DÊ THÀNH CHÓ

Ngày xưa, có vị giáo sĩ Bà-la-môn nọ mua một con dê và mang nó theo bên mình mục đích là để thực hiện một nghi lễ, một hành động làm lành với một vị nữ thần. Một đám du thủ du thực nhìn thấy ông mang con dê đã lập mưu nẫng con dê của ông dễ dàng mà không mất gì. Chúng chụm đầu bàn với nhau và đồng ý sẽ nói như thế nào đó để con dê có vẻ như thành con chó, rồi chúng đứng chờ ở những nơi đã ấn định dọc theo con đường mà vị giáo sĩ Bà-la-môn sẽ đi đến. Tên chờ ở điểm đầu tiên khi thấy người Bà-la-môn tới liền nói, “Chào Thầy! sao thầy lại mang con chó trên vai thế này?” Vị giáo sĩ Bà-la-môn giận dữ kêu lên: “Cậu nói cái quái gì vậy? Con vật ta mang trên vai là ‘dê’ chứ có phải chó đâu. Ta mua con vật này để hiến tế nó trong nghi lễ tế thần mà. Bộ cậu không thấy nó là con dê sao? Chó thế nào được ?”  Nói thế xong ông tiếp tục đi.

Đi được một đỗi, vị giáo sĩ bà-la-môn đến bìa rừng. Tại đây, một nhóm người xuất hiện và nói “A-ha! thật là một vị thầy kỳ lạ! Dù thuộc giai cấp Bà-la-môn cao quý nhưng ông lại mang một con chó rất đê tiện và hèn hạ, quả thực là đáng kinh ngạc. ” Những người còn lại trong nhóm cũng nhao nhao hùa theo “Ay, ay, đúng thế, đúng thế. Chúng tôi thật bối rối không biết ông ta mang con chó trên vai là vì mục đích gì chứ.”  Lúc này vị giáo sĩ bà-la-môn bắt đầu bị dao động một tí. Ông suy xét: “Vừa rồi người ta nói con vật ta đang mang là một con chó. Liệu nó có phải là chó không? Tốt hơn ta nên nhìn lại nó thử xem.” Nghĩ thế xong, ông đặt con dê xuống đất và nhìn nó. Thậm chí ông còn vuốt ve tai con dê và tự nhủ, “Hừm! Rốt cuộc thì nó vẫn là dê chứ không phải chó.” Nói vậy xong, ông tiếp tục cuộc hành trình.Một lần nữa, khi ông đến vùng ngoại biên của khu rừng, thì một nhóm người khác xuất hiện và vỗ tay chế giễu ông, họ nói: “Ê, ê nhìn kìa! Nhìn kìa! Cái này mới thực là lạ. Dù là một vị giáo sĩ Bà-la-môn thuộc giai cấp cao quý, ông ta lại đang vác một con vật hạ tiện, một con chó trên vai kìa. Thật là tuyệt diệu!”  Sự việc xảy ra mấy lần như vậy khiến ông Bà-la- môn tự nghĩ; “Dường như đúng thì phải. Người đầu tiên nói con vật ta mang trên vai là một con chó. Nhóm người thứ hai cũng tuyên bố rằng nó là con chó. Nhóm người này cũng nhận định rằng nó là chó. Con vật mà ta đang mang dường như không phải là dê, nó có vẻ là chó thật.” Nghĩ rồi ông thả con dê ra và nói: “Cút mày đi cho rồi — đồ chó khốn kiếp.”  Sau khi bỏ lại con dê và đi khỏi nơi ấy, con vật bị nhóm vô lại giết thịt và nấu một bữa tiệc ngon lành. Câu chuyện minh họa này dạy cho chúng ta một bài học, dù một người có học thức, nhưng nếu nhiều người cùng nhau bầy tỏ quan niệm trái chiều của họ về một vấn đề, người này vẫn có thể bị giao động như thường.

Sự việc này cũng giống như trường hợp của ngài Bāhiya, người đã có ý nghĩ sai lầm cho rằng mình là một bậc A-la-hán. Do được nhiều người ngưỡng mộ và nói về ngài như một bậc A-la-hán đáng kính, nên ngài tự xem mình là bậc A-la-hán thực sự. Ngày nay cũng thế, có thể có rất nhiều người tự nghĩ mình là bậc thánh Nhập Lưu hay A-la-hán do quan điểm của thầy họ cho rằng họ đã đạt đến những giai đoạn tuệ minh sát cao nào đó. Ngoài ra cũng có một số người trở nên tự cao tự đại do được đông người ca tụng. Những trường hợp như vậy nên được xem như là lời nhắc nhở để chúng ta có sự lưu ý hơn.

Vị Phạm thiên từ cõi Tịnh Cư thấy Bāhiya đang che dấu tâm ngã mạn hão huyền của mình. Vì thế vị ấy suy xét,“Ồ! Bạn ta đang đi theo con đường lầm lạc với những quan điểm cố chấp. Thời Đức Phật Ca-Diếp, lúc chúng ta hành thiền trên đỉnh núi, vị ấy đã lao vào hành thiền một cách nhiệt thành, thậm chí từ chối cả việc thọ dụng bữa ăn do vị Trưởng Lão A-la-hán thực lòng dâng cúng cho vị ấy. Vị ấy cũng từ chối luôn cả bữa ăn do vị Trưởng Lão A-na-hàm dâng cúng. Thế mà giờ đây vị ấy lại tự hạ mình để thọ nhận của cúng dường do những người đang có ấn tượng sai lầm cho rằng vị ấy là một bậc A-la-hán, mặc dù bản thân vị ấy không hề là A-la-hán. Vị ấy đã lầm tưởng mình là một bậc A-la-hán. Vị ấy đã tạo ra một điều sai lầm quá lớn. Không lâu nữa vị ấy sẽ chết. Cái chết đang đến với vị ấy. Giờ chính là lúc ta phải đi đến để giúp vị ấy.”  Suy xét như vậy xong, vị Phạm thiên đi đến chỗ Bāhiyadaruciriya. Đêm hôm đó, vị Phạm thiên xuất hiện giữa hư không, trong tầm nhìn của Bāhiya, với tất cả ánh hào quang rực rỡ của vị ấy, và nói rất thẳng thừng, “Này Bāhiya, ông nghĩ mình là bậc A-la-hán sao. Thực sự, ông không phải là bậc A-la-hán gì cả. Ông chỉ là kẻ mạo danh chứ không có những thuộc tính cần thiết để dẫn tới việc trở thành một bậc A-la-hán.”

Nghe những lời này, Bāhiya tự nghĩ: “Ôi quả thực! điều này rất đúng. Ta chưa từng có bất kỳ nỗ lực thực hành nào để trở thành một bậc A-la-hán cả. Ta bị trôi dạt từ biển vào đất liền. Khi trôi dạt vào bờ này ta trần truồng như nhộng và phải bện những cọng lau mỏng manh lại làm khố để che thân. Với cách ăn mặc này, ta đi xin ăn. Người dân trong vùng ấn tượng một cách ngây thơ với cách ăn mặc quái gỡ của ta và đã lầm tưởng, đã ngưỡng mộ, đã nhìn nhận và ca tụng ta là một bậc thánh A-la-hán. Đúng là ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, mặc dù ta thực sự không phải là A- la-hán, ta đã tự xưng mình là A-la-hán một cách kiêu ngạo.” Sự hối lỗi đến với ngài như vậy. Rồi ngài hỏi, “Kính thưa ngài Phạm thiên, nếu sự tình là vậy, trên thế gian này có vị A-la-hán thực nào không? Nếu có, vị ấy hiện ở đâu?” Vị Phạm thiên trả lời “Có một nơi gọi là vương quốc Kosala nằm ở phía đông bắc của ngôi làng biển Soppāraka này. Ở vương quốc đó có một ngôi chùa gọi là Kỳ Viên Tịnh Xá, gần kinh thành Xá-vệ. Tại ngôi tịnh xá này có Đức Phật Gotama, thuộc vương tộc Thích Ca, cư ngụ. Đức Phật Gotama là bậc A-la-hán thực sự, ngài đã giải thoát khỏi mọi phiền não (kilesa). Ngài đang tuyên bố chánh pháp và giảng giải con đường đưa đến sự chứng đắc đạo quả A-la-hán.” Nghe xong lời này, Bāhiya cảm thấy vô cùng hối hận và lo sợ cho cách hành xử khinh xuất của mình, ngay lập tức ngài rời bỏ nơi ấy để đi tìm Đức Phật.

Trong chú giải Kinh Bāhiya nói khoảng cách từ cảng Soppāraka đến thành Xá-vệ được nói là 120 do- tuần. Tuy nhiên trong chú giải Kinh Ponnovāda, khoảng cách ấy là 130 do-tuần. Theo các nhà Chú Giải thì một do-tuần gần bằng 13 dặm. Ngược lại, các nhà nghiên cứu ngày nay thì nói là 8 dặm. Nếu tính theo mức 8 dặm, thì 120 nhân cho 8 cũng là 960 dặm. Đối với một vùng đất xa xôi như vậy, Bāhiya du hành vội vã trên đôi chân, chỉ dừng lại trên đường khi đêm đến, và mỗi nơi chỉ ở một đêm, thay vì nghỉ hai hoặc ba đêm một lần.

“Chỉ ngủ một đêm ở mỗi nơi ngài đi qua trên con đường”  là ý nghĩa đích xác mà ngôn ngữ Pāḷi truyền đạt qua câu “Sabbatha ekarattivasena”. Như đã nói “Sabbatha — mỗi nơi, ekatattivasena — đến sau khi ở lại một đêm.” Rõ ràng là ở mỗi nơi, cuối cuộc hành trình một ngày, chỉ có một đêm nghỉ lại.” Điều này rất thực tế. Tuy nhiên, vị chú giải Kinh Bāhiya chủ yếu chỉ đưa ra lời giải thích: “Cuộc hành trình từ hải cảng Soppāraka đến Xá-vệ được thực hiện chỉ trong một đêm.” Nếu sự tình là vậy, chắc chắn phải có sự giúp đở ở bên ngoài (tha lực), vì với nỗ lực của một người bình thường thì có lẽ không thể nào đi được một đoạn đường dài 960 dặm như vậy. Và điều đó cũng không phù hợp với câu “Sabbatha ekarattivasena” (Chỉ ngủ một đêm ở mỗi nơi ngài đi qua trên con đường). Theo như cách nói “mỗi nơi hay khắp nơi” đi cùng với từ ngữ “Ở Lại” thì sẽ là vô lý khi dịch chỉ ở lại Một Đêm trong suốt cuộc hành trình. Nên câu đó sẽ dịch là “Ở lại một đêm tại mỗi nơi.” Vì thế, lời tuyên bố “Chỉ ở lại một đêm tại mỗi nơi dừng thay vì nghỉ và phí thời giờ trong hai hoặc ba đêm” có vẻ thực tế hơn. Nếu toàn bộ cuộc hành trình được thực hiện trong một đêm, thì cách diễn đạt “Sabbattha”, nghĩa là “khắp nơi”, được xem là thừa. Chữ “Vāsa” nghĩa là “Ở lại” cũng sẽ không cần thiết. Nó sẽ chỉ thích hợp với cách diễn đạt “chỉ một đêm” (ekatattivasena, spending of a night) thôi.

Liên quan đến sự việc này, điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là “Bāhiya, do vô cùng hối hận đã vội vã đi đến…”. Lúc vị ấy đi đến Kỳ Viên tịnh xá, Đức Phật đã ra đi khất thực trong kinh thành Xá-vệ. Do đó, Bāhiya cũng vội vã đi thật nhanh đến Xá-vệ. Vừa thấy Đức Thế Tôn, ngài tràn ngập một niềm tôn kính, phấn khích và đức tin, và liền cung kính đảnh lễ. Sau khi đảnh lễ xong, ngài thành tâm thỉnh Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật nhận ra rằng lúc này không thích hợp để thuyết pháp vì Bāhiya đang trong tâm trạng cực kỳ sùng kính và hân hoan, hơn nữa sau một cuộc hành trình dài đòi hỏi phải gắng sức nhiều có lẽ Bāhiya cũng đã mệt mỏi, nên từ chối lời thỉnh cầu ấy, ngài nói : “Đây không phải lúc để thuyết pháp vì Như Lai đang đi khất thực.” Bāhiya nghiêm trang khẩn cầu tới ba lần. Đức Phật lúc đó thấy Bāhiya đã trấn tĩnh lại và ngài cũng thấy đây là lúc thích hợp để thuyết pháp, nên đưa ra lời khuyến giáo tóm tắt sau :

Tasamā tiha te Bāhiya evam sikkhitabbāna diṭṭhe diṭṭhamattaṁ bhavissati, sute suttamattaṁ bhavissati, mute muttamattaṁ bhavissati, viññatte viññatamattaṁ bhavissati,…

Ý nghĩa của đoạn kinh Pāḷi trên có thể tóm tắt như sau : “Khi thấy một đối tượng, chỉ quán và ghi nhận một cách chăm chú là “thấy” ; khi nghe một âm thanh, chỉ ghi nhận trong tâm với sự tập trung là “nghe”; khi tỷ thức hay khả năng ngửi sanh, chỉ tập trung và ghi nhận một cách chắc chắn trên cái “ngửi”; khi ăn, chỉ ghi nhận sự hay biết việc “ăn” ; khi cảm giác sự xúc chạm, chỉ ghi nhớ trong tâm là “xúc chạm”

; và khi thức khởi lên sự tưởng tượng, chỉ ghi nhận trong tâm là “tưởng tượng” . Sau khi được nghe pháp, pháp vốn ngăn bất kỳ sự xu hướng nào về những vấn đề hay những ý nghĩ không liên quan đến mục đích, Bāhiya, trong lúc ấy cũng đang quán trên mọi hoạt động của tâm phát sanh do sự tiếp xúc của con mắt và cảnh sắc, tai và âm thanh, và v.v… nhờ chỉ tập trung trên sự hay biết về cái “thấy”, “nghe”, “xúc chạm”, và “biết” ngài đã đạt được sự tiến bộ rất nhanh đối với các tuệ minh sát và trở thành một bậc A-la-hán. Ngài được xem là bậc tối thắng ‘Etadagga’ trong số những vị Tốc Chứng A-la-hán (Khippābhiñña), tức là vị đắc đạo trí và quả trí A-la-hán nhanh nhất.

Sau khi đắc đạo quả A-la-hán, trong lúc đang đi tìm y bát để thọ giới Tỳ-kheo, ngài bị một con bò, hóa thân của một Dạ Xoa có oán thù với ngài trong tiền kiếp, húc chết.

Như đã nói ở trước, trong số năm vị Tỳ-kheo hành thiền trên đỉnh núi, ngài Dabba thì trở thành một bậc A-la-hán ; Vua Pukkusāti sau khi đắc đạo quả Bất Lai (anāgāmi) đã tái sanh về cõi Tịnh Cư Thiên; ngài Sabhiya cũng đã thành tựu đạo quả A-la-hán và ngài Bāhiya thì nhập Vô Dư Niết Bàn. Như vậy, chỉ còn lại một vị. Vị Phạm thiên quán xét xem vị này hiện đang sống ở đâu, và thấy rằng ngài Kumārakassapa hiện đang trú ngụ tại rừng Āndha. Vì thế, để giúp vị này, đêm đó Phạm thiên đã xuất hiện trước ngài Kumārakassapa, phát ra một ánh hào quang rực rỡ, sau đó đưa ra cho ngài mười lăm vấn đề nan giải, như đã đề cập ở trước, “Bhikkhu. Bhikkhu ! ayam vammiko rattaṁ dhumārati”,… (“Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng…”). Những gì Tôi vừa nói chỉ là phần “Giới Thiệu” nhằm trình bày lý do vì sao bài kinh này được thuyết.

Ngày hôm sau, Trưởng Lão Kumārakassapa đã đi đến Đức Thế Tôn và đảnh lễ ngài với hết lòng thành kính. Sau khi ngồi xuống ở chỗ phải lẽ ngài lặp lại mười lăm vấn đề nan giải mà vị Phạm thiên đã đưa ra cho ngài và cầu xin sự giải thích của Đức Phật bằng những lời : “Konnikho bhante vammiko, ka rattam dhūmā yanā, ka divā pajjalanā”,…

Diễn đạt lại bằng ngôn ngữ dễ hiểu, đoạn văn kinh trên có nghĩa là: “Bạch Đức Thế Tôn ! Gò mối lớn có nghĩa là gì? Câu nói ban đêm phun khói muốn truyền đạt điều gì? Ý nghĩa hàm chứa trong câu ban ngày nó (gò mối) phát ra lửa là thế nào? Ai là người vị Phạm thiên đang nói tới? “Sumedha, người học trò xuất sắc ấy là ai?”  Đức Thế Tôn trước tiên giải thích về câu hỏi nan giải “ko vammiko” (gò mối lớn là gì?) như sau:

GÒ MỐI LỚN

“Vammiko’ti kho, bhikkhu, imassetaṃ cātumahābhūtikassa kāyassa adhivacanaṃ, mātāpettikasambhavassa odanakummāsūpacayassa aniccucchādana-parimaddanabhedana-viddhaṃsana-dhammassa.

Ý nghĩa của đoạn văn trên là: “Này Tỳ kheo Kumārakassapa, “Gò Mối” này muốn nói tới sắc thân (rūpa). Nói khác hơn, “Gò Mối” chỉ là cái tên đặt cho “Thân Vật Chất” hay sắc thân gọi là “rūpa” này. Một cách chính xác thì hình thể hay sắc chất mà mỗi người chúng ta đang mang đều giống như một cái gò mối. Thân của bạn là cái gò mối của bạn. Dường như mọi người đều biết cái gò mối này là gì rồi. Ở đây, đặc điểm giống nhau được chỉ ra bởi vì thân người vốn có thể sờ chạm được này rất giống như một cái gò mối thực.

GÒ MỐI CÓ NHIỀU LỖ

Đặc điểm chung của gò mối là nó đầy những lỗ lớn và lỗ nhỏ. Thân người hay hình thể của chúng ta cũng có nhiều những lỗ lớn và lỗ nhỏ như vậy. Những lỗ lớn chính là các cửa giác quan: cửa mắt, cửa tai, cửa mũi, và cửa miệng. Các lỗ nhỏ là những lỗ chân lông trên da mà mồ hôi có thể thấm qua được. Lông thường mọc ra ở những lỗ chân lông này. Người Tây Phương đã làm những nghiên cứu tỉ mỉ trên thân người và tuyên bố rằng trong một khoảng da cỡ 2 phân rưỡi (1 inch), nếu được khảo sát dưới kính hiển vi cực đại, có khoảng hai ngàn lỗ nhỏ li ti được thấy. Còn nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy khoảng hai mươi lỗ chân lông mà thôi. Những con muỗi có vẻ như có con mắt rất sắc bén. Trong một khoảnh khắc rất ngắn chúng có thể hút máu từ những lỗ chân lông bé nhất trên thân người một cách dễ dàng. Con người không thể thấy những cái lỗ li ti trên da mình, nhưng một con muỗi có thể thấy những cái lỗ bé tí ấy và chọc vòi vào để hút máu. Nếu những lỗ chân lông trên da được xem xét kỹ dưới kính hiển vi, người ta có thể thấy chằng chịt những cái lỗ cực nhỏ giống như một cái rây vậy. Cơ thể con người đầy những lỗ lớn, lỗ nhỏ giống hệt như một cái gò mối lớn vậy. Vì lý do đó, gò mối lớn đã được minh họa như một ví dụ.

Nếu con người, với mắt thường, có thể nhìn thấy rõ vô số lỗ chân lông trên thân họ, chắc chắn họ sẽ thấy bản thân mình cũng như thân người khác thật là đáng chán, và không đẹp đẽ chút nào, vì vậy thân này thực sự là gớm guốc và đáng ghét. Nhìn vào khuôn mặt và đôi tay với mắt thường, bạn sẽ thấy chúng thật mịn màng. Và chúng có vẻ còn mịn màng hơn, tươi mát hơn, tinh tế hơn nếu được làm đẹp với phấn hồng. Do bị phấn son đánh lừa mà con người thấy thân mình khả ái và đáng ưa biết bao. Nếu những lỗ chân lông trên thân được thấy với trí tuệ minh sát hay với con mắt tâm, chúng sẽ thật khủng khiếp. Vì thế phải nhớ rằng vị Phạm thiên đã so sánh thân này với một gò mối và viện dẫn nó như một ví dụ vậy thôi.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app