THIỀN TRONG HAI PHÚT

Nếu bạn muốn trở thành một người học trò có năng lực xuất chúng giống như “Sumedhā”, bạn hãy thực hành minh sát và ghi nhận theo cách thực tiễn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người chưa có kinh nghiệm hành thiền.

Cách hành thiền này được rút ra từ câu phương châm trong Ariyavāsa Sutta dhamma như sau:

“Satarakkhena cetasa samanāgato.”

Nghĩa là: “Mong cho bạn thành tựu đầy đủ chánh niệm như một sự bảo hộ.” Nếu chánh niệm được thành tựu đầy đủ, nó sẽ có giá trị như đang đạt đến cảnh giới của bậc thánh (Ariyā). Ngay khoảnh khắc tâm khởi lên, hãy để nó được bảo vệ bằng chánh niệm. Nếu một người được trang bị với chánh niệm này, họ được nói là đang an trú trong cảnh giới của bậc thánh, được an ổn và bảo vệ một cách thích đáng. Mỗi lần một ý hành xuất hiện nó phải được quán và ghi nhận, và nếu làm được như vậy ở từng sát-na ghi nhận, bạn được cho là đã đạt đến cảnh giới của bậc Thánh, chính điều này sẽ cho bạn sự bảo vệ khỏi cái nguy của rơi vào bốn Ác Đạo. Nhờ ghi nhận tâm, nếu bạn đạt được những tiến bộ theo tuần tự, chắc chắn bạn sẽ thành tựu thánh đạo (ariya-magga), điều này sẽ cho bạn sự an ổn đầy đủ hay sẽ ngăn ngừa bạn khỏi những điều bất hạnh và hiểm nguy của vòng Luân Hồi. Nếu quán niệm được thực hiện trên mọi ý hành, cho dù vẫn chưa thể đạt đến thánh đạo, bạn cũng sẽ được bảo vệ khỏi bốn Ác Đạo. Trong trường hợp cái chết xảy ra lúc đang hành chánh niệm, bạn chắc chắn sẽ không rơi vào bốn Cõi khổ. Sự thận trọng hay chánh niệm liên tục trên sự sanh khởi của các tâm hành này được gọi là “Ariyavāsa”, Thánh Cảnh hay cảnh giới của bậc Thánh.

“Hãy chú ý quán và ghi nhận mỗi khi các hiện tượng (danh-sắc) xuất hiện và lúc nào cũng phải thận trọng chớ có dễ duôi” là phương châm tôi đưa ra cho các bạn. “Chú ý quán và ghi nhận mỗi khi hiện tượng xuất hiện” có nghĩa là bạn phải thực hiện việc ghi nhận trong tâm mỗi khi ý nghĩ sanh khởi, đó là, mỗi lần tâm sanh khởi khi bạn thấy, nghe, ngửi, nếm xúc chạm và tưởng tượng, và hãy để cho những ý nghĩ hay tâm đang sanh này được ghi nhận đúng lúc. Khi tâm sanh lúc thấy một vật hay thấy một đối tượng, hãy ghi nhận những gì đã được thấy. Cũng vậy, khi sự hay biết xảy ra mỗi lần nghe, tâm biết cái nghe cần phải được ghi nhận. Nói tóm lại, mỗi hoạt động của tâm luôn luôn phải được theo sau bởi chánh niệm. Hãy đặt chánh niệm này trên mọi hoạt động thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm… Việc làm này cũng giống như một người đang trong thời kỳ dưỡng bệnh, tức là sẽ phải uống thuốc tiêu hay en-zim tiêu hóa mỗi khi ăn uống thứ gì không hợp với anh ta. Cũng vậy, bạn đặt chánh niệm vào sự ghi nhận mỗi lần thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm … xảy ra nơi sáu căn. Đây gọi là đang đạt đến cảnh giới của bậc Thánh, và nó sẽ tạo ra sự bảo vệ giúp bạn tránh được những mối nguy hiểm.

Nếu bạn đưa chánh niệm vào sự ghi nhận, chẳng những chánh niệm sẽ có mặt mà hay chánh tinh tấn (Sammāvāyāmo) cũng sẽ tự động có mặt. Và Định cũng được bao gồm trong đó, định này là những gì kinh gọi là Chánh Định (sammāsamādhi). Tâm đi cùng với chánh kiến cũng được bao gồm trong đó. Đây là Chánh Kiến (sammādiṭṭhi). Chánh tư duy (sammāsaṅkhappa) thì luôn luôn song hành với chánh kiến. Còn về chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanta) và chánh mạng (sammājīva), vốn là các đạo chi thuộc giới phần (sīla maggaṇgas), đã được hành giả hoàn thành trước khi bắt đầu bước vào hành thiền. Do đó, tất cả các đạo chi của Bát Chánh Đạo đều đã được bao hàm. Như vậy, “Hãy chú tâm quán và ghi nhận mỗi khi một hiện tượng nào đó xuất hiện (kể cả các tâm hành) và luôn luôn có sự thận trọng” tóm lại là muốn nói đến pháp pháp an trú của bậc thánh (Ariyavāsa). Nếu nói dưới dạng Satipaṭṭhāna, thì đó chỉ là thực hành tứ niệm xứ. Trong ánh sáng của những lời Đức Phật dạy, thì pháp “appamādena sampādetha” (hãy tinh tấn hoàn thành phận sự chứng ngộ tứ thánh đế bằng pháp không dễ duôi) hay còn gọi là Pháp Không Dễ Duôi (Appamādena Dhamma).

Mỗi lần một tâm sanh, nó phải được theo sau bởi chánh niệm. Do đó, mỗi khi thấy, hay mỗi khi nghe, hay ngửi, hay biết vị, hay xúc chạm, không nên quên ghi nhận như chỉ là “thấy, thấy”, “nghe, nghe”, “ngửi, ngửi”, và trong trường hợp của biết vị cũng vậy, ghi nhận “biết, biết”; và khi xúc chạm, ghi nhận “chạm, chạm”. Khi ghi nhận “chạm, chạm” như vậy, sự ghi nhận này đã bao hàm hết mọi hoạt động hay chuyển động của thân. Kāyanupassanā, thân quán niệm xứ này gồm tất cả các oai nghi chính cũng như oai nghi phụ như “gacchantovā gacchāmīti pajānāti” (khi đi tuệ tri thân đang đi). Khi đi, sự đẩy và những chuyển động của thân xảy ra ở mọi phần của thân. Những chuyển động này chỉ xảy ra sau khi các yếu tố (tứ đại) trong thân đã được quét qua và được kích thích. Thân thức (kāyaviññāṇa) xúc chạm và biết, lúc đó tâm ghi nhận là “chạm, chạm”. Cảm giác xúc chạm này tạo ra sự hay biết về sức đẩy. Khi sức đẩy xảy ra, sự hay biết sẽ trở nên rất sinh động. Khi co (tay chân) cũng vậy, ghi nhận “co, co”. Đó là sự hay biết về cảm giác xúc chạm liên quan đến sự đẩy và những chuyển động của thân. Những chuyển động của bụng do sức ép của phong đại tạo ra cũng phải được ghi nhận như “phồng” và “xẹp”. Kế tiếp, khi tâm tưởng tượng hay dự định phát sanh, hãy ghi nhận như “tưởng tượng”, và “dự định”. Đây là công việc thường làm trong khi hành thiền. Tuy nhiên, đối với người mới bắt đầu hành minh sát, việc theo dõi và ghi nhận hết các hiện tượng trong lúc quán là điều khó có thể làm được. Do đó, điều quan trọng trước tiên là vị ấy nên cố gắng quán và ghi nhận những gì xuất hiện rõ ràng nhất đã.

Chú giải nói “Yathā pākadaṃ vipassanā bhiniveso”, nghĩa là một người có thể quán theo từng kỳ bắt đầu từ những gì xuất hiện rõ ràng nhất. Thông thường, những hoạt động của thân được thể hiện rõ ràng hơn. Vì vậy, các bản Chú Giải nói rằng quán và ghi nhận nên bắt đầu từ thân (rūpa). Hành giả nên bắt đầu quán từ đại chủng (mahābhūta) nào hiển hiện rõ nhất trong thân nghĩa là quán bất kỳ yếu tố nào trong bốn yếu tố: Đất, Nước, Lửa và Gió.

Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó Kinh Đại Niệm Xứ đã trình bày cách quán Phong Đại hay yếu tố gió (vāyodhātu) như “gacchanto vā gacchāmīti pajānāti” (khi đi vị ấy tuệ tri ta đang đi), v.v… Do đó, khi ngồi như hiện nay qúi vị đang làm trong thiền đường này, chỉ việc quán và ghi nhận là “ngồi, ngồi”. Lúc đó, sự đẩy, vốn là yếu tố gió, sẽ được biết. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu việc ghi nhận được thực hiện một cách thoải mái như “ngồi, ngồi”, sức mạnh của định sẽ vượt trội hơn tinh tấn và do đó tinh tấn có thể yếu đi. Chính vì vậy, trong lúc hành thiền ở oai nghi ngồi thay vì ghi nhận một đối tượng chúng ta được hướng dẫn quán và ghi nhận những chuyển động phồng lên và xẹp xuống của bụng, vốn liên quan đến sự biến đổi do phong đại gây ra. Tất cả mọi thiền sinh đều được huớng dẫn ghi nhận như thế để cho sự đồng bộ về phương pháp có thể được duy trì giữa những thiền sinh trong lúc quán.

Vì lẽ đó, khi bụng phồng lên, hãy ghi nhận là “phồng, phồng” và khi nó xẹp xuống ghi nhận là “xẹp, xẹp”. Tất nhiên, “phồng” “xẹp” phải được ghi nhận trong tâm chứ không thốt ra lời. Điểm chính yếu là phải hay biết rõ về hiện tượng “phồng” và “xẹp”. Sự hay biết này cũng giống như “quán”, “ghi nhận”, “biết”, và “ghi nhớ” vậy. Một số người đặt ra những quy luật như, “Không được thốt ra lời như thế này” hay “Phải nói ra lời theo cách nọ”. Những quy luật này không cần thiết. Dù là làm theo cách nào, thì điểm chính yếu của nó vẫn là để biết hay nhận ra mà thôi. Nếu nó được ghi nhận như “biết, biết” thì nó đồng nghĩa với biết. Nếu nó được ghi nhận như “ quán, quán” nó cũng sẽ có nghĩa là biết mà thôi. Nếu có ghi nhận, thì đó là “biết’. Nếu nó được ‘ghi nhớ’ và được ‘ghi nhận’ thì nó cũng là biết. Nếu ghi nhận là “tưởng tượng”, thì biết là kết quả. Tất cả là một và có cùng hiệu quả như nhau. Ở đây chúng ta chỉ nói “ghi nhận”, để có thể phát âm nó rõ ràng hơn thôi.

Như vậy, khi bụng phồng lên, ghi nhận là “phồng” từ lúc (bụng) bắt đầu phồng cho đến cuối với sự hay biết rõ ràng. Theo cách tương tự, khi bụng “xẹp” xuống, ghi nhận là “xẹp” với sự hay biết rõ ràng. Hơi thở không nên thay đổi. Nó phải được giữ với vận tốc bình thường hay thở đều đặn một cách tự nhiên. Không cần thiết phải kìm chế hơi thở để làm chậm vận tốc thở của bạn. Cũng không cần phải tác ý làm cho hơi thở trở nên nhanh hơn. Cứ thở như thường lệ, và trong tiến trình ghi nhận cũng chỉ theo dõi hơi thở từ đầu đến cuối và ghi nhận mà thôi. “Quán (Minh) Sát” không có nghĩa là quán pháp (dhamma) chưa hiện hữu bằng cách phát minh ra hay tưởng ra. Nó chỉ có nghĩa là quán và ghi nhận chuỗi hiện tượng sanh và diệt liên quan đến pháp đang hiện hữu.

Do đó, chỉ cần quán và ghi nhận chuỗi phồng và xẹp, nghĩa là khi bụng phồng lên ghi nhận “phồng” và khi bụng xẹp xuống ghi nhận “xẹp” là đủ. Nếu tâm lang thang hay phóng tâm trong lúc quán, ghi nhận phóng tâm. Nếu tâm dự định hay tưởng tượng một điều gì đó, ghi nhận “dự định”, và “tưởng tượng” theo đúng trường hợp xảy ra. Điều này hoàn toàn dễ và không có gì khó khăn cả. Cách ghi nhận này được gọi là “niệm Tâm” (cittānupassanā). Sau đó trở về với niệm phồng xẹp trở lại. Trong lúc niệm phồng xẹp nếu sự tê cứng, hay đau hay nóng xuất hiện cũng cần phải được ghi nhận. Nếu tê cứng xuất hiện, gắn tâm trên chỗ tê cứng được cảm giác ấy và ghi nhận “tê cứng, tê cứng”. Nếu cảm giác nóng xuất hiện, ghi nhận “nóng, nóng”, tập trung tâm trên chỗ cảm giác nóng ấy. Nếu cảm giác đau ở đâu đó trên thân, ghi nhận “đau, đau”. Đây gọi là quán niệm cảm thọ (vedanānupassanā). Sau khi ghi nhận như vậy xong, hành giả quay trở lại với bài tập ghi nhận “phồng”, “xẹp” như thường lệ. Kế tiếp, khi một âm thanh được nghe, ghi nhận là “nghe, nghe”, và rồi quay trở lại ghi nhận “phồng” và “xẹp” như trước. Trong một thời ngồi, như vậy là đủ. Tuy nhiên, khi thiền được thực hành trong một thời gian dài hay trọn cả ngày, thì sự “co”, “duỗi”, và những chuyển động khác của thân cũng nên được ghi nhận. Nói chung mọi hoạt động của thân và những hiện tượng xuất hiện trong tâm đều phải được ghi nhận. Việc ghi nhận được làm trong bài tập thiền hiện nay trong lúc ngồi chỉ là một cuộc trắc nghiệm giúp hành giả nếm được hương vị của Pháp (dhamma), giống như nếm một chút muối vậy thôi. Nó không phải là một thời gian dài. Chỉ khoảng hai phút. Vì thế, dù trong một thời gian ngắn chúng ta cũng phải cố gắng để trở thành một người học trò thông minh, sáng suốt.

Có một điều cần ghi nhớ trong tâm trước khi hành thiền, đó là “Addhā imāya paṭipattiyā jāti-jarā maraṇamhā parimuccissāmi.,” (“Ta sẽ ghi nhớ trong tâm rằng, nhờ thực hành pháp hành này chắc chắn ta sẽ được giải thoát khỏi mọi sầu khổ, lo lắng của vòng luân hồi, như già, và chết…”)

Trong cõi nhân loại này, về vấn đề sinh kế để tồn tại, nếu mọi việc đều suông sẻ hết, nó sẽ mang lại cho mọi người sự an vui và hạnh phúc. Thậm chí có người còn hát thầm trong lúc làm việc được nữa. Cái người ta có thể trông đợi như món tiền lương từ những giọt mồ hôi và sức lao động của mình dường như chỉ đủ để chi tiêu trong ngày. Nếu hoàn cảnh cho phép, họ có thể nhận được món tiền thù lao khá hơn để trang trải cho những chi phí sinh hoạt của họ trong hai hoặc ba ngày. Hiếm có người nào làm một ngày mà kiếm đủ tiền chi tiêu trong mười ngày. Chắc chắn, với lợi tức của một ngày sẽ không đủ để thỏa mãn những chi tiêu trong một năm, còn nói gì đến một đời người. Nếu một người có thể tìm được niềm vui và ca hát trong lúc làm việc chỉ để kiếm tiền trang trải cho những chi phí sinh hoạt của họ trong một hoặc hai ngày, vậy sao anh ta không hành thiền nhằm tự mình giải thoát khỏi những sầu lo của vòng luân hồi, điều đó sẽ chẳng tốt hơn cho anh ta sao? Điều đó thật xứng đáng. Dĩ nhiên điều này được nói đến để khuyến khích mọi người hành thiền với sự chuyên cần và nhiệt tâm, vốn chắc chắn sẽ mang lại cho họ sự an vui và hạnh phúc. Đây là những gì các nhà Chú Giải nói chứ không phải tôi. Bây giờ chúng ta có thể hành thiền trong hai phút theo những hướng dẫn đã được đưa ra. Tôi sẽ căn thời gian.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app