CHƯƠNG 13. ĐỨC PHẬT PHÁI SÁU MƯƠI VỊ A-LA-HÁN ĐI TRUYỀN BÁ GIÁO PHÁP

Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên tại khu rừng nai Isipatana, Migadāya. Khi ngụ nơi đó cho đến ngày rằm tháng Assayuja, Đức Phật triệu họp sáu mươi vị A-la- hán và bảo các ngài ra đi truyền bá giáo pháp với nội dung như vầy:

“Này các tỳ khưu, Như Lai đã thành đạt sự giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả mọi cạm bẫy của những pháp ô nhiễm như ái (taṅhā) và tham (lobha), đó là cạm bẫy ái tham đối dục lạc của chư thiên cũng như đối với dục lạc của nhân loại. Này các tỳ khưu, các vị cũng đã đạt được sự giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả mọi cạm bẫy của những pháp ô nhiễm như ái và tham, đó là cạm bẫy ái tham đối với dục lạc của chư thiên cũng như đối với dục lạc của nhân loại.

“Này các tỳ khưu, các vị hãy đi tám hướng vì lợi lạc, sự thịnh vượng và hạnh phúc hợp thế lẫn siêu thế, của nhiều chúng sanh như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên (đi xa nhất là một do tuần trong một ngày). Hai vị đừng đi chung một con đường, vì nếu đi cùng một con đường thì trong khi một vị đang thuyết pháp, vị kia sẽ không làm gì, chỉ ngồi trong im lặng.

Này các tỳ khưu, hãy thuyết pháp đầy đủ những ân đức trong tất cả ba giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối, và có văn nghĩa cụ túc. Hãy thuyết pháp đến nhân loại và chư thiên về ba học pháp gồm giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā), hoàn hảo trong tất cả mọi phương diện và thoát khỏi bụi dơ của ác hành (duccarita).

Này các tỳ khưu, có nhiều chúng sanh, như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, họ có ít bụi phiền não trong con mắt trí tuệ của họ. Nếu không được nghe pháp, họ sẽ bị tổn thất to lớn về diệu pháp, đó là Đạo và Quả. Một số chư thiên và nhân loại sẽ xuất hiện, những chúng sanh này giác ngộ bản chất và ý nghĩa của Pháp một cách trọn vẹn và thông suốt.

Này các tỳ khưu, Như Lai cũng vậy, (sẽ không ở lại Migadāya này để ở trong những chỗ trú ngụ thù thắng và thọ lãnh bốn món vật dụng do các thí chủ dâng cúng, mà) sẽ đi tiếp đến khu rừng Uruvela của ông Senā Nigama để thuyết pháp và hóa độ cho một ngàn vị đạo sĩ.

[Chú ý: Trong năm đoạn kinh kể trên, “câu pháp đầy đủ những ân đức trong tất cả ba giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối” xảy ra ở đoạn kinh thứ ba chỉ về hai thiện đức (kalyāna): thiện đức về giáo pháp (sāsana) và thiện đức về thuyết thị (desanā).]

Trong hai loại thiện đức này: giới (sīla) hình thành thiện đức của phần đầu giáo pháp (sāsana); định (samatha), tuệ quán (vipassanā) và bốn đạo (magga) hình thành thiện đức của phần giữa sāsana; bốn quả (phala) và Niết bàn hình thành thiện đức của phần cuối giáo pháp. Nói cách khác, giới (sīla) và định (samādhi) là phần đầu, quán trí và đạo trí (vipassana-ñāṇa và magga-ñāṇa) là phần giữa, và quả (phala) cùng Niết bàn là phần cuối, đó là những thiện đức. Cách khác nữa: sīla, samādhi và vipassana-ñāṇa là phần đầu, bốn magga là phần giữa, bốn phala và Niết bàn là phần cuối, đó là những thiện đức của giáo pháp.

Về những thiện đức của thuyết thị (desanā) trong một bài kệ có bốn câu, câu thứ nhất là phần đầu, câu thứ hai và thứ ba là phần giữa và câu thứ tư là phần cuối, đó là những thiện đức. Nếu một bài kệ có năm hoặc sáu câu, câu thứ nhất là phần đầu, câu thứ năm và thứ sáu là phần cuối và những câu còn lại là phần giữa, đó là những thiện đức.

Trong một bài kinh chỉ có một liên kết nội dung (anusandhi), phần mở đầu, duyên khởi của bài kinh (nidāna) là phần đầu, nhóm chữ idaṃ avoca, v.v… là phần cuối và nhóm chữ còn lại là phần giữa, đó là những thiện đức. Trong một bài kinh (sutta) có nhiều anusandhi thì nidāna là phần đầu, nhóm chữ idaṃ avoca, v.v… là phần cuối và nhóm chữ có nhiều anusandhi là phần giữa, đó là những thiện đức. Sutta là bài kinh cho thấy một hoặc hai hoặc ba thiện đức của thuyết thị (desanā).

Ma vương đến và ngăn cản

Khi Đức Phật đang giảng dạy sáu mươi vị A-la-hán ra đi truyền bá chánh pháp thì Ma vương tự nghĩ: “Tựa như đang dự định tiến hành một cuộc chiến tranh lớn, vị Sa-môn Gotama này đang phái đi sáu mươi vị A-la-hán, là những vị tướng quân của chánh pháp (sāsana), bằng lời huấn thị: ‘Hai vị đừng đi chung một con đường. Hãy truyền bá chánh pháp’, Ta cảm thấy lo ngại dù chỉ một vị trong sáu mươi vị sứ giả thuyết pháp. Ta sẽ làm thế nào nếu tất cả sáu mươi vị A-la-hán đều thuyết pháp đúng như sự hoạch định của Sa-môn Gotama? Ngay bây giờ, ta sẽ ngăn cản không để Sa-môn Gotama làm như vậy.” Vì thế, Ma vương đi đến Đức Phật và ra sức làm thối chỉ Ngài qua những lời nói như vầy:

Baddhosi sabbapāsehi,

ye dibbā ye ca mānusā

Mahābandhana-baddhosi,

na me samaṇa mokkhasi.

 “ Này Sa-môn Gotama ! Ông đã bị trói chặc trong tất cả những cạm bẫy của những pháp ô nhiễm như ái (taṇhā) và tham (lobha), đó là cạm bẫy ái tham đối với dục lạc của chư thiên cũng như đối với dục lạc của nhân loại. Ông đã bị trói chặt bởi những xiềng xích phiền não (kilesa) trong ngục tù của tam giới. Này ông Sa-môn Gotama! (vì lý do ấy) ông không có cách gì thoát khỏi quyền lực của ta trong tam giới.”

Ma vương nói như vậy với hy vọng rằng “ Qua lời nói như vậy của ta, vị đại Sa-môn sẽ không nỗ lực giải thoát chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi.”

Nhân đó, Đức Phật (để cho thấy rằng những lời Ma vương đã nói ra và hiện trạng của Đức Phật hoàn toàn khác nhau một trời một vực, và chúng hoàn toàn đối nghịch với nhau như nước với lửa), nói với Ma vương bằng những lời dũng cảm sau đây:

Muttā haṃ sabbapasehi,

ye dibbā ye ca mānusā

Mahābandhanā – mutto’mhi,

nihato tvaṃasi antaka.

 “Này Ác ma, kẻ sát nhân tội lỗi ! Như Lai thực sự là người đã hoàn toàn thoát khỏi tất cả những cạm bẫy của những pháp ô nhiễm như ái (taṇhā) và tham (lobha), đó là cạm bẫy ái tham đối với dục lạc của chư thiên cũng như đối với dục lạc của nhân loại. Như Lai cũng là người đã thực sự thoát khỏi vĩnh viễn những xiềng xích của phiền não (kilesa) trong ngục tù của tam giới. Như Lai đã hoàn toàn đánh bại ngươi trong trận chiến kilesa này. (Ngươi thực sự đã thất bại hoàn toàn).

Một lần nữa Ma vương lập lại những lời ngăn trở:

Antalikkhacaro pāso,

yvāyam caratī mānaso.

Tena tam bādhayissāmi,

na me samana mokkhasi.

“Sa-môn Gotama! Cạm bẫy khao khát (rāga) khởi lên trong tâm của chúng sanh và nó có khả năng buộc ràng không thể trốn thoát được ngay cả đối với những cá nhân có thần thông bay trong hư không. Ta sẽ trói chặc và giết hại ông qua cạm bẫy khao khát này. Sa môn Gotama! Ông sẽ không có cách nào thoát khỏi quyền lực của ta trong tam giới.”

Đức Phật nói với Ma vương những lời cương quyết sau:

Rūpā saddcā rasā gandhā,

phoṭhabbā ca manoramā.

Ettha me vigato chando,

nihato tvam’asi antaka.

“Này Ác ma, kẻ sát nhân tội lỗi! Trong thế gian này, có ngũ trần của dục lạc, nhiều loại sắc, nhiều loại thanh, nhiều loại hương, nhiều loại vị, nhiều loại xúc, chúng làm vui thích và đem lại nhiều khoái lạc cho chư thiên và loài người. (Cạm bẫy khao khát của người chỉ có thể buộc những ai chưa thoát khỏi ái và tham do luyến ái và thọ hưởng ngũ trần mà được xem là dục lạc). Ta – Như Lai đã hoàn toàn thoát khỏi ái, tham, ước muốn và khao khát do luyến ái và thọ hưởng ngũ trần mà được xem là dục lạc. (Trong cuộc chiến kilesa), Ta hoàn toàn chiến thắng ngươi. (Thật vậy, ngươi hoàn toàn thất bại).

Lúc đầu Ma vương ngăn Đức Phật và hy vọng: “ Có lẽ Đức Phật sẽ từ bỏ ý định ấy khi nghĩ rằng một vị thiên có quyền lực đã đến can ngăn.” Nhưng vì Đức Phật đã nói với y rằng : “ Này Ác Ma ! Như lai đã hoàn toàn chiến thắng ngươi.” Ma vương buồn bã, thất vọng và nói rằng: “ Đức Thế Tôn đã biết ta là ai rồi! Đức Phật có thiện ngôn đã biết ta là ai rồi.” Rồi Ma vương biến mất ngay tại chỗ ấy.

Đức Phật cho phép xuất gia thông qua việc quy Tam bảo ba lần

(Trong thời gian của mùa an cư kiết hạ (vassa) đầu tiên khi Đức Phật phái sáu mươi vị A-la-hán đi truyền bá chánh pháp, Đức Phật chưa công bố việc an cư kiết hạ dành cho các vị tỳ khưu). Và vì thế các vị tỳ khưu đã dẫn đến trước Đức Phật những người có tâm tha thiết muốn được xuất gia làm Sa-di và tỳ khưu, từ nhiều nơi khác nhau, nhiều quận lỵ khác nhau, với ý nghĩ rằng: “Những người này sẽ được Đức Phật đích thân truyền phép xuất gia sa-di và tỳ khưu.” Khi họ đi đến như vậy thì cả những vị tỳ khưu cũng như những người sắp được xuất gia đều gặp nhiều phiền phức và bị mệt lã trên đường đi.

Khi các vị A-la-hán thuyết pháp, họ thuyết đến những người có phước quá khứ để trở thành “Thiện lai tỳ khưu” và những người không có những phước nghiệp như vậy muốn xuất gia sa-di và tỳ khưu. Đức Phật thường không truyền phép xuất gia cho hạng người sau. Nhưng khi đã có những người muốn xuất gia bao gồm cả hai hạng người, hạng người có cận y đặc biệt để trở thành Thiện lai tỳ khưu và hạng người không có cận y như vậy, Đức Phật muốn ban hành nghi thức xuất gia cho những người không có cận y để trở thành thiện lai tỳ khưu. Ngài suy nghĩ: “ Hiện nay, các vị tỳ khưu đang dẫn đến ta những người muốn xuất gia Sa-di và tỳ khưu từ nhiều nơi khác nhau, nhiều quận lỵ khác nhau vì họ nghĩ rằng: ‘ Những người muốn xuất gia này sẽ được Đức Phật đích thân truyền phép xuất gia cho họ. Và vì thế các vị tỳ khưu cũng như những người đang tầm cầu sự xuất gia phải chịu nhiều phiền phức và mệt mỏi.’ Lành thay, nếu ta cho phép các vị tỳ khưu như vầy: “Này các tỳ khưu! Bây giờ các thầy được phép cho xuất gia Sa-di, xuất gia tỳ khưu đến những người muốn xuất gia tại bất cứ chỗ nào và bất cứ quận lỵ nào.”

Sau đó, Đức Phật ra khỏi chỗ thiền tịnh và ban thời pháp thoại mở đầu cho sự suy xét của Ngài. Ngài kể lại đầy đủ những ý nghĩ đã khởi sanh trong tâm Ngài trong khi Ngài đang ở một mình và nói như vầy: “ Này các tỳ khưu, bây giờ các thầy có thể tự cho xuất gia Sa-di, bây giờ các thầy có thể tự cho xuất gia tỳ khưu đến những người có ước muốn trở thành sa-di và tỳ khưu ở bất cứ nơi nào và bất cứ vùng nào. Như Lai cho phép các thầy được đứng ra truyền phép xuất gia sa- di và tỳ khưu ở bất cứ chỗ nào và bất cứ vùng nào.”

“Này các tỳ khưu, các thầy nên truyền phép xuất gia sa-di và tỳ khưu đến một giới tử theo cách như vầy: “ Trước hết râu tóc của  người kia phải được cạo sạch, rồi cho mặc vào chiếc y vàng. Sau đó bảo người kia đắp y vai trái và đảnh lễ dưới chân vị tỳ khưu, bảo người ấy ngồi chồm hổm và chấp tay đưa lên trán, rồi đọc lời quy Tam bảo ba lần theo sự hướng dẫn của ông thầy:

Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi;

Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi;

Saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi;

Dutiyampi Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi;

Dutiyampi Saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi;

Tatiyampi Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi;

Tatiyampi Saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi.

“Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép các thầy được truyền phép xuất gia sa-di và tỳ khưu bằng ba lần quy Tam bảo như trên.”

(Ở đây, phép xuất gia sa-di và tỳ khưu gồm có ba giai đoạn: (1) cạo sạch râu tóc cho giới tử, kesacchedāna; (2) đắp y vàng cho vị ấy, kāsayacchādāna; và (3) truyền Tam quy).

Ma vương đến ngăn cản lần thứ hai

Sau khi Đức Phật ngụ suốt bốn tháng mùa mưa, đến ngày rằm tháng Kattikā, tại Isipatana, Migadāya, Ngài triệu tập các vị tỳ khưu và nói với họ như vầy:

“Này các tỳ khưu, những người con trong giáo pháp! Như Lai đã chứng đạt quả thánh A-la-hán (arahatta-phala) tối thượng và vô song nhờ chánh niệm và chánh tinh tấn (Như Lai đã nhập thiền A-la- hán quả định – arahatta-phala-samāpatti, liên tục không gián đoạn). Này các tỳ khưu! Các vị cũng nên cố gắng thành đạt A-la-hán quả (arahatta-phala) tối thượng và vô song nhờ chánh niệm và chánh tinh tấn. Hãy chứng đạt A-la-hán quả tối thượng và vô song. (Hãy nhập thiền A-la-hán quả định – arahatta-phala-samāpatti, liên tục không gián đoạn).”

(Đức Phật đưa ra lời khuyên này với những mục đích sau đây: Không để họ lưỡng lự vì tập khí (vāsanā) đã ăn sâu khi họ còn phàm phu (puthujjanabhāva) do nghĩ rằng: “ Bây giờ chúng ta là những bậc A-la-hán với các lậu hoặc (āsava) đã diệt tận. Lợi ích gì cho chúng ta trong việc thực hành thiền định ? Sẽ không có lợi ích nào cả.” Và để khiến họ tu tập quả định (phala-samāpatti) trong những chỗ ngụ ở những vùng ngoại ô của các làng mạc và châu quận; và như vậy sẽ khiến những vị tỳ khưu khác thấy mà làm theo (diṭṭhanugati) việc tu tập phala-samāpatti).

Nhân đó, Ma vương đi đến Đức Phật và nói những lời ngăn cản như vầy:

Buddho’si mārapāsehi,

ye dibbā ye ca mānusā.

Mahābandhanābaddho’si,

na me samaṇa mokkhasi.

“Này ông Sa-môn Gotama! Ông đã bị trói buộc và kẹt trong tất cả những cạm bẫy của những pháp ô nhiễm như ái (taṇhā) và tham (lobha), đó là cạm bẫy ái tham đối với dục lạc của chư thiên và cũng là cạm bẫy ái tham đối với dục lạc của nhân loại. Ông đã bị trói chặt bởi những xiềng xích của phiền não (kilesa) trong ngục tù của tam giới. Này ông Sa-môn Gotama ! (Vì lý do ấy) ông không có cách nào để thoát khỏi quyền lực của ta trong tam giới.”

Nhân đó, Đức Phật (để cho thấy rằng những lời Ma vương đã nói ra và hiện trạng của Đức Phật hoàn toàn khác nhau một trời một vực và chúng hoàn toàn đối nghịch nhau như nước với lửa) bèn nói với Ma-vương bằng những lời cương quyết sau đây:

Muttāhaṃ mārapāsehi;

ye dibbā ye ca mānusā.

Mahābandhanāmutto’mhi;

nihato tvamasi antaka.

“Này Ác Ma ! Như Lai thực sự là người đã hoàn toàn thoát khỏi tất cả những cạm bẫy của các pháp ô nhiễm như ái và tham. Đó là cạm bẫy ái tham đối với dục lạc của chư thiên và cạm bẫy ái (taṇhā) và tham (lobha) đối với dục lạc của nhân loại. Như Lai cũng thực sự  là người đã vĩnh viễn thoát khỏi tất cả những xiềng xích phiền não (kilesa) trong ngục tù của tam giới. Như Lai đã hoàn toàn chiến thắng ngươi trong trận chiếc kilesa này. (Ngươi thực sự đã bị thất bại hoàn toàn).

Nhân đó, Thiên Ma buồn bã và thất vọng mà nói rằng: “ Đức Phật đã biết rõ ta là ai rồi, Đức Phật có thiện ngôn đã biết rõ ta là ai rồi.” Rồi Ma vương biến mất ngay tại chỗ ấy.

Ba mươi chàng công tử của nhóm Bhadavaggī xuất gia Sa môn

(Chư Phật khi ngụ ở bất cứ một nơi nào không bao giờ cảm thấy khó chịu và bất lạc vì nơi ấy thiếu bóng mát và nước, vì điều kiện sống cực khổ và vì dân chúng nơi đó số lượng ít ỏi hoặc không có những thiện đức như niềm tin. Khi các ngài ngụ lâu dài ở một nơi nào đó, không phải vì có đầy đủ chỗ trú ngụ, nước và dân cư có niềm tin để các ngài cảm thấy thoải mái và an vui khi nghĩ rằng: “ Chúng ta có thể sống hạnh phúc tại chỗ này!” Thực ra, chư Phật trú ngụ ở một nơi nào đó vì các ngài muốn đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh bằng cách an trú họ trong Tam quy, trong Giới, trong đời sống Sa- môn và trong Đạo Quả, nếu họ sẵn sàng quy y Tam bảo, thọ trì Bát giới và Thập giới, xuất gia làm Sa-môn, và nếu họ có những phước đặc biệt trong quá khứ để làm cận y duyên (upanissaya-paccaya) cho việc chứng đắc magga-phala của họ. Như vậy, thông lệ của chư Phật là độ chúng sanh có đủ cận y duyên để giải thoát, và nếu nơi ấy không còn ai để độ thoát thì các Ngài đi đến một nơi khác).

Sau khi Đức Phật đã lưu trú tại Isipatana, Migadāya gần Bārānasī cho đến khi ước muốn tế độ cho nhóm tỳ khưu pañcavaggī và những người khác đã hoàn thành, Ngài lên đường ra đi một mình mang theo bát, đến khu rừng Uruvelā. Trên đường đi, Ngài đi vào rừng cây có tên là Kappāsika và ngồi lại dưới một cội cây nọ.

Vào thời điểm đó, ba mươi chàng công tử trong nhóm Bhaddavaggī (sở dĩ có tên như vậy là vì họ có những đặc điểm sau đây: khôi ngô, tuấn tú, tánh tình hiền lành và thường đi chung với nhau) đang vui say tiệc tùng trong khu rừng Kappāsika và dẫn theo những người vợ của họ. Tuy nhiên một trong số những vị công tử này thì dẫn theo một kỹ nữ vì chàng công tử này chưa lấy vợ. Trong khi các chàng công tử đang vui say thì cô kỹ nữ lấy cắp những vật trang sức của họ và bỏ trốn.

Sau đó, cả ba mươi chàng công tử cùng nhau rảo đi khắp khu rừng để tìm kiếm cô kỹ nữ. Trong khi đang tìm kiếm như vậy, họ đi đến chỗ Đức Phật đang ngồi đưới cội cây, họ đi đến Ngài và (chưa đảnh lễ Đức Phật) họ hỏi Ngài như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn có thấy một người phụ nữ đi qua đây không?” Khi Đức Phật hỏi lại họ: “ Này các chàng công tử! Các vị có việc gì liên quan đến người phụ nữ kia?” Họ đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, ba mươi người bạn của chúng con đang vui chơi trong khu rừng Kappāsika cùng với những người vợ của chúng con. Một trong những người bạn của chúng con vì chưa lấy vợ nên đã dẫn theo một kỹ nữ. Nhưng trong khi chúng con đang chè chén vui say thì cô gái ấy đã lấy cắp những vật trang sức và bỏ trốn. Để giúp người bạn ấy, chúng con đang rảo đi trong khu rừng Kappāsika này để tìm kiếm cô gái kia.”

Nhân đó, Đức Phật hỏi họ như vầy: “ Này các chàng công tử ! Theo nhận xét của các vị thì việc làm nào tốt hơn cho các vị, tìm cô gái bỏ trốn hay tìm kiếm chính mình?” Họ đáp lại : “ Bạch Đức Thế Tôn ! Tốt hơn cho chúng con là tìm kiếm chính mình.” Đức Phật dạy rằng : “ Này các chàng công tử ! Hãy ngồi xuống. Như lai sẽ dạy Pháp cho các ngươi.” Và các chàng công tử đáp lại : “ Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn !” Sau khi tôn kính đảnh lễ Đức Phật, ba mươi vị công tử của nhóm Bhaddavaggi ngồi xuống nơi thích hợp của họ, là chỗ ngồi không mắc phải sáu khuyết điểm.

Rồi Đức Phật giảng dạy đến họ tuần tự pháp dẫn đến magga- phala (1) Bố thí thoại (dāna-kathā), (2) Trì giới thoại (sīla-kathā), (3) Sanh thiên thuyết (sagga-kathā), (4) Đạo thuyết (magga-kathā) cũng như Ngũ dục tội quá (kāmānaṁ ādīnava-kathā) và Xuất gia công đức (nekkhamme ānisaṁsa-kathā). Sau đó, khi biết rõ tâm của ba mươi vị công tử thích ứng, nhu nhuyến và thoát khỏi các triền cái, có nhiệt tâm, hân hoan, thanh tịnh và trong sáng, Đức Phật thuyết Pháp do Ngài khám phá đầu tiên (Samukkaṁ sika dhamma-desanā) về Tứ Diệu Đế, và ba mươi vị công tử Bhaddavaggī một số được an trú trong Dự lưu thánh quả (sotāpatti-phala), một số được an trú trong Nhất lai thánh quả (sakadāgāmi-phala) và số khác được an trú trong Bất lai thánh quả (anāgāmi-phala). (Không người nào trong bọn họ còn mang thân phận phàm phu – puthujjana).

Sau khi ba mươi chàng công tử Bhaddavaggī đã được an trú trong các sotāpatti-phala, sakadāgāmi-phala và anāgāmi-phala, họ thỉnh cầu Đức Phật truyền phép xuất gia tỳ khưu cho họ như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin cho chúng con được xuất gia (pabajja) và thọ cụ túc giới (upasampadā) trước sự hiện diện của Thế Tôn.” Đức Phật duỗi cánh tay vàng ánh của Ngài và gọi đến như vầy: “ Etha Bhikkhave”, v.v… nghĩa là: “Hãy đến, này các tỳ khưu! Hãy thọ lãnh phép xuất gia và cụ túc giới mà các con đã thỉnh cầu, này các con, Pháp      đã  được  Như       Lai   khéo   thuyết   giảng.  Các con hãy cố gắng chuyên tâm tu tập các đạo bậc cao để chấm dứt luân hồi.” Ngay tức thì ba mươi chàng công tử Bhaddavaggī liền trở thành những vị tỳ khưu cụ túc giống như những vị trưởng lão đã trải qua sáu mươi hạ, đầy đủ y phục và tám món vật dụng do năng lực  thần thông tạo ra, mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, đang ở trong tư thế đảnh lễ Đức Phật. Tướng mạo cư sĩ của họ đã biến mất một cách diệu kỳ, vì họ đã được biến thành những vị tỳ khưu. (Chỉ câu nói: ‘ Etha Bhikkhave’ của Đức Phật là ba mươi vị công tử đã được thành tựu những vị thiện lai tỳ khưu – ehi-bhikkhu. Không cần những nghi thức xuất gia được thực hiện trong lễ phát lồ như hiện nay).

(Ở đây, ba mươi chàng công tử đã từng là ba mươi người nghiện rượu trong bổn sanh Tunḍila của chương Chakka Nipāta. Vào lúc ấy, họ thọ trì đúng đắn năm giới cấm sau khi nghe những lời khuyên răn của Lợn chúa Mahātuṇḍila, là Bồ tát tiền thân của Đức Phật. Những việc phước của họ qua sự thọ trì ngũ giới là nguyên nhân xuất khởi trong quá khứ để làm cận duyên cho việc giác ngộ Tứ Diệu Đế trong kiếp hiện tại của họ. Ngoài ra, sau khi thọ trì ngũ giới, họ cũng đã làm nhiều việc phước khác với mục đích thoát khỏi luân hồi (vivaṭṭanissita) bằng cách nghe Pháp, quy y Tam bảo, bố thí, trì giới và thực hành thiền Định và tu Tuệ quán suốt những thời kỳ giáo pháp của chư Phật quá khứ. Vì những lý do này, họ có được may mắn như chứng đắc các magga và các phala bậc thấp và trở thành những vị thiện lai tỳ khưu – ehi-bhikkhu, v.v… vào ngày họ gặp được Đức  Phật.

Ba mươi vị trưởng lão Bhaddavaggī là anh em cùng cha khác mẹ với vua Kosala. Vì họ thường sống ở thành phố Pāveyya ở phía tây của nước Kosala, nên họ được mọi người biết đến qua cái tên những vị trưởng lão Pāveyyaka như đã được mô tả trong các bộ kinh. Cũng do duyên cớ phát sanh từ những vị trưởng lão này mà về sau Đức Phật cho phép làm lễ dâng y Kaṭhina. Ba mươi vị trưởng lão Pāveyyaka Bhaddavaggī chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-phala) sau khi nghe bài kinh Anamatagga (Con đường luân hồi không có bắt đầu – kinh Khởi thủy) khi Đức Phật đang trú ngụ ở tịnh xá Veḷuvana tại Rājagaha. (Kinh Tiṃsamatta, Dutiyavagga trong Anamatagga saṃyutta).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app