TRƯỞNG LÃO LEDI SAYĀDAWPAYAGYI NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG VIỆC GIẢNG GIẢI THIỀN MINH SÁT
Đối với đất nước Miến Điện, Trưởng Lão Ledi được xem là người tiên phong trong việc giảng giải về pháp thiền minh sát. Kế tiếp, Trưởng Lão Monhyn Sayādawpayagyi xếp thứ hai trong việc giảng dạy pháp thiền minh sát. Bản thân chúng tôi (Mahāsi Sāyadaw) là người thứ ba đi theo những bước chân của các vị Sāyadaw nổi tiếng ấy giống như người đang đi mót lại những nhánh lúa rơi trên cánh đồng lúa sau vụ gặt, và vì vậy, đó là một công việc rất dễ làm. Sự giải thích về Pháp của Trưởng Lão Ledi có thể được tìm thấy trong tập sách gọi là “Anatta Dīpanī” (Vô Ngã Tường Giải). Để làm cho nó được chính xác hơn đúng như những gì chứa đựng trong văn bản, tôi đã trích ra một phân đoạn, và tôi sẽ đọc cho quý vị nghe.
“Trong oai nghi đi, mỗi lần bước một bước, tâm phải được tập trung trên chân và bước đi, ghi nhận “tôi đi” “tôi đi”. Không một bước chân nào bước mà không có chánh niệm (ghi nhận)”. Đây là cách Trưởng Lão Ledi giải thích. Tập sách “Anatta Dīpanī” này được viết vào năm 1263 BE (Miến Lịch?). Đó là khoảng thời gian xưa lắm rồi. Năm đó thậm chí tôi còn vẫn chưa được sanh ra. Chúng tôi đã hành theo phương pháp giải thích của Ledi Sayadaw. Tất nhiên không phải trực tiếp từ Sayadaw mà chúng tôi học phương pháp đó từ Trưởng Lão Mūla Mingun Jetavum. Vì vậy, chúng tôi phải trình bày một cách rõ ràng là “Gacchantova gacchāmiti pajanati” (khi đi, tuệ tri tôi đang đi), theo kinh điển Pāḷi, và đây là phần giới thiệu được đưa ra ngay lúc bắt đầu quán và ghi nhận mỗi lần bước một bước khi đi.
Theo quy luật văn phạm Pāḷi, có ba loại đại từ: “amhayoga”, “tumhayoga” và “namayoga”. Nếu khi nói “gacchāmi” dùng một đại từ, mặc dù ở đây tiền tố “ahaṁ” hay tôi bị lược bỏ, thì từ Tôi hay Chính Tôi cũng sẽ phải được chèn vào và dịch là “Tôi Đi” hay “Chính Tôi Đi”. Nếu khi nói “gacchasi”, dù từ “tvam”, nghĩa là “Anh” không bao gồm, nó cũng sẽ phải được chèn vào và dịch là “Anh Đi”. Tuy nhiên, nếu khi nó được viết hay nói như “gacchati” dùng namayoga, một chủ thể khác sẽ phải được chèn vào và dịch như là, “Nó Đi”, “Tâm Đi”, “Thân Di Chuyển”, v.v… theo như được đòi hỏi ngoại trừ chữ “Tôi” và “Anh”. Vì vậy, chữ “gacchami” dùng kết hợp với “amhayoga”, phải được dịch là “aham gacchami” hay “tôi đi” và tuân theo quy luật văn phạm Pāḷi này, Trưởng Lão Ledi đã nói rõ là “Tôi Đi” “Tôi Đi” với một lời đáp lại là “tâm phải được tập trung trên chân và bước đi.”
Trong cách diễn đạt này, sự nhấn mạnh được đặt trên “phải được tập trung trên chân”, bởi vì sự chuyển động của chân được thể hiện rõ ràng nhất. Tất nhiên, sự chuyển động của các thân phần khác cũng có thể được quán, nếu nó thích hợp. Kế tiếp, sự hướng dẫn “không một bước đi nào được thực hiện mà không có chánh niệm”, là cách diễn đạt thực sự chính xác và nghiêm ngặt. Đặc biệt ngài Trưởng Lão Ledi đã vứt bỏ cái then (cửa) và giữ cho cánh cửa luôn được mở. Bất chấp sự thực là cánh cửa đã được mở và sự giải thích rõ ràng đã được đưa ra, khoảng bốn năm trước một cuốn sách Pháp (Dhamma) xuất bản ở Syriam (một tỉnh nằm bên kia sông Rangoon), vốn nổi tiếng về tính cách gièm pha mang tính côn đồ của nó, đã cài then và đóng lại cánh cửa mà Trưởng Lão Ledi đã mở ra. Cuốn sách đã chỉ trích cách hướng dẫn thiền mà ngài đưa ra, như “Tôi Đi” “Tôi Đi”, nói rằng điều đó là sai và không nên quán như vậy bởi vì “Tôi” là chế định pháp đã được thêm vào.
Tuy nhiên, tôi ủng hộ Trưởng Lão Ledi Sayādaw và tiếp tục giữ cho cánh cửa mở. Tôi đã giải thích điều này trong Kinh Ariyāvāsa, đơn giản là vì nếu tôi giữ thái độ tự mãn hoặc làm ngơ với lời chỉ trích ấy, thì từ quan điểm của Phật Pháp tôi sẽ cảm thấy đắc tội, hay nói khác hơn tôi sẽ bị Đức Phật quở trách, nếu như ngài còn sống.