SỰ KHIỂN TRÁCH CỦA ĐỨC PHẬT
Thời Đức Phật, liên quan đến Diệt Thọ Tưởng Định (nirodhasamāpatti), có lần Trưởng Lão Xá-lợi- phất thuyết rằng một vị Tỳ-kheo đã thành mãn Giới, Định, và Tuệ chắc chắn có thể trở thành một vị Phạm Thiên (Brahma) gọi là thân do ý sanh“manomayākāya” mặc dù lúc sanh thời có thể vị ấy vẫn chưa đắc đạo quả A-la-hán. Lúc bấy giờ Lāludāyi, một vị Tỳ-kheo phàm tục đã đưa ra ý kiến phản đối điểm thuyết giảng này. Lāludāyi là một vị sư ưa thích chỉ trích dù ông chẳng hiểu pháp học (pariyatti) cũng chẳng có chút kinh nghiệm gì về pháp hành (patipatti). Trưởng Lão Xá-lợi-phất nhấn mạnh quan điểm này lần thứ hai cho rằng đó là điều có thể. Tuy nhiên, vị sư đó cũng lặp lại sự phản đối như trước. Trưởng Lão Xá-lợi-phất giải thích lại đến lần thứ ba nhưng cũng chỉ gặp sự bài xích của vị ấy. Trong suốt cuộc tranh luận ấy, không một vị sư thông thái nào trong số thính chúng tham dự nói lời ủng hộ Trưởng Lão Xá-lợi-phất.
Trong trường hợp như vậy, Trưởng Lão chỉ còn cách mang vấn đề đến Đức Phật và kể lại chi tiết sự việc xảy ra giữa ngài và vị sư đã nói. Ngay cả khi ở trước mặt Đức Phật vị sư Lāludāyi cũng vẫn giữ sự cương quyết phản đối lời tuyên bố của Trưởng Lão Xá-lợi-phất của mình đến ba lần liên tiếp. Cuối cùng Trưởng Lão Xá-lợi-phất phải giữ thái độ im lặng. Thấy như vậy, Đức Thế Tôn than trách và nói lên lời không tán thành của mình “atthi nāma Ananda theraṁ vihesiyāmānaṁ ajcupakkhissatha.”
Ý chính của lời khiển trách này là: Trong sự thất vọng, Đức Phật đã nói lên lời khiển trách Tôn giả Ānanda về tình trạng đáng tiếc này và về cách mọi người đã giữ thái độ tự mãn không can thiệp vào hành động ngỗ ngược trơ tráo (của Lāludāyi) đối với vị Trưởng Lão xuất chúng trong sự hiện diện của họ.
Mặc dù lời này chủ yếu nhằm khiển trách Trưởng Lão Ānanda, nhưng thực sự đó là một lời quở trách và chỉ trích nhắm vào tất cả các vị sư có mặt trong hội chúng hôm ấy. Nói cách khác, Đức Phật đã trách rằng đối với lối hành xử không ai ưa của một kẻ chẳng ra gì như Lāludāyi, đã chống đối một cách ngớ ngẩn và sai lầm lời tuyên bố chính xác do Xá-lợi-phất, một vị Trưởng Lão vô cùng cao quý và nổi tiếng, lẽ ra các vị Tỳ-kheo thông thái có mặt hôm đó không nên nhắm mắt làm ngơ không bênh vực cho người đúng như vậy. Đây quả thực là một lời quở trách đáng sợ. Tôn giả Ānanda bị lời quở trách này làm cho chấn động và sợ hãi đến nỗi sau đó đã thỉnh cầu tăng chúng rằng trong tương lai nếu có bất cứ điều gì được nói trước mặt Đức Phật điều đó trước tiên phải được báo cho Tôn giả Upavana[1]. Như vậy, trách nhiệm của bậc trí là phải tán thành những gì được xem là đúng. Nhận thức được gánh nặng trách nhiệm này, trong bài giảng Kinh Ariyavāsa Sutta tôi đã giải thích những chỉ trích của tờ báo vừa đề cập đối với Sāyadaw Ledi cho mọi người hiểu rồi.
Trong bài kinh do Trưởng Lão Xá-lợi-phất thuyết, nghĩa chính xác của câu nói “manomayā” (do ý hóa sanh) là “rūpabhramaloka” tức thế giới của các vị phạm thiên hữu sắc, do tâm thiền sanh. Trái lại, Lāludāyi thì nghĩ đó là “arūpaloka” (vô sắc giới), hay thế giới của các vị phạm thiên vô sắc do ý hóa sanh (manomaya). Rõ ràng ông đã làm phiền Trưởng Lão Xá-lợi-phất do không có chút kiến thức nào về Pháp và rằng ông đã không thể chứng minh được sự phản đối của ông là đúng. Điều này thực rất đáng lo lắng, tôi sẽ làm sáng tỏ thêm.
Từ “manomaya” hay “ý hóa sanh” để chỉ các bậc thánh như Bất Lai và A-la-hán đã đạt đến cõi Tịnh Cư thuộc Phạm Thiên Sắc Giới (Suddhavāsarūpabrahmalola), xuất phát từ tâm thiền. Các bậc thánh Bất Lai và A-la-hán có các thiền chứng như vậy có thể nhập vào Diệt thọ Tưởng Định (Nirodhasamāpatti). Tuy nhiên, Lāludāyi lại tưởng lầm rằng nó là do ý hóa sanh (manomaya), xem nó như một cõi của phạm thiên vô sắc (arūpabrahma loka), nơi đây các cư dân không có sắc thân mà chỉ sáng ngời với trí tuệ. Diệt thọ tưởng định thường không xảy ra ở cõi phạm thiên vô sắc. Vì lý do đó vị ấy đã phản đối ngài Xá-lợi-phất và bày tỏ ý kiến của mình cho rằng lời tuyên bố của ngài là vô lý.
Nếu Trưởng Lão Ledi Sayadaw còn sống, chắc chắn ngài sẽ dập tắt cái quan điểm dị thường đang khởi sanh ấy và mở lại cánh cửa bằng cách tháo bỏ then cài của nó đi. Trong bài giảng Kinh Ariyavāsa tôi đã bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Sayādaw bởi vì nó liên quan đến chúng ta mặc dù sự thực rằng Sayadaw giờ không còn nữa. Trong bài giảng ấy tôi cũng giải thích và ủng hộ những điều Sayadaw đã đưa ra, như “tôi đi” vì từ Pāḷi “gacchāmi” được lấy ra từ lời dạy của Đức Phật — “gacchantovā gacchāmitī pajānāti, khi đi tuệ tri tôi đi”. Nếu ai cho điều này là sai có nghĩa rằng người ấy đã bác bỏ kinh điển Pāḷi.
[1] Tôn giả Upavana lúc đó đang là thị giả của Đức Phật.