LÝ DO CHÍNH CỦA 2 PHÚT HÀNH THIỀN

Tôi có thể giảng rộng phương pháp thiền thêm chút nữa ở đây để giúp quý vị biết cách thực hành. Theo phương pháp được mô tả trong Kinh Đại Niệm Xứ, thân hành hay các hoạt động của thân phải được quán mỗi khi chúng xảy ra. Lúc đó nó sẽ được biết từng phần, từng phần một, theo cách đặc trưng nhất. Điều này cũng giống như trường hợp bạn quan sát một tia chớp, khi ánh sáng của tia chớp vừa lóe lên liền được nhận biết ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối của nó vậy. Theo cách tương tự, nếu việc quán được thực hiện ở ngay sát na sanh khởi của thân hành, nó sẽ được biết một cách rõ ràng bằng kinh nghiệm cá nhân chứ không đơn thuần bằng kiến thức sách vở.

Chỉ bằng cách niệm thầm những từ như “Sắc (rūpa) là vô thường”, dù về thuật ngữ là đúng, nhưng bạn sẽ không hiểu rõ được vô thường là gì nếu không quán với tâm định. Những gì bạn sẽ biết lúc đó chỉ là chế định (paññatta). Thực sự bạn chỉ đang tưởng tượng ra tên gọi của sắc và tên gọi của vô thường mà thôi. Điều này có thể dẫn bạn đến quan niệm sai lầm cho rằng đó là thực tại tối hậu (paramattha). Tuy nhiên, nếu bạn quán và ghi nhận các hiện tượng như: “phồng”, “xẹp”, “ngồi”, v.v… bạn sẽ biết được chính xác đặc tính thực của nó. Sự thấy đúng chỉ thực sự đến qua việc thực hành thiền quán và ghi nhận sự xuất hiện của các hiện tượng thân và tâm sanh khởi nơi sáu căn môn ở từng sát-na mà thôi. Đây là cách tự nhiên nhất. Do đó Đức Phật đã dạy là: “gacchanto vā gacchāmīti pajānāti” (tức “khi đi tuệ tri tôi đi”).

Vì thế, hãy quán và ghi nhận những gì được thấy mỗi khi bạn thấy một đối tượng. Cũng vậy, mỗi khi nghe, ngửi, xúc chạm, co, duỗi hay cử động chân tay, bạn ghi nhận những gì được nghe, ngửi,… hay những gì bạn đang làm. “Phồng” và “xẹp” cũng được kể trong xúc giác. Do đó, hãy ghi nhận chuyển động phồng và xẹp của bụng. Mỗi lần một ý nghĩ hay cảm thọ sanh cũng nên quán và ghi nhận nó. Lúc mới bắt đầu thực hành, bạn sẽ không thể theo dõi và quán được hết mọi hiện tượng sanh khởi. Vì thế, bạn nên bắt đầu bằng việc ghi nhận sự chuyển động phồng và xẹp của bụng. Tuy nhiên, khi định lực đã có đủ sức mạnh, bạn thấy việc theo dõi sẽ dễ dàng hơn, thậm chí bạn có thể quán được từng hoạt động nhắm hay mở của mí mắt hoặc nháy mắt.

Ghi nhớ: “Hãy quán và ghi nhận ngay vào lúc các hiện tượng sanh với chánh niệm và tỉnh giác.”

Do vậy, bất cứ khi nào một cảm thọ nảy sanh bạn cũng cần phải quán và ghi nhận nó đúng như thực. Toàn thân chúng ta, từ đỉnh đầu đến các ngón chân bao gồm các loại sắc cần phải được quán. Dĩ nhiên, ở bất cứ nơi nào trên thân, nếu một sắc nào dễ nhận ra nhất, bạn nên quán sắc ấy trước. Đối với những người có đủ ba-la-mật, chỉ cần nghe một bài pháp, họ có thể trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu. Tuy nhiên, cũng có những người trở thành Thánh Nhập Lưu sau khi hành thiền với sự chuyên cần.

Khi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân, chỉ một vị trong nhóm năm đạo sĩ, đó là Tôn Giả Kiều Trần Như đắc đạo quả Nhập Lưu. Bốn vị còn lại, chỉ sau khi hành thiền, mới thấy được Pháp và đạt đến giai đoạn ấy. Tôn Giả Vappa mất một ngày, Tôn Giả Bhaddiya hai ngày, Tôn Giả Mahānāma ba ngày, và Tôn Giả Asaji bốn ngày, để trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Do đó, rõ ràng rằng hành thiền là điều cần thiết để thành tựu giai đoạn nhập lưu. Các vị đạo sĩ này được xem là những vị có trí tuệ xuất chúng, vậy mà Đức Phật vẫn yêu cầu họ phải hành thiền, cho nên việc hành thiền hiển nhiên lúc nào cũng phải được áp dụng. Vì, nếu chỉ do nghe Pháp mà các vị có thể đạt đến Nhập Lưu có lẽ Đức Phật đã thuyết pháp liên tục thay vì yêu cầu họ phải miệt mài hành thiền rồi.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app