Nội Dung Chính
VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP
CÁNH ĐỒNG VÀNG
Kinh Điển PāSi đưa ra ví dụ về một cúng dường cho quả hiện tại, trong cùng một kiếp sống: đó là cúng dường của Punna, cha của Uttarā-Nandamāta ở Rājagaha. Sự kiện xảy ra trong thời Đức Phật của chúng ta:395
Punna và vợ là những người rất nghèo nhưng có đức tin sâu xa nơi Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta). Một ngày lễ hội nọ, mặc dù chủ của Punna đã cho ông nghỉ một ngày, nhưng Punna vẫn đi ra ngoài cày ruộng, bởi vì ông quá nghèo để nghỉ lễ.
Ngày đó,Tôn giả Xá-lợi-phất vừa xuất khỏi thiền diệt (nirodha–samāpatti). Và ngài quán sát thế gian với thiên nhãn của mình để xem ai là người sẽ được lợi ích nhất từ việc cúng dường vật thực cho ngài. Ngài thấy rằng Punna đã hoàn thành thiện nghiệp như vậy từ một tiền kiếp trước, rằng nếu ông ta cúng dường vật thực đến ngài, nghiệp quá khứ đó sẽ làm nhiệm vụ như thân y duyên396 (upanissaya-paccaya) cho sự cúng dường để tạo ra quả báo trong kiếp này: Punna sẽ trở thành một người giàu có, và sau đó sẽ thực hiện một cuộc đại thí đến Đức Phật và Chúng Tăng. Sau khi nghe bài pháp khích lệ (tuỳ hỷ pháp) của Đức Phật ông và vợ sẽ trở thành Thánh Nhập Lưu.
Vì thế, vào lúc thích hợp, Tôn giả Xá-lợi-phất mang bát và y hai lớp (y Tăng-già-lê), đi đến chỗ Punna đang cày ruộng. Và rồi ngài đứng ở một khoảng cách không xa lắm để cho Punna có thể nhìn thấy ngài. Khi Punna nhìn thấy Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta), ông rất lấy làm vui mừng, ngưng cày, ông đi tới gần Tôn giả, và quỳ xuống đảnh lễ năm điểm sát đất với tâm cung kính và hoan hỷ. Lúc đó Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi ông xem có thể lấy nước mát ở đâu. Punna nghĩ chắc là Tôn giả muốn rửa mặt, vì thế ông làm một cây tăm xỉa răng từ một loại dây leo gần đó và dâng nó cho ngài. Trong lúc Tôn giả Xá-lợi-phất đang chà răng, Punna lấy bát và túi lọc nước của ngài, đổ đầy vào bát với nước trong mát và được lọc một cách thích hợp, và ông cúng dường đến Tôn giả.
Sau khi rửa mặt xong, Tôn giả Xá-lợi-phất tiếp tục lên đường đi khất thực. Lúc ấy, ý nghĩ này khởi lên với Punna: ‘Tôn giả chưa bao giờ đến đây theo cách này, có lẽ hôm nay ngài đến đây vì lơị ích của ta chăng. Ước gì vợ mình có mặt ở đây với vật thực, được cúng dường vật thực ấy cho ngài thì sẽ là điều tốt đẹp biết bao!’
Lúc bấy giờ vợ của Punna cũng đang trên đường mang thức ăn cho chồng, và gặp Tôn giả Xá-lợi-phất. Bà nghĩ: ‘Đôi khi ta có thức ăn để cúng dường, nhưng lại không có người thọ nhận; đôi khi có người thọ nhận, nhưng do mình nghèo quá không có thức ăn để dâng cúng. Hôm nay ta may mắn làm sao, vừa có Tôn giả Xá-lợi-phất là người thọ nhận lại vừa có thức ăn này để cúng dường!397Vì thế, với tâm tràn đầy vui sướng, bà cúng dường thức ăn đến Tôn giả Xá-lợi-phất. Rồi bà lại quay trở về nhà, làm thức ăn mới, và mang nó ra ruộng cho chồng. Punna vô cùng hoan hỷ khi nghe việc bà cúng dường vật thực đến Tôn giả Xá-lợi-phất. Ông ăn cơm rồi nằm nghỉ.
Khi thức dậy, ông thấy cánh đồng mình cày ban nãy đã biến thành vàng. Ông đem sự việc trình lên đức vua, vua liền cho những chiếc xe bò đi gom vàng về. Nhưng ngay khi lính của vua vừa chạm vào vàng, nói rằng đây là vàng của đức vua, vàng ấy biến thành đất. Vì thế vàng được gom lại nhân danh Punna, và đức vua đã trao tặng ông tước hiệu Bahu-Dhana-Setthi (Bá Hộ Đa Sản). Punna cho xây một căn nhà và vào ngày tân gia, ông tổ chức một cuộc lễ đại thí đến Đức Phật và Chúng Tăng. Và với pháp thoại tuỳ hỷ của Đức Phật,398 Punna, vợ và Uttarā, con gái ông ta trở thành Thánh Nhập Lưu.
Ở đây,
- Punna và vợ là những người giới đức.
- Vật cúng dường của họ có được hợp theo Pháp.
- Họ có tâm trong sạch, không uế nhiễm và thực sự hoan hỷ trước, trong và sau khi cúng dường.
- Họ có đức tin mãnh liệt nơi nghiệp và quả của nghiệp,
Và
- Người thọ nhận,Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta), là một bậc Thánh A-la-hán vừa xuất khỏi diệt thọ tưởng định. Giới của ngài rất hoàn hảo, vì ngài đã đắc A-la-hán Thánh Đaọ và Thánh Quả Trí.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là: Punna và vợ của ông ta trong một kiếp quá khứ đã hoàn tất một thiện nghiệp cao thượng, và nghiệp đó giờ đây chín mùi hỗ trợ cho nghiệp cúng dường đến Tôn giả Xá-lợi-phất hiện tại của họ: nghiệp quá khứ đó là thân y duyên (upanissaya-paccaya).
Do sự có mặt của các điều kiện thoả đáng, tư (cetanā) của tốc hành tâm thứ nhất trong tiến trình tâm ý môn của Punna khi đang cúng dường đến Tôn giả Xá-lợi-phất đã tạo ra một quả lớn ngay trong kiếp đó. Đây là hiện báo nghiệp (diIIhi- dhamma-vedanīya-kamma).
Có thể quý vị sẽ cảm thấy khó tin câu chuyện này; quả hiện tại của nghiệp mà Punna làm có vẻ như quá hoang đường hơn là thực. Tuy nhiên kết quả ấy là sự thực chứ không có gì hoang đường. Nếu chúng ta so sánh nó với quả có thể sẽ chín mùi như sanh báo nghiệp: tức như nghiệp được cảm thọ quả vào lúc tái sanh (quả của tư thuộc tốc hành tâm thứ bảy), thì hiện báo nghiệp thực sự chỉ là một quả không đáng kể. Tại sao? Bởi vì nếu nghiệp cúng dường của Punna chín mùi vào thời cận tử (maraua–kāle), nó sẽ tạo ra tái sanh trong cõi chư thiên, với những thiên lạc thù thắng và thọ mạng lâu dài của một vị chư thiên:399một cánh đồng vàng dù đem lại sự giàu sang cho con người nhưng chỉ với tuổi thọ ngắn ngủi (của kiếp người), thì không thể có sự so sánh. Cúng dường của Punna cũng có thể chín mùi như hậu báo nghiệp (aparāpariya-vedanīya-kamma), tức như nghiệp cảm thọ quả trong một kiếp sống nào đó trong tương lai (từ kiếp thứ hai đổ đi), vốn là quả của tư (cetanā) trong năm tốc hành tâm giữa. Trong trường hợp đó, nó sẽ tạo ra những kết quả thù thắng trong rất nhiều kiếp sống tương lai. Như vậy, cánh đồng vàng mà Punna có được khi làm người cũng không thể đem so sánh ở đây.
Tất cả những kết quả to lớn này có thể phát sanh là nhờ ông đã hoàn thành hàng tỷ thiện nghiệp trước, trong và sau phước sự cúng dường của ông đến Tôn giả Xá-lợi-phất.
Quý vị hãy ghi nhớ những vận hành của tâm này. Trong cõi dục (kām–āvacara–bhūmi) của chúng ta, chỉ một cái búng tay đã có rất nhiều ngàn tỷ tâm sanh và diệt: những tâm này bao gồm nhiều tỷ tiến trình tâm. Mỗi tiến trình trong những tiến trình tâm này đều có bảy tốc hành tâm (javana). Và mỗi tốc hành tâm ấy đều được phối hợp với tư (cetanā): chính tư tạo ra nghiệp. Nếu quý vị nhớ điều này, quý vị có thể hiểu được Punna đã hoàn thành được rất nhiều thiện nghiệp như thế nào, và câu chuyện cánh đồng vàng sẽ trở nên dễ hiểu hơn.
QUẢ HIỆN TẠI CỦA BẤT THIỆN NGHIỆP TÔN GIẢ ĂNG-GU-LI-MA-LÁ
Hiện báo nghiệp cũng có thể là bất thiện. Chẳng hạn trường hợp của Ăng-gu-li-ma-lá (Angulimāla)400. Ông từng là tướng cướp trong vương quốc Kosala của Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), và đã giết rất nhiều người. Thế nhưng, một hôm Đức Phật, với thiên nhãn của ngài, thấy rằng Ăng-gu-li-ma- lá ngày hôm đó hoặc sẽ giết mẹ của mình, hoặc, nếu Đức Phật đi đến gặp ông, ông sẽ xuất gia làm Tỳ-kheo. Và thấy rằng Angulimāla có đủ ba-la-mật để trở thành một bậc Thánh A-la-hán trong kiếp đó, Đức Phật đã thân hành đi tới gặp ông. Angulimāla xuất gia, và thọ trì tăng thượng tam học, đó là tăng thượng giới học (giữ giới Pātimokkha của vị Tỳ-kheo), tăng thượng tâm học (hành thiền định) và tăng thượng tuệ học (hành thiền minh sát).
Lúc bấy giờ, Vua Pasenadi đang cố gắng để bắt tướng cướp Angulimāla. Nhưng khi thấy Ăng-gu-li-ma-lá đã trở thành một vị Tỳ-kheo thanh tịnh với Đức Phật kể như bậc Đạo sư, Vua Pasenadi yên tâm và hứa sẽ cung cấp cho ông bốn món vật dụng: y phục, thực phẩm, thuốc trị bệnh, và chỗ ở. Như vậy, việc xuất gia của Tôn-giả Angulimāla với Đức Phật là kết quả của hiện báo nghiệp.
Sau đó, dưới sự chỉ dẫn của Đức Phật, Tôn-giả Angulimāla đắc Đạo Quả A-la-hán. Ngày hôm sau, khi đi vào kinh thành Sāvatthī để khất thực, dân chúng trong kinh thành đã tấn công ngài. Họ không thể quên những gì mà ngài đã làm khi còn là tướng cướp Angulimāla, nên, người thì ném đá, người ném gậy, và người ném những mảnh sành, khiến cho bình bát của ngài bị bể, và y áo bị rách nát. Khi Đức Phật nhìn thấy điều đó, Ngài nói với Angulimāla:
Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn!
Ông đang cảm thọ quả hiện tại của những nghiệp mà lẽ ra ông sẽ phải bị hành hạ trong nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm trong địa ngục vì nghiệp đó!
Ở đây, Đức Phật đang giải thích cho ông biết rằng việc tấn công đó chẳng qua là quả hiện tại của ác nghiệp Angulimāla đã làm trong kiếp này. Nếu nghiệp đó cho quả của nó như sanh báo nghiệp, hoặc hậu báo nghiệp, ông sẽ bị tái sanh vào địa ngục, và phải chịu khổ trong nhiều ngàn năm. Nhưng vì ông đã đắc A-la-hán Thánh Quả, ác nghiệp quá khứ đã trở thành vô hiệu lực, sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp không còn nữa: nó chỉ có thể có hiệu lực trong kiếp này (hiện báo nghiệp) như bị mọi người tấn công vậy thôi.
NGƯỜI ĐỒ TỂ
Ví dụ khác của hiện báo nghiệp bất thiện là trường hợp của người đồ tể ở kinh thành Sāvatthi.401Ông chuyên giết bò, chọn những miếng ngon nhất cho mình và gia đình, và đem bán phần còn lại. Giết bò là kế sinh nhai của ông suốt năm mươi lăm năm. Ông không bao giờ ăn cơm trừ khi có thịt bò kèm theo.
Ngày nọ, sau khi đã chấm dứt công việc hàng này của mình, trời còn sáng, ông đưa cho vợ miếng thịt bò để nấu bữa ăn tối, còn ông đi ra hồ tắm. Trong lúc ấy, một người bạn của ông đến, và mặc dù vợ người đồ tể đã can ngăn, người bạn này vẫn lấy miếng thịt bò dành cho bữa ăn tối của ông đi.
Khi người đồ tể tắm xong quay lại, phát hiện ra rằng bữa tối của ông không có gì cả, ông cầm lấy con dao, và đi ra nhà sau chỗ một con bò đang bị cột. Người đồ tể đưa tay vào miệng bò, kéo cái lưỡi của nó ra, dùng dao cắt đứt tận cuống, và đi trở lại nhà trong. Ông nướng cái lưỡi bò trên vỉ than, bỏ nó trên cơm nóng, và ngồi xuống ăn. Trước tiên ông ăn một muỗng cơm đầy, và một miếng thịt (lưỡi) bò. Ngay lúc ấy, lưỡi của ông bị cắt đoạn lìa tận cuống, rơi khỏi miệng và xuống đĩa cơm ông đang ăn. Rồi, với máu tuôn ra từ miệng, ông chạy ra sân, bò quanh trên đất, và kêu rống lên như một con bò. Nghiệp cắt lưỡi bò của ông đã làm nhiệm vụ như hiện báo nghiệp, và tạo ra một quả khổ khủng khiếp ngay trong hiện tại.
Sau khi bò quanh sân vài vòng và rống lên như bò, ông chết. Do đã giết bò trong năm mươi năm, sanh báo nghiệp khiến ông phải tái sanh vào A-tỳ Địa Ngục (Avīcī). Và số phận dành cho ông là phải cảm thọ những khổ đau khủng khiếp trong đại địa ngục ấy trong một thời gian rất dài bởi vì vô số những sanh báo nghiệp bất thiện khác, cũng như vô số những hậu báo nghiệp khác giờ đây gặp được những điều kiện thoả đáng để chín mùi: vòng tái sanh luân hồi thì không có khởi đầu (vô thỉ), vì thế mỗi người chúng ta đều đã hoàn thành rất nhiều ác nghiệp. Khi những điều kiện có mặt, ác nghiệp từ những kiếp quá khứ đó sẽ chín mùi, và cái khổ của một người được kéo dài thêm lên.
Đôi khi, một chúng sanh trong địa ngục hết nghiệp (nghiệp tạo ra tái sanh trong địa ngục) và họ chết tại nơi ấy. Nhưng họ vẫn không thoát khỏi địa ngục vì một hậu báo nghiệp khác của cùng nghiệp đó sẽ tạo ra quả trong địa ngục trở lại, và điều này cứ tiếp diễn mãi như vậy402. Thậm chí khi họ thoát khỏi địa ngục và được tái sanh làm ngạ quỷ, nghiệp ấy cũng vẫn làm nhiệm vụ như hậu báo nghiệp, khiến cho họ, trong thân ngạ quỷ, cũng bị hành hạ theo cách nào đó tương tự như thế.
Đến đây kết thúc phần bàn luận của chúng tôi về nghiệp phân theo thời gian cho quả: hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp, hậu báo nghiệp, và vô hiệu (lực) nghiệp. Tuy nhiên để có một bức tranh toàn diện, chúng ta cũng cần hiểu rằng bốn loại nghiệp ấy vận hành qua ba giai đoạn: quá khứ, hiện tại và tương lai.
NHỮNG VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP QUÁ KHỨ – HIỆN TẠI – VỊ LAI
Trong một tương tục danh sắc, luôn luôn có nghiệp quá khứ, nghiệp hiện tại, và trừ phi một người đạt đến A-la- hán Thánh Quả, bằng không nghiệp tương lai cũng luôn luôn có. Như vậy, tuỳ theo quả, chúng ta có sáu vận hành của nghiệp qua khứ, bốn vận hành của nghiệp hiện tại, và hai vận hành của nghiệp tương lai.
SÁU VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP QUÁ KHỨ
Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga), một bộ luận do Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, mô tả sáu vận hành của nghiệp quá khứ (atīta–kamma)403 như sau:
- Đã có nghiệp, đã có quả của nghiệp.
- Đã có nghiệp, đã không có quả của nghiệp.
- Đã có nghiệp, có quả của nghiệp.
- Đã có nghiệp, không có quả của nghiệp.
- Đã có nghiệp, sẽ có quả của nghiệp.
- Đã có nghiệp, sẽ không có quả của nghiệp.
Chúng ta sẽ cố gắng để thấy mối liên quan giữa cách mô tả này với các loại nghiệp khác nhau mà ở trên chúng ta đã bàn, đó là hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp, hậu báo nghiệp, và vô hiệu nghiệp.
NGHIỆP QUÁ KHỨ, QUẢ QUÁ KHỨ
Vận hành thứ nhất của nghiệp: nghiệp quá khứ có quả quá khứ. Như thế nào? Trong những kiếp sống quá khứ, một người đã hoàn tất vô số sanh báo nghiệp thiện và sanh báo nghiệp bất thiện: chúng là tư (cetanā) của các tốc hành tâm thứ nhất của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy đã gặp được điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng trong cùng kiếp sống đó.
Chẳng hạn, những cảm thọ lạc, khổ và trung tính đã phát sanh liên quan với một nghiệp nào đó trong một kiếp quá khứ có thể là quả của một hiện báo nghiệp: ví dụ, những cảm thọ phát sanh liên quan với một hành nghiệp bố thí (dāna) trong cùng kiếp quá khứ đó, hoặc liên quan với hành nghiệp giữ giới (Sīla) hoặc tu thiền (bhāvanā). Ví dụ khác là sự khởi lên của một trong ba Tâm Đạo thấp (Magga Citta– Tu-đà hoàn Đạo, Tư-đà-hàm Đạo, A-na-hàm Đạo) trong một kiếp quá khứ: quả của những tâm đạo ấy xuất hiện trong sát-na tâm kế như những Tâm Quả (Phala Citta).
Cũng vậy, trong vô lượng kiếp quá khứ, một người đã hoàn tất không thể tính kể những sanh báo nghiệp thiện và sanh báo nghiệp bất thiện: chúng là tư của những tốc hành tâm thứ bảy của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy đã gặp đúng điều kiện để tạo ra quả của chúng trong kiếp tiếp theo, tức kiếp kế liền sau kiếp đó. Lại nữa, nếu trong một kiếp quá khứ, một tư (cetanā) như vậy tạo ra kiết sanh thức và danh sắc của kiếp kế, thời những tư còn lại của những tốc hành tâm thứ bảy của nghiệp đó hoặc trở thành vô hiệu lực, hoặc sẽ hỗ trợ các uẩn ấy trong suốt kiếp kế, như kéo dài thọ mạng và khổ đau của một người trong cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ…, hay kéo dài hạnh phúc của họ trong cõi nhân loại hoặc chư thiên.
Thêm nữa, trong vô lượng kiếp quá khứ, một người đã hoàn tất không thể tính kể những hậu báo nghiệp thiện và hậu báo nghiệp bất thiện: chúng là tư (cetanā) của năm tốc hành tâm giữa của mỗi nghiệp. Những nhiệp ấy đã gặp được những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng trong một kiếp quá khứ nào đó sau kiếp kế trong quá khứ.
Trong những trường hợp trên, nghiệp thuộc quá khứ, và đã hoàn thành quả của nó; quả của nó cũng thuộc quá khứ, và đã hoàn thành xong nhiệm vụ. Như vậy nghiệp đã có mặt và chấm dứt (diệt) trong quá khứ; quả của nó cũng đã có mặt và chấm dứt trong quá khứ. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Đã có nghiệp, đã có quả của nghiệp.
NGHIỆP QUÁ KHỨ, KHÔNG CÓ QUẢ QUÁ KHỨ
Vận hành thứ hai của nghiệp: nghiệp quá khứ không có quả quá khứ. Đó là, vào cuối của mỗi kiếp sống, tất cả hiện báo nghiệp và sanh báo nghiệp nào không gặp những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng đều trở thành vô hiệu lực.
Chẳng hạn, với việc tái sanh trong cõi chư thiên hoặc cõi nhân loại trong một kiếp quá khứ, tất cả những sanh báo nghiệp từ kiếp trước lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ đã không gặp những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả như vậy, và trở thành vô hiệu nghiệp vào cuối kiếp sống đó. Tuy nhiên, với sự chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, hay Nhất Lai Thánh Đạo trong kiếp quá khứ, tất cả những sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp đã được hoàn tất trước đạo chứng ấy và những nghiệp sau đó lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ đều lập tức trở thành vô hiệu nghiệp. Cũng vậy, với việc tái sanh trong cõi sắc giới và vô sắc giới trong một kiếp quá khứ, tất cả những sanh báo nghiệp từ kiếp trước lẽ ra đã có thể tạo ra quả của chúng trong cõi dục giới, đều trở thành vô hiệu nghiệp vào cuối kiếp sống đó. Và với việc chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo trong quá khứ, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp mà sau đó lẽ ra đã có thể tạo ra quả của chúng trong cõi dục giới, đều lập tức trở thành vô hiệu nghiệp.
Trong những trường hợp này, nghiệp thuộc quá khứ, và đã hoàn thành nhiệm vụ của nó; quả của nó thì vô hiệu lực, và kể như đã không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Như vậy, nghiệp đã có mặt và chấm dứt (diệt) trong quá khứ; quả của nó thì không hề có mặt. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Đã có nghiệp, đã không có quả của nghiệp.