PHỤ LỤC CÂU HỎI

Câu Hỏi 1: Sát na định hay nhất thời định (khaṇika samādhi) giúp phát triển Vipassanā được không?

Hãy nhớ là Thanh Tịnh Đạo đã đề cập minh bạch trong phần Dhātu-manasikāra-pabba-rằng: do quán tứ đại, hay quan sát bốn yếu tố căn bản (đất, nước, lửa, gió) ngay sát-na chúng xảy ra, người hành thiền sẽ khơi dậy chuẩn bị định loại trừ tạm thời các triền cái. Còn Mahā-tika [1] hay phụ chú giải của bộ Visuddhimagga nói rằng, thực ra nó không phải chuẩn bị định vì không có định thuộc các bậc thiền sư (jhānic) cho nó dẫn đến. Tuy nhiên, nó được xem như vậy theo lối ẩn dụ gọi là Sadisu-pacara, nghĩa là nó tương tự với bậc thiền thực sự dưới dạng khả năng loại trừ các triền cái của nó. Định như vậy gọi là sát- na định hay nhất thời định (khaṇka samādhi) trong trường hợp của thiền Minh Sát. Đó là lý do vì sao tôi luôn luôn gọi nó là Vipassanā Khaṇika Samādhi (sát-na định Minh Sát). Có số người, không thể hiểu được điều này, đã lý luận rằng sát-na định không thể giúp đưa đến Minh Sát được, vì nếu nó làm được như vậy, những người hành thiền ắt hẳn có thể tạo ra Tuệ Minh Sát .

Tôi đồng ý với họ về điểm này, nếu các thiền sinh đã tu tập định đủ mạnh để thoát khỏi các triền cái, do quan sát các hiện tượng tâm-vật lý hiện tại hợp với tinh thần kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-sāti-paṭṭhāna Sutta). Trong thực tế, rõ ràng là định được đề khởi bằng cách suy luận, xét đoán, hay phân tích những con số thống kê mà thiền sinh đã học thuộc lòng, không cách nào thoát khỏi năm triền cái, và rằng thực sự họ cũng hoàn toàn không quan sát tâm và thân hay danh-sắc hiện tại. Vì thế những người ưa thích lý luận này hẳn phải là những người có ít hay không có kiến thức về cách tiến hành Minh Sát thực sự. Trong Thanh Tịnh Đạo, sát-na định được nói đến như Khaṇika Cittekaggatā, tức sát-na tâm nhất cảnh tánh, và trong phụ chú giải của bộ luận, sự định nghĩa được đưa ra là Khaṇa-matta-thitiko samādhi, tức định kéo dài từ sát-na này đến sát-na khác. Dựa trên căn bản của chú giải và phụ chú giải của Thanh Tịnh Đạo này, tôi gọi nôm na nó là sát-na định – Khaṇika samādhi, loại định thường được gọi theo lối ẩn dụ là cận định (Upacāra Samādhi). Tuy nhiên cũng không nên lúng túng nếu gọi như thế không hợp.

Định khởi lên ở sát-na chánh niệm được gọi là Khaṇika Samādhi, tức định kéo dài từng mỗi sát-na hành giả quan sát. Không có sát-na định này, thiền Minh Sát không thể tu tập được. Vì thế nhất thiết phải có sự định tâm đủ mạnh như vậy cho tuệ Minh Sát. Đối với các hành giả thực hành thuần Minh Sát (thuần quán hành giả) không dựa vào bậc thiền (jhāna), sát- na định này là định dẫn hành giả đến sự chứng ngộ Đạo Quả (Magga Phala). Thiền Minh Sát không quan sát một đối tượng duy nhất, thay vào đó nó đòi hỏi phải có sự quan sát các đối tượng từ sát-na này đến sát-na khác. Dù đối tượng thay đổi tâm vẫn có thể khéo tập trung trên chúng từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Điểm này có lẽ rất sáng tỏ đối với những hành giả đã thực hành một cách hiệu quả.

[1] Mahātika I-436.

Câu Hỏi 2: Liệu việc liệt kê hay kể ra từng hiện tượng (Pháp) có thể đưa đến Danh sắc phân tích trí (Nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa)[2] được không?

Một hành giả không thể phát triển Danh sắc phân tích trí (Nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa) bằng cách chỉ liệt kê hay kể ra từng hiện tượng như vậy. Chỉ khi nào hành giả quan sát tâm và thân (danh-sắc) ngay sát-na chúng xảy ra, họ mới có thể phân biệt được giữa các hiện tượng tâm vật lý này một cách tự nhiên. Đó mới thực sự là Danh sắc phân tích trí (Nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa). Minh Sát trí thực sự phải phát sinh do quan sát các hiện tượng hiện tại chứ không phải do lý luận, phân tích, hay kể ra từng khoản một như: có 81 loại tâm hiệp thế (Lokiya Citta), 52 loại tâm sở (cetasika), 28 loại sắc (rūpa); và v.v… Tri kiến như vậy chỉ là trí nhớ do học mà có và thuộc về tưởng (saññā), chứ không phải là trí dựa trên kinh nghiệm riêng của một người. Suy nghĩ xem 81 loại tâm hiệp thế là gì; không biết tất cả tâm ấy có xảy ra trong chúng ta không. Đại hành tâm (Mahāggata citta), chẳng hạn, chỉ thuộc về những người đắc thiền. Mặc dù là hiệp thế, nhưng tâm duy tác chỉ các bậc Alahán mới có. Làm thế nào một người kinh nghiệm một đối tượng mà họ không có được? Trong số 28 loại sắc, sắc nữ tánh được kinh nghiệm bởi người nữ, trong khi sắc nam tánh bởi người nam. Như thế người này không thể kinh nghiệm giống (đực-cái) của người khác. Do đó, kể ra từng hiện tượng mà người ta không thực sự kinh nghiệm, làm thế nào tri kiến ấy có thể là tri kiến về sự thực cùng tột hay pháp chân đế được? Câu trả lời, nếu đưa ra một cách thành thật, sẽ là: “ Vâng, đó chỉ là tri kiến thuộc khái niệm.” Như vậy, rõ ràng minh bạch rằng tri kiến theo khái niệm chế định, hay trí nhớ do học ấy không thể dẫn đến Danh Sắc Phân Tích Trí (Nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa). Thực sự, một hành giả thậm chí cũng không thể tạo ra tri kiến Minh Sát căn bản mà không quan sát danh và sắc.

[2] Danh sắc phân tích trí hay Tuệ phân biệt danh-sắc là tuệ đầu tiên trong 16 tuệ Minh Sát mà hành giả phải trải qua trong quá trình tu tập tập Minh Sát . Xem thêm chi tiết trong “Biết và Thấy.”

Câu Hỏi 3: Người hành thiền thấy thường, khổ và vô ngã lúc mới bắt đầu hành Minh Sát không?

Cách một Quán thừa hành giả (Vipassanā- yānika) hay một người thực hành Minh Sát không có định của thiền chỉ, thực hành được giải thích như sau:

Idhekacco pana vuttapakaram samatham anuppadetvā pañcupadanak-khadhe aniccadihi vipassati. Ayaṃ vipassanā.

Nghĩa là: Ở đây, trong Giáo Pháp này, một vị thực hành Vipassanā quan sát năm uẩn (các hiện tượng thân tâm) dưới dạng vô thường, khổ và vô ngã, mà không đề khởi thiền định. Đó được gọi là thuần quán.

Như đã đề cập ở trên, một hành giả bắt đầu quán hay quan sát năm uẩn (các hiện tượng tâm và thân) dưới dạng vô thường, khổ và vô ngã, mà không đề khởi thiền định, tức không có cận định (Upacāra- samādhi) và an chỉ định (Appanā samādhi). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vị ấy thấy được vô thường, v.v… ngay lúc bắt đầu thực hành. Bao lâu người hành thiền không tránh xa được các triền cái, ở đây là những ý nghĩ lang thang, họ không thể trông đợi kinh nghiệm các đặc tánh thực của tâm và thân. Để tịnh hoá tâm khỏi các triền cái ấy, điều cần thiết là vị ấy phải phát triển nhất thời định (sát-na định) dựa trên Minh Sát. Chỉ khi đó,vị ấy mới có thể biết rõ về các đặc tánh thực của tâm và thân, phát sanh tuệ Minh Sát gọi là Danh-sắc phân tích trí (Nāma-rūpa pariccheda-ñāṇa). Kế đến tuệ này được theo sau lần lượt bởi các tuệ gọi là Tuệ phân biệt nhân-quả (Paccaya-pariggaha-ñāṇa), và Tuệ thẩm sát tam tướng- vô thường, khổ và vô ngã (Sammasana-ñāṇa). Vì sự giải thích chi tiết về điều này đã được nói đến trong Thanh-Tịnh-Đạo (Vissuddhi Magga), ở đây chúng tôi chỉ giải thích tóm tắt rằng một người quan sát năm uẩn dưới dạng vô thường v.v…mà thôi. Ngược lại, nếu một hành giả thấy được vô thường, khổ và vô ngã ngay lúc bắt đầu thực hành, điều đó sẽ trái ngược với sự giải thích của Thanh-Tịnh-Đạo.

Nó cũng ngược lại với cách tiến hành của thất thanh tịnh [3] (7 giai đoạn thanh tịnh). Vì thế, điều đó cần phải tin là không đúng sự thực.

[3] Thất thanh tịnh hay bảy giai đoạn thanh tịnh gồm: 1. Giới tịnh (Sīlavisuddhi); 2.Tâm tịnh (Cittavisuddhi); 3. Kiến tịnh (Diṭ ṭ hivisuddhi); 4. Đoạn nghi tịnh (Kaṇ khāvitaraṇ avisuddhi); 5.

Câu Hỏi 4: Liệu thể phát sanh tuệ Minh Sát do đọc, “sanh diệt” không quan sát danh sắc đang thực sự sanh-diệt không?

Thực sự không thể thấy vô thường, khổ và vô ngã mà không kinh nghiệm những đặc tánh thực của tâm và thân. Chẳng hạn, nếu bạn không thấy tia chớp ngay khoảnh khắc nó chớp lên, bạn không thể nào biết được tia chớp xuất hiện và biến mất như thế nào, có phải vậy không? Theo cách tương tự, bạn không thể thấy vô thường, khổ và vô ngã mà không quan sát tâm và thân ngay sát-na chúng xảy ra. Vì thế, kết luận đưa ra ở đây là người ta không thể phát sanh tuệ Minh Sát thực vào tính chất vô thường, khổ và vô ngã , chỉ bằng cách đọc “sanh và diệt” mà không quan sát tâm và thân đang thực sự sanh và diệt được. Đó là lý do vì sao người hành thiền phải ghi nhớ rằng chỉ khi họ quan sát tâm và thân đang sanh-diệt, và nhờ đó kinh nghiệm được tính chất vô thường,v.v… của chúng, thì đó mới là tuệ Minh Sát thực. 

Câu Hỏi 5: Sati-paṭṭhāna nghĩa niệm, nằm trong nhóm định (Samādhikkhandha). Vậy thì, phải chăng đó một loại pháp hành thiền định (Samātha), chứ đâu phải thiền Vipassanā?

Một số người đã nêu câu hỏi như vừa đề cập ở trên bởi vì họ chỉ phân tích chữ sati-paṭṭhāna trên căn bản quan niệm riêng của họ, mà không nhìn vào toàn thể bài kinh. Thực sự ra, ngay cả ở phần Uddesa, phần tóm tắt của bài Kinh, chữ Sampajano (hay biết các hiện tượng một cách đúng đắn và chính xác, Hán dịch là trí tuệ tỉnh giác) rõ ràng đã được đề cập, mà điều này chỉ ra cho thấy đó là Minh Sát trí. Nếu bạn nhìn vào phần giải thích của bài kinh, gọi là Niddesa (Quảng thuyết), bạn sẽ thấy đoạn, Samudaya-dhammānupassī vā (quan sát các pháp hay hiện tượng sanh khởi). Trong trường hợp của thiền định (Samātha), bạn không bao giờ thấy các hiện tượng sanh và diệt, và sự tương tác của chúng, thay vào đó, bạn phải chăm chú không ngừng vào một đối tượng duy nhất.

Và rồi, bạn có thể thấy những đoạn, Anissito ca viharati, (sống không chấp trước và tà kiến), na ca kiñci loke upādiyati (không chấp thủ vào điều gì trong thế gian-năm uẩn). Chỉ có trong thiền Minh Sát bạn mới có thể thấy sự sanh và diệt, và bạn không chấp trước vào gì cả. Vì thế, ngay cả trong những phần thuộc về thiền chỉ (Samātha) như Anāpāna (niệm hơi thở vô, và hơi thở ra), Paṭikūlamanasikāra (quán tính chất đáng nhờm gớm hay quán 32 thể trược) được nói rõ là nhằm mục đích trình bày cách làm thế nào để thực hành Minh Sát dựa trên thiền chỉ. Không cần phải nói đến các phần như quán tứ oai nghi (Iriyāpatha), thực hành tỉnh giác (Sampajañña) v.v… Rõ ràng rằng ngay cả những phần như quan sát các cảm thọ (Vedanā-nupassanā), quan sát tâm (Cittā-nupassanā), và quan sát các pháp (Dhammā-nupassanā) cũng không liên quan gì đến thiền chỉ, mà chúng thực sự là Minh Sát thuần tuý.

Câu Hỏi 6: Đức Phật có dạy chúng ta quán hay quan sát cái “đi” như là danh và sắc không?

Gacchanto vā gacchāmī’ti pajānāti, khi đi, biết “đi”. Khi đi chỉ việc biết “đi” thì không có gì vất vả lắm. Tất nhiên, điều đó quá đơn giản để bạn có thể tin là mình đang thực hành Pháp (Dhamma). May thay đó là điều chính Đức Phật đã dạy, nếu không thì ắt hẳn nó đã bị ném vào thùng rác rồi. Ngay cả như vậy, một số người cũng lý luận rằng nó không phải như thế ấy, mà phải thế này thế nọ. Điều đó chẳng khác nào vẽ rắn thêm chân khi mà không có gì để sửa chữa hay để hiệu đính vậy. Cũng theo cách tương tự, họ muốn đưa ra lý do rằng nếu như người ta phải quan sát “cái đi” khi đi, thì điều đó sẽ làm cho điệu bộ của họ vụng về mất. Ngoài ra, họ còn nói quan sát như thế cũng vẫn là quan sát đối tượng thuộc về khái niệm chế định chứ không phải đối tượng chân đế. Đó cũng chỉ là vẽ rắn thêm chân mà thôi. Những gì Đức Phật dạy không đòi hỏi phải hiệu đính lại. Nếu nhất thiết phải nghĩ về các đối tượng chân đế, có lẽ Đức Phật đã nói khác. Có thể Ngài sẽ nói rằng, Gacchanto vā nāma-rūpantī pajānātī, khi đi, biết “danh và sắc”.

Câu Hỏi 7: Làm thế nào một người quan sát được hơi thở vô-và-hơi thở ra dưới hình thức thiền chỉ (Samātha) và cũng dưới hình thức thiền Minh Sát?

Dù người đó đã đắc thiền hay không, nếu họ quan sát hơi thở vô-và-hơi thở ra thông qua hình dạng hay tướng (của hơi thở) thì đó là thiền chỉ, còn quan sát hơi thở dưới dạng cảm thọ, hay sự rung động, đó là Thiền Minh Sát .

Câu Hỏi 8: Nếu chúng ta cứ duy trì việc quan sát cái đau, sự nóng bức hay tê cứng mà không chịu thay đổi oai nghi liền, thì thực sự đó có phải là tự ép xác hay khổ hạnh (Atta-kilamatha-nuyoga) không?

Có người bảo tôi một vị thiền sư cư sĩ kia nói rằng nếu bạn có cái đau, nóng bức hay sự tê cứng do ở trong một tư thế (oai nghi) nào đó quá lâu, bạn nên thay đổi oai nghi. Nếu không, đó sẽ là một loại pháp hành khổ hạnh. Thực ra quan điểm đó không có căn cứ, và chú trọng quá nhiều đến “lợi ích tỉnh giác”, Satthakasampajañña[4], tức suy xét xem điều gì có lợi. Khi bạn thực hành thiền chỉ và Thiền Minh Sát, chủ yếu là phải có Khantī-saṃvara[5], nghĩa là tự chế, hay phòng hộ với sự trợ giúp của pháp kham nhẫn. Chỉ khi bạn duy trì việc thực hành với pháp kham nhẫn, tức kham nhẫn chịu đựng cái đau, v.v… ngoại trừ trường hợp không thể chịu đựng nổi, thì định và tuệ mới phát sanh. Ngược lại, nếu bạn thường xuyên thay đổi oai nghi, sẽ không còn lại chỗ nào cho định và Tuệ Minh Sát nữa. Mọi người, nếu đã từng hành một cách nghiêm túc, đều biết rõ điều đó. Vì thế, bạn nên thực hành với pháp kham nhẫn cho đến mức có thể, đừng

thay đổi oai nghi thường xuyên quá. Đó đích thực là phòng hộ bằng kham nhẫn – Khantī-saṃvara, chứ hoàn toàn không phải là khổ hạnh, hay ép xác gì cả, bởi vì một sự nhẫn nại như vậy không cố ý tự làm khổ mình, mà chỉ giúp cho người hành thiền phát triển khả năng kham nhẫn phòng hộ Khantī-saṃvara, chánh niệm , định và tuệ Minh Sát mà thôi.

Thực sự, Đức Phật muốn người hành thiền duy trì việc thực hành một cách không khoan nhượng hơn là cứ thay đổi oai nghi của mình cho đến khi hoàn thành Alahan Thánh đạo ngay tại chỗ ấy. Điều này được nói đến trong “Đại Kinh Rừng Sừng Bò” – Mahā Gosinga Suttaṃ[6]: Giả sử, nếu người hành thiền ngồi tư thế ngồi kiết già, hạ quyết tâm: “Ta sẽ không đứng dậy khỏi thế ngồi kiết gìa này cho đến khi loại trừ tâm khỏi tham, và đoạn tận hết mọi tâm phiền não.”, thời người này được chấp nhận như một người làm chói sáng khu rừng Gosinga. Do đó, những ai dạy rằng nếu một người thực hành kham nhẫn với các cảm thọ khổ, thì điều đó đồng như ép xác khổ hạnh, là đang xúc phạm những người hành thiền dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, và làm hỏng giáo Pháp của Ngài. Hơn nữa, họ còn hủy diệt viễn cảnh của những người hành thiền đang cố gắng hoàn thành định và Tuệ Minh Sát.

Khanti-Saṃvara: Này các Tỳ kheo, trong giáo Pháp này, một vị Tỳ kheo có như lý tác ý (suy xét chân chánh) tu tập kham nhẫn với lạnh, nóng, đói, khát, ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, rắn, rít, bò cạp, và những lời mắng nhiếc sỉ vả. Thậm chí vị ấy còn phải kham nhẫn với những đau đớn về thể xác hoặc những bệnh hoạn gay gắt, nghiệt ngã, khủng khiếp và chết người. Này các Tỳ kheo, đối với một vị Tỳ kheo như vậy những phiền não tàn hại và làm cho đau đớn không còn xảy ra nữa. Vị ấy có thể vượt qua những phiền não như thế với sự trợ giúp của pháp kham nhẫn và chịu đựng. (Majjhimā I,113)

Đoạn văn vừa đề cập ở trên, nằm trong bài kinh gọi là Kinh Tất Cả các Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta), ở đây Đức Phật đã chỉ dẫn người hành thiền phải chịu đựng ngay cả với cái đau chết người. Điều đó cần phải ghi nhớ trong tâm. Thêm nữa, trong chú giải, có một số câu chuyện giống như câu chuyện của Trưởng lão Lomasanaga, người đã không từ bỏ quyết tâm, mà dành hết thời gian của mình vào việc thực hành giữa trời trong suốt giai đoạn Antara-ratthaka. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai tháng cuối cùng của một năm, và được xem như là thời kỳ lạnh nhất. Thậm chí có cả tuyết.

Vì thế, bạn không nên thay đổi oai nghi do cái đau vừa phải như tê cứng, nóng bức, hay đau nhức. Bạn nên duy trì việc quan sát và kham nhẫn với quyết tâm không thay đổi oai nghi. Nếu có thể, thậm chí bạn nên cứ tiếp tục thực hành bất kể đến mạng sống. Nhờ làm như vậy bạn có thể tạo ra Kham nhẫn phòng hộ – Khantī-saṃvara, tuệ Minh Sát và định. Nếu cái đau không thể chịu đựng nổi, thì bạn nên thay đổi oai nghi bằng cách ghi nhận sự thay đổi này thật cẩn thận để cho chánh niêm, định và tuệ Minh Sát không bị đánh động.

Có số người giải thích Atta-kilamatha (tự hành xác) theo cách trái ngược lại với giáo Pháp của Đức Phật. Theo họ, thực hành là một hình thức tự hành xác. Sự giải thích như vậy rõ ràng là ngược lại với lời dạy của Đức Phật, vì thậm chí Ngài còn dạy chúng ta thực hành không màng đến mạng sống và chân tay. “Dù chỉ còn lại da và xương. Dù máu thịt ta có khô cạn. Ta sẽ không ngừng thực hành cho đến khi hoàn thành sự giác ngộ Đạo Quả ta mong muốn” Đức Phật nói chúng ta nên quyết tâm kiên định và tiếp tục thực hành một cách không khoan nhượng. Do đó, một sự thực hành tích cực như thế không thể nói là ép xác Atta – kilamatha vì nó giúp người hành thiền tạo ra định và tuệ Minh Sát .

Nói gì đến hành thiền, ngay như việc giữ giới, người ta cũng phải chịu khó chịu khổ ở một mức nào đó, song không thể bảo như thế là hành khổ hạnh ép xác vì nó giúp cho định và tuệ Minh Sát phát triển. Chẳng hạn, khi giữ bát quan trai giới hay thập giới, người ta phải nhịn ăn vào buổi chiều, điều này có thể làm khó chịu, đặc biệt đối với những người còn trẻ. Tuy nhiên, không thể nói đó là hành xácvì nó hỗ trợ cho việc hoàn thành giới của một người.

Dĩ nhiên, đối với một số người, đầu tư nỗ lực cho việc giữ giới không sát sanh,v.v… là rất khó, song Đức Phật tán dương nỗ lực này như ‘hiện tại khổ, tương lai lạc’ trong Đại Kinh Pháp hành – Mahā-dhamma-dayada, Mūla paṇnāsa (M. I) như sau:

“Ở đây, này các Tỳ kheo, có người với khổ với ưu, từ bỏ sát sanh, và do duyên từ bỏ sát sanh cảm thọ khổ ưu; (đối với 9 giới còn lại cũng vậy). Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, nhất định sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này các Tỳ kheo, thực hành mười giới như thế được gọi là: hiện tại khổ; tương lai quả báo lạc”.

Vì thế, một pháp hành không nên xem là tự hành xác khi nó giúp người ta trau dồi giới đức, thiền định và tuệ Minh Sát, vì đó là Trung Đạo, Majjhimā-paṭipadā. Trái lại nếu một pháp hành không liên quan đến giới, định và tuệ, dĩ nhiên, pháp hành đó phải được xem như tự hành xác.

[4] Có bốn loại tỉnh giác: 1. Satthakasampajañña – Lợi ích tỉnh giác; 2. Sappāyasampajañña – Thuận lợi tỉnh giác; 3. Gocārasampajañña – Hành xứ tỉnh giác; 4. Asammohasampajañña – Bất mê tỉnh giác.

[5] Saṃvara hay Phòng Hộ có năm cách: 1. Pāṭ imokkha Saṃvara – Phòng hộ bằng giới bổn Ba la đề mộc xoa; 2. Sati Saṃvara – Phòng hộ bằng niệm; 3. Ñāṇ a Saṃvara – Phòng hộ bằng trí tuệ; 4. Khanti Saṃvara – Phòng hộ bằng kham nhẫn; 5. Viriya Saṃvara – Phòng hộ bằng tinh tấn. (Xem thêm trong Đoạn Trừ Lậu Hoặc).

[6] Mahā Gosinga, Mūlapaṇ nasa , Trung Bộ I.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app