Thiền-Na Duyên (Jhāna-paccayo)
Pāḷi Trích Dẫn (Paṭṭhāna-1, Trang 8)
Jhāna-paccayo’ti
Jhānaṅgāni jhāna-sampayuttakānaṃ dhammānaṃ
taṃ-samuṭṭhānānañca rūpānaṃ jhāna-paccayena paccayo
Phần Chuyển Ngữ
Thiền-na duyên là:
Các chi thiền làm duyên hay là điều kiện cho những tâm có liên quan đến thiền và các tâm sở, và sắc pháp được tạo ra từ đó thông qua năng lực của Thiền-na Duyên.
Thiền (Jhāna)
Thiền (Jhāna) có nghĩa là sự an trú hay sự thẩm thấu, tức là một dạng tập trung cao độ. Có năm chi thiền: tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā). Năm chi thiền này làm duyên hay là điều kiện cho những tâm kết hợp và các tâm sở và sắc pháp do tâm tạo thông qua năng lực của Thiền-na Duyên. Như vậy, loại duyên này về bản chất là giống như Câu Sanh Duyên. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta nên học về cách phát triển hay tu tập thiền (jhāna).
Ba Dạng Ấn Tướng (Nimitta) Của Thiền
Để phát triển sự tập trung cao độ mà được gọi là thiền (jhāna), chúng ta phải tập trung tâm trí của chúng ta vào một đối tượng hành thiền như là hơi thở ra vào,hoặc một thiết bị hay công cụ dùng cho việc hành thiền như một cái đĩa bằng đất, một ly nước trong, một ngọn lửa không dao động của cây đèn cầy, và vân vân. Lúc ban đầu, khi chúng ta mới bắt đầu tập trung vào một đề mục thiền, chúng ta không thể trụ lâu trên đề mục hay trên đối tượng được vì tâm trí của chúng ta có bản chất tự nhiên là phóng dật rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ cuộc một cách dễ dàng, mà phải kéo tâm lại về trên đối tượng mỗi khi chúng ta ghi nhận sự xuất hiện lại của đối tượng. Cố gắng theo cách này nhiều lần, cuối cùng đối tượng sẽ trở nên đủ rõ ràng để chúng ta tập trung vào nó. Cái này được gọi là chuẩn (bị) tướng (parikamma-nimitta) của đề mục. Sau này, chúng ta sẽ càng có ít hơn những suy nghĩ phóng dật (tức là các triền cái) khi sự tập trung hay định của chúng ta mạnh hơn. Về sau, đối tượng sẽ trở nên rõ ràng đến mức dường như chúng ta đang nhìn thấy nó trực tiếp bằng mắt trần của mình. Đó được gọi là học tướng hay thủ tướng (uggaha-nimitta) của đề mục. Đến thời điểm chín muồi, chúng ta sẽ nhận thấy đối tượng trở nên trong sáng hơn và vi tế hơn, và chuyển từ hình dạng ban đầu sang một vật thể khác giống như là một bức hình ba chiều. Đó được gọi là quang tướng (paṭibhāga-nimitta) của đề mục.
Sơ Thiền
Quang tướng của đề mục thì rất có năng lực. Chúng ta sẽ có thể chú tâm hoàn toàn và giữ được sự chú tâm trên quan tướng như vậy trong một thời gian dài mà không có sự khó khăn gì. Sau đó, tâm trí của chúng ta sẽ tập trung hoàn toàn trên đối tượng và kết quả là hỷ (pīti) và lạc (sukha) sẽ sanh lên một cách tự nhiên. Giai đoạn này được ghi nhận là Sơ Thiền, bao gồm năm chi thiền: tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā).
Các triền cái (nīvaraṇa) và hỷ lạc (pīti-sukha) thì đối nghịch hoàn toàn với nhau như ánh sáng và bóng tối. Ví dụ, khi chúng ta giận dữ thì không có chỗ cho hạnh phúc trong tim của chúng ta. Cũng theo cách này, khi chúng ta cảm thấy ganh tỵ hay đầy dục vọng thì hạnh phúc không thể có trong lúc đó. Trái lại, khi không có những triền cái nào cả do bởi năng lực của định mạnh thì hỷ (pīti) và lạc (sukha) tự nhiên sẽ sanh lên.
Nhị Thiền
Ở giai đoạn thứ hai, sự tập trung hay định mạnh đến mức tâm trí có thể tập trung vào đối tượng một cách tự phát mà không cần phải nỗ lực nhiều để chú ý đến đối tượng. Do đó, nhị thiền không đòi hỏi tầm (vitakka) và tứ (vicāra), và được tạo lập nên bởi chỉ ba chi thiền: hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā).
Tam Thiền
Ở giai đoạn thứ ba, sự tập trung hay định còn mạnh hơn và chín muồi hơn nhiều so với hai tầng thiền (jhāna) trước. Nó chỉ được đi kèm theo với hạnh phúc vi tế mà không còn hỷ nữa. Như vậy, tam thiền chỉ còn hai chi thiền: lạc (sukha) và định (ekaggatā).
Tứ Thiền
Ở giai đoạn thứ tư và cao nhất này, sự tập trung hay định thì chín muồi đến mức nó không cần được hỗ trợ bởi tầm (vitakka) và tứ (vicāra) và không còn được đi kèm theo bởi hỷ (pīti) và lạc (sukha). Tại giai đoạn này, chỉ có xả (upekkhā) là chiếm ưu thế. Như vậy, mức độ tập trung cao nhất này hay tứ thiền chỉ bao gồm hai chi thiền: xả (upekkhā) và định (ekaggatā). Ở giai đoạn này, tâm trí thanh tịnh đến mức, với sự tu luyện thêm, hành giả có thể phát triển được các năng lực thần thông. Về loại thần thông mà có thể nâng bổng cơ thể của chúng ta lên khỏi mặt đất, khi được thỉnh bạch bởi ngài Ānanda, Đức Phật đã giải thích việc thân thể của Ngài đã được nhấc bổng lên trên không như thế nào:
“Rồi (tại thời điểm của thiền (jhāna)), này Ānanda, ta hòa nhập cơ thể của ta vào tâm trí (đã được phát triển với thiền (jhāna)), và tâm trí vào cơ thể, và có sự hỷ lạc và khinh an (được tạo ra do bởi thiền (jhāna)) thẩm thấu vào trong cơ thể. Tại thời điểm đó, này Ānanda, cơ thể của ta trở nên nhẹ nhàng hơn, vi tế hơn, trong sáng hơn và uyển chuyển hơn giống như một thanh sắc được nung nóng trở nên nhẹ nhàng hơn, vi tế hơn, trong sáng hơn và uyển chuyển hơn. Rồi, này Ānanda, cơ thể của ta được nhấc bổng lên khỏi mặt đất bay lên không mà không có sự khó khăn gì cả giống như một miếng bông gòn được gió thổi lên phía trên.” (Saṃyutta-3, Trang 246)
Như vậy, các chi thiền làm duyên hay là điều kiện cho các tâm có liên quan đến thiền và các tâm sở, cùng với sắc pháp được tạo ra từ đó thông qua năng lực của Thiền-na Duyên như sau:
- Yếu tố làm duyên: Năm chi thiền: tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (ekaggatā).
- Yếu tố được/bị duyên: Tâm và các tâm sở đi cùng với chúng.
- Chế độ duyên: Các yếu tố trong “a” làm duyên hay là điều kiện cho các yếu tố trong “b” thông qua năng lực của Thiền-na Duyên.