ĐỀ TÀI THẢO LUẬN VỀ NHẪN NẠI (KHANTĪ)
Khoảng ba hay bốn năm trước, một trong những tờ Nhật Báo ở Miến có đề cập đến một sự việc xảy ra ở Thanbyuzayat, một thị trấn nằm trong Huyện Moulmein. Tình cờ ở tại một căn nhà nọ, bốn hay năm vị bô lão đang ngồi tán gẫu với nhau về một đề tài tôn giáo. Đó là cách mà theo phong tục người Miến trong những ngôi làng hay những khu dành cho các vị bô lão thuộc lớp người am hiểu việc đời tụ tập cùng nhau bất cứ khi nào có một cơ hội, như các buổi hội họp tôn giáo hay xã hội, hay trong những buổi ma chay. Họ thường bàn luận về những đề tài tôn giáo trong lúc uống trà ăn bánh. Thỉnh thoảng, khi những cuộc thảo luận đến hồi sôi nổi, những người tham dự cãi vã lẫn nhau về một điểm tranh cãi nào đó, đã trở nên kích động hay phẫn nộ và hành hung lẫn nhau để rồi kết thúc trong việc bị nhân viên công lực bắt phải ngưng lại. Biên tập viên của tờ báo đã đưa ra lời bình luận, rút ra sự kết luận của mình liên quan đến sự việc xảy ra tại Thanbyuzayat, rằng các vị bô lão có liên quan đã bị cảnh sát bắt giam, và rằng “Đây là một điều nghịch lý vì đề tài thảo luận (của các vị) là về sự nhẫn nại (khantī)”. Biên tập viên tờ báo tất nhiên có đủ khôn ngoan để đánh đúng vào vấn đề.” Tính nóng giận là điều tồi tệ nhất khi đề tài được đem ra thảo luận là sự nhẫn nại, một đức tính cần phải được tu tập như Đức Phật mong muốn. Sự phẫn nộ thình lình này giống như con cóc – Uddhumāyikā, vốn đem lại nhiều phiền muộn và do đó nó thực sự cần phải được quăng bỏ.
Sự cãi nhau thường xảy ra giữa những người bạn thân thiết và điều này phù hợp với câu tục ngữ: “Thân quá hóa nhờn” hay “Thương nhau lắm cắn nhau đau” (“Familiarity breeds contempt”). Nó cũng giống như lưỡi với răng, vốn tiếp xúc với nhau thường xuyên nhưng lại luôn luôn va chạm nhau. Nếu sự nhẫn nại và khoan dung không được tu tập và áp dụng trong cuộc sống, nhất là trong cách đối nhân xử thế giữa bạn bè hay thân quyến, hay giữa những thành viên trong gia đình, hoặc hàng xóm láng giềng với nhau, nó có thể tạo ra rất nhiều phiền phức và bất hạnh. Thường thì giữa anh em hay chị em với nhau luôn có những bất đồng nhưng khi hoạn nạn phát sanh trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào họ lại dễ nương tựa vào nhau giống như những gì tục ngữ nói: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” (“Blood is thicker than water”). Điều đó thường xảy ra như vậy vì “con cóc” được gọi là “sân hận”. Chính “con cóc” này đã làm nảy sanh những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia trên thế giới. Do đó, đừng bao giờ chấp nhận con cóc này. Nó cần phải được loại bỏ bằng cách suy xét đến những hậu quả của nó hoặc nếu có thể, bằng phương pháp quán và ghi nhận. Đến đây chúng ta hãy lập lại:
“Con cóc xấu xa có nghĩa là gì? Nó không có nghĩa là gì ngoài “sân hận”.