, sự khao khát dục lạc hay tình dục của chúng ta luôn luôn có gốc rễ trong ảo giác hay sự si mê. Trong câu chuyện về những nam tử này, ảo giác hay sự si mê (moha) của họ là nguồn gốc hay nhân của sự khao khát dục lạc hay tình dục (lobha) của họ cũng như tâm và các tâm sở sanh lên cùng, bao gồm vô tàm (ahirika), vô úy (anottappa), phóng dật (uddhacca), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) cùng với mười ba tâm sở tợ tha (xin hãy xem phần Kiến Thức Cơ Bản Về Thắng Pháp).

Các Hiện Tượng Sắc Pháp Có Liên Quan

Hơn nữa, sự khao khát dục lạc và ảo giác là các gốc rễ hay nhân cho các sắc pháp, tức là các hiện tượng vật chất (những thay đổi hóa chất) liên quan đến tình dục trong thân xác của những nam tử này, bao gồm oai nghi hay tư thế (iriyāpatha), thân biểu tri (kāya-viññatti), ngữ biểu tri (vacī-viññatti), sự cười (hasana), âm giọng của họ (sadda), sắc khinh (lahutā), sắc nhu (mudutā), sắc thích nghiệp (kammaññatā) cùng với tám sắc bất ly (avinibbhoga).

Tại thời điểm tận hưởng dục lạc, 30 hoàng tử được tạo lập nên bởi ba yếu tố trong nhân duyên như sau:

  1. a)  Các pháp làm duyên (paccaya): khao khát tình dục (lobha) và si mê (moha).
  2. b)  Các pháp được duyên (paccayuppanna): tâm (một trong tám tâm tham), các tâm sở sanh lên cùng và các sắc pháp được tạo ra từ đó.
  3. c)  Chế độ duyên (paccaya-satti): Các yếu tố trong phần a) làm duyên hay điều kiện cho các yếu tố trong phần b) do bởi năng lực của Nhân Duyên.

Nhân Sân

Khi các nam tử phát hiện ra rằng người phụ nữ đó đã lấy đi những vật quý giá của họ, họ trở nên giận dữ với cô ta. Trong trường hợp này, sân (dosa) và si (moha) là các nhân của những tâm, các tâm sở và sắc pháp đi cùng của chúng.

Tại thời điểm giận dữ, 30 vị hoàng tử đã được tạo lập bởi ba yếu tố trong nhân duyên như sau:

  1. a)  Các pháp làm duyên: sân (dosa) và si (moha).
  2. b)  Các pháp được duyên:
  3. Danh (nāma): một trong hai tâm sân và các tâm sở sanh lên cùng như tật đố (issā), xan lận (macchariya), hối hận (kukkucca), hôn tr ầm và thụy miên (thina-middha) cùng với bốn si phần (tức là bốn tâm sở có chung cho t ất cả các tâm bất thiện) và mười hai tâm sở tợ tha (trừ hỷ (pīti)).
  4.   Sắc (rūpa): được tạo ra từ những tâm sở này có các sắc pháp (hay những sự thay đổi hóa chất) liên quan đến sự giận dữ, bao gồm oai nghi (iriyāpatha), thân biểu tri (kāya-viññatti), ngữ biểu tri (vacī-viññatti), âm giọng (sadda), sắc khinh (lahutā), sắc nhu (mudutā), sắc thích nghiệp (kammaññatā) cùng với tám sắc bất ly (avinibbhoga).
  5. c)  Chế độ duyên: các yếu tố trong a) làm duyên hay điều kiện cho các yếu tố trong b) do bởi năng lực của Nhân Duyên.

Sự Khác Nhau

Tất cả các loại sắc pháp do tâm tạo nói chung là giống nhau về số lượng, nhưng lại khác nhau về chất lượng và hiệu quả chúng tác động lên chúng ta. Ví dụ, những cử chỉ, nét mặt, giọng nói của chúng ta sẽ là không dịu dàng êm ái với nhau nếu chúng được sinh ra bởi sân (dosa); sẽ là khêu gợi và quyến rũ nếu chúng được sinh ra bởi tham (lobha); sẽ là dịu dàng và an bình nếu chúng được sinh ra bởi một tâm thiện dẫn dắt bởi lòng từ, lòng bi mẫn và trí tuệ. Và hơn nữa, những trạng thái tinh thần tiêu cực như giận dữ, hận thù, lo âu, ganh tỵ, vân vân, có những hiệu quả không tốt lên cơ thể của chúng ta, chẳng hạn như chúng can thiệp vào hệ thống tiêu hóa, sự tuần hoàn máu, quá trình chuyển hóa trong cơ thể của chúng ta và vân vân. Những trạng thái tinh thần tốt đẹp sẽ sản sinh ra những sắc pháp hay vật chất lành mạnh và những hoạt động cơ thể tốt đẹp và có tổ chức. Cũng theo cách đó, có sự khác nhau giữa sắc pháp hay vật chất được sản sinh ra bởi nghiệp (kamma) tốt và xấu, bởi thời tiết tốt và xấu, và bởi thực phẩm tốt và xấu. 

Nhân Trong Bài Thuyết Giảng Của Đức Phật

Thông qua sự không ích kỷ hay vô tham (alobha), tâm từ hay vô sân (adosa) và trí tuệ hay vô si (amoha), Đức Phật đã khuyên dạy những nam tử này hãy đi tìm chính mình thay vì đi tìm cô gái. Ví dụ, giả sử chúng ta biết cách kiếm được một triệu đô-la Mỹ từ thị trường chứng khoán. Điều này được xem là kiến thức hay sự hiểu biết. Chúng ta có thể chỉ dạy điều này cho một người thân của mình, chứ không cho một người mà chúng ta ghét bỏ, hoặc nếu chúng ta quá ích kỷ, chúng ta thậm chí có thể chẳng chỉ dạy điều này cho một ai cả. Như vậy, vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) có liên quan trong việc ban tặng lời khuyên dạy tốt đẹp đến người khác. Đức Phật thì ngập tràn với sự tuyệt đối không ích kỷ (alobha), tình thương yêu vô điều kiện (adosa) và trí tuệ hoàn hảo (amoha). Ba yếu tố này làm nhân của tâm thức của chúng, các tâm sở và các sắc pháp sanh lên cùng mà đã diễn ra trong Đức Phật khi Ngài ban tặng lời khuyên dạy tuyệt diệu đó đến cho những nam tử này.

Tại thời điểm ban huấn từ của mình đến cho các hoàng tử, Đức Phật được tạo lập bởi ba yếu tố trong nhân duyên như sau:

  1. a)  Các pháp làm duyên: vô tham hay sự không ích kỷ (alobha), vô sân hay tâm từ (adosa) và vô si hay trí tuệ (amoha).
  2. b)  Các pháp được duyên:
  3. Danh (nāma): tâm đại duy tác (mahā-kriyā) thứ nhất, các tâm sở đi cùng với nó như từ, bi và trí tuệ cùng với mười chín tâm sở tịnh hảo biến hành và mười ba tâm sở tợ tha.
  4.   Sắc (rūpa): được tạo ra bởi các trạng thái tinh thần được đề cập đến ở trên, các sắc pháp (hay những thay đổi hóa học) bao gồm các oai nghi (iriyāpatha), thân biểu tri (kāya-viññatti), ngữ biểu tri (vacī-viññatti), giọng nói (sadda), nụ cười (hasana), sắc khinh (lahutā), sắc nhu (mudutā), sắc thích nghiệp (kammaññatā) cùng với tám sắc bất ly (avinibbhoga).
  5. c)  Chế độ duyên: Các yếu tố trong phần a) làm duyên hay là điều kiện cho các yếu tố trong phần b) do bởi năng lực của Nhân Duyên.

Chú thích: Từ đây trở đi, trong những loại duyên tiếp theo, các tâm, các tâm sở và các sắc pháp sẽ được nhắc đến một cách chung chung, thay vì một cách cụ thể như được trình bày ở đây, đơn giản là vì những độc giả không chuyên sâu thì không cần thiết phải học đến mức chi tiết như vậy.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app