CON RÙA – NGŨ UẨN

Khi danh và sắc được biết một cách tách bạch, bạn sẽ tìm thấy năm uẩn. Đây là những gì được tuyên bố như, “cái lọc nước và năm triền cái rất giống nhau như thế nào thì con rùa tinh quái và năm uẩn cũng giống nhau như vậy.” Do đó, trong chú giải có nói rằng nếu năm triền cái giống như cái lọc xà phòng này được quán và ghi nhận, tâm sẽ trở nên thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh, danh và sắc sẽ được biết một cách tách bạch ở mỗi lần quán và ghi nhận. Hai thành phần Danh và Sắc này không là gì khác ngoài năm uẩn. Một người hành thiền đang ghi nhận chuyển động phồng của bụng sẽ cảm nhận được sự căng cứng (của bụng khi nó phồng lên). Sự chuyển động của bụng lúc đó cũng sẽ trở nên rất dễ nhận ra. Bản chất của chuyển động phồng này là yếu tố gió hay phong đại, và cũng là đặc tính của Sắc Uẩn (rūpa-khandha). Sự hay biết qua ghi nhận là Danh Uẩn (nāma-khandha). Sự hay biết xảy ra trong Danh Uẩn khi đơn thuần nhận thức bản chất của Thọ được gọi là Thức Uẩn (viññāṇa-khandha). Sự hoan hỷ và an lạc mà người hành thiền cảm giác trong lúc ghi nhận và biết được nó là thọ lạc (sukha-vedanā). Nếu chỉ có cảm thọ trung tính xất hiện, không hỷ hay lạc, cảm giác ấy được gọi là Thọ Xả (upekkhā- vedanā). Tất cả thọ này được bao gồm trong Thọ Uẩn (vedanakkhandhā). Biết bản chất của chuyển động phồng là Tưởng Uẩn (saññakkhandhā). Định cùng sanh với chánh niệm (sự chú ý) để biết bản chất của “phồng” “căng cứng”, và biết nó một cách tách bạch là Hành Uẩn (saṇkhārakkhandhā). Nếu phân tích được như vậy, các nét đặc trưng của bốn danh uẩn sẽ trở nên dễ nhận ra và dễ biết. Do đó, mỗi lần hành giả thực hiện việc quán trên sự “phồng” của bụng, sự căng cứng là sắc uẩn trong khi tâm hay biết làm việc ghi nhận, tạo thành bốn danh uẩn. Như vậy có cả thảy năm uẩn. Mỗi lần bạn quán và ghi nhận, năm uẩn này sẽ được tìm thấy. Đây là những gì được nói trong bài kinh như “tìm thấy con rùa.” Thân của con rùa bao gồm hai tay, hai chân và cái đầu, tổng cộng là năm chi cả thảy.

Lại nữa, năm uẩn sẽ được nhận ra mỗi lần bạn quán và ghi nhận như “xẹp”, “ngồi”, “chạm”, “co”, “duỗi”, v.v… Trong hành động co, nếu bạn ghi nhận như “co”, sự cứng và sự chuyển động xảy ra là Sắc (rūpa), trong khi sự hay biết có được do ghi nhận là Danh (nāma). Danh là bốn danh uẩn, và sắc bao gồm một sắc-uẩn, cộng lại là năm. Đối với các hiện tượng tâm vật lý khác, những đặc tính tương tự với ít nhiều thay đổi cần thiết cũng có thể được biết. Nhưng, chớ có đi tìm lạc trong năm uẩn vốn phải được quán, ghi nhận, và loại trừ này. Đây là điều thiết yếu.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là “Ko kummo – hình ảnh con rùa muốn nói điều gì?” Câu trả lời là: “Kummoti kho bhikkhu pañcanneytam upādānakkhandhānam adhivacanam.”

Ý nghĩa của câu trả lời trên là: “Này Tỳ-kheo Kumārakassapa! Tên con rùa là cái tên gán cho “năm thủ uẩn”. Tên năm thủ uẩn chuyên chở ý nghĩa chấp thủ – upādāna, mà chấp thủ có nghĩa là dính mắc vào các cảm thọ. Những cảm thọ này phải được xua tan và trừ diệt bằng Minh Sát Quán để loại trừ ái dục.

Do đó, Đức Phật đã giải thích câu nói “Pajaha kumman – Con rùa phải được loại bỏ.”  Có nghĩa là “Năm Thủ Uẩn phải được loại bỏ.”  Chú giải nói rằng ý chính của nó là loại trừ những chấp thủ của tham vào Năm Uẩn. Trong Thiền Minh Sát, yếu chỉ tôi đưa ra là:

“Cần phải quán cái gì để có được minh sát trí?  

Nhờ quán Năm Uẩn, có khuynh hướng bị chấp thủ hay năm thủ uẩn mà hành giả có được trí ấy”

Trong bài Pháp này, “Con Rùa” là pháp liên hệ tới Năm Uẩn. Và Năm Uẩn này cần phải được quán, ghi nhận và rồi loại trừ.

Mặc dù Năm Uẩn là Pháp cần phải được quán và loại trừ song ở giai đoạn đầu của thiền, hành giả sẽ chỉ biết được bản chất chính của Năm Uẩn mà thôi. Ở giai đoạn này, sự sanh và diệt của các uẩn cũng như bản chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng vẫn chưa thể nhận ra được. Khi quán chuyển động phồng của bụng, sẽ chỉ có đặc tính cứng và chuyển động được biết. Vì vậy, hành giả chỉ hay biết được những nét đặc trưng của Danh và Sắc. Khi định và minh sát trí trở nên mạnh mẽ và thành thục, tất cả pháp sẽ được biết một cách tách bạch cả ở giai đoạn đầu lẫn giai đoạn cuối. Khi đó hành giả sẽ nhận ra rằng từ khoảnh khắc sanh lên của các hiện tượng (pháp), chúng bắt đầu tan hoại dần để đi đến sự diệt hoàn toàn, và rồi biến mất. Minh sát trí xuất hiện cùng với sự nhận thức trực tiếp rằng chúng (các hiện tượng) là vô thường. Do đó, các pháp cần phải được quán để biết đúng như thực về sự xuất hiện có tính hiện tượng của chúng như đã nói. Khi định đã trở nên mạnh mẽ, việc ghi nhận và thấy rõ bản chất vô thường, khổ, và vô ngã sẽ là điều cần thiết. Chỉ khi thành tựu được sự thấy rõ này, bạn mới có thể thoát khỏi những cảm giác vừa lòng cũng như những ước muốn liên quan đến năm uẩn.

Chính vì thế, các nhà Chú Giải nói “Aniccaṃ veditabbaṃ – “Vô thường” phải được tuệ tri hay biết rõ.” Aniccata veditabba – đặc tính vô thường phải được tuệ tri. Aniccānupassanā veditabbā aniccānupassanā – tùy quán vô thường cũng cần phải được tuệ tri.”

Bằng từ anicca (vô thường), ý các nhà chú giải muốn nói là “aniccanti khandha pañcakaṁ”— anicca hay vô thường có nghĩa là sự kết hợp của năm uẩn. Nếu thân hay Sắc (rūpa) được quán, bản chất sanh và diệt của nó chủ yếu được biết rõ là dựa vào thân. Đối với Danh cũng vậy, chỉ có thể được biết rõ và nhận ra đúng theo bản chất thực của nó. Chúng ta hãy lập lại câu phương châm:

“Danh và Sắc uẩn (rūpa-nāma-khandha) khi nó sanh và diệt là đặc tính của vô thường.”

Đặc tính ‘vô thường’ là hiển nhiên bởi vì tính chất thoáng qua của nó, nghĩa là sau khi sinh lên nó liền diệt, không kéo dài lâu. Nó cũng giống như một ánh chớp, lóe lên rồi biến mất ngay lập tức. Đây là bản chất vô thường. Bạn ghi nhận những gì đang xảy ra và bạn sẽ thấy các hiện tượng vừa xuất hiện liền được theo sau bởi sự biến mất của chúng. Đây rõ ràng là bản chất của sự vô thường, không tồn tại bất biến dù chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na).

Chỉ khi bạn có kinh nghiệm tự thân trong pháp hành, đặc tính thực của vô thường này mới được nhận rõ. Chỉ lúc đó bạn mới có được trí hiểu biết về bản chất vô thường đích thực. Và điều này chỉ có thể được thành tựu bằng pháp quán đúng.

Khi trí tuệ minh sát đích thực này được thành tựu, nó có thể dẫn bạn đến thánh đạo và thánh quả trí (ariyamagga-phala ñāṇa). Hàng phàm nhân bình thường có thể nghĩ lầm rằng từ bé cho đến giờ, khi họ đã là một người trưởng thành, chỉ có sự tương tục của một cái tâm như vậy không gián đoạn. Đây là những gì kinh gọi là tính tương tục hay sự tiếp nối mãi mãi ‘Santati’, tương tự như quan niệm sai lầm về một hàng kiến dài mà ở trên đã đề cập vậy. Để loại trừ bức màn che dấu sự thực này, tâm phải được quán và ghi nhận mỗi lần nó khởi lên.

Khi chánh niệm tiến triển nhanh hơn, tâm hay những ý nghĩ sanh khởi, sẽ trở nên rõ ràng, hết tâm này đến tâm khác, một cách tách bạch. Sau đó, hành giả sẽ nhận ra những gì có mặt trong tâm này vừa xuất hiện liền biến mất không ngừng một cách bất ngờ. Đó là đặc tính vô thường, và sự thực về vô thường và bản chất thoáng qua của nó này sẽ được thấy hết sức rõ ràng.

Lấy trường hợp của các “cảm thọ – Vedanā”. Bình thường, thọ khổ hay cái đau có thể được nghĩ là xuất hiện trong một thời gian lâu dài. Tuy nhiên, nếu quán và ghi nhận một cách cẩn thận, mỗi lần nó được ghi nhận như “đau”, “đau”, cảm giác đau này sẽ được thấy là xuất hiện và biến mất từng cơn một. Nó cũng giống như những con kiến tách biệt với nhau, con này cách con kia, trong hàng vậy. Cái đau xuất hiện và rồi biến mất, và tình trạng thay đổi này chỉ ra cho thấy bản chất vô thường của nó. Tất cả mọi hoạt động của thân xảy ra theo cùng cách thức như vậy. Khi “vô thường” được tuệ tri qua minh sát trí, khổ, và vô ngã, cũng sẽ tự động được tuệ tri.

Thực ra “khổ” chính là do phải chịu “vô thường”. Và cái “khổ” nay tự nó là “vô ngã”. Về cơ bản vô thường, khổ, và vô ngã thực chất chỉ là một pháp, dù chúng mang những cái tên khác nhau. Do đó, nếu vô thường được biết, thì khổ sẽ được hiểu và nếu khổ được biết, vô ngã cũng sẽ được hiểu. Để giải thích đầy đủ cách trí hiểu biết về vô thường, khổ, và vô ngã xuất hiện như thế nào sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó ở đây chúng tôi sẽ chỉ đưa ra một sự giải thích ngắn gọn về nó mà thôi. 

Nếu vô thường (anicca) được thấy rõ, khổ (dukkha) sẽ được thấy và biết. Nếu khổ được biết, vô ngã sẽ được nhận ra. Khi vô ngã được nhận ra, Pháp Niết Bàn sẽ được thấy. Nếu bạn muốn đạt đến Niết- bàn, hãy đi theo con đường này. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng để đạt đến Niết Bàn một người cần phải được trang bị đầy đủ tri kiến thích hợp và thành thục. Không phải chỉ đơn thuần nhận ra vô ngã một lần là bạn có thể đạt đến Niết Bàn.

Nếu vô thường, khổ và vô ngã thực sự được nhận ra mỗi lần quán các hiện tượng, điều đó có nghĩa là bạn đã loại trừ được năm uẩn gọi là con rùa. Nếu bạn không quán, bạn sẽ không có được trí hiểu biết về những gì gọi là vô thường, khổ hay vô ngã này. Ở mỗi khoảnh khắc thấy, nghe, xúc chạm, hay biết, khi chúng sanh khởi ở sáu cửa giác quan nếu bạn kinh nghiệm cảm thọ lạc, bạn sẽ tiếp tục nghĩ chúng là “thường”, “lạc”, “ngã”, “tịnh”, là “đàn ông” hay “đàn bà” và tìm thấy sự thích thú trong chúng. Đây gọi là thích thú trong “con rùa”. Và do đó nó cũng có nghĩa là tìm thấy vị ngọt và sự thích thú trong năm uẩn.

Để tránh điều này Đức Phật đã khuyên chúng ta nên loại trừ nó. Phương pháp loại trừ là mỗi lần các hiện tượng tâm vật lý xuất hiện bạn phải quán và ghi nhận sự xuất hiện của chúng, nếu quán được như vậy bạn sẽ có khả năng phân biệt giữa danh và sắc, hay nói cách khác bạn có được Danh Sắc Phân Tích Trí. Khi bạn tiếp tục công việc quán và ghi nhận, bạn sẽ biết được sự sanh khởi và hoại diệt của chúng, điều này sẽ dẫn bạn đến sự chứng đắc trí về Pháp (dhamma) liên quan đến vô thường, khổ và vô ngã. Nếu có được trí này, tham chấp sẽ không còn xuất hiện để khiến bạn xem chúng là thường được nữa. Trí này cũng ngăn không cho các phiền não sanh khởi. Nếu không thì, bạn vẫn sẽ có quan niệm sai lầm cho rằng một người hay vật nào đó là đẹp, là tốt, là khả ái, hay có một “chúng sanh”, một “con người”… và bị dính mắc vào đó.

Ở đây, loại bỏ “con rùa” nghĩa là loại trừ năm thủ uẩn (pañcuppādānakkhandhā). Và do đó, mỗi lần năm thủ uẩn được quán khi chúng xảy ra, việc quán này hoàn toàn phù hợp với lời tuyên bố mà bài Kinh đưa ra.

Kế đến, câu hỏi có thể phát sanh là cho đến mức độ nào năm thủ uẩn gọi là “con rùa” này phải được quán và loại trừ? Câu trả lời là: Nó phải được quán cho đến giai đoạn Thận Thứ Trí (Anuloma Ñāṇa Thuận Thứ Trí, một loại trí minh sát nằm ở ngưỡng Thánh Đạo), trí sanh khởi nối kết với Chuyển Tộc Trí (Gotrabhū ñāṇa), Thánh Đạo Trí (Ariyamagga ñāṇa) và rồi sự loại trừ năm thủ uẩn sẽ nối tiếp theo sau. Khi sự loại trừ này được thực hiện trong quá trình quán, sự sanh và diệt của các hiện tượng tâm vật lý sẽ được tuệ tri vì thế các đặc tính vô thường, khổ, và vô ngã sẽ hiển hiện rõ ràng. Khi thẩm sát trí (sammāsana ñāṇa)[1] trở nên mạnh mẽ hơn cái biết trong sáng và trọn vẹn về sự sanh và diệt của các cảm thọ từ đầu đến cuối của các tiến trình có tính hiện tượng trong lúc quán và ghi nhận mỗi lần chúng sanh khởi, sẽ xuất hiện.

Trí hay cái biết chính xác về các hiện tượng luôn luôn thay đổi, tức sự sanh khởi và hoại diệt cực kỳ nhanh này được gọi là trí thấy sự sanh diệt của danh sắc hay Sanh Diệt Trí (Udayabbayañāṇa). Lại nữa, khi Sanh Diệt Trí này có được sự thành thục, mỗi lần ghi nhận, sự diệt cuối cùng của các cảm thọ thể hiện rõ ràng hơn và trở nên dễ nhận ra hơn sự sanh khởi ban đầu của chúng. Trí và sự hay biết về tiến trình diệt theo cặp của các đối tượng giác quan và tâm biết ở từng sát-na quán được gọi là trí thấy sự diệt của danh sắc hay Diệt Trí (bhaṅga ñāṇa). Sau khi đã nhận ra rằng tâm biết và các đối tượng giác quan tan hoại và biến diệt không ngừng cả bên trong lẫn bên ngoài, sự tình này sẽ khởi lên nơi người hành thiền: “chẳng có gì đáng tin cậy cả và mọi thứ đều thực sự đáng sợ”. Đây là những gì gọi là trí thấy tình trạng đáng sợ của danh và sắc hay Bố úy trí (Bhayañāṇa). Khi cái biết về tình trạng đáng sợ như vậy xảy ra, mọi cảm thọ vốn là cái được biết và tâm hay biết đang nối tiếp nhau xuất hiện, sẽ được xem như lầm lỗi và không đáng mong ước về nhiều phương diện khác nhau. Đây là những gì gọi là trí thấy sự lỗi lầm của danh sắc hay Quá Hoạn Trí5 (ādīnava ñāṇa). Nếu, một trong số những lầm lỗi được trí nhận ra, lúc đó tư duy liên quan đến các cảm thọ lạc của ngũ trần được thực hiện, nó sẽ xuất hiện giống như lưỡi dao bén và cái thớt gỗ (để chặt thịt) vậy.

[1] Sammāsana ñāṇ a – 思惟智 Tư Duy Trí, trí thẩm sát hay tư duy về vô thường, khổ, vô ngã của danh sắc.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app