VŨ KHÍ CÁI XẺNG

Câu hỏi kế tiếp mà Tôn giả Kumārakassapa nêu lên liên quan đến vấn đề sau: “Vũ khí cái xẻng có nghĩa là gì?”, Đức Phật đã trả lời, “Satthantikko bhikkhu ariyayetam pannaya ādhivacanam.”

Ý nghĩa câu Pāḷi trên có thể hiểu như sau: tên của vũ khí — cái xẻng, là tri kiến của bậc thánh, vốn không gì khác ngoài tri kiến về Minh Sát và thánh đạo. Tất nhiên “Cái Xẻng” ở đây tiêu biểu cho “trí” hay “trí tuệ”. Nếu cái Gò Mối lớn này phải được đào, nó không thể dùng tay đơn thuần mà đào được. Cần phải dùng một cái xẻng hay một cái xà-beng để đào. Cái xẻng là khí cụ tốt nhất và hiệu quả nhất. Vì vậy, trong Chú Giải, nó đã được đề cập là ‘Cái Xẻng’ (kuddala). Nếu như để đào gò mối người ta đòi hỏi phải có một cái xẻng như thế nào, thì tri kiến hay trí tuệ cũng là khí cụ thiết yếu để phân biệt những gì có trong thân vật chất được gọi là gò mối như vậy. Trong chú giải, trí có hai loại là trí thế gian (lokiya) và trí xuất thế gian (lokuttarā). Tuy nhiên, nếu phương tiện được dùng nằm trong trí thế gian thì khí cụ Minh Sát Trí sẽ phải được sử dụng để phân biệt nó. Do đó, ở đây chúng ta nên lưu ý rằng gò mối (thân) phải được đào với chiếc xẻng Minh Sát Trí hay Tuệ Minh Sát.

Hàng phàm phu bình thường luôn nghĩ rằng thân này là một khối rắn chắc. Thân này rất giống với cái gò mối khi chưa được đào hay khai quật lên vậy. Bất luận khi nào một hành giả quán hay theo dõi những hoạt động của thân mình mỗi khi chúng xảy ra hay phản ứng với thân xúc, họ ghi nhận liên tục “đi, hay đứng, hay ngồi, hay xúc chạm, hay ngủ, hay co, hay duỗi, v.v…, và sẽ thấy bốn cảm giác khác nhau trong đó, đó là, cứng hay thô, nóng hay lạnh, đơ hay chuyển động, kết dính hay lưu chảy. Điều này cũng tương tự như đang đào tách ra từng mảng đất từ cái gò mối mỗi lần với cái xẻng. Thân này cũng được biết rõ bởi trí tuệ như vậy. Hãy tập trung và ghi nhận “đi, đi” mỗi khi bạn bước đi hay chi tiết hơn: “dở,”, “bước,” và “đạp’ .

Do đó, nếu mọi hiện tượng được ghi nhận một cách chuyên chú sẽ làm cho sức mạnh của định tăng trưởng, và các hiện tượng của thân sẽ được nhận biết rõ rệt. Ngay cả bản chất của Phong Đại (vāyodhātu), yếu tố gió, như sự kiên cứng và chuyển động của thân rụng vỡ trong tiến trình đi, cũng sẽ được nhận biết một cách rõ ràng. Thân không còn là một khối đặc nữa. Khi sự kiên cứng được cảm nhận, chỉ có bản chất của sự kiên cứng được biết một cách tách bạch, và những gì được thấy chỉ là phong đại. Hơn nữa, mỗi lần thực hiện một sự ghi nhận, bản chất có tính hiện tượng của thân hành (các hoạt động của thân) sẽ được thấy như đang rời ra thành từng phần rõ rệt. Đó là lý do vì sao trí tuệ có được do quán và ghi nhận được nói là giống như cái lưỡi xẻng sắc bén. Mỗi lần gò mối được đào với một cái xẻng, đất sẽ tách ra thành từng miếng như thế nào thì mỗi lần quán và ghi nhận được thực hiện, thân vật chất này cũng sẽ được để ý thấy như đang rời ra thành từng miếng, hay nói khác hơn cũng được để ý thấy như đang tan rã và phân hủy như vậy.

Chúng ta hãy thử suy xét điều này với trí tưởng tượng xem. Lấy trường hợp của Tóc và suy tư về chúng. Tóc là địa đại (yếu tố đất) biểu thị bằng sự thô và cứng. Hiển nhiên, tóc không phải là một người hay một thực thể sống. Do đó, bằng minh quán, tóc trên đầu sẽ được nhận thấy như đang tách ra thành những phân tử nhỏ bé rõ rệt. Kế đến, suy xét lông trên thân, lông là địa đại và không phải là một cá nhân con người hay một thực thể sống gì cả. Lông cũng được thấy là đã rụng rời ra. Lại nữa nếu móng tay và móng chân được suy xét bằng trí tuệ minh sát, chúng cũng chỉ là địa đại (pathavīdhātu) và không phải là một con người hay một thực thể sống. Chúng ta hãy suy xét về răng. Răng tiêu biểu cho bản chất của sự cứng — một yếu tố của đất hay địa đại. Chúng cũng không phải là một chúng sanh, một người đàn ông, hay một người đàn bà. Nhìn vào da, thịt, gân, xương, tủy, máu, ruột, gan, phổi, v.v… và rồi suy xét trên những thứ ấy xem. Về bản chất, tất cả chúng đều là những yếu tố (đại chủng) chứ không phải là một chúng sanh hay một thực thể sống gì cả. Việc chia chẻ thân vật chất này ra thành từng phần cũng tương tự như khi phá cái gò mối ra thành từng mảng vậy. Đó là lý do vì sao trí tuệ phát sanh trong tiến trình quán và ghi nhận cũng sắc bén như một lưỡi xẻng. Như vậy câu hỏi: “Ý nghĩa của cái xẻng ở đây là gì? Nó chính là trí đang làm việc quán với chánh niệm.”

Để trả lời cho câu hỏi tiếp theo “Bạch Đức Thế Tôn, nói ‘đào liên tục’ có ý nghĩa là gì?’, đó là “Kiṁ abhikkhanaṁ”, Đức Thế Tôn đã đưa ra câu trả lời sau:

“Abhikkhanamti kho bhikkhu vīriyārambhasattam adhivacanaṁ.”

Nghĩa là: “Này Tỳ-kheo Kassapa! Cách diễn đạt ‘đào liên tục’ không dừng nghỉ muốn nói rằng sự nỗ lực hay tinh tấn không ngừng phải được áp dụng. ‘Đào liên tục có cùng ý nghĩa như “áp dụng tinh tấn liên tục và không ngừng nghỉ để có thể quán và ghi nhận một cách liên tục.” Khi đào với một cái xẻng, điều cần thiết là phải nắm chắc cái xẻng. Cũng vậy, khi quán được thực hiện, nó phải được thực hiện với sự áp dụng không ngừng của nỗ lực cao nhất. Do đó tinh tấn phải được thực hiện một cách liên tục không lơi lỏng mỗi lần thực hiện việc quán và ghi nhận, chẳng hạn ghi nhận liên tục các hiện tượng đang xảy ra như “phồng và xẹp”, hay “ngồi” hay “chạm”, hay “thấy”, hay “nghe”, hay “co” hay “duỗi”, v.v… Nếu tinh tấn trở nên lơi lỏng, sự lười biếng sẽ lẻn vào, làm cho suy yếu sức mạnh của sự tập trung và ghi nhận. Sự nỗ lực gọi là “sammāvāyāmo” hay chánh tinh tấn này cực kỳ quan trọng. Nếu nói dưới dạng chánh cần (Sammappadadhānam), có bốn loại tinh tấn, đó là: tinh tấn ngăn ngừa sự sanh khởi các pháp bất thiện; tinh tấn dập tắt các pháp bất thiện đang hiện hữu; tinh tấn làm cho các pháp thiện chưa sanh sanh khởi; và tinh tấn để duy trì hay giữ gìn những pháp thiện đã sanh. Vì vậy, với chánh tinh tấn, các pháp bất thiện đã khởi lên trước đây có thể bị đẩy lùi và những pháp bất thiện mới cũng không có cơ hội xuất hiện. Kế tiếp, thiện pháp minh sát chưa có sẽ có ở từng sát-na quán và ghi nhận. Vì thế điều này có nghĩa rằng tinh tấn được thực hiện để thành tựu thiện pháp minh sát đạo (vipassanā-magga kusala). Mỗi lần có sự ghi nhận, không chỉ thiện pháp đã có sẽ được duy trì hay giữ nguyên như chúng đang là, mà thiện pháp minh sát chưa sanh cũng sẽ sanh khởi liên tục. Do đó, sự nỗ lực được gọi là Chánh tinh Tấn này này thực tế rất giống như việc “đào liên tục với cái xẻng”. Vì thế, câu hỏi: “ ‘Đào’ có nghĩa là gì?” đó chính là áp dụng liên tục sự tinh tấn không lơi lỏng” vậy.

Kế tiếp, chúng ta sẽ đến vấn đề cái “then cửa”. Khi minh sát với sự trợ giúp của lưỡi xẻng sắc bén, liền xuất hiện cái “then cửa”, đó là một thanh gỗ để cài cửa. Câu hỏi được đặt ra là: “Cái then cửa (langhī) là gì?”. Đức Phật trả lời: “Langhiti kho bhikkhu avijjāvetam ādhivacanam”.

Câu trả lời trên có thể được giải thích như sau: “Này, Tỳ-kheo Kassapa! “cái then cửa” chính là vô minh (avijjā), không hiểu biết về phương pháp thiền kammatthāna. “Avijjā” có nhiều loại khác nhau tùy theo từng trường hợp khác nhau và nó được loại trừ bằng Minh Sát (vipassanā) và bằng cách áp dụng trí thuộc Thánh Đạo (ariyamagga). Avijjā là không hiểu biết về Tứ Thánh Đế. Tuy nhiên, avijjā trong trường hợp này không lên đến mức đó. Nó chỉ là dạng vô minh phải được đoạn trừ bằng trí văn (sutamaya) và trí tư (cintamaya) hay trí tuệ phát sanh do nghe và trí tuệ phát sanh do tư duy. Như vậy vô minh ở đây chỉ đơn thuần là không hiểu biết về phương pháp thiền minh sát mà thôi.

Nếu không hiểu biết về phương pháp hành minh sát, thì cũng không biết cách áp dụng việc hành thiền. Cũng giống như khột người không biết cách làm thế nào để nấu cơm, hay, làm thế nào để cày ruộng do thiếu sự hướng dẫn cần thiết của người hướng dẫn vậy. Tôi muốn giải thích thêm về điều này vì thấy phương pháp rất quan trọng.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app