CHUYỆN VỊ TỲ-KHEO CON CỦA MỘT NHÀ ĐẠI PHÚ
Thời Đức Phật, con trai của một nhà đại phú nọ khẩn nài một vị Tỳ-kheo đáng kính với những lời chân thành sau: “Bạch ngài, con muốn được giải thoát khỏi những sầu khổ của vòng luân hồi này”. Con ước mong chứng ngộ Niết-bàn, một trạng thái ở đây mọi dục vọng và khổ đau của con người đều được dập tắt. Bạch Ngài, con cần phải làm như thế nào? Vị Tỳ-kheo khuyên chàng ta nên bố thí vật thực, y áo,… và làm các thiện sự khác. Sau khi đã làm đúng như vị Tỳ-kheo chỉ dẫn, chàng thanh niên này lại khẩn nài vị Tỳ-kheo: “Bạch ngài con đã làm được vài việc bố thí và thực hiện các thiện sự khác, nhưng con vẫn chưa thấy pháp (dhamma) đưa đến sự giải thoát khỏi cái khổ của sanh tử luân hồi ạ.” Lúc đó, vị Tỳ-kheo hướng dẫn thêm cho anh ta là hãy tìm sự bảo vệ nơi Tam Bảo, tức thọ trì Tam Quy và Ngũ Giới. Sau khi giữ Ngũ Giới chàng ta vẫn không thể tìm thấy hạnh phúc chơn thực và thoát ra khỏi khổ đau của thế gian. Vì thế chàng ta lại đi đến vị Tỳ-kheo và bạch: “Bạch ngài, Con đã giữ ngũ giới với tất cả lòng chân thành và kính trọng nhưng con vẫy chưa thoát khỏi những khổ đau và lo lắng.” Lúc này vị Tỳ-kheo hướng dẫn chàng ta nên giữ mười giới. Tuy nhiên, bất chấp những pháp hành thiện này, chàng thanh niên vẫn không sao có được sự giải thoát hoàn toàn khỏi cõi thế gian khổ hải này. Trong lần đến thăm cuối cùng, vị Tỳ-kheo khuyên chàng ta nên xuất gia để trở thành một nhà sư.
Khi xuất gia làm sư, quần áo của người cư sĩ phải xả bỏ, sau đó cạo bỏ râu tóc và khoác y cà-sa theo đúng giới luật (Vinaya). Xuất gia xong, thầy tế độ dạy vị ấy về Luật (vinaya). Ngài trưởng lão Nissaya Sayādaw dạy Kinh (sutta) và Vi Diệu Pháp (abhidhamma). Sau đó vị ấy được hướng dẫn hành thiền Minh sát. Khi vị ấy gặp lại thầy bổn sư của mình vi ấy bị áp đặt quá nhiều những giới hạn và điều lệ liên liên quan đến Giới Luật dành cho một vị Tỳ-kheo đến nỗi nó khiến cho vị ấy phải suy nghĩ, “Ôi! Thật là khó quá. Ta xuất gia là cốt để đoạn trừ cái khổ của Vòng Luân Hồi, thế nhưng bây giờ ta mới khám phá ra rằng giới luật hạn chế và trói buộc đến nỗi nhất cử nhât động của ta khó mà có chỗ trống để làm (nghĩa là không có chỗ trống cho tự do hành động). Bây giờ ta đã bị đẩy vào một tình thế vô cùng khó khăn. Trong những điều kiện như thế này, ta không thể duy trì đời sống tu sĩ được nữa, ta thà xả y để trở lui đời sống của người gia chủ, sống đời sống thế tục, làm các việc công đức như bố thí, giữ giới theo ý ta thích, như vậy cũng được giải thoát khỏi những khổ đau của vòng luân hồi vậy.”
Rất là may mắn! Vì sự việc này xảy ra trong thời Đức Phật, nên có một nhân tố cứu giúp. Bậc Đạo Sư sau khi biết được sự thay đổi tâm của vị ấy, đã cho người gọi vị ấy đến. Sau khi kể lại những gì đã xảy ra, Đức Thế Tôn hỏi vị ấy tại sao lại muốn xả y. Vị ấy cung kính trả lời: “Con có quá nhiều điều phải ghi nhớ, và phải thực hành đúng theo sự chỉ dẫn của thầy tế độ con. Sau khi được giảng dạy và hiểu biết về giới luật thân tâm con rối tung cả lên, thậm chí con hoàn toàn không dám nhúc nhích hay cử động gì nữa. Vì giới luật quá nghiêm ngặt như vậy nên con quyết định xả y.” Có vẻ như rằng vị sư này trở nên lo lắng và thấy việc xuất gia là một gánh nặng vì lúc nào vị ấy cũng sợ phạm giới và nếu phạm giới thì sẽ gây tổn hại đến tiến trình phát triển định và tuệ của mình.
Nghe xong câu trả lời của vị ấy, Đức Thế Tôn khích lệ, “Này Tỳ-kheo, chớ có lo lắng, Như Lai sẽ cho con một điều duy nhất để chú tâm, nếu con có thể giữ được nó, sẽ không cần phải giữ và canh chừng cái gì khác nữa. Vị Tỳ-kheo lúc đó mới hỏi, “Bạch Đức Thế Tôn con cần phải chú tâm canh chừng cái gì?
Đức Phật nói với vị ấy như vầy: “Chỉ cần canh chừng cái tâm của con thôi. Con có làm được không? Trước câu hỏi này, vị Tỳ-kheo trả lời rằng vị ấy có thể. Có lẽ vị ấy hình dung ra rằng, vì chỉ phải kiểm soát và canh chừng một mình cái tâm mà thôi, như vậy sẽ không có quá nhiều thứ để vị ấy phải lo lắng như trong trường hợp phải giữ gìn những Giới Luật liên quan đến việc hành thiền. Về số lượng, duy nhất chỉ có Một, có lẽ vị ấy đã xem điều này là dễ làm. Đó là lý do vì sao vị ấy đã cam đoan là sẽ làm được. Thế là, Đức Thế Tôn cho vị ấy đề mục thiền niệm tâm (cittanupassanā) theo cách sau:
“Sududdasam sunipunam, yatthakāmaniyātimam.
Cittam rakkhetta medhāvī, cittam guttam sukhāvaham.
(“Tâm khó thấy, tế nhị. Theo các dục quay cuồng. Người trí phòng hộ tâm, Tâm hộ, an lạc đến.”)
Đại ý bài kệ trên muốn nói rằng người có trí phải luôn luôn cảnh giác đối với cái tâm vô cùng tế nhị này, cái tâm có khuynh hướng trú ngụ trên bất kỳ cảm thọ nào phát sanh. Tuy nhiên tâm cũng có khả năng canh chừng những phiền não không cho khởi sanh một cách hiệu quả, nó cũng có năng lực đưa một người đạt đến sự an lạc của Đạo Quả Niết Bàn. Chính vì vậy mà đề mục thiền Quán Tâm Niệm Xứ (cittānupassanā-satipatthāna kammatthāna) đã được Đức Phật ấn định. Sẽ thật sự thú vị nếu tôi giảng giải tỉ mỉ bài kệ Pháp Cú này cho quý vị hiểu. Tuy nhiên, do có một số điểm cơ bản cần phải được đề cập trước, nên tôi sẽ tiếp tục giải thích thêm ở đây.
Vị Tỳ-kheo nói trên sau khi thực hành pháp quán tâm, không bao lâu thì đắc đạo quả A-la-hán. Về điều này, điểm quan trọng chính yếu tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: “Người ta thường nghĩ rằng Giới Luật là cực kỳ khắt khe.” Hơn nữa, trong khi hành thiền định và thiền minh sát người ta phải ngăn ngừa phóng tâm, có lẽ vì thế mà người ta nghĩ rằng nó quá bó buộc.
Nghe nói có lần một vị sư kia đã thuyết một bài pháp về thiền Minh Sát cho thí chủ của mình. Trong bài pháp ấy vị sư hướng dẫn rằng tâm sanh trong từng sát-na và nó phải được ghi nhận với sự hay biết. Theo cách tương tự, ở mỗi sát-na thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, đi, đứng, chuyển động, suy nghĩ và tưởng tượng cũng cần phải ghi nhận trong tâm đúng như thực. Nhờ quán và ghi nhận như vậy trí tuệ minh sát sẽ phát sanh. Khi thuyết đến đây người thí chủ nói rằng ông không thể quán được vì có quá nhiều thứ để ghi nhận. Tuy nhiên, phải nhớ rằng, khi hành thiền minh sát không nên để nhỡ một điều gì. Cũng không nên có bất kỳ sự gián đoạn hay tạm ngưng nào. Có lẽ vì thế mà người ta thường cho rằng thiền minh sát quá nghiêm ngặt. Đây chính là điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Đức Phật đã hướng dẫn pháp hành này để đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nếu không ra sức nỗ lực thực hành theo cách đã nói, chút hi vọng đạt đến giai đoạn ở đây người ta chắc chắn được thoát khỏi bốn cõi khổ, cũng không thể có. Bất chấp giới (sīla) và bố thí (dāna) mà một người đã hoàn thành đầy đủ như thế nào, dưới một số hoàn cảnh không thuận lợi nào đó trước khi đạt đến giai đoạn đạo và quả, họ vẫn có thể rơi vào bốn cõi khổ. Có một lý do để lo lắng. Để được giải thoát hoàn toàn khỏi bốn Cõi Khổ và để vĩnh viễn thoát khỏi những khổ đau của Luân Hồi, Đức Phật đã chỉ dạy chúng ta cách thực hành Giới, Định, Tuệ. Có thể nói Đức Phật đưa ra hướng dẫn như vậy là vì lợi ích của tất cả nhân loại gồm luôn cả chư thiên và Phạm thiên, những người đã gieo trồng những hạt giống Ba-la-mật đủ để có niềm tin nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) suốt thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật hiện nay, bắt đầu từ lúc Đức Phật còn tại thế.
Như đã nói “Buddho loke samuppanno, hitvāna sabbapaninaṃ”, Đức Phật, bậc giác ngộ lý tứ thánh đế, vì sự an lạc của tất cả chúng sanh, đã xuất hiện trên thế gian này để giúp mọi người giác ngộ những nguyên lý phổ quát của Tứ Thánh Đế ấy. Như vậy Đức Phật quan tâm đến tất cả muôn loài chúng sanh, gồm cả chư thiên và loài người, nhưng có một số người vẫn không thể nuôi dưỡng được niềm tin nơi Đức Phật. Tất nhiên những người không có lòng tôn kính Đức Phật ấy là những người thiếu Ba-la-mật. Vì thế họ có thể được xem như những người bất hạnh. Chỉ những người có đầy đủ sức mạnh và sự vinh quang mới có được những vật phẩm quý giá, hay do nhờ các ba-la- mật quá khứ mà họ có được tài sản và sự giàu sang. Cũng vậy, chỉ những người có các ba-la-mật mới có được cơ hội đảnh lễ Đức Phật.
Nói cách khác, điều này tương tự như trường hợp thức ăn bổ dưỡng vậy, mặc dù nó có giá trị cho tất cả mọi người nhưng một người có vấn đề về bao tử, không thể ăn chúng và tìm được sự thú vị trong đó. Vì thế, người ấy được xem như một người bất hạnh. Đức Phật có lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh đồng đều nhau cả thảy. Ngài ban bố pháp cho tất cả mọi người vì sự an lạc của họ. Chính vì thế ngài được xưng tán là Bậc Thiên Nhân Sư (bậc thầy của chư thiên, Phạm thiên và nhân loại). Như vậy, có một sự tương tự nào đó giữa vị thầy Bà-la-môn và Đức Phật. Đó là lý do vì sao kinh nói vị Thầy Bà-la-môn có nghĩa là Đức Phật của chúng ta.
“Người học trò có nghĩa là vị hành giả (Yogi)” và người hành giả có nghĩa là người đang hành thiền để thành tựu Giới, Định, Tuệ. Đến đây tôi đã giải thích được năm vấn đề.