TÓM TẮT MƯỜI LĂM VẤN ĐỀ

Thấy một gò mối lớn, ban đêm phun khói, và ban ngày bắn ra lửa, vị thầy Bà-la-môn tư vấn cho người học trò kiệt xuất của mình để khám phá xem vấn đề này là gì. Và khi đào nó với một cái xẻng bén cạnh, lần lượt xuất hiện một cái then cửa, một con cóc xấu xí, một ngã ba đường, một cái lọc nước, một con rùa xảo quyệt, một con dao phay và cái thớt gỗ, một miếng thịt cứng và cuối cùng một con rồng, như vậy tộng cộng có cả thảy mười lăm vấn đề khó hiểu.

Bây giờ Tôi sẽ giải thích mười lăm vấn đề này: “Hoạt động phun khói ban đêm” nghĩa là, ban đêm gò mối này phun ra khói. “Khạc lửa” nghĩa là — ban ngày nó phun ra những ngọn lửa dữ tợn. Hai hiện tượng này muốn chỉ rõ hoạt động của cái gò mối lớn. Gò mối lớn này do vị giáo sư Bà-la-môn tìm thấy. Khi ông phát hiện ra nó, ông yêu cầu người học trò của mình lấy xẻng đào nó lên để biết chính xác bên trong gò mối này là cái gì.

Khi người học trò đào lên, vật đầu tiên được khám phá là một cái then cửa, thanh gỗ thường được dùng để khóa cửa. Tiếp tục đào thêm, một con cóc gọi là “Uddhumāyika” bất ngờ xuất hiện. Sau đó, một “ngã ba đường”, một “cái lọc nước”, một “con rùa”, một “con dao phay” và một “cái thớt” để chặt thịt, một “miếng thịt” lần lượt xuất hiện hết vật này đến vật khác. Vì thế, người học trò nói với thầy của mình: “Đây này, lại một miếng thịt nữa”. Nghe thế, vị giáo sư Bà-la-môn yêu cầu người học trò của mình hãy lấy miếng thịt lên, bỏ nó qua một bên và ra lệnh đào tiếp như trước. Khi người học trò đào tiếp, anh thấy một con rồng và thốt lên kinh ngạc — “Ở đây xuất hiện một con rồng, thưa thầy.” Nghe tiếng thốt của người học trò, vị giáo sư bà-la-môn đưa ra những hướng dẫn sau :

“Titthatu nāgo, manāgam gadhesi namo kārohi nāgassa.”

Có nghĩa rằng :

Nāgo — con rồng, titthatu — hãy để yên con rồng chỗ nó đang ở. Nāgaṃ magadhesi — chớ có quấy rầy hay làm hại con rồng này. Nāgassa — con rồng linh thiêng, nāmo — có thể được đảnh lễ và tôn thờ.

Phần mô tả ở trước gồm mười lăm vấn đề hóc búa do vị Phạm thiên nói ra.

Vì vậy, hàm chứa trong mười lăm vấn đề này có những điều đáng để suy gẫm. Đó là lý do vì sao tôi phải liệt kê lại tất cả mười lăm vấn đề theo tuần tự trong hình thức tóm tắt, hầu giúp quý vị có thể dễ dàng lưu giữ nó trong trí nhớ.

Sau khi đưa ra mười lăm vấn đề xong, vị Phạm Thiên nói với Trưởng Lão Kumārakassapa theo cách dưới đây.

“Này, Tỳ-kheo! Ông có thể đi đến chỗ Đức Thế Tôn để hỏi những vấn đề này. Đức Phật giải thích như thế nào ông hãy ghi nhớ ý nghĩa của những vấn đề ấy như thế. Đối với mười lăm vấn đề này, những người có thể giải quyết và trả lời được một cách chính xác chỉ có — một là Đức Thế Tôn, hai là đệ tử của Đức Thế Tôn và ba là những người nắm được sự gợi ý hay nói khác hơn những người nắm được phương pháp giải quyết (vấn đề) từ nơi ta. Ngoại trừ ba người này, không một ai khác có thể đưa ra những lời giải thích chân xác và đầy đủ về những vấn đề đã nói. Sau khi để lại lời chỉ dẫn về nơi chốn có thể nhận được sự giải thích chi tiết cho những điểm khó hiểu này vị Phạm thiên quay trở về cõi trời của vị ấy.

Về sự việc này, tôi nghĩ nhất thiết phải tìm hiểu xem vị Phạm thiên đó có mối quan hệ như thế nào với Trưởng Lão Kumārakassapa và vị ấy đi xuống cõi trần để đưa ra mười lăm câu hỏi khó hiểu này với ý định gì. Để giúp quý vị hiểu rõ tôi sẽ liên hệ lại những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu trong quá khứ.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app