MỞ ĐẦU

Bài giảng tối hôm nay Tôi (Mahasī Sayadaw) sẽ nói về bài Kinh Vammika Dhamma. Vammika Dhamma có nghĩa là Bài Pháp được thuyết giảng minh họa về một gò mối hay lấy Gò Mối làm ví dụ. Bài Pháp này đã được trùng tuyên và ghi chép trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya).

GIỚI THIỆU BÀI KINH

Một đêm nọ, khi Đức Thế Tôn đang cư ngụ tại Kỳ Viên Tịnh Xá ở Sāvatthi, một vị Trưởng Lão có tên là Kumāra Kassapa sống trong khu rừng Āndha, phía bắc của Kỳ Viên Tịnh Xá. Thời Đức Phật, các vị Trưởng Lão thích sống độc cư để tìm sự bình yên, thường rút lui về khu rừng Āndha này. Thời ấy, khu rừng Āndha này là một nơi hẻo lánh, nơi đây sự bình yên và tĩnh lặng ngự trị, người bình thường rất hiếm khi lui tới. Tuy nhiên, hiện nay khu rừng này đã biến thành một vùng đất canh tác với những vụ mùa đang chờ thu hoạch.

Trong chuyến đi Ấn Độ trước đây, tôi có đến thăm khu di tích chùa Kỳ Viên nơi đây Đức Thế Tôn đã an cư mười chín mùa hạ (vassas) và đảnh lễ thánh tích này. Hoàn toàn không không có chùa, tàn tích của ngôi chùa Kỳ Viên cũ chỉ là một nền đất trơ trụi trên đó lác đác một vài viên gạch móng và những giếng nước cũ không còn xử dụng. Khu rừng Āndha trước đây nay hầu như đã trở nên trơ trọi không có bất kỳ dấu hiệu nào của cây hay rừng đã từng tồn tại ở đây. Chỉ những mảng vườn đang trồng trọt được thấy. Bất luận thế nào thì trong thời Đức Phật nơi đây cũng từng là một khu rừng xa xôi, tĩnh lặng và yên bình, người bình thường sẽ chẳng ai dám đến thăm.

MƯỜI LĂM VẤN ĐỀ THÂM THÚY

Một ngày nọ, trong khi Tôn giả Kumārakassapa (Ca-diếp Đồng tử) đang sống tại khu rừng Āndha, một vị Phạm thiên (Brahma) với hào quang rực rỡ đã hiện ra trước mặt vị ấy lúc nửa đêm và nêu ra mười lăm câu hỏi thâm thúy một cách khó hiểu. Để mô tả lại cách vị Phạm thiên nêu ra mười lăm vấn đề này tôi sẽ tụng lại nguyên văn Pāḷi để giúp quý vị lắng nghe một cách chăm chú và kính trọng. Tuy nhiên, nếu đọc hết toàn văn bài kinh sẽ mất khá nhiều thời gian. Vì thế tôi sẽ chỉ tụng một phần của bài kinh. Bây giờ quý vị hãy lắng nghe một cách cẩn thận.

Bhikkhu Bhikkhu ayaṃ vammiko rattaṃ dhūmā yā ti, divā pajjalabhi, brahmaṇo evamāha “abhikkhani sumeda sattaṃ ādāya” ti. Abhikkhananto sumedo sattaṃ ādāya addasa langhim, langi bhaddhanteti. Brahmaṇo evamāha— “okkhipa langhim, abhikkhana sumeda sattaṃ ādāyā” ti. Abhikhanamto sumedo sattaṃ ādāya addasa uddhu māyikam. Uddhumāyikā bhadanetīti, etc.

Như trên đã trình bày, vị Phạm thiên nói với Kumārakassapa bằng ngôn ngữ Pāḷi. Thời Đức Phật, Ấn Độ được gọi là Trung Quốc (Majjhima-desa), người ta thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Pāḷi, phương ngữ được tìm thấy trong Kinh Tạng. Có thể nói, vào những ngày ấy Pāḷi là ngôn ngữ phổ thông được tất cả mọi người, nam, phụ, lão, ấu, sử dụng. Đó là lý do tại sao vị Phạm thiên này lại nói với Kumārakassapa bằng tiếng Pāḷi vậy.

Các học giả Pāḷi coi trọng ngôn ngữ Māgadha như một thánh ngữ, đã quyết định rằng tiếng Pāḷi hay Māgadha là hình thái ngôn ngữ thường được các vị Phạm thiên sử dụng. Trong cõi nhân loại, người ta có khi nói tiếng Pāḷi và có khi nói bằng những ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, trong thời Đức Phật, Pāḷi là ngôn ngữ chung giữa mọi người. Vì thế trong bài kinh này hay trong Tam Tạng Kinh Điển nói chung, ngôn ngữ Pāḷi được tìm thấy. Để có thể hiểu và thưởng thức được ngôn ngữ Pāḷi cùng với ý nghĩa của nó, trước tiên tôi sẽ cho nghĩa từ vựng, kế tiếp quý vị đọc lại những điều cần nhớ và sau đó tôi sẽ giải thích ý nghĩa từng đoạn văn kinh.

“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo, nghĩa là này ông Sư! ông Sư! Đây là cách vị Phạm thiên xưng hô với ngài Kumārakassapa. Chữ ông Sư! ông Sư! được lập lại hai lần là hình thức thán từ (āmetik) trong ngôn ngữ Pāḷi. Nó chỉ là một tiếng kêu tỏ vẻ ngạc nhiên. Cũng giống như một người hốt hoảng khi nhìn thấy một con rắn hay một đám cháy sẽ cất tiếng la thất thanh đầy kinh ngạc và sợ hãi “Rắn! Rắn! hay Cháy! Cháy! Vậy

“Này ông Sư! Ông Sư! Avam vammiko — gò mối lớn này; rattam — ban đêm, dhumavati — phun ra hay bốc ra khói âm ỉ; diva — ban ngày; pajjālabhi — bắn ra ngọn lửa.” Chúng ta thử suy nghĩ về cách nói của vị Phạm thiên này xem. Chẳng nói điều gì liên quan đến kinh điển cả, vị ấy chỉ thốt lên trong kinh ngạc “Này Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Gò mối lớn này ban đêm bốc khói và ban ngày bắn ra lửa,” như thể cái gò mối lớn ấy ở ngay kế bên vậy. Gò mối này tôi sẽ giải thích sau.

“Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Avam vammiko — gò mối này, rattam — ban đêm, dhumayati — là đang phun khói không ngừng. Diva — ban ngày, pajjālati — phun ra lửa.” Brahmano — vị thầy Bà-la-môn, sumedham evamāha — ra lệnh cho người học trò trẻ và có trí của mình theo cách này. Sumedha – Ơi, này người học trò có trí! Sattam ādāya, hãy cầm lấy cái xẻng, và evam vammika abhikkhana — kiên trì đào cái gò mối này. Eti — mệnh lệnh được đưa ra theo cách này. Sumedho — người học trò trẻ có trí và sáng suốt này, sattam ādāya — sau khi cầm lấy cái xẻng, abhikhanamto — đào gò mối không ngừng theo lệnh của người thầy, langhim adattha — tìm thấy một cái then cửa (một thanh sắt để cài cửa). “Bhadante langi — đây là cái then cửa, thưa thầy”, người học trò nói. Brahmano — vị thầy Bà-la-môn, evam āha — ra lệnh trở lại như vầy: Langhim ukkhupa — “Hãy lấy then cửa lên”, và “sumedho… — này người học trò có trí, sattam ādāya — hãy cầm lấy cái xẻng” và abhikkhanamto — tiếp tục đào, uddhumāyikam ādattha — thấy một con cóc (con vật giống như ếch khi chạm vào thì trở nên lớn hơn và phồng to lên).

Bhadante… “Thưa thầy, một con cóc.” Eti… người học trò nói như vậy. Vị Bà-la-môn đã nêu ra mười lăm vấn đề theo cách như trên bằng tiếng Pāḷi.

Đại ý đoạn văn kinh trên muốn nói rằng có một vị Thầy Bà-la-môn đang chia xẻ kiến thức hay nói đúng hơn đang đưa ra những hướng dẫn có tính cách giáo dục cho đám học trò của mình. Những kiến thức thế gian mà người thầy dạy ở trường lớp chỉ có thể tiếp thu ở trường lớp. Đối với những kiến thức không thể truyền đạt đầy đủ ở trường lớp mà chỉ có thể được học một cách đầy đủ theo cách thực tiễn ở trong rừng, người thầy sẽ đưa học trò vào trong rừng và dạy họ cách cố gắng khám phá những sự thực qua việc nghiên cứu. Ngày xưa, các vị Thầy Bà-la-môn trang bị sự giáo dục cho học trò cũng giống như cách các thầy hiệu trưởng của trường học ngày nay làm. Họ cũng được gọi là những vị thầy kiệt xuất (Disāpāmokkha), một chức vị tương đương với Giáo Sư Đại Học ngày nay. Điều này có ý muốn nói rằng họ là những bậc thầy lãnh đạo xuất sắc, danh tiếng của họ lan truyền cùng khắp mọi nơi. Trên thực tế, từ Giáo Sư (Pāmokkha = Professor) bắt nguồn từ thuật ngữ “Disāpāmokkha” thuở xưa vậy.

Vị Giáo Sư Bà-la-môn này lúc đang giảng dạy cho học trò của mình ở trong rừng đã phát hiện ra một gò mối lớn lạ thường. Tính chất đặc biệt của gò mối ấy là ban đêm phun khói, trong khi ban ngày lại bắn ra những ngọn lửa chói sáng. Phát hiện ra đặc tính lạ thường của gò mối ấy, vị Thầy Bà-la-môn yêu cầu một trong những người học trò có trí của mình đào nó lên. Người học trò này hiển nhiên phải rất đáng tin cậy vì anh đã giành được sự tin tưởng của người thầy và được ủy thác kỹ lưỡng công việc. Đó là lý do vì sao những đức tính tốt của người học trò này đã được kinh đề cập đến bằng những lời khen ngợi như “Người học trò có trí đã được khéo giáo dục và có khả năng nổi bật.”

Cách yêu cầu anh ta làm cũng vậy: “Này, người học trò xuất sắc! Đây là cái gò mối. Gò mối này thực sự rất kỳ lạ. Ban đêm, nó không ngừng phun khói, trong khi ban ngày nó lại bắn ra những ngọn lửa dữ tợn. Vì vậy, dưới gò mối này chắc hẳn phải có tài sản gì giá trị hay vật gì đó rất giá trị.” Trong trường hợp này, mệnh lệnh được đưa ra sẽ như vầy: “Này người học trò thông minh, sáng suốt! Con nên cầm lấy cái xẻng và đào hay khai quật gò mối ấy lên.”

Làm đúng theo mệnh lệnh, người học trò có trí sau khi cầm lấy cái xẻng trong tay bắt đầu đào liên tục với hết khả năng của mình. Trong quá trình đào, vật đầu tiên được thấy là một cái then cửa lớn, một thanh gỗ dùng để cài cửa. Người học trò có trí nhận xét, “Ô, thưa thầy! đây là cái then cài cửa, vật mà con tìm thấy. Chắc hẳn đặc tính cố hữu của cái then cửa này đã khiến cho (gò mối) phun khói vào ban đêm và bắn ra lửa vào ban ngày.” Nghe lời nhận xét này, vị thầy Bàla-môn nói, “Ái dà, này học trò! Cái này không đúng.” Làm thế nào cái then cửa lại có thể bắn ra những ngọn lửa sáng rực như vậy được chứ.” Lấy cái then cửa ấy lên, quăng nó qua một bên, và tiếp tục đào đi.” Khi người học trò tiếp tục đào đất lên anh ta thấy một con cóc, gọi là “Uddhumāyika”.

“Uddhumāyika”, cóc là một loại ếch thường phình to lên mỗi lần bị chạm vào, như một số người ở đây có thể đã từng gặp. Nó là một loài vật sống thành nhóm ở các ao hồ vào đầu mùa mưa và tiếng kêu của nó phát ra những âm thanh “om …in” rất ồn ào. Tuy nhiên trong các bản chú giải lại nói về nó như vầy: “Loại cóc này thường sống trong những đám lá mục hoặc bụi cây. Kích thước của con vật này nhỏ cỡ bằng đầu ngón tay cái hay ngón chân cái (nakkhapitthi). Như vậy nếu nó chỉ khoảng móng chân cái thì không lớn lắm. Ở Miến loại cóc này không nhỏ như vậy. Nó lớn khoảng cỡ trái xoài và có hình dạng hơi tròn. Lớp da cứng bên ngoài có mầu nâu nâu. Dường như kích cỡ mà các nhà chú giải muốn nói đến có thể sánh với kích cỡ của một loại cóc được tìm thấy ở Tích Lan. Ở Miến Điện, thân của “con cóc” chúng ta thấy lớn hơn rất nhiều. Tôi nhớ không lầm thì loại cóc này ở Miến gọi là “Phar-Onn” hay “Phar-Gon-Huyin” . Chữ “Phar” trong tiếng Miến có nghĩa là “cóc”. Một số nói nó được goại là “Phar-byoke”, và dĩ nhiên nó có lớp vảy da chai rất độc trên lưng của nó. Cóc “Uddhumāyika” là một loại cóc có hình thù gần như tròn. Vậy thì, có lẽ từ Uddhumāyika dùng ở đây dựa trên thuật ngữ đã được chấp nhận tại nơi người ta tìm thấy nó. Chúng ta không thể nói cái nào là đúng. Vì mỗi nước hay mỗi nơi đều chấp nhận cách đặt tên của nơi ấy.

Trong Kinh Vô Tránh Phân Biệt (Arana Vibhaṅga — 無諍分别) Đức Thế Tôn đã thuyết ‘Janapadaniruttaṃ — đối với ngôn ngữ thường dùng trong một đất nước hay một địa phương nào đó, naabhiniveseya — không nên cho rằng chỉ có ngôn ngữ ấy là đúng. Do đó, không định kiến đối với cái tên mà người khác gọi, chúng ta hãy cứ gọi nó là “con cóc”, vốn là một cái tên chung ai cũng biết — con cóc thường phồng lên mỗi khi bị chạm tới. Vị thầy Bà-lamôn lại yêu cầu người học trò lấy con cóc này lên, quăng đi và tiếp tục đào. Khi đào thêm nữa, nó chạm vào một nơi ở đây một ngã ba đường được tìm thấy bên trong gò mối. Theo cách này, lần lượt các vật mới lạ được khám phá cho đến cuối cùng khi họ gặp một con rồng (Nāga). Trong tiến trình đào, tất cả cái được tìm thấy — từ gò mối lúc ban đầu cho đến con rồng cuối cùng, tổng cộng là mười lăm — tất cả những điểm khó hiểu trong vấn đề được bao phủ trong sự bí ẩn. Đây là những gì Pāḷi gọi là “Paheli”, hay những câu hỏi hóc búa, khó hiểu. Tôi sẽ soạn một bản tóm tắt theo thứ tự để mọi người dễ theo dõi.

[1] Trung Quốc ở đây muốn nói Ấn Độ là nước nằm giữa cõi Diêm Phù Đề hay cõi nhân loại này.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app