NANDIRĀGA (HỶ THAM) – MỘT MIẾNG THỊT

Trong số mười lăm câu hỏi khó hiểu được nêu ra, miếng thịt (maṃsapesi) được xem là quan trọng nhất. Do đó để trả lời cho câu hỏi: ý nghĩa của “miếng thịt” ở đây là gì?, Đức Phật đã đưa ra câu trả lời: “Maṃsapesīti kho bhikkhu nandirāgasettaṃ ādhivacanaṃ”, có nghĩa là:

“Này Tỳ-kheo Kassapa! Tên gọi “miếng thịt” là nandirāgasa (hỷ tham), rāga có khuynh hướng nghiêng về và dính mắc những điều khả lạc.” Những người ăn thịt hay những người không ăn chay rất thích thịt. Các con thú như sư tử, cọp, dã can, và chim kên kên, quạ, cũng như một số loại chim săn mồi tương tự khác rất thích thịt. Nói chung, những chúng sanh nào thích thịt thường bâu quanh miếng thịt. Đặc biệt, những con quạ, con chó phải xua đuổi chúng mới chịu đi. Ruồi cũng bâu thành từng đám quanh miếng thịt để kiếm phần, vì chúng rất thích thịt. Cũng vậy con người ai cũng thích những cảm thọ lạc. Nhạc hay, những âm thanh du dương làm vừa ý mọi người. Người ta còn thích ngửi những mùi thơm và ăn những món ăn ngon. Họ tìm được sự thỏa mãn trong mùi thơm và vị ngon này. Họ cũng thích hưởng thụ những cảm giác xúc chạm khả ái, và tìm được niềm vui bằng cách đắm chìm vào những mộng tưởng mê say. Khuynh hướng này của tâm được gọi là Hỷ Dục (nandirāga). Đối với họ cuộc sống thực sự thú vị. Ngay cả khi nghe thuyết pháp, họ cũng sẽ chỉ hiểu được lời pháp nếu hỷ dục (nandirāga), cảm giác thú vị của việc nghe xuất hiện. Họ muốn nghe những câu chuyện thích thú, hài hước, chứ không muốn nghe những lời dạy của Đức Phật.

Về văn học, họ dường như không thích đọc kinh điển vì chúng không khơi dậy sự thích thú trong họ. Đó là lý do vì sao những cuốn truyện tiểu thuyết, lãng mạng và những truyện hài hước thời nay được xem là best sellers, những cuốn sách bán chạy nhất. Người ta thích chúng và say mê đọc chúng với sự ham muốn tột độ, bởi vì tài năng của những nhà văn này đã đánh thức được hỷ dục trong họ. Ngay cả những câu chuyện bi thảm và xúc động cũng đem lại cho họ những cảm giác xót xa thương cảm, hay hỷ, nộ, ái, ố mặc dù họ dư biết rằng những câu chuyện ấy chỉ là những chuyện tiểu thuyết hư cấu. Bị kích thích và thôi thúc bởi nandirāga (hỷ dục), họ đã tốn rất nhiều tiền để mua những cuốn sách hấp dẫn này. Họ cũng khao khát được xem những vở kịch, những buổi hòa nhạc, những bộ phim, hay những bản nhạc đem lại cho họ niềm vui thích, thú vị mà trong thực tế chỉ là sự kích thích hỷ dục trong họ mà thôi. Một số người còn cảm thấy thích thú trong men rượu mà họ cho là đem lại cho họ sự vui vẻ và trí tưởng tượng phong phú. Hỷ dục đã thống trị họ trong cuộc sống trần tục. Đối với người hành thiền hỷ dục này là thô và phải được loại trừ ở giai đoạn đầu của minh sát. Hay nói khác hơn nó phải được loại trừ trong tiến trình minh quán. Trong thực tế, nó đã được bao gồm trong sự loại trừ dục tham triền cái (kāmacchanda) ở giai đoạn định. Nếu không loại trừ được hình thức thô của hỷ dục này ngay từ lúc ban đầu thì ngay cả việc đến chùa nghe pháp còn không thể huống nữa là hành thiền.

Những người đi tìm niềm vui trong hỷ dục thường tránh đến chùa hay thiền viện. Thậm chí họ còn cảm thấy miễn cưỡng khi phải đi hành hương đến những nơi thiêng liêng như vậy để tạo phước. Tất nhiên, trong quá trình thiền quán cũng có những lúc hỷ dục cũng xuất hiện. Sự tình này có thể xảy ra, người hành thiền cảm thấy hoan hỷ khi suy xét đến những hiện tượng khác nhau sanh khởi đều có bản chất vô thường, khổ và vô ngã như đã nói ở trên, và vị ấy chỉ việc ghi nhận chúng đúng như thực. Trong khi quán và ghi nhận theo cách ấy, trạng thái sanh và diệt của các hiện tượng sẽ trở nên rất sinh động và rõ ràng. Lúc đó vị ấy sẽ cảm thấy thoải mái cả ở thân lẫn tâm và giữ được sự thăng bằng. Các cảm thọ dường như tự động sanh và cái biết cũng tự động làm việc ghi nhận. Vào cái khoảnh khắc khi mà việc quán và ghi nhận đi đúng theo trình tự, hào quang hay ánh sáng chói lòa có thể xuất hiện. Hành giả có thể cảm thấy như mình đang nhảy múa trong hư không hay đang cỡi trên những con sóng. Tâm cũng trở nên sôi nổi với một cảm giác hỷ lạc. Vào lúc này, vị ấy có thể cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn với những gì đang xảy ra. Điều đó có nghĩa rằng vị ấy đang đi tìm hương vị của pháp với một cảm giác vui thích và thỏa mãn. Nó cũng là một loại dục hỷ (nandirāga), một miếng thịt nhỏ. Vì thế mới nói cần phải được loại trừ bằng cách quán và ghi nhận nó. Dĩ nhiên là điều này đã được bao gồm trong việc vứt bỏ con rùa. Như đã đề cập ở trước, sau khi trải qua giai đoạn này, minh sát trí của hành giả sẽ được phát triển và cuối cùng dẫn đến Hành Xả Trí (Saṅkhārupekkhāñāṇa).

Với sự chứng đắc hành xả trí, việc ghi nhận trở nên nhịp nhàng, tốt đẹp và có được một cách dễ dàng không cần nỗ lực, nói khác hơn lúc này tâm ghi nhận trở nên nhạy bén và nó biết tất cả những gì đang xảy ra. Cái biết của tâm ghi nhận và sự sanh diệt của các hiện tượng tâm vật lý lúc này xảy ra gần như đồng thời, và sự ý thức của tâm xuất hiện liên tục trong năm, mười, hai mươi, ba mươi phút hoặc thậm chí một, hai, hoặc ba giờ không có bất kỳ dấu hiệu của sự không thoải mái nào của thân như căng cứng, đau, nhức, nóng hay mệt,… Hành giả sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái trong khi vẫn duy trì tư thế ngồi được xem là dễ chịu này. Loại thưởng thức với sự thỏa mãn tột độ đó cũng là hỷ dục. Hành giả cần phải tiếp tục quán và ghi nhận, và nếu trạng thái ấy vẫn tiếp tục, nó sẽ càng lúc càng trở nên tăng tiến nhanh hơn trong quá trình ghi nhận và hay biết. Nó là một cái gì đó giống như cách một tay đua vạch một vạch vào trụ đích trong cuộc chạy đua vậy. Tâm làm việc ghi nhận sẽ xuất hiện và biến mất trong một khoảnh khắc (sát-na) và cứ lập đi lập lại liên tục như vậy. Cuối cùng điều này sẽ dẫn đến trạng thái diệt hoàn toàn cũng như sự đoạn trừ hoàn toàn của tiến trình sanh và diệt của danh sắc có tính hiện tượng. Rồi bất ngờ Niết Bàn được thấy (xuất hiện ngắn ngủi) trong một tia chớp. Khi hành giả đạt đến giai đoạn này, sự chứng đắc thánh đạo và thánh quả – Niết Bàn xảy ra. Đó là cách đạo quả được đạt đến sau khi loại trừ hỷ dục.

Khi đạt đến đạo quả đầu tiên này, hành giả trở thành bậc thánh nhập lưu, và nếu tiếp tục thiền quán hành giả sẽ đạt đến hành xả trí trở lại nhưng hỷ dục có thể vẫn xuất hiện. Nếu với Hỷ Dục sự hưởng thụ hương vị pháp xảy ra, tình trạng thỏa mãn được cảm nhận. Tuy nhiên nếu hành giả tiếp tục quán, ghi nhận, và loại bỏ, hành giả sẽ đạt đến giai đoạn đạo quả của nhất lai (sakadāgāmi magga-phala). Sau đó, như một bậc thánh nhất lai, nếu hành giả tiếp tục quán và ghi nhận, các bước tiến triển sẽ diễn ra, đó là hành giả sẽ đắc hành xả trí mà qua đó ái pháp (dhamma-rāga) sẽ được nếm. Hành giả sẽ cảm giác một loại cảm thọ vô cùng thú vị. Nếu hành giả cảm thấy hài lòng và thích thú với cảm thọ này, hành giả sẽ không thực hiện được tiến bộ nào nữa trong tuệ minh sát. Tuy nhiên, nếu cảm giác thích thú của hỷ dục hay còn gọi là miếng thịt này được quán và ghi nhận cũng như được loại trừ, đạo quả bất lai sẽ được thành tựu. Lúc đó hành giả sẽ trở thành một bậc Bất Lai (anāgāmi).

Khi đã trở thành bậc thánh Bất Lai, nếu hành giả chuyên cần quán và ghi nhận tiếp tục, hành giả sẽ đạt được tiến bộ theo từng giai đoạn. Như vậy, ở giai đoạn này khi hành xả trí được đạt đến, hương vị pháp sẽ cực kỳ thú vị và hấp dẫn. Nếu lúc đó hành giả cảm thấy hài lòng với hương vị thích thú xuất phát từ hành xả trí này, hành giả được nói là đã bị dhamma-rāga hay pháp dục[1] tấn công. Nếu dhamma rāga, còn gọi là miếng thịt ấy được quán một cách bình thường hành giả không thể loại trừ được nó và như vậy hành giả sẽ không thành tựu thêm được tuệ giác nào nữa. Sau khi chết hành giả sẽ tái sanh vào cõi Tịnh Cư Thiên (Suddhavāsa), vì không đạt đến đạo quả A-la-hán trong lúc sinh tiền. Liên quan đến điều này, Đức Phật đã thuyết như sau: “Tenava dhamma rāgena tāya dhamma-nandiyā opapātiko hoti tatthā parinibbāyi.

Đoạn văn trên có nghĩa rằng do rāga – tham nhiễm đối với hành xả trí thuộc minh sát và do dính mắc vào sự thích thú, tái sanh xảy ra trong cõi Tịnh Cư (suddhavāsa). Tuy nhiên, sau khi trở thành một bậc A-la-hán trong cõi tịnh cư này, khi thọ mạng chấm dứt, vị ấy sẽ nhập vô dư Niết Bàn (parinibbāna). Lời dạy này của Đức Phật đã giải thích cho chúng ta thấy việc chứng đắc đạo quả A-la-hán bị trở ngại trong kiếp sống hiện tại do “miếng thịt nhỏ” gọi là hỷ dục này như thế nào. Do đó, nandirāga hay hỷ dục cần phải được loại trừ. Câu nói: “pajaha mamsapesiṁ” – vứt bỏ miếng thịt cũng có nghĩa là “pajāha nandirāgaṁ” tức vứt bỏ hay loại bỏ hỷ dục. Đây là sự giải thích của chính Đức Phật. Chú giải thì nói câu “Vứt bỏ hỷ dục – nandirāga” ý muốn nói “việc vứt bỏ hoàn toàn hỷ dục được thực hiện bằng A-la-hán thánh đạo (Arahatta-magga).

Chúng ta hãy ghi nhớ điều này: “Cái gì là miếng thịt? Nó chính là hỷ dục (nandi rāga), hay lòng tham của con người.”

[1] dhamma-rāga – pháp dục hay tham pháp, còn gọi là dhammanandī – pháp hỷ.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app