12.  Tam Thiền

Bây giờ chúng ta đến tam thiền. Tam thiền được miêu tả bằng những cụm từ hay những câu văn đã được sắp đặt [theo khuôn mẫu]. Chúng ta có sự chuyển ngữ trên tờ giấy: “Thêm cùng với sự phai mờ đi của hỷ (pīti), hành giả trú trong xả, và chánh niệm và tỉnh giác”3 và vân vân. Từ  ‘thêm cùng’  ở  đây được  nói  đến  với  nghĩa kết  nối.  Với ‘thêm cùng’, chúng ta có thể kết nối những yếu tố khác. Chúng được miêu tả trong những dấu ngoặc vuông. ‘Với sự lãnh đạm dành cho’ – đó là sự phai mờ đi. “Thêm cùng với sự phai mờ đi và lặng yên của hỷ (pīti)”, như vậy ở đây trong trường hợp đầu tiên, ‘thêm cùng’ kết nối ‘sự lặng yên [của hỷ (pīti)]’. ‘Sự lặng yên’ thì [đã] được nhắc đến trong nhị thiền. Điều này giống như là sự đề cập đó được mang [từ sự miêu tả nhị thiền] đến đoạn văn miêu tả tam thiền. ‘Thêm cùng với sự phai mờ đi’ có nghĩa là với sự phai mờ đi và lặng yên của hỷ (pīti).

Nó cũng có thể truyền tải một điều gì khác nữa. Trong trường hợp đó, với sự khắc phục (Đó là sự phai mờ đi) của hỷ (pīti), và sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Nó có thể có nghĩa là một trong hai điều này.

“Thêm cùng với sự phai mờ đi của hỷ (pīti)” đơn giản có nghĩa là với sự lãnh đạm dành cho và sự lặng yên của hỷ (pīti), hoặc sự khắc phục của hỷ (pīti) và sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra).

“Vị đó an trú trong xả và chánh niệm và tỉnh giác và trải nghiệm lạc (sukha) (Ở đây, lạc (sukha) là cả thể xác lẫn tinh thần) với tổ hợp tinh thần của mình; vị đó nhập vào và trú trong tam thiền, một trạng thái mà các bậc Thượng Nhân tuyên bố (về người mà đã chứng đạt tam thiền): vị đó có xả, vị đó chánh niệm và an trú trong lạc (sukha).”1 Đây là tam thiền.

Học viên: Vị đó trải nghiệm lạc (sukha) cả thân xác lẫn tinh thần với tổ hợp tinh thần của mình?

Giảng sư: Tôi sẽ giải thích sau. Tầm (vitakka) và tứ (vicāra) được làm lặng yên. Chúng không sanh lên với nhị thiền. “Với sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra)” được nói lại một lần nữa để xưng tụng/ca ngợi tam thiền. Trong việc xưng tụng/ca ngợi tam thiền, một vài điều miêu tả về những tầng thiền (jhāna) khác được lặp lại ở đây. Đây là những gì Sớ Giải giải thích. Thật ra, không có tầm (vitakka) hoặc tứ (vicāra) trong nhị thiền, nói gì đến tam thiền. (Nhưng) để nêu lên cách thức chứng đạt những tầng thiền (jhāna) cao hơn và để xưng tụng/ca ngợi tam thiền, chúng cũng được nói đến ở đây. Sự lặng yên của tầm (vitakka) và tứ (vicāra) là cách thức hay điều kiện để đạt được tam thiền.

“Vị đó an trú trong xả”1 – liên quan đến từ ‘xả’, Sớ Giải trình bày cho chúng ta mười loại upekkhā (Chúng ta hãy dùng từ Pāḷi). Khi nào các bạn thấy từ ‘upekkhā’ trong Pāḷi, điều rất quan trọng là các bạn phải hiểu nó ám chỉ nghĩa gì. Ít nhất thì các bạn nên biết rằng ‘upekkhā’ có nghĩa là cảm thọ hoặc nó có nghĩa là xả. Xả ở đây thì  không phải là cảm thọ. Xả ở đây là sự quân bình, không thiên vị. Quân bình, không thiên vị là một trong các tâm sở (cetasika). Cảm thọ cũng là một trong các tâm sở (cetasika). Cảm thọ xả (upekkhā) thì khác với sự quân bình, không thiên vị (upekkhā). Các bạn phải hiểu ít nhất là được chừng này. Bất kỳ khi nào các bạn tìm thấy từ ‘upekkhā’, các bạn phải suy ngẫm xem nó có nghĩa là cảm thọ xả (upekkhā) hay là sự quân bình, không thiên vị (upekkhā).

Upekkhā đến từ ‘upa’ và ‘ekkha’. Điều đó được giải thích trong đoạn văn 156. “Nó ngắm nhìn [các sự vật] khi chúng sanh lên (UPApattito IKKHATI), cho nên nó là sự bình thản hay trầm tĩnh (upekkhā); nó ghi nhận một cách quân bình, ghi nhận không đi cùng với sự thiên vị (a- pakkhapatita), là ý nghĩa (ở đây).”

Có mười loại upekkhā. Thứ nhất được gọi là ‘sự quân bình sáu chi’. Đó là sự quân bình được tìm thấy trong tâm trí của các bậc A-la-hán (Arahant). “Ở đây, vị tỳ-kheo (bhikkhu) với các lậu hoặc đã được đoạn diệt (Đó là bậc A- la-hán (Arahant)) không hân hoan cũng không u sầu khi thấy cảnh sắc với con mắt: vị đó an trú trong sự quân bình, chánh niệm và tỉnh giác.”2 Vị A-la-hán (Arahant) dầu có thấy cảnh tốt hay cảnh xấu, ngài cũng không cảm thấy hân hoan hay buồn rầu về cảnh đó. Ngài vô tư, tức là không thiên vị đối với những cảnh này. Ngài có thể giữ được sự quân bình khi đối diện với các đối tượng vừa lòng và không vừa lòng. Đó là một trong những đặc tính của những vị A- la-hán (Arahant). Đó là vì các bậc A-la-hán (Arahant) đã tẩy trừ tất cả những phiền não. Và do đó, các ngài không hân hoan với việc dính mắc vào các sự việc và cũng không cảm thấy khó chịu bởi những thứ không hài lòng, không được khao khát.

Tiếp theo là tâm xả, tức là một Phạm trú. Tâm xả là một trong tứ vô lượng tâm. “Vị đó trú, hướng về một phương với tâm tràn đầy xả phạm trú.” Đó là không ghét cũng không thương. Nó là quán nhìn với sự không thiên vị, với sự quân bình.

Tiếp theo là xả, tức là một yếu tố giác ngộ. Có bảy yếu tố giác ngộ, và xả là một trong số chúng. “Hành giả phát triển xả giác chi nương tựa/phụ thuộc vào sự từ bỏ.”1 Như vậy, nó là pháp trung lập ‘trong các trạng thái cùng sanh lên’. Thật ra, nó là pháp trung lập trong số những trạng thái cùng sanh lên (ND: tức là các tâm sở). Pháp trung lập hay trạng thái dung hòa là một trạng thái cùng sanh lên (ND: tức là một tâm sở). Trong số những trạng thái cùng sanh lên với tâm, đây là pháp trung lập, đây là trạng thái dung hòa. Đây là một trong các yếu tố giác ngộ.

Tiếp theo là xả, tức là sự quân bình của năng lực hay của sự tinh cần. ‘Năng lực’ được gọi là ‘sự quân bình’ ở đây. Năng lực hay sự tinh cần không nên quá nhiều cũng không nên quá ít. Nó phải ở khoảng giữa, cho nên, nó được gọi là ‘sự quân bình’ ở đây. Thật ra, nó là năng lực hay sự tinh cần (viriya) – “không quá tích cực cũng không quá giải đãi trong sự tinh cần”.

Tiếp theo là xả, tức là sự lãnh đạm hay thái độ thản nhiên về các pháp hành. Loại này sanh lên trong quá trình hành thiền minh sát (vipassanā). Khi hành giả thực hành thiền minh sát (vipassanā) và đạt đến những giai đoạn cao hơn của tuệ minh sát (vipassanā), thì hành giả đạt được loại tuệ hành xả này. Có loại “lãnh đạm hay thản nhiên về việc thấu hiểu sự phản xạ và tư thái đối với các triền cái, vân vân, được miêu tả như vậy.”1 Điều đó có nghĩa là hành giả không phải nỗ lực giữ tâm trí của mình trên đối tượng. Nó là sự quan sát mà không cần nỗ lực tại thời điểm đó. Hành giả không bị dính mắc vào và cũng không bị khó chịu/bực dọc bởi những gì hành giả thấy.

“Có bao nhiêu loại hành xả sanh lên thông qua định? Có bao nhiêu loại hành xả sanh lên thông qua tuệ minh sát? Tám loại hành xả sanh lên thông qua định (samatha) (Đó là tám tầng thiền (jhāna)). Mười loại hành xả sanh lên thông qua tuệ minh sát.”2 Khi các bạn thực hành thiền minh sát (vipassanā), thì các bạn đi qua mười loại xả.

Mười loại và tám loại này được trình bày trong phần chú thích 44. “Tám loại là những loại gắn liền với tám tầng thiền (jhāna). Mười loại được gắn liền với bốn Đạo, bốn Quả, không tánh giải thoát, và vô tướng giải thoát.” Thật ra, từ ‘giải thoát’ không được dùng trong Sớ Giải. Nó không phải là ‘không tánh giải thoát’ mà là ‘an trú vào không tánh’, ‘an trú vào vô tướng’. ‘An trú vào không tánh’ có nghĩa là quán tưởng trên sự không tánh của các pháp hành. Hành giả vẫn còn trong giai đoạn của thiền minh sát (vipassanā). Hành giả chưa đến giai đoạn giải thoát, tức là chưa đến giai đoạn của Đạo và Quả. Cho nên, ở đây ‘an trú vào không tánh’ có nghĩa là an trú trên không tánh. ‘An trú vào vô tướng’ có nghĩa là an trú trên các pháp hành vô tướng. Khi hành giả thực hành thiền minh sát (vipassanā), vị đó bắt các pháp hành làm đối tượng. Vị đó quán tưởng trên những pháp hành này là không tánh. Điều đó có nghĩa là trống vắng sự thường hằng, trống vắng sự toại nguyện và trống vắng linh hồn hay bản ngã. ‘Vô tướng’ cũng có nghĩa như vậy. Những yếu tố này là mười loại được đề cập. Khi một người đến được giai đoạn đó, vị đó đạt được hành xả.

Tiếp theo là thọ xả. “Thọ xả là tên gọi cho cảm thọ được biết đến là không khổ không lạc, được miêu tả như thế này: ‘Trong trường hợp mà tâm thiện dục giới sanh lên được đi kèm theo bởi thọ xả’.” Thọ xả là cảm thọ trung tính.1

“Xả thuộc minh sát là tên gọi cho sự quân bình trong tính trung lập về sự tra cứu được miêu tả như vầy.”2 Nó ít nhiều giống với hành xả. Hành xả thì có liên quan đến thiền minh sát (vipassanā) cũng như loại xả này thì có liên quan đến minh sát. “Cái gì tồn tại, cái gì đã trở thành, hành giả từ bỏ cái đó, và hành giả chứng đạt xả.”3

Xả như là tính trung lập đặc biệt hay cụ thể, đây là xả thật sự, vốn là một trong những tâm sở. Trong Pāḷi, nó  được gọi là tatramajjhattatā.

“Xả của thiền (jhāna) là tên gọi cho xả tạo sinh ra sự vô tư bình đẳng đến…” Đây cũng không phải là thọ xả. Nó là thiền xả (jhāna upekkhā). Nó là một loại xả đặc biệt hay cụ thể.

Tiếp theo là: “Xả thanh tịnh là tên gọi cho xả đã được thanh lọc, được tẩy trừ khỏi tất cả các đối nghịch, được miêu tả như sau.”1 Vì nó được thanh lọc khỏi tất cả các đối nghịch, cho nên không có sự thích thú hay tầm cầu trong việc làm lặng yên chúng, vì hành giả đã thành công trong việc làm lặng yên chúng. Sau sự chứng đạt này, hành giả không còn thích thú trong việc làm lặng yên chúng nữa vì chúng đã được làm lặng yên. Đây được gọi là ‘xả thanh tịnh’. Đây cũng là một loại xả đặc biệt hay cụ thể.

“Ở đây, xả là sự quân bình sáu chi, tâm xả là một Phạm trú, xả là một yếu tố giác ngộ, xả như là yếu tố đặc biệt hay cụ thể, xả của thiền (jhāna) và xả thanh tịnh là một loại theo ý nghĩa (‘Một loại theo ý nghĩa’ có nghĩa là một loại theo thực chất hay theo sự thật chân đế), đó là xả như là yếu tố trung lập đặc biệt hay cụ thể.”

“Tuy nhiên, sự khác nhau của chúng là sự khác nhau về địa vị (hay trường hợp), giống như sự khác nhau ở một thực thể như bé trai, thanh niên, người lớn, vị tướng, nhà vua, và vân vân. Cho nên, những loại này nên được hiểu rằng: xả là yếu tố giác ngộ, vân vân, thì không được tìm thấy khi có sự hiện hữu của xả là sự quân bình sáu chi (Tức là chúng là loại trừ tương hỗ); hoặc rằng xả là sự quân bình sáu chi, vân vân, thì không được tìm thấy khi có sự hiện hữu của xả là yếu tố giác ngộ.”1

“Và cũng như những loại này có cùng một ý nghĩa (Tức là cũng như những loại này là giống nhau về bản chất, tức là theo sự thật chân đế), hành xả và xả thuộc minh sát cũng có một ý nghĩa; vì chúng đơn giản là sự hiểu biết hay tuệ (paññā).”2 Như vậy, hai loại này không phải là xả đặc biệt hoặc cụ thể, mà chúng là sự hiểu biết thật sự, tức là tuệ (paññā) vì chúng sanh lên trong quá trình hành thiền minh sát (vipassanā).

Tại cuối đoạn văn 170: “Xả là sự quân bình của năng lượng hay sự tinh cần và thọ xả là khác lẫn nhau cũng như khác với những loại còn lại.”3 ‘Xả là sự quân bình của năng lượng hay sự tinh cần’ chỉ có nghĩa là tấn hay cần. ‘Thọ xả’ thì chỉ là loại thọ trung tính.

Có bao nhiêu loại xả tính theo bản chất, tức là tính theo sự thật chân đế (paramattha dhamma)? Bốn – xả đặc biệt hay là hành xả (tatramajjhattatā), tuệ (amoha), cần (viriya) và thọ xả (vedanā). Theo bản chất thì có bốn loại xả (upekkhā). Tính chi tiết thì có mười loại xả (upekkhā). Bất kỳ khi nào chúng ta thấy từ ‘upekkhā’, chúng ta phải hiểu loại xả (upekkhā) nào được nhắc đến ở đây.

Rồi trong cụm từ “Vị đó trú trong xả”1, xả (upekkhā) ở đây là loại nào? Xả đặc biệt hay cụ thể. Nó không phải là thọ xả vì chúng ta vẫn còn ở tam thiền. Trong tam thiền, vẫn còn lạc (sukha – ND: tức là thọ hỷ), tức là không phải thọ xả. Sukha là thọ lạc (thọ hỷ). Ở đây, xả có nghĩa là sự quân bình đặc biệt (ND: tức là hành xả – tatramajjhattatā).

Vị đó chánh niệm và tỉnh giác, và vị đó trải nghiệm lạc (sukha) cả thân và tâm với tổ hợp tinh thần của mình. Phần dịch ra ở đây2 thì tốt hơn là phần nguyên văn Pāḷi. Trong nguyên văn Pāḷi, các câu văn rất là phức tạp và rắc rối. Nhà chú giải cũng dùng nhiều đại từ quan hệ, từ này quan hệ với từ kia, rồi từ kia quan hệ với từ khác nữa và nó cứ tiếp tục như vậy. Rất khó hiểu. Tôi không hiểu tại sao ngài (ND: ngài Buddhaghosa) lại viết theo cách đó. Phần chuyển ngữ (sang tiếng Anh ở đây) thì tốt hơn. Chúng ta có thể hiểu được.

“Vị đó cảm giác”3 có nghĩa là vị đó trải nghiệm lạc (sukha). Ở đây, lạc (sukha) có nghĩa là cả lạc thân và lạc tâm. Khi thiền (jhāna) sanh lên, có loại thọ lạc (sukha) này. Khi có thọ lạc, vị đó không thể tránh được mà phải trải nghiệm nó, mặc dầu vị đó không có chủ ý là sẽ trải nghiệm hoặc tận hưởng thọ lạc (sukha) này. Vì thọ lạc (suka) đó đi cùng với thiền (jhāna), vị đó chỉ đơn giản trải nghiệm nó.

“Với tổ hợp tinh thần của mình” có nghĩa là những tâm sở khác. Khi tam thiền sanh lên, có những tâm sở (cetasika) khác sanh lên cùng với nó. Có tâm tam thiền (jhāna citta) và có những tâm sở (cetasika). Trong số những tâm sở (cetasika) này, có hỷ (pīti), lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatā). Đây là ba chi thiền. Thật ra, chúng được gọi là thiền (jhāna). Những tâm sở khác ở đây được gọi là ‘tổ hợp tinh thần’. Có một tâm và 33 tâm sở (cetasika). Như vậy, có một tâm tam thiền (jhāna citta) và 33 tâm sở (cetasika). Trong số chúng có thọ lạc, tức là sukha. Vì thọ lạc (sukha) sanh lên cùng với những tâm sở khác, vị đó được nói là trải nghiệm lạc (sukha) với các tâm sở. Các tâm sở được gọi ở đây là ‘tổ hợp tinh thần’. Trong Pāḷī, từ ‘kāya’ được dùng.

Rồi lúc tam thiền này sanh lên, nó làm cho các sắc pháp sanh lên. Một vài sắc pháp do nghiệp (kamma) tạo, một vài do tâm (citta) tạo, một vài do nhiệt lượng tạo và một vài do dưỡng tố tạo. Khi tâm tam thiền (jhāna citta) sanh lên, nó cũng làm cho các sắc pháp sanh lên. Vì nó là một trạng thái tâm vô cùng vi tế, các sắc pháp nó tạo ra cũng vô cùng vi tế. Những sắc pháp vô cùng vi tế đó, cảnh xúc đó chính là đối tượng hành giả thực hành thiền (jhāna) trải nghiệm. Cảm giác đó sanh lên thông qua sự xúc chạm của cơ thể hành giả với những cảnh xúc khác, như ngồi trên một tọa cụ mềm dịu hay cái gì đó như vậy. Trong suốt thời gian tam thiền sanh lên, hành giả được cho là trải nghiệm thọ hỷ với tổ hợp tinh thần của bản thân, và thọ lạc (tức là thọ lạc trong tâm thân thức thọ lạc) cũng với tổ hợp tinh thần của bản thân.

Đó là vì cái chúng ta gọi là cảm thọ (vedanā) là ở trong tâm trí. Thường thường, cái chúng ta gọi là cảm giác là những sắc pháp trong cơ thể. Giả sử ở đây có đau đớn. Đau đớn là tập hợp những sắc pháp ở đây. Chúng ta cảm giác sự đau đớn đó. Cảm giác đau đớn đó ở trong tâm trí của chúng ta. Khi chúng ta có sự đụng chạm tốt đẹp, thì có cảm giác ở đó. Sự đụng chạm tốt đẹp đó là các sắc pháp và cái chúng ta cảm giác trong tâm trí của mình là thọ lạc (sukha). Ở đây cũng vậy, khi hành giả chứng đạt tam thiền, tâm trí của hành giả vi tế đến mức nó tạo sinh ra các sắc pháp vi tế. Những sắc pháp này được phát tán xuyên suốt toàn bộ cơ thể của hành giả. Do đó, hành giả cảm nhận được những an lạc trong thân thông qua tâm trí của mình. Đó là lý do tại sao nó được miêu tả ở đây là “trải nghiệm thọ lạc (sukha) trong thân và tâm với tổ hợp tinh thần của mình.” Và ‘tổ hợp tinh thần’ có nghĩa là nhóm những tâm sở.

“Hành giả nhập vào và an trú trong tam thiền, trạng thái mà các bậc Thượng Nhân tuyên bố (về người mà đã chứng đạt tam thiền): vị đó có xả, vị đó chánh niệm và vị đó an trú trong lạc (sukha).”

Tại sao các bậc Thượng Nhân lại tiến cử hoặc giới thiệu?2 Tôi nghĩ từ ‘ca tụng’ hoặc ‘khen ngợi’ thì tốt hơn từ ‘tiến cử’ hoặc ‘giới thiệu’ ở đây. Các bạn nói một cái gì đó để ca tụng một cái gì đó. Các bậc Thượng Nhân ở đây ca tụng hoặc khen ngợi người đã chứng đạt tam thiền vì vị đó có thể giữ mình quân bình. Vị đó không bị dính mắc vào thậm chí loại lạc (sukha) ở trạng thái rất cao này. Vị đó có niệm mạnh đến mức không để cho hỷ (pīti) sanh lên. Tại thời điểm của tam thiền, hỷ (pīti) không sanh lên. Do đó, vị này đáng được ca tụng. Vị đó có thể giữ được sự quân bình và có thể loại trừ hỷ (pīta) bằng cách rất chánh niệm. Vị đó an trú trong lạc (sukha) vốn được trải nghiệm bởi tất cả các bậc Thượng Nhân. Đó là lý do tại sao vị đó đáng được ca tụng. Để ca tụng hoặc khen ngợi vị đó, các ngài đã nói rằng: “Vị này có sự quân bình. Vị này có chánh niệm. Vị này an trú trong lạc (sukha).”

Có bao nhiêu chi thiền trong tầng thiền (jhāna) này? Hai chi thiền. Chúng là gì? Lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatā). Chỉ có hai chi thiền này. Đây là tam thiền. Sau tam thiền, chúng ta (sẽ) đi đến tứ thiền.

Học viên: Ở đây nói rằng: “Vị đó có xả (sự quân bình), chánh niệm, và an trú trong lạc (sukha).” Không phải niệm là yếu tố thứ ba sao ạ?

Giảng sư: Niệm là có trong tất cả các tầng thiền (jhāna). Các tầng thiền (jhāna) không thể không có niệm. Ở đây, niệm của vị đó thì tốt đến mức nó có thể giữ không cho hỷ (pīti) sanh lên. Khi các bạn hết sức chú tâm vào cái gì đó đang diễn ra tại thời điểm đó, các bạn có thể giữ không cho hỷ (pīti) sanh lên trong tâm trí của các bạn. Đó là lý do tại sao niệm của vị đó được ca ngợi ở đây. Nó không chỉ là niệm đơn thuần. Nó là niệm có năng lực rất mạnh và rất vi tế.

Vị đó an trú trong lạc (sukha). Đây không phải là lạc (sukha) thông thường. Nó là loại lạc (sukha) không trộn lẫn hoặc không bị tì vết. Nó là loại mà được tận hưởng bởi các bậc Thượng Nhân.

Bây giờ chúng ta đi đến tứ thiền. Hành giả phải thực hiện cùng việc như trước. Vị đó phải tìm lỗi hay khuyết điểm với lạc (sukha). Vị đó bây giờ đang hướng đến thọ xả.

Khoảng giữa đoạn văn 181, ‘biết’ là không đúng, mà thay vào đó, chúng ta nên nói là “Khi tứ thiền gần sanh lên.”1 Tứ thiền khác với những tầng thiền khác vì nó được đi kèm theo bởi thọ xả. Sơ thiền, nhị thiền và tam thiền được đi kèm theo bởi thọ hỷ.

Khi chúng ta bàn về các duyên khác nhau trong Lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna) (Có 24 mối quan hệ nhân duyên trong Duyên Hệ (Paṭṭhāna)), khi chúng ta nói về trùng dụng duyên, các yếu tố phải là cùng bản chất. Điều đó có nghĩa  là khi các sát-na tâm sanh lên cái này sau cái kia, những tâm sở cùng sanh với tâm đi trước có thể là làm duyên cho tâm đi sau thông qua trùng dụng duyên chỉ khi nào chúng là cùng bản chất. (Thọ) hỷ phải được theo sau bởi (thọ) hỷ. (Thọ) xả phải được theo sau bởi (thọ) xả. Nếu (thọ) xả đi theo sau (thọ) hỷ, sẽ không có mối quan hệ là trùng dụng duyên. Cho nên, trong tứ thiền, “thọ hỷ thì không phải là điều kiện hay duyên, như là trùng dụng duyên, cho thọ xả, và [việc chuẩn bị] phải được kích khởi lên với thọ xả trong trường hợp của tứ thiền; do đó, những [tâm của việc chuẩn bị] này được kết hợp với thọ xả, và ở đây hỷ biến mất đơn giản vì do sự kết hợp của chúng với xả.”

Điều đó có nghĩa là gì? Điều mà Sớ Giải nói là thọ hỷ không thể làm trùng dụng duyên cho thọ xả. Trong tứ thiền, có thọ xả chứ không phải thọ hỷ. Nếu các bạn nhìn vào lộ tâm, tâm thiền đi theo sau bốn hoặc ba đổng lực (javana) dục giới. Vì trong lộ tâm thứ nhất (ND: ở đây, Ngài Sīlānanda muốn nói đến lộ tâm của người độn căn), sát-na thứ năm, tức là sát-na thiền (jhāna), được đi kèm theo bởi thọ xả, cho nên, những sát-na khác cũng phải được đi kèm theo bởi thọ xả. Đó là điều mà Sớ Giải đang nói ở đây.

Trong sơ, nhị và tam thiền, các đổng lực (javana) được đi kèm theo bởi thọ hỷ. Đó là sự khác nhau. Trong lộ tâm tứ thiền này, vì tứ thiền phải được đi kèm theo bởi thọ xả, cho nên, các đổng lực dục giới (kāmāvacara javana) đi trước cũng phải được đi kèm theo bởi thọ xả. Đó là sự khác nhau duy nhất. Đó là điều Sớ Giải đang nói ở đây.

Ở đây có một lỗi trong phần chuyển ngữ. Tôi sẽ đọc lại. “Nhưng có sự khác nhau: thọ hỷ thì không phải là điều kiện hay duyên, như là trùng dụng duyên, cho thọ xả, và [việc chuẩn bị] phải được kích khởi lên với thọ xả trong trường hợp của tứ thiền.” Thật ra, nó phải là như sau: “Trong tứ thiền, thọ xả phải sanh lên.” Không phải là trong việc chuẩn bị, mà là trong tứ thiền, thọ xả phải sanh lên. Thọ xả phải ở đó.

“Do đó, những [tâm của việc chuẩn bị] này (tức là những đổng lực dục giới (kāmāvacara javana) đi trước đổng lực sắc giới (rūpāvacara javana)) phải được đi kèm theo bởi thọ xả, và ở đây hỷ1 biến mất đơn giản do vì sự kết hợp của chúng với thọ xả.”2 Thọ xả là thọ và thọ hỷ (sukha) là thọ. Nếu nó là thọ xả, thì nó không thể là thọ hỷ, và nếu nó là thọ hỷ, thì nó không thể là thọ xả. Vì tứ thiền được đi kèm theo bởi thọ xả, cho nên, không thể có thọ hỷ (sukha) ở đó. Không thể có thọ hỷ.

“Ở đây, hỷ biến mất đơn giản do vì sự kết hợp của chúng với thọ xả.” Đây có thể là điều bất toại nguyện cho nhiều người, vì nếu hỷ biến mất, chúng ta phải làm gì đây? Thọ hỷ là cảm giác hài lòng. Thọ xả được cho là cao hơn thọ hỷ. Cho nên, trong tứ thiền, thọ hỷ biến mất, và thay vào chỗ của nó là thọ xả sanh lên. Thọ xả này rất vi tế đến mức nó dường như là một dạng thọ hỷ (sukha). Mặc dầu, nói một cách chính xác, nó không phải là thọ hỷ (sukha), nhưng nó có thể được xem là một dạng thọ hỷ (sukha) mà những hành giả như vậy tận hưởng, thích thú.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app