BẬC THẦY DUY NHẤT

Như đã nói ở trước, danh xưng “Vị Thầy Ba- La-Môn” biểu thị cho Đức Phật Toàn Giác. Đức Phật, như một bậc sáng lập ra Phật Giáo, có rất nhiều đệ tử. Cộng đồng các vị Tỳ-kheo hay Tăng Đoàn là những vị đệ tử xuất gia của Ngài, và những người đệ tử tín tâm của Ngài gồm Chư Thiên, Phạm Thiên và Loài Người. Đức Phật có tri kiến chân chánh và vô lượng, vô biên. Sau khi chứng đắc Giác Ngộ Ngài đã chia xẻ cho tất cả chúng sanh — chư thiên và nhân loại, sự chứng đắc của Ngài. Nhờ thuyết giảng hết những tri kiến về Pháp ấy trong suốt cuộc đời mình Ngài trở thành Đấng Cứu Độ của muôn loài. Những gì Ngài thuyết giảng là Chân Lý do tự Ngài ngộ, không có bất kỳ sự trợ giúp của một ai. Nhờ tuân theo pháp hành mà Ngài mô tả, rất nhiều người đã thoát khỏi những khổ đau của Luân Hồi và đạt đến Niết-bàn. Vì vậy, trong chín ân đức cao quý của Phật, ân đức “Satthādevamanussānaṁ” được bao gồm, và nó có nghĩa là Thiên Nhân Sư  hay Bậc Thầy của Chư Thiên và Nhân Loại. Với lòng nhân từ, Ngài đã chỉ bày tận tường con đường đi đến sự bình yên và an lạc của Niết-bàn cho tất cả chư thiên và nhân loại, họ đã kính ngưỡng Ngài như một Bậc Đạo Sư yêu dấu duy nhất của họ. Về cơ bản, một bậc đạo sư như vậy phải có đầy đủ phẩm chất để có thể ngăn mọi người không cho họ phạm vào những hành động mà vốn sẽ dẫn đến những bất lợi cũng như ngăn không cho họ đắm chìm trong các hành nghiệp phi phước. Vị ấy cũng phải có khả năng truyền bá kiến thức về Pháp của mình với lòng từ bi vô hạn cho tất cả nhân loại. Một vị thầy bình thường cũng có thể có những thuộc tính này. Tuy nhiên, Đức Phật, bậc đạo sư duy nhất với khả năng vượt trội, có thể ban bố sự bảo hộ đến các thế hệ chúng sanh trong vòng Luân Hồi không thể tính kể. Ngài đã thuyết pháp và khuyến giáo mọi người tránh xa điều ác, tránh làm những nghiệp bất thiện, hoặc bằng thân, hoặc bằng lời nói và giữ cho tâm ý trong sạch. Đức Phật, khi ngăn cấm nhân loại làm điều ác như vậy, Ngài gồm luôn cả các hàng chư thiên và Phạm thiên, những người vẫn chưa thoát khỏi những trói buộc của phiền não, với tâm từ, bi của Ngài.

Với lòng bi mẫn sâu sắc này, Đức Phật đã ngăn cấm con người và chư thiên làm điều ác. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể tránh làm được điều ác, có những chúng sanh, vì lợi ích riêng của họ, vẫn có khuynh hướng sát sanh và hành hạ kẻ khác. Sự việc khiến Tôi nhớ đến một câu chuyện xảy ra khi tôi còn trẻ. Đó là trường hợp một người con trai nọ cố gắng khuyên mẹ mình tránh sát sanh và trộm cặp. Người mẹ trả lời rằng, “Ồ, này con thương! Trong thế gian này, vì nuôi mạng, người ta phải làm những điều như vậy không thể tránh được đâu con ạ.”  Thật đáng thương thay! Vì phương kế sinh nhai của mình, người ta cứ nghĩ những hành động tội lỗi ấy là được phép.

Tuy nhiên, Đức Phật đã ngăn cấm mọi hình thức sát sanh hay hành hạ, trộm cắp hay lấy cắp của người khác, do ý thức được rằng những hành động phi phước này, nếu phạm vào, sẽ tạo ra một chuỗi những hậu quả khốc liệt dưới hình thức của khổ đau trong vòng luân hồi. Ngoài ra, Đức Phật còn hướng dẫn chúng ta làm những điều cần phải làm như giữ giới, thực hành thiền định và thiền minh sát. Việc thực hành giới có thể sẽ hạn chế một số người nào đó vốn xem giới như hơi quá trầm trọng.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app