GÒ MỐI SỰ TÍCH TỤ CỦA TỨ ĐẠI

Giống như sự tập hợp của các phân tử đất tạo thành cái gọi là Gò Mối như thế nào, thì cũng vậy, do sự tập hợp hay tích tụ của tứ đại – đất, nước, lửa, và gió – mà thân của chúng ta được tạo thành.

Bây giờ chúng ta hãy mổ xẻ và phân tích nó xem. Pathavī hay đất có đặc tính của sự cứng hoặc mềm. Sờ chạm bất cứ vật gì bên trong thân chúng ta sẽ cảm giác được một cái gì đó cứng hoặc mềm. Khi chúng ta sờ vào tóc, chúng ta sẽ cảm giác được kết cấu thô ráp của nó, và cảm giác này cũng sẽ được nhận thấy ở lông mi và lông mày. Tuy nhiên, một số người có thể nghĩ chúng là mềm và mượt. Lại nữa, sự mềm ở cấu trúc thô này cũng sẽ được cảm nhận là cứng hay thô nếu so với một vật có cấu trúc mềm hơn và tinh tế hơn. Đây là lý do vì sao ‘mềm’ và ‘cứng’ là đặc tính của Đất (pathavī). Móng tay, móng chân, răng, … có cùng một đặc tính là cứng, da cũng vậy. Tất cả những thứ này, về bản chất nội tại, là Địa Giới (pathavīdhātu). Nói tóm lại, trong cơ thể chúng ta có cả thảy hai mươi thứ thuộc đất là, tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng nhầy, bao tử, phổi, ruột già, ruột non, thức ăn cũ và mới, não. Cả hai mươi thứ này đều có đặc tính là cứng hoặc mềm và sự vững chắc. Chúng được định danh là Địa Giới (pathavīdhātu) là vì sự nổi bật của tính chất cứng trong cái khối rắn chắc hay cơ thể này. Trong thực tế, khối tập hợp này còn chứa đựng cả nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo) nữa. Chẳng hạn, trong tóc có Thủy Đại (āpodhātu), yếu tố nước hay chất lỏng được biểu thị bằng đặc tính ẩm ướt và dính. Nó cũng có Hỏa Đại (tejodhātu), yếu tố tỏa ra sự ấm áp và hơi nóng. Hơn nữa, nó còn có Phong Đại (vāyodhātu), yếu tố vốn tạo ra lực đẩy và sự chuyển động. Chuyển động là sự thể hiện của hành động đẩy của gió hay phong đại. Tuy nhiên, vì sự cứng của Địa Đại nổi trội nhất nên tóc được gọi là sự tập hợp của Địa Đại.

Một người hành thiền đang quán, khi chạm vào tóc và ghi nhận cảm giác sự cứng của nó và biết đó chỉ là địa đại, đặc tính cố hữu trong tóc. Khi vị ấy sờ nó, sự ấm và lạnh sẽ được cảm nhận và vị ấy sẽ biết được yếu tố hỏa đại. Khi vị ấy nhận thấy sự thổi mạnh và chuyển động của thân, vị ấy sẽ biết đó là Phong Đại. Khi vị ấy thấy nó ẩm ướt, vị ấy biết nó là Thủy Đại. Vị ấy không cần phải ngẫm nghĩ về bản chất chế định của nó. Cái được đòi hỏi phải suy xét chỉ đơn giản là biết đặc tính cứng hay thô của nó mà thôi. Chánh niệm, tỉnh giác không nên vượt qua sự hay biết về đặc tính để đến giai đoạn Chế Định (paññatta), đó là xem tóc ấy là của người nam hay người nữ. Về cơ bản quan trọng là biết rõ đặc tính của nó như cứng hay thô chứ không phải là đàn bà hay đàn ông. Cũng không cần phải biết đó là tóc hay là lông. Nó chỉ là Địa Đại. Nhận ra sự thực này là điều quan trọng nhất.

Sau Địa Đại là đến Thủy Đại, như trong phần 32 thể trược đã nói, thủy đại gồm mười hai loại khác nhau, như: mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ nước, mỡ đặc, nước mắt, nước miếng, nước mũi, nước tiểu, nước khớp xương. Về bản chất, cả mười hai loại này đều là sự lưu chảy và tiết dịch. Chính vì lý do này, nó được gọi là āpodhātu hay thủy đại. Tuy nhiên, thủy đại chỉ là yếu tố nổi bật, vì trong đó cũng còn có ba đại khác, đó là địa đại (sự cứng), hỏa đại (nóng hay lạnh) và phong đại (sự thổi và chuyển động), nữa. Kế tiếp đến Hỏa Đại. Sức nóng bên trong thân được gọi là “jiranatejo” – “Lửa Suy Thối”. Do sức nóng hay hỏa đại này mà thân vật chất của con người tàn tạ dần dần và càng lúc càng trở nên già hơn. Khi độ nóng bên trong thân cao hơn thân nhiệt bình thường thì gọi là “Santappateja” (Bị Gia Nhiệt), tức sức nóng thiêu đốt. Nó là loại nhiệt độ cao hơn 38 độ C được đo bởi nhiệt kế mà các bác sỹ y khoa dùng. Khi thân nhiệt trở nên căng thẳng và không thể chịu đựng được, nó được gọi là “ḍaha” (phiền nhiệt hay nhiệt não), đó là sức nóng thiêu đốt hay sức nóng khiến cho đau khổ cùng cực. Sức nóng trong bụng kể cả bao tử,… tạo năng lượng cho sự tiêu hóa nên được gọi là “Pācakatejo” (lửa tiêu hóa). Bốn loại sức nóng này chỉ được biết bởi tính chất cố hữu bên trong của chúng. Nó không phải đàn ông cũng không phải đàn bà. Nếu bạn xem xét và cảm giác ở bất cứ phần nào bên trong thân, bạn sẽ chỉ thấy sự nóng, ấm hay lạnh. Đúng thực là vậy. Đây chỉ là sự thể hiện của “Hỏa Đại” (tejodhātu).

Cuối cùng, chúng ta đến Phong Đại hay yếu tố gió. Phong đại gồm sáu loại : (1) Sự ợ hơi, đó là sự giật lui của gió hoặc từ thực quản hoặc từ bao tử ngang qua thực quản, và sự nhai lại… (2) hơi trong dạ dày hay gió thổi xuống, (3) gió phát ra trong ruột hay ống tiêu hóa, (4) gió làm căng phồng, (5) gió trong sự hô hấp, tức hơi thở vô và hơi thở ra, (6) yếu tố gió lan tỏa khắp tay, chân và các bộ phận khác của thân, khiến cho có sự chuyển động của tứ chi hay các hoạt động của thân khác như co, duỗi, ngồi, đứng, đi, v.v… Loại cuối cùng này được gọi là aṅgamaṅgānusārīvāyo: gió toàn thân, gió khắp chi thể. Sáu loại gió này được gọi chung là Phong Đại. Nó có đặc tính của sự thổi mạnh và chuyển động, và do đó rõ ràng nó không phải là đàn ông hay đàn bà gì cả.

Như vừa đề cập, trong nhóm đất (địa đại) có hai mươi phần, trong nhóm nước (thủy đại) có mươi hai, trong nhóm lửa (hỏa đại) có bốn, và trong nhóm gió (phong đại) có sáu – tộng cộng có bốn mươi hai loại cả thảy. Tóm lại, đây là Bốn Đại Chủng hay bốn yếu tố chính tạo thành Sắc Thân. Đối với những người không có Trí Tuệ Minh Sát thường có ấn tượng sai lầm xem thân của họ cũng như thân của những người khác là “Tự Ngã” và là hình bóng của một người đàn ông hay một người đàn bà.

Chẳng hạn, chúng ta hãy lấy ví dụ về một tòa nhà bằng gạch. Mặc dù, một cách đúng đắn, nó được hình thành từ những vật liệu xây dựng, như gạch, cát, vôi, xi măng, gỗ,… song nó vẫn chỉ được gọi là một căn nhà gạch mà thôi. Tuy nhiên tòa nhà không chỉ đứng như một khối vật chất rắn. Trong tòa nhà ấy, có những lớp gạch xếp chồng lên nhau với cát, đá, xi- măng, và gỗ… Tương tự, thân vật chất này là một cấu trúc tập hợp hay một cấu trúc được pha trộn với vô số chất thuộc về bốn đại chủng.

Bây giờ chúng ta thử giải phẫu ngón tay trỏ này ra xem sao. Lột lớp da ngoài và móng che đậy phần đầu ngón tay, và nhìn vào nó. Lớp da ngoài và móng ấy có phải là đàn ông hay đàn bà không? Hay nó có phải là một cá nhân, một thực thể sống, một sinh vật gì gì đó hay không? Nó không phải là gì trong các loại đó cả. Trong thực tế, nó chỉ là Địa Đại, vốn có đặc tính của sự cứng hoặc mềm. Đúng là như vậy. Bên dưới lớp da là avadha (mật). Những người thiếu kiến thức sẽ không biết về điều này. Đây không phải là địa đại mà là thủy đại. Do đó, tạm để nó qua một bên. Thịt, gân, xương và tủy sẽ được thấy ở dưới da. Tất cả những thứ này không phải là cái gọi là người. Nó cũng không phải là đàn ông hay đàn bà, không phải là một thực thể sống hay một hữu tình chúng sanh. Nó chỉ là địa đại vốn có đặc tính của sự cứng, thô và mềm, vậy thôi.

Ngoài ra, trong ngón tay đó còn có máu, mồ hôi, chất mỡ đặc mỡ lỏng và mật với số lượng nhỏ. Điều này chỉ ra cho thấy tính chất của sự lưu chảy hay thủy đại. Kế tiếp, trong ngón tay cũng có sự nóng và ấm hay nói cách khác là có Hỏa Đại trong ngón tay. Phong đại có đặc tính của sự thổi và chuyển động, cũng hiện diện trong ngón tay. Tất cả những đặc tính của tứ đại này không phải là đàn ông cũng không phải là đàn bà. Chỉ có các đặc tính của tứ đại hiện hữu. Đối với các bộ phận khác của thân cũng vậy, mỗi thứ có những tính chất nào đó và do tứ đại hợp thành. Do đó, kinh mới nói rằng sự tích tụ hay kết hợp của tứ đại đã được gán cho cái tên là “Thân” hay “rūpa”.

Ở một phần sau của bài Kinh này chúng ta sẽ thấy rằng cái xẻng được giải thích là đồng nghĩa với minh sát trí (vipassanā ñāṇa). Khi gò mối lớn được đào với cái xẻng của minh sát trí bốn đại sẽ được phát hiện ra. Nếu bất cứ bộ phận nào của thân được quán và ghi nhận, ở chỗ xúc được cảm giác, sẽ chỉ có tính chất cứng hoặc thô được ghi nhận. Đó là địa đại (pathavī dhātu). Sự nóng hoặc lạnh cũng sẽ được cảm giác và ghi nhận. Đây là hỏa đại (tejodhātu). Kế tiếp, người hành thiền sẽ thấy, sự thổi mạnh, hoặc sự yên tĩnh, lực trơ hoặc đẩy – đây là phong đại (vāyodhātu). Tiếp theo, sự ẩm ướt, lưu chảy hay tiết rỉ,… được ghi nhận – đây là thủy đại (āpodhātu). Vì vậy trong thiền minh sát thân vật chất này sẽ được biết một cách đặc trưng như bốn nhóm (tứ đại) làm nhiệm vụ theo bốn cách khác nhau.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app