BĀHIYA DĀRUCIRIYA

Vị sư kế tiếp tái sanh trong gia đình của gia chủ Bāhiya. Vì vậy ngài được đặt tên là Bāhiya. Ngài làm công việc buôn bán có tính cách quốc tế và được xem là một trong những thương nhân và nhà xuất nhập khẩu quy mô lớn có những mối quan hệ buôn bán với các đối tác nước ngoài. Sau bảy lần vận chuyển hàng hóa bằng thuyền lớn thành công, ngài rời bỏ quê hương trên một chiếc tàu vượt biển chất đầy hàng hóa với ý định đem đến xứ Kim Địa (Suvannabhūmi) trong chuyến buôn thứ tám. Thời quá khứ, những chiếu tàu chạy giữa quốc gia này với quốc gia khác được gọi là những chiếc tàu buồm vượt biển. Ngày xưa người ta nghĩ Kim Địa là một thành phố cảng có tên là Thaton ở Miến Điện. Tuy nhiên, ngày nay một số nhà nghiên cứu thì nói Đảo Sumatra (một đảo ở Ấn Độ Dương thuộc miền tây nước Indonesia) trước đây gọi là Sumannabhūmi hay Kim Địa. Điều này trùng hợp với chú giải vốn xem ‘Suvannabhūmi’ là một Hòn Đảo.

Trong chuyến du hành đến xứ Kim Địa, chiếc tàu của Bāhiya gặp một trận bão kinh hoàng trên biển khơi và bị đắm. Ngoại trừ Bāhiya, tất cả thủy thủ đoàn trên tàu đều thiệt mạng. Về phần Bāhiya, vì đây là kiếp sống cuối cùng của ngài, nên sự may mắn đã giúp ngài. Nhờ vận may ngài chụp được một miếng ván bị xé ra từ chiếc tầu chìm và nhờ những con sóng đưa đẩy, dần dần ngài trôi dạt vào bờ. Sau đó, do mệt mỏi ngài nằm nghỉ một lúc trên bờ biển và rơi vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, ngài bị cơn đói hành hạ và nghĩ đến việc đi xin ăn. Do mất hết áo quần trong lúc vật lộn với những cơn sóng khi tàu chìm, ngài hầu như trần truồng như nhộng. Vì thế, ngài phải góp nhặt những cọng lau mỏng manh và kết lại thành chiếc khố để che thân. Do ngài mặc một chiếc khố bằng cọng lau nên ngài được gán thêm cho cái tên là ‘Dāruciriya’ hay ‘Đạo Sĩ Mặc Áo Vỏ Cây’. Sau khi mặc chiếc khố làm bằng những cọng lau để che thân, ngài đi lang thang, và nhặt được một chiếc bình cũ nơi chiếc bàn thờ, dùng để bỏ những vật cúng dường đến một vị thiên nữ hộ trì vùng biển nơi ấy, cuối cùng ngài đến ngôi làng Soppāraka, vốn là một hải cảng, để xin ăn. Cảng Soppāraka nằm ở bờ tây của Ấn Độ gần cảng Bombay. Địa danh này gọi là Sopāra nằm ở cửa sông Nammadā phía bắc Bombay. Thấy một người ăn xin kỳ lạ, thân thì che bằng thứ y phục đan bằng những cọng lau mong manh và tay thì cầm một chiếc bình cũ kỹ chẳng có giá trị gì, dân làng Soppāraka hết sức ca tụng ngài và nhận xét: “Ôi! Con người vĩ đại này quả thực là một nhân vật phi thường. Không giống như người phàm tục, ngài không mặc áo quần bình thường và chỉ dùng một cái bình không ra gì làm đồ đựng vật thực thay vì chiếc đĩa. Con người kỳ lạ này nhìn rất giống như một vị A-la-hán vậy.” Xem ngài như một nhân vật đáng ca tụng, người ta dâng cúng cho ngài y phục đẹp, đồ ăn ngon, chén bát và những vật dụng bằng sành cho ngài sử dụng.

Quả là điều đáng ngạc nhiên, người xưa cứ thấy ai không ăn mặc áo quần gì thì cho là bậc thánh A-la- hán. Họ kính trọng và tôn thờ Bāhiya, người chỉ khéo che đậy cái bộ phận không đứng đắn của mình bằng những cọng lau đan lại, được họ đánh giá là một bậc A-la-hán. Họ không suy xét và cân nhắc mọi điều một cách sâu xa, và cũng không có khả năng phán đoán một người trên mọi phương diện một cách hợp lý. Những con người này thực là kỳ lạ. Chính vì những những niềm tin sai lạc như vậy mà ngày nay những tín ngưỡng đáng hổ thẹn không có bất kỳ một nền tảng đúng đắn nào đã phát sanh. Nói gì đến những con người mộc mạc ngày xưa, ngay cả thời nay một số người cũng lầm lẫn xem những người lập dị đột nhiên xuất hiện với vẻ như đang đi tìm con đường thoát khỏi cuộc sống trần tục này là một bậc thánh A-la-hán, và hết lòng kính trọng họ! Trong thời buổi khoa học hiện đại ngày nay, với những kiến thức khoa học và những sức mạnh tâm linh, thật không đúng đắn và không thích hợp tí nào khi thấy một người tin tưởng mù quáng vào những điều như vậy.

Khi được dân làng tôn kính như một bậc thánh A-la-hán và dâng cúng nhiều thứ vật dụng như vậy, Bāhiya tự nghĩ: “Lý do họ kính trọng và cúng dường đến ta là vì sự trần truồng không mảnh vải che thân của ta thôi. Vậy thì, nếu ta nhận sự cúng dường y áo của họ và mặc vào, họ sẽ không còn đức tin và lòng kính trọng nơi ta nữa.” Do đó, ngài chỉ nhận phần cúng dường vật thực và từ chối thọ nhận y áo để duy trì tình trạng lõa thể, tự vừa lòng với tấm y làm bằng cỏ lau của mình. Tất nhiên mọi người lúc đó sẽ nghĩ cao hơn về ngài và cúng dường nhiều hơn với lòng tôn kính và hào phóng hơn. Vâng, đúng là như vậy. Người ngu mê, mộc mạc thường đánh giá rất cao những con người lạ thường mà họ gặp như ngài. Khi dân làng ngưỡng mộ và kính trọng ngài như một bậc Thánh A- la-hán ngày càng nhiều hơn, ngài thậm chí còn có khuynh hướng tin rằng chính mình là bậc A-la-hán. Và điều này đã khởi lên nơi ngài, “Trong thế gian này, bậc A-la-hán có lẽ giống như ta là cùng” và sự kiêu ngạo buồn cười ấy đã khiến cho ngài tự cho mình là trên hết. Điều này là tự nhiên, vì người ta thường trở nên không chắc chắn về những phẩm chất của mình do ý kiến chung của số đông. Hitopadesa Dhammma đã trích dẫn một trường hợp như vậy trong chuyện ngụ ngôn sau.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app