Nội Dung Chính
Công nương Kāḷī chứng đắc quả thánh Dự lưu (Sotāpanna)
Câu chuyện xảy ra vào một ngày nọ khi một lễ hội lớn của tháng Āsaḷha đang được tổ chức. Lúc bấy giờ, giống như nàng tiên nữ đang vui sướng thọ hưởng xa hoa ở cõi chư thiên, trong thành phố chư thiên trong cõi Ba mươi ba (Tāvatiṁsa), một công nương tên Kāḷī đang ngụ ở thị trấn Kuraraghara gần thành phố Rājagaha, sau khi bước lên tầng trên ở lâu đài của cha mẹ nàng và mở cánh cửa sổ, đứng hóng gió như vậy để làm vơi dịu những cơn đau của thời kỳ sắp sanh nở.
(Công nương Kāḷī xuất thân từ kinh thành Rājagaha. Khi đến tuổi dậy thì, nàng lấy chồng ở thị trấn Kuraraghara. Khi nàng đang mang thai đứa bé mà tương lai là trưởng lão Soṇakutikaṇṇa, nàng trở về nhà của cha mẹ để sanh con. Nàng bước lên tầng trên của lâu đài, và trong khi đang hóng gió để làm vơi dịu những cơn đau của thời kỳ sắp sanh nở, nàng nghe được những ân đức của Đức Phật do hai vị dạ- xoa thiên (devayakkha) nói ra).
Khi lắng nghe toàn bộ cuộc chuyện trò giữa hai vị devayakkha, liên quan đến những ân đức của Đức Phật, công nương Kāḷī trở nên nhiếp tâm vào những ân đức ấy và suy nghĩ như vầy: “ Chư Phật quả thật có những ân đức kỳ diệu và phi thường như vậy !” Và khi suy nghĩ như vậy, nàng thấm nhuần hỉ lạc, và khi đoạn trừ các triền cái nhờ hỉ lạc ấy, nàng khai triển thiền quán và nhờ đó giác ngộ Dự lưu quả (Sotāpatti). Công nương Kāḷī, vì là bậc Dự lưu (Sotāpaññā) và nữ Thánh thinh văn (ariya-sāvika) đầu tiên trong hàng nữ giới. Ngay đêm ấy, nàng hạ sanh một bé trai (mà về sau trở thành trưởng lão Soṇakuṭikaṇṇa). Sau khi ở lại nhà của cha mẹ một thời gian, nàng trở về quê chồng tại Kuraraghara.
Như vậy, dù chưa từng gặp và chiêm ngưỡng Đức Phật trong quá khứ và chỉ nghe qua mà nàng có được niềm tin tuyệt đối nơi các ân đức của Đức Phật và được an trú trong quả thánh Dự lưu (sotāpatti- phala) giống như người dễ dàng có bữa ăn đã được chuẩn bị sẵn. Vì chính lý do này, sau đó khi Đức Phật đang ngồi giữa chúng Tăng để ban danh hiệu tối thắng cho các tín nữ (upāsikā), Ngài công bố rằng: “ Này các tỳ khưu, công nương Kāḷī của thị trấn Kuraragharā, tín nữ bậc thánh tối thắng trong tất cả những upāsikā của Như lai, người có niềm tin tuyệt đối nơi Tam bảo chỉ nhờ nghe!” Rồi Ngài ban danh hiệu cho nàng là bậc Tối thắng Tùy văn tín tâm (Anussava-pasāda).
Hai vị thiên tướng yết kiến Đức Phật
Sātāgira Deva và Hemavata Deva cùng với một ngàn devayakkha của họ ngay nữa đêm, đến tại vườn Nai ở Isipatana, gần thành phố Bārānasī. Và sau khi đến và đảnh lễ Đức Phật, Ngài vẫn đang ngồi trong tư thế kiết già vì Ngài đang thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka), họ đọc lên câu kệ này để tán dương Đức Phật và xin phép được hỏi Ngài:
Akkhātāraṁ pavattāraṁ,
sabbadhammāna pāraguṁ.
Buddhaṁ verabhayātītaṁ,
mayaṃ pucchāma Gotamaṁ.
Đức Phật của dòng dõi Gotama, Bậc thuyết pháp về Tứ thánh đế, cả tóm tắt lẫn chi tiết; Bậc có đầy đủ trí tuệ thấy tất cả các pháp qua sáu cách, đó là Thắng trí (abhiññā), Biến tri (pariññā), Xả đoạn (pahāna), Tu thiền (bhāvanā), Tác chứng (sacchikiriyā) và Thiền chứng (samāpatti); Bậc đã tỉnh thức từ giấc ngủ của vô minh (moha); Bậc đã tự mình chiến thắng năm loại kẻ thù như sự sát sanh (pānātipāta), v.v… Xin cho phép chúng con được hỏi Ngài về những điều mà chúng con chưa biết?
Sau khi đã xin phép như vậy, Hemavata, vị có đại lực và đại trí tuệ hơn, bèn hỏi về những điều mà vị ấy chưa biết qua câu kệ sau đây:
Kismiṁ loko samuppanno,
kismiṁ kubbati santhavaṁ.
Kissa loko upādāya,
kismiṁ loko vihaññati.
Bạch Đức Thế Tôn, khi cái gì hiện hữu rõ ràng thì hai thế giới – thế giới hữu tình chúng sanh (satta-loka) và thế giới pháp hữu vi (saṅkhāra-loka) có mặt? Căn cứ vào cái gì khiến tất cả chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, tự mình kết thân với ái dục và tà kiến (taṇhā-diṭṭhi) khi cho đó là “ta” và “của ta” ? Dựa vào cái gì mà hữu tình thế gian và hữu vi thế gian được gọi như vậy ? Chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên bị đau khổ khi cái gì xuất hiện rõ ràng ?
Nhân đó, Đức Phật với ý định trả lời câu hỏi do Hemavata Deva đặt ra căn cứ vào sáu nội xứ ( ajjhattikāyatana – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và sáu ngoại xứ (bāhirāyatana – hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm và ý tưởng hình thành trong tâm), bèn đọc lên câu kệ này:
Chasu loko samuppanno,
chasu kubbati santhavaṁ.
Channaṃ eva upādāya,
chasu loko vihaññati.
Này Hemavata Deva, khi sáu nội xứ (ajjhattikāyatana) và sáu ngoại xứ (bāhirāyatana) hiện hữu rõ ràng thì hai thế giới – thế giới hữu tình chúng sanh (satta-loka) và thế giới pháp hữu vi (saṅkhāra- loka) hiện hữu. (Xét về Pháp tối thượng (Paramattha dhamma), satta- loka có nghĩa là tập hợp tất cả chúng sanh như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, chỉ là hợp thể của mười hai xứ (āyatana), đó là sáu nội xứ – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và sáu ngoại xứ – hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm và ý tưởng hình thành trong tâm. Không có āyatana thì không thể có chúng sanh như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Theo Paramattha dhamma, saṅkhāra-loka gồm những thứ như nông trại, đất đai, vàng bạc, v.v… chỉ bao gồm sáu ngoại xứ (āyatana). Không có sáu ngoại xứ này thì không thể có thế giới hữu vi pháp (saṅkhāra loka). Do đó, câu trả lời của Đức Phật: “Chasu loko samuppanno – khi sáu nội xứ và sáu ngoại xứ có mặt, thì hai thế giới – thế giới hữu tình và thế giới vô tình hiện hữu.”
Này Hemavata Deva, căn cứ vào sáu nội xứ và sáu ngoại xứ mà tất cả chúng sanh như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên tự mình kết thân với ái dục và tà kiến qua ý niệm ‘ta’ và ‘của ta.’ (Tất cả chúng sanh như chư thiên, nhân loại và Phạm thiên, người kết thân với ái dục và tà kiến, lấy ‘ta’, ‘người kia’, ‘người đàn ông’, ‘người đàn bà’, ‘nông trại’ v.v… là ‘ta’ và ‘của ta’ là sự kết cấu của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ theo Paramattha dhamma. Đúng vậy, khi cho rằng con mắt là ‘ta’ và ‘của ta’ chúng sanh kết bạn với ái dục và tà kiến. Cũng vậy, họ cũng làm như vậy đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Và cũng đối với hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm như vật cứng, vật mềm, vật nóng, vật lạnh, v.v… và ý niệm như vậy hình thành trong họ. Do đó, câu trả lời của Đức Phật là: “Chasu kubbati santhavaṃ – căn cứ vào sáu nội xứ và sáu ngoại xứ mà tất cả chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên kết thân với ái dục và tà kiến qua ý niệm ‘ ta’ và ‘của ta’).
Này Hemavata Deva, dựa vào sáu nội xứ và sáu ngoại xứ mà thế giới hữu tình chúng sanh và Thế giới hữu vi pháp được gọi như vậy. (Liên quan đến mười hai xứ kể trên mà những tên gọi như “nhân loại”, “chư thiên”, “Phạm thiên”, “ chúng sanh” (= satta loka) và những tên gọi như “nông trại”, ‘đất đai’, ‘gạo’, ‘lúa’, v.v… (=saṅkhāra-loka) có mặt rõ ràng. Cần phải hiểu như vậy).
Này Hemavata Deva, khi sáu nội xứ và sáu ngoại xứ xuất hiện rõ ràng thì tất cả chúng sanh như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên bị đau khổ. (Theo bài kinh Ādittapariyāya, bài kinh về Những cách bốc cháy, mười hai xứ bốc cháy bởi mười một loại lửa như tham (rāga), sân (dosa), si (moha), v.v… Căn xứ vào Paramattha Dhamma, satta- loka bao gồm chúng sanh – nhân loại, chư thiên và Phạm thiên cũng chỉ là mười hai xứ : sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Các xứ (āyatana) cũng vậy, bốc cháy khốc liệt và miên viễn bởi mười một loại lửa. Vì có āyatana nên có sự đốt cháy; vì có sự đốt cháy nên có đau khổ. Nếu không có āyatana thì sẽ không có sự đốt cháy ; nếu không có sự đốt cháy thì sẽ không có đau khổ. Đó là lý do khiến Đức Phật trả lời như vầy: ‘ Chasu loko vihaññati – Khi sáu nội xứ và sáu ngoại xứ xuất hiện rõ ràng (hay, do bởi mười hai xứ này) tất cả chúng sanh – nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều bị đau khổ’).
Chấm dứt phần vấn đáp về vòng khổ đau (vatta)
Sau đó, Hemavata Deva, vì không thể nhớ rõ câu trả lời quá tóm tắt của Đức Phật (như Chasu loko samuppanno, v.v…) xoay quanh mười hai xứ (āyatana), cho câu hỏi của vị ấy về vòng luân hồi, và vì muốn biết rõ chi tiết của các xứ (āyatana) cùng những pháp đối nghịch của chúng trong câu trả lời của Đức Phật, bèn đọc lên câu kệ sau đây để hỏi về vaṭṭa và vivaṭṭa (luân hồi và sự chấm dứt luân hồi).
Katamaṁ taṁ upādānaṁ,
yattha loko vihaññati.
Niyyānaṁ pucchito brūhi,
kathaṃ dukkhatā pamuccati.
Bạch Đức Thế Tôn, (nếu theo câu trả lời ‘Chasu loko vihaññati’ ) thì chúng sanh – nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đau khổ do bởi sự hiện hữu của sáu xứ (āyatana) vậy sáu xứ (āyatana) này là gì? Do Khổ đế (Dukkha-sacca) được nêu lên nên Tập đế (Samudaya-sacca) cũng được nêu lên.
Yếu tố nào đem lại sự giải thoát khỏi vòng luân hồi (saṃsāra vaṭṭa) ? Bằng cách nào (hay Pháp vi diệu nào) cần được giác ngộ để thoát khỏi saṃsāra vaṭṭa? Cầu xin Đức Thế Tôn bi mẫn trả lời chúng con. (Nửa câu kệ sau là câu hỏi về Đạo đế (Magga-sacca) – chân lý về con đường dẫn đến sự diệt khổ, và do Đạo đế được nêu lên, Diệt đế (Nirodha-sacca) – chân lý về sự diệt khổ cũng được nêu lên, như người phá lùm cây leo bằng cách nhổ bỏ dây leo của lùm cây).
Khi Hemavata Deva hỏi về Tứ thánh Đế, bằng cách nêu ra rõ ràng Dukkha-sacca và Magga-sacca, còn Samudaya-sacca và Nirodha-sacca cũng được gián tiếp bao hàm, Đức Phật thuyết câu kệ sau đây để trả lời theo cách Hemavata Deva đã hỏi:
Pañca kāmaguṇa loke,
manochattha paveditā.
Ettha chandaṁ virājetvā,
evaṁ dukkhā pamuccati.
Này Hemavata Deva, Như lai đã chỉ rõ năm dục lạc (kāmaguṇa) gồm sắc, thinh, hương, vị và xúc với ý là dục lạc thứ sáu trong thế gian. (Qua chữ ‘ý’ (mano) trong nửa phần đầu của câu kệ này, ý xứ (manāyatana) được chỉ rõ; và qua sự thuyết giảng về ý xứ (manāyatana), pháp xứ (dhammāyatana) cũng được thuyết giảng. Do năm dục lạc (kāmaguṅa) gồm sắc, thinh, hương, vị và xúc là năm xứ (āyatana) được thuyết giảng trực tiếp, đó là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh hương, cảnh vị và cảnh xúc; và do sự thuyết giảng về năm cảnh này, năm căn tiếp nhận chúng cũng được thuyết giảng, đó là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân. Do đó, qua nửa câu kệ đầu này, sáu nội xứ (ajjhittikāyatana) và sáu ngoại xứ (bāhirāyatana) – cả thảy mười hai xứ được thuyết giảng. Các āyatana này có thể được gọi là những thủ (upādāna), chúng hình thành đau khổ trong thế giới hữu tình chúng sanh (satta-loka).
Này Hemavata Deva, ái và dục (taṇhā-chanda) đối với tập hợp mười hai āyatana này, vòng đau khổ và Dukkha-sacca phải được đoạn diệt hoàn toàn. (Để đoạn diệt chúng, trước hết chúng phải được phân biệt rõ là uẩn, hoặc xứ hoặc giới, hoặc rút gọn lại là danh và sắc. Chúng phải được quán niệm để phát triển Tuệ quán (Vipassanā) bằng cách làm nổi bậc ba tướng vô thường, khổ và vô ngã. Sự đoạn diệt chúng cuối cùng xảy ra do Tuệ quán kết thúc bằng A-la-hán đạo). Do sự đoạn diệt chúng, người ta thoát khỏi vòng đau khổ. (Qua nửa phần sau của câu kệ, câu hỏi về sự chấm dứt luân hồi (vivaṭṭa) được trả lời, và Đạo đế (Magga-sacca) cũng được chỉ rõ. Tập đế (Samudaya- sacca) và Diệt Đế (Nirodha-sacca) đã được trả lời vì chúng đã được giải thích tóm tắt trong câu kệ trước. Nói cách khác, trong nửa phần đầu của câu kệ, Dukkha-sacca được chỉ rõ. Trong từ chanda-rāga ở phần hai của câu kế, Samudaya-sacca được chỉ rõ. Từ chữ virājetvā có nguyên ngữ là virāga, là Nibbāna – sự chấm dứt ái dục, cũng là Nirodha-sacca. Qua từ “ như vậy” (evaṁ), Magga-sacca được chỉ rõ – có nghĩa là quá trình tu tập trong Bát chánh đạo dẫn đến sự giải thoát khỏi saṁsāra. Bằng cách này, Tứ thánh đế được Đức Phật thuyết giảng trong câu kệ này.
Như vậy Đức Phật đã chỉ rõ Xuất ly pháp (Niyyāna dhamma), tức Bát chánh đạo là phương tiện để thoát khỏi vòng luân hồi (saṁsāra vaṭṭa). Lại nữa, vì muốn kết luận câu trả lời về Niyyāna dhamma bằng ‘ngôn ngữ tự nhiên’, Ngài tuyên đọc câu kệ sau đây:
Etaṁ lokassa niyyānaṃ;
akkhātaṁ vo yathātathaṁ.
Etaṁ vo ahaṁ akkhāmi;
evaṁ dukkhā pamuccati.
Này Hemavata Deva, Như Lai đã thuyết giảng về phương tiện này là Bát chánh đạo đem lại sự giải thoát khỏi tam giới (tedhātuka (saṅkhāra loka) như dục giới (kāma-dhātu), sắc giới (rūpa-dhātu) và vô sắc giới (arūpa-dhātu). Bởi vì chỉ qua Bát chánh đạo mới có sự giải thoát khỏi luân hồi khổ (saṁsāra-vaṭṭa-dukkha) và không có phương tiện giải thoát nào khác (cho dù ngươi có hỏi đi hỏi lại cả ngàn lần chăng nữa), Như Lai cũng chỉ nói với người rằng Bát chánh đạo là pháp tối thắng, độc nhất để thoát khỏi saṁsāra-vaṭṭa. (Nghĩa là: Như Lai sẽ không bao giờ thuyết giảng đến ngươi phương tiện nào khác). (hay) Vì sự giải thoát khỏi luân hồi khổ (saṁsāra–vaṭṭa- dukkha) chỉ qua Bát chánh đạo mà không có con đường giải thoát nào khác nên Như lai nói Bát chánh đạo là Pháp tối thắng độc nhất để thoát khỏi luân hồi, để ngươi sau khi giác ngộ Đạo Quả bậc thấp, có thể giác ngộ Đạo Quả cao hơn – Hãy nhớ chưa bao giờ Ta thuyết giảng cho người điều gì khác).
Hai vị Dạ xoa thiên (devayakkha) chứng đắc quả thánh Nhập lưu (Sotāpanna)
Bằng cách này, Đức Phật đã kết thúc bài pháp thoại một cách hoàn hảo. Vào lúc kết thúc thời pháp, hai vị thiên, Sātāgira và Hemavata, được an trú trong Dự lưu quả (sotāpatti-phala) cùng với tùy tùng của họ gồm một ngàn Dạ xoa thiên (nghĩa là tất cả họ đều trở thành những bậc Thánh nhập lưu – Sotāpanna-ariya).
Kết thúc phần vấn đáp về luân hồi (vaṭṭa) và sự chấm dứt luân hồi (vivaṭṭa)
Sau đó, Hemavata Deva, vị có tâm tịnh tín và hằng tôn kính pháp, nay lại được an trú trong thánh quả Dự lưu, cảm thấy chưa thỏa mãn với pháp vi-diệu của Đức Phật, hoàn hảo về văn và tâm linh. Vì ước muốn biết thêm về hai nguyên nhân, đó là Sekkha-bhūmī dhamma (Hữu học chư địa pháp – nguyên nhân trở thành các bậc thánh hữu học) và Asekkha-bhūmi dhamma (Vô học địa pháp – nguyên nhân trở thành những bậc A-la-hán), bèn bạch với Đức Thế Tôn bằng câu kệ sau:
Ko su’dha taratī oghaṁ,
ko’dha tarati aṇṇavaṁ.
Appattiṭṭhe anālambe,
ko gambhīre na sīdati.
Bạch Đức Thế Tôn, Bậc tịnh hạnh nào trong thế gian có khả năng vượt qua bốn dòng bộc lưu? Bậc tịnh hạnh nào trong thế gian có khả năng vượt qua đại dương sâu rộng của saṁsāra? Ai có thể trú yên ổn mà không bị chìm đắm trong đại dương sâu thẳm của saṁsāra mà bên dưới không có chỗ đứng và bên trên không có chỗ níu? (Sekkha- bhūmi được hỏi trong nửa câu kệ đầu và asekkha-bhūmi được hỏi trong nửa câu kệ sau).
Nhân đó Đức Phật đọc lên câu kệ sau đây để trả lời về sekkha-bhūmi được hỏi trong nửa phần đầu của câu kệ:
Sabbadā sīlasampanno,
paññavā susamāhito.
Ajjhattacintī satimā,
oghaṁ tarati duttaraṁ.
Này Hemavata Deva, vị tỳ khưu luôn luôn có giới (không phạm giới mà thọ trì chúng một cách cẩn trọng bằng cả tánh mạng của mình), Bậc có trí thế gian và trí siêu thế, Bậc an trú vững chắc trong Cận hành định (upacāra-samādhi) và An chỉ định (appanā-samādhi), Bậc dùng Tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) quán đi quán lại danh sắc uẩn (niyakajjhatta) để thấy rõ ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã, Bậc có chánh niệm (sati) là pháp giúp vị ấy có thể thường xuyên gắn bó với ba pháp học (sikkhā) là silā, samādhi và paññā – giới, định và tuệ; bậc có khả năng vượt qua bốn dòng bộc lưu, mà những người bình thường khó làm được.
Sau khi Đức Phật đã cho câu trả lời về sekkha-bhūmi, giờ đây Ngài đọc lên câu kệ sau đây để giải đáp về asekkha-bhūmi.
Virato kāmasaññāya;
sabba-saṁyojanātigo.
Nandībhava-parikkhīṇo;
so gambhīre na sīdati.
Này Hemavata Deva, vị tỳ khưu đã hoàn toàn xa lìa ta tất cả mọi dục tưởng, đã đoạn diệt mười kiết sử bằng bốn Đạo. Vị ấy đã diệt tận ba loại ái và ba loại hữu – được gọi chung là nandī. Vị ấy là bậc A- la-hán có đầy đủ tất cả những đức tính này, là bậc không bị chìm đắm trong đại dương sâu rộng của saṁsāra mà bên dưới không có chỗ đứng và bên trên không có chỗ nắm. Vị ấy đã đến miền đất cao của Hữu dư y Niết bàn (Sa-upadisesa-nibbāna), với sự an lạc tột bậc vì ái đã diệt tắt; và cũng đến miền đất cao của Vô dư Niết bàn (Anupādisesa-nibbāna) do sự chấm dứt hữu. Vị ấy là người không bị chết đuối vì vị ấy đạt đến sự an lạc tối thắng.
Kết thúc phần vấn đáp về Sekkhabhūmi và Asekkhabhūmi.
Hai vị dạ xoa thiên trở về nơi của họ sau khi nói lời tán dương Đức Phật
Sau đó Hemavata Deva nhìn Sātāgira cũng như tùy tùng gồm một ngàn dạ xoa thiên (devayakkha) với sự thỏa mãn và hoan hỉ, và ngâm lên năm câu kệ sau để tán dương Đức Phật. Cùng với người bạn Sātāgira và tùy tùng gồm một ngàn devayakkha, họ đảnh lễ Đức Phật với tâm tôn kính và tịnh tín rồi trở về trú xứ của họ. Năm câu kệ tán dương ấy như sau:
(1) Gambhīrapaññaṁ nipuṇatthadassiṁ,
akiñcanaṁ kāmabhave asattaṁ.
Tam passatha sabbadhi vippanuttaṁ,
dibbe pathe kāmamānaṁ mahesiṁ.
Hỡi các bạn chư thiên đáng kính, hãy nhìn Đức Phật dòng dõi Gotama bằng đôi mắt trong sáng của các bạn, Bậc với trí tuệ phân tích các pháp thâm sâu như uẩn (khandha), v.v… Bậc thấy thông suốt ý nghĩa của các câu hỏi được nêu ra bởi những vị có trí tuệ sắc bén; Bậc không còn những hạt bụi nhỏ của bảy pháp tùy miên là dục tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi và nhiễm ô; Bậc không chấp thủ hai loại dục và ba loại hữu; Bậc đã hoàn toàn thoát khỏi những trói buộc của dục và ái đối với tất cả cảnh dục như uẩn (khandha), xứ (āyatana), v.v…; Bậc bước đi tự tại trên thiên lộ gồm tám pháp chứng và Bậc đã tầm cầu những đức tánh cao quý như sự thọ trì các giới bổn.
(2) Anoma-nāmaṁ nipuṇatthadassiṁ;
paññādakaṁ kāmālaye asattaṁ.
Taṃ passatha sabbaviduṁ sumedhaṁ;
ariye pathe kamamānaṁ mahesiṁ.
Hỡi các bạn chư thiên đáng kính, hãy nhìn Đức Phật dòng dõi Gotama bằng đôi mắt trong sáng của các bạn, Bậc có những hồng danh như Chánh đẳng giác (Sammāsambuddha), v.v… Bậc thấy thông suốt ý nghĩa của những câu hỏi được đặt ra bởi những người có trí tuệ vi tế; Bậc gieo rắc trí tuệ siêu việt qua sự thuyết giảng bằng giọng nói ngọt ngào, khả ái giúp người nghe hiểu được và có giới; Bậc không chấp thủ bằng dục ái và tà kiến như “ ta” và “ của ta” đối với tất cả mọi cảnh dục; Bậc thấy biết cặn kẽ tất cả các pháp; Bậc có tri kiến hoàn hảo đã hình thành Nhất thiết trí; Bậc thông suốt trên con đường chứng đắc; Bậc đã tầm cầu những đức tánh cao quý như sự thọ trì giới uẩn (sīlakkhandha).
(3) Sudiṭṭham vata no ajja,
suppabhataṁ suhuṭṭhitam.
Yaṁ addasāma Sambuddhaṁ,
oghatiṇṇaṃ anāsavaṁ.
Hỡi các bạn chư thiên đáng kính, chúng ta may mắn chiêm ngưỡng Đức Phật bằng chính đôi mắt của chúng ta và được lợi ích to lớn là sự chứng đắc đạo quả. Đức Phật, bậc đã vượt qua bốn dòng bộc lưu và đã đoạn trừ bốn lậu hoặc (āsava). Cơ hội chiêm ngưỡng Đức Phật của chúng ta đã xảy ra hôm nay! Sự xuất hiện của rạng đông, của bình minh, thật vậy bỏ lại tất cả bóng tối và mọi lỗi lầm đã xảy ra! Tỉnh thức sau cơn mê – không tham, không sân, không si, giờ đây quả thật đã xảy ra!
(4) Ime dasasatā yakkhā,
iddhimanto yasassino.
Sabbe taṁ saraṇaṁ yanti,
tvaṁ no satthā anuttaro.
Bạch Đức Thế Tôn, bậc sáng chói như mặt trời, tất cả những dạ xoa thiên này, những kẻ có thần thông lực nhờ phước quá khứ của họ, kẻ có nhiều lợi lộc thù thắng và danh tiếng, số lượng tất cả là một ngàn, tất cả họ cùng với chúng con đã đến đây để tầm cầu sự bảo vệ , có niềm tin Ngài là chỗ nương tựa cao quý của chúng con. Ngài là bậc Đạo sư vô thượng đã xây dựng cung điện tráng lệ đầu tiên của những bậc Thánh.
(5) Te mayaṁ vicarissāma,
gāmā gamaṁ nagā nagaṁ.
Namassāmānā Sambuddhaṁ,
Dhammassa ca sudhammataṁ.
Bạch Đức Thế Tôn, bậc sáng chói như mặt trời, từ nay trở đi, chúng con sẽ đi từ làng mạc này đến làng mạc khác của cõi chư thiên, từ núi rừng này đến núi rừng khác trong cõi chư thiên, để rao truyền và khuyến khích mọi người bước vào con đường dẫn đến Niết bàn và hát lên những bài tán dương ân đức của Tam bảo; chúng con sẽ công bố về Đức Phật với tất cả sự tôn kính của chúng con bằng hai tay chấp lại trên trán và nói lời tán dương Đức Phật, bậc Thế Tôn của ba cõi, bậc có vô số ân đức. Chúng con cũng nói lời tán dương giáo pháp, con đường thoát ly khỏi vòng đau khổ gồm bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn.