THÂN NÀY BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG PHÂN TỬ NƯỚC TINH TẾ
Thường thì người ta nghĩ rằng sắc thân (rūpa) này là một khối rắn. Tuy nhiên không phải như vậy. Thân vật chất này được tạo thành từ những giọt tinh trùng và máu huyết của cha mẹ. Nó tăng trưởng dần từ giai đoạn của một nguyên tử, những phân tử nhỏ nhất trong đó tứ đại tự chúng kết hợp lại với nhau, thành một đứa bé có kích thước cực lớn.
Với sự kết hợp của tinh trùng của người cha và tế bào trứng của người mẹ, chất nước ối được tạo thành trước nhất. Trong chất nước này (theo những mô tả của kinh điển), ba loại tế bào được gọi là kāyadasaka (thân thập pháp), bhavadasaka (tánh thập pháp) và vatthudasaka (tâm sở y thập pháp) đã xuất hiện do nghiệp (kamma). Ba tế bào này và chất nước ối nhỏ đến nỗi chúng được xem là vô hình đối với mắt thường. Những phân tử bụi nhỏ nhất mà chúng ta thấy trong những tia nắng mặt trời chiếu xuyên qua cửa số, được gọi là “atom” hay nguyên tử. Nếu một hạt nguyên tử này được tách thành ba mươi sáu đơn vị, mỗi đơn vị proton (hạt cơ bản mang điện tích dương) này được gọi là một electron. Nói một cách đại khái, kích thước của chất nước ối khoảng cỡ của electron vừa nói.
Phân tử li ti của chất nước ối phát triển rất chậm không thể thấy được. Sau bảy ngày, chất nước trong suốt này trở thành một chấm bọt nhờn đục. Bảy ngày kế tiếp, chấm bọt này phát triển dần thành một chất sền sệt (protoplasm — chất nguyên sinh) một chất tựa như nước tương ớt trong dạng của một miếng thịt nhỏ. Bảy ngày kế tiếp, miếng thịt nhỏ (không cứng, đụng nhẹ là tan) này trở thành một miếng thịt tròn nhỏ chắc chắn. Miếng thịt nhỏ này hết bảy ngày sau sẽ nhô ra năm chỗ nhô rất nhỏ. Một chỗ nhô nhỏ sẽ trở thành đầu; hai chỗ nhô kia thành hai tay; hai chỗ nhô còn lại thành hai chân. Năm chỗ nhô này được gọi là năm chi thể chính.
Sau đó, nó dần dần phát triển thành một chất lỏng dưới hình thù của một cái đầu, hai tay và hai chân và cuối cùng thân xuất hiện. Vào ngày thứ bảy mươi bảy (tức mười một tuần lễ sau), chú giải nói rằng hình dạng của mắt, tai, mũi, lưỡi xuất hiện. Sau đó, chú giải nói dưỡng chất nhận được từ thức ăn sẽ chầm chậm ngấm vào thân của thai nhi trong dạ con đóng góp cho những nhu cầu phát triển của thân dưới hình thức những chất có chứa sắt, calcium và những chất khác cần thiết cho sự dinh dưỡng. Những tài liệu của y khoa liên quan đến sự thai nghén và phát triển của bào thai thành dạng một con người, có lẽ chính xác hơn. Những gì Đức Phật thuyết giảng, và những gì được giải thích trong các bản chú giải về vấn đề này chỉ có tính cách đại khái vì lẽ nó không nhằm mục đích đưa ra những nghiên cứu y khoa và giúp mọi người có kiến thức về y học. Tôi cũng không muốn đề cập nhiều hơn thế, đơn giản là vì những tài liệu y học đã được biên soạn hoàn chỉnh với những hình ảnh minh họa sau những quan sát, nghiên cứu và phân tích thực tiễn nhằm mục đích điều trị y học. Tuy nhiên, để đáp ứng cho mục đích thiền quán và ghi nhận trong thiền minh sát, không cần thiết phải có kiến thức chuyên biệt như vậy. Có lẽ vì thế trong các bản chú giải Pāḷi và Trường Bộ Kinh, chỉ đưa ra những giải thích gần đúng như thế về đề tài. Thai nhi, sau một thời gian phát triển khoảng bảy tháng, hoặc tám tháng, hoặc trong một số trường hợp có thể là chín tháng hoặc mười tháng, một đứa bé sẽ chào đời. Đó là lý do vì sao tên của tấm thân vật chất này đã được mô tả như “Mātāpittikasambavassa”, nghĩa là nó có mặt nhờ tinh cha, máu huyết và trứng của người mẹ.