NGÃ BA ĐƯỜNG
Kế tiếp, một giao điểm nơi đây hai con đường gặp nhau hay ngã ba đường đã được tìm thấy. Nội dung câu hỏi: “Ko dvedhapatho?” hay “Ngã ba đường là gì?”
Câu trả lời Đức Phật đưa ra là: “Dve dhapathoti kho bhikkhu vicikicchayetam adhuvacanaṃ”, ý ngĩa của câu trả lời này là: “Này Kassapa, tên gọi ‘Ngã Ba Đường’ có nghĩa là vicikicchā, tức hoài nghi hay sự không chắc chắn.”
Xin đưa ra đây một ví dụ: Giả sử có người thương buôn kia đang đi trên đường vì một công việc mua bán nào đó. Chắc chắn ông ta sẽ mang theo bên mình một số tiền lớn. Một băng cướp muốn cướp đoạt số tiền của ông ta, trước đó, từ những tay do thám, chúng đã có được thông tin về thời gian và lộ trình người thương buôn sẽ đi qua. Hành động theo thông tin này, những tên cướp nằm mai phục sẵn chờ ông ta đi đến để đuổi bắt. Thấy nhóm cướp đuổi theo, sợ bị tóm bắt ông ta vội vã chạy nhanh hơn. Trong khi phóng chạy như vậy, bất ngờ ông gặp một ngã ba đường. Chưa từng đi trên con đường này bao giờ, do đó ông do dự không biết nên theo nhánh bên trái hay nhánh bên phải của con đường tại ngã ba này. Chính do thái độ lừng chừng ấy mà ông bị băng cướp đuổi kịp, chúng bắt và giết chết ông sau khi đã cướp hết tài sản của ông. Lẽ ra ông ta đã thoát khỏi tay bọn cướp nếu như ông không phải cái gặp ngã ba đường, khiến cho ông phải do dự.
Tương tự, trong quá trình hành thiền, nếu như do dự hay hoài nghi phát sanh, phiền não (kilesas) chắc chắn sẽ tóm bắt bạn. Vì vậy, phương pháp hành thiền đã được đưa ra. Theo đó, bạn phải thận trọng và ghi nhận mỗi lần các hiện tượng thân tâm xảy ra. Khi đi ghi nhận là “đi”. Khi đứng, ghi nhận đứng”. Khi nằm, ghi nhận “nằm”. Khi ngồi ghi nhận “ngồi”. Khi co ghi nhận “co”, khi duỗi ghi nhận “duỗi”. Khi bụng phồng lên, ghi nhận “phồng”. Khi bụng xẹp xuống, ghi nhận “xẹp”. Mỗi lần tâm tưởng tượng hay suy nghĩ cũng phải ghi nhận “tưởng tượng”, hay “suy nghĩ” theo từng trường hợp. Đây là cách quán và ghi nhận trong tâm khi hành thiền. Phương pháp thiền này được gọi là quán tâm (cittanupassanā), theo lời dạy của Đức Phật thì: “Sarāgaṁva cittaṃ sarāgaṃcittanti pajānāti” (“Tâm có tham biết có tham”). Và mỗi lần cảm giác một cảm thọ (vedanā), nó cũng cần phải được ghi nhận. Như trong kinh đề cập: “Sukhaṃ vā vedanaṃ vedayamano sukhaṃ vedanaṃ vedayamīti pajānāti” và “Dukkhaṃ vā vedanaṃ vedayamano dukkhaṃ vedanaṃ vedayamīti pajānāti” (cảm giác lạc thọ vị ấy tuệ trí ta đang cảm giác một lạc thọ, hoặc cảm giác khổ thọ vị ấy tuệ tri ta đang cảm giác một khổ thọ ”. Chúng tôi đã đưa ra những hướng dẫn hành thiền mỗi lần các cảm thọ khởi lên, và mỗi lần thấy, nghe, ngửi, v.v… cũng vậy. Tuy nhiên hoài nghi vẫn có thể sanh khởi trong tâm hành giả trong lúc hành thiền. Đây là điều không thể tránh được; nhưng khi những hoài nghi như vậy phát sanh, điều quan trọng là phải biết xua tan và loại trừ nó.