Nội Dung Chính

Trích dẫn 28: TƯỚNG GIỌNG NÓI CÓ TÁM ĐẶC TÁNH NHƯ GIỌNG NÓI CỦA PHẠM THIÊN

Tánh chất du dương trong giọng hót của chim Ca-lăng-tần-già (Karavika) và câu chuyện về hoàng hậu Asandhimittā

Bà hoàng hậu của vua Dhammasoka, Asandhimittā, hỏi chư Tăng (liên quan đến tánh chất du dương từ giọng nói của Đức Phật): “ Có ai trong thế gian này có được giọng nói như giọng nói của Đức Phật chăng?” Câu trả lời của chư Tăng là “ giọng hót của chim Ca- lăng-tần-già (karavika) giống như giọng nói của Đức Phật.” Hoàng hậu lại hỏi: “ Loài chim này sống ở đâu?” Chư tăng đáp lại: “ Chúng sống ở Himavanta.”

Rồi hoàng hậu nói với vua Asoka: “ Tâu bệ hạ, thiếp muốn nhìn thấy chimn karavika.” Đức vua bèn gởi cái lồng bằng vàng đi  với mệnh lệnh rằng: “ Chim karavika hãy đi vào cái lồng này!” Cái lồng bay đi và dừng lại trước một con chim karavika. Con chim suy nghĩ: “Cái lồng này bay đến với lịnh truyền của đức vua. Ta không thể nào chống lại mệnh lệnh của đức vua.” Con chim bèn bay vào lồng và cái lồng vàng bay về trước mặt đức vua.

Tuy có con chim karavika, nhưng không ai có thể làm cho nó cất tiếng hót. Đức vua bèn nói rằng: “ Này các khanh, làm thế nào để con chim này cất tiếng hót?” Các quan đáp lại rằng: “ Tâu đại vương, loài chim karavika này chỉ hót khi trông thấy đồng loại của chúng.” Do đó, vua Asoka sai đặt những tấm gương soi quanh con chim.

Khi con chim trông thấy hình ảnh của nó trong các tấm gương, nghĩ rằng quyến thuộc của nó đã đến bèn cất lên tiếng hót du dương, chầm chậm và khả ái như tiếng nhạc phát ra từ cây sáo bằng hồng ngọc. Đầy ngây ngất với tiếng hót của chim karavika, hoàng hậu Asandhimittā và dân chúng của kinh thành Pātaliputta vô cùng vui sướng; họ say mê như muốn nhảy theo tiếng hót của chim karavika.

Rồi hoàng hậu suy nghĩ: “ Chim karavika chỉ là con thú mà có giọng hót du dương như vậy. Huống hồ Đức Phật, bậc có oai lực vĩ đại nhất, thì giọng nói của Ngài ngọt ngào và du dương biết chừng nào? Tánh chất ngọt ngào, du dương trong giọng nói của Ngài chắc chắn không thể có giới hạn!”

Khi niệm tưởng đến Đức Phật như vậy, tâm của hoàng hậu tràn đầy hoan hỉ (pīti), nhờ đó, nàng phát triển tuệ quán từ bước một và cùng với bảy trăm cung nữ của nàng, tất cả đều chứng đắc quả thánh Nhập lưu (Sotāpatti).

Trích dẫn: NHỮNG BÀI GIẢI THÍCH VỀ 32 HẢO TƯỚNG

Nghiệp nhân dẫn đến 32 hảo tướng

Theo bộ Jinālaṅkāra Tīkā thì mỗi tướng trong 32 hảo tướng của bậc Đại Nhân được định nghĩa rõ ràng qua bốn cách, (1) kamma (nghiệp), (2) kamma-sarikkhaka (nghiệp quả tương ứng), (3) lakkhana (tướng) và (4) lakkhanāṇisamsa (tướng công đức). Ý nghĩa tóm tắt về bốn cách này sẽ được trình bày trước.

Trong bốn cách này, (1) Nghiệp (kamma) nghĩa là việc phước được làm trong quá khứ với chủ tâm chứng đắc Phật quả, phước ấy sẽ cho quả là hảo tướng tương ứng; (2) Nghiệp quả tương ứng (kamma sarikkhaka) nghĩa là năng lực hay khả năng của tướng xuất hiện đúng với nghiệp, (3) Tướng (lakkhana) nghĩa là bất cứ tướng nào trong 32 hảo tướng như tướng bàn chân bằng phẳng, tướng 108 bức hình dưới lòng bàn chân, v.v… có được trong kiếp hiện tại do bởi những phước nghiệp tương ứng đã được làm trong quá khứ; (4) Tướng công đức (lakkhanāṇisamsa) nghĩa là kết quả theo sau của những việc phước trong quá khứ khiến xuất hiện hảo tướng.

(Ví dụ: Bồ tát tích lũy phước trong suốt những kiếp quá khứ rất vững chắc và kiên quyết đến nỗi không ai khác có thể đối chiếu và hủy hoại chúng được. Do sự tích lũy phước như vậy, Ngài thọ hưởng phúc lạc ở cõi chư thiên thù thắng hơn những vị chư thiên khác về 10 phương diện. Khi Ngài tái sanh làm người, Ngài có được tướng bàn chân bằng phẳng giống như chiếc giày vàng. Vì Ngài đã có được tướng ấy nên Ngài có thể đứng và bước đi một cách vững chắc; không ai khác, dầu là người hay chư thiên hoặc Phạm thiên, mà có thể dời Ngài đi chỗ khác hoặc làm cho Ngài bị nghiêng ngã. Phước như vậy cũng cho Ngài kết quả tương ứng: Ngài không bị lay chuyển bởi những kẻ thù ô nhiễm bên trong như tham, sân và si và hai loại kẻ thù bên ngoài: những kẻ chống báng trước mặt và những kẻ chống báng sau lưng Ngài).

Ở đây, tập hợp những phước nghiệp quá khứ của Ngài được tạo thành một cách vững chắc và cương quyết đến nỗi không ai khác có thể khống chế và hủy hoại chúng, đó là: (1) kamma (nghiệp). Tướng lòng bàn chân bằng phẳng của Ngài biểu hiện những việc phước của Ngài là (3) lakkhana (tướng). Khả năng đứng và bước đi một cách vững chắc là kết quả hiện tại của những việc phước quá khứ của Ngài là (2) kamma sarikkhaka (quả nghiệp tương ứng). Khả năng có sẵn trong tướng, hình thành kết quả, phù hợp với khả năng có trong việc phước làm nhân, tánh chất tương hợp như vậy được gọi là quả nghiệp tương ứng (kamma-sarikkhaka – tánh chất phù hợp với nghiệp). Như việc mang cái bình đầy nước có nghĩa là mang nước trong cái bình ấy, cũng vậy nói về tướng với khả năng vốn có trong tướng ấy tức là nói về chính khả năng ấy. Do đó, bài giải thích về lakkhaka (nghiệp quả tương ứng) được tìm thấy thì giống nhau trong Chú giải về bài kinh Lakkhaṇa của bộ Pāthika-vagga Aṭṭhakathā. Sự cố gắng đầy quyết tâm trong việc thực hành các việc phước thiện trải qua nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát dẫn đến kết quả, không những Ngài có bàn chân bằng phẳng, dường như chưa đủ, mà còn đem lại kết quả khác nữa, là khả năng không bị hai loại kẻ thù bên trong và bên ngoài quấy nhiều và làm hại. Kết quả dẫn theo như vậy được gọi là (4) lakkhanānisaṃsa – tướng công đức.

Lòng bàn chân bằng phẳng

Bồ tát đã thực hiện những việc phước phi thường trong nhiều kiếp quá khứ rất vững chắc và kiên quyết đến nỗi không ai khác có thể khống chế hay hủy hoại chúng. Do nhờ những việc phước ấy, Bồ tát thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên thù thắng hơn những vị chư  thiên khác về mười phương diện: tuổi thọ, sắc đẹp, sự an lạc, quyền lực, tùy tùng, nhiều thiên lạc như sắc, thinh, hương, vị và xúc. Khi trở lại cõi người, Ngài có được hảo tướng là bàn chân của Ngài bằng phẳng như chiếc giày vàng. Với tướng như vậy, nếu Ngài ở trong thế gian làm một gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương (Cakkavatti) có bảy báu và trị vì khắp bốn châu thiên hạ giống như trong kiếp ngài làm Chuyển luân vương Mahāsudassana. Do quả phước như vậy, Ngài không bị bất cứ kẻ thù nào làm hại. Nếu xuất gia từ bỏ thế gian, như trong kiếp chót của Ngài sanh làm Thái tử Siddhattha, Ngài sẽ chứng đắc Nhất thiết Trí và trở thành một vị Phật toàn giác, Thế Tôn của ba cõi, và do kết quả như vậy, những lợi ích của Ngài không thể bị ai ngăn cản hay tước đoạt, không bị làm hại hoặc gây nguy hiểm bởi kẻ thù bên trong như tham, sân và si, và kẻ thù bên ngoài, dầu đó là Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, Ma vương hoặc Phạm thiên chống đối trước mặt hoặc sau lưng ngài.

Một trăm lẻ tám vòng tròn với những bức hình dưới hai lòng bàn chân

Trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã làm nhiều việc lợi lạc cho chúng sanh. Ngài đã xua đi sợ hãi cho những người bị sợ hãi. Ngài đã thực hành Dāna kèm theo những vật thí phụ. (Ví dụ, khi bố thí y phục, Ngài cũng cúng dường vật thực làm vật thí phụ đến người thọ thí; Ngài cũng dâng cúng chỗ ngồi, tôn kính họ bằng hương và hoa và còn dâng thêm nước uống. Sau đó, Ngài, thọ trì giới và phát nguyện thành đạt Nhất thiết trí. Bồ tát đã làm những việc phước thí với sự kính trọng). Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên vượt trội những vị chư thiên khác về mười phương diện như đã nêu ra ở trên. Đến khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng một trăm lẻ tám vòng tròn với những bức hình dưới lòng hai bàn chân. Ngài có được tướng ấy, nếu Ngài ở lại thế tục làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành Chuyển luân vương. Do kết quả về sau, Ngài cũng sẽ có được đông đảo tùy tùng gồm các vị Bà-la- môn, các vị trưởng giả, v.v… Nếu xuất gia từ bỏ thế gian như trong kiếp chót như thái tử Siddattha, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và với quả tương ứng, hội chúng to lớn của Ngài sẽ gồm có tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu-bà-tắc và ưu-ba-di, chư thiên, nhân loại, a-tu-la, rồng (naga) và càn-thát-bà (gandhabba)

Ở đây, những việc phước về Dāna được tròn đủ bởi những vật thí phụ trong nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát là (1) kamma. Sự hoàn hảo về mọi phương diện trong những hình ảnh dưới lòng bàn chân tựa như để chỉ rằng:

“Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng Bồ tát đã thực hiện những việc phước về Dāna được tròn đủ bởi những vật thí phụ” là (2) kamma- sarikkhaka –nghiệp quả tương ứng (3) lakkhana – tướng lòng bàn chân (4) lakkhanānisaṃsa – tướng công đức.

Hai gót chân nhô ra, các ngón tay và ngón chân dài, thân thẳng

 Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã kiên tránh sát sanh. Ngài chưa bao giờ cầm lấy khí giới với ý định sát sanh. Ngài đã sống với lòng từ bi, che chở cho chúng sanh. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội những vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được ba hảo tướng là: hai gót chân nhô ra, tướng ngón tay và ngón chân dài và thon; và tướng thân thẳng đứng như thân của Phạm thiên. Vì ngài có được ba tướng ấy cho nên, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Và do kết quả tương ứng, Ngài sẽ sống trường thọ đến hết cuộc đời, không ai khác có thể làm hại đến tánh mạng của Ngài (hoặc giết Ngài). Khi từ bỏ thế gian như trong kiếp chót như Thái tử Siddhattha, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài sống lâu cho đến hết bốn phần năm thọ mạng của Ngài, không ai khác, dầu là Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, Ma vương hay Phạm thiên mà có  thể đe dọa được tánh mạng của Ngài.

Bốn điều bất khả xâm phạm của Đức Phật

Có bốn loại tài sản của Đức Phật mà kẻ khác không thể xâm phạm được, đó là:

(1)     Bốn món vật dụng dành cho Ngài hoặc được đem đến cho Ngài.

(2)     Mạng sống của Ngài.

(3)     Các hảo tướng của Ngài, và

(4)     Hào quang của Ngài (Buddhavaṃsa Aṭṭthakathā, vol 2)

Hay:

(1)     Lợi lộc vật chất về bốn món vật dụng được đem đến cho Ngài.

(2)     Mạng sống của Ngài.

(3)     Tám mươi tướng phụ và hào quang từ thân của Ngài. (Ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, của chư thiên và Phạm thiên cũng không thể sáng trội hơn hoặc làm mờ đi ánh sáng từ thân của Ngài) và

(4)     Nhất thiết của Ngài (Vinaya Pārājika kaṇḍa Aṭṭhakathā, vol I).

Nghiệp, nghiệp quả tương ứng v.v… của những tướng kể trên

Về ba tướng kể trên, (1) Kamma là sự kiên tránh sát sanh, (2) Kamma sarikkhaka (nghiệp quả tương ứng) là khả năng có bề dài và hình dạng của hai gót chân, các ngón tay, các ngón chân và tánh chất thẳng đứng của thân. Nói rõ hơn là: Những người sát sanh thường đi đến nạn nhân bằng cách nhón chân đi khe khẽ vì e rằng tiếng bước chân sẽ bị phát hiện. Kết quả khi họ sanh trở lại làm người, một số thì bàn chân cong xuống như cây cung; một số thì bàn chân cong lên; một số thì lòng bàn chân bị hỏm; một số thì ngón chân vòng kiềng; và số khác thì gót chân vòng kiềng, tất cả những hình tướng méo mó ấy nói lên rằng: “Mọi người nên biết về nghiệp sát sanh của chúng tôi liên quan đến cách đi nhón gót.” Bồ tát có tướng hai gót chân dài tựa như chúng hiện diện để nói lên rằng: “Mọi người hãy biết về thiện nghiệp không sát sanh liên quan đến việc đi nhón gót.”

Tương tự, những người thực hiện hành động sát sanh đi đến nạn nhân bằng cách khom người xuống vì e rằng kẻ khác sẽ trông thấy. Kết quả là khi họ tái làm người trở lại, một số bị gù lưng, một số bị béo lùn, một số bị què quặc tựa như những hình tướng di tật ấy lộ ra để nói rằng: “ Mọi người hãy biết về sự phạm tội sát sanh của tôi liên quan đến hành động khom người.” Bồ tát có thân thẳng đứng như thân của Phạm thiên, là tướng của bậc đại nhân, tựa như nó hiện diện để nói rằng: “Mọi người hãy biết về sự không phạm tội sát sanh liên quan đến hành động khom người.”

Tương tự, những người sát sanh thường cầm khí giới, đao trượng và giết chết nạn nhân. Kết quả là khi họ tái sanh làm người, họ có bàn tay ngắn, ngón tay cong hoặc những ngón tay của họ tựa như chúng dính liền với nhau và ngang bằng với bàn tay tựa như chúng phơi bày ra để nói rằng: “ Hãy để cho mọi người biết về ác nghiệp của chúng tôi.” Ngược lại, Bồ tát có những ngón tay dài và xinh đẹp, tướng của bậc đại nhân, tựa như nó cho biết: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng Bồ tát không hề sát sanh với tay nắm chặt cây gậy.”  Khả năng của những tướng ấy bảo đảm sự trường thọ của ngài, là nghiệp quả tương ứng – kamma-sarikkhaka. Ba chánh tướng ấy : hai gót chân nhô ra, ngón tay và ngón chân dài, và thân thẳng đứng là (3) Tướng (lakkhaṇa). Sự trường thọ là (4) Tướng công đức (lakkhaṇānisaṃsa).

Tướng đầy đặn ở bảy chỗ trên thân

Trong nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát, Ngài đã cho vật thực thơm ngon như các loại bánh, đồ ăn thượng vị, cơm sữa, v.v… Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên; tái sanh làm người, Ngài có tướng là thịt đầy đặn ở bảy chỗ trên thân, đó là hai mu bàn chân, hai mu bàn tay, hai vai và cổ. Vì ngài có được tướng ấy cho nên, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương; nếu Ngài xuất gia thì sẽ thành vị Phật Toàn giác. Do kết quả theo sau, Ngài nhận được được nhiều vật thực thượng vị, loại cứng và loại mềm.

Ở đây, việc phước cúng dường vật thực thượng vị suốt 4 A- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp là (1) kamma. Việc có được thịt đầy đặn ở bảy chỗ trên thân tựa như hiện bày để nói rằng: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng: ‘ Bồ tát đã làm những việc phước cúng dường vật thực thượng vị, v.v… trong những kiếp quá khứ của Ngài và khả năng nó làm nhân để có được nhiều lợi lộc trong chính kiếp ấy là (2) kamma-sarikkhaka (nghiệp quả tương ứng). Tướng thịt đầy đặn ở bảy chỗ là (3) lakkhaṇa (tướng). Việc có được nhiều vật thực thượng vị là (4) lakkhaṇānisaṃsa (tướng công đức).

Lòng bàn tay và bàn chân mềm như tấm lưới

Trong nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát, Ngài đã giúp đỡ nhiều người bằng bốn nhiếp sự (saṅgaha-vatthu). Những người thích vật thí thì Ngài cho vật thí (dāna); những người thích lời nói khả ái thì Ngài giúp đỡ họ bằng lời nói dịu ngọt (piyavācā), một dạng saṅgaha-vatthu; những người thích nghe lời nói có lợi ích thì Ngài giúp đỡ họ bằng lời nói hay hành động có lợi ích (atthacariyā); những người thích nghe lời nói có lợi ích thì Ngài giúp đỡ họ bằng lời nói hoặc việc làm có lợi ích (atthacariyā), saṅgaha-vatthu thứ ba, như cho họ lời khuyên “Điều này nên làm.” “ Điều này không nên làm.” “Nên thân cận với người có tánh như vậy.” “ Không nên thân cận với người có tánh như vậy”, v.v… Những người thích được đối xử trên căn bản bình đẳng dù hạnh phúc hay đau khổ, Ngài giúp họ cảm giác bình đẳng (samānattatā), saṅgaha-vatthu thứ tư. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc của chư thiên; tái sanh xuống cõi người, ngài có được tướng lòng bàn tay và bàn chân mềm và giống như tấm lưới vàng. Vì Ngài có được hai tướng ấy, nên nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành Chuyển luân vương. Nếu xuất gia từ bỏ thế gian thì Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác; do kết quả theo sau, Ngài được tùy tùng phục vụ và hầu hạ tựa như hội chúng ấy đều ở trong bàn tay của Ngài.

Ở đây, những việc phước giúp đỡ chúng bằng bốn saṅgaha- vatthu trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma. Những người không làm những việc phước như vậy thường có bàn tay và bàn chân thô, ngón tay và ngón chân không đều đặn. Tuy nhiên, Bồ tát thì có bàn tay và bàn chân mềm mại, ngón tay và ngón chân bằng phẳng như tấm lưới vàng để chư thiên và nhân loại biết về sự giúp đỡ của Ngài nhiều chúng sanh bằng bốn saṅgaha-vatthu trong những kiếp quá khứ của Ngài. Đặc tánh mềm mại của bàn tay và bàn chân luôn cả sự đều đặn của ngón tay và ngón chân là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Bàn tay và bàn chân mềm, ngón tay và ngón chân đều đặn là (3) Lakkhana (tướng). Sự hoạch đắc về tùy tùng như được gồm thâu trong bàn tay của Ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức)

Mắt cá chân cao và lông trên thân xoắn lên

Trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài, Bồ tát thường tránh xa lời nói vô ích, phù phiếm; Ngài chỉ nói những lời có lợi ích cho hiện tại cũng như tương lai. Ngài chỉ thuyết pháp về Thập thiện nghiệp dẫn đến sự giải thoát khỏi saṁsāra. Do sự thuyết pháp đến đông đảo mọi người đã nâng họ lên giai đoạn cao hơn của sự thịnh vượng nhờ thập thiện nghiệp đạo, Ngài đã thực hiện sự bố thí về Pháp. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, tái sanh xuống cõi người, Ngài có tướng mắt cá chân hơi cao không dính bụi cùng với tướng lông trên thân xoắn lên phía trên. Vì ngài có được hai tướng ấy cho nên, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương; khi Ngài xuất gia từ bỏ thế gian như trong kiếp chót sanh làm Thái tử Siddhattha, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Do kết quả, Ngài đạt đến đỉnh cao tối thắng hơn tất cả chúng sanh.

Ở đây, những việc phước về sự thuyết pháp dẫn đến những tầng bậc cao hơn của kiếp sống là (1) Kamma. Những người không gieo tạo những việc phước như vậy thì có mắt cá chân thấp và lông trên thân thì chúc xuống tựa như chúng hiện bày để nói rằng “ Mọi người hãy biết rằng chúng tôi chưa từng làm việc phước bố thí pháp”. Còn Bồ tát, Ngài có được hai tướng ấy, đó là mắt cá chân cao và lông xoắn lên, tựa như chúng hiện bày để nói rằng: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng Bồ tát đã từng bố thí pháp để nâng cao trình độ tâm linh của chúng sanh. Do đó, khả năng của hai tướng này để chỉ rõ (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Hai tướng trên là (3) Lakkhana (Tướng). Địa vị cao nhất của Bồ tát trong tam giới là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).

Chân tròn như chân con sơn dương (enī)

 Trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã giảng dạy một cách chín chắn và đầy nhiệt tình đến các đệ tử học với Ngài. Ngài chỉ dạy cách để học trò tiếp thu và thực hành nhanh chóng mà không bị trở ngại; Ngài đã chỉ dạy họ về các môn nghệ thuật và các nghề, về các hạnh tu (carana) như ngũ giới, thập giới và Biệt biệt giải thoát giới (Patimokkha) cũng như các giáo lý như thuyết nghiệp báo (kammasakatā – mọi người đều có nghiệp của riêng mình). Khi giảng dạy, Ngài không bao giờ giữ lại điều gì cho riêng mình. Do kết quả của những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng chân tròn, đầy, dài và xinh xắn, giống như chân của con sơn dương, được gọi là enī. Vì Ngài có được tướng ấy, nên nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ là vị Chuyển luân vương, với kết quả theo sau, Ngài sẽ có được tất cả những vật sở hữu của vị vua gồm cả hữu tri lẫn vô tri. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác, kết quả theo sau, Ngài sẽ có được những vật dụng của vị Sa-môn một cách đầy đủ và nhanh chóng.

Ở đây, những việc phước về việc dạy các nghề và các môn nghệ thuật của Bồ tát trong nhiều kiếp quá khứ là (1) Kamma. Những người không thường dạy đệ tử một cách nhiệt tình và đúng đắn mà thường làm mất thì giờ của các đệ tử bằng cách bảo chúng cung kính hầu hạ hoặc sai chúng đi làm việc này việc nọ, như vậy khiến họ bị mệt lã, khiến bắp cẳng chân của họ nở ra. Ngược lại, bắp chuối chân của Bồ tát cao và tròn tựa như chúng hiện bày để nói rằng Bồ tát đã thường dạy đệ tử một cách nhiệt tình và chín chắn, không giữ lại điều gì cho riêng ngài. Khả năng hiện bày tướng đặc biệt ấy là (3) Lakkhana (Tướng). Sự có được các vật dụng thích hợp một cách nhanh chóng là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).

Da láng mịn

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát thường đi đến các vị Sa- môn và Bà-la-môn trí thức và luận bàn với họ như hỏi rằng: “ Thưa các ngài, thế nào là phước? Thế nào là tội?” “Điều gì nên làm theo?” “Điều gì không nên theo?” “ Làm điều gì dẫn đến đau khổ lâu dài?”  và “ Làm điều gì để được hạnh phúc lâu dài?” Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, ngài có tướng da láng mịn. Vì có được tướng ấy nên nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ trở thành vị Chuyển luân vương và bậc đại trí tuệ; trong chúng sanh thọ hưởng dục lạc không  có ai ngang bằng hoặc hơn Ngài về trí tuệ. Khi xuất gia từ bỏ thế gian như trong kiếp chót của Ngài, sanh làm thái tử Siddhattha, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác với trí tuệ vĩ đại, có được quảng trí (puthu- paññā), trí thông suốt về các uẩn, các xứ, v.v… tiệp tuệ (hāsa paññā), tuệ sanh chung với hỉ duyệt; tốc trí (javana paññā), trí khởi sanh nhanh lẹ; lợi trí (tikkha paññā), trí đoạn tận nhanh chóng các phiền não; và quyết trạch tuệ (nibbebhika-paññā), trí xuyên thủng khối tham, sân, si dày đặc; do kết quả theo sau, ngài có được trí tuệ tối thắng hơn tất cả chúng sanh.

(Ở đây bài phân tích của tác giả về tướng đặc biệt này đã rõ ràng, không cần phải nói thêm về nghiệp, nghiệp quả tương ứng, v.v… của tướng ấy).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app