ĐẢNH LỄ CON RỒNG

Khi tìm thấy “con rồng”, vị thầy Bà-la-môn đã nói người học trò cần phải làm gì. Và đây là điều vị ấy nói:

“Titthatu nāgo, mā nāgaṁ ghadesi, namo kārohi nāgasa.” 

Có nghĩa là: “Hãy để yên con Rồng. Chớ có quấy rầy hay làm hại đến con rồng này. Con rồng có thể được tôn kính và đảnh lễ.” Nghĩa là, sau khi đã trở thành một bậc Thánh A-la-hán, (việc cần làm đã làm) không còn việc gì khác để làm thêm nữa hay không còn phiền não nào khác để đoạn trừ nữa.

CÁCH ĐẢNH LỄ CON RỒNG

Câu nói “Con rồng có thể được tôn kính và đảnh lễ” muốn nói tới điều gì?” Ở đây câu này có thể hiểu là “Vì chính vị ấy đã trở thành một bậc Thánh A- la-hán, nên vị ấy thực sự thấy được Đức Phật, một bậc A-la-hán và cũng là Con Rồng Thiêng.” Do đó, vị ấy đảnh lễ Đức Phật, Bậc Nhất Thiết Trí, vì Đức Phật, là một bậc A-la-hán, đã tìm thấy Con Rồng Thiêng. Các bậc A-la-hán đảnh lễ Đức Phật với tâm tín thành và tự nguyện chứ không phải do nghe theo lời khuyên hay sự thuyết phục của ai cả. Chúng ta, những người đang hành thiền cũng vậy, có lòng tôn kính vô hạn đối với Đức Phật sau khi đã nếm được hương vị của Pháp (dhamma). Cách đảnh lễ Đức Phật như thế nào đã được giảng giải trong Kinh Culasaccaka của Trung Bộ.

“Buddho so bhagavā bhodāya dhammam deseti”

(“Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ.”)

Đức Phật quả thực là bậc kỳ diệu, ngài là bậc đáng đảnh lễ và nương tựa, sau khi đã tự mình chứng ngộ Tứ Thánh Đế, ngài thuyết giảng cho chúng ta – tất cả chúng sanh, Sự Thực về Pháp cao quý ấy với lòng bi mẫn và nhất thiết trí của ngài.

Đức Phật đã chỉ dẫn cho chúng ta biết con đường thoát khỏi luân hồi khổ bằng cách thuyết giảng chi tiết về Tứ Thánh Đế, mà tinh yếu của nó chúng tôi sẽ giải thích ngắn gọn ở đây.

Trong từng sát-na, người hành thiền quán các hiện tượng danh sắc sanh khởi ở sáu cửa giác quan, và sự sanh khởi của sáu tri giác, sáu thức (viññāṇa), sáu xúc xứ và sáu thọ (vedanā). Đây là tinh yếu của Tam Tạng (Tipitaka) rút gọn lại. Sáu tri giác xuất phát từ sáu môn hay cửa giác quan, đó là cửa mắt, tai, mũi lưỡi, thân và tâm phải được quán. Mỗi ‘Môn’ (dvāra) hay cửa giác quan có năm thuộc tính theo thứ tự. Sáu (môn) nhân cho năm (thuộc tính) thành ba mươi. Nếu ba mươi pháp này được quán để tuệ tri sự thực của pháp, A-la-hán thánh quả sẽ được đạt đến và cuối cùng dẫn đến sự chứng đắc Niết Bàn. Nếu Đức Phật chỉ thuyết giảng một cách tóm tắt như vậy có thể một số người không tài nào hiểu dược. Vì thế mà Tam Tạng có mặt. Vì lòng bi mẫn Đức Phật đã khổ nhọc thuyết giảng suốt quãng đời còn lại của ngài sau khi đắc đạo để cứu giúp nhân loại. Đây chính là tính cách mà các bậc A-la-hán đã đảnh lễ Đức Thế Tôn. Chúng ta phải ghi nhớ trong tâm rằng chúng ta hiểu biết được sự thực của pháp là nhờ biết trân trọng và thực hành theo những gì đã được Đức Phật thuyết giảng, và nếu sự tình là vậy, chúng ta phải hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Phật.

Lẽ ra Đức Thế Tôn đã vơi được biết bao nghiêu phiền phức và lao nhọc nếu sau khi thành đạo ngài quyết định không đi thuyết giảng giáo pháp của ngài. Nếu ngài chỉ an trú trong thiền và thánh đạo thánh quả, ngài sẽ có được sự bình yên và tìm được niềm hỷ lạc vô biên trong đó.

Tuy nhiên, không tầm cầu hạnh phúc riêng cho mình bằng cách an trú trong thiền, ngài đã đi thuyết giảng giáo pháp trong suốt bốn mươi lăm năm vì sự an lạc và hạnh phúc của số đông, có thể nói cả ngày lẫn đêm, không ngơi nghỉ. Vì thế chúng ta nên tôn kính Đức Phật với lòng biết ơn vô hạn của chúng ta và lập lại như sau:

“Buddho so bhagavā bhodāya dhammaṁ deseti”

Trong tất cả những nơi Nương Tựa mà con người đi tìm, Đức Thế Tôn là bóng mát bình yên và nơi nương nhờ tối thượng. Sau khi đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, vì lòng bi mẫn và với tri tuệ vô biên ngài thuyết giảng chân lý ấy để giúp mọi người thấy được ảnh sáng của pháp chân thực.

Có năm đoản văn tán dương chúng ta cần ghi nhớ trong tâm để tỏ lòng tôn kính Đức Phật, năm đoản văn đó là:

  • “Buddho so bhagavā bhodāya dhammam deseti.”

(“Đức Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ.”)

Nghĩa là sự giác ngộ đã đến với Đức Phật bằng nỗ lực tự thân của ngài không có sự trợ giúp của bất kỳ ai và Ngài, Bậc Chói Sáng, đã giúp cho mọi người hiểu được những Nguyên Tắc Phổ Quát của Pháp (chân lý).

  • “Danto so bhagavā damathāya dhammam deseti.”

(“Đức Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục”.)

 Nghĩa là sau khi đã tự mình đoạn trừ những phiền não độc hại của lòng dục, Đức Phật đã điều phục những chúng sanh hữu duyên bằng cách thuyết pháp chỉ dạy cho họ cách làm thế nào để nuôi dưỡng những tư duy chân chánh.

  • “Santo so bhagavā samathāya dhammam deseti.”

(“Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh”.)

 Nghĩa là sau khi đã đến trạng thái an tịnh của tâm, và với tâm hồn cao thượng Đức Phật thuyết pháp giúp các chúng sanh có được thành thạo, nhu nhuyến và an tịnh giống như ngài.

  • “Tinno so bhagavā taranaya dhammam deseti.”

(“Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua”.)

Nghĩa là sau khi đã thoát khỏi xoáy nước của đại dương Luân Hồi, Đức Phật đã thuyết pháp để giúp các chúng sanh được giải thoát khỏi những khổ đau của sự hiện hữu và đạt đến niết bàn, bờ bên kia của đại dương luân hồi mênh mông.

  • “Parinibbuto so bhagavā parinibbānāya dhammam ”

(“Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết-bàn”.)  

Nghĩa là, sau khi đã tự mình dập tắt hoàn toàn những ngọn lửa của tham dục — những phiền não (kilesas), Đức Phật thuyết pháp để giúp mọi người có thể dập tắt những phiền não thiêu đốt đang vây quanh họ trong cuộc sống trần tục.

Một số giải thích để giúp quý vị hiểu rõ hơn:

Đối với những người thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật, tư cách đạo đức và văn hóa của họ sẽ càng lúc càng trở nên tinh tế hơn, mức độ tăng trưởng tương xứng tùy thuộc vào khả năng thực hành chuyên cần của họ. Đây là lợi ích xuất phát từ lối sống và cách ứng xử theo văn hóa Phật giáo. Hành vi cư xử và lời nói của người ấy cũng trở nên lịch thiệp, tao nhã và quý phái hơn. Việc giữ giới đối với người ấy sẽ xảy ra một cách tự nhiên, nghĩa là họ sẽ tự mình tránh xa việc sát sanh hoặc hành hạ các chúng sinh. Về lời nói cũng vậy, họ sẽ tự mình tránh nói dối, tránh gây phiền muộn cho những người khác. Điều này sẽ làm cho một người trở nên có văn hóa và văn minh cao. Tuy nhiên, nó vẫn nằm trong phạm vi của Sīla (giới). Khi đến giai đoạn định (samādhi), nếu một người thực sự hành pháp với toàn tâm toàn ý, lúc ấy sẽ không có bất kỳ cơ hội nào cho sự phẫn uất hay sân hận xảy ra. Trong phạm vi của tuệ (paññā), nếu một người nghiêm túc thực hành với đức tin và lòng nhiệt thành, thậm chí những hạt giống ác của phiền não cũng không có cơ hội nảy mầm nói gì đến sự sanh khởi của tham và sân…

Thuở xưa, trước khi Đức Phật xuất hiện, con người có thể được nói là khá man rợ và cộc cằn, đơn giản là vì những dục vọng của con người không những không được kiềm chế mà còn để cho buông thả. Theo những gì Chú Giải ghi lại thì Phật Giáo (Buddha Sāsanā) được truyền đến Miến Điện trong thời kỳ vua Thiri Dhammā Soka (tức Vua Pháp A-dục), 236 năm sau Đức Phật nhập diệt. Vào thời đó, khi các đoàn truyền giáo được gởi đi hoằng Pháp đến chín quốc gia và chín địa điểm, Suvannabhūmi là một trong những địa điểm mà các nhà truyền giáo đã đến thăm. Đa số mọi người đều có quan điểm cho rằng Suvannabhūmi là tỉnh Thaton của Liên Hiệp Miến. Nhưng một số nhà trí thức thì nói rằng đó là Đảo Sumatra ở Indonesia. Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng là Phật Giáo từng có thời kỳ phát triển hưng thịnh ở Thaton. Cũng có thể Phật Giáo được truyền đến Thaton, Miến Điện do hai vị Trưởng Lão Sona và Uttara đến từ Sumatra. Và dường như rằng Miến Điện đã thừa hưởng được nền văn hóa Phật Giáo từ đó. Trước kỷ nguyên Phật Giáo, từ quan điểm về văn hóa và văn minh, người Miến được xem là chậm phát triển. Do đó người ta cho rằng chỉ sau năm 236 Phật Lịch, Miến Điện mới được văn minh và cũng mới chỉ ở vùng hạ Miến mà thôi. Theo lịch sử Miến, khoảng năm 940 – 950 B.E (Buddish- Era), khi mà vùng thượng Miến đang nằm dưới sự trị vì của vua Anawrahtā nổi tiếng, Tôn giả Arahan đã được vua mời tới để hoằng truyền Giáo Pháp (chỉ sau đó Phật Giáo mới xuất hiện ở Pagan). Có thể nói văn hóa Phật Giáo đã trở nên hưng thịnh ở Miến Điện từ đó. Vì thế, điều quan trọng cơ bản là làm thế nào để bảo vệ và giữ gìn nếp sống văn hóa Phật Giáo mà chúng ta đã thừa hưởng được từ Giáo Pháp của Đức Phật, nếp sống văn hóa vốn lưu truyền từ đời cha ông đến chúng ta đến nay. Nếu chúng ta không thực hành Pháp của Đức Phật, nét văn hóa đẹp đẽ này sẽ bị xóa mờ và chìm vào lãng quên, con người, không còn biết gì về Phật Pháp, sẽ bị thối đọa và bất hạnh do đắm chìm trong những thói xấu và phạm vào những ác nghiệp. Nếu hình dung sâu xa hơn, tình trạng suy đồi khủng khiếp này sẽ là điều thảm họa, đáng sợ không thể nghĩ bàn được.

Khoảng năm năm trước, tôi có dịp đến Indonesia trong một chuyến hoằng pháp. Phật giáo đã từng có lần hưng thịnh tại quốc gia này nơi mà những dấu tích của văn hóa Phật giáo vẫn còn được tìm thấy. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó với sự giới thiệu tín ngưỡng của những người Hồi Giáo cai trị đất nước ấy, Indonesia đã trở thành một Nhà Nước Hồi Giáo. Hiện nay còn rất ít Phật tử ở Indonesia. Trong thời gian ở đây, sau khi quan sát những sinh hoạt của người dân, Tôi bất chợt nhớ đến một câu Pháp ngữ như sau:

“Buddho loke samuppanno hitāya sabba pāninaṃ.”

(Đức Phật Xuất Hiện Trong Thế Gian Này Vì Lợi Ích Của Tất Cả Nhân Loại.)

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app