CÁI LỌC NƯỚC
Cuối cùng là triền cái (nivarana) được nói giống như cái Lọc Nước. Trưởng Lão Kumārakassapa đặt câu hỏi: “Kiṃ cingavarim” – “cái lọc nước” có nghĩa là gì? Câu trả lời của Đức Phật cho câu hỏi này như sau:
“Cingavarantiko bhikkhu pancanettam nivaranam adhivacanam.”
“Này Tỳ Kheo! Tên gọi “cái lọc nước” là để chỉ cho năm triền cái.” Cái lọc nước thường được dùng ở thời xa xưa, mặc dù ngày nay không ai dùng nó nữa. Cái lọc nước ở đây là một miếng gạc hay miếng lưới mịn và chất lỏng được đổ qua miếng lưới đó để lọc sạch những tạp chất. Thời xưa, nếu người ta cần xà- phòng giặt áo quần họ phải hòa tan chất xà phòng, có dạng như cát, trong nước và lược cái chất lỏng giống như xà-phòng ấy để lấy những hạt xà-phòng tinh tế còn lại. Miếng lưới có những lỗ nhỏ li ti cho phép nước chảy qua một cách dễ dàng.
Theo cách tương tự, một người bị lúng túng trong năm triền cái (nivaranas), những chướng ngại cho một đời sống tâm linh thành công, đó là dục tham, sân hận, hôn trầm – thụy miên, trạo cử – hối hận, và hoài nghi, sẽ không một thiện pháp nào ở lại với người ấy hoặc chí ít không thiện pháp nào còn nguyên vẹn. Nó cũng giống như nước phải chảy qua một cái lọc nước vậy. Cũng vậy, mọi thiện nghiệp sẽ bị chảy qua một cái lọc, đặc biệt là những thiện pháp thuộc thiền định và thiền tuệ, khiến cho chúng bị tắc ngẽn lại. Tuy nhiên những phước thiện bố thí và trì giới vẫn tồn tại. Phước thiện bố thí sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của các triền cái bằng bất cứ cách nào. Và giới cũng sẽ không mất đi những tính chất cao quý của nó. Lý do là vì, nếu không phạm vào những điều xấu bằng thân hoặc bằng lời nói, những đức của giới sẽ không bị hủy diệt. Sự tưởng tượng có thể vẫn cứ tung hoành với những ý nghĩ tham dục và một cảm giác sân hận, ác ý vẫn còn nguyên không sứt mẻ. Triền cái hoàn toàn không thể ngăn được những phước thiện bố thí và giữ giới. Tuy nhiên, thực ra mà nói các triền cái chỉ có thể cản trở những phước thiện xuất phát từ định và tuệ.
Nếu những cảm thọ liên hệ đến dục lạc được nghĩ đến, những phước thiện của định (samādhi) không thể thành tựu nhờ quán được. Nếu những ước muốn phàm tục như mong ước được giàu sang, được sống thọ, hay thuận lợi trong các công việc làm ăn buôn bán,… khởi lên trong tâm, quán minh sát sẽ không đạt được chút tiến bộ nào cả. Những ước muốn và dính mắc vào các dục trần như vậy là những chướng ngại (triền cái) sẽ ngăn cản việc thực hiện các phước thiện tu tập (định và minh sát).
Triền cái (nivarana), những chướng ngại đối với tiến bộ của thiền minh sát, được so sánh với cái lọc nước xà phòng. Nếu ước muốn nhục dục (kāmachanda — dục dục cái) được phép thịnh hành hay nuôi dưỡng, không thành công nào có thể được thành tựu trong pháp hành thiền. Trong tiến trình thiền quán, lúc hành giả đang ghi nhận các hiện tượng như “phồng”, “xẹp”, “ngồi”, “chạm”, tâm rất thường phóng đi. Liên quan đến sự việc này, Đức Phật đã đưa ra một ví dụ rất ấn tượng khi so sánh tâm với một con cá bị quăng ra khỏi nước.