TÁM CHI ĐẠO TRONG MỘT GHI NHẬN

Thời gian hành thiền đã hết. Chỉ có hai phút. Trong một phút chúng ta có thể ghi nhận 30 lần. Hoặc cũng có thể là 40 hay 50 lần, tùy theo. Chú ý, Nếu bạn có thể ghi nhận 30 lần trong một phút, thì trong hai phút bạn ghi nhận được 60 lần. Ở mỗi lần ghi nhận, tám chi đạo có mặt. ‘Tám chi đạo’ (maggaṇga) có nghĩa là: trước tiên, chẳng phải là bạn đã có sự thận trọng và cố gắng trong mỗi sát na ghi nhận sao? Sự cố gắng này được gọi là Chánh Tinh Tấn (sammāvāyāma). Nó không phải là loại cố gắng được áp dụng một cách không thích hợp, mà là sự cố gắng Chân Chánh. Kế tiếp, ở mỗi sát-na chúng ta thực hiện việc ghi nhận, có niệm. Đây là Chánh Niệm (sammāsati) — Sati hay niệm ở đây có nghĩa là sự chăm chú hay sự chú tâm. Mỗi lần bạn ghi nhận, tâm gắn chặt trên đối tượng của sự cảm giác. Đây là Chánh Định (sammāsamādhi). Do đó, bây giờ chúng ta có ba chi đạo, đó là: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Tiếp nữa, ở mỗi sát-na ghi nhận, tâm ghi nhận tiến dần về trước như thể đang bước tới trước một bước vậy. Chẳng hạn, nếu chuyển động phồng của bụng được ghi nhận như “phồng”, tâm ghi nhận đặt trên hành động “phồng” ấy. Tương tự như vậy, khi chuyển động xẹp của bụng được ghi nhận, tâm ghi nhận sẽ đặt trên hành động “xẹp” ấy. Sự kiện này được gọi là Chánh Tư Duy (sammāsaṅkappa). Mặc dù sammāsaṅkappa thường được gán cho ý nghĩa là “Chánh Tư Duy — suy nghĩ đúng”, tuy nhiên trong tiến trình ghi nhận, không cần thiết phải tư duy hay hình dung trong một thời gian dài. Tâm làm việc ghi nhận chẳng khác nào như đang tiến về phía cảm thọ. Chính vì vậy, nó được nói là có đặc tính của sabhiniropanalakkhana — sự dán áp, hay khắn khít (của tâm trên cảnh). Dĩ nhiên, đây là Chánh Tư Duy (sammāsankappa). Kế tiếp, sự nhận thức đúng về đối tượng giác quan vừa ghi nhận là “Chánh Kiến(sammādiṭṭhi). Nó biết đúng như thế nào có thể nói như vầy: Trong lúc ghi nhận sự phồng lên của bụng như “phồng”, Chánh Kiến nhận thức sự phồng này có đặc tính là cứng và chuyển động.

Nhận biết được sự cứng và chuyển động này là biết Phong Đại (vāyodhātu) một cách đúng đắn. Thực tế mà nói, vào sát na tâm sanh ban đầu hay sự nhận thức ban đầu này hoàn toàn không có sự dính mắc hay tưởng tượng cho rằng đó là một người đàn ông, hay đàn bà, hay một cá nhân hay một chúng sanh, hay “Tôi” hay “nó”,… xảy ra. Nó không có bất kỳ một nhận thức sai lầm nào cả. Nếu cảm giác cứng được cảm nhận, nó nhận thức hay biết chỉ là “cứng”. Nếu nó trở nên căng, biết đó chỉ là “căng”. Biết đúng được như vậy gọi là “Chánh Kiến”. Khi năng lực định trở nên vững mạnh, sự sanh và diệt xảy ra trong tiến trình của nó từ đầu cho đến cuối, được biết một cách rõ ràng. Điều này đưa đến sự chứng ngộ về bản chất vô thường. Nếu ‘vô thường’ được chứng ngộ, ‘khổ’, và ‘vô ngã’ cũng được hiểu rõ và chứng ngộ. Biết vô thường, khổ, và vô ngã ở từng sát-na ghi nhận là chi đạo Chánh Kiến (sammādiṭṭhi magganga). Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là hai chi đạo thuộc nhóm tuệ. Hai chi đạo thuộc nhóm tuệ này và ba chi đạo thuộc nhóm định nếu cộng lại với nhau chúng ta có năm đạo chi. Để hoàn tất tiến trình liên quan trong một ghi nhận, năm đạo chi này phải làm việc hòa hợp với nhau. Nói cách khác, mỗi lần năm đạo chi này trong tình trạng đang làm việc hòa hợp với nhau thì được gọi là đang khởi quán.

Khi năm đạo chi này làm việc phối hợp với nhau, tự động các chi đạo thuộc giới phần (sīlamaggangas) có mặt. Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể nói rằng giới hay Chánh Hạnh đã được làm cho trong sạch từ lúc người hành thiền bắt đầu giữ giới. Và nó vẫn trong sạch vào lúc họ quán và ghi nhận sự “phồng” “xẹp” của bụng. Thậm chí ở đây nó còn có cơ hội để được trong sạch hơn nữa. Phẩm chất của giới bao gồm “Chánh Ngữ”, “Chánh Nghiệp” và “Chánh Mạng”. Ba thuộc tính này mặc nhiên đã được hoàn thành khi khởi quán. Khi những yếu tố cấu thành của các đạo chi hợp nhất lại, nó được gọi là Đạo (magga).

Từ Pāḷi Magga thường được dịch là Đạo hay con đường. Tuy nhiên Đạo có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như Đạo Lộ dẫn đến thôn làng, đạo dẫn đến tỉnh thành, dẫn đến tu viện, đến chùa tháp, đến khu rừng, đến hải cảng, v.v… Giống như Đạo Lộ của thế gian (lokiya magga), Đạo Lộ dẫn đến Pháp (dhamma) cũng có nhiều loại. Lại nữa, có những Đạo Lộ dẫn đến địa ngục (niraya), dẫn đến ngạ quỷ giới (petā), súc sanh giới (tiracchanna). Những Đạo Lộ (con đường) dẫn đến các cõi thấp như vậy là Bất Thiện Đạo (akusala), Đạo của những nghiệp xấu, có tội và phi phước. Nếu thích, bạn có thể đi theo bất kỳ một trong những Ác Đạo này. Ngược lại, có những đạo lộ dẫn đến cõi người và cõi chư thiên. Những đạo lộ dẫn đến cõi người và cõi chư thiên này là Thiện (kusala) chẳng hạn như những phước nghiệp bố thí, giữ giới và hành thiền,… Có một đạo lộ gọi là Thiền Chỉ (samatha jhāna), đạo lộ dẫn đến Phạm Thiên giới. Nếu bạn muốn bước đi trên những đạo lộ thiện này bạn có thể làm được như vậy. Trong số những loại đạo lộ khác nhau này có một đạo lộ của Đạo (Magga), hay nói đúng hơn là Bát Thánh Đạo dẫn đến Niết Bàn. Kinh Đại Niệm Xứ tuyên bố: “nibbānassa sachikiriyāya”, (“Đây là con đường độc nhất dẫn đến sự chứng đắc Niết-bàn”). Hiện nay các bạn đã có được tám chi đạo thiện ít nhất 60 lần trong 2 phút hành thiền. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như vậy bạn đã tạo được sáu mươi lần các đạo chi. Giả sử, nếu thánh đạo (ariya magga) được thành tựu bằng cách thực hành một trăm lần các đạo chi, thì bạn sẽ chỉ còn bốn mươi lần thực hành để đạt đến thánh đạo nữa mà thôi. Thời Đức Phật, có những người đã đạt đến thánh đạo chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi khi đang nghe pháp của Đấng Giác Ngộ. Bất kỳ ai trong các bạn cũng có thể phát nguyện để có được một sự thành tựu như vậy. Chẳng hạn, nếu phải ghi nhận một ngàn lần để bạn có thể đạt đến giai đoạn ấy, bạn sẽ chỉ còn 940 lần nữa là đạt đến đích mong muốn mà thôi. Hôm nay, nhờ hành thiền 2 phút bạn đã đến gần Niết Bàn thêm được sáu mươi bước. Khi bạn không trong khóa thiền, hay khi bạn ở nhà, nếu bạn có thể quán và ghi nhận các hoạt động của thân và tâm bạn mỗi khi cơ hội cho phép, điều đó có nghĩa là bạn đang phát triển tám chi đạo. Thực hành hàng ngày là một pháp thực sự quý báu. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ gom góp được những hạt giống thiện (kusala) mà không tốn chút phí tổn nào cả. Để quý vị có thể gợi nhớ lại trong ký ức, mười lăm điều khó hiểu của bài kinh có thể được sắp đặt lại như sau:

Gò mối là thân vật chất; Khói, sự tưởng tượng; Lửa, sự thực hiện; Người Thầy, Đức Phật; và người Học trò, là vị hành giả.

Cái xẻng là kiến thức, với kiến thức này người hành thiền có thể đào gò mối với nỗ lực cao nhất. Then cài cửa là Vô Minh; con Cóc, sự sân hận; ngã ba đường, tà kiến; Còn đưới đây là những gì quý vị cần phải nhớ:

Cái lọc nước rất giống với năm triền cái (nīvaranas). Con rùa xảo quyệt là năm Khandha (uẩn); Dục (kāma), cái thớt gỗ; hỷ (nandī), miếng thịt, con rồng, bậc thánh A-la-hán. Như vậy, quý vị cố găng nhớ những điều vừa nói để việc theo dõi được dễ dàng hơn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app