Vua Bimbisāra dâng cúng Trúc Lâm viên (Veḷuvana)

Cùng với một ngàn vị tỳ khưu, Đức Phật đi vào kinh thành Rājagaha có Đế Thích, vua của chư thiên, dẫn đường. Vua Bimbisāra đưa Đức Phật và chúng tỳ khưu đi vào hoàng cung, tận tay dâng cúng các ngài vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm. Sau đó ngồi xuống ở chỗ thích hợp, tránh sáu khuyết điểm, ý nghĩ chợt đến như sau: “ Nơi nào có sáu đặc điểm sau đây: (1) không quá xa thành phố, (2) không quá gần thành phố, (3) có những con đường đi lại, (4) dễ dàng cho mọi người đến lúc nào cần thiết, (5) không bị chi phối bởi tiếng  ồn của thị thành, làng mạc, Đức Phật sẽ ngụ tại đó?”

Trúc lâm viên (Veḷuvana) trong quyền sở hữu của nhà vua có đủ năm đặc điểm này. Sau khi suy nghĩ rằng sẽ rất tuyệt diệu nếu dâng cúng công viên Veḷuvana đến chúng tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu, nhà vua bạch với Đức Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn, con không thể ở xa Tam bảo được, con muốn đến yết kiến Đức Phật vào tất cả mọi cơ hội. Khu rừng thốt nốt, nơi Thế Tôn đang ngự quá xa thành phố trong khi công viên Veḷuvana của chúng con, không quá xa cũng không quá gần thành phố, lại có những con đường lớn dẫn đến đó. Đấy là nơi rất thích hợp để Thế Tôn cư ngụ. Do đó, xin Ngài bi mẫn nhận công viên Veḷuvana do con dâng cúng.”

Sau khi đã tác bạch với Đức Phật như vậy, vua Bimbisāra cầm cái bình bằng vàng đựng nước thơm, vừa rót vào bàn tay của Đức Phật vừa đọc những lời sau đây:

“Etāhaṃ Bhante Veḷuvanaṁ Uyyānaṁ Buddhappamukhassa Bhikkhusaṁghassa dammi – Bạch Đức Thế Tôn, con xin dâng cúng công viên Veḷuvana đến chúng tỳ khưu có Ngài chứng minh.” Khi Đức Phật thọ nhận công viên Veḷuvana thì đại địa chấn động, chao đảo như nàng thiếu nữ nhảy múa vì vui sướng.

(Chú ý: Khắp cõi Jambudīpa, ngoại trừ công viên Veḷuvana, không có khu lâm viên nào được Đức Phật thọ nhận mà có sự rung chuyển của đại địa). (Theo Chú giải Buddhavaṁsa)

Mười câu kệ tán dương sự cúng dường chỗ ngụ được trích dẫn từ bộ Buddhavaṁsa Aṭṭhakathā

Sau khi thọ nhận công viên Veḷuvana, Đức Phật thuyết pháp đến vua Bimbisāra của nước Magadha để tán dương sự bố thí chỗ ngụ như sau:

(1)       Āvāsadānassa pan’ānisaṁsaṁ,

ko nāma vatuṃ puriso samattho,

aññatra Buddhā pana lokanāthā,

yutto mukhānaṁ nahutena c’āpi.

 (Đại vương!) Ngoài Đức Phật Chánh biến tri, chúa tể của thế gian, không thể có người nào dầu người ấy có đến mười ngàn cái miệng cũng không thể lột tả hết những lợi ích phát sanh từ sự bố thí chỗ ngụ.

 (2)       Ayuṁ ca vaṇṇa ca sukhaṃ balañi ca,

varaṁ pasatthaṁ paṭibhānam eva;

dadāti nāmāti puvuccate so,

yo deti sanghassa naro vihāraṁ.

(Đại vương!) Người kiến tạo tịnh xá rồi dâng cúng đến chúng tỳ khưu để làm chỗ trú ngụ cho họ, có thể được xem là người đã hoan hỉ, tín thành đến Tăng, sự trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, sức mạnh và trí tuệ cao siêu.

(3)       Dātā nivāsassa nivaranasso,

sitādino jīvitupaddavassa;

pāleti āyuṁ pana tassa yasmā,

āyuppado hoti tam āhu santo.

(Đại vương!) Người kiến tạo tịnh xá rồi dâng cúng một cách rộng rãi để làm chỗ ngụ, ngăn chặn các điều nguy hại như nóng, lạnh, v.v… có thể gây nguy hại đến đời sống, có thể được xem là người đã cho sự bảo vệ mạng sống đến chư Tăng đang ngụ ở đó. Tất cả những thiện nhân có giới đức do Đức Phật dẫn đầu đều tán dương người bố thí tịnh xá như vậy, là người bố thí mạng sống.

(4)       Accuṇhasīte vasato nivāse,

balañ ca vaṇṇo paṭibhā na hoti;

tasmā hi so deti vihāradātā,

balañ ca vaṇṇaṃ patibhānaṃ eva.

(Đại vương !) Vị tỳ khưu sống ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh như ngoài trời, v.v… bị bức bách bởi khí hậu khắc nghiệt do thiếu duyên hỗ trợ (upanissaya paccaya), thời sức mạnh, sắc tươi tốt, trí tuệ bậc cao của vị ấy không thể tồn tại vững chắc. (Sự tồn tại như vậy chỉ có thể xảy ra ở nơi trú ngụ an ổn). Người bố thí tịnh xá ấy có thể được xem là người hoan hỉ tín thành bố thí sức mạnh, sắc tươi tốt, và trí tuệ.

 (5) Dukkhassa situṇhasarīsapā ca,

vātātapādippabhavassa loke;

nivāraṇā ‘nekavidhassa niccam,

sukhappado hoti vihāradātā.

(Đại vương!) Người bố thí chỗ ngụ có thể được xem là người cho sự an lạc, vì chỗ ngụ hằng ngăn ngừa tất cả mọi điều khổ trong thế gian do bởi nóng lạnh, rận rệp, bò cạp, loài bò sát và những điều bức bách khác từ những ngọn gió độc và cơn nóng thiêu đốt.

 (6)       Sit’uṇhavātātapaḍaṁ savuṭṭhi

Sarisapāvāḷa migādidukkham;

yasmā nivāreti vihāradātā

tasmā sukhaṁ vindati so parattha.

(Đại vương !) Người bố thí chỗ ngụ giúp ngăn chặn các điều khổ gây ra bởi lạnh, nóng, gió, nắng, muỗi, mòng, cơn mưa sái mùa, các loài rắn độc, bò cạp, các loại thú hoang, v.v… Do đó, người bố thí chỗ ngụ ấy chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc của thân và tâm trong kiếp sau.

(7)  Pasaṇṇacitto bhavatogahetuṁ,

manobhirānaṁ mudito vihāraṁ;

yo deti silādiguṇoditānaṁ,

sabbaṃ dado nāma pavuccate so.

(Đại vương !) Người có tâm tịnh tín đầy hoan hỉ, xây dựng rồi bố thí chỗ ngụ khả ái, khả lạc mà sẽ đem lại sự thành tựu kiếp sống hạnh phúc và sự thịnh vượng. Chỗ ngụ ấy được dâng đến các vị tỳ khưu bậc thánh có năm đức như giới, v.v… Tất cả chư Phật quá khứ đều khen ngợi vị thí chủ như vậy là người cho bốn điều hạnh phúc: sức mạnh, sự an vui, sắc tươi đẹp và trí tuệ.

(8) Pahāya maccheramalaṁ salobhaṁ,

guṇadayānaṁ nilayaṁ dadāti;

khitto’va so tattha parehi sagge

yathābhataṃ jāyati vitasoko.

(Đại vương !) Người đã từ bỏ cấu uế bỏn xẻn cùng với tham, xây dựng và bố thí tịnh xá để làm chỗ trú ngụ cho các vị tỳ khưu bậc thánh, là những bậc có năm đức như giới, v.v… hư những người chuyên chở hàng hóa giao hàng đến những nơi mong muốn, cũng vậy, nghiệp là kẻ chở vị thí chủ tín thành đến chỗ hạnh phúc. Kết quả là người ấy được tái sanh vào các cõi chư thiên, nơi có ngũ dục sung mãn nhất là vật thực và chỗ ngụ.

(9)      Vare cārurupe vihāre uḷāre,

naro kāraye vāsaye tattha bhikkhū;

dadeyy’annapāmañ ca vatthañ ca nesaṁ,

pasannena cittena sakkacca niccaṁ.

 (Đại vương !) Do đó, người có trí tuệ hằng quan tâm đến lợi ích của chính mình, nên sai người xây dựng tịnh xá khang trang, đáng khen ngợi, khả ái và rộng rãi. Rồi vị ấy nên thỉnh các vị tỳ khưu có nhiều trí tuệ và kinh nghiệm đến ngụ trong tịnh xá. Vị ấy phải luôn luôn có tâm tịnh tín và tôn kính các vị tỳ khưu đang trú ấy và hoan hỉ cúng dường đến họ nhiều loại vật thực, thức uống và y phục.

(10)    Tasmā Mahārāja bhavesu bhoge,

manorame paccanibhuyya bhiyyo

vihāradānassa phalena santaṁ,

sukhaṁ asokaṁ adhigaccha pacchā ti.

(Đại vương !) Do kết quả của phước thí về tịnh xá này với tâm tịnh tín, đại vương sẽ được hưởng sự giàu sang mỗi kiếp một to lớn hơn trong các cõi hạnh phúc, sau đó qua sự chứng đắc bốn đạo và bốn quả, đại vương sẽ được thành đạt hạnh phúc của Niết bàn, hoàn toàn thoát khỏi mọi sầu khổ.

Sau khi ban lời phúc chúc đến vua Bimbisāra bằng thời pháp tán dương sự dâng cúng tịnh xá, Đức Phật đứng dậy khỏi chỗ ngồi và cùng với một ngàn vị tỳ khưu, về ngụ ở công viên Veḷuvana.

(Theo Chú giải Buddhavaṁsa, công viên Veḷuvana có nhiều tòa nhà hình chóp xinh đẹp (pasāda), nhiều tòa nhà mái bằng (hammiya), nhiều tòa nhà xây bốn mái (vihāra), nhiều tòa nhà hai mái (addhayoga) v.v…)

Đức Phật cho phép thọ nhận vật cúng dường là chỗ ngụ

Sau khi ban thời pháp thoại về sự dâng cúng Trúc Lâm viên bởi vua Bimbisāra, Đức Phật tuyên bố với các vị tỳ khưu như vầy: “Anujānāmi Bhikkhave ārāmaṁ – Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép các thọ nhận nơi cư ngụ.”

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Tirokuṭṭa

Vào ngày sau khi Đức Phật thọ nhận Trúc lâm viên, Ngài thuyết giảng kinh Tirokuṭta. Nội dung chi tiết của bài kinh ấy như sau:

Cách đây chín mươi hai đại kiếp, kể từ đại kiếp này, vua Jayasena trị vì nước Kāsi (trong bộ Chú giải Pháp cú kinh, Sāriputta Vatthu, Yamaka vagga, Ekanipātta trong Chú giải kinh Tăng chi, có nêu  ra  rằng  đức  vua  có  tên  là  Mahinda).  Bà  chánh  hậu  của  vua Jayasena, Sīrimā hạ sanh Bồ tát, đặt tên là Phussa. Khi lớn lên, Bồ tát Phussa xuất gia, chứng đắc giải thoát và thành Phật. Vua Jayasena, nói rằng: “ Con trai cả của ta đã thành Phật sau khi từ bỏ thế gian và sống cuộc đời Sa-môn,” bèn phát triển sự tôn kính với ý nghĩ cố chấp rằng: “ Đức Phật của ta, đức Pháp của ta, đức Tăng của ta,” đến nỗi vị ấy dành lấy đặc ân cho riêng mình là hầu hạ chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu mà không để cho người khác có cơ hội tôn kính cúng dường. Đức vua sai người làm những dãy hàng rào bằng tre dọc theo hai bên con đường chạy dài từ cổng của tịnh xá đến hoàng cung, phía trên được che bởi những tán lọng có đính những ngôi sao bằng vàng với những chuỗi hoa treo buông xuống, ở bên dưới mặt đất cát trắng được phủ đầy và tất cả những loại hoa được rải khắp để Đức Phật chỉ đi theo  con đường này.

Đức Phật Phussa đắp y, mang bát, rồi cùng với chúng tỳ khưu đi theo con đường có vách rào và lọng che đến hoàng cung. Sau khi độ thực xong, các Ngài phải theo con đường cũ trở về tịnh xá. Không một người nào trong kinh thành có được cơ hội để cúng dường vật thực.

Đa số dân chúng đều phàn nàn rằng: “ Tuy Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian, nhưng chúng ta không có được cơ hội tạo phước qua sự cúng dường đến Ngài. Như mặt trăng, mặt trời xuất hiện để đem đến ánh sáng cho tất cả mọi người; như thế, chư Phật xuất hiện vì lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Nhưng vị vua này đã độc quyền giữ lấy ruộng phước to lớn mà lẽ ra là cho tất cả.”

Ba vị hoàng tử là những người em cùng cha khác mẹ với Đức Phật Phussa, cũng suy nghĩ rằng: “ Chư Phật xuất hiện vì phúc lạc của tất cả chúng sanh, không phải vì lợi ích cho riêng bất cứ ai. Phụ vương của chúng ta đã tước mất quyền lợi của mọi người là hầu hạ Đức Phật và cúng dường đến Ngài. Làm sao chúng ta có được cơ hội như vậy?”

Những người dân có cùng ý nghĩ với ba vị hoàng tử đã bàn bạc với nhau và bày ra mưu kế. Họ quyết định tạo ra một cuộc nổi loạn giả tại các vùng biên giới. Nghe tin loạn quân đã chiếm cứ các vùng biên giới, đức vua phái ba người con trai ấy đi dẹp loạn. Khi ba vị hoàng tử đã dẹp yên giặc loạn và trở về, phụ vương Jayasena của họ rất vui mừng và muốn ban thưởng cho họ. Đức vua nói rằng: “ Này các con, các con có thể xin bất cứ đặc ân nào mà các con muốn.” Nhân đó, các vị hoàng tử đáp lại : “ Thưa phụ vương, chúng con chẳng muốn phần thưởng nào khác. Chúng con chỉ xin phụ vương một đặc ân là được hầu hạ Đức Phật và cúng dường đến Ngài.”

Đức vua nói: “ Này các con, các con có thể xin bất cứ đặc ân nào khác ngoài đặc ân này.” Các vị hoàng tử đáp lại: “ Tâu phụ vương, chúng con không muốn đặc ân nào khác.” “ Nếu thế, các con có thể làm như vậy chỉ trong một thời gian nào đó.”

Nhân đó, các vị hoàng tử xin một hạn kỳ là bảy năm. Đức vua từ chối cho rằng thời gian như vậy là quá dài. Theo cách này, các vị hoàng tử xin những hạn kỳ giảm dần là sáu năm, năm năm, bốn, ba, hai, một năm, rồi bảy tháng, sáu tháng, năm tháng và cuối cùng chỉ còn bốn tháng. Khi đức vua bác bỏ tất cả những lời thỉnh cầu này, các vị hoàng tử xin được phép hầu hạ Đức Phật trong ba tháng. Đức vua đồng ý yêu cầu này: “Thôi được, ta chấp nhận yêu cầu này.”

Sau khi được đức vua cho phép, các vị hoàng tử vui sướng đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con muốn hầu hạ Thế Tôn suốt ba tháng của mùa mưa. Cầu xin Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con mà đến trú trong lãnh thổ của chúng con suốt ba tháng của mùa mưa.” Đức Phật im lặng nhận lời.

Khi biết rằng Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu của họ, ba vị hoàng tử bèn nhắn tin đến vị quan thống soái của họ, nói rằng: “ Này tướng quân, trong suốt ba tháng của mùa mưa, chúng ta muốn hộ độ chín chục ngàn vị tỳ khưu với bốn món vật dụng, có Đức Phật Phussa, vị anh cả của chúng ta dẫn đầu. Ngươi phải nhanh chóng lo liệu công việc xây dựng tịnh xá, phòng ốc, v.v… để Đức Phật và chúng Tăng đến trú ngụ.” Vị quan thống soái sau khi đã hoàn tất công việc xây dựng các tịnh xá theo mệnh lệnh của ba vị hoàng tử, báo cáo rằng: “ Công việc xây dựng các tịnh xá đã được hoàn tất y lịnh.”

Ba vị hoàng tử cùng với một ngàn thuộc hạ, sau khi mặc vào y phục nhuộm màu vỏ cây, bèn đưa chúng tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu đến lãnh thổ của họ. Tổ chức hai ngàn năm trăm người hầu để phục vụ chúng Tăng với bốn món vật dụng và sự tiện nghi. Rồi các hoàng tử dâng cúng đến Đức Phật và chúng Tăng những khu vực tịnh xá để các Ngài vào ngụ trong đó.

Vợ chồng vị quan giữ kho khởi tâm tịnh tín

Vị quan giữ kho của ba vị hoàng tử và vợ của ông ta có đức tin rất trong sạch đối với Tam bảo. Thay mặt ba vị hoàng tử, ông ta lấy ra từ các kho những vàng bạc, châu báu dành cho Đức Phật và chúng Tăng rồi trao chúng cho vị tướng quân. Vị tướng quân nhận lấy chúng và cùng với mười một ngàn người dân cư của xứ ấy đi chọn mua thức ăn, đem về nấu thành những món ăn thượng vị để dâng cúng mỗi ngày đến Đức Phật và chúng Tăng. (Ba vị hoàng tử và một ngàn lính hầu của họ, tất cả đều đắp y vỏ cây, ở tại tịnh xá, thọ trì giới, nghe pháp và làm các bổn phận lớn nhỏ để hầu hạ Đức Phật và chúng Tăng).

Những quyến thuộc xấu tánh của vị nguyên soái tướng quân

Trong số mười một ngàn người dân làm những công việc vặt theo lệnh của vị tướng quân, một số quyến thuộc của vị ấy là những người ác, có tánh xấu. Họ đã gây ra nhiều phiền phức cho việc cúng dường vật thực, họ thu giấu vật thực dành cho Đức Phật và chư Tăng, đem về ăn và nuôi con cái, họ cũng châm lửa đốt những giả ốc để phân phối vật thực.

Đức Phật Phussa được thỉnh về hoàng cung của phụ vương

Khi mùa an cư đã qua và các vị tỳ khưu đã làm lễ tự tứ (pavāranā), ba vị hoàng tử tổ chức lễ cúng dường to lớn tôn vinh Đức Phật. Và để hoàn thành lời cam kết với phụ vương, họ tổ chức lễ rước long trọng đưa Đức Phật trở về kinh đô của vua cha. Ngay sau khi đến kinh đô nước Kāsi, nơi vua Jayasena đang ngự, Đức Phật Phussa viên tịch đại Niết bàn (Theo Chú giải Tăng chi bộ, Đức Phật Phussa viên tịch đại Niết bàn khi đang ngụ với các vị hoàng tử).

Đức vua Jayasena cũng như ba vị hoàng tử, vị quan tể tướng (nguyên soái tướng quân), và vị quan quốc khố lần lượt mạng chung, họ cùng với tùy tùng tái sanh vào cõi chư thiên. Còn những quyến thuộc có tánh ác của vị quan tể tướng thì tái sanh vào địa ngục cùng khổ (niraya).

Trải qua chín mươi hai đại kiếp, nhóm thứ nhất tái sanh trở đi trở lại trong các cõi chư thiên, thì nhóm thứ hai mãi tái sanh hết địa ngục này đến địa ngục khác. Đến hiền kiếp này (bhadda kappa) khi Đức Phật Kassapa xuất hiện trong thế gian, những quyến thuộc ác xưa kia của vị quan tể tướng tái sanh vào cõi ngạ quỷ. Lúc bấy giờ, dân chúng, sau khi làm các việc phước về bố thí, thường hồi hướng phước đến các quyến thuộc đã quá vãng của họ đang chịu đói khát trong cõi ngạ quỷ, họ nói rằng: “ Idaṁ amhākaṁ ñātinaṁ hotu – Xin cho phước thí này thấu đến những quyến thuộc đã quá vãng của chúng tôi.” Vì thế, những quyến thuộc trước kia giờ là ngạ quỷ được hạnh phúc và an lạc.

Thấy những ngạ quỷ khác có được hạnh phúc và an lạc, chúng đi đến Đức Phật Kassapa và thỉnh cầu Ngài: “ Bạch Thế Tôn, có thể nào để chúng con sẽ được thọ hưởng hạnh phúc như vậy chăng?” Đức Phật trả lời: “ Này các ngạ quỉ, chưa đến lúc để các ngươi thọ hưởng sự an lạc như vậy. Sau một trung kiếp (antara-kappa), Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện trong thế gian. Lúc bấy giờ có một vị vua tên là Bimbisāra, cách đây chín mươi hai đại kiếp, tính từ hiền kiếp này (bhadda-kappa), vị vua Bimbisāra trước kia là vị nguyên soái, thân bằng quyến thuộc của các ngươi. Nhà vua Bimbisāra, sau khi cúng dường vật thực to lớn đến Đức Phật Gotama, sẽ hồi hướng phước của vị ấy đến cho các ngươi. Đến lúc ấy tất cả các người sẽ được thọ hưởng hạnh phúc như vậy.”

Những lời nói hy vọng của Đức Phật Kassapa làm cho các ngạ quỷ tràn đầy hoan hỉ tựa như Ngài đã nói với chúng rằng: “Các người sẽ đạt được hạnh phúc vào ngày mai.”

Sau một thời gian dài giữa thời kỳ của Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ của Đức Phật Gotama, ba vị hoàng tử cùng với tùy tùng của họ mạng chung từ cõi chư thiên và tái sanh vào dòng dõi Bà-la- môn trong nước Magadha, họ từ bỏ đời sống gia đình và trở thành ba anh em đạo sĩ tại Gayasisa cùng với một ngàn đệ tử ẩn sĩ của họ. Vị quan tể tướng xưa kia của ba vị hoàng tử nay là vua Bimbisāra, trị vì nước Magadha. Quan giữ kho của ba vị hoàng tử bây giờ là trưởng giả Visakha, vợ ông là con gái của một vị trưởng giả. Hội chúng còn lại xưa kia giờ đây là tùy tùng của vua Bimbisāra.

Như đã giải thích ở trên, khi Đức Phật Gotama của chúng ta, bậc có oai lực bất khả tư nghì (acinteyya), chúa tể của ba cõi, đến Rājagaha, Ngài độ cho vua Bimbisāra và tùy tùng gồm một trăm mười ngàn trưởng giả Bà-la-môn được an trú trong quả thánh Dự lưu (sotapatti-phala). Ngày hôm sau, với Sakka làm người mở đường, Ngài đi vào cung điện của vua Bimbisāra để thọ lãnh sự cúng dường trọng đại của vua Bimbisāra.

Tất cả những ngạ quỷ vốn là quyến thuộc xa xưa của vua Bimbisāra đi đến và đứng quanh vị ấy với hy vọng rằng: “ Người bà con xưa kia này của chúng ta, vua Bimbisāra, sẽ hồi hướng phước thí của vị ấy.” Nhưng sau khi đã làm việc phước to lớn, vua Bimbisāra chỉ nghĩ rằng: “ Đức Thế Tôn sẽ ngụ ở đâu?” và không hồi hướng phước thí. Chúng bày tỏ sự phẫn nộ bằng cách tạo những tiếng kêu than kinh hoàng trong cung điện của đức vua vào lúc ban đêm.

Đầy khiếp đảm và kinh hoàng bởi những tiếng kêu than ấy, trời vừa sáng vua Bimbisāra đến gặp Đức Phật và sau khi đảnh lễ Ngài, vua hỏi rằng: “ Bạch thế Tôn, đêm qua con đã nghe âm thanh thật hãi hùng, điều gì sẽ xảy đến cho con?” “Đừng sợ, tâu bệ hạ ”, Đức Phật đáp lại, “Những âm thanh này không đem lại hậu quả xấu cho bệ hạ. Sự thực là những quyến thuộc xưa kia của bệ hạ đã tái sanh vào cõi ngạ quỉ và đang kêu than trông chờ phước hồi hướng của bệ hạ. Trải qua vô số kiếp từ thời Đức Phật Kassapa cho đến bây giờ, những ngạ quỉ này đã trông chờ quả phước do bệ hạ hồi hướng đến. Bệ hạ đã không hồi hướng phước thí của mình đến những quyến thuộc đã quá vãng sau khi bệ hạ đã làm các việc phước vào ngày hôm qua. Vì bị mất hy vọng nhận được phước thí của bệ hạ, chúng đã tạo ra những tiếng kêu gào hãi hùng ấy.” Nghe qua lời giải thích của Đức Phật, nhà vua bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, nếu con làm một việc phước thí nữa và hồi hướng phước đến họ thì họ có thể thọ lãnh được không?” “ Được, tâu bệ hạ, chúng có thể nhận được những phước ấy.” “Nếu vậy”, nhà vua thỉnh cầu Đức Phật, “ Cầu xin Thế Tôn thọ nhận lễ đại thí do con tổ chức ngày hôm nay? Con sẽ hồi hướng phước thí của con đến những quyến thuộc quá vãng.” Đức Phật im lặng nhận lời.

Đức vua trở về hoàng cung và ra lệnh sửa soạn lễ vật cho cuộc bố thí trọng đại; và khi công việc đã chuẩn bị xong, vị ấy sai người đến báo tin với Đức Phật rằng đã đến giờ để Đức Phật đến thọ lãnh sự cúng dường của nhà vua. Đức Phật đi đến hoàng cung và ngồi ở nơi đã được sắp sẵn cùng với chúng tỳ khưu. Tất cả những ngạ quỷ vốn là quyến thuộc xưa kia của đức vua cũng đi đến hoàng cung với ý nghĩ rằng: “ Hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ thọ nhận được phước thí, ” và đứng chờ bên ngoài vách tường.

Đức Phật thị hiện năng lực thần thông của Ngài để nhà vua trông thấy tất cả những ngạ quỷ vốn là quyến thuộc xưa kia của vị ấy. Đức vua rót nước lên hai bàn tay của Đức Phật và nói rằng: “ Idaṃ me ñātinaṁ hotu – Xin cho phước thí được làm bằng việc rót nước này hãy đem lại an lạc cho những quyến thuộc đã quá vãng của tôi.”

Ngay tức thì, (những quyến thuộc quá vãng của nhà vua nhận được phước thí ấy) xuất hiện những hồ nước với năm loại sen dành cho các ngạ quỉ. Tất cả những ngạ quỷ này uống nước, tắm rửa trong các hồ ấy, được thoát khỏi những nỗi thống khổ, sự mệt lả và cơn khát; họ có được sắc tướng tươi tốt.

Lại nữa, đức vua dâng cúng nhiều thức ăn như cơm dẽo, vật thực cứng và vật thực mềm đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu, và cũng như trước, vị ấy lại hồi hướng phước thí ấy đến các quyến thuộc đã quá vãng. Ngay tức thì, nhiều loại vật thực của chư thiên hiện ra để các ngạ quỷ ăn thỏa thích. Sau khi ăn vào một cách ngấu nghiến những vật thực này và được no nê, chúng trở nên khỏe mạnh, sắc thân tươi tốt với đầy đủ ngũ căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

Rồi vua tiếp tục dâng cúng y phục, sàng tọa và chỗ ngụ đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu và lại hồi hướng phước thí này đến các ngạ quỷ; ngay tức thì có hiện ra cho các ngạ quỷ những y phục  của chư thiên, những thiên xa, những thiên cung với đầy đủ giường, gối, mùng, mền, đồ trải và nhiều loại y phục xinh đẹp của chư thiên. Đức Phật chú nguyện để vua Bimbisāra có thể trông thấy hạnh phúc và sự thịnh vượng mà những quyến thuộc quá vãng của vị ấy đang thọ hưởng. Khi trông thấy cảnh những quyến thuộc quá vãng của mình đang sống trong hạnh phúc, vua Bimbisāra vô cùng hoan hỉ.

(Theo Chú giải của bộ Dhammapada trong câu chuyện về đại đức Sāriputta, những ngạ quỷ quyến thuộc vua Bimbisāra đã từ bỏ tướng mạo ngạ quỷ và mang tướng mạo của chư thiên).

Sau khi độ thực xong, Đức Phật, để tán dương các việc phước của đức vua, bèn thuyết bài kinh Tirokkuṭṭa gồm 12 câu kệ, bắt đầu:

Tirokuṭṭesu tiṭṭhanti

sandhisinghaṭakesu ca

dvārabahasu tiṭṭhanti

āgantvānaṁ sakaṁ gharaṁ

(Kinh Tirokuṭṭa gồm trong hai bộ kinh Pāḷi là bộ Khuddaka- pātha và bộ Petavatthu).

Lúc kết thúc bài kinh Tirokuṭṭa này, tám mươi bốn ngàn chúng sanh thấy được những điều khổ đáng sợ do tái sanh trong cõi ngạ quỉ nhờ sự mô tả sống động của Đức Phật, khiến họ khởi tâm kinh cảm (saṁvega). Nhờ vậy, họ siêng năng thực hành pháp, giác ngộ Tứ Thánh Đế và thành đạt giải thoát.

Vào ngày thứ hai cũng vậy, Đức Phật thuyết lại bài kinh ấy đến nhân loại và chư thiên, Ngài tiếp tục thuyết bài kinh ấy trong bảy ngày và mỗi lần thuyết như vậy đều có tám mươi bốn ngàn chúng sanh giác ngộ Tứ Thánh Đế và thành đạt giải thoát.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app