VỊ THẦY BÀ LA MÔN
Để trả lời cho câu hỏi “Vị Thầy Bà-la-môn” có nghĩa là gì, câu trả lời được Đức Thế Tôn đưa ra là: “Brahmanotī kho bhikkhu tatthāgata sattam adhivacanam arahato sammāsambuddhassa.”
Ý nghĩa của câu Pāḷi trên là: danh xưng “Thầy Bà La Môn” ngụ ý nói đến Đức Thế Tôn, bậc Chánh Đẳng Giác, bậc Ứng Cúng Cao Thượng – Đức Phật là bậc xứng đáng nhận sự cúng dường cao thượng của tất cả chư thiên, Phạm thiên và con người, ngài là bậc Toàn Tri, đã hiểu biết một cách đúng đắn sự thực của Pháp theo phép phân tích với nhất thiết trí tri của mình giống như các bậc tiền nhân đã giác ngộ khác. Ở đây “Thầy Bà La Môn” được nhân cách hóa cho Đức Phật trong chừng mực nào đó, vì có một sự giống nhau về cách chỉ dạy đã phổ biến. Sự giống nhau đó là, thường thường một vị thầy Bà La Môn có khoảng năm trăm người đệ tử, và tối đa có thể có đến năm, sáu hoặc bảy ngàn người. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Phật, số lượng đệ tử nhiều không thể đếm được. Hàng đệ tử của ngài, ngoài con người ra, còn có các vị chư thiên và Phạm thiên nữa. Có vô số hữu tình chúng sanh trong thế gian đã và đang sống trong Giáo Pháp (Sāsanā) này đã được giải thoát. Và có vô số chúng sanh sẽ được giải thoát khỏi thế giới hữu tình (Sattaloka) trong thời kỳ giáo pháp của các vị Phật tương lai. Đức Phật được xưng tán là “Bậc Thiên Nhân Sư” (Devamanussānaṁ), vì ngài có đầy đủ những phẩm chất của một bậc thầy cao quý và vĩ đại, ngài là thầy của tất cả chư thiên, phạm thiên và nhân loại.