SỰ QUAN TRỌNG CỦA PHƯƠNG PHÁP
Khi còn là một vị Bồ-tát, Thái Tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ các lạc thú trần gian và đi vào rừng tìm kiếm Chân Lý, con đường tận diệt tham ái, nhân sanh khổ trong kiếp sống này và vòng tái sanh luân hồi. Lúc đó Ngài mới chỉ hai mươi chín tuổi. Chúng ta biết, Ngài kết hôn với Công Chúa Yasodarā Devī (Da-du-đà-la) năm mười sáu tuổi và có một thời gian mười ba năm sống trong nhung lụa xa hoa như một ông hoàng giữa những cuộc liên hoan đình đám, và giữa những phù hoa, tráng lệ của cung đình. Khi còn đang đắm chìm trong những lạc thú trần gian như vậy, trong một chuyến du hành ra bốn cổng thành, Ngài đã thấy bốn dấu hiệu (nimittas), đó là, một người già, kế đến một người bịnh, rồi một người chết, và cuối cùng là một vị sa-môn với đầu cạo nhẵn và tấm y vàng giản dị quanh người. Trên đường trở về hoàng cung, suy tư sâu lắng về những sự kiện ấy, Ngài cảm thấy ghê tởm các dục lạc và muốn thoát khỏi những thống khổ và lo lắng của kiếp nhân sinh. Với ý nghĩ cao thượng vốn kết tinh thành một quyết tâm không những để tự cứu bản thân mình mà còn cứu cả nhân loại thoát khỏi cái khổ của tử sanh luân hồi này, Ngài đã âm thầm rời bỏ hoàng cung trong đêm trường tĩnh lặng và xuất gia sống đời không gia đình để tầm cầu chánh Pháp. Khi ra đi, Ngài không có chút kinh nghiệm hay kiến thức nào về con đường giải thoát khỏi sự trói buộc của những dục vọng vốn dẫn một người đến sanh, già, bệnh, chết và luân hồi.
Sau khi đi đến khu rừng, Ngài bắt đầu sống đời sống của một người tu sĩ, và trên bước đường đi tìm chánh Pháp, Ngài được nghe nói về một Bậc Thánh có tên là Ālāra Kālāma. Đại sư Ālāra lúc ấy đang dạy thiền cho ba trăm người đệ tử tại một thiền đường ở vùng ngoại ô Vesāli, một thành phố của nước Vajjī. Trong số tám thiền chứng Đại Sư Ālāra có được bảy, nghĩa là chỉ ngoại trừ Phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññā-nāsaññāyatana). Mong muốn được học hỏi dưới sự chỉ dạy của Ālāra, Đức Bồ-tát đã đến gặp vị này, Ngài nói: “Hiền giả Ālāra, ước gì tôi có thể ở lại đây để học phương pháp thiền của Ngài.” Ālāra trả lời: “Này bạn Gotama, phương pháp thiền của chúng tôi cực kỳ tinh tế. Nếu một người thông minh như bạn hành thiền này, này Gotama, chắc chắn bạn sẽ đắc được tất cả trí mà vị thầy biết. Quả thực, phương pháp này là vô cùng cao cả.”
Điều thiết yếu là người học trò phải biết Pháp (dhamma) mà thầy mình biết và có. Nếu không, Pháp mà người học trò đắc được có thể đi chệch hướng và nó không thể là chỗ dựa bảo đảm như pháp thực. Nếu người học trò không biết được loại trí đích thực của thầy mình họ có thể nghĩ lầm rằng thầy mình có đầy đủ những năng lực về thần thông. Khi đã tin rằng thầy mình có các năng lực thần thông người học trò chắc chắn sẽ kính trọng và dựa vào thầy mình chỉ để tìm kiếm những lợi ích do thần thông đem lại, cái mà vốn thầy mình thực sự không có. Một số trong họ còn cố gắng để kiếm cho bằng được một hòn đá tạo vàng[1]. Điều này thật nực cười. Ngày nay những trường hợp như vậy không hiếm.
Những trường hợp tương tự như vậy có thể thấy rất nhiều trong lãnh vực tôn giáo. Tất nhiên niềm tin mù quáng mà những người mê tín này ấp ủ được truyền từ đời cha ông họ theo truyền thống. Điều này có vẻ không thỏa mãn lắm.
Pháp của Đức Phật lô-gic một cách hoàn hảo. Pháp này có thể được thành tựu bằng sự thực hành nhiệt tâm của mỗi người. Nó không phải là Pháp chỉ một mình Đức Phật biết và thành tựu. Nó cũng không phải trí dành riêng trong tầm với của các bậc Tôn giả như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, hay các bậc thánh A- la-hán. Pháp này là chung cho tất cả, nghĩa là bất kỳ ai thực hành một cách đúng đắn và chân chánh đều có thể thành tựu. Nó cũng giống như việc nếm muối, bất cứ người nào muốn cũng có thể đến và nếm được vị của nó. Cũng vậy, lời tuyên bố của Ālāra rằng hãy để người khác biết được những gì ông chứng đắc được xem là rất đáng khen ngợi. Đó là lý do vì sao đức Bồ Tát đã chấp nhận phương pháp (của ông) với sự hài lòng và thực hành một cách siêng năng cần mẫn. Không lâu sau đó Ngài đắc cả bảy thiền chứng giống như Ālāra đã đắc. Sau đó đức bồ tát đi gặp Ālāra và giải thích những gì Ngài đã thành tựu và đạt đến trạng thái Vô Sở Hữu Xứ thiền (ākincannāyatana) như thế nào.Tiết lộ việc chứng đắc này, ý đức bồ tát muốn hỏi xem bản chất sự chứng đắc của Ngài có giống như pháp Ālāra chứng đắc hay không. Ālāra trả lời rằng thiền đó là như vậy và bày tỏ sự ngạc nhiên không hiểu vì sao chỉ trong một thời gian ngắn Gotama có thể thành tựu được thiền này, và xác nhận trí tuệ của Gotama quả thực là phi thường. Sau đó ông sẵn lòng mời Gotama, ông nói rằng ông sẽ đặt Ngài vào địa vị ngang bằng với ông và ủy thác cho Ngài công việc hướng dẫn một nửa số đệ tử của ông, như người lãnh đạo và người thầy của một nhóm, trong khi bản thân ông sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn nửa còn lại gồm một trăm năm mươi vị đệ tử. Gotama đã ở lại trung tâm thiền của Ālāra một thời gian, có lẽ là vài ngày, nhưng thấy không đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết trong lòng Ngài. Ngài ngẫm nghĩ Pháp mà Ngài đạt được này không phải là pháp giải thoát cho Ngài khỏi già, bệnh, và chết. Sau khi chết nó sẽ chỉ giúp người ta đạt đến cảnh giới của Vô Sở Hữu Xứ (ākincannāyatana). Đây là cõi của các Phạm Thiên Vô Sắc (Arūpabrahmaloka). Nó là loại pháp mà những phương tiện của khoa học hiện đại không thể thẩm tra và biết được. Do đó, nếu ai suy xét rằng pháp này không có sự tương hợp với khoa học, điều tốt nhất sẽ là đừng quan tâm đến nó vì nó không thể tin được, vậy thôi. Kiến thức của khoa học hiện đại chỉ có thể áp dụng trong lĩnh vực vật chất hay Sắc (rūpa), chứ không phải trạng thái phi vật chất hay vô sắc (arūpa). Nói chung, cõi chỉ có tâm hiện hữu hay cõi ở đây chỉ có tâm trú chứ không có sắc vật chất được xem là khá kỳ lạ đối với mọi người.
Thọ mạng trong cõi Vô Sở Hữu Xứ lên đến sáu mươi ngàn Kappa (kiếp). Một kappa là một giai đoạn thời gian mênh mông không thể tính kể được. Ngay cả trong Kiếp này, bốn vị Phật đã xuất hiện, và vị Phật thứ năm, Đức Phật Metteya (Di Lặc) vẫn chưa xuất hiện. Khi thọ mạng chấm dứt, một vị Phạm Thiên sẽ quay trở lại cõi nhân loại hoặc cõi chư thiên. Vì vậy sự luân hồi sẽ tiếp tục không ngừng, và nếu vị ấy may mắn có cơ hội làm bạn với những bậc giới đức, vị ấy có thể tiếp tục được tái sanh vào cõi người hay cõi trời nhờ thực hiện các thiện nghiệp. Trái lại, nếu vị ấy thân cận bạn xấu, vị ấy sẽ không có cơ hội tạo phước và nhận được sự hướng dẫn để đi trên chánh đạo. Hậu quả sẽ là vị ấy phải trầm luân trong bốn cõi khổ vì đã tin theo ngoại đạo và làm các nghiệp phi công đức.
Suy xét đến những hậu quả mà Ngài có thể phải chịu do chấp vào pháp của Ālāra, đức bồ tát đã từ bỏ Ālāra và tiếp tục lên đường đi tìm pháp mới. Sau đó Ngài nghe nói về một vị thánh mới có tên là Rāma, người nổi tiếng vì sự chứng đắc tám thiền chứng của mình. Ông sống trong một khu rừng gần thành Vương Xá của nước Magadha với bảy trăm người đệ tử. Vì thế đức bồ tát lại tìm đường đi đến với Udaka, một người học trò của Rāma và thưa: “Hiền giả Udaka, tôi muốn được học và thực hành theo phương pháp của bạn.” Nghe như vậy, Udaka sau khi giải thích những đức cao quý của pháp, đã truyền pháp cho Ngài. Áp dụng phương pháp này, không bao lâu Ngài phát triển được trí tăng tiến về pháp và đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiền (nevasaññānāsaññāyatana jhāna). Sau khi thấy rõ những chứng đắc của đức bồ tát, Udaka, do chỉ là một học trò của Rāma, đã tôn đức bồ tát lên làm thầy của mình, trong khi bản thân vị ấy thừa nhận chỉ đứng ở địa vị thứ hai như một người học trò. Vào thời điểm đó, có vẻ như rằng đạo sĩ Rāma nổi tiếng như đã nói có thể không còn sống nữa. Bồ tát, Đức Phật sẽ thành trong tương lai, lúc đó cũng suy nghĩ như trong trường hợp kinh nghiệm đầu tiên của Ngài với Ālāra rằng sự chứng đắc trí về Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiền này sẽ chỉ đem lại cho Ngài những hệ quả giống như trước, nghĩa là Ngài sẽ được tái sanh vào cõi Phạm thiên vô sắc với thọ mạng lên đến tám mươi ngàn Kappa (kiếp). Khi chấm dứt thọ mạng trong cõi đó, tái sanh chắc chắn sẽ xảy ra, do không thể thoát khỏi vòng luân hồi, nên không thể giải thoát khỏi những khổ đau của già, bịnh và chết. Do đó Ngài cũng từ bỏ pháp này và tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chân lý của mình.
Sammāsambuddho, Bậc Chánh Đẳng Giác là bậc hiểu biết một cách chân chánh và toàn diện Tứ Thánh Đế bằng chính nỗ lực tự thân và trí tuệ siêu việt của mình không có bất kỳ sự trợ giúp và hướng dẫn của một ai. Đức bồ tát băng qua xứ Ma-kiệt-đà đến vùng Uruvela và tại đây Ngài dừng lại trong một rừng cây, chọn chỗ ngồi dưới gốc cây Bồ-Đề, và nhờ vận dụng hết nỗ lực của mình để hành thiền, Ngài đắc Túc Mạng Minh (pubbenivāsananaṁ), trí biết được các kiếp sống trước. Sau đó, lúc nửa đêm, với trí tuệ minh sát của mình Ngài thực hành và đắc chứng Thiên Nhãn Minh (dibbacakkhu). Trong canh cuối, sau khi suy xét về pháp duyên sanh (paṭiccasamuppāda dhamma), pháp tóm tắt những nguyên nhân chính của sự hiện hữu, Ngài tiếp tục quán trên sự sanh và diệt của năm thủ uẩn (pañcupādānakkhandhā) vốn đưa Ngài đến sự chứng đắc lần lượt bốn thánh đạo trí (ariyamagga ñāṇa), và cuối cùng đạt đến sự Giác Ngộ viên mãn, trở thành Phật Toàn Giác.
Sau khi thành Phật, Ngài dành bảy ngày tại mỗi trong bảy nơi khác nhau để hưởng quả của Lạc Giải Thoát (vimutti sukha). Đến ngày thứ năm mươi, Ngài suy xét xem mình nên thuyết bài pháp đầu tiên đến ai và sẽ chọn ai là người có khả năng nhanh chóng hiểu được Pháp.
Điều được xem là thích đáng khi thuyết bài pháp đầu tiên là làm sao thính chúng có thể hiểu được nó một cách nhanh nhất. Cũng như trong trường hợp dạy học, điều quan trọng là phải có được sự tham dự của những học sinh giỏi có năng khiếu. Nếu nhóm học sinh giỏi được khéo dạy và có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức truyền đạt, người thầy sẽ có danh tiếng. Trong những ngôi trường thuộc tu viện cũng vậy, nếu họ có những học sinh xuất sắc đã thành công trong các kỳ thi, tu viện ấy sẽ được nhiều người mến mộ và trở nên nổi tiếng. Theo cách tương tự, các trung tâm thiền cũng cần giành được những thiền sinh có đức tin, lòng nhiệt thành, siêng năng và thông minh. Chỉ lúc đó, với phương pháp giảng dạy đúng, trung tâm thiền ấy sẽ có được danh tiếng. Nếu những thiền sinh có đủ các đức như vậy đạt được những bước tiến bộ trong việc hành thiền, nó cũng sẽ kích thích những người khác thích thú hành thiền nữa.
Vì vậy, Đức Phật đã suy nghĩ xem Ngài nên thuyết bài pháp đầu tiên của mình đến ai trước. Khi suy nghĩ được thực hiện, vị thầy đầu tiên xuất hiện trong tâm Ngài. “Vị thánh giả này, với sự thành tựu các thiền chứng, đã gột sạch những bất tịnh của tâm và đã đoạn trừ những bụi nhơ của phiền não. Ông ta cũng là người lương thiện. Nếu ông ta lắng nghe những lời dạy của ta chắc chắn ông sẽ nhanh chóng nắm bắt được Pháp này.” Trong khi Ngài đang suy nghĩ về Ālāra, vị thầy đầu tiên, như vậy thì một vị chư thiên xuất hiện và nói với Ngài, “Bạch Đức Thế Tôn, Ālāra đã từ trần bảy ngày trước rồi.” Vị chư thiên biết được tâm của phàm nhân chứ không biết được tâm của bậc Thánh. Bằng cách vận dụng thiên nhãn trí Đức Phật biết rằng Ālāra quả thực đã chết bảy ngày trước, và tái sanh vào cõi Phạm thiên vô sở hữu xứ, cõi vô sắc thứ ba trong bốn cõi vô sắc. Vô Sắc là cõi chỉ có tâm hiện hữu chứ không có sắc. Vì cõi này không có sắc, nên không có mắt và tai, vì thế cũng không có khả năng nghe pháp mà Đức Phật sẽ thuyết. Nếu vị này có đủ may mắn tiếp tục sống ở cõi người ông ta chắc chắn sẽ đắc pháp. Nhưng ông đã bỏ lỡ cơ hội quý giá này, và chịu một sự mất mát vô cùng to lớn, đó là ông phải ở trong cõi vô sở hữu xứ đó với thọ mạng 60 ngàn kiếp. Sau khi mạng chung nơi cõi ấy, có thể ông sẽ đi xuống cõi người. Nhưng lúc đó sẽ không có Đức Phật, nên ông không có cơ hội nghe pháp, và kể như ông bị tước mất cơ hội chứng đắc Đạo Quả. Nếu, dưới những hoàn cảnh bất khả kháng nào đó, ông phạm vào những ác nghiệp, ông có thể đi xuống bốn cõi khổ. Như vậy, suýt soát chỉ có bảy ngày Ālāra đã bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để nghe bài Pháp đầu tiên của Đức Phật. Thực sự đó là một sự tổn thất không thể cứu vãn được. Đức Phật hiểu rõ sự kiện này, nên Ngài đã than “Mahājaniyo Ālāro Kālaro”, nghĩa là “Đạo sĩ Ālāro Kālama đã chịu một sự tổn thất to lớn quá”. Xét sự việc này, chúng ta nên rút ra bài học từ nó và cố gắng hành thiền trước khi cái chết đến với chúng ta. Cái chết có thể tới bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, điểm quan trọng là, nếu không có phương pháp để giúp bạn biết cách hành thiền như thế nào, việc hành thiền cũng không mang lại kết quả tốt đẹp. Đạo sĩ Ālāra không biết sự kiện rằng ông có thể thành tựu trí tuệ minh sát bằng cách quán và ghi nhận bản chất có tính hiện tượng của danh và sắc. Chỉ khi một vị Phật xuất hiện người ta mới có thể biết được phương pháp này. Kế tiếp, Đức Phật nghĩ đến việc thuyết bài Pháp Đầu Tiên cho Udaka. Rồi Ngài cũng nhận ra rằng vị đạo sĩ này đã mất lúc canh đầu đêm hôm qua, Đức Thế Tôn cũng than “Mahājaniyo Udaka Rāmaputto.” (nghĩa là “Đạo sĩ Udaka Rāmaputto đã chịu một sự tổn thất to lớn quá.” Thực vậy, tổn thất mà đạo sĩ Udaka Rāmaputto phải chịu còn tệ hơn cả Ālāra vì chỉ suýt soát một đêm thôi ông đã bỏ lỡ mất cơ hội cực kỳ hiếm được nghe pháp của Đức Phật, bài pháp mà nếu còn sống chắc chắn sẽ giải thoát cho ông khỏi những trói buộc của phiền não (Kilesas), và vòng luân hồi như hệ quả của nó.
Do lẽ đó bài kinh nói rằng vô minh (avijjā) làm mù mắt một người không cho họ thấy được phương pháp thiền cũng giống như cái ‘then cửa’ khóa chắc cánh cửa lại vậy. Nếu một người bị cấm không cho ra khỏi cửa, anh ta không thể thấy được trời sáng bên ngoài. Cũng vậy, nếu không hiểu biết phương pháp hành thiền Minh Sát, dù bạn có muốn hành thiền nhiều bao nhiêu cũng không hành được và như vậy cuối cùng là bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội đạt đến đạo quả và Niết- bàn. Điều này đã giải thích ý nghĩa của cái then cửa vốn biểu thị cho vô minh hay không hiểu biết phương pháp hành thiền.
Vì lợi ích của nhân loại, Đức Phật, bằng phương pháp thiền minh sát, đã tháo bỏ cái “then cửa” và mở rộng cánh cửa ra. Tuy nhiên, do vẫn còn những người, hoặc không có đức tin, hoặc chưa hiểu được Pháp, nên Ngài phải làm cho sáng tỏ thêm. Cũng vậy, tôi đã dạy pháp để giúp mọi người biết cách hành thiền và quán các hiện tượng danh và sắc mỗi lần chúng xuất hiện tại sáu săn môn. Nếu quán và ghi nhận như vậy, chắc chắn sẽ có niệm, định và tuệ minh sát. Rất nhiều người đã thực hành, nhưng vẫn có một số người chưa chịu thực hành. Trước khi bị ai đó cài then và đóng cánh cửa lại, điều thiết yếu là bạn phải cẩn thận giữ cho cánh cửa mở. Tôi đã giữ cho cánh cửa mở bằng cách tháo bỏ “Then Cửa” và hướng dẫn rất nhiều người theo khả năng của mình, thúc giục họ quán và ghi nhận các hiện tượng danh và sắc đang sanh, đặc biệt là ghi nhận “đi, đi” khi bạn bước đi.
[1] A philosopher’s stone: đá tạo vàng là hòn đá mà giới luyện đan thời trung cổ cho rằng có khả năng biến mọi kim loại thành vàng.