LÀM SÁNG TỎ THÊM VỀ HOÀI NGHI

Có một số người thường nói: “Thấy mới tin”, nghĩa là: họ sẽ chỉ tin sau khi đã có được kinh nghiệm cá nhân. Họ không tin vào bất cứ điều gì trừ phi điều đó đã được họ thử nghiệm như cách các nhà khoa học làm vậy. Nói khác hơn, họ không tin bất cứ điều gì một cách mù quáng. Điều đó không xấu. Chính vì các thế hệ xưa đã chấp nhận những điểm giáo lý một cách mù quáng mà ngày nay những bất đồng về đức tin phát sanh. Chắc chắn kiến thức cá nhân có được bằng kinh nghiệm thực hành là kiến thức thực tế và tự nhiên nhất.

Giáo Pháp của Đức Phật cũng vậy, có thể được kinh nghiệm một cách thực tiễn và đáng tin cậy. Tuy nhiên, sẽ là không khả thi nếu như một người chỉ khư khư chấp nhận và tín nhiệm những gì mình biết và đạt được bằng kinh nghiệm cá nhân của mình. Có những điều được nói ra bởi các vị đã tự mình chứng ngộ thông qua kinh nghiệm thực tiễn về Pháp. Vì vậy, những điều mà một người đã tự thân hành thiền nghiêm túc nói ra cũng cần phải được chấp nhận nếu như bạn không có chút kinh nghiệm riêng nào của mình.

Pháp của Phật được nói là “Thiết Thực Hiện Tại” “Sanditthika”, tức Pháp này chắc chắn sẽ đưa đến sự chứng ngộ với kết quả tức thời nếu thực hành cần chuyên. Ở đây Đức Phật đã đưa ra lời bảo đảm rằng pháp của ngài chắc chắn sẽ được mỗi người tự chứng nếu họ thực hành nó với chánh tinh tấn. Chỉ có hai hiện tượng — danh và sắc, không có ‘người’ hay ‘tự ngã’ và cũng không có cái gọi là linh hồn hay một thực thể sống, hay ‘Atta’ nào cả.

Vì vậy, từ chối chấp nhận một lời dạy chỉ vì lý do rằng tự thân chưa từng hành thiền, không phải là một sự biện minh chính đáng. Để tôi dẫn ra đây một ví dụ. Nếu một người đi xe lửa từ Monywa, chắc chắn anh ta sẽ đến Mandalay. Điều này là hiển nhiên đối với những người đã thực hiện cuộc hành trình như vậy trước đây. Tuy nhiên, giả sử một người chưa từng có một kinh nghiệm nào về cuộc hành trình bằng xe lửa, và cũng chưa từng sống ở Mandalay được một người lữ hành có kinh nghiệm bảo là, “Này bạn, bạn sẽ đến Mandalay nếu bạn đi chuyến xe lửa này.” Và nếu người ấy trả lời, “Tôi không thể tin ông được, và vì tôi chưa bao giờ đi du lịch bằng xe lửa trước đây, nên tôi không thể nghe theo lời khuyên của ông”, liệu anh ta có thể đến được Mandalay mà không thực hiện cuộc hành trình bằng xe lửa không? Chắc chắn là không rồi. Sở dĩ điều này xảy ra là vì anh ta không tin nơi những gì người khác nói. Đưa ra một lựa chọn khác, nếu anh ta được khuyên là nên đi bằng xe hơi nhưng vẫn cứ hoài nghi và nói, “Tôi cũng không tin, bởi vì tôi chưa bao giờ đi du lịch bằng xe hơi trước đây.” Thử hỏi anh ta có đến được Mandalay hay không nếu cứ từ chối lời khuyên của người khác? Nhất định không. Hoặc có ai đó bảo anh ta nên đi đến Mandalay bằng tàu thủy, và anh ta vẫn cứ tiếp tục giữ thái độ tiêu cực như trước, chắc chắn anh ta sẽ không đến được Mandalay. Sự tình là như vậy thì rất có thể anh ta cũng sẽ từ chối đi bằng máy bay từ Monywa đến Mandalay nữa. Trừ phi anh ta biết chấp nhận lời khuyên của người khác, anh ta mới có thể đến được Mandalay.

Tương tự như trường hợp vừa nêu, đối với pháp thiền minh sát, Đức Phật đã khuyên dạy là: “Hãy tinh tấn thực hành, chớ có dễ duôi”. Như trong Kinh Đại Niệm Xứ tuyên bố: “Ekayano magga …”, “Đây là con đường độc nhất để thành tựu thánh đạo — ariya magga — và chứng đắc Niết Bàn”. Lời chỉ dẫn này của Đức Phật cần phải được tin và chấp nhận nếu chúng ta muốn hết khổ. Phương pháp thực hành cũng đã được Đức Phật mô tả rõ ràng trong bài kinh ấy như: “gacchanto vā gacchamīti pajānāti, v.v…”  có nghĩa là “khi đang đi hãy ghi nhận với sự tỉnh giác như “ta đang đi”. Nếu ngồi, ghi nhận “ngồi”, đứng ghi nhận“đứng”, nằm ghi nhận “nằm”. Khi co hay duỗi chân tay, ghi nhận như:“co”, và “duỗi”  tùy theo từng trường hợp. Trong hành động đi, đặc tính cứng và lực đẩy thể hiện rõ rệt. Tuy nhiên những hướng dẫn này không được đưa ra như: “cứng”  hay “đẩy”, hay như “di chuyển”  hay “đưa tới trước”. Kinh chỉ nói ghi nhận “đi” mà thôi.

Trong khi quán cái đi như “đi”, sự cứng của các khớp, sự chuyển động và lực đẩy cũng sẽ được ghi nhận. Nếu có người nói rằng trừ phi họ có kinh nghiệm tự thân trong thiền, bằng không họ không thể tin vào lời dạy ấy, những loại người như vậy sẽ rơi vào nhóm những người từ chối du hành bằng xe lửa, tàu thủy, hay máy bay đã mô tả ở trước. Họ sẽ chẳng bao giờ đến được nơi họ cần đến và thành tựu được mục tiêu của họ. Sẽ là không hợp lý khi bác hết mọi lời đề nghị hay lời khuyên của người khác đưa ra không chịu thử nó. Cũng sẽ là không thích hợp để từ chối chấp nhận những lời khuyên ấy một cách hoàn toàn.

Nói cách khác, một người bịnh không nên từ chối uống thuốc mà bác sĩ, người có kinh nghiệm trong việc điều trị bịnh ấy, đã kê toa. Nếu người bịnh từ chối uống thuốc, họ sẽ không có cơ hội để bình phục. Pháp của Đức Phật cũng giống như thuốc có thể chữa lành bịnh vậy. Đó là lý do vì sao Đức Phật đã kêu gọi mọi người “hãy tự mình đến và thấy” bằng cách thực hành phương pháp Tứ Niệm Xứ. Một khi việc thực hành đã được thử, nhất định họ sẽ tự mình thấy được chân lý. Nếu bạn thực hành, quán và ghi nhận, bạn sẽ thấy sự sanh và diệt không ngừng của danh và sắc.

Những gì Trưởng Lão Ledi Sayadaw nói trong phần đầu của “Tứ Oai Nghi” là:“Yathā yathā vā panassa kāyo panihito hoti, tatthā tatthā naṁ pajānāti.” (Thân thể được bố trí như thế nào, vị ấy biết nó là như vậy.) Có thể nói ý nghĩa của đoạn văn kinh đơn giản này đúng chính xác như những gì chúng tôi đã giải thích và được chấp nhận. Khi những hoạt động của thân như cử động chân tay theo bất cứ cách nào hay theo cách của dáng đi trong hành động đi và nhấc chân lên, nó cần phải được quan sát với chánh niệm. Điều này có nghĩa rằng sự quán với chánh niệm phải được thực hiện trên tứ chi và các bộ phận khác của thân có liên quan. Trong đoạn Pāḷi trên, sự nhấn mạnh được đặt trên những chuyển động hay trong những gì đang xảy ra của thân hành và tâm hành vốn bao gồm trong bốn oai nghi chính – đi, đứng, ngồi, nằm. Ở đây sự nhấn mạnh không đặt trên việc quán toàn thân như sự tập hợp của tứ đại. Nói khác hơn, thân phải được nhận biết theo đặc tính của thân hành. Sau khi dạy quán bốn oai nghi chính – đi, đứng, ngồi, nằm, ghi nhận “đi” trong khi đi, “đứng” trong khi đứng, “ngồi” trong khi ngồi, và “nằm” trong khi nằm. Đức Phật dạy một cách quán thân khác, đó là thân hiện hữu theo các đặc tính thế này, thế này và bằng các đặc tính ấy thân được nhận biết.

Trong phương pháp quán thứ hai đã nói ở Trường Bộ Kinh, sự nhấn mạnh đặt trên “thân” là chủ yếu. Không có gì quan trọng được thêm vào phần Quán Tứ Oai Nghi. Các nhà Chú Giải nói rằng bốn oai nghi chính đã được bao gồm ở đây một cách tự động. Khái niệm này có tính triết lý cao, người bình thường khó có thể hiểu được. Điểm chính ở đây là “thân” hiện hữu, hay có “Thân” đây. Thân ấy cần được biết rõ (tuệ tri). Iriyabhūta (oai nghi hiện đang có) không đòi hỏi phải được biết. Do đó, nó có thể được giải thích như đã bao quát hết mọi hoạt động của thân. Hoạt động của những oai nghi chính, không đòi hỏi, nên không cần phải xem xét ở đây. Điều này có nghĩa là sự nhấn mạnh được đặt trên ‘thân’ chứ không phải ở các oai nghi.

Có thể giải thích thêm như vầy: trong khi đang ngồi, bất cứ phần nào của chân tay, dù đang chuyển động hay đang giữ yên, nếu thân phần có liên quan ấy được quán, thì có nghĩa là tâm bạn đang trú trên các đặc tính của sự hiện diện của nó trên thân. Oai nghi ngồi kể như cũng tự động được bao gồm trong đó. Vì vậy, nếu hoạt động “phồng và xẹp” của bụng được quán trong khi ngồi, oai nghi hiện hữu gọi là “ngồi” cũng tự động được bao gồm, và được xem như đã hoàn thành trong chuỗi liên tục không gián đoạn. Chính vì thế lời tuyên bố của Trưởng Lão Ledi: “Yathā yathā vā panassa kāyo panihito hoti, tatthā tatthā naṁ pajānāti.” (Thân thể được bố trí như thế nào, vị ấy biết nó là như vậy) sẽ được giải thích như đã bao gồm tất cả những hoạt động chi tiết của thân, và điều này phù hợp với sự giải thích về phương pháp thứ hai của Trường Bộ. Chúng tôi cũng đang giảng theo cách ấy. Có lẽ như vậy là vừa đủ để bạn hiểu rõ vấn đề.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app