CHƯƠNG 4. SỰ CẮT TÓC VÀ TRỞ THÀNH SA-MÔN

Vượt qua dòng sông Anomā và cắt tóc

Khi đến bờ sông Anomā, Thái tử cho ngựa dừng lại và hỏi  quan Channa: “ Con sông này mang tên gì ?” Khi Channa đáp lại rằng tên của nó là Anomā, Thái tử xem đó là điềm tốt và nói rằng: “ Sự xuất gia Sa-môn của ta chẳng phải thấp hèn; thực ra, đó là sự xuất gia cao quý.” (Vì chữ anomā nghĩa là ‘ không thấp hèn’). Rồi bằng cách thúc gót chân vào hông của con ngựa, Thái tử ra hiệu cho tuấn mã Channa vượt qua dòng sông và Kaṇḍaka đã phóng qua bên kia của con sông Anomā rộng 8 usabha và đứng ở đó.

Sau khi xuống khỏi ngựa, đứng trên bờ cát óng ánh màu ngọc trai, Thái tử nói với quan Channa rằng: “Này bạn Channa, hãy mang Kaṇḍaka cùng với những vật trang sức trở về. Ta sẽ trở thành Sa- môn.” Khi Channa nói rằng vị ấy cũng muốn trở thành Sa-môn, Thái tử ba lần không cho phép vị ấy nói rằng: “Này Channa, ngươi không thể xuất gia Sa-môn được. Hãy trở về kinh đô ngay.” Rồi Ngài trao tuấn mã Kaṇḍaka và các vật trang sức cho Channa.

Sau đó, Thái tử suy xét: “ Những lọn tóc này của ta thật không thích hợp với một Sa-môn, ta sẽ cắt chúng bằng cây kiếm của ta.” Và với cây kiếm trong tay phải, Thái tử cắt đứt búi tóc rồi tay trái nắm búi tóc cùng với vương miện. Những sợi tóc dài hai ngón tay còn lại trên đầu của Ngài tự xoắn lại về phía phải và nằm sát đầu. Chiều dài của tóc vẫn cứ như thế cho đến hết cuộc đời mà không cần phải cắt lại một lần nào nữa. Râu của Ngài cũng vẫn như thế suốt cuộc đời với bề dài vừa phải, trông xinh đẹp như tóc vậy. Và như vậy, Bồ tát không cần phải cạo lại chúng thêm một lần nào nữa.

Tóc được ném lên không trung kèm theo lời phát nguyện

Khi cầm mớ tóc và vương miện trong tay, Bồ tát phát nguyện rằng: “ Nếu ta là người sẽ thành một vị Phật, hãy để mớ tóc này đứng giữa hư không. Nếu không, mớ tóc hãy rơi xuống đất, ” và ném chúng vào hư không. Nhân đó, mớ tóc và vương miện bay lên cao một do tuần và đứng lơ lửng giữa hư không một cách kỳ diệu như chuỗi hoa lơ lửng giữa trời.

Đế Thích tôn tạo bảo tháp Cūlamaṇi ở cõi Ba mươi ba (Tāvatiṁsa)

Vào lúc ấy, Sakka, vua của chư thiên, bằng thiên nhãn đã trông thấy mớ tóc của Bồ tát và nhận lấy nó cùng cái vương miện với chiếc hộp báu, rộng một do tuần, và đem chúng về cõi Tāvatiṁsa. Rồi  Sakka tôn trí chúng trong bảo tháp Cūḷamaṇī mà vị ấy đã dựng lên, được trang trí bằng bảy loại ngọc báu và cao ba do tuần.

Việc trở thành Sa-môn với các món vật dụng được Phạm thiên Ghaṭikāra dâng cúng

Bồ tát lại suy xét: “ Những y phục này của Ta được làm bằng các loại vải ở xứ Kāsi rất đắc giá. Chúng không thích hợp cho một Sa- môn.” Khi ấy Phạm thiên Ghaṭikāra là bạn cũ của Bồ tát trong thời Đức Phật Kassapa, đã suy xét bằng tâm từ ái (mettā) chân thật và cao quý của vị ấy đã hiện khởi và tồn tại suốt cả một trung gian Phật thời (Buddhantara kappa): “Ồ, hôm nay Bồ tát bạn của ta, sau khi thấy mối nguy hiểm trong các pháp đầy đau khổ như sanh, già, v.v… đã thực hiện sự xuất gia vĩ đại (mahābhinikkhamana). Ta sẽ đi và mang theo các món vật dụng của Sa-môn cho người bạn cũ này.” Đó là (1) đại y, (2) y vai trái ekacci, (3) y nội, (4) dây lưng, (5) kim và chỉ, (6) dao cạo, (7) bát cùng áo bát, và (8) cái lọc nước, và cúng dường đến Bồ tát.

Nhân đó, Bồ tát xuất hiện trong y phục của vị Sa-môn – những chiếc y mà có thể gọi là lá cờ của A-la-hán quả (arahatta-phala) và do Phạm thiên dâng tặng. Rồi Ngài ném bộ y phục thế tục lên trên không trung.

(Thời gian giữa hai vị Phật được gọi là trung gian Phật thời (Buddhantara-kappa). Trung gian Phật thời ở đây ám chỉ khoảng thời gian giữa Đức Phật Kassapa và Đức Phật Gotama. Đức Phật Kassapa xuất hiện khi thọ mạng của loài người là hai chục ngàn năm, thọ mạng ấy giảm dần xuống còn mười năm và từ đó lại tăng lên A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng ấy giảm xuống 100 tuổi thì Đức Phật Gotama xuất hiện. Do đó, trung gian Phật thời trong trường hợp này lâu hơn một trung kiếp (antara-kappa). Tuy không ai hướng dẫn Bồ tát cách mặc y, v.v… chúng ta cũng nên hiểu rằng Ngài biết cách sử dụng các vật dụng vì Ngài đã từng trải nghiệm, Ngài đã là Sa-môn trước sự hiện diện của các vị Phật quá khứ và vì Ngài có trí tuệ vĩ đại).

Sự tôn tạo bảo tháp Dussa ở cõi Phạm thiên Sắc cứu cánh (Akaniṭṭha Brahmā)

Nhân đó, Phạm thiên Ghaṭkāra bắt lấy bộ y phục của Bồ tát đã được ném lên không trung. Vị ấy đã dựng lên một bảo tháp có kích thước mười hai do tuần được hoàn thành bởi nhiều loại ngọc quí; và y phục của Ngài được tôn trí trong đó. Vì bảo tháp dùng để tôn thờ y phục của Bồ tát nên nó được gọi là bảo tháp Dussa.

(Liên quan đến địa điểm và chiều cao của bảo tháp, Sayadaw Monywe Zetawun đã viết trong bộ Samantacakkhu Dīpanī, cuốn I, như sau: “ Vì bộ y phục được Phạm thiên Ghaṭikāra đem về tôn thờ ở cõi Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭha) nên bảo tháp được gọi là bảo tháp Dussa ở cõi Phạm thiên trên. Và khi trích dẫn từ bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā và những tác phẩm khác, ngài nói thêm rằng: “ Bảo tháp Dussa cao mười hai do tuần nên được xem là đang ở cõi Phạm thiên Suddhavasa Akaniṭṭha.”)

(Liên quan đến tám món vật dụng do Phạm thiên Ghaṭikāra cúng dường, cuốn thứ nhất của bộ Chú giải Apādāna giải thích một cách khác như sau: “ Brahmunā ānīte iddhimaye kappassa santhānakāle padumagabbhe nibbatte atthaparikkhare paṭiggahetvā pabbajitvā – Bồ tát trở thành Sa-môn sau khi nhận lấy tám món vật dụng, do oai lực các pháp Ba-la-mật của Ngài đã xuất hiện trong một chùm hoa sen trên mô đất của Mahābodhi vào lúc bắt đầu của thế giới và được Phạm thiên đem đến từ đó.” Trong bộ Saṃvara Pyo, sự kiện này được mô tả bằng thể kệ (thơ), bộ Jinatthapakāsanī cũng có đoạn nói rằng: “ Tám món vật dụng này xuất hiện đầy đủ trong đóa sen nở như điềm báo hiệu thế giới bắt đầu xuất hiện.”

Tuy nhiên, trong bài kinh Mahāpadāna trong bộ Chú giải kinh Mahāvagga nói rằng: “ Vùng đất nơi cây đại bồ đề cuối cùng biến  mất, vào lúc thế giới tiêu hoại và nó sanh lên đầu tiên vào lúc thế giới bắt đầu. Khi thế giới bắt đầu hiện hữu thì chùm hoa sen xuất hiện như là điềm báo tại Bodhimaṇḍala. Nếu chư Phật xuất hiện trong đại kiếp ấy thì chùm sen ra hoa; nếu chư Phật không xuất hiện thì chùm sen không ra hoa. Nếu là kiếp chỉ có một vị Phật thì chỉ một bông hoa nở. Nếu đó là kiếp có hai vị Phật thì hai hoa sen nở. Nếu là kiếp có ba, bốn hoặc năm vị Phật thì ba, bốn hoặc năm hoa sen nở từ chùm sen.” Sự đề cập như vậy chỉ nói về sen ra hoa hay không, nhưng không đề cập về các món vật dụng sanh lên có sẵn trong hoa.

Tuy bộ y Sa-môn do Phạm thiên Ghaṭikāra dâng cúng được giải thích trong Chú giải Apādāna là “ iddhimaya parikkharā, các món vật dụng xuất hiện do oai lực của phước Ba-la-mật của Bồ tát,” Đại trưởng lão Buddhaghosa trong bộ Chú giải kinh Nipāta của vị ấy, cuốn II, nói rằng: “Devadattiyaṁ paṃsukūlacīvaraṁ pārupitvā mattikāpattaṁ gahetvā pācīnadvārena nagaraṁ pavisitvā anugharaṃ pinḍā-ya acari – Sau khi khoác vào những chiếc y do Phạm thiên Ghaṭikāra dâng tặng và mang bình bát bằng đất nung, Bồ tát đi vào thành phố bằng cổng phía đông và khất thực từng nhà.” Xét qua câu nói này của Đại trưởng lão Buddhaghosa, chúng ta nên hiểu rằng những chiếc y do Phạm thiên Ghaṭikāra trao tặng không phải là iddhimaya ( tức là những chiếc y xuất hiện do oai lực từ những việc phước của Bồ tát) mà chỉ là devadattiya ( tức là những chiếc y do chư thiên trao tặng). Theo như lời giải thích của Đại trưởng lão Buddhaghosa, tất cả những điều được nêu ra ở đây, là để suy xét xem có phải rằng những món vật dụng do Phạm thiên trao tặng, là những thứ được chứa trong cụm hoa sen xuất hiện như là điềm báo ở trên gò đất Mahabodhi vào lúc bắt đầu của thế giới hay không).

Cho Channa trở về kinh đô

Sau khi trở thành Sa-môn, Bồ tát cho quan Channa trở về với những lời nhắn nhủ như vầy: “ Này bạn Channa, hãy đem những lời này của Ta đến mẹ của Ta ( tức là di mẫu Mahāpajāpati Gotamī) và cha của Ta rằng Ta vẫn khỏe mạnh.” Sau khi đảnh lễ và đi ba vòng quanh Ngài, Channa đã đem trang sức cùng con ngựa ra đi.

Tuấn mã Kaṇḍaka tái sanh vào cõi chư thiên

Nghe được cuộc trò chuyện giữa Bồ tát và vị quan Channa, tuấn mã Kaṇḍaka ta thán với ý nghĩ: “ Từ nay, ta sẽ không còn cơ hội gặp lại chủ của ta.” Khi đi được một khoảng xa và không còn nhìn thấy Bồ tát, nó không thể chịu được sự thương tiếc khởi sanh từ sự chia ly với người mà nó yêu thương nhất (piyehivippayoga), vì thế nó đã vỡ tim chết tại chỗ và được tái sanh vào cung trời Đạo lợi (Tāvatiṁsa), làm một vị thiên mang tên Kaṇḍaka. Còn Channa, đầu tiên đã có một nỗi buồn vì phải chia ly với Bồ tát, giờ đây lại chứng kiến cái chết của ngựa Kaṇḍaka, nỗi ưu sầu thứ hai chồng chất trong lòng của vị ấy. Bị đè nặng bởi hai nỗi buồn, Channa lủi thủi trở về kinh đô Kapilavatthu, vừa khóc lóc vừa ta thán.

(Sau khi chết, tuấn mã Kaṇḍaka tái sanh làm vị thiên cũng mang tên như vậy, sống giữa sự vinh hoa, khoái lạc và tùy tùng to lớn ở cõi Tāvatiṁsa. Vì vị ấy đã từng có sự gắn bó thân thiết với Bồ tát và đã phục vụ Ngài nhiều kiếp trong quá khứ nên vị ấy chết vì không thể chịu nỗi sự đau đớn do phải chia ly với Bồ tát. Sự tái sanh của tuấn mã Kaṇḍaka vào cõi chư thiên không phải do nỗi sầu khổ ấy làm duyên. Lời của Bồ tát nói với nó khi Ngài sắp lên lưng tuấn mã, trước khi Ngài lên đường đi xuất gia: “ Này Kaṇḍaka, Ta sắp từ bỏ thế gian để thành đạt Nhất thiết trí.” Do nghe những lời của Bồ tát về sự xuất gia, là pháp không liên quan gì đến các dục lạc, nên Kaṇḍaka rất hoan hỉ và mãn nguyện với tâm rất trong sạch có đức tin dẫn đầu. Do kết quả của việc phước này mà tuấn mã Kaṇḍaka được tái sanh vào cõi Tāvatiṁsa. Về sau, khi vị ấy đến yết kiến Đức Phật và nghe pháp, vị ấy chứng đắc quả Thánh nhập lưu (sotāpanna). Tất cả điều này được nêu ra trong bộ Chú giải Vimānavatthu. Muốn biết thêm chi tiết, hãy tìm đọc bộ Chú giải này).

Bồ tát viếng kinh đô Rājagaha

Sau khi trở thành Sa-môn, Bồ tát trải qua bảy ngày hưởng sự an lạc của đời sống Sa-môn gần khu vườn xoài Anupiya và sau khi đi bộ một quãng đường dài ba mươi do tuần trong một ngày, Ngài đi vào kinh thành Rājagaha. (Lời kể này được trích ra từ bộ Chú giải Buddhavaṃsa và bộ Chú giải Jātaka).

(Theo bộ Chú giải kinh Nipāta thì Bồ tát sau khi trở thành Sa- môn đã thọ trì giới Ājīvatthamaka sīla – Tám giới thanh tịnh, và đi bộ đến Rājagaha từ bờ sông Anomā, dài ba mươi do tuần trong bảy ngày).

Bồ tát đi vào thành Rājagaha để khất thực

Khi Bồ tát sắp vào thành Rājagaha để khất thực, Ngài đứng ở cổng phía đông của kinh thành, ý nghĩ sau đây khởi sanh trong tâm của Ngài: “ Nếu ta nhắn tin đến vua Bimbisāra về chuyến viếng thăm của ta thì vị ấy sẽ biết rằng thái tử Siddhattha, con trai của vua Suddhodāna, đã đến kinh đô của vị ấy, và với sự quan tâm đúng mức, vị ấy sẽ gởi nhiều lễ vật cúng dường. Là một vị Sa-môn như ta thì không nên báo tin và nhận lãnh bốn món vật dụng. Ngay bây giờ, ta sẽ đi khất thực.” Bởi vậy, sau khi mặc những chiếc y paṁsukūlika do Phạm thiên Ghaṭikāra dâng tặng và mang bình bát trong tay, Bồ tát đi vào kinh thành qua cổng phía đông và đi khất thực từng nhà.

Bảy ngày trước khi Bồ tát đi vào thành Rājagaha để khất thực, tất cả dân chúng trong thành đã tổ chức một lễ hội to lớn và vui chơi. Ngày Bồ tát đi vào kinh thành, vua Bimbisāra truyền lịnh đánh trống công bố với mọi người rằng: “ Lễ hội đã kết thúc. Dân chúng nên bắt đầu lại công việc làm ăn của mình.” Vào lúc ấy, dân chúng vẫn còn tụ tập trước quãng trường của hoàng cung. Khi đức vua mở cánh cửa sổ có đế hình con sư tử và nhìn ra để ban lời giáo huấn, vua trông thấy Bồ tát đang đi vào thành Rājagaha để khất thực với các căn rất thanh tịnh.

Khi trông thấy tướng mạo tuyệt đẹp của Bồ tát, dân chúng thành Rājagaha tất cả đều bàng hoàng kinh ngạc và cả thành phố rơi vào trạng thái hỗn loạn, xôn xao như khi voi Nālāgīri đi vào thành phố vậy, hoặc như khi Vepacitta, vua của các vị A-tu-la, đi vào thành phố chư thiên ở cõi Tāvatiṁsa.

Khi Bồ tát đi khất thực với vẻ oai nghi của voi chúa Chaddanta từ nhà này sang nhà khác trong kinh thành Rājagaha; trông thấy tướng hảo quang minh của Bồ tát, dân chúng lòng đầy hoan hỉ và kinh ngạc, họ chỉ biết nhìn ngắm Ngài không chớp mắt.

Rồi một người trong bọn họ nói với người kia rằng: “ Này bạn, làm sao thế? Phải chăng cung điện của mặt trăng đã hạ xuống cõi nhân loại với tất cả hào quang của nó được thu lại do sợ hãi Rāhu, vị A-tu- la vương?” Người thứ hai lại chế giễu người thứ nhất bằng cách nói rằng: “ Này ông bạn, ông đang nói gì thế? Ông có khi nào thấy mặt trăng đi xuống cõi người này chưa? Sự thực là Kāma, vị thiên của dục lạc, vì trông thấy sự rực rỡ của đức vua và thần dân của người nên đã giả dạng đến vui chơi với chúng ta.” Rồi người thứ ba chế giễu người thứ hai rằng: “ Này ông bạn, làm sao thế? Ông có điên không đó? Vị thiên Kāma là kẻ có thân đen sì vì bị đốt cháy dữ dội bởi ngọn lửa của bá quyền, kiêu căng và phẫn nộ. Sự thực là người mà chúng ta đang thấy là Sakka, vua của chư thiên, bậc có ngàn con mắt đi vào thành phố của chúng ta vì tưởng nhầm đó là chỗ ngụ của vị ấy ở cõi Tāvatiṁsa.”

Rồi người thứ tư phát biểu càng khôi hài hơn: “ Làm sao ông có thể nói như vậy được? Những lời nói của ông tự thân vốn đã mâu thuẫn. Nếu ông bảo vị ấy là Sakka, vậy thì ngàn con mắt của vị ấy đâu? Cái kim cang chùy của vị ấy đâu? Con voi Erāvaṇa của vị ấy đâu? Thực ra, đó là vị Phạm thiên, vì biết rằng các vị bà la môn đã quên Tam phệ đà và những môn học khác nên đến để thúc dục họ đừng quên những kiến thức ấy và nên thực hành theo chúng.” Rồi một người khác có trí dõng dạc nói rằng: “ Đây không phải là mặt trăng, không phải vị thiên Kāma, không phải Sakka, cũng không phải Phạm thiên. Thực ra, vị ấy là con người phi thường nhất, người đứng đầu trong nhân loại, bậc lãnh đạo và đạo sư của ba cõi.”

Trong khi dân chúng của kinh thành Rājagaha đang bàn luận với nhau như vậy, mỗi người có một quan điểm riêng, thì quân hầu của vua đi đến đức vua Bimbisāra và tâu lên như vầy: “ Tâu đại vương, một con người kỳ diệu mà không ai biết, đó là vị thiên, càn- thát-bà (gandhabba), rồng (nāga) hay dạ-xoa (yakkha) đang đi khất thực trong kinh thành Rājagaha của chúng ta.” Nghe qua lời tâu của họ, đức vua đã trông thấy Bồ tát trong khi đang đứng trên sân thượng của hoàng cung nên vị ấy rất kinh ngạc và truyền lịnh cho các quan rằng: “ Hãy đi và tìm hiểu kỹ lưỡng về người ấy; nếu đó là dạ xoa thì người ấy sẽ biến mất khi ra khỏi thành phố; nếu đó là chư thiên thì vị ấy sẽ đi trên không trung; nếu là rồng thì vị ấy sẽ độn thổ và biến mất. Nếu vị ấy là người thực sự thì vị ấy sẽ độ thực ở một nơi nào đó.”

Với các căn thanh tịnh và tác phong tao nhã, đôi mắt nhìn xuống chỉ xa bằng chiều dài một cái cày (4 hắc tay) tựa như vị ấy  đang thu hút đôi mắt tò mò của dân chúng thành Rājagaha, Ngài đi quanh và nhận vật thực vừa đủ cho sự nuôi mạng – vật thực bao gồm tất cả các loại có thể ăn được, thượng vị và thô thiển với nhiều màu sắc được trộn chung với nhau. Rồi Bồ tát hỏi mọi người: “ Những vị Sa-môn đến kinh thành này thường ngụ ở đâu?” Dân chúng trả lời rằng: “ Họ thường ngụ ở lối vào hang động, mặt quay về hướng đông trên đỉnh núi Paṇḍava.” Bồ tát ra khỏi kinh thành bằng cửa đông quan, nơi Ngài đã đi vào. Sau đó, Ngài ngồi mặt quay hướng đông ở lối vào hang động trên ngọn núi, và cố gắng ăn món vật thực hỗn hợp vừa thượng vị vừa tầm thường mà Ngài đã khất thực.

Sau khi thọ hưởng hạnh phúc của đời sống đế vương như vị Chuyển luân chỉ cách vài ngày, giờ đây Bồ tát phải cố gắng ăn miếng vật thực ngon, dở lẫn lộn với đủ màu sắc. Khi sắp đưa miếng vật thực vào trong miệng, Ngài cảm thấy khổ sở cứ như ruột bị đảo lộn và muốn nôn ra vì Ngài chưa bao giờ thấy loại vật thực như vậy trong cuộc đời, và cảm thấy nó thật ghê tởm. Rồi Ngài tự sách tấn chính mình: “ Này Siddhattha, dù ngươi đã từng nắm quyền cai trị tối cao ở hoàng cung, nơi mà đồ ăn và thức uống luôn luôn có sẵn để ngươi thọ hưởng, lại có món cơm được nấu bằng loại gạo trồng ba năm có hương vị thơm ngon, nhưng khi thấy vị Sa-môn mặc y phấn tảo, ngươi đã suy nghĩ: “ Khi nào ta sẽ ăn những vật thực đi bát sau khi trở thành Sa-môn như vị ấy? Đến khi nào ta mới sống bằng những vật thực đi bát như vậy? Và không phải rằng ngươi đã từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn do những ý nghĩ như vậy sao? Bây giờ ước mơ của ngươi đã thành hiện thực, tại sao lại muốn đổi ý?” Rồi Ngài độ thực một cách bình thường, không chút cảm giác khó chịu.

Ba vị quan do vua Bimbisāra phái đi điều tra, họ đi đến Bồ tát và dò hỏi mọi điều liên quan đến Ngài. Rồi hai vị quan ở lại, còn vị thứ ba thì trở về tâu với vua rằng: “ Tâu bệ hạ, vị Sa-môn ấy sau khi đi khất thực thì đang ngồi một cách an lạc ở lối vào hang động, mặt hướng về phía đông, tại đỉnh núi Paṇḍava, hoàn toàn không chút sợ hãi như sư tử vương, hay hổ vương hoặc ngưu vương. Vị ấy độ thực một cách bình thường với vật thực đã kiếm được.” Nhân đó, vua Bimbisāra vội vã lên đường trên chiếc long xa thù thắng và đến chỗ của Bồ tát trên núi Paṇḍava. Khi đến đoạn đường mà xe không thể đi được, vị ấy xuống xe và đi bộ. Khi đến gần Bồ tát, đức vua ngồi trên một phiến đá lạnh, và đầy hoan hỉ trước oai nghi, diện mạo của Bồ tát, đức vua chuyện trò một cách vui vẻ: “ Này hiền hữu, hiền hữu còn trẻ và tao nhã như thế, lại có thân sắc và tướng hảo xinh đẹp. Trẫm nghĩ rằng hiền giả thuộc dòng dõi cao quý, đúng hơn là thuộc giai cấp trị vì thuần tuý. Trẫm muốn trao tặng nhiều của cải và khoái lạc của đời sống đế vương đến hiền giả, tùy thích thọ hưởng trong hai vương quốc dưới quyền cai trị của trẫm, đó là Aṅga và Magadha. Hãy làm hoàng đế và trị vì thiên hạ! Xin nói cho trẫm biết về dòng tộc của hiền giả.” Như vậy đức vua đã hỏi về Bồ tát và dâng hiến vương quyền đến Ngài.

Bồ tát suy nghĩ: “ Nếu ta đã có ước muốn làm vua thì vua của chư thiên như Tứ đại thiên vương và những vị thiên vương khác ắt cũng đã tình nguyện dâng hiến đến ta những điều may mắn vương giả của họ. Hoặc nếu ta tiếp tục sống cuộc đời đế vương trong hoàng cung của ta, thì chắc chắn ta sẽ thành vị Chuyển luân vương. Do không biết điều này, vua Bimbisāra đã đưa ra những lời thỉnh cầu đến ta bằng cách nói những lời như vậy. Ta sẽ nói cho vị ấy biết về đời sống đế vương của ta.” Khi nghĩ vậy, Ngài duỗi cánh tay phải và chỉ về hướng mà từ đó Ngài đã đến và rồi nói lên bài kệ sau đây:

Ujuṃ janapado kaja, Himavantassa passato

dhanavīriyena sampanno Kosalesu niketino.

“Hỡi đại vương cao quý, ngài là bậc đem lại an lạc cho muôn dân bằng pháp từ ái (mettā), trị vì chúng dân bằng bốn nhiếp sự (sangaha-vatthu)! Tại xứ sở của dân tộc Kosala gần ngọn núi Hy-mã- lạp-sơn, từ đây đi thẳng về hướng bắc, có một xứ sở tên gọi là Kapilavatthu, nơi có dồi dào ngũ cốc, đồ ăn và thức uống và lừng danh như thành phố chư thiên Amaravati – là miền đất thuộc về phụ vương Suddhodana của ta, là ngọn đuốc tối thắng của dòng dõi mặt trời mà từ lâu là dòng dõi tổ tiên cao quí từ khi thế giới bắt đầu. Đó là nơi có bảy loại vật báu và những con người dũng cảm số lượng lên đến tám mươi hai ngàn, họ có khả năng hái lấy ngôi sao ở cuối bầu trời bằng tài năng thiện xảo của họ.”

Ādiccā nāma gottena, Sākiyā nāma jātiyā

tamhā kulā pabbajito’mhi kāme abhipatthayaṁ

“Hỡi đại vương cao quý, ngài được công nhận là một vị thiên tử! Vì tôi không phải là người xa lạ mà có quan hệ với thần mặt trời. Thị tộc của tôi là Ādicca, và dòng dõi đế vương Sākiya, tôi đã từ bỏ thế gian với chí nguyện thành Phật, chẳng mong mỏi quả vị nào liên quan đến ngũ dục cả.”

Kāmesvādīnavaṃ disvā Nekkhammaṃ daṭṭhu khemato

padhānāya gamissāmi ettha me rañjati mano

“Hỡi đại vương cao quý, bậc được tôn xưng là thiên tử! Với tri kiến, tôi thấy các vật dục đem lại nhiều đau khổ mà ít khoái lạc, tôi cũng thấy sự từ bỏ các vật dục và các phiền não dục là nơi trú ẩn an toàn tránh khỏi mọi điều nguy hiểm. Sau khi đã trông thấy như vậy, tôi đã trở thành Sa-môn với mục tiêu là đạo quả Phật. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để thành đạt Niết bàn, là thực tại cùng tột được thành tựu qua con đường xuất gia và cũng là pháp an lạc thù thắng nhất. Tâm của tôi luôn luôn tầm cầu trạng thái Niết bàn, vượt trội mọi trạng thái an lạc khác.”

Với ba câu kệ này, Bồ tát đã trả lời đức vua Bimbisāra rằng Ngài xuất thân từ dòng dõi Sākiya và đã sống cuộc đời Sa-môn , rằng Ngài chẳng ham muốn chút nào về năm loại dục lạc, và sau khi trở thành Sa-môn với mục tiêu thành đạt Niết bàn, Ngài sẽ an cư trong rừng sâu để thực hành pháp khổ hạnh ngõ hầu chứng đắc chính trạng thái Niết bàn một cách nhanh chóng. Khi nghe nói vậy, vua Bimbisāra đáp lại: “ Thưa tôn giả, trẫm đã từng nghe rằng ‘ Thái tử Siddhattha, con trai của vua Suddhodana, sau khi tận mắt trông thấy bốn điềm tướng và từ bỏ thế gian để trở thành Sa-môn, sẽ chứng đắc Chánh đẳng giác, trở thành một bậc tối thượng trong ba cõi.’ Sau khi bản  thân biết được chí nguyện cao cả của tôn giả là chứng ngộ Niết bàn, trẫm tin chắc rằng Ngài sẽ thành Phật. Thưa tôn giả, hãy cho phép trẫm được thỉnh cầu đến Ngài. Khi Ngài đã chứng đắc Phật quả rồi, xin hãy viếng thăm vương quốc trẫm trước nhất!” Sau khi nói lên lời thỉnh cầu trân trọng như vậy, vua Bimbisāra bèn trở về kinh đô của vị ấy.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app